Vào thời đó, đâu đâu người ta đều lấy nghề nông làm trọng và cần hơn các nghề khác, do đó người ta thường nói: “Dĩ canh nông vi bản”. Ông Adong và bà Evà, khi bị đuổi ra khỏi vườn phải cày sâu cuốc bẫm để có miếng ăn và truyền nghề ấy lại cho con cháu. Thiên Chúa khi sáng tạo đã khiến đất sinh ra mọi thứ cây trái, cây có hạt để làm thức ăn cho mọi loài; nhưng vì tổ tông loài người phạm tội nên mới phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có của ăn. Ông Mátthêu đã già yếu không làm nổi việc nặng nên Gioan không đi chăn chiên nữa, cậu phải ở nhà đi làm ruộng cùng với anh. Việc ruộng nương nặng nhọc lắm, phần do đất đai khô cứng, phần do phương tiện quá thô sơ nên công việc dọn đất tốn rất nhiều công. Vì thế, trừ những ngày lễ trọng và lễ buộc người ta phải nghỉ việc, còn quanh năm ngày tháng nông dân phải làm luôn tay không nghỉ bao giờ.
Phanxicô và Gioan, hai anh em đi làm với nhau. Phanxicô hơn Gioan ba tuổi nên khỏe và quen việc hơn. Dù vậy, Gioan luôn cố gắng theo anh học việc và muốn làm bằng anh nên đến chiều tối thì quá mệt. Nhưng chẳng mấy chốc Gioan quen việc, làm khỏe chẳng thua kém anh bao nhiêu. Mùa nào việc ấy. Mùa gặt hái thì gặt hái, đến mùa làm hoa mầu thì làm hoa màu, trồng ngô, trồng đậu, gánh phân tưới nước; mùa nho thì tỉa cành, vun gốc, Gioan luôn chịu khó làm việc quanh năm suốt tháng, không tiếc công sức, chẳng ngại khó nhọc.
Gioan Vianney càng siêng việc phần xác bao nhiêu thì càng chăm việc phần hồn bấy nhiêu, vì cậu biết hai việc ấy phải đi đôi với nhau, hơn nữa việc phần xác không làm ngăn trở việc cậu yêu mến, kết hợp với Chúa. Ban sáng khi đi làm và ban tối khi đi làm về, cậu vừa đi vừa lần hạt. Ăn cơm trưa xong, những người cùng làm ruộng với cậu thường nghỉ trưa một giờ, còn cậu không ngủ, dành thời giờ đó để đọc kinh cầu nguyện.
Sáu mươi năm sau, khi cha Gioan Vianney đã già, ngài thường than thở:
- Xưa ở nhà cha mẹ, tôi đọc kinh luôn, lúc ở một mình tôi đọc to, còn khi có người, tôi thầm thĩ đọc trong lòng.
Vào ngày khác, ngài nói:
- Bây giờ tôi phải lo cho linh hồn người ta nên gần như chẳng còn giờ để lo cho phần linh hồn của tôi. Phải chi bây giờ tôi được như ngày xưa, khi làm ruộng cho bố mẹ, có giờ đọc kinh nguyện ngắm. Lúc ăn cơm xong, chúng bạn cùng làm chung được ngủ một giờ. Tôi cũng nằm giả vờ ngủ nhưng không ngủ, tôi nhớ đến Chúa Giêsu, thầm thĩ kêu xin và yêu mến Người. Bấy giờ tôi sung sướng lắm, ước gì bây giờ tôi được như vậy.
Không những Gioan đọc kinh ngoài miệng mà còn suy ngắm những mầu nhiệm, những lời Chúa cùng những sự thương khó Người đã chịu. Như có lời chép: “Phúc cho ai có lòng thanh sạch vì sẽ được xem thấy mặt Đức Chúa Trời”. Gioan vì đã giữ toàn vẹn tấm áo rửa tội nên cậu được ơn nhớ đến Người luôn. Khi đi dạo hay làm việc ở ngoài đồng, cậu thấy cánh đồng lúa xa tít tắp, thấy cây cối trĩu nặng những quả, cậu cám ơn Chúa vì lòng nhân lành Người hằng ban của ăn nuôi muôn người. Khi nhìn bầu trời cao lộng gió, ban ngày mặt trời sưởi ấm, soi sáng, ban đêm trăng sao lấp lánh, thời tiết bốn mùa xoay vần cậu cảm tạ, ngợi khen Chúa đầy quyền năng đã dựng nên muôn sự kỳ diệu ấy.
Khi nghe sấm chớp lóe sáng và nổ rền trời, cậu nhớ đến sự công bình của Chúa mà kính sợ. Khi cày bừa, làm cỏ ruộng vườn cậu nghĩ đến “Linh hồn tôi chẳng khác gì thửa ruộng này, tôi phải cày bừa cho kỹ, đó là sửa các tính mê nết xấu thì mới mong thu được mùa lúa tốt, hoa quả tốt, là những nhân đức và công nghiệp”.
Gioan Vianney nhìn mọi vật tốt tươi, xinh đẹp phô diễn nơi thế gian này như đều nhắc cậu nhớ đến Chúa để tạ ơn cùng ngợi khen Người luôn mãi. Đến tối, khi Gioan đi làm về, dù nhọc mệt đến đâu cậu cũng đọc kinh chung với cả nhà rồi còn đốt đèn xem sách giáo lý, hạnh các thánh cho đến khi buồn ngủ quá mới thôi. Cậu cố gắng tận dụng thời gian, tránh ở không, tránh chuyện gẫu hay nói những lời vô ích. Những trò giải trí thông thường mà người ta thường chơi như đánh cờ, tổ tôm, xóc đĩa thì cậu không biết vì không chơi bao giờ.
Những người trưởng thành cao niên sống nhân đức hoặc giữ đạo sốt sắng, làm gương tốt thì đáng khen nhưng chẳng có lạ gì, vì những người ấy đã từng biết vui thú thế gian thì mau qua chóng hết. Nhưng những người còn trẻ, đang tuổi mới lớn mà giữ phép tắc nết na, giữ lòng thanh sạch để yêu mến Chúa, coi thường những vui thú thế gian thì thật là người khôn ngoan và đáng khen. Vì Gioan luôn yêu mến Chúa, luôn giữ lòng thanh sạch nên không hề biết đến tội là thế nào. Khi đã già ngài thường nói:
- Khi tôi còn trẻ, tôi không biết thế nào là tội. Cho đến ngày làm linh mục, ngồi tòa giải tội cho người ta, lúc bấy giờ tôi mới biết thế nào là tội.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP