Trong đoạn này chúng ta chỉ nói đến cách dùng thời giờ của cha Gioan trong ba mươi năm người ta kéo đến xứ Ars, vì những năm đầu mới về xứ cha còn thư thả, không quá nhiều việc như trong ba mươi năm cuối đời. Người ta rất ngạc nhiên, vì cha ăn chay, hãm mình, thức khuya dậy sớm đến nỗi thân xác gầy gò yếu nhược như vậy mà lại làm đủ mọi việc hơn cả người khỏe mạnh.
Những người đến xứ Ars thường nói với nhau:
- Chúng tôi đã xem thấy nhiều điều lạ lùng ở xứ Ars, nhưng trong những điều lạ ấy không gì lạ bằng cha xứ Ars ăn chay hãm mình, gầy guộc kiệt sức mà còn làm việc đêm ngày, còn sống khỏe mạnh, không ngã bệnh, không chết, đó là điều lạ lùng hơn cả.
Suy nghĩ điều ấy, chúng ta nhớ lời Chúa Giêsu phán trong Phúc âm: “Người ta sống không nguyên bởi bánh” và lời Thánh Phao lô: “Người công chính sống bởi đức tin”.
Sau đây là thời khoá biểu về đời sống hàng ngày trong suốt ba mươi năm cuối đời của cha Gioan Vianney, khi mọi người đua nhau tuôn đến xứ Ars xưng tội với cha.
Nửa đêm khi đồng hồ điểm mười hai tiếng, cha Gioan mặc áo chùng thâm bạc màu, mang đôi giày đã mòn gót, tay cầm đèn sáng ra khỏi phòng để đi sang nhà thờ. Giáo dân biết giờ cha ra nhà thờ nên đã đến quỳ hai bên đường, từ cổng nhà xứ cho đến cửa nhà thờ, người thì xin cha chúc lành, người thì xin điều này, điều kia, người thì hôn kính tay và áo cha. Cũng có khi người ta chen nhau đến nỗi làm cha té ngã. Mấy năm trước khi cha qua đời, nhiều lần người ta về đông và chen nhau quá khiến cha không thể đi một mình được, phải có một hai người đi với cha, vừa dẹp đường mở lối vừa giữ cha cho khỏi té ngã vì người ta chen lấn nhau.
Khi gặp ai, thường chúng ta chỉ xem mặt mũi cùng diện mạo bên ngoài thôi, nhưng Thiên Chúa ban cho cha ơn trọng này, đó là khi gặp người nào, chẳng những cha thấy diện mạo bên ngoài mà cha còn thấy cả trong tâm hồn người ta nữa. Cha biết người này trong sạch hay tội lỗi, buồn bã, lo lắng hay bằng yên vui vẻ, nên khi bước chân vào nhà thờ mà cha thấy người nào tội lỗi, đang bối rối và khốn khổ thì cha gọi họ và đưa vào tòa giải tội cho người đó trước. Cha giải tội từ nửa đêm cho đến bảy giờ sáng. Khi đồng hồ điểm bảy tiếng, cha ở trong tòa giải tội bước ra, đến quỳ trước bàn thờ chính, đọc kinh một mình một lúc rồi mới dâng thánh lễ. Khi cha ở đâu, đi đâu, làm gì thì muôn cặp mắt luôn nhìn ngắm cha, nên lúc cha làm lễ, người ta lại càng chăm chú nhìn cha hơn nữa. Vì khi ấy cha sốt sắng như thiên thần chứ không còn là người trần gian. Lúc đó như cha xem thấy Chúa Giêsu ngự trên bàn thờ rõ ràng.
Trong hạnh Thánh Vinh Sơn Phaolô, Thánh Philipphê Nêri, khi những người khô khan, rối đạo mất đức tin, không tin Chúa Giêsu ngự trong Bí tích Thánh Thể mà họ được xem thấy các thánh ấy làm lễ nghiêm trang cung kính, thì họ tin vào Thánh Thể, tin Chúa Giêsu ngự thật trên bàn thờ. Những ai thấy cha Gioan dâng lễ thì không những được thêm lòng yêu mến Chúa Giêsu mà còn xác tín rằng cha Gioan được xem thấy Chúa Giêsu trên bàn thờ rõ ràng, diện đối diện. Cha làm lễ thong thả vừa phải, không mau không chậm quá, đọc các kinh sách rõ ràng nghiêm trang và sốt sắng. Dâng lễ và cám ơn rước lễ xong cha lại giải tội đến mười giờ. Khi đồng hồ điểm mười tiếng, cha đến quỳ trước bàn thờ đọc kinh Nhật Tụng.
Đến mười một giờ trưa, giáo dân nghe chuông kéo tới ngồi chật cả nhà thờ, cả vỉa hè và cả ngoài sân để nghe cha giảng giải cắt nghĩa giáo lý. Cha quỳ trước bàn thờ cầu xin Chúa Thánh Thần một lúc rồi mới lên tòa giảng. Khi ấy trong nhà thờ lặng yên như tờ, ai nấy nín thở cầm trí mà nghe mọi lời mọi điều cha giảng như nghe Chúa Giêsu giảng. Ở đây chưa nói đến cách cha Gioan giảng vì sẽ đề cập đến ở đoạn sau. Bây giờ chỉ nói đến những lý lẽ cha giảng thật rõ ràng, sốt sắng, thiết tha khiến cho mọi người xúc động.
Không những nghe những lời cha giảng khiến người ta xúc động mà cả khi thấy diện mạo cha xanh xao còm cõi, thấy thân xác cha gầy gò, yếu nhược người ta lại càng xúc động hơn nữa. Người viết tiểu sử cha ghi lại:
”Không những là lời do miệng lưỡi cha nói ra làm cho người ta xúc động mà cả con người cùng cách thức cha giảng làm cho mọi người động lòng nữa”.
Có chuyện rất lạ phải kể ra đây: Có một ngày kia, ông tiên chỉ làng Ars đang nghe cha Gioan giảng giải cắt nghĩa giáo lý trong nhà thờ lúc mười một giờ trưa thì có việc phải vào nhà xứ. Khi vào nhà xứ, ông kinh ngạc khi thấy cha Gioan đang đi lại đọc kinh Nhật Tụng ở ngoài hè, ông thưa với cha:
- Thưa cha sao lạ lùng quá vậy! Cha vừa giảng trong nhà thờ vừa đọc kinh ở nhà xứ cùng một lúc sao?
Cha Gioan đáp:
- Thỉnh thoảng tôi bận giải tội quá, chưa kịp đọc kinh Nhật Tụng, tôi xin Thánh Gioan Baotixita quan thầy của tôi giảng thay cho tôi đang khi tôi đọc kinh. Ngài bằng lòng và giảng khéo hơn tôi nhiều.
Đến mười hai giờ, cha Gioan rời nhà thờ về nhà xứ, ăn uống qua loa một chút. Khi cha về, từ cửa phòng mặc áo đến cổng nhà xứ, người ta quỳ hai bên đường đi đông hơn lúc cha ra nhà thờ hồi nửa đêm, để xin cha chúc lành, hôn kính áo hoặc tay của cha và chen lấn nhau khiến cha phải ngã nhiều lần. Cha về nhà xứ ăn hai ba củ khoai, uống một chén nước lã; khi không có khoai, cha ăn hai ba cái bánh đa hay lấy nắm bột cho vào nước khuấy uống cho xong bữa.
Có ngày cha giữ chay nghiêm nhặt đến tối cha mới ăn. Có khi cha nhịn đói đến ba ngày liền, không ăn uống gì. Những năm cha đã già yếu và kiệt sức, cha phải vâng lời đức giám mục và cha linh hướng mà uống thêm một bát sữa bò, một hai miếng bánh miến, hay một ly chè vào lúc dâng lễ và cám ơn sau khi rước lễ.
Khi dùng bữa trưa xong, cha đi ra ngoài làng thăm viếng an ủi và ban bí tích sau hết cho kẻ liệt. Sau này, dù đức giám mục đã sai ba, bốn cha phó giúp cha coi sóc giáo xứ, cha vẫn giữ lệ đi thăm làng mỗi ngày, nói vài câu chuyện vui vẻ rồi lại vào nhà thờ đọc kinh Nhật Tụng và ngồi tòa giải tội cho đến tám giờ tối.
Tám giờ tối, cha ngưng giải tội, ra đọc kinh chung với con chiên vì khách tứ xứ và dân làng Ars quen đọc kinh chung với nhau ban tối đông lắm, không kém lúc lễ ban sáng. Đọc kinh xong cha lại giảng một bài, rồi mới về nhà, lúc đó khoảng chín giờ tối. Như vậy cha Gioan ở nhà từ chín giờ đến mười hai giờ đêm, rồi lại ra nhà thờ. Trong ba giờ ở nhà, ngài làm những việc gì? Cha đọc kinh cầu nguyện, dọn những bài giảng cho ngày hôm sau, hành xác đến chảy máu ra rồi mới đi ngủ, nhưng chẳng mấy khi ma quỷ để yên, lúc ấy nó quấy phá không để cho cha ngủ một chút nào.
Có một linh mục tò mò vào phòng cha Gioan để xem có những gì trong đó, cha chỉ thấy hai ba cái ghế ngồi, một cái bàn viết, tủ sách, mấy mẫu ảnh, mấy cái chén, một cái ấm nước cùng hai cái nồi đất. Cha ấy cười và nói:
- Thưa cha, cha còn nghèo hơn ông Gióp khi ngồi trên đống phân.
Bấy giờ, cha Gioan nói:
- Nếu ai biết được những việc Thiên Chúa đã thực hiện trong phòng này thì sẽ tôn kính hết sức, không dám bước chân vào đây đâu.
Có một người đạo đức ở làng Ars vì mến mộ nhân đức của cha Gioan nên hay ra vào trong phòng cha, giúp đỡ những việc lặt vặt như giặt áo, quét nhà v.v., họ cho biết:
- Có một đêm tôi thấy cửa phòng của cha mở hé, tôi nhìn vào thì thấy một bà rất sang trọng, oai nghiêm đứng giữa phòng, còn cha Gioan quỳ gối chắp tay trước mặt bà ấy mà kêu xin: “Lạy Mẹ, nếu Mẹ mở lòng cho người tội lỗi ấy ăn năn trở lại, con xin ăn chay 15 ngày”. Bà ấy gật đầu và nói: “Được, Mẹ cho”. Cha Gioan lại thưa: “Nếu Mẹ mở lòng cho người kia ăn năn trở lại nữa thì con sẽ hành xác hành xác một tháng.” Bà ấy lại gật đầu đồng ý nữa. Tôi đoán bà ấy là Đức Mẹ. Bấy giờ vì sợ cha biết tôi nhìn trộm nên bỏ đi không dám nhìn nữa.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP