Khi cha Gioan lập những nhà nuôi trẻ mồ côi, mỗi ngày một lần, ngài thường giải thích giáo lý và cắt nghĩa các điều cần thiết để chúng được rỗi linh hồn. Lúc ban đầu, khoảng một giờ trưa, cha đến ngồi giữa nhà giải thích giáo lý cho trẻ chừng nửa giờ. Những người làng Ars cũng đến đông lắm, và vì nuôi trẻ chật chội không đủ chỗ ngồi nên cha ra nhà thờ cắt nghĩa giáo lý. Sau này, khi thiên hạ ở khắp tứ phương kéo đến xứ Ars, thì cha làm việc ấy vào buổi sáng mỗi ngày cho đến khi qua đời. Khoảng mười một giờ trưa, khi nghe chuông nhà thờ đổ, dân làng Ars và những người tứ xứ kéo đến ngồi chật nhà thờ và ngoài hè để nghe cha Gioan giảng.
Người viết tiểu sử cha Gioan cho biết:
”Vì cha Gioan làm việc ấy mỗi ngày nên trở thành người giảng thuyết lừng danh khắp nơi. Mang tiếng là cắt nghĩa giáo lý cho trẻ, nhưng nhân dịp đó, cha cũng dạy hết mọi người. Người ta thấy cha Gioan giảng những lý lẽ chắc chắn, sốt sắng, làm cho nhiều người xúc động muốn được nghe mãi không chán. Bấy giờ, có một số người ghi chép những lời cha giảng và đã in thành sách cho những người khác được nhờ”.
Ở đây xin tóm một vài bài để biết cha Gioan đã giải nghĩa giáo lý như thế nào.
Bài 1: Về Chức Linh Mục
Khi cha Gioan giải thích bí tích truyền chức thánh thì giảng về chức linh mục như sau:
”Có nhiều người nghĩ rằng: 'Bí tích truyền chức chỉ dành riêng cho những người chịu chức linh mục thôi, không can dự gì đến giáo dân, vì giáo dân không chịu bí tích này. Ai nghĩ vậy thì thật sai lầm! Vì bí tích truyền chức hướng đến mọi người và làm ích lớn lao cho mọi người. Bởi có bí tích truyền chức mới có linh mục. Trước khi Chúa Giêsu lên trời, Người truyền chức cho các Tông Đồ và sai đi rao giảng khắp thế gian nhân danh Người: 'Thầy đã được ban cho mọi quyền trên trời dưới đất, các con hãy đi rao giảng cho muôn dân; ai tin và giữ mọi lời ấy sẽ được cứu, ai không tin sẽ phải án phạt đời đời. Cha Thầy đã sai Thầy thế nào thì Thầy cũng sai các con như vậy. Ai nghe các con là nghe Thầy, ai khinh dể các con là khinh dể Thầy'.
Người được làm linh mục là thay mặt Chúa Giêsu ở thế gian này. Linh mục ngồi tòa giải tội cho người ta, thánh hóa Mình Thánh và làm các bí tích khác thay mặt Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Đấng Chuộc Tội cho loài người nên mọi sự lành người ta được, tất cả đều bởi Người. Vậy linh mục là người thay mặt Chúa Giêsu, là Chúa Giêsu ở dưới đất, nên một cách nào đó mọi ơn và mọi sự lành người ta được đều bởi linh mục ban phát. Khi anh chị em ở trong lòng mẹ sinh ra là người nghịch với Thiên Chúa và làm tôi ma quỷ. Ai làm cho anh chị em được khỏi tội và trở nên con cái Thiên Chúa, nên con cái Hội Thánh? Thưa đó là linh mục.
Ai truyền phép Mình Thánh làm cho Chúa Giêsu ngự thật trên bàn thờ đêm ngày? Đó là linh mục. Ai đưa Mình Thánh Chúa Giêsu làm của nuôi linh hồn anh chị em? Đó là linh mục. Khi anh chị em phạm tội trọng, mất nghĩa với Thiên Chúa và làm cho linh hồn mình ra dơ dáy, xấu xa. Ai tha tội và làm cho anh chị em lại được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa? Đó là linh mục. Ai rửa linh hồn anh chị em thanh sạch, sáng láng? Đó là linh mục. Đến giờ sau hết, lúc gần chết, ai sửa sang linh hồn anh chị em nên tốt lành xứng đáng đến trước tòa Chúa Giêsu mà chịu phán xét? Ai đưa của ăn đàng cho anh chị em? Đó là linh mục.
Đức Mẹ và các thiên thần không giải tội cho anh chị em được, không cho anh chị em chịu lễ, không truyền phép Mình Thánh được. Dù một vạn thiên thần cũng không tha một tội nhỏ mọn của anh chị em được. Nhưng linh mục truyền phép Mình Thánh được, cho anh chị em chịu lễ được, tha tội cho anh chị em, rửa linh hồn anh chị em cho thanh sạch, đẹp đẽ trước mặt Chúa vì Chúa Giêsu ban quyền ấy cho các linh mục.
Linh mục như là người giữ kho ơn thiêng của Chúa, luôn gìn giữ và phân phát các ơn Chúa cho thiên hạ. Nếu không có linh mục, ta không được hưởng công nghiệp nhờ sự Thương Khó Chúa Giêsu được. Thí dụ: như kho đầy vàng bạc, nếu không ai mở cửa thì chẳng ai vào lấy được những của cải trong kho ấy ra. Cũng thế, nếu không có linh mục ban phát công nghiệp của Chúa Giêsu cho chúng ta thì chúng ta không được hưởng nhờ công nghiệp ấy. Linh mục như chìa khóa mở cửa thiên đàng, như máng chuyên ơn Chúa xuống cho người ta. Thí dụ: như giếng kia đầy nước ngọt và trong, nhưng sâu lắm, phải có dây và gàu mới lấy nước lên được. Vậy linh mục như gàu như dây dùng mà lấy nước. Nếu ta không có linh mục thì không được hưởng nhờ công nghiệp Chúa Giêsu chút nào.
Ôi! Quyền phép linh mục cao trọng dường nào! Khi ta còn ở trên thế gian này, ta sẽ không hiểu được quyền phép ấy cao trọng tới mức nào, chỉ khi lên thiên đàng chúng ta mới hiểu được điều ấy.
Nhưng linh mục chỉ dùng quyền phép mình mà thi hành các bí tích cho người khác, nhưng không làm các bí tích ấy cho mình được. Khi linh mục có tội thì không tha tội cho mình được. Đến giờ chết, linh mục không ban bí tích sau hết cho mình được mà phải nhờ một linh mục khác làm cho mình.
Nếu như không có linh mục coi sóc, giảng dạy, khuyên bảo cùng thi hành các bí tích cho con chiên, chỉ 20, 30 năm người ta sẽ bỏ đạo hết, không còn ai giữ đạo nữa. Nhiều vua đã cấm cách, bắt đạo, cũng cố bắt linh mục mà không bắt giết các bổn đạo, vì họ biết khi không còn các linh mục làm lễ, ban các bí tích và dạy dỗ giáo lý thì đạo sẽ mất dần và sẽ chẳng còn ai giữ đạo nữa.
Khi anh chị em thấy linh mục thì phải suy nghĩ rằng: 'Đây là Đấng thay mặt Chúa, làm phép rửa tội cho tôi, để tôi trở nên con cái Thiên Chúa và con cái Hội Thánh. Ngài là người đưa Chúa Giêsu ở trên trời ngự xuống trên bàn thờ, làm của nuôi linh hồn tôi, là Đấng rửa linh hồn tôi cho sạch, giúp tôi lấy lại ơn nghĩa với Chúa khi tôi mất ơn nghĩa cùng Chúa, là Đấng ban phát các bí tích sau hết cho tôi lúc hấp hối và mở cửa thiên đàng cho tôi vào.
Vậy linh mục là người có quyền thế, làm nhiều ơn ích cho anh chị em dường ấy thì anh chị em phải kính trọng, biết ơn các linh mục. Khi xưa, Thánh Phanxicô rất có lòng kính trọng các linh mục, ngài nói: “Nếu tôi gặp một linh mục và một thiên thần cùng một lúc, tôi sẽ chào vị linh mục trước”. Chẳng những là chúng ta phải kính trọng các linh mục mà phải vâng lời các ngài. Ai vâng lời các linh mục là vâng lời Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã phán như thế. Linh mục chỉ dạy anh chị em những chân lý, điều phải và có ích, anh chị em vâng lời các ngài thì sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa, được bằng yên ở đời này và hưởng phúc thanh nhàn đời sau vô cùng. Amen”.
Bài 2: Linh Hồn Người Ta Rất Quý Trọng Nên Phải Gìn Giữ Linh Hồn Sạch Mọi Tội
”Người thế gian chế ra nhiều loại máy móc tinh xảo, nhiều điều khôn ngoan, nhưng những việc ấy sánh với những việc của Thiên Chúa thì như trò trẻ con. Thiên Chúa là Đấng phép tắc vô cùng chỉ phán một lời liền có đất trời. Trời có nhiều lớp nhiều tầng; đất có Đông, Tây, Nam, Bắc, có sông suối chảy, có núi cao vời vợi, chung quanh đất có biển mênh mông, khi lên khi xuống; trên đất có lửa có khí. Trên trời có mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao luôn xoay vần soi sáng thế gian. Mặt trời mặt trăng thay đổi nhau soi sáng nên có ngày có đêm, có năm, có tháng, có tứ thời bát tiết, có nắng mưa để cày cấy và gặt hái.
Trên mặt đất có nhiều gió thay đổi nhau mà thổi tư bề. Đất cứ theo mùa sinh ra lúa thóc, hoa quả, các giống thảo mộc nuôi loài người và muôn thú trên trần gian. Những điều ấy còn mãi chẳng thay đổi bao giờ, đời trước thế nào, đời sau vẫn vậy. Trời đất chẳng khác gì chiếc đồng hồ, nó chạy luôn mãi, đã hơn bao triệu năm chẳng sai, chẳng dừng lại bao giờ. Đó là những sự lớn lao mắt anh em xem thấy được mà trí khôn suy không thấu. Còn những điều người ta làm ra mà sánh cùng những việc ấy thì chẳng khác gì trò trẻ con.
Mọi việc Thiên Chúa làm, mọi vật Người dựng nên thì lớn lao, cao trọng, khéo léo quá sức loài người tưởng tượng, nhưng trong các điều ấy, linh hồn người ta là cao trọng nhất, cao trọng hơn trời đất này vì linh hồn thì thiêng liêng, không hề hư hoại, chẳng hề tiêu tan. Trời đất này sẽ qua đi, sẽ đến ngày thế mạt nhưng linh hồn sẽ còn mãi vô tận.
Thiên Chúa yêu quý linh hồn anh chị em đến nỗi Người ngự ở nơi ấy và thích ở đấy hơn ngai tòa của Người trên thiên đàng. Một lần kia, Chúa Giêsu cho thánh nữ Catharina thấy linh hồn ấy quý đẹp, sáng láng tốt lành quá sức nên than thở với Chúa Giêsu:
”Lạy Chúa Trời con! Chúa dạy con phải tin có một Đức Chúa Trời mà thôi. Nếu như con không tin điều ấy thì khi xem thấy linh hồn này đẹp đẽ sáng láng dường ấy, con tưởng có hai Đức Chúa Trời”.
Anh chị em muốn biết linh hồn mình cao quý thế nào, cứ suy điều này: “Giống gì, vật gì đều có giá trị riêng; giống quý trọng thì đắt và hiếm, còn giống nào, vật nào tầm thường thì nhiều và rẻ.” Lúc ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên linh hồn người ta sáng láng tốt lành, nhưng bởi tổ tông đã phạm tội phản nghịch cùng Thiên Chúa nên linh hồn người ta ra hoen ố, hướng chiều về điều xấu và lệ thuộc quyền năng của ma quỷ. Chúa Giêsu vì thương linh hồn người ta bị hủy diệt đời đời nên đã chịu chết mà cứu chuộc chúng ta. Anh chị em hãy nghĩ xem Chúa Giêsu lấy gì mà cứu chuộc linh hồn người ta thì anh chị em sẽ thấy linh hồn quý giá dường nào. Chúa Giêsu không dùng của cải vàng bạc, để cứu chuộc linh hồn anh chị em đâu, vì một linh hồn còn quý trọng hơn cả thế gian, huống chi linh hồn của hết mọi người trên thế gian này. Chúa Giêsu đã đổ hết máu mình mà chuộc lấy linh hồn anh chị em. Anh chị em hãy suy điều ấy thì biết linh hồn anh chị em quý trọng biết bao.
Chúa Giêsu coi linh hồn anh chị em rất quý trọng nên đã cứu chuộc với giá cao như thế mà anh chị em không lấy đó làm quý trọng linh hồn anh chị em hay sao? Không những anh chị em không coi linh hồn mình làm trọng mà nhiều người còn coi thường nó lắm. Dù xác thịt thấp kém, là cát bụi nhưng có nhiều người coi xác thịt trọng hơn linh hồn mình, họ sẵn sàng chiều theo xác thịt mà để linh hồn mình ra hư mất; có nhiều người cả đời lo cho xác thịt được khỏe mạnh, no đủ, sung sướng mà để linh hồn đói khát, chẳng hề lo đến linh hồn mình bao giờ. Than ôi! Biết bao người vì tham lam của cải và vui thú đời này mà mất linh hồn đời đời.
Linh hồn anh chị em cao trọng lắm nên anh chị em phải gìn giữ linh hồn cho thanh sạch, vì chỉ người giữ linh hồn thanh sạch mới làm đẹp lòng Chúa. Xưa các thánh đã bỏ thế gian lên rừng hãm mình, ăn chay, phạt xác để giữ linh hồn sạch tội. Người nào càng giữ linh hồn mình sạch tội bao nhiêu thì trên thiên đàng càng ngồi tòa cao gần ngai Thiên Chúa bấy nhiêu. Những người giữ được linh hồn mình thanh sạch, họ xin điều gì cùng Chúa sẽ được nhận lời.
Anh chị em hãy suy hạnh Thánh Maurô, học trò Thánh Benedictô. Một lần, Thánh Maurô đem cơm đến cho Thánh Benedictô và các thày dòng đang làm ngoài đồng, thầy gặp một con rắn lớn và độc lắm, liền bắt bỏ vào vạt áo của mình. Con rắn nằm yên trong vạt áo thầy không phản kháng gì. Khi đến nơi, thầy mở vạt áo ra cho Thánh Benedictô và các thầy dòng xem và nói: “Thưa cha khi đi đường con nhặt được con rắn này”. Lúc ấy rắn phùng mang phun phì phì muốn mổ người này người kia. Thánh Benedictô bảo thầy Maurô: “Con hãy đem nó trả về chỗ cũ”. Thầy Maurô vâng theo. Khi thầy đi rồi, Thánh Benedictô nói: “Xưa ông Adong chưa phạm tội, được quyền cai trị muôn thú dữ, bảo sao chúng cũng nghe, không hề làm hại gì. Nhưng khi Adong phạm tội thì mất quyền ấy vì đã phản nghịch cùng Thiên Chúa, nên muôn thú dữ cũng phản nghịch con người. Vậy con rắn kia hiền lành, không mổ thầy Maurô vì thầy giữ mình thanh sạch từ lúc rửa tội cho đến nay, tâm hồn thầy như Adong khi chưa phạm tội.
Ai muốn giữ mình sạch tội phải làm ba điều nầy:
1. Luôn nhớ mình hiện diện trước mặt Chúa.
2. Phải siêng năng đọc kinh cầu nguyện.
3. Phải năng xưng tội, chịu lễ.
Bài 3: Bằng Lòng Chịu Mọi Sự Khó Khăn Ở Đời Này
Cha Gioan hay giảng về sự thương khó của Chúa Giêsu. Cha giảng rõ ràng, sốt sắng, ai nghe cũng xúc động chảy nước mắt như họ được xem thấy Chúa Giêsu chịu thương khó ngay trước mắt mình. Sau khi giảng về sự thương khó Chúa, cha giảng về các thánh tử đạo và kể nhiều câu chuyện của các thánh ấy khi các ngài bằng lòng chịu mọi sự đau đớn khốn khó. Câu chuyện sau đây thường được cha kể lại vì chính mắt cha xem thấy.
Cách đó một ít năm, trong một xứ gần đấy, có một thanh niên mười bảy tuổi, ốm đau hoài, trong mình bứt rứt không yên. Cha đến thăm và ban các bí tích cho anh và hỏi anh rằng:
- Con ơi! Con có đau lắm không?
Người thanh niên thưa:
- Thưa cha có nhưng không đau lắm, vì những sự đau đớn con chịu hôm qua đã qua rồi, mà những đau đớn con chịu ngày hôm nay cũng sẽ qua đi. Đời này chóng qua lắm nên những sự đau đớn cũng chóng qua thôi, cha ạ! Con suy nghĩ điều ấy thì thấy rất an ủi và sự đau đớn của con trở nên nhẹ nhàng.
Cha Gioan hỏi tiếp:
- Con có ước ao khỏi bệnh không?
Người thanh niên thưa:
- Thưa cha, con không ước ao khỏi bệnh, vì khi con khỏe, con xấu nết và tội lỗi lắm, nếu như con khỏi bệnh, có khi con lại xấu nết và tội lỗi hơn trước, con sợ điều ấy nên sẵn lòng chịu đau đớn bệnh tật suốt đời.
Người thanh niên ấy coi việc đau đớn bệnh tật có ích hơn sự khỏe mạnh vì được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng cho biết việc nào có ích cho mình hơn. Có người yêu chuộng sự khỏe mạnh phần xác và kinh sợ sự đau đớn bệnh tật vì người ấy không có ơn Chúa soi sáng, họ không phân biệt được tốt xấu, lành dữ.
Khi Chúa cho chúng ta phải chịu sự khốn khó thì chúng ta thường phàn nàn kêu trách và ngã lòng, chúng ta sợ những gì trái với ý muốn và luôn luôn muốn được vừa ý, được bằng yên luôn mãi, không muốn khốn khó, vì chúng ta không biết thánh giá là đường lên thiên đàng. Chúng ta phải tin rằng những tai vạ và mọi sự khốn khó là bậc thang đưa chúng ta lên thiên đàng. Hơn nữa, những sự khốn khó ấy đều chóng qua.
Thánh giá là bậc thang dùng để lên thiên đàng. Người nào sẵn lòng chịu khó vì Chúa Giêsu thì thật có phúc. Lúc xét mình ban tối hãy suy nghĩ: Hôm nay tôi có được nên giống Chúa Giêsu không? Nếu vác thánh giá với Người được hai ba giờ, tôi nên vui mừng trong lòng, vì lập được công phúc cho đời sau và đến giờ chết sẽ được yên ủi biết là chừng nào.
Dù muốn hay không, ai cũng phải chịu đau khổ ở đời này. Có người chịu khổ, chịu đau đớn như người trộm lành, lại có người chịu đau đớn, khốn cực như người trộm dữ. Cả hai cùng chịu một đau khổ như nhau, nhưng người trộm lành sẵn lòng chịu đau khổ để đền tội mình, nên được nghe lời Chúa Giêsu bảo, “Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. Còn người trộm dữ miễn cưỡng chịu và kêu trách, nói lời phạm thượng với Chúa Giêsu nên phải chết khốn nạn mất linh hồn.
Có hai cách chịu đau khổ: Một là sẵn lòng chịu vì kính mến Chúa; hai là miễn cưỡng chịu, không vì lòng yêu mến Chúa. Các thánh thường sẵn lòng chịu đau khổ vì các ngài yêu mến Chúa nhiều. Phần chúng ta, khi gặp đau khổ thì giận dữ, kêu than vì chúng ta không có lòng yêu mến Chúa. Nếu chúng ta có lòng yêu mến Chúa, tức khắc chúng ta sẽ ước ao chịu đau khổ vì Chúa để thông phần đau khổ với Người. Khi chúng ta gặp phải sự khốn khó thì đừng kêu trách, vì nếu chúng ta bằng lòng chấp nhận, chúng ta sẽ được công phúc và phần thưởng lớn, không như những người ngoại đạo, họ không biết Chúa, họ chịu nhiều đau khổ như chúng ta và nhiều khi khốn khó hơn chúng ta nữa, nhưng uổng công vô ích, không mong được công phúc phần thưởng gì ở đời sau cả.
Hoặc chúng ta nghĩ chịu đau khổ mãi thì khổ lắm. Không phải vậy đâu, vì đối với người yêu mến Thiên Chúa thì sự khốn khó đối với họ trở nên êm ái nhẹ nhàng.
Bình thường khi mới gặp khốn khó, ai cũng thấy nặng nề khó chịu nhưng khi đã cố gắng gánh chịu một ít, nếu có lòng mến Chúa thì sự khốn khó sẽ trở nên nhẹ nhàng, êm vui. Vì chúng ta quá khiếp sợ đau khổ nên chỉ nghĩ đến thôi cũng đã thấy khổ rồi. Càng sợ đau khổ, có trốn tránh đau khổ cũng chẳng được, vì dù có làm cách nào đi nữa, chúng ta cũng chẳng thoát được đau khổ. Chúng ta đừng quá sợ đau khổ, nhưng phải sẵn lòng chịu đau khổ và coi đó như bậc thang đưa chúng ta lên thiên đàng.
Người thế gian sợ hãi và trốn tránh đau khổ hết sức, nhưng càng tránh họ càng gặp phải khốn khó nhiều hơn. Phần chúng ta đừng sợ, đừng tránh đau khổ, hãy ước ao đón nhận như Thánh Anrê tông đồ. Khi thấy thánh giá mà quân lính chuẩn bị dành cho mình, ngài vui mừng kêu lên: “Ôi thánh giá tốt lành, ôi thánh giá đáng mến, xin thánh giá cứu lấy tôi khỏi tay người thù và đem tôi lên cùng Chúa là Đấng đã dùng thánh giá mà chuộc tội tôi”.
Chúng ta hãy ghi tạc điều này trong lòng, đó là người nào không sợ, không trốn tránh đau khổ mà ước ao đón nhận đau khổ thì chẳng mấy khi gặp khốn khó. Nếu có lúc phải chịu đau khổ mà vui mừng sẵn lòng chịu, không phàn nàn kêu trách thì sẽ đạt được nhiều ích lợi bởi sự đau khổ. Vì những đau khổ đời này giúp chúng ta chừa bỏ tội lỗi, chê chán những thú vui giả tạo ở đời, trở nên giống Chúa Giêsu và hiệp nhất với Người, sự khốn khó như tiền để mua nước thiên đàng. Chúng ta hãy noi gương các thánh từ xưa đến nay, các ngài luôn yêu mến thánh giá và ước ao chịu đau khổ. Khi không có đau khổ thì các ngài phàn nàn, cố gắng làm các việc lành khác như ăn chay, hãm mình, phạt xác để bù lại.
Xưa có một thầy dòng chịu nhiều đau khổ và than thở với Chúa Giêsu:
”Lạy Chúa, con có làm gì đâu mà sao người ta ghen ghét và bắt bớ con?” Bấy giờ, Chúa Giêsu hiện đến và phán: “Xưa Cha có tội gì đâu mà dân Do Thái đóng đinh Cha vào thập giá trên núi Calvariô?” Thầy dòng nghe lời ấy thì xấu hổ cúi đầu ăn năn, xin sẵn lòng chịu mọi sự khốn khó, không dám phàn nàn kêu trách nữa.
Người theo thói thế gian và người theo Chúa Giêsu khác nhau ở điều này, đó là người theo thói thế gian khi gặp phải đau khổ thì phàn nàn kêu trách, còn người theo Chúa càng chịu nhiều đau khổ càng vui mừng tạ ơn Chúa. Người lành gặp sự khốn khó thì vui mừng như cá gặp nước. Lẽ ra chúng ta phải ước ao chịu đau khổ như người hà tiện khao khát tiền bạc mới phải, vì đến ngày phán xét chỉ có những người đã chịu đau khổ cách vững vàng mới không sợ sự công bằng của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu muốn chúng ta luôn nhớ đến thánh giá, và luôn nhìn xem thánh giá để biết rằng Người phải chịu nhiều sự đau khổ và đã chịu chết cho chúng ta. Vì vậy người Kitô hữu quen đeo thánh giá trên cổ, treo thánh giá trong nhà, dựng thánh giá ở đầu làng, trên nóc nhà thờ, trên mộ bia v.v. Người nào muốn làm giàu, nhiều của cải thì phải chịu khó làm ăn, cày cấy, buôn bán. Cũng vậy, người nào muốn được rỗi linh hồn phải vui lòng chịu sự khốn khó.
Chúa Giêsu thương ai thì gởi thánh giá đến cho người đó. Xưa Chúa thương ông Simon, muốn ông được rỗi linh hồn thì để ông vác thánh giá đỡ cho Người.
Sự khốn khó đời này giống như cầu sắt hay cầu đá. Người đi trên cầu sắt hay cầu đá không sợ ngã xuống nước và chết đuối. Cũng vậy, người nào chịu sự gian nan khốn khó ở đời này cho trọn, chắc chắn được lên thiên đàng. Người nào đi qua cầu tre, cầu nứa thì dễ bị nguy hiểm ngã xuống nước chết đuối, bởi vậy người nào không chịu sự khốn khó ở đời này hay chịu một cách bất mãn là liều mình mất linh hồn sa hỏa ngục.
Những người không muốn chịu đau khổ thật khó rỗi linh hồn, mà nếu người ấy có được lên thiên đàng thì cũng phải ở bậc thấp nhất, nghĩa là xa Chúa và được ít vinh quang. Còn người chịu nhiều đau khổ sẽ được ở bậc trên, nghĩa là được ở gần Chúa và được vinh quang sáng láng như mặt trời.
Sự khốn khó đời này ví như giấm, mà bản chất của giấm là chua, nhưng khi được pha nhiều dầu vào thì làm giấm bớt chua đi. Chúa pha nhiều dầu vào giấm, đó là Người luôn yên ủi và thêm sức cho người sẵn lòng chịu đau khổ vì yêu mến Chúa, nên người ấy không thấy sự đau khổ là nặng nề khó chịu bao nhiêu.
Khi chúng ta được bằng yên, không phải đau khổ nên thường khô khan, chia trí về những của cải đời này, còn khi gặp đau khổ thì dễ sốt sắng, dễ chê bỏ những của cải đời này. Không phải Thiên Chúa chỉ thương yêu và yên ủi những người đã chịu nhiều đau khổ lúc còn sống mà đến khi gần chết, Người còn yên ủi và cho người ấy được chết êm ái nhẹ nhàng.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP