Đức tin là nền tảng, là nguồn gốc các nhân đức khác. Người nào mạnh tin thì trông cậy vào Chúa, và tuân giữ các điều răn cách trọn hảo. Ai càng mạnh tin bao nhiêu lại càng trông cậy vững vàng, yêu mến thiết tha và tuân giữ các điều răn nghiêm nhặt hơn bấy nhiêu. Cha Gioan có lòng tin mạnh mẽ, đức tin của cha như đuốc cháy sáng trong lòng, nên cha thấy những điều trong đạo là thật, là phải lẽ. Có một người nhân đức xứ Ars nói:
- Cha Gioan tin các điều trong đạo cách mạnh mẽ như mắt cha đang xem thấy những điều ấy trước mắt cha. Nhất là cha tin Chúa Giêsu đang ngự trong Bí tích Thánh Thể, lúc đó đức tin thêm sức cho cha nên dù cha yếu nhọc, kiệt sức nói không ra tiếng, nhưng nói đến Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể thì cha giảng lớn tiếng như người khỏe mạnh.
Cha giảng: “Than ôi! Chúng ta có phúc dường bao khi xem thấy Chúa Giêsu ngự trong phép Thánh Thể. Nếu như chúng ta có lòng tin mạnh mẽ, mắt linh hồn chúng ta sẽ được xem thấy Chúa Giêsu tỏ tường, vì có linh mục đã được xem thấy Chúa nhãn tiền lúc dâng lễ, còn chúng ta vì yếu tin nên chỉ xem thấy Người mờ mờ, như trông thấy một người ở xa vậy”.
Hôm khác cha giảng:
”Ai không có đức tin người đó mù tối trong linh hồn còn hơn những người mù thân xác nữa, vì thế gian là chốn tối tăm, đầy dẫy sương mù che phủ khắp mặt đất, còn đức tin như cơn gió đánh tan sương mù ấy làm cho mặt đất quang đãng. Người ngoại đạo, người không có đức tin luôn sống giữa sương mù mờ mịt, còn người có đạo nhờ đức tin soi trí mở lòng nên luôn ở nơi sáng tỏ”.
Khi cha Gioan còn trẻ đã học ít, đến lúc làm linh mục cha càng ngăn trở bởi trăm nghìn công việc nên không có thời giờ học. Hơn nữa trí óc cha lại tối tăm, chậm hiểu nhưng nhờ cha mạnh tin và lấy đức tin làm mẫu mực cho các việc làm nên cha trở thành người khôn ngoan, thông biết những lý lẽ cao siêu, xử trí những việc rắc rối, trắc trở mà những người khôn ngoan thông thái không thể giải quyết được. Đó là nhờ đức tin mở trí khôn ngoan cho cha ngày càng rộng càng sáng. Có người hỏi cha:
- Ai được gọi là người mạnh tin?
Cha trả lời:
- Ai tâm sự nói năng với Chúa như khi ta nói chuyện với nhau, đó là người mạnh tin.
Cha Gioan luôn trông mong khát khao phúc thiên đàng, khi cha nói đến phúc ấy và những thanh nhàn vui vẻ đời sau, ai ai cũng đều mong chết ngay để được lên thiên đàng. Một linh mục giúp xứ Ars nói:
- Tôi được nghe cha Gioan khuyên bảo người hấp hối hai lần. Khi nghe thấy những kiểu cách và những lời sốt sắng thiết tha cha nói về phúc thiên đàng và những sự thanh nhàn đời đời vui vẻ thì người hấp hối và những người có mặt ở đấy không còn muốn sống nữa, chỉ muốn chết để được lên thiên đàng hưởng hạnh phúc ngay lập tức.
Dù khi nghĩ đến sự chết, sự phán xét, cha Gioan sợ hãi kinh khiếp nhưng cha vẫn luôn luôn trông mong và khát khao chết. Người thế gian sợ chết bao nhiêu thì cha ước ao và mong chết bấy nhiêu. Có nhiều lần, cha ước ao có nhiều thì giờ thong thả để viết sách nói về sự chết là sự tốt lành, êm ái dịu dàng và vui mừng biết chừng nào. Cha hay giảng về phúc thiên đàng và khuyên người ta phải ước ao chết cho được lên thiên đàng:
”Chết là thế nào? Chết là linh hồn ra khỏi thân xác hèn mọn này để hợp làm một với Thiên Chúa là Đấng tốt lành vô cùng. Những người kính mến Thiên Chúa thật lòng, luôn ước ao khao khát kết hợp làm một với Người, những ai sợ chết là người không có lòng yêu mến Thiên Chúa thật, vì người có lòng yêu mến thật sẽ ước ao chết để được hưởng nhan Thiên Chúa và kết hợp nên một với Người đời đời”.
Cha giảng tiếp:
”Người nào yêu chuộng sự gì thì lòng họ luôn hướng đến điều ấy. Người kiêu ngạo háo danh cùng tham lam chức quyền sang trọng ở thế gian này. Người hà tiện ước ao của cải vàng bạc đời này. Người mê dâm dục ước ao sự vui sướng xác thịt. Còn người lành, người nhân đức chỉ trông mong kính mến Chúa và ước ao được lên thiên đàng để hưởng thánh nhan Chúa thôi. Nếu như chúng ta năng suy ngắm và ước ao phúc vinh hiển trên thiên đàng, chúng ta sẽ coi mọi sự vui thú đời này là hèn hạ, đáng chê ghét. Ngày xưa Thánh Têrêxa được xem thấy thiên đàng chỉ trong chốc lát mà thánh nữ hạnh phúc sung sướng quá sức, miệng lưỡi không thể nào diễn tả được và coi mọi sự đời này như rơm rác không màng đến nữa. Thiên đàng là nơi thanh nhàn, là chốn thái bình, quê hương những người con của Thiên Chúa, là nơi gồm mọi hạnh phúc đích thực. Để được lên thiên đàng cần phải sạch mọi tội lỗi, phải xa lánh mọi phù hoa thế gian để kính mến Thiên Chúa hết sức hết trí lòng mới được”.
Cha Gioan yêu mến Chúa thế nào chúng ta không thể tả xiết. Cả cuộc đời của cha và nhất là trong ba mươi năm sau hết, cha chú tâm vào một việc duy nhất là yêu mến Chúa hết lòng hết sức và lo cho mọi người yêu mến Chúa. Lòng trí cha luôn nhớ đến Chúa, mắt cha như luôn xem thấy Chúa ở trước mặt, cha mở miệng là nói về Chúa và tâm trí cha hằng than thở với Chúa. Cha Gioan coi việc yêu mến Chúa làm ngọt ngào vui sướng và cha sống được là nhờ lòng yêu mến ấy, nên cha cho rằng những người không yêu mến Chúa thật thiệt thòi, ngu dại.
Có lần cha nói:
- Khi tôi nghĩ đến những người không yêu mến Chúa, cả đời họ không biết đến việc yêu mến Chúa bao giờ, thì tôi coi người đó là người đáng thương nhất.
Cha hay khuyên mọi người yêu mến Chúa và làm mọi bổn phận vì lòng yêu mến Chúa:
- Ở thế gian này chỉ có sự hiểu biết và yêu mến Chúa là niềm vui thật. Chúng ta phải làm mọi việc vì lòng kính mến Chúa và để làm đẹp lòng Người, chứ đừng làm việc vì thói quen hay vì thế gian kẻo mất hết công phúc. Sáng ngủ dậy, chúng ta hãy dâng hết mọi việc sẽ làm, mọi sự khó nhọc chúng ta sẽ chịu trong ngày hôm ấy cho Thiên Chúa. Hãy năng nhớ Chúa hiện diện trước mặt chúng ta và luôn xem thấy chúng ta và cùng làm mọi việc với chúng ta. Khi biết rằng Chúa luôn xem thấy, luôn ở với chúng ta và luôn yêu thương, đó là sự êm ái dịu dàng an ủi chúng ta nhiều nhất.
Từ xưa đến nay, thánh nào cũng có lòng yêu mến bí tích Thánh Thể cách riêng, cha Gioan cũng vậy, cha có lòng yêu mến Thánh Thể cách lạ lùng. Cha thường giảng về sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, hay cha khuyên bảo người ta yêu mến bí tích Thánh Thể. Khi nào cha giảng về bí tích Thánh Thể, cha giảng cách say mê, giảng lớn tiếng và lâu hơn mọi khi.
Những năm mới về xứ Ars, cha Gioan còn thư thả vì người ta mọi nơi chưa kéo đến xưng tội với cha, nên cha chầu Thánh Thể suốt ngày. Giáo dân xứ Ars chưa hề thấy cha nào chầu Thánh Thể sốt sắng và lâu như thế nên rủ nhau đến xem. Bà Catharina coi sóc viện cô nhi nói:
- Cha Gioan có lòng yêu mến Bí tích Thánh Thể thật lạ lùng. Khi thiên hạ chưa kéo đến xưng tội với người, tôi thấy cha chầu Thánh Thể suốt cả ngày và khi chầu cha chỉ quỳ gối, không hề ngồi hay dựa vào đâu bao giờ.
Khi đọc kinh Nhật Tụng trước bàn thờ, thỉnh thoảng cha lại ngước lên nhìn nhà tạm, lúc đó người ta thấy mặt cha rạng rỡ, vui mừng thì tin là cha Gioan được xem thấy Chúa Giêsu. Những người nhìn cung cách cha dâng lễ, đều tin thật là cha được xem thấy Chúa Giêsu hiện diện trên bàn thờ. Cha Gioan dâng lễ vừa phải, không chậm quá cũng không mau. Ai ai cũng xem việc giúp lễ cho cha Gioan là cao quý. Các linh mục, giáo dân, người có chức quyền hay thường dân đều tranh nhau giúp lễ cho cha Gioan.
Một người hay giúp lễ cho cha Gioan nói:
- Cha Gioan làm lễ nghiêm trang sốt sắng như thiên thần, cha làm lễ không nhanh, không chậm. Trước khi cha chịu lễ, lúc cha cầm Thánh Thể trên tay, đôi mắt cha chăm chú nhìn vào Mình Thánh, miệng thầm kêu van một lúc rồi mới ăn.
Khi cha giảng về Thánh Lễ, ngài nói:
- Chúa Giêsu ngự ở trên trời như thế nào thì khi linh mục đọc lời Truyền Phép, Người cũng ngự xuống bàn thờ như vậy. Ở thế gian, người linh mục không thể hiểu được việc dâng lễ là phúc cao trọng chừng nào, chỉ khi nào lên thiên đàng họ mới hiểu được điều đó thôi.
Người viết tiểu sử cha Gioan nói:
”Có một lần tôi thấy cha Gioan khóc lóc thảm thiết. Tôi chưa kịp hỏi, cha liền nói: “Than ôi! Linh mục nào biết mình mắc tội trọng mà dám làm lễ là người khốn nạn, là người quái gở biết bao. Không có trí khôn nào hiểu được tội lỗi vị linh mục ấy nặng nề ghê gớm thế nào. Cho nên tối nào trước khi đi ngủ, tôi cũng đều đọc bảy kinh sáng danh đền tội cho các linh mục làm lễ đang khi mắc tội trọng. Tôi cũng dâng cúng tiền bạc để các cha khác làm lễ hằng năm để đền bù những tội lỗi ấy”.
Cha hay khuyên bảo giáo dân siêng năng rước lễ và cha hay giảng về ơn quý trọng khi được kết hiệp với Chúa sau khi rước lễ. Cha nói:
- Khi Chúa Giêsu tìm lương thực nuôi dưỡng linh hồn người ta, Người tìm khắp thế gian chẳng thấy vật gì xứng đáng nên phải lấy chính Mình Người làm lương thực nuôi dưỡng linh hồn người ta. Chỉ suy điều ấy thôi thì đủ biết linh hồn người ta quý trọng dường nào. Vậy Mình Thánh, Máu Thánh Chúa Giêsu chính là của nuôi linh hồn người ta. Ôi! Của ăn ấy quý trọng dường bao! Những người có lòng thanh sạch, sốt mến chịu lễ ở đời này, đời sau được sáng láng trên thiên đàng. Ai chịu lễ sốt sắng một lần thôi cũng đủ đốt lửa kính mến Chúa trong lòng mình và dễ dàng khinh chê mọi sự sang trọng, mọi vui thú của thế gian. Cách đây vài bữa, có một người sang trọng danh tiếng đến xứ Ars, ông ăn năn trở lại, xưng tội, chịu lễ sốt sắng. Ông là triệu phú rất giàu có, sau khi xưng tội chịu lễ xong, ông chia của cải của mình làm ba phần, một phần để xấy cất nhà thờ, một phần bố thí cho người nghèo, phần còn lại để cho anh chị em cháu chắt, rồi từ bỏ thế gian mà vào nhà dòng. Được kết hiệp với Chúa là sự vui sướng trên hết các sự vui sướng, thế gian này chẳng có sự vui sướng nào sánh bằng. Sự hiệp lễ giúp chúng ta chịu đựng được tất cả những khốn khó xảy đến cho chúng ta trong cuộc đời.
Cha lại nói:
- Ai nấy hãy siêng năng rước lễ: Từ xưa đến nay, những người được rỗi linh hồn, nên trọn lành thánh thiện đều là những người siêng năng cầu nguyện và năng rước lễ.
Hằng năm đến tuần lễ tổ chức lần lượt chầu Mình Thánh, khi cha rao lịch, ngài hân hoan lấy lời sốt sắng khuyên bảo giáo dân thờ phượng yêu mến Mình Máu Thánh Chúa Giêsu:
- Trong suốt tuần này, Chúa Giêsu không những ngự trong nhà tạm nhưng Người ngự trên bàn thờ để cho chúng ta được chiêm ngắm, tôn thờ và để ban mọi ơn lành hồn xác cho chúng ta nên anh chị em muốn xin gì thì sẽ được. Anh chị em hãy giục lòng tin mạnh mẽ, yêu mến Chúa cho thiết tha, chỉ tại chúng ta kém tin, kém yêu mến nên chúng ta không được những gì chúng ta xin.
Mỗi ngày khi cha đọc kinh Nhật Tụng, cha luôn suy ngắm những sự Thương khó Chúa Giêsu. Lúc đọc giờ Matutinum, cha suy Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu trong vườn Giệtsêmani. Khi đọc giờ Tertia, cha suy Chúa Giêsu đang vác Thánh giá. Khi đọc giờ Sexta thì suy Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào Thánh giá. Lúc đọc giờ Nona thì suy việc Chúa Giêsu gục đầu xuống mà thở hơi cuối cùng. Khi đọc giờ Vespera thì suy các môn đệ tháo đanh và đem xác Chúa Giêsu xuống. Khi đọc Completorium thì suy Chúa Giêsu phải táng xác trong hang đá.
Cha trân quý một trăm năm mươi thánh vịnh của vua David và coi những thánh vịnh ấy sốt sắng hơn các kinh khác, cha nói:
- Tội của vua David là tội có lộc, có ích cho ta: felix culpa. Vì vua phạm tội nên mới đặt một trăm năm mươi ca vịnh ấy.
Ngày Chúa Nhật, cha dành riêng để thờ kính Ba Ngôi Thiên Chúa, ngày thứ hai cha dành để thờ Chúa Thánh Thần và cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục, ngày thứ ba kính các thánh Thiên Thần, ngày thứ tư kính Thánh Giuse và các thánh nam nữ trên trời, ngày thứ năm thờ Chúa Giêsu ngự trong Bí tích Thánh Thể, ngày thứ sáu kính những sự Thương Khó Chúa Giêsu, ngày thứ bảy kính Đức Trinh Nữ Maria.
Cha có lòng yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt, cha hay dâng lễ nơi bàn thờ của Đức Mẹ, nhất là vào các ngày thứ bảy quanh năm, không bỏ ngày nào. Mỗi ngày, khi đọc kinh tối trong nhà thờ, cha lần hạt chung với giáo dân. Khi cha về nhận xứ Ars được hai năm thì lập hội Mai Khôi để tôn kính Đức Mẹ trong xứ của mình. Những người vào trong hội ấy, khi nghe đồng hồ báo, họ đọc một kinh Kính Mừng và một câu than: “Kính mừng ngợi khen Trinh Nữ Rất Thánh Maria là Mẹ Chúa Trời không mắc tội tổ tông truyền”.
Cha mua một cái đồng hồ lớn đặt trên gác chuông nhà thờ để cả xứ Ars khi nghe tiếng đồng hồ báo giờ thì đọc những kinh trên. Cha thường khuyên mọi người hãy trông cậy và yêu mến Mẹ Maria, và cha hay giảng về quyền thế cao trọng và lòng thương yêu loài người lớn lao của Mẹ Maria. Chẳng mấy xứ mừng các lễ Đức Mẹ trong năm trọng thể và sốt sắng cho bằng xứ Ars, nên giáo dân các xứ chung quanh và những khách thập phương kéo đến dự các lễ Đức Mẹ ở xứ Ars đông như ngày hội.
Hằng năm, cha làm việc tháng Đức Mẹ trong nhà thờ và hết mọi ngày trong tháng ấy cha đều giảng. Cha lại có lòng trông cậy Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, cha luôn cầu xin Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ cầu bầu cho người có tội và hay khuyên bảo mọi người cầu xin Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ trong tuần chín ngày cho người cứng lòng được ăn năn trở lại. Cha dâng cúng nhiều tiền bạc để xin làm lễ kính Trái Tim Mẹ hằng năm.
Cha có lòng tôn kính và yêu mến các thánh trên trời cách đặc biệt, cha hay xem hạnh các thánh, hay lấy các truyện tích và việc các thánh làm mà giảng dạy cho giáo dân. Nhưng trong số các thánh, cha yêu mến và tôn kính Thánh Philomena cách riêng. Cha lập bàn thờ để kính thánh nữ trong nhà thờ xứ Ars, cha hay cậy trông và chạy đến cầu xin thánh nữ, nên cha xin điều gì đều được cả. Có nhiều người quả quyết:
- Thánh Philomena hay hiện đến yên ủi thêm sức cho cha, để cha chu toàn các việc bổn phận của mình.
Cha cũng có lòng thương các linh hồn nơi luyện ngục, cha hay cầu nguyện làm các việc lành giúp đỡ các linh hồn ấy. Cha bắt chước Thánh Đaminh, chia các việc lành, các công phúc của cha làm ba phần; một phần để đền tội riêng của mình, một phần ý chỉ cho người có tội, một phần cho các linh hồn nơi luyện ngục.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP