Chẳng những người có tội và người bệnh tật mới chạy đến xứ Ars xin cha Gioan chữa phần hồn, phần xác mà cả những người gặp đau buồn, khốn khó cũng đến xin cha yên ủi. Người lo buồn vì thương nhớ cha mẹ, vợ con, anh chị em mình chết; người bị tai bay vạ gió, tán gia bại sản; người gặp chồng khó tính, khô khan, cứng lòng hay con cái bất hiếu, say sưa trụy lạc; người bị chèn ép, ức hiếp; người sẩy chân lỡ bước bỏ qua vận may; người túng cực đói nghèo, tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo, quyền thế hay dân quê đều chạy đến xứ Ars xin cha Gioan yên ủi, khuyên bảo.
Khi nghe kể về những khó khăn họ gặp, cha động lòng thương, cha vừa cầu xin vừa khóc rồi mới yên ủi và khuyên bảo họ. Cha không nói nhiều, chỉ nói một hai lời thôi, nhưng lời nào của cha cũng như thuốc tốt chữa bệnh tận gốc, làm giảm bớt sự đau đớn buồn phiền ngay tức khắc và chữa lành những vết thương đang rỉ máu. Lời cha yên ủi không khác gì dầu của người Samaritanô nhân hậu đổ lên trên những vết thương của người bị cướp, khi trên đường tới Giêricô. Lời cha dạy bảo yên ủi có ơn đặc biệt, có sức mầu nhiệm vì là lời Chúa soi sáng chứ không phải lời riêng của cha.
Một người đàn bà còn trẻ nhưng đã có 5 con, đứa bé còn nhỏ lắm. Khi thấy mình lâm bệnh sắp chết, vì thương đoàn con bơ vơ bà không muốn rời bỏ chúng, và lo buồn sầu não, nuối tiếc sự sống không muốn chết. Nhưng khi cha Gioan đến thăm viếng, yên ủi, bà ấy không những sẵn lòng theo thánh ý Chúa mà còn ước ao chết, bà nói:
- Dù tôi chết các con của tôi không bị mồ côi, vì Thiên Chúa là cha nhân từ sẽ dưỡng nuôi coi sóc chúng còn chu đáo hơn tôi bội phần.
Có một nhà triệu phú chỉ có một đứa con duy nhất bị mắc bệnh rồi chết. Mẹ nó buồn bã khóc lóc thương tiếc con còn hơn bà Rachel ngày xưa. Người ta thấy bà lo buồn khóc lóc đêm ngày, chỉ sợ bà ấy sinh bệnh rồi chết, nên họ khuyên bà đến xứ Ars xin cha Gioan yên ủi. Bà ấy chịu đi. Khi từ xứ Ars trở về, không những bà bằng lòng theo thánh ý Chúa mà còn vui mừng, tạ ơn Chúa đã cứu con mình khỏi những dịp hiểm nghèo thường gặp ở thế gian này mà đem lên chốn thanh nhàn vui vẻ đời đời.
Một gia đình quý tộc sang trọng kia gồm có hai vợ chồng và bảy đứa con còn nhỏ. Không may người vợ chết bất thình lình, ông chồng buồn sầu đến nỗi ăn không ngon ngủ không yên, không muốn nghe ai yên ủi. Trước đây, cha Gioan chưa hề gặp hai vợ chồng ấy bao giờ, nhưng nhờ ơn Chúa soi sáng, cha kể cho người chồng nghe về các nhân đức, các việc lành người vợ đã làm khi còn sống, như giúp đỡ người nghèo túng cực, chẳng khác gì như cha Gioan đã quen biết gia đình ấy từ lâu rồi. Cha còn nói: “Bà ấy đã được lên thiên đàng rồi và rất mạnh thế trong việc cầu xin giúp đỡ cho các con cái hơn là khi bà còn ở thế gian”. Người chồng nghe thế thì hết lo buồn, ông được yên ủi và vui mừng lắm.
Có một người Do Thái, tên là Herman, ông là người rất tài giỏi và giàu có. Ông được Chúa soi sáng nên bỏ đạo Do Thái mà trở lại Kitô Giáo. Cha mẹ ông cho điều ấy là điếm nhục gia phong nên giận dữ từ con, truất quyền thừa kế của ông. Nhưng ông Herman không hề tiếc của cải, danh tiếng và những sự sang trọng thế gian, ông chỉ biết vâng theo ơn Chúa mà giữ đạo vững vàng sốt sắng. Sau này ông vào Dòng Carmel, chịu chức linh mục và nổi tiếng là người đạo đức và có tài hùng biện. Đêm ngày vị tu sĩ ấy luôn cầu xin với Chúa, xin Chúa mở lòng, mở trí cho mẹ mình bỏ đạo Do Thái để trở lại Kitô Giáo, nhưng bà ấy cứng lòng lắm và bà đã chết khi chưa trở lại. Thầy Herman được tin mẹ mình chết khi chưa trở lại Kitô Giáo, nên lo buồn khóc lóc. Thầy đến xứ Ars, kể với cha Gioan việc mình đêm ngày cầu xin cho mẹ trở lại đạo mà không được. Bấy giờ cha Gioan bảo:
- Thầy hãy yên lòng, đừng lo buồn khóc lóc nữa vì Chúa đã nghe lời thầy cầu xin, đã soi sáng cho mẹ thầy ăn năn tội cách trọn trong lúc hấp hối, nên bà ấy đã được rỗi linh hồn.
Nghe thế, thầy Herman được yên ủi và vui mừng biết là chừng nào.
Có hai anh em ruột thương yêu nhau lắm. Không may người em bị người ta làm hại khiến anh mất hết cơ nghiệp. Anh buồn bực và phẫn uất nên bỏ gia đình, quê hương mà vượt biển sang Tân Thế Giới. Sau hai năm, người anh được tin em mình chết, anh lo lắng, bối rối không biết khi chết em mình có tha thứ cho những người làm hại mình và có được rỗi linh hồn chăng. Anh đến xứ Ars trình bày với cha Gioan điều ấy. Cha Gioan hẹn đến sáng mai, cha sẽ cho biết. Sáng hôm sau, khi dâng lễ xong, cha bảo người ấy:
- Em con đã được rỗi linh hồn nhưng còn phải giam trong luyện ngục. Con hãy làm việc lành phúc đức để linh hồn em con chóng được lên thiên đàng.
Trong những người đến xứ Ars, nhiều người có tội tìm đến để xưng tội và ăn năn trở lại với Chúa. Nhưng còn có nhiều người nhân đức, tốt lành không có gì khốn khó, họ đến xứ Ars chỉ để được gặp cha Gioan, xem các việc cha làm, cách cha sống, nhất là xin cha cầu nguyện cho mình. Vì mọi người đều biết cha có uy tín trước mặt Chúa và cha xin gì cũng được, nên ai nấy cũng muốn đến xứ Ars xin cha cầu nguyện cho mình.
Người ta tin như vậy là phải, vì những người nhờ cha cầu xin đều được nhận lời, vì cha luôn luôn cầu nguyện. Cha vốn hâm mộ việc cầu nguyện từ thuở bé, cha coi sự cầu nguyện là êm ái và vui thích, nên luôn ước ao mình được thư thả để cầu nguyện. Cha thường nói:
- Sự cầu nguyện làm cho ta khỏi buồn bã âu sầu và được bằng an trong tâm hồn.
Khi nào cha không bận giải tội, giảng giải, khuyên bảo người ta, thì cha cầu nguyện không bỏ phí một giây phút nào.
Cha cầu nguyện lúc từ phòng ra nhà thờ hay ở nhà thờ trở về phòng, cha cũng cầu nguyện lúc đi đường đưa của ăn đàng cho người hấp hối. Lòng cha luôn tưởng nhớ đến Chúa. Ban đêm, cha ngủ rất ít, có nhiều khi thức suốt đêm, khi không ngủ được thì cha cầu nguyện, cha thức dậy lúc nào thì hướng lòng đến Chúa Giêsu đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể và tưởng như mình đang quỳ trước bàn thờ, giục lòng kính mến Chúa, hợp với các thiên thần và các thánh mà thờ lạy, ngợi khen, cảm tạ Chúa hết lòng.
Cha hay cầu nguyện trong trí nên không mấy khi đọc ra ngoài miệng, cha thường nói:
- Khi chúng ta ở trước bàn thờ có Mình Thánh Chúa Giêsu, hãy giục lòng tin Người đang ngự trước mặt mình, rồi hãy dùng lòng trí mà thờ lạy, tạ ơn, ngợi khen và yêu mến Chúa, chẳng cần phải nói nhiều lời hay đọc nhiều kinh ngoài miệng.
Khi cầu nguyện, cha hay nhờ Đức Mẹ dâng công nghiệp Chúa Giêsu lên Chúa Cha để xin cho người có tội được ăn năn trở lại.
Cung cách cha lúc cầu nguyện rất nghiêm trang, khiêm nhường và sốt sắng. Cha không ra vẻ đạo đức, để tỏ ra hơn người khác hay khác người, cha không thở dài, không đọc kinh lớn tiếng, không bái quỳ sâu hơn mọi người, những lời cầu nguyện của cha luôn tự phát, làm đẹp lòng Chúa nên cha cầu xin điều gì đều được Thiên Chúa ban cho. Nếu những năm tháng thời thơ ấu cha đã được Thiên Chúa yêu thương cách riêng thì những năm sau này cha càng làm đẹp lòng Người và càng xin được nhiều ơn hơn nữa. Do đó mọi người đều kéo đến để xin cha Gioan cầu nguyện cho mình.
Có một người mù đến xứ Ars để xin cha Gioan chữa cho mình, ông nói với người ta:
- Nếu cha xứ muốn chữa mắt tôi sáng thì chữa được ngay, vì cha cầu xin điều gì Chúa liền ban cho người điều ấy.
Những ai không thể đến xứ Ars được, họ gửi thư cho cha Gioan, nên bưu điện mỗi ngày đem cho cha rất nhiều thư từ khắp nơi trên thế giới, có ngày hai mươi, ba mươi thư. Những thư ấy có ý xin cha cầu nguyện cho mình, có thư xin tạ ơn vì đã được như ý, có thư xin cha cầu nguyện cho người có tội được ăn năn trở lại, hay cho người bệnh được chữa lành, có thư bàn hỏi với cha những việc khó khăn, có thư của các giám mục, linh mục xin cha cầu nguyện cho con chiên của giáo phận hay giáo xứ. Cha Gioan xem qua tất cả những lá thư đó, rồi tùy theo sự cần thiết cha nhờ cha phó viết thư trả lời giúp, vì cha quá bận và không có thời giờ.
Chúa Giêsu đã phán: “Ai xin thì sẽ được”. Cha Gioan tin chắc chắn vào lời ấy nên cha luôn cầu xin đêm ngày và cha xin gì cũng được. Sự cầu nguyện là công việc thiết yếu của người linh mục. Chúng ta hãy bắt chước cha Gioan siêng năng cầu nguyện cùng Chúa luôn mãi, nhất là cầu cho người có tội ăn năn trở lại cùng Chúa thì sẽ được nhận lời, vì Chúa Giêsu đã phán như vậy.
Khi xưa Chúa Giêsu ở dưới thế luôn phải lo buồn sầu não, trong Phúc Âm người ta chỉ thấy Chúa khóc chứ không thấy Chúa cười, vì tội lỗi loài người luôn đè nặng trên tâm hồn Chúa. Con người ở những thời đại sau này mê đắm tội lỗi, không màng gì đến công nghiệp của Người đã lập cho họ, không hề biết đến lòng thương yêu vô bờ bến của Người nên Người buồn lòng. Cha Gioan là môn đệ của Chúa Giêsu, luôn noi gương bắt chước Thầy mình nên cũng lo buồn đau khổ trong lòng mãi, không vui vẻ bao giờ. Hai ba tháng trước khi qua đời, ngài than thở:
- Than ôi! Ở thế gian này tôi phải sầu khổ, cay đắng biết bao! Nếu khi đến nhận xứ Ars mà tôi biết những đau khổ buồn sầu tôi phải chịu trong bốn mươi mốt năm vừa qua, thì có lẽ tôi đã chết vì sợ hãi.
Lý do thứ nhất làm cha Gioan buồn sầu đau khổ là gánh nặng trách nhiệm của một linh mục chánh xứ, và lo sợ mất linh hồn mình trong khi lo lắng cho linh hồn người khác, nên cha đã xin nghỉ việc coi sóc con chiên nhiều lần, cũng như đã bỏ xứ mà trốn đi ba bốn lần. Cha thường nói:
- Không có mấy ai làm chánh xứ mà là thánh. Khi mở sách nguyện chúng ta chỉ thấy toàn là giám mục, tu sĩ các dòng và nhiều giáo dân làm thánh, còn những linh mục chánh xứ thì ít lắm. Thánh Vicentê, Thánh Phanxicô Regis, Thánh Gioan Canxiô, đầu tiên có làm cha xứ được ít lâu, nhưng sau các ngài thấy công việc nặng nề cheo leo nên đi tu dòng hết. Vì cha xứ thì hay kiêu ngạo, tham lam của cải, để tâm trí vào việc làm ăn, lo lắng việc chi tiêu, không cố gắng tập tành các nhân đức cũng như giúp các con chiên để họ được rỗi linh hồn.
Cha Gioan coi việc làm cha xứ là một trách nhiệm nặng nề và cao quý. Cha luôn sợ hãi và cố gắng chu toàn sợ rằng mình làm công việc ấy bất xứng. Có một lần cha Gioan nói với một linh mục kia:
- Ở trần gian, chúng ta không hiểu được Thánh Lễ và việc chúng ta được dâng lễ là cao trọng chừng nào đâu, chỉ ở trên thiên đàng chúng ta mới hiểu được sự cao trọng ấy. Để dâng Thánh Lễ cho xứng đáng, chúng ta phải có một tấm lòng thanh sạch và sốt sắng như các thiên thần mới được. Căn nguyên làm cho các linh mục sa sút, khô khan bởi vì các ngài không coi trọng việc dâng Thánh Lễ cho xứng đáng, mà làm như một công việc thường ngày vậy. Khốn cho linh mục nào coi thường việc dâng Thánh Lễ, không giữ lòng sạch tội, không dọn mình trước, không cám ơn rước lễ đủ và dâng lễ vội vàng hấp tấp. Người linh mục phải thi hành các bí tích cho giáo dân, đây là gánh nặng đáng sợ cho linh mục. Nếu như người ta hiểu chức vụ linh mục nặng nề, gian nan biết bao thì không những không ai muốn tiến lên chức vụ ấy mà còn trốn đi để khỏi phải chịu chức vụ cao trọng đó như các thánh ngày xưa đã làm.
Lý do thứ hai làm cha Gioan lo buồn sầu não vì cha là người khiêm nhường, thường coi mình là dốt nát, yếu đuối, không có tài cán gì, chẳng có nhân đức nên chẳng đáng làm linh mục coi sóc linh hồn người ta. Thiên Chúa nhân lành vô cùng, thương yêu cha cách riêng, và muốn cho cha thêm nhiều công phúc nên giấu không cho cha biết các việc lành cha làm, danh tiếng cha vang lừng khắp nơi thế nào, nên dù cha đã khuyên được nhiều người tội lỗi cứng lòng ăn năn trở lại, cha vẫn thấy mình là người đầy tớ vô ích, không làm được gì cho chủ mình, chẳng những cha nghĩ mình không làm nổi mà còn ngăn trở và phá hỏng việc của Thiên Chúa.
Mọi người đến xứ Ars, khi thấy những việc làm và cách ăn ở của cha Gioan thì đều trọng kính, khen ngợi các nhân đức của cha và gọi cha là thánh sống, trong khi cha vẫn luôn coi mình là người hèn hạ, tội lỗi, không có một nhân đức nào. Những người sang trọng quyền thế, danh giá, vọng tộc trong đạo ngoài đời, khi gặp những điều rối trí phiền lòng, không giải gỡ được thì đều kéo đến xứ Ars để hỏi han, xin cha chỉ bảo giúp đỡ, nhưng cha thì vẫn luôn tin mình là người dốt nát chẳng có tài trí hay khôn ngoan gì.
Cha thường nói:
- Tôi cảm ơn Chúa vô cùng vì Chúa đã định cho tôi hèn hạ yếu đuối, không có nhân đức hay tài trí nào để tôi không kiêu ngạo được. Khi xét mình, tôi chẳng thấy mình có điều gì tốt, chỉ thấy tội lỗi mà thôi. Phải chi tôi biết được các tội tôi đã phạm để ăn năn trở lại cùng Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã giấu bớt các tội tôi đã phạm vì Người sợ tôi biết mà ngã lòng chăng.
Lý do thứ ba cha Gioan buồn sầu đau khổ vì cha luôn thấy những tội lỗi nặng nề người ta phạm làm mất lòng Chúa nên cha thường than thở:
- Than ôi! Bây giờ tôi mới hiểu được hậu quả của tội tổ tông dữ dằn và kinh khiếp biết chừng nào. Khi nghĩ đến việc loài người xúc phạm đến Chúa cách nặng nề như thế, nhiều khi tôi chỉ muốn xin Chúa hủy diệt loài người, nhiều khi tôi ước ao ngày tận thế đến ngay lúc này. Nếu thỉnh thoảng tôi không gặp được một vài người thanh sạch khiến tôi được an ủi thì tôi đã chết từ lâu rồi. Khi tôi nghĩ đến nhiều người bội bạc, lỗi nghĩa cùng Chúa nặng nề thì lòng tôi buồn sầu đau đớn, muốn trốn vào nơi vắng vẻ cho khỏi xem thấy mặt những người ấy. Nếu như Thiên Chúa độc ác cay nghiệt thì loài người giận ghét, sỉ nhục là phải. Nhưng Thiên Chúa rất nhân từ, là người Cha nhân hậu hằng thương yêu và ban phát mọi ơn cho thế gian.
Khi cha nói những lời ấy, cha vừa nói vừa khóc. Hôm khác, cha nói:
- Tôi ở với người tội lỗi mãi nên tâm hồn tôi chán ngán lắm; linh hồn tôi buồn phiền lắm vì tai tôi luôn nghe những điều làm tôi cực lòng.
Khi nhớ đến những tội lỗi người ta xưng, lòng cha quặn thắt, đau khổ tâm trí mà không sao nói được. Cha nói:
- Ở thế gian này không có bậc nào khổ cực cho bằng bậc linh mục, vì linh mục phải nghe tội lỗi của mọi người, hoặc nghe thấy những tội lỗi kinh sợ lỗi nghĩa cùng Chúa. Tai mắt của người linh mục toàn nghe thấy tội lỗi của người ta, chẳng khác nào Thánh Phêrô khi ở trong sân dinh quan Philatô, xem thấy đủ mọi thứ người làm khốn Chúa Giêsu: Người thì nhổ nước bọt cùng vả vào mặt Chúa Giêsu, người thì đội mão gai lên đầu rồi nhạo cười xỉ nhục cùng xô đẩy khiến Người ngã xuống đất nhiều lần, lại còn dày đạp dưới chân họ nữa. Than ôi! Nếu ngày xưa tôi biết bậc linh mục khốn cực như vậy thì tôi đã vào dòng tu rồi, chẳng dám chịu chức linh mục đâu. Tôi đã xin về hưu, xin từ chức chánh xứ nhiều lần. Nếu như bề trên nhận lời thì tôi đã bỏ xứ này vào nơi vắng vẻ để đọc kinh cầu nguyện, ăn chay đền tội và giúp người bệnh trong nhà thương trọn đời.
Vì cha hay nhớ những lý do trên, nên lòng cha luôn nặng trĩu buồn sầu. Những công việc rất nặng nề khiến cha phải khó nhọc đêm ngày đều không làm cha bớt phiền muộn hay quên đi được. Khi cha thấy họ tỏ ra quý mến kính trọng, cha càng thêm buồn bã xấu hổ, vì cha coi mình là người hèn hạ tội lỗi không đáng cho mọi người kính mến. Cha thấy người ta kéo nhau đến xứ Ars một ngày một đông hơn nên lo lắng sợ hãi, vì thấy gánh mình càng ngày càng nặng và cha thấy mình sức yếu đuối không thể gánh nổi thì càng lo âu hơn nữa.
Khi buồn lo, cha giấu kín trong lòng không tỏ ra bề ngoài cho ai biết sự buồn khổ. Cha không bỏ bê, trễ nải việc bổn phận nào nhưng luôn vui vẻ, hòa nhã và cố gắng làm bổn phận hằng ngày. Những khi ấy cha lại càng đọc kinh, cầu nguyện sốt sắng và đánh phạt xác thịt mình hơn mọi khi.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP