Khi Chúa đuổi ông Adong và bà Evà ra khỏi vườn Địa Đàng, từ đó đất đai sinh gai góc, cỏ dại khiến hai ông bà cùng con cháu, là tất cả nhân loại, phải làm việc vất vả khó nhọc, phải đổ mồ hôi ra mới có của ăn và phải chết. Vì vậy trong thế gian nầy, mọi người đều phải khó nhọc làm nghề nọ, nghề kia để nuôi sống mình, nhưng không có nghề nào vất vả khó nhọc, dầm mưa dãi nắng cho bằng nghề nông. Dân làm nghề nông vất vả không chỉ có người lớn, mà trẻ con cũng có việc của trẻ con chứ chẳng được ở không. Khi Gioan lên bảy tuổi cha cậu sai đi chăn chiên ngoài đồng thay cho anh trai.
Từ xưa đến giờ Chúa hay tỏ lòng yêu thương cách riêng những kẻ chăn chiên, Người thương Abel, em của Cain, và vui lòng nhận lấy lễ tế là những con chiên mà ông dâng lên Người. Khi Đavit đang chăn chiên, Chúa đã tuyển chọn ông làm vua dân Do Thái. Khi Chúa Giêsu giáng sinh nơi hang đá thành Bêlem, Thiên Chúa sai các thiên thần mang tin vui ấy cho những mục đồng gần đấy biết để đến thờ lạy Người trước hết. Lúc rao giảng Chúa Giêsu cũng xưng mình là Chúa Chiên Lành.
Cuộc đời của các thánh như Thánh Visentê lập dòng, Thánh Genovepha, Thánh Germana cùng nhiều thánh khác khi còn bé đã làm nghề chăn chiên. Chúa thương Gioan Vianney như đã thương các thánh ấy, vì trong những năm chăn chiên, Gioan chẳng những giữ được lòng sạch tội, mà còn thêm lòng yêu mến Chúa và làm đẹp lòng Người hơn nữa.
Đoàn súc vật mà Gioan chăn dắt gồm bốn con bò, một con lừa và bốn con chiên. Sáng tinh mơ, Gioan một tay cầm tượng Đức Mẹ, một tay cầm roi thong thả đi theo đoàn súc vật ra đồng cỏ cho chúng ăn và ở với chúng cho tới lúc gần tối mới dong chúng về. Những trẻ chăn chiên trong làng thấy Gioan hiền lành, vui vẻ, không cãi cọ với ai, không làm mất lòng ai, nên chúng rất mến phục Gioan.
Vì nhân đức tốt lành, luôn làm đẹp lòng người, có sức thúc bách mọi người phục mình và vì hiền lành khôn ngoan, nên mặc dù Gioan còn bé và ít tuổi hơn chúng bạn cùng chăn chiên, cậu được chúng tôn lên làm thủ lãnh đám mục đồng. Bọn chúng kính nể và luôn vâng lời cậu như đàn em vâng lời đàn anh. Gioan thấy chúng bạn mến phục mình thì lợi dụng việc đó mà khuyên họ hãy yêu mến Chúa cùng hòa thuận yêu thương nhau, đừng cãi cọ chửi rủa nhau và cũng không văng tục chửi bậy.
Có lúc cậu bảo chúng bạn ngồi xuống chung quanh, rồi khuyên bảo chúng như linh mục giảng trong nhà thờ. Có lúc cậu để tượng Đức Mẹ trên một tảng đá, cậu quỳ xuống và ra hiệu cho chúng bạn cùng quì đọc kinh Kính Mừng. Nhiều lúc bọn chúng nghe lời cậu khuyên bảo hay chịu đọc kinh chung nhưng cũng có lúc bọn chúng dở chứng không nghe, bỏ đi chơi chỗ khác. Gioan thấy vậy thì không thích, nhưng làm thinh không nói gì. Cậu rất ham mộ đời sống cầu nguyện nên nhiều lần đang chơi, đang nói chuyện với chúng bạn, cậu bỏ đi tìm nơi vắng vẻ mà đọc kinh lần hạt.
Không những Gioan kính mến Chúa, yêu mến Mẹ Maria trên hết mọi sự mà cậu còn thương xót và hay giúp đỡ người nghèo. Ban tối, khi những người nghèo đến xin ăn nơi nhà cha mẹ thì cậu giúp cha mẹ phục vụ họ trong việc ăn uống và dọn chỗ ngủ cho họ. Không những cậu thương họ phần xác mà cả phần hồn nữa, cậu dạy cho các trẻ biết làm dấu thánh giá, đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và khuyên bảo bọn chúng cố gắng sống hy sinh, hãm mình.
Gioan đã mười hai tuổi mà vẫn chưa được rước lễ lần đầu vì lúc ấy nước Pháp đang xảy ra cuộc cách mạng, dân chúng náo loạn. Kitô giáo bị bách hại tan tác, những người cách mạng chém đầu vua và hoàng hậu, bắt bớ những kẻ quí tộc thuộc dòng dõi sang trọng và những ai không theo phe cách mạng. Hễ chúng bắt được người nào thì giết, bỏ tù hay lưu đày. Cuộc cách mạng cũng cấm đạo dữ dội không thua gì các vua chúa ngoại đạo khi xưa, họ bắt bớ các linh mục, tu sĩ nam nữ, tịch thu các nhà dòng cùng ruộng nương, tài sản của các dòng ấy, xâm chiếm nhà thờ ở các nơi.
Những người cách mạng không phá bỏ, không bán các nhà thờ, nhưng có nơi họ làm nhà hội họp, có nơi làm nhà hát, có nơi họ niêm phong cửa ra vào, cấm không cho ai đến đọc kinh dự lễ. Còn các linh mục, người thì trốn sang nước ngoài, người nào không muốn bỏ con chiên thì chạy lên rừng, lên núi ẩn kín trong các hang hốc hay giả làm thầy thuốc, làm lái buôn, làm đầy tớ, ẩn náu tạm bợ, khi ở nhà này, lúc ở nhà kia. Những ai trốn không kịp hay ẩn nấp không được đều bị bắt và xử trảm.
Không khí cách mạng đang còn hừng hực thì quan quân về làng Dardilly niêm phong cửa nhà thờ, và vì làng ở gần trục lộ chính nên quan quân qua lại nơi đó luôn. Linh mục chánh xứ phải trốn đi không được ở đấy. Than ôi! Trong ba bốn năm trời, con mất cha, đoàn chiên mất chủ chăn, không được dự lễ, không được xưng tội chịu lễ, không được vào nhà thờ, nên những ai có lòng đạo đức như gia đình ông Mátthêu thì đau khổ, buồn phiền biết là chừng nào! Giống như những năm mất mùa đói kém, người ta thèm khát có cái gì ăn được để bỏ vào bụng cho đỡ đói, cho khỏi chết thế nào thì trong những năm đại loạn ấy, giáo dân các nơi các xứ cũng ước ao của ăn thiêng liêng nuôi dưỡng phần hồn họ như vậy.
Những nơi hẻo lánh, xa xôi ở trên rừng, trên núi hoặc nơi đồng bằng nhưng giáo dân gan dạ, sốt sắng thì các linh mục có thể ẩn nấp được trong nhà họ. Trong thành phố Lyon và những làng mạc kế cận có khoảng gần ba mươi linh mục, các ngài ẩn nấp nơi này nơi kia trong suốt cuộc cách mạng. Ban đêm, các linh mục cải trang thành thường dân đi xức dầu cho kẻ hấp hối, hoặc khi có thể được thì làm lễ cho giáo dân trong một nhà nào đó lúc trời còn tối.
Vì Gioan lớn lên trong thời đại loạn như vậy nên không được chịu lễ lần đầu sớm, điều đó làm cha mẹ và nhất là Gioan rất buồn lòng. Cuối năm 1794, sau khi cơn bão cách mạng dịu đi phần nào, có bốn linh mục đến ẩn náu tại làng Ecully, quê ngoại của Gioan, tiếp giáp xứ Dardilly. Làng Ecully rất lớn, có gần bốn ngàn người. Giáo dân trong làng ấy ngoan đạo sốt sắng, họ gan dạ sẵn sàng chứa chấp các linh mục. Bàn ngày các ngài ẩn kín trong nhà các giáo hữu, ban đêm, các ngài giải tội, khuyên bảo yên ủi kẻ yếu lòng, dạy giáo lý cho các trẻ chưa xưng tội rước lễ lần đầu, có khi làm lễ ban đêm cho mọi người đến dự.
Khi cha mẹ Gioan nghe tin có linh mục đến trốn tại làng Ecully, hai vợ chồng và con cái luân phiên nhau đội thúng quẩy bánh, làm như đi chợ để dự lễ cùng xưng tội rước lễ cho thỏa lòng khát khao. Gioan thường theo cha mẹ cùng chị em tham dự thánh lễ, và mỗi lần như thế, cậu thường quỳ nghiêm trang, sốt sắng gần bàn thờ. Linh mục dâng lễ thấy cậu bé hay quì gần bàn thờ, nghiêm trang chăm chú, không hề quay ngang quay ngửa thì để ý đến cậu bé.
Có một lần, khi xong lễ, linh mục hỏi Gioan tên gì? Bao nhiêu tuổi? Quê ở đâu? Xưng tội đã bao lâu? Gioan thưa lại rõ ràng lễ phép. Bấy giờ, linh mục thấy Gioan đã lên mười hai tuổi mà chưa xưng tội lần nào thì bảo cậu vào tòa giải tội ngay cho, và sau đó ngài dạy giáo lý cùng kinh bổn thêm cho cậu để dọn mình rước lễ lần đầu. Chẳng biết Gioan vào tòa giải tội nói điều gì, xưng những tội nào, nhưng có kẻ sau này nghe linh mục đó nói:
- Ngài chưa gặp một con trẻ nào giữ linh hồn mình thanh sạch và tấm áo rửa tội còn toàn vẹn như Gioan.
Ở làng Ecully, có hai chị đi tu, chính quyền địa phương sau khi phá nhà dòng đã đuổi hai chị về quê quán với cha mẹ. Hai chị ấy sống rất nết na, đạo đức, nêu gương sáng về đời sống bác ái đối với người bệnh, kẻ hấp hối, cùng dạy giáo lý cho trẻ con và tập cho chúng biết cách xưng tội rước lễ. Gioan đến học giáo lý xưng tội rước lễ với hai chị nữ tu ấy ở làng Ecully, nên phải trọ nhà bà dì đủ một tháng. Hai chị thấy Gioan ngoan ngoãn nghiêm trang, lễ phép không quấy phá bao giờ, nên họ thương cách riêng và hay lấy gương Gioan để răn bảo các trẻ khác.
Khi Gioan đã học thuộc lòng các kinh và hiểu biết các điều cần thiết, cũng như đã dọn mình xưng tội rước lễ vừa xong thì có tin chính quyền đem quân đến lục soát làng Ecully, các linh mục ở đây lại vội vàng trốn sang nơi khác. Nhưng chỉ một tháng sau thấy yên, các ngài lại trở về Ecully.
Gioan được tin, vui mừng đến học cùng hai chị nữ tu ấy mấy ngày, sau đó được xưng tội rước lễ lần đầu cùng với mười lăm trẻ khác. Lúc đó Gioan đã mười ba tuổi. Vì cậu cùng các trẻ chịu lễ ban đêm, lén lút trong nhà tư nên chẳng có ai biết cậu đã rước lễ thế nào, nhưng chúng ta tin rằng cậu phải rước lễ sốt sắng lắm... Những trẻ cùng rước lễ với Gioan nói với nhau rằng:
- Gioan Vianney sốt sắng như thiên thần.
Từ ngày Gioan được rước lễ lần đầu, cậu càng đem lòng yêu mến Chúa hơn, cố gắng sống nhân đức ngày càng trọn hảo hơn. Các ngày lễ trọng trong thời cấm cách, cậu tìm cách đến làng Ecully trước khi trời sáng để dự lễ, và nhiều khi cậu đi lễ cả những ngày thường nữa, vì cậu rất quí trọng Thánh Lễ. Ai xem thấy cậu thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể ngự trên bàn thờ cách nghiêm trang sốt sắng cũng sinh lòng mến Chúa.
Ông Mátthêu có bệnh thấp khớp, đau đớn khó chịu lắm, có khi phải nằm bốn năm ngày mới bớt; một lần kia ông phải chứng bệnh hành hạ đau đớn hơn mọi khi, lúc đó Gioan xin phép đi lễ, ông không muốn cho đi nhưng Gioan thưa:
- Xin cha cho con đi tham dự Thánh lễ, con sẽ cầu nguyện sốt sắng với Chúa Giêsu cho cha được khỏi hay là bớt bệnh.
Và điều ấy đã xảy ra như vậy.
Gioan Vianney là cậu bé dễ vâng lời, không những vâng lời trong mọi sự mà còn vâng lời mau mắn vui vẻ. Catharina, chị ruột cậu kể:
- Khi mẹ tôi bảo các em tôi làm việc gì, các em thường khó chịu, ta thán hoặc chậm chạp chán chê mới vâng lời, còn Gioan thì vui vẻ làm ngay.
Gioan có tính hiền lành, vui vẻ hòa nhã nên chẳng cãi cọ với ai, cậu cũng không nói lời gì làm mất lòng ai. Khi có ai nói xúc phạm, làm mất lòng cậu thì cậu làm thinh, vẫn vui vẻ hiền lành với người ấy nên không có ai buồn giận cậu.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP