Cha Gioan đã giúp con chiên mình, trước đây khô khan tội lỗi, trở nên sốt sắng ngoan đạo hơn giáo dân các xứ khác là một việc rất khó, rất nặng nề. Cha đã phải khó nhọc nhiều năm và dùng nhiều cách thế mới làm được điều đó. Những đoạn sau đây sẽ cho thấy các việc cha làm cùng những cách thế cha đã sử dụng để khuyên nhủ con chiên sống sốt sắng đạo đức.
Cha Gioan cầu xin Chúa giúp sức cho mình để có thể đưa đoàn chiên khô khan tội lỗi trở nên yêu mến Thiên Chúa. Cha không theo ý riêng mình nhưng chỉ dùng các phương cách mà Chúa Giêsu đã dạy và những đấng bậc khôn ngoan đã truyền lại. Cha biết, làm cho người ta bỏ tội lỗi trở lại đàng nhân đức là bởi ơn Chúa chứ chẳng phải bởi tài trí hay khôn ngoan. Cha biết trí khôn mình tối tăm, chẳng có tài cán gì: thân xác thì thấp bé, gầy gò, không có tướng mạo uy nghi làm cho người ta yêu mến và kính sợ, do đó cha trông cậy hoàn toàn vào Chúa bằng cách cầu xin Chúa đêm ngày.
Khi mới đến nhận xứ, cha chẳng hề để ý đến nhà ở bao giờ, chẳng dọn dẹp tu sửa cho lịch sự mà để mặc giáo dân muốn làm gì thì làm, vì hầu như cả ngày cha ở trong nhà thờ, không mấy lúc ở trong phòng riêng hay trong nhà xứ. Từ hai ba giờ sáng cho đến chín mười giờ tối, trừ lúc ban chiều cha đi thăm viếng con chiên và đưa của ăn đàng cho kẻ liệt, thời gian còn lại cha thường ở trong nhà thờ. Ai có việc đến tìm cha chỉ cần ra nhà thờ. Ở đó, cha quì trước nhà tạm không tựa vào đâu, mắt chăm chú nhìn vào nhà tạm, không để ý đến sự việc xảy ra chung quanh. Có lúc cha đọc kinh Nhật Tụng, có lúc khóc lóc kêu xin Chúa thương đến con chiên của mình như Chúa Giêsu khi xưa khóc thương dân thành Giêrusalem.
Giáo dân xứ Ars thấy cha xứ mình cầu nguyện lâu giờ và quá sốt sắng thì ngạc nhiên và họ rủ nhau đến xem. Họ thấy có những giáo dân xứ Ecully mà cha Gioan đã coi sóc trước đây phải đi bộ ba giờ liền để được xưng tội với cha Gioan thì họ biết cha xứ mình là người rất nhân đức.
Ngày kia, bà chị ruột ông tiên chỉ làng Ars, là người quí phái sang trọng và đạo đức viết thư cho người em đang ở Paris rằng:
- Em đi Paris được khoảng mười ngày thì cha xứ chúng ta qua đời. Đức giám mục đã sai một cha khác tên là Gioan đến coi sóc xứ ta. Từ nhỏ đến giờ chị chưa thấy cha nào đạo đức thánh thiện bằng cha này. Cha ở trong nhà thờ cầu nguyện từ sáng đến khuya. Cha làm lễ rất sốt sắng như thiên thần, cha ăn chay hãm mình phạt xác còn hơn các thánh tu rừng ngày xưa. Xin em cầu nguyện cho cha, xin Chúa giữ gìn cha khỏe mạnh để coi sóc xứ Ars của chúng ta lâu năm, vì cha chết hay đổi xứ, thật chúng ta khó kiếm được một linh mục nào khác đạo đức thánh thiện như ngài.
Không những cha Gioan cầu xin Chúa mở lòng cho con chiên biết bỏ đàng tội lỗi trở lại mà cha còn nhớ lời Chúa Giêsu phán “Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”, nên cha nghĩ: “Mình cũng phải biết chiên của mình thì mới chăm sóc, dạy dỗ, làm ích cho họ được.” Cha thấy các con chiên không đến với mình thì ngài đi thăm họ, an ủi và tỏ lòng thương yêu họ. Mỗi ngày vào giờ trưa hay ban chiều, cha đi thăm ba bốn nhà, lựa giờ người ta nghỉ việc hay lúc người ta về nhà nghỉ ngơi. Vừa đến cổng, cha cất tiếng chào hỏi vui vẻ, hỏi thăm nhà có bằng yên không, mọi người có được khỏe mạnh không, nhà làm ăn thế nào…
Những người làng Ars chỉ chuyên một việc canh nông mà thôi. Ngày trước, cha Gioan còn ở nhà với cha mẹ cũng thạo việc ruộng nương lắm, nên khi có người hỏi về việc làm ruộng thì cha trả lời rất thông thạo. Sau mấy lời hỏi thăm về sức khỏe, việc làm ăn, cha nói thêm mấy lời khuyên bảo về đạo nghĩa. Cha dùng lời ngọt ngào nhẹ nhàng nên chẳng làm ai mất lòng. Cha vui vẻ, hòa nhã, cùng bày tỏ sự quan tâm săn sóc, mỗi nhà cha chỉ ngồi độ mười lăm phút, rồi chào từ giã mà đi thăm nhà khác.
Giáo dân thấy cha xứ của mình vui vẻ, xuề xòa và hay thương người gặp khó khăn nên họ mến phục, ước ao cha đến thăm, và khi ngài đến thì họ rất vinh dự và vui mừng. Vì cha hay đi thăm con chiên nên chẳng những cha biết rõ hoàn cảnh của từng người mà lại được con chiên yêu mến, và nhờ đó họ mau ăn năn trở lại, vì thông thường, những người mến phục các linh mục, họ cũng kính mến Thiên Chúa và giữ đạo sốt sắng.
Làng Ars không phải là đất chữ nghĩa văn học; những người trí thức, học hành chữ nghĩa không có mấy, còn lại là những người dân quê dốt nát, không biết chữ. Làng Ars không có thầy giáo dạy trẻ con, không có trường học, dân làng không coi việc học là việc cần thiết, quan trọng mà chỉ chìm ngập trong công việc làm ăn, chơi bời. Vì trong thời cách mạng cấm đạo, xứ Ars không có linh mục coi sóc nên người lớn quên hết những điều đã học khi còn nhỏ; còn trẻ con thì không có thầy dạy nên chẳng thuộc kinh, không biết giáo lý và những điều cần thiết trong đạo.
Do đó cha Gioan phải lập một trường học, tuyển chọn ông quản coi sóc việc dạy dỗ kinh bổn cho những thanh niên nam nữ và trẻ con, và các điều cần thiết để giữ đạo cho được rỗi linh hồn. Còn người lớn thì chính cha dạy họ trong nhà thờ. Cha coi việc dạy dỗ, giảng giải cho con chiên là việc quan trọng và cần thiết nên ngài hay bảo với con chiên của mình như sau:
”Anh chị em phải chịu khó nghe giảng giải, phải học cho biết giáo lý về đạo vì đây là việc quan trọng và cần thiết. Xưa Chúa Giêsu sai các Tông Đồ đi rao giảng khắp thiên hạ, Ngài phán rằng: 'Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân, dạy bảo cho họ biết Tin Mừng nước Thiên Chúa'. Nghe giảng và học cho biết lẽ đạo là việc rất cần thiết, là việc phải làm trước hết vì nhờ nghe giảng ta mới biết Thiên Chúa, biết đạo thánh của Người, biết xa lánh tội lỗi, làm việc lành, đi đường nhân đức để được cứu độ”.
Cha Gioan chịu khó giảng dạy người ta vì ngài coi đó là việc quan trọng và cần thiết. Cha thường nói:
- Tôi coi việc giảng dạy con chiên là cần thiết và quan trọng hơn các việc khác thuộc bậc linh mục. Tôi không coi việc ăn chay hãm mình quanh năm, hành xác mỗi ngày, ngồi giải tội lâu giờ, hay thức đêm cầu nguyện, quan trọng cho bằng dọn bài giảng.
Dù việc dọn bài giảng đối với cha Gioan thật khó nhọc vất vả, cha cũng quyết tâm làm thật chu đáo, không tiếc thời giờ hay công sức. Ban ngày, lúc nào không đọc kinh Nhật Tụng, chầu Mình Thánh, đi xức dầu bệnh nhân hay thăm viếng con chiên, cha vào phòng áo, đóng cửa lại và dọn bài giảng từ bảy tám giờ tối cho đến nửa đêm. Cha thực hành điều đó đủ mười năm.
Trước hết cha xem sách thần học, sách Cựu ước, Tân ước và các Thư Thánh Phaolô, sách các bài giảng của các giáo phụ và hạnh các thánh. Tiếp đó cha soạn những lý lẽ vừa tầm hiểu biết của giáo dân, cha viết vào giấy và dùng hạnh các thánh để cắt nghĩa và làm chứng những lý lẽ cha giảng. Tất cả điều đó, cha đều ghi ra giấy nên thật khó nhọc nặng nề cho cha.
Sau này, khi cha làm nhà tế bần nhận nuôi và dạy dỗ những trẻ mồ côi, cha phải khó nhọc vất vả gánh gạch ngói, trộn xi-măng nhưng cha nói:
- Những việc ấy không ngại cho bằng việc dọn bài giảng.
Khi dọn bài giảng xong, cũng chưa hết, cha còn học thuộc lòng bài giảng ấy thì mới giảng. Xưa nay trí nhớ cha vẫn kém nên việc học thuộc bài giảng khiến cha thật vất vả; cha cho biết, việc học thuộc bài giảng cũng nặng nề không thua gì việc dọn bài giảng. Dù cha dọn bài giảng mới hay sửa lại bài giảng cũ cũng đều khó nhọc như nhau. Những năm cha Gioan mới làm linh mục, việc dọn bài giảng và học bài giảng khó nhọc lắm. Được chín, mười năm khi dọn bài giảng đã quen, cha mới thấy bớt khó nhọc đôi chút nhưng đối với cha vẫn là việc vất vả nhất.
Thấy cha Gioan khó nhọc dọn bài, học bài giảng suốt mười năm liền thì mới biết cha kiên tâm chừng nào. Sau mười năm, tuy không phải dọn lâu và khó nhọc viết ra giấy như trước, nhưng cha vẫn phải viết những ý chính hoặc dọn bài trong trí rồi ra giảng. Cha được như vậy, trước là nhờ ơn Chúa ban, sau là nhờ cha đã khó nhọc lâu năm, như tục ngữ vẫn nói: “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
Bây giờ, trong phòng cha ở xứ Ars, người ta còn giữ lại được những bản nháp cùng những bản chính các bài giảng mà cha Gioan đã dọn khi xưa. Ai xem thấy các bài ấy, viết đi viết lại, mới thấy cha Gioan khó nhọc soạn bài giảng như thế nào! Vì cha chịu khó và được ơn Chúa nên sau này cha giảng có sức thu hút, dễ đánh động lòng người. Khi nghe cha giảng, người có tội động lòng ăn năn trở lại, người đạo đức thêm lòng sốt sắng đạo đức hơn. Những người ở khắp Châu Âu và Châu Mỹ tìm đến xứ Ars chỉ để xưng tội với cha và nghe cha giảng hơn là để xem những phép lạ cha làm.
Những bài giảng cha Gioan soạn đã in ra thành sách. Từ ngữ và câu cú những bài ấy không được trau chuốt, mỹ miều, vẫn có những tiếng quê mùa và thổ âm địa phương, nhưng lý lẽ thì mạnh mẽ và sốt sắng. Những bài giảng mà cha Gioan soạn khi mới đến xứ Ars, lúc ấy giáo dân còn khô khan và mê đắm thế gian, nhưng cha cũng không bêu xấu trách mắng mà cha chỉ nói về lòng nhân từ và thương xót như lời của người cha hiền yêu thương, khuyên nhủ đoàn con.
Cha biết rằng, với lòng thương yêu, cha có thể lôi kéo thu hút người ta đến với mình như đá nam châm, như dây buộc lòng người ta vào với mình. Dây ấy chắc chắn lắm và cầm dây ấy dắt người ta đi đâu, người ta sẵn lòng đi theo đó. Khi cha Gioan đã già, ngài bảo linh mục kia:
- Tôi không hề buồn giận, gắt gỏng với con chiên bao giờ, tôi chỉ tỏ lòng thương yêu và khuyên bảo họ thôi.
Bởi cha thương yêu và nhân từ với con chiên như vậy nên họ mến phục và vâng lời cha trong hết mọi sự vì Kinh Thánh có lời chép: “Tình yêu mạnh hơn sự chết”.
Hỡi tất cả các linh mục, nhất là những người mới chịu chức hãy coi gương cha Gioan Vianney, hãy coi việc giảng lời Chúa là quan trọng, là cần thiết và chịu khó dọn bài giảng cho thật kỹ càng chu đáo, đừng coi thường việc giảng Lời Chúa mà dọn bài sơ sài rồi lên giảng. Vì như lời Thánh Tôma dạy: “Việc giảng Lời Chúa là việc quan trọng nhất trong các việc bổn phận của linh mục” (Principalissimum officium).
Ngày xưa các thánh Tông Đồ đã bỏ việc phân phát thức ăn cho người khó, người mồ côi và góa bụa để chuyên lo việc cầu nguyện và giảng giải: “Nos vero orationi et ministerio verbi instantes erimus”, mà ngày nay các linh mục lại dám giảng khi chưa học, chưa dọn mình cho kỹ càng sao được? Linh mục nào coi thường việc giảng, hoặc giảng mà không chuẩn bị cho chu đáo, sẽ làm thiệt hại cho con chiên biết bao, vì họ không lãnh nhận được những ơn ích do bài giảng đem lại. Những linh mục đó phải chịu sự xét đoán nghiêm thẳng của Thiên Chúa, chẳng khác gì những linh mục đã bỏ việc giảng dạy khuyên bảo con chiên. Vì luật Hội Thánh dạy: Những ai không chu toàn bổn phận mình thì phạm tội và đáng phải phạt chẳng khác gì người đã bỏ hẳn việc ấy.
Giáo dân xứ Ars làm biếng đi nhà thờ và coi việc ở lại nhà thờ là điều buồn chán, nên lễ xong họ vội vàng ra về, không muốn nán lại phút nào, vì nhà thờ nhỏ hẹp lại tối tăm. Bàn thờ cũ kỹ mối mọt, tượng ảnh dơ bẩn và xấu xí, hoa nến chẳng thấy bao giờ, quang cảnh trông thật tiêu điều.
Cha Gioan thấy nhà thờ của mình tiêu điều như thế thì buồn lắm. Vì nhà xứ, nơi cha ở, dù có thiếu thốn, sơ sài như cái lều thì cũng chẳng sao, nhưng cha mong cho nơi mà vua trời đất hằng ngự đêm ngày ở đó phải được đẹp đẽ sang trọng. Hơn nữa, cha biết tính con người, ai ai cũng thích vẻ thanh nhã, lịch sự bên ngoài, mà nhà thờ có sạch đẹp, trang nhã mới mong con chiên thích đến đọc kinh dự lễ, do đó cha bắt tay vào việc tu sửa nhà thờ.
Cha cho phá bỏ bàn thờ cũ, đóng bàn thờ mới; bàn thờ này được chạm trổ công phu và sơn son thiếp vàng trông thật lộng lẫy; chậu hoa, chân nến đều sắm mới hết để thay cho những bình hoa sứt miệng, chân nến rỉ sét. Ông tiên chỉ làng Ars là người dòng dõi quí tộc, gia đình giầu có mà lại đạo đức sốt sắng, ông thường ở Paris và chỉ thỉnh thoảng về nhà một vài tháng. Khi hay tin cha Gioan tu sửa nhà thờ ông mua ảnh tượng, áo lễ, chén Thánh và Mặt Nhật gửi về dâng cúng cho nhà thờ.
Vì không thể xây lại nhà thờ nên cha Gioan cho mở rộng ra hai bên và sửa sang lại cho sạch sẽ. Nhà thờ hình chữ nhật, có bề dài nhưng bề ngang quá hẹp nên cha xây ra ngoài hai cánh cho nhà thờ có hình thánh giá. Sau khi sửa xong, nhà thờ rộng rãi và thoáng mát hơn trước bội phần. Trong cánh thánh giá bên phải, cha lập bàn thờ và đặt tượng Thánh Gioan Baotixita, cánh bên trái, cha lập bàn thờ và đặt tượng Thánh Philomena. Hai bàn thờ ấy sau này nổi tiếng khắp thế giới vì Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ.
Trong cánh thánh giá bên phải, gần bàn thờ kính Thánh Gioan Baotixita, có tòa giải tội và cha đã ngồi giải tội ở đấy cho đến khi qua đời. Trong vòng ba mươi năm, có biết bao nhiêu người tội lỗi từ khắp bốn phương đã ăn năn trở lại, được khỏi tội; biết bao nhiêu người lo lắng bối rối được bằng an tâm hồn ở nơi tòa giải tội này!
Hai ba năm trước khi cha Gioan qua đời, có một linh mục nhắc đến bàn thờ kính Thánh Gioan Baotixita và cha Gioan nói:
- Bàn thờ kính Thánh Gioan Baotixita và tòa giải tội ở đây là nơi thánh và đáng kính trọng dường nào! Khi bước vào nơi ấy tôi luôn nhớ đến lời Chúa phán cùng ông Môisen: “Hãy cởi giầy ra khỏi chân vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh”. Những phép lạ Thiên Chúa đã làm, những ơn rất trọng Người ban cho người ta từ nơi ấy nhiều không kể xiết, chỉ tới ngày phán xét mới biết hết mọi ơn cùng phép lạ đã xảy ra nơi ấy.
Bàn thờ kính Thánh Philomena cũng nổi tiếng không kém bàn thờ kính Thánh Gioan Baotixita. Thánh Philomena là một thiếu nữ đồng trinh, chịu tử đạo ở thành Roma trong thời các vua Roma cấm đạo. Thánh nữ chịu tử đạo được một ngàn năm, tình cờ do người ta đào đất, thấy mồ thánh nữ còn nguyên và trong mồ ấy có bia đá khắc câu truyện thánh nữ chịu tử đạo. Dân chúng sửa sang ngôi mộ mới cho xứng đáng hơn và đặt hài cốt thánh nữ vào đấy. Khi rước hài cốt thánh nữ vào ngôi mộ mới, thánh nữ đã làm nhiều phép lạ chữa người tật bệnh và mở lòng cho nhiều người ăn năn trở lại. Chẳng mấy chốc, các phép lạ ấy nổi tiếng khắp Âu Châu. Những ai cầu xin điều gì nhờ công nghiệp của thánh nữ, tất cả đều được nhận lời.
Cha Gioan có lòng trông cậy, yêu mến thánh nữ cách đặc biệt nên đã lập bàn thờ thánh nữ trong nhà thờ xứ Ars. Cha cầu xin thánh nữ điều gì thì được ban cho điều ấy, những ơn ấy nhiều lắm không kể hết. Khi người ốm đau bệnh tật chạy đến xin cha chữa bệnh cho họ, cha nói họ chạy đến sấp mình xuống trước bàn thờ kính Thánh Philomena mà kêu xin thánh nữ chữa bệnh cho. Khi cha gặp kẻ cứng lòng không chịu ăn năn trở lại, cha cũng bảo kẻ ấy đến quỳ trước bàn thờ thánh nữ mà xin thánh nữ chữa bệnh phần hồn cho họ.
Cha Gioan Vianney nới rộng nhà thờ cho rộng rãi, sạch sẽ và trang hoàng nhà thờ nên xinh đẹp rực rỡ. Cha lập hai bàn thờ kính Thánh Gioan Baotixita và Thánh Philomena cho giáo dân tôn kính; đóng ghế cho giáo dân ngồi, phân chia chỗ ngồi cho thiếu nhi, đàn ông đàn bà riêng biệt. Không những cha đứng đầu việc điều khiển mà cha còn phụ làm với họ vì cha khéo tay trong những việc ấy.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP