Khi cuộc cách mạng Pháp bùng nổ, Kitô giáo bị ngăn cấm cùng bách hại ba bốn năm liền. Nhiều người lành và những người chết vì đạo luôn kêu xin Chúa thương đến Giáo hội hiện đang bị kẻ dữ giết hại và phá bỏ mọi lề luật cùng các quy tắc. Thiên Chúa dùng một viên tướng tên là Bonaparte để tiêu diệt quân phá đạo cùng sửa sang mọi sự trong nước. Vị tướng ấy là một thiên tài về quân sự nên ông đánh đâu thắng đó. Từ thời Alexandre đại đế, vua nước Macedonia ngày xưa cho đến nay, không có người nào đánh thắng được nhiều trận, chiếm được nhiều nước cho bằng vị tướng này.
Bấy giờ, vua ở các nước Châu Âu thấy nội tình nước Pháp ngày càng rối loạn, chia năm bè bảy mối, lo sợ loạn lạc ấy lan đến nước mình nên họ cùng nhau dấy binh dẹp loạn cách mạng và chiếm lấy nước Pháp. Chính quyền cách mạng sai tướng Bonaparte đem quân đánh trả những đạo binh của các vua. Vị tướng này đi tới đâu chiến thắng tới đó, không những đánh bật những đạo quân xấm lấn nước Pháp mà còn chiếm lấy nhiều tỉnh của các nước khác, nên các vua phải xin cầu hòa.
Tướng Bonaparte chiến thắng các nước Châu Âu nên thanh thế của ông ngày càng lớn mạnh, ở bên trong cũng như bên ngoài nước Pháp. Quân cách mạng bị mang tiếng là cướp của giết người quá nhiều cũng như phá bỏ mọi quy luật trong nước, nên dân chúng chán ghét và ước ao thoát khỏi cảnh kềm kẹp của quân cách mạng.
Tướng Bonaparte hiểu biết lòng dân như thế nên sau khi đánh giặc xong trở về nước, ông dẹp tan phe cách mạng, tha cho những kẻ lưu đày được trở về quê quán, trả tự do cho tù nhân, ông tái lập những phong tục tập quán xưa đã bị quân cách mạng phá bỏ, sửa sang mọi việc trong nước và lo liệu cho dân chúng được tự do giữ đạo.
Đúng ra, sau khi bình định xong những nước lân cận xâm lấn bờ cõi, chấn chỉnh các phong tục tập quán, tướng Bonaparte nên rước dòng dõi con cháu vua Thánh Louis về kế nghiệp, nhưng bả phù hoa làm cho vị tướng này say mê, và bởi đánh thắng được nhiều nước lớn nên ông sinh lòng kiêu ngạo. Thật đúng như lời sách đã chép: Sửa trị mình thì khó hơn cai trị thiên hạ.
Tướng Bonaparte nắm trong tay binh lực và được dân chúng mến phục, tung hô thì tự đặt mình lên làm vua, lấy hiệu là Napoleon I. Dân chúng hoa mắt bởi vinh dự do những chiến thắng của vị tướng ấy mang lại, vừa được giải thoát khỏi bị quân cách mạng ức hiếp, làm khổ đủ điều nên chẳng những bằng lòng cho tướng ấy lên làm vua mà nhiều người còn ước ao điều đó.
Nước Pháp là một nước đa số dân theo Công Giáo nên lòng đạo đức rất sốt sắng. Từ khi vua Clovêô trở lại đạo cùng với toàn thể dân chúng trong nước cho đến bây giờ, Thiên Chúa đã dùng nước Pháp mà làm nhiều điều lớn lao để danh Chúa cùng Giáo Hội của Người được vinh quang. Thời Trung Cổ, nước Pháp là quốc gia có nhiều người gia nhập Thập Tự Quân đi đánh Hồi Giáo, để lấy lại thành Giêrusalem và Đất Thánh mà quân Hồi đang chiếm giữ. Chính ông Bouillon, vua nước Giêrusalem, là dòng dõi con cháu các vua đã trị vì nước Pháp tự lâu đời.
Nước Pháp có nhiều dòng tu nam nữ góp phần cộng tác xây dựng Giáo Hội, có nhiều thừa sai đi giảng đạo cho dân ngoại và đóng góp nhiều tiền bạc giúp truyền giáo cho các nước chưa biết Chúa, nên đức giáo hoàng đã đặt nước Pháp là trưởng nữ của Giáo Hội. Trong cuộc cách mạng, vua bị giết, Kitô giáo bị bách hại, cấm cách; các linh mục, tu sĩ bị giết, bị bắt bớ tù đày ba bốn năm liền, do đó khi tướng Bonaparte đánh dẹp quân cách mạng, sửa sang mọi việc trong nước, mọi người được tự do giữ đạo thì dân chúng vui mừng biết chừng nào.
Khi Giáo Hội được sinh hoạt lại, các nhà thờ và dòng tu được trả lại cho Giáo Hội, các linh mục được tự do cử hành thánh lễ và ban các bí tích, các giáo hữu bấy lâu nay khao khát được hưởng nhờ ơn ích của các bí tích thì rất vui mừng và không ngừng tạ ơn Chúa.
Được tự do giữ đạo, người tín hữu vui mừng lắm, nhưng niềm vui ấy không được trọn vẹn vì có rất nhiều xứ, nhiều nhà thờ không có linh mục làm lễ và ban bí tích cho dân chúng. Đoàn chiên thì còn mà chủ chăn thì đã chết, vì trong cuộc cách mạng nhiều linh mục bị lên máy chém, nhiều vị phải trốn vào rừng sâu nước độc, nơi xa xôi hẻo lánh nên mắc bệnh mà chết ở đấy, không còn được bao nhiêu vị an toàn trở về nhà xứ của mình. Do đó, có nhiều người muốn dự lễ hay chịu các bí tích, họ phải đi hai ba ngày đường mới tới nơi giáo xứ có linh mục. Xứ Dardilly, quê của Gioan Vianney không có linh mục, nhưng xứ Ecully sát bên, vì có công chứa chấp bốn linh mục trong thời kỳ cấm đạo nên đức giám mục cho một linh mục về coi xứ ở đấy.
Tháng 2 năm 1807, linh mục Balley được sai về xứ Ecully là nơi ngài đã ẩn nấp suốt bốn năm cấm đạo. Cha Balley vừa đạo đức sốt sắng vừa thông thái nên đức giám mục kính nể và tín cẩn cách đặc biệt. Ngài vừa về nhận xứ thì con chiên trong xứ và các xứ lân cận không có linh mục đua nhau tuôn đến dự lễ cùng chịu các bí tích. Ngài giải tội cả ngày đêm sáu tháng liền mà chưa hết người xưng tội. Khi đã bớt người xưng tội, ngài dạy giáo lý, tập xưng tội cho những trẻ chưa được xưng tội rước lễ lần đầu. Những trẻ em mười và mười một tuổi thì rất đông, nhưng những trẻ em từ mười ba cho tới hai mươi thì còn đông hơn nữa.
Cha Balley dù vất vả với công việc mục vụ cho giáo xứ của mình và các giáo xứ lân cận, nhưng cha luôn nhớ đến lời Chúa Giêsu phán: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Do đó ngài quyết định mở trường Latinh cho những ai muốn dâng mình cho Chúa, làm linh mục dẫn dắt các linh hồn về với Chúa. Ngài tin rằng đây là điều Chúa muốn và chính Người đã soi sáng cho ngài mở trường dạy trẻ.
Trong những người đến học với ngài, có nhiều người đã chịu chức linh mục, phục vụ và giúp ích cho Giáo Hội rất nhiều nhưng có hai người nổi tiếng hơn hết là Đức Cha Matthia đi truyền giáo ở Châu Mỹ và Cha Gioan Vianney, cha sở họ Ars.
Các linh mục dạy bảo trẻ em về ơn thiên triệu, uốn nắn dạy dỗ chúng trung thành với ơn gọi đó thì làm ích cho Giáo Hội. Như xưa Thánh Ambrôsiô làm được nhiều điều vinh danh Chúa, lợi ích cho Giáo Hội và các linh hồn, tỉ như thánh nhân khuyên bảo Thánh Augustinô bỏ đạo rối trở lại đạo Công Giáo thì đem lại cho Giáo Hội nhiều ơn ích hơn các việc khác ngài đã làm. Cũng thế, cha Balley mở trường Latinh dạy dỗ Gioan và những trẻ em khác, để chuẩn bị mầm non sẽ tiến lên chức linh mục, là việc quan trọng và hữu ích hơn các việc khác cha đã làm.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP