Tuy linh mục phải làm nhiều việc nhưng có hai việc nặng nhọc và khó khăn hơn các việc khác là giải tội và giảng. Ban giáo sư trường thần học đã dạy kỹ càng cho chủng sinh biết cách giải tội, còn về kiểu cách giảng chỉ dạy tóm tắt, đại khái. Sau khi chịu chức, người linh mục phải tự học lấy kiểu cách giảng. Các cha giảng hùng biện xưa nay, trước là do Chúa ban ơn riêng, sau là do chịu khó học hành, soạn bài và giảng lâu ngày lâu năm.
Linh mục nào muốn giảng hay và làm cho người ta sẵn lòng nghe cũng như sinh ích lợi cho tâm hồn họ, trước hết phải có nhân đức thật sự, hai là phải xem nhiều sách, biết nhiều lý lẽ và chịu khó soạn bài giảng lâu năm. Đầu tiên người linh mục phải có nhân đức thật và làm gương sáng, vị linh mục phải có tiếng tốt, có danh giá thì mới giảng như người có quyền và giáo dân mới sẵn lòng nghe và giữ các điều cha giảng. Nếu linh mục mắc tính mê nết xấu nào, hay trong cách ăn ở và việc lành có điều gì đáng trách thì lời linh mục đó giảng không sinh ích lợi cho người ta bao nhiêu. Người ta thấy việc cha làm, cách ăn ở không đi đôi lời cha giảng nên không ai vâng lời mà còn trách thầm: “Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy mình đi”.
Kế đó, vị linh mục muốn giảng hay phải chịu khó học hành, xem sách và dọn bài giảng lâu năm. Vị linh mục phải thông thạo luân lý thần học, năng đọc, suy niệm Thánh Kinh, đọc hạnh các thánh và các bài giảng của các thánh hay những nhà hùng biện trong Giáo Hội. Rồi phải viết bài giảng từ đầu đến cuối, phải học thuộc lòng rồi mới nên giảng. Có linh mục chỉ xem qua bài giảng của người khác soạn rồi ra giảng. Điều đó không đủ. Phải tự mình dọn bài, viết ra giấy, học thuộc lòng thì mới giảng sốt sắng và đem lại ích lợi cho người nghe.
Khi linh mục đã chịu khó dọn bài 8, 9 năm thì không cần viết cả bài ra giấy nữa, mà chỉ chuẩn bị trong trí và viết ra những điểm chính là đủ, tuy nhiên không nên giảng theo kiểu bốc đồng không dọn bài chút nào. Ngày xưa có nhiều vị thông thái đã bỏ nhiều công để dọn bài giảng, nên các đấng ấy đem lại nhiều ích lợi cho phần hồn người ta. Vì có lời của các thánh nói: “Linh mục nào càng chịu khó dọn bài bao nhiêu, càng làm ích cho người ta bấy nhiêu”.
Thánh Lui, dòng Đaminh, người nước Tây Ban Nha là nhà hùng biện đã viết nhiều sách, nhiều bài giảng, nói rằng: “Trong các việc của chức linh mục, việc giảng dạy là việc khó nhọc và nặng nề nhất. Linh mục nào dám làm việc ấy khi chưa chịu khó học hành, xem sách, và dọn bài lâu năm, mà chỉ mượn, chỉ dùng bài của người khác, hay dọn qua loa thì bài giảng khô khan, không đem lại lợi ích cho người ta, chẳng khuyên ai bỏ đàng tội lỗi mà trở lại được. Đến ngày phán xét, người ấy phải chịu phán xét rất nặng vì có lời chép rằng: 'Khốn cho người làm việc của Thiên Chúa cách cẩu thả'.”
Cha Gioan có cả hai điều kể trên: Cha có một nhân đức họa hiếm, cha lại chịu khó học hành, xem sách, dọn bài giảng lâu năm nên cha giảng rất hay, sốt sắng và nổi tiếng khắp nơi. Những người ở Châu Âu, Châu Mỹ và những bậc thông thái và hùng biện phải đi đường xa vạn dặm đến xứ Ars để được nghe cha Gioan giảng.
Cha Gioan có một nhân đức phi thường, danh tiếng ấy vang dội khắp mọi nơi thiên hạ, ở đâu người ta cũng khen và coi cha như vị thánh sống. Những người đến xứ Ars thấy cha gầy guộc xanh xao, chỉ còn da bọc xương; đọc kinh, cầu nguyện, dâng lễ sốt sắng như thiên thần; ngồi tòa giải tội một ngày mười sáu, mười bảy giờ; ăn một ngày hai ba củ khoai, uống nước lã; lại thấy cha hiền lành khiêm nhường, hòa nhã, vui vẻ, thương xót mọi người, nhất là người hèn hạ khốn khó. Vì tin cha là người nhân đức nên người ta sẵn lòng nghe và tuân giữ những điều cha giảng dạy.
Sở dĩ cha Gioan chịu khó học hành, xem sách, dọn bài giảng hơn mười năm, vì cha coi việc giảng dạy là việc quan trọng nên ngài cần cù chịu khó dọn bài giảng rất công phu. Cha không như những người coi thường việc giảng hoặc tự bào chữa rằng: “Con chiên của tôi dốt nát, không biết chữ nghĩa thì tôi khó nhọc soạn bài giảng kỹ để làm gì, giảng thế nào cũng xong”. Cha Gioan giảng bài này xong đã chuẩn bị bài giảng khác ngay. Cha dọn xong rồi thì học thuộc lòng, tập giảng một mình trong phòng áo trước rồi mới giảng cho bổn đạo ở ngoài nhà thờ. Dù cha Gioan thấy việc dọn bài giảng là nặng nề và khó nhọc nhưng cha đã chịu khó đủ mười năm.
Vì cha khó nhọc dọn bài giảng lâu năm và được Chúa ban ơn riêng nên cha giảng thuyết nổi tiếng trong thời ấy. Về sau, cha không phải khó nhọc dọn bài giảng như trước, nhiều khi chỉ dọn trong trí rồi ra giảng.
Về cung cách cha Gioan giảng, chúng ta không thể diễn tả ở đây được. Cha giảng có sức thu hút, sốt sắng như người có quyền. Cha vừa bước lên tòa giảng, mọi người đều lắng tai nghe, nín hơi như uống từng lời của cha nói ra, không muốn mất lời nào. Chỉ sau một vài lời giảng, cha như đã nắm được lòng trí của mọi người để tất cả cùng có một ý với cha. Khi cha nói về sự vui vẻ, mọi người đều vui vẻ. Khi cha giảng về điều xấu, cha buồn bã, chảy nước mắt, mọi người cũng buồn và khóc. Khi cha giảng về tội và sự dữ phát sinh bởi tội, ai nấy đều sợ hãi kinh khiếp.
Khi cha giảng về lòng nhân từ thương xót của Chúa, mọi người đều cảm thấy lửa mến Chúa bừng cháy trong tâm hồn. Khi cha giảng về hỏa ngục, mọi người như xem thấy lửa nóng rát và người làm điều ác đang phải khóc lóc nơi ấy. Khi cha giảng về thiên đàng, mọi người khao khát được chết để lên thiên đàng ngay. Có một người khô khan tội lỗi kia chỉ nghe cha giảng một lúc thôi thì khóc lóc ăn năn trở lại ngay. Khi cha giảng, Thiên Chúa như trao tâm trí người ta trong tay cha, nên cha muốn thế nào người ta luôn vâng theo như vậy.
Các ngày lễ Chúa Nhật, cha Gioan giảng về Phúc Âm, còn hằng ngày lúc đọc kinh tối thì cha giảng về nhân đức này, về tội kia tùy ơn Chúa soi sáng, trong tháng Đức Mẹ thì cha giảng về Đức Mẹ.
Giọng nói cha rất nhẹ nhàng, rất thương yêu không bao giờ quát tháo, hăm dọa. Cha cắt nghĩa những lý lẽ trong đạo một cách minh bạch, phá tan bóng tối tội lỗi che lấp trí khôn và khơi dậy lửa yêu mến Chúa trong tâm hồn. Kinh nghiệm các thánh cho biết: “Ai muốn giảng hay thì phải kính mến Chúa hết lòng, người nào yêu mến Chúa thiết tha sẽ trở nên giảng hay”.
Cha Gioan giảng hay vì cha đã chịu khó xem sách, dọn bài giảng kỹ càng lâu năm và giảng mỗi ngày và nhất là cha có lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự.
Những linh mục nào coi thường việc giảng, chỉ soạn bài giảng qua loa, hay chẳng dọn chút nào và từ khi chịu chức đến giờ chẳng hề viết xuống giấy, chỉ giảng lời mình mà không giảng lời Thiên Chúa, thì phải đấm ngực ăn năn vì đã coi thường việc giảng từ lâu nên nhiều người có tội không ăn năn trở lại, nhiều người khô khan không nên sốt sắng. Đến tòa phán xét, các linh mục đó phải trả lời về hành động cẩu thả ấy trước mặt Chúa.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP