Gioan vừa khỏi tối dạ, tâm trí mở mang học hành tấn tới theo kịp với chúng bạn thì vui mừng, nhưng chẳng được bao lâu, vì cậu vừa khỏi thập giá này, thì đã có thập giá khác. Luật nước Pháp miễn cho những người đang học làm linh mục khỏi đi lính, nhưng vua Napoleon rất kiêu ngạo, tham lam muốn chiếm cả Âu châu, bắt vua các nước khác phải thần phục mình nên đánh nhau luôn. Vì chiến tranh liên miên như thế nên hao quân tổn tướng. Năm ấy, vua đánh nước Tây Ban Nha, cần nhiều quân nên cho bắt lính cả những người đang theo học trường Latinh, cả những thầy lớp thần học sắp chịu chức linh mục. Gioan thấy mình phải bỏ học để đi lính thì buồn bã âu sầu. Dù gì đi nữa, cậu cũng phải đi vì luật pháp rất gắt gao. Ông Mátthêu thấy con buồn sầu thì cũng đau lòng lắm, ông muốn Gioan ở nhà nên không tiếc tiền, bỏ ra một ngàn quan để thuê người đi lính thay cho con mình. Có người đã nhận lời và nhận tiền để đi thay cho Gioan nhưng ngày hôm sau nó nghĩ lại, đem trả tiền không chịu đi thay. Vì vậy ngày 25 tháng 10 năm 1809, Gioan phải từ giã cha Balley và cha mẹ để lên đường nhập ngũ. Gioan rất buồn khi phải nghỉ học nửa chừng nên khi vừa đến tỉnh thì lâm bệnh, cấp trên phải đưa vào nhà thương. Sau 15 ngày nằm ở nhà thương, chỉ mới khỏe được một chút thì cấp trên đã bắt phải đi để kịp đến chỗ chuyển giao quân số. Nhưng Gioan mới đi được một ngày thì lại bị sốt nặng nên phải trở lại nhà thương... Lần nầy Gioan phải nằm nhà thương mất sáu tuần lễ mới khỏe hẳn.
Lúc Gioan đang nằm nhà thương, có người biết cậu đang học Latinh chuẩn bị làm linh mục thì muốn lo liệu cho cậu trốn lính nhưng cậu không chịu. Đúng ngày chuyển giao quân số, Gioan dậy sớm đi dự lễ, sau đó cậu còn ở lại đọc kinh cám ơn nên khi đến nơi thì đã trễ cho việc chuyển quân, binh lính đã lên đường. Vị sĩ quan coi việc chuyển quân giận lắm, ông quát tháo và đe dọa sẽ bỏ tù Gioan, nhưng sau đó thì nguôi giận mà cấp giấy cho Gioan để theo kịp đoàn quân đã đi trước.
Gioan vâng lời, tay cầm súng, vai khoác balô đi ngay. Cậu vừa rảo bước vừa lần hạt, nhưng dù đi mau hết sức cậu vẫn không thấy bóng đoàn quân đâu. Dù đã khỏi bệnh nhưng trong người chưa được khỏe hẳn nên lúc chiều về, mặt trời xế bóng thì cậu quá mệt nhọc, nhưng cứ đi không dám nghỉ.
Bấy giờ, có một thanh niên đi đường thấy Gioan mệt mỏi thì hỏi thăm. Gioan thật tình kể hết mọi sự, người thanh niên ấy nghe xong và nói: “Tôi rất thông cảm với anh. Anh đưa đồ tôi mang cho và tôi sẽ dẫn anh tới nơi đóng quân của đoàn quân ấy”. Gioan mừng quá liền trao súng và túi mà đi theo. Người thanh niên đi đường lộ được một đoạn rồi băng qua cánh đồng đi lên phía rừng núi. Đi cho tới nửa đêm mới tới một làng tên là Noe. Đến làng, người thanh niên gõ cửa một nhà nọ. Chủ nhà mở cửa. Hai người nói nhỏ với nhau điều gì đó rồi chủ nhà mở cửa mời Gioan vào, dọn cơm nước và chỗ cho Gioan nghỉ. Lúc ấy, Gioan không hiểu người thanh niên có ý đồ gì, mãi cho đến hôm sau mới biết.
Như đã nói, vua Napoleon quyết chiếm lấy các nước Châu Âu nên chiến tranh xảy ra liên miên, nhà vua phải tổng động viên, bắt tất cả thanh niên từ 18 tuổi trở lên phải đi lính. Trong cả nước, không mấy nhà không có tang tóc vì con tử trận nên dân chúng buồn giận kêu trách vua và tìm cách cho con mình trốn lên rừng hay ẩn kín để không phải ra trận.
Nơi Gioan đang ở là nơi rừng núi, chốn xa xôi, lính tráng không mấy khi tới nên có nhiều người trốn trong miền ấy để khỏi đi lính. Người thanh niên Gioan gặp cũng là người trốn lính, anh ta thương Gioan nên muốn lo cho Gioan trốn ở đấy khỏi đi đánh giặc. Sáng ra, anh đưa Gioan vào nhà trưởng ấp. Trưởng ấp là người hiền lành, tốt bụng. Vừa thấy Gioan, ông mỉm cười trấn an vì tưởng Gioan đến đây trốn lính như những người khác, ông nói:
- Anh đừng sợ gì hết, ta sẽ liệu cho anh yên thân.
Rồi ông hỏi tên, hỏi Gioan ở nhà làm gì. Khi biết Gioan đang học Latinh có ý làm linh mục thì ông vui mừng nói:
- Ở đây có nhà trường nhưng không có thầy dạy, nếu anh bằng lòng dạy trẻ thì ta sẽ liệu nhà ở, cơm ăn áo mặc cùng mọi sự.
Ông đổi tên Gioan là Hiêrônimô nên dân làng cứ gọi Gioan là thầy Hiêrônimô. Gioan không có ý trốn lính, cũng chưa bao giờ nghĩ tới điều đó, nhưng sự việc xảy ra như vậy khiến cậu nghĩ rằng Chúa muốn cậu ở đó để dạy trẻ con trong làng.
Làng Noe rất có kỷ cương khuôn phép, dân làng hiền lành đạo đức, chỉ biết làm ăn giữ đạo vuông tròn chẳng có mấy ai ăn chơi quấy phá. Dân làng thấy Gioan chịu khó dạy dỗ con cái họ, tính nết lại nghiêm trang nết na, một tuần rước lễ ba bốn lần thì ai nấy đều kính trọng. Các em học sinh cũng rất quý mến thấy Hiêrônimô. Ban ngày thầy dạy chữ, ban đêm thầy dạy giáo lý rồi cùng đọc kinh với nhau. Những lúc dạy giáo lý, cậu cũng đọc hạnh các thánh cho các em nghe. Dần dà người lớn cũng lân la đến đọc kinh, cùng nghe đọc sách với bọn trẻ. Linh mục chánh xứ thấy Gioan có lòng đạo đức sốt sắng thì rất yêu mến.
Thỉnh thoảng quan quân đi kiểm tra, lục soát làng Noe, xem có người trốn lính nào ở đấy không. Có một lần quan quân đến bất ngờ không ai biết trước. Bí quá, Gioan phải trốn vào đống rơm, nóng nảy ngứa ngáy và ngạt thở suốt ngày. Lần đó khổ đến nỗi cậu phải nói:
- Từ bé đến giờ chưa bao giờ chịu khổ như thế.
Từ bấy giờ, dân làng sợ quan quân bắt được người trốn lính ở trong làng thì mắc tội với vua nên sắp đặt hai người nhặt cỏ ở hai đầu làng. Hễ thấy quan quân từ xa thì báo tin để đưa Gioan cùng những người khác trốn xuống hầm đào sâu dưới đất.
Đến mùa gặt hái, trẻ con phải nghỉ học ở nhà phụ làm với cha mẹ thì Gioan cũng đi làm, nay giúp nhà này, mai giúp nhà khác. Gặt hái, gánh lúa, cậu làm được mọi việc như khi còn ở nhà với cha mẹ nên dân làng, từ già cho đến trẻ, ai nấy đều yêu mến Gioan. Cậu cũng thương mến làng ấy, nên khi về già cha Gioan vẫn nhắc tới làng Noe đã thương mình trong lúc khốn khó với lòng biết ơn sâu xa.
Năm 1834, khi Gioan đang làm linh mục chánh xứ họ Ars, có một bà đã cho ngài trọ khi xưa ở làng Noe đến xưng tội với ngài. Cha Gioan vui mừng và tiếp đãi bà ấy rất lịch sự. Ngài nói với bà ấy:
- Tôi đã xin về hưu nghỉ coi xứ. Nếu đức giám mục cho tôi nghỉ thì tôi sẽ vào nhà dòng hay về làng Noe sống hưu dưỡng và dọn mình chờ chết.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP