Có ba nhân đức làm cha Gioan nổi tiếng khắp thiên hạ và nên thánh thiện trước mặt Thiên Chúa là: khiêm nhường, khó nghèo và hãm mình, bằng lòng chịu cực khổ. Những đoạn trước đây đã có nói đến các điều này, ở đây xin bổ túc thêm một ít điều nữa.
1. Có nhiều người nghĩ rằng: khi cha Gioan thấy mọi đấng bậc từ khắp nơi kéo đến cùng mình, làm sao cha tránh khỏi cám dỗ về sự kiêu ngạo được. Vì giữ được lòng khiêm nhường khi mọi người khen ngợi, suy phục là điều rất khó. Có một linh mục giúp xứ Ars nói đến điều ấy trước mặt cha Gioan thì cha hiểu ngay linh mục đó có ý hỏi cha có bị cám dỗ về sự kiêu ngạo cậy mình hay không. Cha trả lời:
- Tôi thấy ai tôn kính mình, chẳng những tôi không vui mà còn sợ hãi buồn bực. Tôi không bị cám dỗ về sự kiêu ngạo bao giờ, chỉ bị cám dỗ về sự sợ hãi và ngã lòng trông cậy.
Bởi vì cha luôn để lòng, để trí nhớ đến tội lỗi mình, luôn coi mình là người hèn hạ, không đáng làm việc chủ chiên, thường khinh dể và ghét mình nên dù ai kính trọng ngài cũng dửng dưng. Cha luôn coi mình là người hèn, người chót hết trong mọi người, luôn muốn hãm mình phạt xác. Thiên hạ càng cần danh tiếng muốn người ta khen ngợi bao nhiêu thì cha càng ước ao cho mọi người khinh dể, coi mình là hèn hạ bấy nhiêu. Khi có ai vô lễ bất kính với cha, chẳng những cha không chấp, không buồn mà lại lấy làm mừng.
Một lần nọ cha nói chuyện với vị linh mục giúp xứ Ars:
- Hôm nay tôi được hai lá thư, một là khen tôi đạo đức, là đấng thánh, còn lá thư kia mắng nhiếc tôi là người giả hình man trá, mượn màu nhân đức mà lừa dối thiên hạ. Tôi coi hai lá thư ấy như không, vì lời khen chẳng làm cho tôi nên tốt và lời khinh chê không làm cho tôi ra xấu.
Ngày khác, cha nói:
- Thiên Chúa dùng tôi để lo cho người có tội được ăn năn trở lại vì tôi dốt nát hèn hạ hơn tất cả mọi người. Nếu như trong địa phận này có linh mục nào dốt nát hèn hạ hơn tôi, chắc hẳn Chúa đã dùng linh mục đó rồi chứ chẳng dùng đến tôi đâu.
Cha đã lên tới bậc rất cao của đức khiêm nhường, chẳng những khinh dể và ghét mình mà cha còn nghĩ ai nấy đều khinh dể mình nữa. Khi thấy ai tỏ lòng tôn kính và khen ngợi việc cha làm thì cha buồn. Cha thường giảng:
- Người nào hay bắt bẻ, chê trách và kể các sự xấu của chúng ta, đó là người thật lòng yêu thương chúng ta. Chúng ta phải nghe và tin lời người ấy vì đó là lời thật. Còn người nào khen chúng ta và các việc chúng ta làm, đó là người phỉnh phờ, tâng bốc, làm hại chúng ta đấy. Đừng tin vào những lời đó.
Khi xem những thư người ta gửi đến cho cha mỗi ngày, thấy thư nào khen ngợi và tôn kính quá thì cha xé bỏ không xem nữa. Cha thường thích nghe giảng và đi nghe các cha khác giảng, nhưng khi linh mục giảng lời nào khen cha, cha vội vàng ra khỏi nhà thờ hay là vào phòng áo ngay, không ở lại nghe giảng nữa. Ai nói lời nào khen cha hay các việc cha làm trước mặt, cha lấy làm buồn và xấu hổ.
Có lần đức giám mục đến kinh lược xứ Ars tỏ lòng tôn kính, gọi cha là đấng thánh thì cha lấy làm buồn và xấu hổ, cha nói:
- Khốn thân tôi! Khốn thân tôi! Tôi tưởng chỉ những người không biết tôi mới tôn kính tôi mà thôi. Nhưng đức giám mục là đấng thông minh mà cũng chẳng biết tôi nữa.
Các linh mục giúp xứ Ars biết cha rất khiêm nhường nên không dám nói gì khen ngợi trước mặt cha bao giờ, cũng không dám tỏ lòng tôn kính quá, vì sợ cha buồn. Cha Gioan không nói đến cha và các việc làm của cha bao giờ, nếu có nói thì chỉ toàn những lời khiêm tốn, hạ mình, coi mình là hèn. Khi cha nói đến thân xác của mình: “Xác hèn của tôi.” Khi nói đến linh hồn: “Linh hồn đáng thương của tôi.”
Cha chỉ nói đến tội lỗi mình luôn. Cứ theo như lời cha nói, ở thế gian này không ai phạm tội nhiều bằng cha. Cha luôn ước ao được nhiều thì giờ thong thả để vào nơi vắng vẻ mà ăn năn đền tội, cha tìm cách trốn khỏi xứ để vào dòng tu mà ăn năn đền tội và dọn mình chết, cha thường than thở:
- Ôi! Chúa nhịn nhục không phạt tôi, không bỏ tôi xuống hỏa ngục là vì Chúa nhân từ thương xót tôi vô cùng.
Có một lần cha lo buồn hơn mọi khi, đi từ nhà thờ về phòng cha ngã hai lần, linh mục giúp xứ biết và đến hỏi thăm, cha bảo linh mục ấy:
- Xác hèn của tôi không sao cả, chỉ nhọc nhằn như mọi khi, nhưng linh hồn của tôi rất khốn nạn vì ở thế gian này, chẳng có ai khốn nạn và lắm tội như tôi. Tôi luôn ước ao trốn khỏi xứ này, tìm nơi vắng vẻ để ăn năn đền tội.
Linh mục ấy đáp lại:
- Cha nói, cha khốn nạn hơn mọi người ở thế gian, và không ai khốn nạn bằng cha nhưng con biết có nhiều người ước ao phải chi họ được như cha. Có người muốn đổi thân phận mình mà lấy thân phận của cha.
Cha Gioan đáp:
- Những người muốn đổi vàng của mình mà lấy chì của tôi, đó là người không biết tôi.
Cha Gioan thánh thiện nên cha xưng thú tận đáy lòng, coi mình là người tội lỗi, hèn hạ hơn hết mọi người ở thế gian này. Điều này không có gì lạ vì các thánh ở gần Thiên Chúa, luôn được ơn riêng của Người soi sáng trong tâm hồn nên biết rõ Thiên Chúa là Đấng cao cả cực thánh và biết tội lỗi của mình dù nhỏ mọn thì cũng nặng nề và ghê tởm, làm mất lòng Chúa và đáng phạt vô cùng. Nên dù tội lỗi cha ít và nhẹ, cha cũng coi như nhiều và nặng. Các thánh xưa nay đều coi mình là kẻ tội lỗi đáng sa hỏa ngục, như Thánh Bênađô luôn thấy cửa hỏa ngục mở sẵn chờ nuốt mình vào, Thánh Mattinô Giám Mục luôn tin là những sự khốn khó thời ấy mà ngài phải chịu là do tội lỗi của ngài mà ra.
Cha Gioan hay khuyên người ta hạ mình xuống sống khiêm nhường. Có người hỏi cha phải làm gì để yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, cha trả lời:
- Phải hạ mình xuống sống khiêm nhường. Ai càng hạ mình xuống ăn ở khiêm nhường bao nhiêu thì càng kính mến Chúa bấy nhiêu. Cũng như tội kiêu ngạo là nguồn gốc sinh ra tội lỗi và các tính mê nết xấu thế nào thì khiêm nhường là cội rễ sinh ra các nhân đức như vậy.
Khi tôi cảm thấy loài người hèn hạ yếu đuối và mê đắm tội lỗi như thế, tôi không hiểu sao còn nhiều người dám cậy mình kiêu ngạo như vậy.
Một lần ma quỷ hiện đến, tay cầm roi, giận dữ bảo với Thánh Macariô tu rừng:
- Mày làm việc nào thì tao cũng làm việc ấy, mày ăn chay còn tao nhịn đói mãi không ăn bao giờ, mày thức suốt đêm, tao có ngủ bao giờ đâu. Chỉ có một việc mày làm, tao không làm được đó là mày hạ mình xuống sống khiêm nhường là tao không làm được thôi.
Nói xong ma quỷ biến đi. Xưa có nhiều đấng thánh phải chịu ma quỷ cám dỗ về sự kiêu ngạo, các ngài than thở:
- Than ôi! Tôi hèn hạ khốn nạn dường nào!
Ma quỷ nghe lời khiêm nhường ấy liền biến đi không dám cám dỗ nữa. Cha vừa nói các lời ấy vừa khóc.
Ngày khác cha nói:
Người nào sỉ nhục ta, đó là họ thương và làm ích cho ta. Người nào tôn kính và khen ta, đó là người ghét và làm hại ta. Xưa có người hỏi đấng thánh kia: “Nhân đức nào cần và ích lợi cho người ta nhất?” Đấng thánh đáp: “Đức khiêm nhường”. Người ấy hỏi tiếp: “Nhân đức nào cần và ích lợi thứ hai?” Ông thánh đáp: “Đức khiêm nhường”. Người ấy lại hỏi nhân đức nào cần thứ ba? Ông thánh đáp: “Đức khiêm nhường”.
Cha nói tiếp:
Người ta chẳng hiểu mình hèn hạ khốn nạn dường nào, khi tôi nghĩ đến điều đó thì sợ hãi kinh khiếp. Thiên Chúa không cho chúng ta biết mình khốn nạn và hèn hạ cỡ nào, kẻo chúng ta biết mà sinh ra ngã lòng thất vọng không sống nổi. Vì các thánh biết mình tỏ hơn chúng ta nên coi mình là hèn hạ và ở khiêm nhường.
2/ Cha Gioan rất nghèo, nhưng cha coi của cải vàng bạc như không, chẳng ưa chuộng và ao ước chút nào. Cha luôn nhớ đến lời Thánh Hieronimô dạy: “lgnominia est sacerdoti studere divitiis”, và biết rằng sự ưa chuộng của cải ràng buộc lòng mình vào những sự hèn hạ dưới đất này và ngăn trở chúng ta không bay lên trời được. Khi cha nói đến việc người thế gian tham lam tìm kiếm của cải đêm ngày thì coi họ là người dại dột đáng thương. Cha luôn từ bỏ của cải và luyện tập đức khó nghèo, không tỏ ra muốn cái gì hay ước ao một vật nào bao giờ. Dù cha rất nghèo, thiếu thốn mọi thứ mà cha cứ kể mình là người đã có mọi thứ chẳng thiếu gì.
Những năm cha mới về coi xứ Ars, cha không có người giúp việc nên cha tự làm bếp lấy. Sau này, người ta kéo đến xứ Ars xưng tội với cha đông quá, cha không còn giờ để làm bếp nữa. Cha mua thức ăn mà người ta bố thí cho người nghèo, hoặc ăn những của mà người ta dâng cúng cho cha. Khi ăn những thức ăn ấy, cha lấy làm ngon lành lắm. Cha thường nói:
- Khi tôi ăn những thức ăn của người nghèo quen dùng, tôi vui mừng chẳng khác gì tôi được ngồi ăn cùng mâm với Chúa Giêsu vậy.
Cả đời cha chỉ ăn của giáo dân cho cha. Khi cha giúp xứ Ecully và dạy học ở làng Noe, cha đã quen ăn những thực phẩm mà người ta cho. Còn ba mươi năm sau hết ở xứ Ars, bà Catharina và hai bà nữa thay đổi nhau mà nấu ăn cho cha.
Cha ăn mặc khó nghèo lắm, chỉ một áo chùng thâm, mặc mãi cho đến khi cũ rách, bạc màu quá mới thay. Mùa đông dù rét thế nào cha cũng không mặc áo bông, áo kép. Một lần kia, thầy Hieronimô quên áo bông trong phòng cha nên quay lại lấy. Cha bảo với thầy:
- Cha không quên áo bông của cha bao giờ.
Thầy dòng thưa:
- Thưa cha, cha không quên vì cha không có áo bông.
Cha đáp:
- Đúng vậy đấy con ạ.
Một linh mục cảm thương cha, thưa với cha:
- Thưa cha, xưa tiên tri Êlia lên trời thì để lại áo cho người môn đệ là Êlisêo. Đến ngày cha lên thiên đàng, con xin cha hãy để lại áo ngoài của cha cho con.
Cha đáp:
- Ông Êlia để áo ngoài lại cho người môn đệ vì có áo lót ở trong; phần tôi chỉ có một áo thì lấy gì để lại cho thầy được.
Giày cha đi cũ rách, nhiều khi rách đến há miệng; từ khi mua giày về cho đến khi bỏ đi cha không bôi thuốc, không đánh giày lần nào. Cha không dùng đồ đẹp, đồ tốt, mà chỉ dùng đồ thường, đồ kém.
Đất nhà xứ chật hẹp cha không mở rộng ra; nhà xứ vừa thấp vừa hẹp, cha để nguyên như vậy không sửa sang gì vì cha nghĩ: “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân.” Những người giàu có ở nhà sang trọng lịch sự thì xứng đáng, còn mình là người hèn mọn ở nhà thấp bé, xấu xí là phải. Hơn nữa cha chỉ ở trong phòng mỗi ngày hai ba giờ vào ban đêm là cùng, còn suốt ngày cha ở trong nhà thờ.
Phòng cha chật hẹp lắm, chỉ có hai gian, tất cả đồ đạc trong phòng gồm: một cái giường, một cái bàn viết, mấy cái ghế lung lay, một tủ sách, một cái va-li để tràng hạt, ảnh. Tất cả những đồ đó đều là đồ đi mượn. Thật ra đồ đạc của cha chỉ có vài mẫu ảnh thánh quan thầy treo trên vách, một ảnh chuộc tội, một tượng Đức Mẹ, mấy cái bát sành, một chậu sành và hai cái niêu đất mà thôi. Sau này bà Catharina thấy cha dùng những đồ sành đen đủi, sứt mẻ khó coi, đem bỏ đi mua đồ sứ thay vào đấy nhưng cha không chịu, bắt bà trả lại những đồ cha đã quen dùng. Cha bảo:
- Vậy bà nghĩ tôi ở khó nghèo bắt chước Chúa Giêsu thì xấu mặt lắm à!
Đến nay người ta còn giữ căn phòng và các đồ đạc của cha Gioan y như khi cha còn sống. Những người đến viếng mồ cha quanh năm cũng đến thăm viếng căn phòng ấy. Không những cha Gioan khi còn sống làm gương về đời sống khó nghèo và khuyên bảo người ta giữ đức nghèo, mà ngay căn phòng cha ở và đồ dùng của cha cũng nói lên sự nghèo, thúc giục người ta chê bỏ của cải thế gian cho đến tận bây giờ.
Người viết tiểu sử cha nói:
”Tôi đã thấy nhiều người, khi bước vào phòng ấy tỏ ra tôn kính chẳng khác gì khi đến trước bàn thờ có Mình Thánh Chúa Giêsu vậy. Khi xem thấy những đồ cha dùng và nhớ đến việc lành cha đã làm trong phòng ấy hơn bốn mươi năm, họ đã sấp mình xuống hôn kính nền nhà và cảm động đến nỗi không giữ nổi những hàng lệ rơi”.
Thiên hạ dâng nhiều tiền của cho cha Gioan vì biết cha không chuộng, không giữ lại cho mình đồng nào, không cho anh chị em bà con bạn hữu mình mà chỉ dùng tiền ấy để làm việc lành nên họ sẵn lòng dâng cho cha nhiều tiền của. Cha có lòng khó khăn thật và coi tiền bạc như không, nên khi mất cha không tiếc. Có một tối cha về phòng lấy nhầm một tờ giấy bạc 500 quan tiền mà đốt đèn. Những người có mặt ở đấy thì tiếc rẻ kêu lên:
- Mất năm trăm quan tiền rồi!
Cha cười và bảo:
- Thôi, không hệ gì, tôi mất năm trăm quan tiền không hại bằng khi tôi phạm một tội mọn.
Cũng có khi người ta dâng cúng tiền bạc cho cha nhưng cha không lấy. Một bà kia giàu có và ngoan đạo dâng nhiều tiền để cha làm việc lành nào tùy ý cha. Cha không nhận, lại bảo:
- Quê bà có nhiều người thiếu thốn, bà hãy lấy tiền này mà bố thí cho họ.
Linh mục giúp xứ Ars kể:
- Có bà kia giàu có nhưng hà tiện, bà bị bệnh nhẹ thôi, bà dâng cha hai trăm quan tiền, xin cha chữa mình khỏi bệnh. Sau đó mấy tháng bà thấy mình chỉ bớt chứ không khỏi thì đòi tiền lại, cha trả lại ngay.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP