Lề luật và giới răn của Chúa tóm lại trong hai điều này: Một là kính mến Người trên hết mọi sự, hai là thương yêu người khác như chính mình. Cha Gioan đã yêu mến Chúa trên hết mọi sự nên cha cũng thương yêu hết mọi người, dù là người xấu nết hay tội lỗi ngỗ nghịch. Không những cha chỉ yêu thương trong lòng mà còn bày tỏ điều ấy bằng những việc làm giúp đỡ mọi người phần hồn, phần xác.
1. Cha yêu thương phần hồn là thương người có tội. Ban đêm người ta ngủ để lấy lại sức mà làm việc, phần cha Gioan, ban đêm ngài phải chịu đau khổ, vất vả vì lo nghĩ trong lòng và đau đớn ngoài thân xác. Chính cha nói: “Không có mấy đêm cha ngủ được một giờ. Ngày trước, cha có cầu xin Chúa ban cho cha ban ngày được chịu mọi sự khó nhọc cho người có tội, ban đêm cho các linh hồn luyện ngục thì Chúa đã nhậm lời cha xin, vì có đêm cha sốt, mồ hôi ra ướt cả giường chiếu, có đêm cha ho rũ rượi, và trở mình luôn, đến lúc đang yên ngủ mơ màng thì đồng hồ báo 12 giờ, cha phải thức dậy, ra nhà thờ ngồi tòa giải tội. Từ đầu năm cho đến cuối năm, đêm nào cũng vậy, nhiều lúc cha kiệt sức, nhọc mệt đến nỗi đi đứng không vững, phải lần theo tường, theo vách mới ra đến nhà thờ được nhưng cứ cố gắng gượng đi. Nếu cha không có lòng thương yêu người có tội, cha sẽ không thức giấc, không ra khỏi giường sớm như thế. Nhưng vì nhớ rằng có vài trăm người đang chờ chực ở tòa giải tội, nên cha cố gắng ra ngồi tòa để gỡ họ ra khỏi tay ma quỷ và lo cho họ được ơn nghĩa với Chúa. Khi cha đã vào tòa giải tội, Thiên Chúa ban thêm ơn cho cha đủ sức làm việc trong ngày hôm ấy.
Không thể tả hết tấm lòng của cha Gioan thương yêu linh hồn người ta như thế nào. Khi cha nghĩ đến người có tội phải mất linh hồn, sa hỏa ngục, cha lo buồn thương tiếc và than:
- Thương thay! Những linh hồn Chúa Giêsu đã chuộc bằng giá rất cao dường ấy mà bị hư mất đời đời thì khốn nạn và thảm hại dường nào.
Một lần có người thấy cha khóc, họ hỏi lý do. Cha đáp:
- Cha khóc vì Chúa Giêsu chịu thương khó để chuộc tội cho mọi người mà nhiều người chẳng hề biết ơn Chúa Giêsu, lại sống trong tội làm cho công nghiệp của Người trở nên vô ích.
Bà Catharina đã coi sóc viện cô nhi cho cha Gioan hơn bốn mươi năm, cho biết:
- Không ai kể hết được việc cha Gioan hãm mình ăn chay, phạt xác và siêng năng cầu nguyện cho người có tội được ăn năn trở lại.
Có một lần cha bảo tôi: đêm hôm qua, lúc cha ngủ nghe có tiếng phán: Người nào cứu được một linh hồn khỏi sa hỏa ngục là làm một việc rất đẹp lòng Chúa, và có công phúc hơn các việc lành khác.
Bà ấy nói thêm:
- Tôi thấy cha khó nhọc giải tội đêm ngày, lúc nào không giải tội thì cha cầu nguyện và đọc kinh, nên tôi nói: Cha nhọc nhằn và kiệt sức quá rồi, cha còn đọc kinh làm chi nữa?
Cha đáp:
- Cha vốn quen cầu nguyện cho người có tội lâu rồi mà họ chẳng những không bớt lại mỗi ngày càng thêm nhiều. Không kể ngày thứ hai cha dành để cầu nguyện cho linh hồn nơi luyện ngục, còn các ngày khác, cha vẫn dâng các việc lành mình làm, các sự khó nhọc mình chịu cho Thiên Chúa để cầu nguyện cho người có tội được ăn năn trở lại. Hàng năm cha cũng dâng cúng nhiều tiền bạc để xin lễ cầu cho người có tội.
Cha hay khuyên bảo mọi người cầu nguyện cho người có tội:
- Chẳng có điều gì xúc phạm Trái Tim Chúa Giêsu cho bằng người ta luôn phạm tội mất lòng Người và làm cho công nghiệp của Người ra vô ích. Chúng ta phải năng cầu nguyện cho người có tội. Nhiều khi một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng mà đọc sốt sắng có sức thúc giục người có tội ăn năn trở lại. Nếu chúng ta siêng năng cầu nguyện cho người có tội, Chúa sẽ lo cho nhiều người được ăn năn trở lại. Ai cứu được một linh hồn khỏi sa hỏa ngục cũng là cứu chính linh hồn mình khỏi sa hỏa ngục nữa. Một lần Thánh Phanxicô Assisi sốt sắng cầu nguyện cho người có tội, Chúa Giêsu hiện đến phán cùng thánh nhân rằng: “Hỡi Phanxicô! Lời cầu nguyện của con làm đẹp lòng Cha lắm. Con hãy siêng năng cầu nguyện cho người có tội, con xin Cha tha tội cho người nào thì Cha sẽ tha tội cho người ấy”.
Chúng ta hãy dâng mình làm của lễ đền tội cho nhân loại mươi mười lăm ngày. Trong những ngày ấy chúng ta hãy dâng các việc lành, các sự khó nhọc chúng ta chịu để đền tội cho thiên hạ. Chúng ta hãy vui chịu sự giá rét, nóng nảy, chịu bệnh tật, tránh những nuông chiều xác thịt như chơi bời, ăn uống no say, ngao du đây đó. Nếu có thể, chúng ta hãy tham dự thánh lễ mỗi ngày, nhất là rước lễ, vì rước lễ sốt sắng có sức giúp cho người có tội ăn năn trở lại hơn nhiều việc khác.
Cha Gioan có lòng thương yêu người có tội đến nỗi cha sẵn sàng trì hoãn phúc thiên đàng, để chịu những khó nhọc cho đến tận thế và lo cho người có tội được ăn năn trở lại. Một lần kia linh mục giúp xứ Ars trình với cha:
- Thưa cha, nếu như Chúa cho cha chọn, một là được lên thiên đàng ngay, hai là được sống ở thế gian cho đến tận thế để lo cho người có tội được ăn năn trở lại, cha sẽ chọn điều nào?
Cha Gioan đáp:
- Tôi sẽ ở lại thế gian để giúp cho người có tội cho đến tận thế, vì các thánh nam nữ trên trời thoát khỏi mọi sự dữ, được thanh nhàn vui vẻ nhưng không còn làm sáng danh Chúa, không còn chịu đau khổ để lập công cứu các linh hồn có tội như khi còn ở thế gian này.
Linh mục đó hỏi thêm:
- Nếu cha biết mình ở lại thế gian cho đến tận thế, còn nhiều ngày giờ, có lẽ cha sẽ không còn ham mê làm việc, không còn thức khuya để giải tội như bây giờ phải không, thưa cha?
Cha trả lời:
- Tôi chẳng giảm bớt việc nào, tôi sẽ làm mọi việc như bây giờ và nhiều hơn nữa. Tôi không ngại khó nhọc, tôi thường coi sự giúp đỡ phần hồn của người ta là điều vui sướng của đời tôi. Tôi chỉ sợ mình làm việc ấy không trọn, không đáng khiến Chúa phạt mà thôi.
Chịu đau khổ để cứu rỗi linh hồn là điều có giá trị thật, từng xảy ra trong Giáo Hội. Trong nhật ký “Tiếng Gọi Tình Yêu” của chị nữ tu Josefa Menendez, trang 407, chị viết: “Tôi cũng nghe ma quỷ bối rối thú nhận sự bất lực của nó khi một linh hồn vừa sẩy thoát, nó nói: 'Thật lạ lùng quái gở! Nó đã thuộc về tao rồi, tội lỗi nó rành rành ra đó, sao còn sẩy thoát được. Tao hoạt động liên miên cũng không giữ được nó. À, chắc có ai đã tình nguyện chịu đau khổ đề đền tội cho nó.'”
2. Cha Gioan thương người có tội là người khốn khó phần hồn trước rồi thương những người nghèo phần xác sau. Cha thương người nghèo vì Chúa Giêsu đã thương họ, vì họ đói khát, rách rưới, túng thiếu và vì người ta khinh miệt họ. Những người nghèo thường đến xin ăn trước cửa nhà xứ mỗi ngày và cha luôn làm phước giúp đỡ tất cả. Không kể những người thường đến ăn xin trước cửa nhà xứ, cha còn làm phước cho những nhà nghèo túng, ốm đau trong cả miền chung quanh xứ Ars nữa. Cha cung cấp cho mỗi một nhà, bốn năm quan hay bảy, tám quan một tháng trong suốt năm. Những nhà cha phải chu cấp, nhiều khi lên đến bốn năm mươi nhà. Còn những người tàn tật không làm được việc gì, khi sống thì được cha nuôi, còn khi chết thì cha lo ma chay an táng; những người như thế nhiều lắm.
Có nhiều người miễn cưỡng bố thí, họ vừa bố thí vừa mắng nhiếc, vừa khinh miệt người nghèo, còn cha Gioan vui mừng khi bố thí, cha vừa làm phúc vừa an ủi người nghèo. Cha nói:
- Người nghèo đến ăn xin ở nhà chúng ta là điều phúc và tiện lợi cho chúng ta,vì nếu họ không đến thì chúng ta phải đến cùng họ, mà nhiều khi chúng ta bị ngăn trở nhiều việc không đi được. Chúng ta đừng mắng nhiếc, chê họ là người lười biếng, vì có khi Chúa định cho họ phải ăn xin, nên khi la mắng người nghèo là chúng ta liều mình chống cưỡng lại thánh ý Chúa.
Ta hãy nhớ truyện Thánh Benedicto Labrê, thánh nhân là con nhà giàu sang quyền quý nhưng Chúa định cho ngài đi ăn xin suốt đời. Thánh nhân biết ý Chúa nên khi người lớn mắng mỏ, trẻ con ném đá thì vui lòng chịu hết. Có một lần thánh nhân đi xưng tội, cha giải tội khuyên bảo ngài chịu khó làm ăn đừng đi ăn xin: Con chịu khó làm ăn vì người ta thấy con chưa già, còn khỏe mạnh thì đoán là con lười biếng nên họ mắng nhiếc sinh tội.
Thánh nhân khiêm nhường thưa lại:
- Thưa cha, thánh ý Chúa đã định cho con đi ăn mày cho đến trọn đời. Nếu cha muốn thấy dấu chứng lời con nói là điều thật, xin cha cuốn màn giải tội lên.
Vị linh mục cuốn màn lên thấy sáng rực cả nhà thờ. Cha thấy vậy chẳng dám khuyên thánh Benedictô Labrê bỏ nghề ăn mày nữa.
Vì thế, những người đến ăn xin ở nhà chúng ta, có người Chúa đã định cho nó phải đi ăn mày như Thánh Benedictô chăng nên chúng ta đừng mắng nhiếc nó bao giờ. Khi chúng ta chẳng có gì bố thí, hãy cầu xin Chúa mở lòng cho người khác giúp đỡ họ. Chúng ta đừng nói: “Có nhiều đứa ăn mày lấy tiền của người ta bố thí để uống rượu, đánh bạc. Vì khi người nghèo lấy của cải chúng ta bố thí để chơi bời, nó có tội và đáng Chúa phạt, còn người làm phúc cho nó vẫn có công phúc không hề mất. Ta đừng khinh dể người nghèo vì khinh dể họ là khinh dể chính Chúa Giêsu”.
Ở phần trước, chúng ta có kể về lòng thương người nghèo và hay bố thí của cha Gioan như thế nào. Cha bán các đồ lễ, áo quần cũ, giày rách để có tiền giúp người nghèo, khi không còn gì nữa, cha cởi áo mình đang mặc mà cho nó. Ở đây, chúng ta chỉ nói về việc cha lấy tiền ở đâu để giúp người nghèo và làm nhiều việc sáng danh Chúa.
Có người thắc mắc:
- Cha Gioan rất khó nghèo không có của cải gì, vậy cha lấy tiền của ở đâu để bố thí cho người nghèo và làm nhiều việc lành như thế?
Cha chẳng lấy tiền ở đâu cả mà có khi chính Chúa đem tiền bạc đến cho cha. Từ khi cha nổi tiếng khắp nơi, mọi người đều biết tiếng và tin cha là đấng thánh, có nhân đức lạ lùng, những người giàu có bên Châu Âu và Châu Mỹ hay gởi tiền bạc nhờ cha phân phát cho người nghèo, hay làm các việc lành khác tùy ý cha. Những người có tội mà cha khuyên bảo ăn năn trở lại, những người bệnh tật cha chữa lành muốn đền ơn cha, cũng gởi tiền bạc cho cha.
Có một điều lạ là cha muốn có tiền lúc nào thì được ngay lúc ấy, muốn cho bao nhiêu thì được bấy nhiêu. Vàng bạc của cải mà cha có trong hơn ba mươi năm đó thì nhiều vô kể không ai biết rõ, vì cha luôn giấu không mấy khi nói ra điều ấy. Thỉnh thoảng khi tiền đã cạn, cha kêu xin Thánh Philomena và các thánh quan thầy lo liệu tiền bạc giùm cho cha. Chính cha đã cho biết: “Khi tiền của tôi đã cạn, tôi đến quấy rầy các đấng quan thầy của tôi”. Nghĩa là cha xin các thánh lo liệu tiền nong cho cha và các thánh ấy luôn nhận lời cha cầu xin. Vì khi cha vừa cầu nguyện xong, có người đưa tiền đến cho cha, có khi cha thấy tiền trên túi áo, trên bàn viết, ở trên tủ sách và có khi ở trong tro bếp nữa.
Bà Catharina nói:
- Cha xứ của tôi muốn được tiền bạc lúc nào, được bao nhiêu thì được nhận lời ngay. Các thánh quan thầy của cha lo liệu tiền bạc như ý cha xin.
Mới đây cha muốn có tiền để xin lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria nên ngài xin: “Lạy Mẹ Maria, nếu việc con đẹp lòng Mẹ, xin Mẹ lo tiền cho con”.
Ngay ngày hôm đó, khi cha vừa giảng giáo lý xong, cha nói với tôi:
- Trước khi cha ra giảng giáo lý, cha mở tủ và thấy trong đó có hơn bốn năm trăm quan tiền, đó là dấu chỉ cho thấy điều mà cha định làm thì đẹp lòng Đức Mẹ.
Linh mục giúp xứ Ars kể:
”Có một lần cha Gioan bắt những trẻ mồ côi cầu xin với Đức Mẹ, Thánh Giuse và Thánh Gioan Batixita một tuần chín ngày, và dặn chúng cầu nguyện thật sốt sắng vì có việc quan trọng và cần lắm nhưng cha không nói đó là việc gì. Đến giữa tuần, cha bảo tôi:
- Kỳ này tôi buồn lắm vì nợ sáu nghìn quan tiền, nay hết hạn tôi phải trả ngay mà không còn đồng nào.
Tôi thưa rằng:
- Xin cha hãy trông cậy và cầu xin Chúa, chắc Người sẽ lo liệu cho cha.
Quá trưa hôm ấy, cha vui vẻ đến thăm tôi và kể:
- Tôi tìm được nhiều tiền nên đã trả hết nợ mà hãy còn dư.
Tôi hỏi:
- Thưa cha, cha tìm số tiền ấy ở đâu, xin cha dạy con làm phép lạ như cha.
Cha Gioan yên lặng một lúc rồi nghiêm giọng nói:
- Không có sự gì phá được chước ma quỷ và mở lòng Chúa ban những điều ta cầu xin cho bằng ăn chay hãm mình, thức đêm cầu nguyện. Ngày xưa khi có một mình tôi coi sóc xứ Ars, chưa có linh mục nào giúp tôi và tôi còn khỏe thì tôi ăn chay hãm mình thức đêm nhiều lắm, nên tôi cầu xin điều gì thì được điều ấy. Nhưng bây giờ tôi già nua yếu đuối, không nhịn đói được như trước nữa, bây giờ tôi nhịn đói thì mệt mỏi, nhọc nhằn nói không ra tiếng.
Theo lời ấy, ta biết cách cha Gioan kiếm tiền và những điều khác mà cha muốn xin. Đó là bởi cha cầu nguyện, hãm mình, ăn chay đền tội, cha cậy nhờ người khác cầu nguyện và chính cha cầu nguyện suốt ngày thâu đêm nữa”.
Cha Gioan làm phúc cho người nghèo không hết số tiền mà người ta dâng cúng cho thì lấy tiền ấy làm các việc tốt lành khác để sáng danh Chúa. Cha quý trọng Thánh Lễ hơn hết mọi sự vì cha biết Thánh Lễ linh mục dâng trên bàn thờ bây giờ cũng là hy lễ mà Chúa Giêsu đã dâng trên thánh giá xưa, và công nghiệp của Chúa Giêsu ngày xưa bao nhiêu thì công nghiệp Thánh Lễ linh mục cử hành trên bàn thờ cũng bấy nhiêu. Cha xác tín rằng chẳng có việc nào có sức thờ phượng, tạ ơn Chúa, đền bù tội lỗi thiên hạ và cầu xin được mọi ơn lành hồn xác cho bằng Thánh Lễ. Vì cha có lòng yêu chuộng và trông cậy vào Thánh Lễ như vậy nên đã để dành được tám chục ngàn quan làm quỹ để xin mỗi năm gần hai nghìn lễ theo ý cha xin. Đây là số lễ cha Gioan đã xin, không những một năm mà hàng năm:
Cha biết xứ đạo tĩnh tâm chung vài năm một lần là việc tốt lành, đem lại nhiều ích lợi cho người ta, vì trong dịp tĩnh tâm ấy nhiều người có tội được ăn năn trở lại. Nhưng có nhiều xứ nghèo không tổ chức tĩnh tâm chung một cách long trọng được, vì phải sắm nhiều đồ đạc để chuẩn bị và trang hoàng nhà thờ, lại phải mời nhiều linh mục xứ khác đến giảng và ngồi tòa giải tội, phải bố thí tiền của cho người nghèo, giúp đỡ người túng thiếu. Nếu không, họ lấy gì ăn mà đi nhà thờ, nghe giảng, nghe đọc sách, đọc kinh cầu nguyện suốt tuần tĩnh tâm được. Vì thế, cha trích hai trăm ngàn quan tiền để làm quỹ giúp những xứ nghèo trong địa phận chi phí trong tuần tĩnh tâm chung. Cha cũng mở trường dạy các trẻ em nam nữ, và lập quỹ nuôi các thầy dòng và các nữ tu dạy các trẻ ấy.
Chúng ta chỉ kể ra đây đôi ba việc mà cha Gioan đã gầy dựng thôi vì không thể kể hết được. Bấy nhiêu việc cũng đủ cho thấy tiền bạc qua tay cha Gioan trong những năm cha coi sóc xứ Ars thì nhiều vô kể. Tiền bạc làm phúc chỉ qua tay cha mà thôi, chẳng mấy khi cha giữ tiền ấy trong hai ba ngày. Bình thường cha có tiền ngày nào thì phân phát cho người nghèo hay làm việc lành khác trong ngày ấy, ít khi trì hoãn đến ngày hôm sau.
Khi được người ta dâng cúng tiền bạc thì cha mừng lắm, nhưng khi cúng tiền để làm việc lành thì cha càng mừng hơn nữa. Lúc ấy cha tươi cười nói:
- Ma quỷ thấy chúng ta lấy tiền mà nó dùng để mưu hại người ta, để làm việc lành sinh ơn ích cho người ta thì nó tức giận lắm.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP