Những người trong xứ Dardilly, Ecully và nhất là gia đình ông Mátthêu không nhận được tin gì về Gioan thì đoán là cậu đã tử trận. Nhưng cha Balley, cha chánh xứ Ecully tin tưởng Chúa sẽ phù hộ và đưa Gioan về nhà bằng yên, để cậu làm linh mục, cứu nhiều linh hồn về với Chúa.
Cha mẹ Gioan không những phải đau khổ vì không được tin gì về con mình, còn sống hay đã chết, mà họ còn bị phiền nhiễu bởi quan quân thỉnh thoảng lại đến khám nhà, vu vạ cho ông Mátthêu che giấu con mình ở đâu đấy, nên họ cứ đe dọa bỏ tù ông Mát-thêu.
Sau khi Gioan ẩn náu ở làng Noe hơn một năm, cậu mới có dịp gửi thư về nhà hỏi thăm sức khỏe cha mẹ. Mẹ của Gioan biết chắc con mình còn sống thì nước mắt chan hòa vì quá vui mừng, nhưng cha của Gioan không muốn con mình vi phạm luật quốc gia để trở thành tội phạm nên viết thư buộc con phải ra đầu thú với chính quyền và phải đi lính cho tròn bổn phận công dân. Lúc đó, em trai của Gioan, dù chưa tới tuổi lính, cũng xin tình nguyện đi lính thay cho anh, để anh ở nhà đi học, với điều kiện là Gioan phải nhường phần gia tài đáng giá ba ngàn quan cho mình. Gioan thường ước ao được ở nhà đi học để làm linh mục nên sẵn lòng nhường phần gia tài của mình cho em. Vì vậy Gioan được ở nhà không phải đi lính.
Khi mọi việc đã sắp xếp với chính quyền xong, Gioan từ giã làng Noe về lại Ecully để học tiếp tiếng Latinh. Người làng Noe thấy Gioan bỏ làng về quê quán, ai nấy đều thương tiếc. Kẻ khóc, người đem tiền bạc đưa tiễn Gioan. Có một bà nhà nghèo, tài sản chỉ có một con heo và một con dê, bà bán con heo lấy tiền cho Gioan đi đường và nài ép cho tới lúc cậu chịu nhận mới thôi.
Gioan dạy học ở làng Noe được mười bốn tháng, sau đó trở về làng Ecully học Latinh với cha Balley, là cha xứ và cũng là cha linh hướng của mình, cậu cảm thấy thật hạnh phúc sung sướng. Cậu về làng Ecully học được ba tháng thì mẹ cậu qua đời. Gioan nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ, cũng như đã lo lắng cho mình được học tiếng Latinh thì khóc lóc thảm thiết, nhưng khi nghĩ lại thánh ý Chúa đã định cho người mẹ được ơn chết lành, được rỗi linh hồn và an nghỉ trong Chúa đời đời thì cậu mới bớt ưu phiền.
Ở trường Latinh, Gioan vất vả khổ cực một phần thì khi ở trường triết học, cậu phải xấu hổ khổ cực gấp mười lần. Trong hai năm, so với các sinh viên cùng trường, Gioan là người lớn tuổi nhất và cũng khờ khạo dốt nát nhất. Giáo sư dạy triết giảng và cắt nghĩa bằng tiếng Latinh, sách học cũng in bằng tiếng Latinh, sinh viên đọc bài và trả lời câu hỏi của giáo sư cũng bằng tiếng Latinh, không được nói tiếng Pháp. Vì danh từ và ngữ vựng Latinh của Gioan quá ít, không đủ để hiểu sách mình đọc, không hiểu điều giáo sư cắt nghĩa, do đó cũng không trả lời được điều nào. Những sinh viên khác, dưới hai mươi tuổi, thấy Gioan đã trên hai mươi mà dốt nát, kém cỏi nên hay cười nhạo cậu.
Gioan thấy mình đần độn, tối dạ hơn mọi người, lại thấy chúng bạn cười nhạo thì buồn bã, xấu hổ và lo sợ mình không học được có thể bị cho về, không được làm linh mục. Nhưng cậu không hề than trách hờn giận anh em bạn mà vẫn hòa nhã, vui vẻ. Gioan biết chỉ có một mình Chúa mới có thể cứu giúp mình mà thôi, nên cậu trông cậy kêu van đêm ngày, xin Chúa soi lòng mở trí để học hành tấn tới cũng như thêm sức cho mình để chịu khó học hành. Có một số bạn học thấy Gioan hiền lành, khiêm nhường, đạo đức, giữ kỷ luật thì rất kính trọng và coi Gioan như một người nhân đức. Nhưng trong trường có đủ mọi hạng người, tốt cũng như xấu. Có một sinh viên xấu nết hay cười nhạo Gioan. Hắn thấy Gioan không buồn, không giận lại vui cười thì càng giận dữ và trêu chọc hơn nữa. Nhưng dù hắn nói thế nào hay làm gì, Gioan vẫn không đáp lại, không chấp việc hắn làm. Thấy vậy, hắn cho rằng Gioan khinh thường mình nên xông vào đánh Gioan. Dù to con và khỏe mạnh hơn, Gioan không đánh trả, mà còn quì gối xin hắn tha cho mình. Sinh viên ấy thấy Gioan nhân đức lạ lùng như thế thì nguôi giận, xấu hổ bỏ đi. Từ đấy, hắn rất kính nể và không còn trêu chọc Gioan nữa.
Gioan càng ngày càng thăng tiến trên con đường thánh thiện. Các giáo sư dạy học đều khen ngợi về hạnh kiểm của Gioan, còn về việc học thì cậu cũng tấn tới một chút so với lúc mới vào, nhưng còn kém xa chúng bạn. Đến cuối năm, tới kỳ khảo hạch, Gioan bối rối sợ hãi không trả lời được câu nào nên bề trên quyết định Gioan phải ở lại học triết một năm nữa. Cha Balley thấy Gioan buồn bã xấu hổ thì ngài xin cha giám đốc chủng viện cho Gioan về xứ Ecully học triết với ngài, và cha giám đốc ưng nhận. Cha Balley hết lòng dạy Gioan đêm ngày. Được khoảng năm tháng, cha Balley mời cha chính địa phận và cha giám đốc chủng viện đến thăm xứ Ecully. Nhân dịp đó, cha xin khảo hạch cho Gioan. Các cha thấy Gioan trả lời được các câu hỏi và các ngài cho là đủ, nên ưng thuận cho Gioan được lên học thần học.
Bấy giờ địa phận Lyon cùng các địa phận khác trong nước Pháp thiếu linh mục trầm trọng. Có nhiều giáo xứ không có linh mục coi sóc nên việc đạo đức chểnh mảng, thiệt hại nhiều cho giáo dân. Vì thế, những thầy ở lớp của Gioan mới học thần học có bốn năm tháng thôi, đều được cha giám đốc chủng viện cho chịu chức năm. Phần thầy Gioan Vianney, các giáo sư thấy hạnh kiểm của thầy thì tốt nhưng việc học thì kém quá nên họ rất phân vân. Có người bàn nên cho thầy về nhà vì tối dạ quá không học được. Trong lúc đắn đo như vậy, các ngài đệ trình sự việc cho Tòa Giám Mục để xin đấng bản quyền suy xét.
Bấy giờ đức giám mục đi vắng, cha chính địa phận đại diện đức giám mục khảo hạch khả năng thần học của các thầy. Cha chính đã biết rõ về thầy Gioan qua cha Balley, và vì tin lời cha Balley, cũng như biết cha là người đạo đức thâm trầm nên ngài gọi Gioan đến và khảo hạch riêng trong phòng. Gioan trả lời những câu hỏi của cha chính cũng vừa đủ không đến nỗi kém quá nên ngài bằng lòng cho Gioan chịu chức năm.
Khi các giáo sư dạy thần học trình bày cho cha chính biết trường hợp của Gioan, và muốn biết quyết định của ngài như thế nào, cha chính hỏi:
- Về lòng đạo đức sốt sắng của Gioan thế nào? Có lòng yêu mến Thiên Chúa không?
Các giáo sư đều trả lời:
- Về phần đạo đức sốt sắng, cách ăn ở khiêm nhường cùng các nhân đức khác thì Gioan hơn hẳn anh em bạn học, chỉ mỗi tội là học quá kém thôi.
Nghe thế cha chính trả lời:
- Ta bằng lòng cho thầy Gioan chịu chức năm, thầy có thiếu điều gì thì Chúa sẽ bù đắp cho.
Ngày 2 tháng 7 năm 1814 thầy Gioan Vianney chịu chức năm tại nhà thờ Chính Tòa Lyon.
Không ai kể hết nỗi vui sướng cùng tâm tình tạ ơn Thiên Chúa của thầy Gioan trong ngày ấy. Khi lễ truyền chức vừa kết thúc, mọi người hát kinh Benedictus, Tạ ơn Thiên Chúa, đến câu “Et tu, puer propheta Altissimi vocaberis”, thầy Gioan hát lời ấy thật lớn tiếng và sốt sắng đến nỗi ai ai cũng nghĩ rằng mai này thầy Gioan sẽ là tiên tri, làm nhiều điều sáng danh Chúa.
Năm sau, ngày 23 tháng 7 năm 1815, thầy Gioan chịu chức sáu. Trong những người chịu chức sáu cùng với thầy Gioan, có hai vị ngày nay đã được Giáo Hội tôn phong lên bậc Chân Phước. Cùng năm ấy, ngày 13 tháng 8, thầy Gioan chịu chức linh mục, khi đó thầy đã hai mươi chín tuổi.
Cha Gioan từng phải vất vả khó nhọc và chịu nhiều xấu hổ cay đắng suốt mười hai năm trọn cho tới ngày tiến chức linh mục nên cha vui mừng và tạ ơn Chúa biết là chừng nào. Bởi vì cha khiêm nhường không tỏ lộ cho ai biết, nhưng qua những lời cha nói sau này về sự cao trọng của thiên chức linh mục, chắc hẳn khi ấy cha đã tạ ơn Thiên Chúa biết là chừng nào!
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP