Cha Gioan là người nhỏ bé, mảnh khảnh và lanh lẹ. Tóc cha dày và dài, trán nhô ra, đôi mắt tinh tường, sắc bén, như thấu suốt linh hồn người ta. Sống mũi cha cao nhưng gãy ở giữa, đôi gò má nhô cao làm tăng thêm vẻ khắc khổ cho thần hình gầy đét. Miệng cha không rộng lắm nhưng tiếng cha lại sang sảng; gương mặt cha võ vàng, còm cõi, thân hình gầy đét như bộ xương khô vì ăn chay hãm mình. Cha bước đi vội vàng như người quá bận rộn với nhiều công việc, nhưng toàn thể con người cha toát ra vẻ bình thản dịu dàng, hòa nhã. Thiên Chúa đã ban cho cha một ơn riêng khi về già, đó là dáng đi cha thẳng không bị còng lưng, mắt và tai tinh tường cho tới lúc chết, không bị lòa hay lãng tai, trí khôn cha vẫn minh mẫn không quên điều gì.
Các thánh là hình ảnh mô phỏng sự thánh thiện muôn vẻ của Chúa Giêsu ở thế gian, vì các thánh luôn noi gương bắt chước để nên giống Chúa, chẳng những nơi tâm tình bề trong mà cả lời nói, việc làm và cách ăn ở bên ngoài của Người nữa. Cha Gioan là một người rất thánh thiện nên cha có nhiều điều giống Chúa Giêsu lắm. Con người cha toát ra vẻ thánh thiện khó tả, khi nhìn thấy cha người ta kính mến và quý trọng như Chúa Giêsu vậy. Có người sau khi đến xứ Ars về đã nói:
- Cha Gioan là hình ảnh Chúa Giêsu ở thế gian này, tôi chưa hề thấy ai giống Chúa Giêsu như cha Gioan.
Nhiều người nói rằng:
- Khi chúng tôi thấy và nghe cha Gioan nói thì nhớ đến Chúa Giêsu khiến chúng tôi yêu mến, quý trọng và muốn được xem thấy cha mãi.
Có những dấu bề ngoài chứng nhận Chúa Giêsu đang ngự nơi cha Gioan mà nhiều người trông thấy rõ ràng nên họ càng trọng kính và quý mến cha.
Hơn nữa, vì cha hiền lành nhân từ và cư xử hòa nhã với mọi người nên người ta càng yêu mến cha hơn. Dù đạo Công Giáo là đạo thật, dạy những điều công chính đủ cho mọi người phải kính phục, nhưng các linh mục là những người dạy các điều ấy, có làm cho người ta mến phục mới mong người ta giữ đạo và yêu mến đạo. Còn các linh mục mà không được người ta yêu mến, dù có nhiều nhân đức cũng khó làm cho người ta yêu mến và giữ đạo được. Nên người ta thường nói:
- Người nào yêu mến linh mục thì cũng yêu mến đạo và giữ đạo.
Các linh mục muốn khuyên bảo người có tội ăn năn trở lại, làm cho người khô khan trở nên sốt sắng thì việc đọc kinh cầu nguyện và có nhân đức thôi chưa đủ, mà còn phải có đức thương yêu nữa. Chúng ta hãy ngắm nhìn Chúa Giêsu là Đấng Cực Thánh, Người có mọi nhân đức, nhưng cũng đã lấy tình yêu mà kêu gọi mọi người theo con đường của Người. Người đã mặc lấy bản tính nhân loại có hồn có xác như chúng ta, đã chịu chết cho chúng ta, không những là Người đã thương yêu chúng ta quá bội mà còn truyền cho chúng ta phải thương yêu nhau nữa.
Các linh mục muốn khuyên bảo người ta yêu mến đạo và giữ đạo thì các ngài phải tỏ lòng thương yêu các linh hồn. Nếu các ngài chỉ có nhân đức, có tài giảng thuyết, siêng năng cầu nguyện, ăn chay hãm mình mà không có lòng thương yêu, không dịu dàng hòa nhã thì không làm cho người ta yêu mến đạo và giữ đạo được.
Có nhiều người ở khắp mọi nơi, phải khó nhọc vì đường xá xa xôi, hao tiền tốn của mới đến được xứ Ars vì nghe tiếng cha Gioan thương yêu hết thảy mọi người, và đối xử mọi người với lòng nhân từ thương xót vô hạn, bất kể giàu nghèo, già trẻ, người nào càng khốn khó phần hồn phần xác hơn bao nhiêu, cha lại càng thương yêu bấy nhiêu. Thật vậy, không có người mẹ nào thương yêu con mình như cha Gioan thương những người khốn khó chạy đến với cha. Khi cha thấy ai lo buồn khóc lóc, cha cũng xúc động và cùng khóc với họ. Thấy ai gặp được sự may lành cha cũng vui mừng với họ. Ai xin điều gì mà có thể cho, cha không từ chối bao giờ. Cung cách của cha hiền lành và nhân hậu lắm, những lời nói của cha dịu dàng, ngọt ngào, cha không hề nói lời gì làm mất lòng ai, dù khi cha bận rộn nhiều việc hay khi nhọc nhằn, kiệt sức. Dù người ta quấy rầy xin việc này việc nọ, xô lấn chen nhau làm cho cha ngã hay vây kín chung quanh không cho cha đi, thì cha vẫn hiền lành bình tĩnh, không tỏ dấu gì buồn giận, không hề la mắng, gắt gỏng bao giờ.
Những người đến xứ Ars đều khen cha có lòng nhân từ thương xót hết mọi người, những lời khuyên bảo của cha ngọt ngào tha thiết và cách cư xử của cha lịch sự hòa nhã.
Đức giám mục thấy người ta từ khắp nơi trên thế giới tuôn đến xứ Ars thì biết gánh cha quá nặng, nên sai một linh mục đến làm cha phó giúp cha Gioan, sau lại sai thêm ba bốn linh mục nữa. Các cha ấy đều làm chứng rằng cha Gioan hiền lành nhân hậu, hết lòng thương yêu giúp đỡ mọi người, dù là người hèn hạ, đứa ăn mày kêu xin điều gì, cha đều dừng chân lắng nghe lời kêu xin, và yên ủi giúp đỡ họ như người giàu có sang trọng.
Cha Gioan hết lòng kính trọng các linh mục mà bề trên sai đến giúp đỡ mình trong việc điều hành xứ Ars, cha luôn đối xử cách lịch thiệp hòa nhã với các cha ấy. Khi các cha có việc phải vào phòng, cha Gioan đứng dậy ngay, mời vào và nói chuyện vui vẻ, lúc về, cha đưa ra tận cửa và bái chào cách trọng kính. Khi có cha nào nhọc mệt hay đau yếu, cha Gioan bắt phải nghỉ ngơi và uống thuốc, không cho làm việc gì, đồng thời bao lâu cha kia còn yếu, chưa được khỏe thì cha Gioan sẵn lòng giảng dạy giáo lý, làm các việc thay cho cha ấy. Người mẹ nào thương yêu con cái cũng chỉ như cha Gioan thương yêu chăm sóc các cha phó là cùng. Mùa đông, cha Gioan may cho các cha ấy áo len, áo dạ, mùa hè, cha may áo vải thoáng mát và lo liệu chăm sóc từng chút một, không để cho các cha phải thiếu thốn thứ gì.
Cha Gioan nêu gương sáng về cung cách kính trọng của các linh mục, xứng đáng là môn đệ của Chúa Giêsu, như lời Thánh Phaolô nói: “Honore se ipsos invicem praevenientes”.
Cha Gioan rất quảng đại, khi cha được ai cho của cải gì, ngài phân phát cho những người túng thiếu ngay. Có nhiều người dâng cúng cho cha những của quý giá như áo lễ, chén thánh, ảnh tượng, tràng hạt bằng vàng hay đồ quý giá, cha đều chia cho các cha phó, hoặc cho bổn đạo, hoặc dâng cúng cho các nhà thờ khác, không giữ lại cho mình một phần nào. Bởi vì cha không thèm muốn, tham lam của gì, dù cha sống rất nghèo nhưng cha coi mình là người đầy tớ mà chẳng thiếu thứ gì. Người ta thường nói: “Ai thương người khác nhiều thì thương mình ít, người lo lắng cho người khác thì không lo cho mình”.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP