Khi mới về nhận xứ Ars, cha Gioan đã nhờ chị ruột ông tiên chỉ lo việc nấu ăn cho nhà xứ suốt năm, hay khi cha có khách cũng nhờ bà ấy làm cơm cho. Bà ấy ghi sổ rõ ràng từng ngày, những đồ ăn bà đã mua và dâng cho cha. Những đồ ăn ấy ngon lành và nhiều, không những là đủ cho cha Gioan mà còn dư thừa nữa nhưng cha không ăn. Đầy tớ của bà ấy vừa đem đồ ăn vào, cha đem phát ngay cho người nghèo hay đem cho kẻ liệt. Những đồ ăn ngon con chiên dâng cho cha cũng vậy. Cha không ăn cũng không để dành cho ngày hôm sau, vì muốn tuân giữ lời Chúa Giêsu phán: “Ngày nào lo ngày ấy, đừng lo đến ngày mai”. Ngày nào được đồ ăn, được tiền bao nhiêu, cha phân phát hết cho người nghèo trong ngày hôm ấy.
Chẳng những cha Gioan thương người nghèo như chính mình mà còn hơn cả bản thân cha nữa. Tiền bạc quần áo, cha có chút gì thì đều bố thí cho người nghèo hết. Một lần kia, cha đi thăm những linh mục coi các xứ gần đấy, các cha thấy ngài ăn mặc khó nghèo quá nên cho ngài một cái quần dạ mới và ép ngài mặc luôn lúc ấy. Đến chiều khi trở về nhà, cha gặp một ông lão ăn mày đang rét run lập cập xin cha bố thí, ngài liền cởi cái quần dạ mới bố thí cho người ăn mày. Ngày khác, đang giữa mùa đông giá rét, cha vừa ở trong nhà thờ ra, gặp một người ăn mặc rách rưới, chân không mang giày dép gì hết, bàn chân sưng lên và nứt nẻ đau đớn, cha cởi vớ và giày của mình mà cho người đó.
Lần khác, cha vừa ở trong viện nuôi trẻ mồ côi ra, gặp người ăn mày xin bố thí. Cha thò tay vào túi nhưng chẳng còn đồng tiền nào hay có cái gì để cho, cha khổ tâm lắm, chỉ có một khăn tay mới mà người ta vừa tặng, cha lấy cho nó. Trong làng Ars có một gia đình rất nghèo gồm hai vợ chồng và năm đứa con hay đến xin cha giúp đỡ. Cha ra mở cửa nhà kho chứa thóc để nuôi trẻ mồ côi rồi bảo người chồng:
- Thóc đây, con muốn lấy mấy thúng thì lấy, đem về mà nuôi vợ con.
Người mà cha Gioan nhờ giặt giũ, cứ thấy cha mất quần áo hoài: khi mất cái áo, lúc mất cái quần. Lúc đầu, anh ta nghĩ: “Chắc có kẻ trộm lấy”. Nhưng sau này anh mới biết là cha Gioan bố thí cho người nghèo nên anh mang đồ về nhà mình, không để trong phòng cha nữa. Khi nào cha thay áo thì anh mới đưa ra một cái mà thôi. Khi không còn quần áo trong phòng để làm phúc cho người nghèo thì cha cởi áo mình đang mặc mà đưa cho họ.
Những đồ trong nhà như nồi niêu, chén dĩa cha bán hết để lấy tiền cho người nghèo, chỉ giữ lại mấy cái bát sành, một cái ấm đựng nước, một cái chậu để rửa mặt.
Bà Catharina kể:
- Vì người ta coi cha Gioan như đấng thánh, nên họ trọng kính và hay xin những đồ cha đã dùng để làm dấu tích mà nhớ đến cha. Cha chẳng cho không đâu, mà cha bán quần áo cũ, giầy rách để lấy tiền làm phúc cho người nghèo.
Xem hạnh các thánh, ta thấy các đấng càng làm phúc cho người nghèo bao nhiêu, Thiên Chúa càng ban cho nhiều của hơn bấy nhiêu. Dù cha Gioan rất nghèo đến nỗi phải bán phần ruộng cha mẹ để lại để mua nhà nuôi trẻ mồ côi, nhưng số tiền cha làm phúc cho người nghèo và các việc phúc đức khác lên đến mấy triệu quan thời đó. Khi cha nổi tiếng nhân đức khắp thiên hạ, những nhà giàu có ngoan đạo ở nước Pháp, Anh, Bỉ, Đức và nước Mỹ thường gởi tiền bạc nhờ cha làm phúc cho người nghèo hay làm việc lành tùy ý cha.
Nhiều khi chính Chúa ban tiền bạc cho cha. Có hôm trong tủ của cha không còn đồng quan nào, tuy vậy, cha vẫn khóa kỹ và mang theo chìa khóa trong mình, ngày mai mở tủ ra, cha lại thấy nhiều vàng bạc trong ấy. Những tiền của ấy bởi đâu mà có? Không ai có thể bỏ tiền vào tủ vì đã khóa kỹ và cha giữ chìa khóa. Thế thì ai bỏ vào? Cha Gioan quả quyết chính Chúa đã bỏ vàng bạc vào tủ, cha gọi vàng bạc ấy là của thánh, là của Thiên Chúa ban nên khi cha mở tủ ra mà thấy có tiền bạc trong ấy thì cha cười mà nói:
- Thiên Chúa giao cho tôi việc chia của cải này cho người nghèo.
Vì thế nên cha Gioan chia số tiền ấy cho người nghèo ngay. Ngài chia hết, không giữ lại gì cho mình hay cho anh em bà con. Khi qua đời, cha chẳng để lại được gì, con chiên phải góp tiền lại để mai táng cha.
Có một linh mục kia hay xây nhà thờ, hễ đi đến xứ nào, cha cũng xây nhà thờ mới ở xứ ấy nên cha mắc nhiều nợ và túng thiếu mãi. Linh mục đó hỏi cha Gioan phải làm thế nào để có nhiều tiền tiêu dùng. Cha Gioan trả lời:
- Cha hãy bố thí cho người nghèo. Cha được bao nhiêu tiền hãy làm phúc hết, đừng giữ lại phần nào. Cha càng bố thí bao nhiêu, Thiên Chúa càng ban nhiều tiền bạc cho cha bấy nhiêu!
Cha Gioan thương người nghèo như Chúa Giêsu thương họ, cha coi tiền bạc như rơm rác. Cha bắt chước Thánh Carôlô Giám Mục thành Milăng và Thánh Vicentê lập dòng, là hai thánh đã bố thí cho người nghèo rất nhiều của cải tiền bạc và cứu được hằng trăm nghìn người phần hồn phần xác. Cha luôn nhớ lời Thánh Giêrônimô nói: “Ignominia sacerdolis studere divitiis”.
Và lời Thánh Tôma Villanova Giám Mục nói:
”Tôi thà chết bên kẻ rượu chè be bét, chứ đừng chết bên hòm tiền. Khi tôi chết, nếu như có ai tìm thấy tiền bạc ở trong nhà tôi, xin đừng chôn xác tôi vào đất thánh, xin giáo dân đừng đi đưa xác tôi, nhưng hãy bó chiếu rồi bắt trâu kéo đi vùi ở nơi nào không ai biết tới”.
Cha luôn nhớ đến tích Đức Giáo Hoàng Grêgoriô Cả, khi thánh nhân được tin trong đất nước mình coi sóc có một người chết đói, ngài tự phạt mình ăn cơm muối sáu tháng. Cha Gioan coi thường của cải như vật phàm hèn nên cha thường bố thí cho người nghèo vì thương họ.
Cha Gioan thường đọc hạnh các thánh, hay giảng về hạnh tích các thánh mà các ngài hay thương và làm phúc cho người nghèo. Cha giảng về các tích truyện ấy khéo lắm, ai nghe cũng thích. Cha hay kể tích Thánh Gioan Thiên Chúa. Ngày kia thánh nhân gặp đứa ăn mày xin cơm và xin thuốc đau chân, thánh nhân cho nó một bữa cơm no, rồi lấy thuốc rịt vào chân cho nó; lúc ngài bôi thuốc vào chỗ đau, thấy dấu đinh đóng thâu qua chân như dấu đinh nơi chân Chúa Giêsu, ngài kêu lên:
”Lạy Chúa, lạy Chúa! Chính Chúa đó sao?” Bấy giờ, Chúa Giêsu tỏ mình ra cho thánh nhân xem thấy rõ ràng và bảo thánh nhân: “Khi con thương giúp và làm phúc cho người nghèo, con làm đẹp lòng Cha như thể con giúp và làm phúc cho chính Cha vậy”.
Cha Gioan cũng hay kể truyện Thánh Giáo Hoàng Grêgoriô quen cho mười hai người nghèo vào trong triều, cùng ăn với ngài mỗi ngày. Một lần kia, khi người nghèo đến ăn, thánh nhân đếm thấy mười ba người--mười hai người thường vào ăn và một người khách lạ chưa gặp, chưa thấy bao giờ. Thánh nhân vẫn làm ngơ như không biết, nhưng đang lúc ăn, ngài nhìn xem khách lạ ấy thì thấy người ấy biến sắc mặt luôn, lúc thì đỏ hồng, lúc thì xanh xao tái mét. Khi xong bữa, các người nghèo đứng dậy ra về, Thánh Grêgoriô cầm tay người ấy hỏi rằng:
- Anh ở đâu? Tên gì?
Người ấy thưa:
- Tôi là thiên thần mà Chúa sai đến để xem ông có lòng thương người và giúp người nghèo như thế nào. Chính tôi đây dâng lên Chúa những lời nguyện của ông và những việc lành ông làm, cụ thể như việc ông giúp người nghèo khăn đây.
Nói xong người ấy biến đi.
Cha Gioan chịu khó dẫn giải, ăn chay, hãm mình, cầu nguyện. Cha tin rằng những việc lành ấy sẽ làm cho giáo dân của mình bỏ đàng tội lỗi, ăn năn trở lại và trở nên đạo đức sốt sắng hơn. Trong các việc ấy, cha Gioan coi việc cầu nguyện là quan trọng, có sức mạnh hơn các việc khác. Cha biết việc cầu nguyện như nước trên trời mưa xuống đất. Dù người làm ruộng khó nhọc cày cấy, nếu trời nắng hạn không mưa thì đất khô, cỏ cháy không trồng thứ hoa màu gì được nên cha cầu nguyện sốt sắng lâu giờ.
Hai giờ sáng, cha dậy nguyện ngắm đọc kinh Nhật Tụng; bốn giờ sáng cha ra nhà thờ chầu Mình Thánh, đọc các kinh dọn mình làm lễ cho đến bảy giờ. Làm lễ xong cha ở lại cám ơn rước lễ, đọc kinh Nhật Tụng, lần hạt, dạy giáo lý cho đến trưa mới về nhà xứ ăn một hai miếng. Ban chiều, cha đi thăm viếng yên ủi con chiên, đi thăm kẻ liệt cho đến gần tối. Sau đó cha lại vào nhà thờ, đọc kinh chung, giảng dạy, chầu Mình Thánh cho đến khuya mới về nhà xem sách và hành xác. Mỗi đêm, cha chỉ ngủ độ một tiếng, có đêm cha không ngủ chút nào. Ngày nào cũng như ngày nào, cha luôn giữ chương trình đúng như vậy quanh năm cho đến suốt đời.
Thiên Chúa nhân lành vô cùng đã cảm động vì sự thành tâm ước ao làm sáng danh Chúa và cứu nhiều linh hồn của cha Gioan Vianney, nên Người ban ơn soi lòng mở trí giáo dân làng Ars để họ ăn năn sửa mình và đạo đức sốt sắng hơn các con chiên của các xứ khác. Thấy Thiên Chúa nhận lời mình cầu xin, ban cho mình được ơn ước ao từ lâu, cha Gioan vui mừng tạ ơn Chúa đêm ngày. Dù còn ít người cứng lòng chưa trở lại, dù trong những người trở lại có kẻ chưa được sốt sắng thật nhưng cha vẫn vui mừng và trông cậy vững vàng là chẳng bao lâu nhờ ơn Chúa giúp, cha sẽ lo cho mọi người trở lại và đạo đức sốt sắng.
Không những con chiên xứ Ars ăn năn trở lại, yêu mến Thiên Chúa sốt sắng hơn mà họ còn yêu mến cha xứ mình. Cả những người cứng lòng chưa ăn năn trở lại cũng đều kính trọng và yêu mến cha. Câu chuyện sau đây chứng tỏ điều ấy. Khi các bề trên thấy cha Gioan đã thay đổi được đời sống ở xứ Ars trở nên tốt đẹp, các ngài biết cha là người đạo đức sốt sắng, có sức biến đổi lòng người làm sáng danh Chúa nên muốn ban thưởng cho cha bằng cách bổ nhiệm cha Gioan đi coi xứ Sallê là một xứ lớn, dân chúng đông đảo, đất đai trù phú.
Khi giáo dân xứ Ars được tin ấy, họ buồn phiền khóc lóc, chạy đến với cha Gioan xin ngài ở lại, đừng bỏ giáo xứ. Họ thưa:
- Khi cha về nhận xứ, chúng con khô khan, nguội lạnh, tội lỗi. Cha phải khó nhọc khuyên bảo, thúc giục chúng con lâu năm, lâu tháng. Nay chúng con đã ăn năn trở lại và có ít nhiều người đạo đức sốt sắng. Nếu cha đi, bỏ chúng con, có khi chúng con lại ra khô khan như trước. Hơn nữa, việc cha làm nơi chúng con chưa hoàn thành, còn một số người chưa trở lại, xin cha đừng bỏ chúng con, xin cha ở lại với chúng con thì chúng con mới có thể ăn năn trở lại hết, mới đạo đức sốt sắng hết được.
Cha Gioan bảo:
- Cha không theo ý riêng mình, ý bề trên là ý Chúa. Bề trên truyền như thế nào thì cha phải vâng lời như vậy. Khi người đàn bà sinh con, chịu khốn cực bao nhiêu, đến khi đã sinh con rồi thì càng mừng và càng yêu dấu đứa con của mình. Cha đã sinh chúng con cho Thiên Chúa nên cha yêu mến chúng con hết lòng, sống chết muốn ở với chúng con, không muốn bỏ chúng con đâu.
Bề trên đã chỉ định ngày tháng phải đi nhận xứ Sallê nên cha phải vâng lời thu xếp mà đi. Cha rất nghèo, các đồ lễ của nhà thờ, của nhà xứ. Cha chỉ có hai gánh sách của cha Balley ngày xưa trăn trối lại cho cha mà thôi. Nhưng ý Chúa định cho cha coi xứ Ars cho đến chết. Hôm ấy trời mưa như trút nước, làm ngập đường vỡ đê, trôi cầu. Khi đi đến bờ sông thì cầu đã bị trôi, không có đò qua sông nên cha phải trở về xứ Ars. Hơn nữa, khi giáo dân xứ Ars được tin cha xứ của mình bị đổi sang xứ khác, họ cử mấy người biết ăn nói lên gặp bề trên địa phận.
Vì những người lên gặp bề trên đều ăn nói khôn khéo, trình bày lý lẽ thảm thiết nên bề trên chấp thuận cho cha Gioan ở lại coi xứ Ars. Giáo dân trong xứ biết tin ấy vui mừng biết bao. Có nhiều người kháo láo với nhau rằng:
- Chúa đã định cho cha Gioan ở lại với chúng ta nên khiến trời mưa lụt, làm trôi cầu, không cho cha đi xứ khác.
Được ở lại xứ Ars, cha Gioan cũng mừng lắm vì ngài thương mến con chiên mình thật lòng, chỉ trông cho họ ăn năn trở lại, giữ đạo sốt sắng vững vàng. Cha không muốn đi xứ giàu có, đông người, có nhà xứ rộng rãi, lịch sự, đầy đủ tiện nghi, cha chỉ muốn sống khó nghèo thiếu thốn, muốn ăn chay, hãm mình, đọc kinh cầu nguyện và làm các việc bổn phận cho sốt sắng.
Bề trên thay quyền Chúa quyết định cho cha ở lại xứ Ars, cha chỉ trông mong hoàn thành công việc còn dở dàng, là làm cho tất cả con chiên của mình ăn năn trở lại cùng Thiên Chúa và giữ đạo sốt sắng. Cha khiêm tốn nghĩ: “Bởi tôi là kẻ dốt nát tội lỗi, nên con chiên của tôi cứ khô khan và chậm bỏ đường tội lỗi”. Cha thường xin các linh mục ở các xứ lân cận đến giảng và giải tội cho giáo dân của mình, nhất là trong những tuần tĩnh tâm và ngày lễ quan thầy xứ Ars. Trong những dịp ấy, cha làm thêm nhiều việc lành như ăn chay, hãm mình, hành xác và đọc kinh sốt sắng hơn nữa.
Người viết tiểu sử của cha nói:
”Trong suốt tuần tĩnh tâm, cha làm lễ với ý chỉ xin Chúa soi lòng mở trí cho kẻ khô khan cứng lòng được ăn năn trở lại, và sốt sắng nhiều hơn”.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP