Thú thực chính tôi cũng cảm thấy lúng túng khi phải đi chúc tuổi người khác hay là được chúc lại.
Trước đây, trong xã hội cổ truyền, người ta hãnh diện vì được lên lão hay được tôn làm cụ. Ngày nay ở Tây Phương, nói rằng ông hay bà đã già rồi thì không khác gì chửi xéo họ là đồ phế thải đáng cho vào sọt rác; do đó muốn khen ai thì phải nói: sao cụ còn xuân thế!
Dĩ nhiên, huy chương nào cũng có mặt trái của nó, bởi vì có những cụ già lại trở tính giống như con nít vậy; do đó không hẳn khen các cụ còn trẻ là các cụ sẽ thấy lên mây đâu.
Vì phong tục xã hội đã thay đổi như vậy, cho nên các nhà thần học đôi khi cũng phải liệu cách mà xoay sở cho hợp với thời trang. Có một thời mà người ta đề cao con đường thơ ấu thiêng liêng, nhưng có thời mà người ta thấy cần nhấn mạnh đến chuyện trưởng thành thiêng liêng.
Như vừa nói, ngôn ngữ nào cũng có tính cách hàm hồ của nó: trẻ trung, trai trẻ thì khác, còn trẻ con, con nít, ấu trĩ thì khác; già lão thì cũng khác già dặn!
Tân Ước không thiếu những đoạn văn khuyến khích người tín hữu hãy nên già dặn, trưởng thành về đàng thiêng liêng, thí dụ lời ước nguyện của Thánh Phaolô ở thư gửi Êphêsô chương 3, câu 16-18, sao cho các Kitô Hữu được đâm rễ sâu trong đức tin và lòng mến ngõ hầu có sức hiểu các chiều rộng chiều dài chiều cao của tình yêu Đức Kitô; sang đến chương 4,13, Thánh Phaolô đặt mốc cho đời sống tín hữu là đạt tới sự viên mãn của Đức Kitô.
Hơn thế nữa, nhiều lần Thánh Phaolô cũng chỉ trích tình trạng ấu trĩ của một số tín hữu và thậm chí của cả một cộng đoàn, thí dụ trong thư thứ nhất gửi Côrintô.
Thế nào là con người ấu trĩ? Người ấu trĩ là người chưa dám chấp nhận sự điên rồ của Thập Giá vì còn bám theo sự khôn ngoan của thế gian (chương 1, câu 21; chương 3 câu 1); người ấu trĩ là người còn bị thúc đẩy bởi xác thịt, chứ không phải bởi Thần linh, do đó mà chỉ biết tìm tư lợi, hay ghen tương gây gỗ (chương 3).
Người ấu trĩ là con người đồng hóa tự-do với phóng túng lăng loàn, đang khi mà lẽ ra chúng ta cần phải đánh giá các sự vật theo nhãn giới của Đức Kitô (chương 8, câu 9; chương 9 câu 4); người ấu trĩ là người chỉ chạy theo các đặc sủng hữu hình ngoạn mục, thay vì đi tìm những hồng ân cao quý hơn, tức là đức ái (chương 12 và 13).
Dĩ nhiên, Thánh Phaolô mong muốn cho các tín hữu Côrintô xử sự một cách trưởng thành hơn, nghĩa là đối lại với những tính chất vừa tả đó.
Như vừa nói, sự trưởng thành đối chọi với sự ấu trĩ, chứ không có đối chọi với tinh thần thơ ấu. Nhưng thế nào là tinh thần thơ ấu?
Trước đây, người ta giải thích tinh thần thơ ấu có nghĩa là tinh thần đơn sơ trong trắng, đối lại với hạng mưu mô quỷ quyệt. Nhưng ngày nay, các nhà học giả Kinh Thánh không nghĩ như vậy.
Khi Chúa Giêsu nói rằng cần phải trở nên trẻ thơ để vào Nước Trời (Mt 18,3), hoặc là phải tiếp nhận Nước Trời với tâm tình trẻ thơ (Mt 19,13-15) bởi vì mầu nhiệm Nước Trời chỉ được tỏ lộ cho những kẻ bé nhỏ (Mt 11,25-26), thì những tiếng thơ ấu, bé nhỏ phải được hiểu trong bối cảnh của nhóm nghèo đã manh nha từ Cựu Ước.
Người nghèo là người khiêm nhường, chỉ biết đặt tin tưởng vào Chúa, chứ không tự phụ vì quyền thế, của cải, tài trí của mình. Chính trong trạng thái khiêm nhường như vậy mà con người trở nên trẻ thơ, hay nói cho đúng hơn, trở nên con nhỏ trước mắt Thiên Chúa, một đứa con hoàn toàn tín thác nơi Cha của mình, ngoan ngoãn với những gì Cha mình dạy bảo.
Nói cách khác, tinh thần thơ ấu chính là tinh thần các mối phúc thật. Nó đồng nghĩa với tinh thần khó nghèo theo Phúc Âm. Người nghèo theo Phúc Âm là người không đặt hạnh phúc của mình nơi tiền tài; người đã loại ra được khỏi tâm hồn sự thèm muốn chiếm đoạt, không những là chiếm đoạt tài sản mà cả sự chiếm đoạt chính bản ngã của mình, vơ hết tất cả cho mình. Một khi con tim đã được thanh thoát khỏi những sự chiếm hữu ấy, thì nó sẽ có chỗ rộng để dành cho Thiên Chúa và tha nhân.
Người nghèo theo Phúc Âm là người để cho Thiên Chúa chiếm đoạt, dẫn dắt. Nói khác đi, người nghèo là người sống trọn ý nghĩa của đức tin, theo gương của những nhân vật tiêu biểu như tổ phụ Abraham hay Đức Maria.
Không có gì đối chọi cả. Có lẽ phải nhận rằng trong quá khứ đã có người hiểu lầm con đường thơ ấu thiêng liêng khi đọc quyển “Một tâm hồn” của thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu. Ngày nay, sau khi xuất bản các bút tích của thánh Têrêsa, người ta đã hiểu rõ Thánh hơn, và thậm chí có người đã trách là các chị em của Thánh đã bóp méo chân dung Têrêsa trong cuốn “Một tâm hồn”.
Đường thơ ấu đâu có phải là ấu trĩ, để cho bản năng thúc đẩy. Đường thơ ấu đòi hỏi chúng ta chế ngự, uốn nắn cái bản năng, tính nết của chúng ta. Dĩ nhiên công cuộc này đòi hỏi thời gian, và chúng ta chấp nhận những khuyết điểm tự nhiên của mình.
Đường thơ ấu cũng không có nghĩa là ở lì trong cái tuổi ngây thơ lúc thiếu thời; nó đòi buộc con người phải triển nở trưởng thành.
Đường thơ ấu cũng không đồng nghĩa với sự phó thác giả hiệu, mặc tới đâu hay tới đó; nhưng nó đòi hỏi phải phấn đấu, đảm nhận trách nhiệm.
Dù sao con đường thơ ấu của thánh Têrêsa có thể tóm lại trong ba điểm như sau: thứ nhất, ý thức thân phận thiếu thốn của mình; thứ hai, tin tưởng vào tình yêu thương và tác động của Thiên Chúa; thứ ba, cộng tác một cách quảng đại với ơn thánh Chúa.
Điểm căn bản của học thuyết về con đường thơ ấu không phải là phân tích tình trạng của con người cho bằng tìm cách khám phá ra khuôn mặt của Thiên Chúa.
Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu nghiêng mình xuống trên con người. Vì vậy mà con người càng muốn hạ mình xuống thấp hơn để người cha có thể thi thố tình yêu hơn, khi người có dịp nghiêng mình sâu hơn nữa để bồng đứa nhỏ lên.
Nói khác đi, trên con đường nên thánh, Têrêsa đề cao vai trò của ơn thánh Chúa: khi càng nhận thấy sự bất toàn của mình thì con người càng nhận thấy sức mạnh của ơn thánh. Chính vì vậy mà Têrêsa không hổ thẹn trước những khiếm khuyết bất toàn, vì biết rằng sự vụng về của mình càng tỏ rõ hơn sự cần thiết của ơn thánh và lòng lân tuất của Chúa.
Tuy nhiên, ta cũng biết rằng Têrêsa không ù lì năm yên tại chỗ, nhưng đã cộng tác một cách quảng đại với tác động của ơn thánh. Têrêsa đã viết cho một tập sinh rằng đường thơ ấu là con đường phó thác, nhưng không phải là nghỉ ngơi.
Thực vậy, các tác giả tu đức đều ghi nhận rằng khi nào linh hồn để cho Chúa làm việc, thì sẽ thấy mệt hơn là chính mình làm việc. Có thể ví như tình trạng của người mắc ung nhọt khi tự chữa lấy hay khi chạy tới bác sĩ: nếu tự chữa lấy, thì mình sẽ tìm cách vuốt ve, rờ rờ sơ qua tránh đụng vào chỗ đau; còn nếu rơi vào tay bác sĩ thì ông ta sẽ không chút nương tay, ông sẽ cầm dao xẻo luôn!
Đường thơ ấu phó thác phải hiểu theo nghĩa này: phó thác nghĩa là nhắm mắt cắn răng để cho bác sĩ ra tay, và sau đó hết lòng cám ơn bác sĩ, chứ bệnh nhân không dám kể công của mình!
Chúc cả hai. Xét vì muốn đi vào con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh Têrêsa thì cần phải trưởng thành, theo hình ảnh vừa nói trên, nghĩa là can đảm để cho bác sĩ mạnh tay mổ cái ung nhọt của mình thay vì mình xoa xoa cách qua loa vậy.
Còn nếu hiểu thơ ấu theo nghĩa Kinh Thánh như là tinh thần khó nghèo, thì cũng cần sự trưởng thành không kém. Thường thì mấy đứa con nít thích vơ hết cho đầy tay của mình; chỉ có người trưởng thành mới dám chìa tay ra để phân phát, phân phát tới mức độ không còn giữ lại cho mình tí chút nào nữa hết.
Ảnh hưởng của thời gian đối với đời sống thể xác đã khó xác định, thì ta có thể suy đoán rằng ảnh hưởng của nó đối với đời sống tâm linh càng phức tạp hơn bội phần. Thiết tưởng nên ôn lại vài nhận xét.
Khi chúng ta còn nhỏ, quả thực thời gian mang lại một sự tăng trưởng. Nhưng đến một lúc nào đó, người ta nhận thấy tình trạng “đứng tuổi”, và bắt đầu suy thoái.
Ở tuổi già, quả là thời gian không mang lại sự tăng trưởng nhưng là suy thoái. Sự suy thoái không những nhận thấy ở khía cạnh sức lực thể chất mà cả khía cạnh tinh thần.
Người xưa có câu: “Khôn đâu qua trẻ, khỏe đâu qua già”. Nhưng chúng ta thấy rằng người già không những không còn khỏe mà dần dần cũng mất cả sự minh mẫn trí tuệ: đầu óc lẩm cẩm là chuyện thường! Từ nhận xét sơ đẳng về đời sống tự nhiên như vậy, các nhà chuyên môn cũng đặt lại vấn đề thời gian có ảnh hưởng gì đến sự tăng trưởng của đời sống tâm linh hay không.
Đúng như vậy. Hôm nào mà đầu óc chị căng thẳng thì không những là chị khó tập trung cầu nguyện, mà chị cũng dễ gắt gỏng với người khác. Một cách tương tự như vậy, khi mà thần kinh của ta bị suy nhược, thì mình khó mà điều khiển các hành động theo như ý muốn.
Một người tính lẩm cẩm thì có những cách cư xử như con nít, nếu chưa nói là "dở người". Đó là một lý do cho thấy thời gian có thể làm cho đời sống tâm linh chịu suy thoái. Có lẽ ngày nay người ta ý thức điều này nhiều hơn, bởi vì con số những người già càng ngày càng tăng, trong khi mà xưa kia, tuổi thọ trung bình chỉ vào khoảng 5-6 chục năm.
Càng về già, ta càng nghiệm thấy cuộc đời không phải là một cuộc thẳng tiến đi lên, nhưng nó giống như cái parabol vòng cung: nó lên rồi nó lại xuống. Tuy nhiên, cho đến đây, chúng ta chỉ mới xét một khía cạnh của vấn đề, nghĩa là có sự tương ứng giữa thể chất với tâm linh. Chúng ta cần phải thêm một khía cạnh khác nữa, hầu như đối nghịch lại.
Câu chuyện không đơn giản như vậy. Trong đời sống thể chất, sự tăng trưởng có thể đo lường được, chẳng hạn như cao hơn, to hơn, mập hơn, nặng hơn. Lúc nãy chúng ta đã bàn về sự tiến triển về đời sống thể chất. Sự tiến triển về đời sống tinh thần thì khó đo lường hơn, tuy rằng không phải là không thể nhận định được.
Sự tiến triển về tinh thần quen được gọi là “trưởng thành tâm lý”. Sự trưởng thành không hệ ở chỗ học cao, bằng cấp nhiều, nhưng được biểu lộ qua nhiều phương diện khác, chẳng hạn qua cách xử thế, tài tháo vát, vv.
Thường thì càng lớn tuổi thì con người càng trưởng thành chín chắn hơn. Tuy nhiên, sự trưởng thành tâm lý không theo cùng một vận tốc với sự trưởng thành thể chất: có người to con mà đầu óc hẹp hòi, hoặc lớn tuổi mà non dạ! Đến khi chúng ta bước sang đời sống tâm linh, hoặc đời sống đạo đức, các tiêu chuẩn vừa nói hầu như bị đảo ngược hết.
Nếu chị có đứa con, thì một tiêu chuẩn để đánh giá sự trưởng thành của nó là nó có khả năng tự lập, kiếm công ăn việc làm, xây dựng một tổ ấm mới, chứ không dựa vào cha mẹ nữa.
Trong đời sống tâm linh thì ngược lại: càng tiến xa trong sự thân mật với Chúa bao nhiêu, thì ta càng cảm thấy mình lệ thuộc Thiên Chúa hơn bấy nhiêu. Nói khác đi, sự trưởng thành về tâm linh không có nghĩa là mình cảm thấy cứng cựa hơn, vững chắc hơn, nhưng là nhỏ bé hơn.
Chúng ta đang gặp một vấn đề hầu như bế tắc. Xưa nay, các tác giả tu đức đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải trưởng thành trong đời sống tâm linh. Họ đã đề ra nhiều hình ảnh để so sánh. Có người ví đời sống tâm linh như một cuộc hành trình, càng ngày càng gần tới đích hơn. Có người ví đời sống tâm linh như cuộc leo thang hay leo núi: càng ngày càng lên cao hơn.
Một khuôn mẫu khá cổ điển là phân chia ba chặng của đời sống tâm linh: “thanh luyện - chiếu sáng - kết hiệp”.
Chặng đầu được đặt tên là “thanh luyện”, bởi vì đặt nặng việc thanh tẩy các tội lỗi, tính hư tật xấu. Chặng tiếp được gọi là “chiếu sáng”, chú trọng đến việc thực tập nhân đức. Chặng thứ ba gọi là “kết hiệp” bởi vì ta cảm thấy gần gũi với Chúa hơn.
Đúng thế, chúng ta có quyền mong đợi rằng càng lớn tuổi, thì ta càng nên đức độ hơn chứ không phải là bê bối hơn. Tuy nhiên, có hai yếu tố mà ta nên lưu ý:
1/ Một, về phía chủ thể, khi ta càng tiến bộ về nhân đức, ta lại càng ý thức sự thấp kém của mình hơn. Có thể ví với một người càng học nhiều thì càng thấy mình dốt bởi vì nhận thấy biển học bao la quá, đang khi một anh chỉ tốt nghiệp trường làng thì dễ tưởng rằng mình học hết chữ rồi; hoặc càng leo lên núi thì ta thấy bầu trời càng xa, trong khi đứng ở bình nguyên thì ta tưởng đỉnh núi chạm da trời.
2/ Hai, các nhà tu đức học đều ghi nhận rằng trong những giai đoạn đầu của đường nên thánh, con người nắm phần chủ động, phải lo làm việc lành, diệt trừ nết xấu. Thế nhưng, dần dần chính Thiên Chúa nắm phần chủ động: chính Người dẫn dắt chúng ta tiến tới đỉnh trọn lành. Trong thời chuyển tiếp giữa hai giai đoạn đó, con người phải trải qua một cuộc thanh luyện cam go.
Sự thanh luyện này được gọi bằng nhiều tên, tựa như là: “đêm tối” hoặc “khủng hoảng”, “thử thách”, “mây mù”,... trong đó con người cảm thấy khô khan, nguội lạnh, chán nản, và thậm chí cảm thấy xa Chúa nữa.
Cuộc thanh luyện như vậy dễ gây ra nhiều hoang mang, bởi vì mình không hiểu mình đã tụt xuống dốc, hay là đang tiến lên cho dù trải qua mây mù dày đặc. Khổ một điều là có thể cơn thanh luyện này xảy ra vào lúc ta đã lớn tuổi, khi mà sức lực thể lý đã giảm, vì thế ta dễ có cảm tưởng rằng cả đời sống tự nhiên lẫn đời sống tâm linh cũng đều trên đà xuống dốc.
Hy vọng là như vậy. Nói cho cùng, chỉ có Chúa mới biết được thực sự ta đang tiến hay lùi. Theo vài nhà tu đức học, nếu ta biết rằng cuộc sống không phải là một sự tăng trưởng một chiều nhưng là một vòng cũng có lúc lên lúc xuống, thì khi bàn về đời sống tâm linh, ta cũng đừng nên hình dung như một cuộc đi lên một chiều.
Điều này không những giả thiết rằng cuộc đời có lúc lên lúc xuống, nhưng còn cần thêm rằng vào bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời ta cũng đều có cơ may nên thánh hoặc nên quỷ.
Trên đây tôi có nhắc đến câu tục ngữ: “khôn đâu qua trẻ, khỏe đâu qua già”; nhưng đó là một kinh nghiệm chung về đời sống tự nhiên, chứ không thể áp dụng tuyệt đối vào đời sống tâm linh được. Không cần chờ đợi thời gian mới có thể nên thánh lớn. Đúng hơn, thiết tưởng nên nói rằng bất cứ lứa tuổi nào cũng có những cơ may và rủi ro của nó.
Tuổi trẻ thì nhiệt thành quảng đại, sẵn sàng hy sinh cho một lý tưởng; nhưng khuyết điểm là bồng bột nhất thời, hời hợt, thiếu kiên trì.
Tuổi tráng niên thì bắt đầu thu thập kinh nghiệm, thực tế chứ không mơ mộng; nhưng khuyết điểm là dễ buông xuôi, chấp nhận, hoặc sống máy móc, đó là chưa kể cơn khủng hoảng của lứa tuổi 40.
Tuổi già thì từng trải hơn, biết khiêm tốn chấp nhận giới hạn của mình hơn, biết tín thác vào Chúa hơn; nhưng khuyết điểm là thường khư khư bám chặt dĩ vãng chứ không chấp nhận những thay đổi của thời thế.
Một khi biết được những ưu khuyết điểm của từng lứa tuổi, ta tìm cách ứng xử. Dù sao, đó mới chỉ là sự phân tích đời sống tâm linh dựa theo những kinh nghiệm của sự phân tích tâm lý. Chúng ta cần phải điều chỉnh cái nhìn đó dựa theo cái nhìn đức tin nữa, cái nhìn của sự khôn ngoan Thập Giá, như Thánh Phaolô nói.
Tôi muốn nói rằng nhiều lần chúng ta đánh giá con người theo những dấu hiệu bên ngoài, chẳng hạn tài tháo vát, óc thông minh, hoạt động lanh lợi. Còn Thiên Chúa sử dụng tiêu chuẩn khác: có thể một người nằm liệt giường, không còn nói được, không cử động nữa, nghĩa là hoàn toàn bất lực và vô dụng, nhưng trên thực tế họ lại đang ở cấp độ cao của sự thánh thiện.
Nhất là chúng ta đừng nên quên rằng trước mắt người đời, cái chết được coi là sự tụt dốc sâu hơn cả, bước sang cõi âm; thế nhưng, dưới cái nhìn đức tin, cái chết có thể mang chúng ta lại gần Chúa Kitô hơn cả nếu biết hoà đồng với cái chết cứu chuộc của Người trên thập giá. Nói khác đi, cái chết có thể coi như cao điểm nhất của sự tiến bộ về đời sống tâm linh. Hiểu như vậy, chúng ta biết thành thực ước cho nhau điều gì khi chúc tuổi cho nhau dịp đầu năm mới.
Trên phương diện tâm lý và sinh lý, chúng ta thấy quan điểm về tuổi già thay đổi khá nhiều. Thời xưa, tuổi đời thường không cao lắm; vì thế lên 50 tuổi thì đã được tôn làm cụ rồi; ngày nay thì phải chờ đến quá 60 mới được về hưu trí.
Đó là nói về thể lý; còn về tâm lý cũng có sự thay đổi đáng kể: trước đây người ta tôn trọng các vị bô lão (kính lão đắc thọ), nhưng ngày nay thì các ông bà già tìm cách trang điểm (nhuộm tóc, phẫu thuật da mặt) để tỏ ra mình còn trẻ, bởi vì trong xã hội hiện đại, người già bị đồng hoá với đồ phế thải.
Tuy nhiên tôi không muốn lạm bàn chuyện nhân sinh ở đây, nhưng chỉ muốn tìm hiểu hai quan điểm trong Kinh Thánh trái ngược nhau: một đàng là những đoạn văn thúc đẩy chúng ta hãy trưởng thành trong đời sống đạo; đàng khác thì đòi hỏi chúng ta hãy nên như trẻ thơ thì mới được vào Nước Trời.
Chúng ta gặp thấy đặc biệt ở nơi Phúc Âm nhất lãm. Khi các môn đệ thấy các trẻ em xúm xít bên cạnh Chúa Giêsu, và bực mình với chúng, thì Chúa nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”.
Đoạn văn vừa rồi trích từ Phúc Âm Thánh Marcô chương 10 câu 14-15, với cũng thấy nơi Mt 19,14 và Luca 18, 16-17. Một hoàn cảnh thứ hai được Matthêu thuật lại ở đầu chương 18 như thế này.
“Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: Thưa thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Người gọi một em nhỏ đến, đặt giữa các ông và bảo: Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời”.
Trong nghiên cứu lịch sử Kitô Giáo, các học giả nhận thấy là các giáo phụ không chú ý nhiều đến đoạn văn vừa kể. Sang tới Trung Cổ, người ta mới bắt đầu để ý (có lẽ cùng với việc quảng bá lòng tôn sùng Chúa Giêsu hài đồng), với nhiều lối giải thích khác nhau. Đối với Thánh Phanxicô Assisi và thánh Bonaventura, trở nên trẻ nhỏ có nghĩa là khiêm nhường, đơn sơ.
Một thứ giải thích nữa chú ý đến tâm hồn ngây thơ trong trắng, bởi vì người ta móc nối với lời cảnh cáo của Chúa Giêsu với những người làm gương xấu cho các em, (nói ở chương 18 của Matthêu); thà treo cối đá lớn mà xô cho chìm xuống biển còn hơn. Vào thời cận đại, tư tưởng này được phát triển cách riêng nơi thánh Têrêsa hài đồng Giêsu.
Đúng thế, tuy các sử gia cho biết là thánh nữ không hề sử dụng từ ngữ “đường thơ ấu thiêng liêng” mà chỉ gọi là “con đường nhỏ”, và áp dụng cách riêng vào đường nên thánh.
Theo sự nhận xét của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, người ta thường nghĩ rằng muốn nên thánh thì phải làm những hành vi đạo đức phi thường, cố gắng thực hành các nhân đức anh hùng để lập công. Thánh Têrêsa thì nghĩ khác. Mình phải trở nên trẻ thơ, nghĩa là không cậy dựa vào sức lực của mình, không băn khoăn với việc thu tích công trạng, nhưng phó thác tất cả cho Chúa.
Trở nên bé nhỏ có nghĩa là tin tưởng vào Chúa, vào tình thương của Chúa là cha. Chúa không mong chờ nơi chúng ta những thành tích vĩ đại, nhưng là tấm lòng thảo hiếu. Chúng ta càng khiêm tốn tín thác bao nhiêu, thì Chúa càng sẵn sàng yêu thương nâng đỡ chúng ta bấy nhiêu, tựa như bà mẹ thấy đứa con tập tễnh bước đi và té ngã, thì bà lại càng vồn vã âu yếm chăm sóc nó, chứ không la trách nó.
Ngôn ngữ của chúng ta bất toàn, vì thế khó lòng diễn tả được toàn thể thực tại muốn nói. Chẳng hạn như khi tôi rằng ông Xoài là người “già dặn” thì chắc rằng ông sẽ thích thú; nhưng nếu tôi nói rằng ông là một kẻ “già nua” thì chắc ông sẽ buồn.
Một cách tương tự như vậy, chúng ta có thể thích làm bạn với những người đơn sơ thật thà, nhưng chúng ta sẽ mệt với những ấu trĩ, ngớ ngẩn. Vì thế không lạ gì mà trong thần học tâm linh, một đàng có lời khuyên hãy trở nên bé nhỏ (hoặc thơ ấu); nhưng đàng khác, lại chỉ trích thái độ ấu trĩ.
Điều này, chúng ta gặp thấy nơi các thư của các thánh tông đồ. Ở đầu chương 2 của thư thứ nhất Thánh Phêrô tông đồ (mà các nhà chú giải cho là một bản văn huấn giáo về bí tích rửa tội), chúng ta đọc thấy sự đối chiếu giữa một bên là thái độ gian ác, xảo trá, ghen tương của con người cũ mà người tín hữu phải lột bỏ (và như vậy là trở nên trẻ thơ, trong trắng); nhưng đồng thời là lời khuyến khích hãy lớn lên, trở nên vững mạnh, chứ đừng ở mãi trong tình trạng ấu trĩ (họ hãy cai sữa đi, và dùng lương thực cứng cáp). Hình ảnh này được Thánh Phaolô sử dụng trong thư thứ nhất Côrintô (chương 3 câu 3), và trong thư gửi Do Thái (chương 5, câu 12-14).
Lúc nãy tôi đã phân biệt giữa “già dặn” và “già nua”. Một cách tương tự như vậy, chúng ta cũng có thể phân biệt giữa thơ ấu và ấu trĩ, như chính Thánh Phaolô đã viết trong thư thứ nhất gửi Côrintô (chương 14 câu 20): “Về mặt phán đoán, thì đừng sống như trẻ con; về đàng dữ, sống như trẻ con thì được, nhưng về mặt phán đoán thì phải là người trưởng thành”.
Như vậy, có thể nói như thế này, ta hãy sống thơ ấu theo nghĩa là đơn sơ thành thực (chứ không quỷ quyệt gian manh), nhưng ta hãy trưởng thành già dặn, xét về mặt phán đoán.
Một cách cụ thể hơn, Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi Côrintô và trong thư gửi Êphêsô đã nêu ra những dấu chỉ của tật ấu trĩ về tâm linh, chẳng hạn như: chạy theo sự khôn ngoan thế gian, thay vì đi tìm sự khôn ngoan của Thiên Chúa biểu lộ qua thập giá (mà thế gian coi là điên rồ); sử dụng tự do theo sở thích ngông cuồng, thay vì xây dựng anh em; thích những đặc sủng hiếu kỳ nhằm phô trương, thay vì quý trọng đặc sủng cao quý nhất là đức mến; bị lôi cuốn theo các trào lưu mới lạ, bởi vì đức tin còn hời hợt.
Đối lại, người trưởng thành là kẻ thâm tín về lòng tin vào Chúa, biết phân định điều tốt dựa theo ý Chúa, ngoan ngoãn để cho Thánh Linh dẫn dắt để phát sinh những hoa trái Thánh Linh, đi sâu vào mầu nhiệm Đức Kitô, khám phá các chiều kích dài rộng cao sâu để rồi dấn thân phục vụ mầu nhiệm đó trong Hội Thánh.
Trong ngôn ngữ thông thường, người được coi là già dặn được hiểu về cách suy tư phán đoán, quyết định. Vì thế thiết tưởng trong lãnh vực tâm linh cũng vậy, người già dặn được coi là người suy tư quyết định dựa theo ánh sáng đức tin, chứ không chiều theo các tính toán thiển cận.
Tuy nhiên đó là nói trên nguyên tắc, chứ trên thực tế thì như chị đã biết, tâm lý con người rất là phức tạp: nhiều phán đoán của chúng ta không chỉ tuỳ thuộc vào kiến thức học hỏi, mà còn tuỳ thuộc vào lãnh vực cảm xúc (lắm lần vô thức). Vì thế không nhất thiết những người lớn tuổi hoặc những người học rộng tài cao thì đương nhiên cũng là người già dặn.
Có thể dung hoà được chứ, bởi vì chúng không phải là những ý niệm tương phản với nhau.
Trưởng thành có nghĩa là “già dặn” (chứ không phải là già nua); cũng như thơ ấu là chân thành khiêm tốn (chứ không phải là ấu trĩ).
Nhờ khoa tâm lý hiện đại, người ta biết đến tầm quan trọng của yếu tố “cảm xúc” (hoặc tình cảm) trong cuộc sống con người. Vì thế sự trưởng thành hoặc ấu trĩ không đánh giá theo tiêu chuẩn kiến thức bác học, cho bằng dựa theo thái độ tâm tình.
Nói cách chung chung, nhà bác học nào tự mãn vì đã đạt đến đỉnh cao trí tuệ của loài người, thì thực ra chỉ là một kẻ ấu trĩ về tâm linh mà thôi. Bởi lẽ người nào học hành đến nơi đến chốn thì sẽ trở thành khiêm tốn, ý thức giới hạn của mình, chứ không ba hoa: và đó chính là phán đoán chín chắn (khác với kẻ nhẹ dạ nông nổi).
Một cách tương tự như vậy, người trưởng thành về tâm linh là kẻ biết giảm bớt chú ý đến bản ngã (lấy cái tôi để đo lường vũ trụ: đặc điểm của kẻ ấu trĩ), để biết quan tâm đến Thiên Chúa, đến chân thiện, đến tha nhân. Họ quảng đại hơn đối với tha nhân, và cũng nhún nhường hơn, vì ý thức thân phận của mình hơn.