Cha Gioan rất khiêm nhường cho mình là người hèn hạ, dốt nát, kém nhân đức, không biết hướng dẫn linh hồn người ta, không đáng làm linh mục. Cha nghĩ chức linh mục rất cao trọng và người có chức ấy phải coi sóc giáo dân và lo cho giáo dân của mình được lên thiên đàng, nên cha coi việc ấy rất nặng nề, thật ngại ngùng, nhất là nghĩ đến ngày Chúa phán xét, linh mục phải thưa lại với Chúa về những linh hồn mà Người đã giao cho mình coi sóc, nên cha lo lắng, sợ hãi. Cha nhớ đến hạnh tích Thánh Vincentê de Paul, Thánh Gioan Lasan và nhiều thánh khác, trước đã làm cha xứ, coi sóc con chiên và sau xin nghỉ, xin đi làm việc khác vì thấy việc coi xứ và coi sóc giáo dân là gánh nặng mà sức mình không chịu nổi, chỉ sợ mất linh hồn mình. Vì những lý do ấy mà cha luôn luôn muốn xin nghỉ hưu, nghỉ việc coi sóc giáo dân để vào nhà dòng hay tìm nơi vắng vẻ đọc kinh cầu nguyện và ăn năn đền tội dọn mình chết lành.
Những năm mới coi xứ Ars cha luôn để tâm về điều ấy. Nhưng từ năm 1826, khi dân các nơi các nước nghe nói về cha, họ kéo nhau đến xứ Ars ngày càng đông, cha cho mình là người yếu hèn, không thể gánh nổi việc ấy nên chỉ muốn nghỉ, muốn bỏ xứ tìm nơi vắng vẻ đọc kinh cầu nguyện và ăn chay đền tội.
Cha thường hay than thở:
- Khi tôi còn ở nhà cha mẹ lúc đó hạnh phúc biết chừng nào. Dù tôi phải chăn chiên, làm ruộng nhưng vẫn có giờ nghỉ, có giờ đọc kinh cầu nguyện lo cho linh hồn tôi, nhưng bây giờ tôi phải lo cho linh hồn người khác cả đêm lẫn ngày, không còn giờ mà lo cho linh hồn tôi nữa.
Vì cha nghĩ trách nhiệm ấy nặng quá, không thể gánh được, nên năm 1840, cha bỏ xứ trốn đi ban đêm, không cho một ai hay biết. Cha đi được một quãng dài, đến chỗ kia có thánh giá dựng bên đường, ngài dừng chân một lúc và suy nghĩ:
- Tôi bỏ xứ trốn đi liệu có trái thánh ý Chúa không? Dù tôi vào tu dòng và làm được nhiều điều, nhưng chắc gì đã làm đẹp lòng Chúa cho bằng tôi ở lại xứ để cứu nhiều linh hồn, vì một linh hồn thì trọng hơn mọi việc lành phúc đức.
Cha suy đi nghĩ lại điều ấy rồi quyết định trở về xứ của mình để làm việc như trước.
Năm 1843, khi cha Gioan bị bệnh nặng gần chết nhưng Chúa đã chữa bệnh cho cha như chúng ta đã biết, con chiên vui mừng lắm nhưng không được lâu vì cha khỏi bệnh được hai năm thì nghe tin cha có ý xin nghỉ để đi tu dòng. Chính cha nói với người ta:
- Cha đã xin Chúa chữa bệnh cho mình, để thôi việc coi sóc giáo dân, tìm nơi vắng vẻ ăn năn đền tội và chuẩn bị cho cái chết.
Thời gian đó, đức giám mục thấy cha Gioan đã yếu mà công việc của cha lại quá nhiều và nặng nhọc nên ngài sai một linh mục trẻ, thông thái và nhân đức đến làm phó cho cha Gioan để giúp xứ Ars. Cha Gioan thấy linh mục ấy nhân đức và có tài điều hành việc trong xứ khéo hơn mình, nên ngài định tâm bỏ xứ trốn đi đang lúc đêm tối. Cha chỉ nói cho hai cô coi sóc viện mồ côi biết ý định ấy và buộc hai cô phải giữ kín. Nhưng chẳng may có người nghe thấy họ đi nói cho cả làng Ars biết.
Khi dân làng biết ý cha xứ, họ cử người canh gác chung quanh nhà xứ và nhà thờ. Cha Gioan đọc kinh, giảng, giải tội cho đến khuya, rồi cha về nhà xứ nghỉ như mọi ngày. Khoảng hai giờ sáng, các người canh gác thấy cha mở cửa sau ra ngoài thì họ đánh trống, đánh chuông nhà thờ. Lập tức cả làng thức dậy, đổ ra canh các lối. Đêm ấy trời tối lắm nên cha Gioan và một thầy, đang dạy học cho con trai ở làng Ars, đi đường tắt ra cánh đồng mà không ai hay biết. Hai cha con chạy một mạch ba tiếng đồng hồ đến làng Dardilly, quê của cha Gioan, đúng lúc trời vừa sáng. Cha Gioan mệt quá, hai chân đều sưng phồng lên, nếu có phải đi lâu hơn nữa cũng không sao đi nổi.
Cha dặn anh em con cháu phải giấu kín, đừng nói cho ai biết cha đang ở đây. Nhưng cha bỏ xứ Ars được bốn ngày thì người ta biết cha đã về quê quán và đang ở nhà người anh ruột trong làng Dardilly. Cả làng Ars kéo đến Dardilly kêu van khóc lóc xin cha về. Những người tứ xứ đi bảy tám ngày đường đến làng Ars để xưng tội mà chưa kịp xưng, nay cũng đến làng Dardilly xin cha giải tội cho mình. Tin cha về nghỉ ở quê đồn thổi khắp miền ấy, những người trên tỉnh Lyon và các xứ chung quanh đấy kéo đến xin xưng tội rất đông, đến nỗi khó có chỗ ăn ngủ cho họ.
Ở làng Ars, cha Gioan đã lo liệu có nhà hàng ăn rộng rãi lịch sự để mọi người có thể ăn uống và trú ngụ mấy ngày, mấy tháng cũng được. Nhưng ở làng Dardilly không có hàng quán cho khách ăn uống và trú ngụ nên gây trở ngại cho khách và làm nặng lòng cha Gioan cùng anh em của cha. Lại còn một điều trở ngại nữa là vào năm 1823, Tòa Thánh chia địa phận Lyon làm hai. Xứ Ars thuộc về địa phận mới, còn quê cha Gioan, xứ Dardilly, thuộc về địa phận cũ, nên cha phải viết thư xin đức giám mục ở đấy cho phép cha giải tội trong địa phận của ngài, và đức giám mục bằng lòng ngay. Ở Dardilly, cha phải giải tội vất vả không kém gì khi cha ở xứ Ars. Thấy vậy, cha suy nghĩ: “Dù mình ở đâu, đi đâu, người ta cũng tìm đến mình chứ chẳng để yên thân.”
Đang khi cha ở quê nhà thì được thư đức giám mục của địa phận mình. Trong thư ấy đức giám mục đưa ra hai xứ và cho cha muốn chọn xứ nào tùy ý, nhưng cuối thư ngài tỏ ý muốn cha Gioan về lại coi xứ Ars. Vì những lý do ấy, và vì con chiên luôn kêu van khóc lóc nên cha quyết định về lại xứ Ars. Cha còn nhọc mệt và đau chân lắm, không đi bộ được, phải mượn ngựa của anh ruột để về lại xứ Ars.
Khi nghe tin cha Gioan về đến gần làng, giáo dân trong làng đánh trống, đánh chuông, bỏ nhà, bỏ việc tuốn ra đường đi đón cha. Lúc cha vừa đến nhà xứ, tất cả con chiên của cha tụ họp lại chung quanh kêu lên:
- Ô! Cha về! Cha về! Cha lại về với chúng con.
Kẻ cười, người khóc vang dậy một góc trời. Cha Gioan xuống ngựa, vui vẻ chào hỏi tất cả mọi người, chúc lành cho họ rồi chống gậy đi vào nhà thờ chầu Mình Thánh một lúc. Ngày hôm sau, cha lại làm việc bổn phận bình thường. Đã tám ngày, làng Ars vắng khách và buồn tẻ, nay lại trở nên vui vẻ, sấm uất và khách tứ phương thiên hạ kéo đến đông như trước.
Dù cha Gioan biết công việc mình làm có ích lợi cho người ta và làm đẹp lòng Chúa, vì cha giúp cho nhiều người có tội ăn năn trở lại, nhưng cha luôn khao khát tìm nơi vắng vẻ để đọc kinh cầu nguyện, ăn năn đền tội và dọn mình chết.
Bấy giờ, thiên hạ kéo đến xứ Ars mỗi ngày một đông hơn, mỗi một năm hơn tám chín chục ngàn người nên đức giám mục phải sai thêm năm sáu linh mục đến làm phó cho cha Gioan mà giúp xứ Ars. Cha Gioan thấy các cha ấy nhân đức lại có nhiều tài, làm được nhiều việc nên nghĩ rằng mình không cần ở đây nữa. Năm 1853, mười năm sau khi cha bỏ xứ trốn về quê, nay cha lại quyết định trốn nữa nhưng giấu không cho ai hay.
Ngày 3 tháng 9 là ngày cha định bỏ đi, cha nói với hai cô coi sóc viện mồ côi:
- Đêm nay cha đi. Lần này cha đi thật, hai cô hãy giữ kín, đừng nói cho ai hay biết.
Nhưng có người nghe thấy và nói cho cả làng biết nên dân làng cắt cử người canh gác. Nửa đêm, khi cha mở cửa để trốn đi thì gặp một cha phó và mấy thầy đang chực ở ngoài, họ giữ cha lại không cho cha đi. Mấy thầy thưa với cha rằng:
- Nếu cha quyết định đi chúng con sẽ đánh trống, giật chuông cho làng nước biết.
Cha đáp:
- Các thầy muốn đánh trống giật chuông thì cứ làm, còn tôi thì quyết định đi bây giờ.
Vị linh mục phó giúp cha cũng can gián:
- Xin cha đừng đi.
Nhưng cha không nghe. Bấy giờ, trời tối lắm, cha phó giật cuốn sách nguyện mà cha Gioan đang kẹp ở nách để giấu đi. Cha Gioan nói:
- Tôi còn một cuốn sách nguyện khác mà đức cha đã cho ngày trước, tôi đi lấy.
Cha phó theo cha vào phòng, trong khi cha Gioan tìm cuốn sách nguyện, cha phó thấy trên vách có bức chân dung đức giám mục địa phận mới qua đời, ngài đưa tay chỉ bức ảnh ấy và nói:
- Thưa cha, nếu đức giám mục còn sống mà thấy việc cha làm bây giờ, chắc ngài sẽ buồn lắm. Khi đức giám mục còn sống, cha vâng lời thế nào, thì bây giờ dù ngài đã qua đời, cha cũng phải vâng lời như vậy. Xin cha nhớ lại lời ngài đã bảo cha mười năm trước, khi cha bỏ xứ về nhà quê.
Cha Gioan yêu mến và luôn nhớ đức giám mục khi còn sống đã thương mình, nên khi nhắc đến ngài cha cũng xúc động một lúc, rồi cha bảo:
- Nếu đức giám mục còn sống mà thấy việc tôi làm thì không buồn đâu, vì ngài biết tôi cần phải nghỉ việc, tìm nơi vắng vẻ để ăn năn đền tội và chuẩn bị cho cái chết.
Làng xóm nghe tiếng trống, tiếng chuông giật liên hồi lúc nửa đêm, chẳng biết có việc gì nên họ chạy đến nhà thờ. Có người tưởng là cháy nhà nên mang gàu, mang thùng để tạt nước, có người nghi ngờ là cướp nên cầm súng, cầm gậy và giáo mác. Khi đến sân nhà thờ mới biết là cha Gioan định bỏ đi nên họ cắt đặt người canh gác các cửa và các đường, rồi cả đàn ông đàn bà, già trẻ cùng với những người thập phương đều kéo vào nhà xứ. Khi họ gặp cha Gioan đang đi ra, họ vây chung quanh cha mà lạy lục kêu van:
- Cha ơi! Xin cha ở lại với chúng con, xin cha đừng bỏ chúng con.
Nhưng cha Gioan làm như không nghe thấy, cứ đi. Khi đến cổng thấy đã khóa, cha tìm cửa khác.
Mọi người thấy cha cố tình bỏ đi liền vây quanh không cho cha đi nữa. Bấy giờ, cha Gioan lấy lời hiền lành ngọt ngào như mọi khi mà nói:
- Cha có việc rất cần phải đi, cha không ở đây với chúng con được.
Mọi người thưa rằng:
- Cha phải ở lại, chúng con không cho cha đi.
Còn những người ở phương xa đang ở đấy kéo nhau đến sấp mình trước cha mà xin:
- Thưa cha chúng con ở xa, phải đi hai ba mươi ngày mới đến đây được để xưng tội với cha, xin cha ở lại giải tội cho chúng con.
Bấy giờ cha phó được dịp khuyên cha Gioan:
- Thưa cha! Cha đã xem hạnh các thánh nhiều rồi, cha không nhớ Thánh Mattinô khi gần chết, sắp đến giờ được lên thiên đàng hưởng phần thưởng Chúa hứa ban cho những linh mục chu toàn bổn phận của mình, thánh nhân đã than thở với Chúa: 'Lạy Chúa con, nếu con còn làm ích cho con cái Chúa, nếu con còn cứu được linh hồn người ta, con sẽ không quản khó nhọc, con sẽ sẵn sàng chịu mọi sự khó bao năm tùy thánh ý Chúa'. Sao cha không bắt chước thánh ấy? Sao cha sợ khó, sợ khổ, bỏ việc nửa chừng vậy? Chắc là cha đã quên lời Thánh Philipphê Nêri: 'Nếu như tôi đã bước một chân vào cửa thiên đàng mà có người xin xưng tội thì tôi sẽ hoãn phúc thiên đàng lại để giải tội cho hối nhân đã'. Bây giờ đã có nhiều người ở cách đây hai ba chục ngày đường đến xin xưng tội với cha, sấp mình kêu nài van xin cha giải tội cho mà cha không thương đến họ sao? Đến tòa phán xét, cha sẽ thưa lại về những linh hồn ấy trước mặt Chúa Giêsu thế nào đây?
Cha phó còn nói nhiều lời sốt sắng thảm thiết khác nữa khiến mọi người hiện diện đều bật khóc. Cha Gioan lặng yên không nói gì nhưng có vẻ cha xúc động lắm. Mọi người cứ khóc lóc kêu van:
- Cha ơi! Xin cha ở với chúng con, xin cha đừng đi.
Họ thấy cha cứ lặng yên nên xúm lại nắm lấy tay cha dắt đi, sau có người bế cha vào nhà thờ. Cha sấp mình xuống trước bàn thờ cầu nguyện một lúc lâu rồi vào tòa giải tội cho người ta.
Ngày hôm sau, cha chính địa phận và cha giải tội của cha Gioan, khi được tin cha muốn bỏ xứ mà đi, các ngài đến xứ Ars khuyên cha ở lại, nhưng cha cứ lặng thinh không nói rõ đi hay ở. Những ngày ấy Thiên Chúa soi trí mở lòng và an ủi cha Gioan. Cha hiểu ý Chúa muốn mình coi xứ Ars cho đến chết nên cha bỏ ý riêng của mình mà cúi đầu vâng theo thánh ý Chúa.
Sau đó hai năm, cha thấy dấu này thì hiểu rõ ý Chúa muốn cha phải coi xứ Ars cho đến chết, không được đi đâu. Ngày 26 tháng 1 năm 1855, con ông anh ruột đến Ars báo tin rằng cha nó ốm nặng gần chết, xin cha về thăm. Cha Gioan được tin ấy liền lên xe đi ngay. Mới đi được một quãng ngắn cha chóng mặt, nôn mửa, phải bỏ xe mà đi bộ. Đi bộ chưa được nửa đường thì quá mệt nhọc, không thể đi được nữa, phải trở về xứ Ars. Cha coi việc ấy như là dấu chỉ Chúa không muốn cha ra khỏi xứ nên cha không đi đâu nữa. Từ nay cha chỉ ở nhà giải tội và làm các việc bổn phận đêm ngày cho đến chết, vì dân chúng từ bốn phương kéo đến xứ Ars ngày càng đông hơn.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP