Cha Gioan đi nhận xứ Ars ngày 20 tháng 2 năm 1818. Khi gần đến nơi, từ xa làng Ars thấp thoáng những nóc nhà chen lẫn giữa những lùm cây, cha quì xuống bên đường mà xin Thiên Chúa thương đến đoàn chiên mà mình sắp chăn dắt. Làng Ars rất nhỏ, chỉ có khoảng hai trăm người. Phần lớn các gia đình chỉ đủ ăn mặc chứ không giầu có. Vì ruộng nương tuy nhiều, đất đai tuy rộng nhưng cằn cỗi khó khai khẩn, và nếu chịu khó cày sâu cuốc bẫm thì không đến nỗi túng thiếu. Nói chung, giáo dân ở đây cũng tốt và kính trọng các linh mục, nhưng vì suốt thời gian cách mạng cấm đạo, không có linh mục coi sóc dạy dỗ và khuyên bảo nên đâm ra mê muội, lười biếng đọc kinh dự lễ, chịu các bí tích và không chịu học giáo lý.
Khi cha Gioan mới về, ngày thường chỉ năm ba người đàn bà dự lễ. Ngày Chúa nhật, lễ trọng không mấy người bỏ lễ nhưng chỉ đi cho có lệ, rất uể oải. Khi cha giảng thì kẻ ngủ, người ngáp vắn thở dài, tỏ vẻ chán ngán bài giảng, chỉ muốn cho chóng qua. Vừa xong lễ, mọi người ra về hết, không ai ở lại cám ơn rước lễ. Ban chiều không mấy người đến chầu Mình Thánh và ban tối không ai đến nhà thờ đọc kinh chung. Tóm lại, người ta chỉ giữ đạo theo luật thôi chứ không thực hành việc đạo đức nào.
Ngày lễ, đàn ông kéo nhau vào hàng quán nhậu nhẹt say sưa, cãi nhau rồi đánh lộn. Thanh niên nam nữ và trẻ con thì tụ tập ca hát nhảy múa cho tới tối. Ngày lễ trọng chỉ được vài mươi bà xưng tội rước lễ, còn đa số chỉ xưng tội chịu lễ một lần trong mùa Phục sinh. Có ít người khô khan, ba bốn năm mới xưng tội một lần. Chính ngày lễ Thánh Sixtô, quan thầy giáo xứ cũng chẳng có mấy người dự lễ và xưng tội rước lễ, người ta chỉ mê ăn uống, say sưa, xem chèo xem hát và khiêu vũ cả ngày.
Trong làng ngoài đồng không ai ăn cắp ăn trộm nhưng những người làng Ars mang tiếng là gian xảo, mua bán không thật thà, đong vơi, cân thiếu, buôn bán đồ giả mà không oan tí nào, vì những người làng Ars không ai là không có tật xấu này. Các ngày Chúa nhật và lễ trọng, họ không ra đồng làm việc nhưng ở nhà đan lát, may vá và luôn tay làm việc vặt cả ngày. Trong mùa gặt hái, sau khi dự lễ xong người ta ra đồng làm việc, không kiêng việc xác.
Cha Gioan thấy con chiên khô đạo và lỗi luật Giáo Hội như vậy nên ngài lo lắng buồn phiền và thương xót cho họ. Cha nhớ đến giáo dân làng Dardilly và Ecully có lòng sốt sắng, năng đi nhà thờ đọc kinh cầu nguyện, và siêng xưng tội, chịu lễ thì cha càng buồn phiền hơn nữa nhưng cha không ngã lòng.
Ngã lòng là do bởi tính kiêu ngạo và cậy sức riêng mình, mà cha Gioan thì rất khiêm nhường, biết mình là người kém khả năng, chẳng có nhân đức nên cha không hề cậy sức riêng, chỉ cậy vào quyền năng của Thiên Chúa thôi. Cha tin vững vàng rằng ai được Thiên Chúa giúp sức thì làm được hết mọi việc, không việc gì là không làm được nên cha luôn khiêm nhường cầu xin Thiên Chúa thương đến mình và đoàn chiên nhỏ bé của mình. Cha xin Chúa giúp sức để có thể chu toàn điều đã được giao phó là sửa sang việc đạo trong giáo xứ này.
Trong Kinh Thánh có chép: “Ai hằng trông cậy Chúa vững vàng thì sẽ được toại nguyện”. Và cha Gioan đã trông cậy nài xin Thiên Chúa ban ơn giúp sức cho cha giúp con chiên bỏ đàng tội lỗi để trở nên đạo đức sốt sắng, và cha đã không uổng công trông cậy. Sau tám chín năm, giáo dân xứ Ars đã biến đổi, bỏ các tính mê nết xấu và trở nên đạo đức sốt sắng hơn các giáo xứ lân cận. Xứ Ars trở nên một hình bóng của thiên đàng nên cha Gioan rất vui mừng. Có một lần cuối tuần đại xá cha nói mấy lời khen con chiên đã thay đổi tính nết rằng:
- Giáo xứ Ars đã khác ngày xưa nhiều lắm. Giáo xứ chúng ta chẳng những đã sống khá tốt mà còn sốt sắng ngoan đạo hơn giáo dân các xứ khác. Cha đã đi giảng dạy cùng giải tội ở nhiều xứ, cha thấy không xứ nào giáo dân sốt sắng ngoan đạo bằng giáo xứ này.
Giáo dân xứ Ars bỏ đàng tội lỗi, bỏ tính khô khan và trở nên sốt sắng, trước hết là do Thiên Chúa soi trí mở lòng, sau là nhờ cha Gioan khó nhọc nhiều năm tháng và dùng nhiều phương cách nên mới được như thế. Điều cha Gioan làm được trong giáo xứ Ars xưa, ngày nay các linh mục cũng làm được trong giáo xứ mình như vậy, miễn là các ngài phải trông cậy Thiên Chúa vững vàng cùng cầu xin và dùng những cách thế mà cha Gioan đã dùng. Giáo dân chẳng tự nhiên mà nên đạo đức sốt sắng, nhưng nhờ linh mục thánh thiện đạo đức luôn dạy dỗ, khuyên bảo và thúc giục luôn. Giáo xứ nào linh mục thánh thiện thì giáo dân đạo đức, xứ nào linh mục đạo đức thì giáo dân bình thường, còn xứ nào linh mục bình thường thì giáo dân tội lỗi, lời các thánh xưa đã dạy như thế.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP