Thế nào mỗi người chúng ta cũng mang trong đầu óc một vài tiêu chuẩn nào đó để xác định chân dung của một vị thánh.
Có thể là hình ảnh của một người siêu quần, không ăn không ngủ suốt mấy năm liền, cả ngày chỉ lo đọc kinh thờ phượng Chúa. Có thể là hình ảnh của một người lăn xả đi phục vụ những bệnh nhân phong cùi, không e dè sợ sệt gì khi đến gần các bệnh nhân để săn sóc họ. Có thể là hình ảnh của một nhà truyền giáo từ bỏ tiện nghi an toàn của quê hương mình, để đi giảng đạo cho một bộ lạc ăn thịt người.
Tuy nhiên, thế nào trong chúng ta cũng có người dễ tính hơn, khi mà họ khám phá ra được các thánh nhân mà họ chung đụng hằng ngày: tuy cũng làm những công việc lặt vặt thường tình, nhưng những người đó chu toàn công tác một cách tận tụy khác thường: từ một bà nội trợ trong nhà, cho tới cô giáo gõ đầu trẻ, từ một nhân viên nhã nhặn khi trả lời cho bao nhiêu câu hỏi điên đầu ở văn phòng hay máy điện thoại, cho tới một công nhân vệ sinh vui vẻ yêu thích nghề nghiệp. Thật may mắn cho chúng ta khi được tiếp xúc với các thánh sống như vậy.
Thế nhưng, Giáo Luật thì phải lo tới các thánh chết, nghĩa là những người đã qua đời rồi. Phải lấy gì làm tiêu chuẩn để mà tuyên bố họ là thánh nhân? Trên đây tôi mới lược qua một vài quan niệm bình dân về thánh nhân, và chúng ta đã thấy có nhiều tiêu chuẩn khác nhau rồi. Bây giờ nếu chúng ta đấu lại với quan niệm của toàn Hội Thánh trải qua 20 thế kỷ thì chắc chắn chúng ta có thể liệt kê tới cả trăm tiêu chuẩn, nhất là khi biết rằng người ta còn phân biệt thánh lớn với thánh nhỏ nữa.
Không phải, thánh lớn thánh nhỏ được hiểu theo nghĩa là đại thánh tiểu thánh. Dĩ nhiên là sự phân biệt này cũng rất tương đối, tùy theo tiêu chuẩn của mỗi người đặt ra.
Có người thì coi đại thánh nếu ông này làm nhiều phép lạ, thiên hạ đua nhau tới khấn vái! Và rồi có người được đồng bào mình coi là đại thánh, nhưng sang tới nước láng giềng thì chỉ là người vô danh tiểu tốt.
Dù sao, quan niệm tối thiểu nhất về một thánh nhân là người đó phải có cái gì xuất chúng, chứ nếu một người chỉ sống lương thiện không trộm cắp, không giết người thì chưa đủ để gọi là thánh.
Không nói ai cũng hiểu rằng cái điểm xuất chúng, trổi vượt phàm nhân thì được áp dụng cho phạm vi đức độ, chứ không phải là xuất chúng vì có thân hình to lớn lực lưỡng, hay có nhiều tiền của vàng bạc, lại càng không phải vì dở điên dở khùng! Điểm trổi vượt xuất chúng được các triết gia Hy Lạp và La mã gọi là “anh hùng”.
Xét về từ ngữ, thì đúng như vậy: chúng ta gọi “anh hùng” là người có chí khí dũng cảm, can trường đương đầu với nghịch cảnh, không thối chí, không chùn bước. Cách riêng, đối với Kitô Giáo, các anh hùng được áp dụng cho các vị tử đạo, bởi vì họ đã can đảm đương đầu với những cực hình và cái chết, nhưng không chịu từ bỏ đức tin của mình.
Nhận xét này không phải chỉ có tính cách lý thuyết, mà còn đúng với lịch sử Giáo Hội, khi mà các vị tử đạo được xếp ở đầu danh sách của các thánh nhân. Tuy nhiên, ở những thế kỷ đầu, chưa có một nền thần học về nhân đức anh hùng.
Vào thời Trung Cổ; tuy rằng nguồn gốc của nó thì xa hơn. Thực vậy, nguồn gốc về quan niệm nhân đức anh hùng lấy từ triết gia Aristote. Ông đã mở rộng tiếng anh hùng, không chỉ giới hạn vào sự dũng cảm mà thôi, nhưng còn áp dụng cấp độ cao của việc thực hành các nhân đức.
Trong quyển VII Đạo đức luận (Ethica Nicomachea), Aristote nói tới việc thực hành nhân đức bình thường và sự thực hành nhân đức cách anh hùng. Người có nhân đức bình thường là người biết dùng lý trí để chế ngự bản năng; còn người có nhân đức anh hùng khi nào tiến tới cấp độ toàn hảo gần tới bậc thần linh.
Thế nhưng, lý luận của Aristote vẫn còn dựa theo lý trí tự nhiên, theo nghĩa là cả hai cấp độ thực hành nhân đức đều được nhìn từ phía con người. Đến khi nghiên cứu các nhân đức dưới ánh sáng mặc khải, thì Thánh Tôma Aquinô du nhập hai cấp độ thực hành nhân đức của Aristote nhưng biến báo nó đi.
Theo Thánh Tôma, có hai cách thức để thực hành các nhân đức: cách thông thường, do sức cố gắng của con người; cách anh hùng, dưới tác động của ơn thánh, đặc biệt là do bảy ơn Chúa Thánh Thần. Vì vậy, việc thực hành các nhân đức được gọi là cách anh hùng không những vì phát sinh công hiệu phi thường mà còn vì nó do chính sức mạnh của Chúa, đến nỗi nói được rằng nó là hành động của Chúa, vì vậy mà được gọi là hoàn hảo, toàn thiện (Summa Theologiae I-II, q.54, a.3).
Như vậy, chúng ta thấy rằng đang khi mà Aristote quan niệm rằng nhân đức gọi là anh hùng vì nó trổi vượt xuất chúng, gần sát với thần linh; Thánh Tôma giải thích vì sao mà nó gọi được là thần linh; ấy là tại vì do Thánh linh tác động.
Chắc chắn là ảnh hưởng rất nhiều. Khi muốn phong thánh cho ai, thì tiêu chuẩn đầu tiên được đặt ra không phải là thân hình tướng mạo, hay là các kỳ công phép lạ, nhưng là việc thực hành các nhân đức. Dĩ nhiên, là nguyên việc ăn ở lương thiện, không rượu chè cờ bạc, trộm cắp giết người thì chưa đủ để khởi sự hồ sơ phong thánh! Người ta đòi hỏi đương sự phải thực hành các nhân đức (tóm lại trong ba nhân đức đối thần: tin cậy mến; và bốn nhân đức luân lý: khôn ngoan, công bằng, mạnh bạo, tiết độ) một cách trổi vượt.
Từ thế kỷ XVII, các nhà thần học đã đề ra ba đặc tính sau: thường xuyên, lanh lẹ và vui vẻ (expedite, prompte, delectabiliter), nhất là khi gặp những hoàn cảnh khó khăn.
Thủ bản về việc phong thánh do đức Bênêđictô XIV xuất bản (De servorum Dei beatificatione et beatorum canonizatione), chấp nhận tiêu chuẩn ấy. Tuy nhiên, sự áp dụng không có tính cách cứng nhắc; nghĩa là không phải ai ai cũng buộc phải thực hành hết tất cả bảy nhân đức tới mức độ anh hùng! Lý do tại vì không phải ai ai cũng gặp các nghịch cảnh như nhau để có dịp trổ tài!
Thí dụ khi nói tới việc thực hành đức tin tới mức độ anh hùng không đòi hỏi rằng tất cả các thánh đều phải gặp cơn bắt đạo hay là phải gặp quân rối đạo, để mà tỏ ra đức tin siêu quần của mình. Và chờ cho đủ các điều kiện khó khăn để có dịp trổ hết tài anh hùng cả 7 nhân đức thì e rằng suốt mấy thế kỷ cũng chưa được một ông thánh.
May thay, các vị Giáo hoàng trong thế kỷ XX đã nhiều lần lặp lại trong các bài giảng nhân lễ phong thánh rằng có thể thực hành các nhân đức một cách anh hùng trong đời sống hằng ngày, bằng cách chu toàn việc bổn phận. Sự tận tụy trung thành với bổn phận của mình một cách lâu dài đáng coi là việc anh hùng.
Người có nhân đức anh hùng không hẳn lúc nào cũng xuất đầu lộ diện cho thiên hạ ngưỡng mộ và thán phục. Không đâu; một người có thể thực hành nhân đức cách anh hùng một cách kín đáo. Điều cần là họ đã thi hành các nhân đức đó với động lực siêu nhiên, do lòng mến Chúa.
Cần phải tỏ ra nhân đức anh hùng trong vòng bao lâu? Có người đòi hỏi phải ít là 10 năm, để chứng tỏ một ý chí bền vững trong đàng nhân đức. Nhưng mà có tác giả chủ trương không cần tới một thời gian lâu dài như vậy. Họ lý luận rằng đối với nhân đức thủ đắc thì mới cần có thời gian để mà luyện tập, chứ đối với nhân đức thiên phú thì không cần thời gian; bằng chứng là có những thánh tử đạo đã tỏ ra đặc tính anh hùng trong một thời gian ngắn sau khi trở lại với Chúa.
Xem ra lập luận này càng ngày càng được chấp thuận; nhờ đó mà người ta có thể tiến hành các vụ phong thánh cho các thiếu nhi nữa, tuy chưa đủ 5 hay 10 năm thực hành nhân đức. Đôi khi các em chưa đến tuổi trưởng thành, nhưng các em đã quảng đại để cho ơn thánh Chúa tác động: nhân đức anh hùng của các em không biểu lộ qua những công tác rầm rộ, cho bằng qua những hoa trái nơi cuộc đời cá nhân và nơi khung cảnh sinh sống.
Có rất nhiều quan điểm khác nhau về thánh nhân hay việc nên thánh. Trong đầu óc bình dân, thánh nhân là người làm nhiều phép lạ. Đối với một số người khác, thánh nhân là người đạo đức. Còn theo Giáo Luật, việc phong thánh đòi hỏi sự thực hiện các nhân đức anh hùng, và tiếp đó còn phải thêm phép lạ nữa. Dù sao, những quan điểm vừa nói dễ gây ra cho ta một cảm tưởng là việc nên thánh chỉ là một đặc ân dành cho một ít người. Thánh nhân là người phi thường xuất chúng.
Mặt khác, khi đọc hạnh các thánh, có khi chúng ta thấy nhiều vị thực hiện những chuyện kỳ cục, đến nỗi không hiểu các thánh là người phi thường hay dị thường. Từ đó, nhiều nhà tâm lý học đã khuyên chúng ta nên tập sống bình thường, chứ đừng nuôi mộng làm thánh kẻo sợ "mát dây" lúc nào không biết!
Chính vì thế, thiết tưởng nên xác định lại quan niệm về thánh nhân (và việc nên thánh), để tránh nhiều sự hiểu lầm. Theo cha Federicô Ruiz dòng Carmêlô, (giáo sư thần học tại phân khoa Teresianum tại Rôma), đừng kể các quan niệm lệch lạc về thánh nhân, ngay cả trong đạo lý Kitô Giáo, chúng ta có thể phân biệt bốn khía cạnh của sự thánh thiện: thần học, luân lý, cộng đoàn, tâm lý. Bốn khía cạnh này thường liên hệ với nhau, nhưng có thể tách rời được. Vì thế tuy điều lý tưởng là một vị thánh cần hội đủ tất cả bốn khía cạnh đó, nhưng cũng có thể chỉ nên thánh ở trong một khía cạnh mà thôi.
Thực ra dịch là “thánh thiện theo khía cạnh thần học” thì không hoàn toàn đúng cho lắm. Có lẽ nên gọi là sự thánh thiện “đối thần” (hoặc quy thần) thì hơn. Tác giả muốn nói rằng trước khi xét tới sự thánh thiện theo nhận xét của người đời, điều tiên quyết phải xét là sự thánh thiện trong tương quan với Thiên Chúa. “Đối thần” (hay quy thần) có nghĩa là hướng tới Chúa.
Dưới khía cạnh này, cần phải khẳng định rằng duy chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng Thánh duy nhất. Loài thụ tạo chúng ta nên thánh là nhờ được chính Thiên Chúa thông ban sự thánh thiện của Người mà thôi.
Chân lý này mang theo nhiều hệ quả quan trọng. Thứ nhất là không phải chúng ta nên thánh cho bằng chính Thiên Chúa thánh hóa ta: việc nên thánh là một hồng ân của Thiên Chúa trước khi là kết quả của sự gắng công về phía con người.
Hệ luận thứ hai là việc nên thánh không nằm ở chỗ thực hiện điều gì phi thường, cho bằng biết đón nhận hồng ân Chúa ban.
Hệ luận thứ ba là duy chỉ có Chúa mới biết được tâm hồn mỗi người, nghĩa là mỗi người đã lãnh được biết bao nhiêu hồng ân và đã đáp trả lại như thế nào. Rất có thể bề ngoài một người sa đi ngã lại trong một tật xấu nào đó, nhưng kỳ thực họ là một thánh nhân, hiểu theo nghĩa là họ đã phấn đấu hết mình để đáp lại ơn Chúa, tuy dù lực bất tòng tâm! Tuy vậy, Thiên Chúa nhìn sự phấn đấu của ta chứ không đòi hỏi kết quả của nó ra sao.
Thánh thiện dưới khía cạnh luân lý có nghĩa thực hiện các nhân đức, cả những nhân đức đối thần (tin cậy mến) cũng như các nhân đức luân lý (quy tóm trong bốn nhân đức: khôn ngoan, công bằng, mạnh bạo và tiết độ).
Tôi nghĩ đây là quan niệm về thánh nhân gặp thấy trong bất cứ tôn giáo nào: thánh nhân là người đức hạnh. Không ai gọi một người bê bối là thánh nhân hết. Thế nhưng đó mới là quan niệm tổng quát; đến khi đi vào chi tiết thì ta sẽ thấy nhiều tiêu chuẩn đánh giá nhân đức khác nhau.
Thí dụ một người muốn rèn luyện tinh thần cho nên ăn ít ngủ ít; có thể có người gọi ông ta là thánh, nhưng cũng có lẽ những người đầu tiên chỉ trích ông ta là chính các bác sĩ, bởi vì làm như thế là hại sức khỏe. Thực vậy, trong vấn đề ăn uống ngủ nghỉ, người quá độ gây thiệt hại cho sức khỏe đã vậy, mà người không ăn ngủ đầy đủ cũng làm hại sức khỏe vì kiệt lực. Dưới quan điểm của y học, cần phải giữ chừng mực điều độ mới là tốt. Thế nhưng sự điều độ này không thể xác định theo con số nhất định, nhưng phải tùy theo tình trạng của mỗi người (ốm hay mập, cao hay thấp, bao nhiêu tuổi, vv).
Nói cách khác, sự điều độ có tính cách tương đối mà thôi. Hơn thế nữa, theo quan niệm thần học Kitô Giáo, các nhân đức móc nối với nhau theo thế liên hoàn. Muốn gọi là người đức hạnh thì phải có đủ mọi nhân đức, chứ thiếu một đức nào mà thôi thì không phải là đức nữa.
Quan niệm Giáo Luật về sự thánh thiện thì khác. Đến đây chúng ta bước sang khía cạnh thứ ba của sự thánh thiện, tức là khía cạnh cộng đoàn (hay là Giáo Hội).
Lúc nãy tôi có nói rằng sự thánh thiện tiên vàn nằm ở trong con tim, tùy thuộc vào sự đón nhận hồng ân của Chúa. Đó là khía cạnh thần học (hay đối thần); nó có tính cách riêng tư, không ai biết được. Sang đến khía cạnh thứ hai, sự thánh thiện luân lý, thì người đời có thể nhận thấy được qua sự thực hành các nhân đức, tuy dù sự đánh giá các nhân đức có thể thay đổi tùy nơi tùy thời. Sang đến khía cạnh thứ ba, ta thấy cộng đoàn Giáo Hội đặt ra một vài tiêu chẩn để đánh giá sự thánh thiện.
Trong thiên niên kỷ thứ nhất, việc phong thánh do các giám mục chủ xướng, hay nói đúng hơn, do chính lòng đạo đức bình dân thúc đẩy. Bước sang thiên niên kỷ thứ hai, Tòa Thánh dành cho mình thẩm quyền phong thánh. Tuy thủ tục có thay đổi, nhưng tiêu chuẩn chính là việc thực hiện các nhân đức anh hùng. Điều này không những đòi hỏi là đương sự đã thực hiện các nhân đức, nhưng còn ở mức độ bền bỉ.
Dĩ nhiên, không thể nào đòi hỏi được rằng mỗi vị thánh cũng đều phải thủ đắc hết mọi nhân đức ở mức độ cao cấp, nhưng chỉ cần nổi bật ở vài nhân đức nào đó. Điều quan trọng là làm sao chứng tỏ rằng đương sự đã sống đức mến cách phi thường, hay nói đúng hơn, đã biểu lộ tác động của Thánh linh cách phi thường.
Do sự phát triển của khoa tâm lý học, người ta đề ra khuôn mẫu của một con người lý tưởng là sự trưởng thành tâm lý(hoặc quân bình tâm lý). Thần học cũng đón nhận quan điểm này, theo nghĩa là sự thánh thiện giúp cho con người phát triển tất cả mọi tiềm năng cao quý của mình, nhất là các nhân đức.
Nói cách khác, thay vì quan niệm vị thánh như là “siêu nhân”, ta nên nói rằng vị thánh là “người toàn vẹn”.
Thực vậy, trong tục ngữ Việt Nam, có câu nói “nửa người nửa ngợm nửa đười ươi”. Câu ví này có thể áp dụng cho hết mọi người chúng ta. Chúng ta mang trong mình khá nhiều tính ngợm; vì thế công việc rèn luyện giáo dục là làm sao để tăng thêm “chất người” và giảm bớt “chất ngợm” đi. Theo nghĩa này, thánh nhân là người sống trọn tính người, khác với hạng phàm tục như chúng ta.
Việc đánh giá thế nào là “dở người” tùy thuộc quan niệm về các nấc thang giá trị. Chẳng hạn như ai đánh tôi mà tôi đánh lại thì là chuyện bình thường. Còn nếu như ai đánh tôi, chửi tôi mà tôi không đáp lại, thì hoặc là vì tôi hèn nhát, hay là vì tôi trở thành "dở người" (người đá không còn cảm xúc), hay cũng có thể vì tôi muốn đi theo lý tưởng của Bài giảng trên núi.
Tuy nhiên, phải nhận rằng không thiếu người đã dấn thân vào con đường tâm linh đã rơi vào bệnh tâm thần! Vì lý do đó mà có nhà tâm lý học khuyên ta hãy sống bình thường, thay vì nuôi mộng bay cao để rồi gãy cánh.
Theo tôi nghĩ, có lẽ người ta hiểu lầm “bình thường” với “tầm thường”. Chúng ta được mời gọi hãy vươn lên, tiến tới sự thánh thiện, chứ đừng an phận với sự tầm thường. Tuy nhiên, chúng ta có thể nên thánh qua việc chu toàn những công việc bình thường của bổn phận, nhưng với một động lực phi thường là đức mến do Thánh Thần tuôn đổ vào lòng.
Ta không thể chối được là có những người đi vào con đường tâm linh đã biểu lộ những hành vi "dở người". Lý do của hiện tượng này rất là phức tạp: có thể là họ đã hiểu lầm về sự nên thánh, hoặc có thể là họ đã mắc bệnh tâm thần từ trước rồi. Dù sao, kể cả một người mắc bệnh tâm thần cũng có thể nên thánh được, hiểu theo khía cạnh thứ nhất, tức là khía cạnh thần học: sự thánh thiện tùy thuộc vào mức độ đáp trả hồng ân Thiên Chúa ban cho ta, và Chúa xét thái độ quảng đại của ta đối với Người. Dĩ nhiên, người mắc bệnh tâm thần thì không thể được gọi là thánh thiện theo khía cạnh thứ bốn (quân bình tâm lý), hay theo khía cạnh thứ ba (thánh thiện theo nghĩa Giáo Luật).
Nói cho cùng, chính khía cạnh thứ nhất mới thực là quan trọng: sự thánh thiện ở trước mặt Chúa mới đáng giá đích thực, chứ các tiêu chuẩn luân lý xã hội thì thay đổi tùy nơi tùy thời. Có thời người ta quan niệm ông thánh phải nghiêm trang đạo mạo, có thời người ta muốn ông thánh phải vui vẻ tươi cười. Không biết sao mà chiều theo hết mọi sở thích được.
Dưới một khía cạnh nào đó, phải nói rằng không có loại thánh nhân hoặc không có một khuôn mẫu thánh nhân nào hết, theo nghĩa là không có thánh nào giống thánh nào như đúc. Chúa Thánh Thần tác động nơi mỗi thánh nhân theo một đường lối độc đáo, chứ không có sao chép, photocopy.
Tuy nhiên, các nhà sử học và xã hội học muốn phân chia các cá nhân thành từng nhóm, từng đoàn, dựa trên vài yếu tố chung dùng làm mẫu số. Dưới khía cạnh này, ta có thể nói đến các loại thánh nhân, các mẫu thánh nhân. Thế nhưng dựa theo tiêu chuẩn nào để phân loại các thánh nhân, đó là một chuyện khác. Tùy theo tiêu chuẩn áp dụng, mà chúng ta gặp thấy những mẫu khác nhau: có tiêu chuẩn dựa theo truyền thống phụng vụ, có tiêu chuẩn dựa theo Giáo Luật, và có tiêu chuẩn dựa theo tín ngưỡng dân gian.
Lúc nãy, chị đã nhắc đến ba loại thánh (tông đồ, tử đạo, trinh nữ) được nói trong lời cầu kết thúc giờ kinh chiều lễ các thánh. Thực ra, trong chính phụng vụ giờ kinh chiều, chúng ta gặp thấy một bản liệt kê dài hơn trong bài thánh thi.
Sau khi mở đầu với Đức Trinh nữ Maria, thánh thi nhắc đến các thánh tổ phụ, các thánh ngôn sứ (hai loại này thuộc về Cựu Ước), rồi đến lượt các thánh tông đồ, tử đạo, tư tế, trinh nữ, tu sĩ (thuộc về Tân Ước). Tổng cộng là bảy loại. Nếu lật tiếp sách Các Giờ kinh phụng vụ đến gần cuối, chúng ta sẽ gặp phần chung gồm có: các thánh tông đồ, các thánh tử đạo, các thánh mục tử, các thánh tiến sĩ Hội Thánh, các thánh trinh nữ, các thánh nam và các Thánh, trong số đó nổi bật là các thánh tu sĩ, thánh lo việc bác ái, thánh lo việc giáo dục. Tính chung thì cũng đến 10 loại khác nhau.
Có thể nói được là dựa trên tiêu chuẩn lịch sử, nghĩa là sự tiến triển của lòng tôn kính dành cho các tôi tớ Chúa. Đừng kể các thánh tông đồ, chúng ta có thể nói được rằng lòng tôn kính các thánh xuất hiện với các vị tử đạo, những người theo gương Đức Kitô đã đổ máu đào làm chứng cho Tin Mừng.
Lịch sử của ba thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội đầy các vị chứng nhân như vậy. Nên nhớ là trong tiếng Hy Lạp, martyr có nghĩa là người làm chứng.
Sau khi những cuộc bách hại chấm dứt, người ta chứng kiến một hạng chứng nhân khác, tuy không chết nhưng cũng đã tỏ lòng anh dũng không kém. Họ được đặt tên là confessor, nghĩa đen là người tuyên xưng.
Trong những thế kỷ đầu, confessores và martyres hầu như đồng nghĩa, đó là những người đã bị bắt bớ giam cầm, hành hạ vì đã tuyên xưng đức tin; khác có điều là các martyres thì bị giết, còn các confessores thì không bị giết, nhưng hoặc chết rũ tù hay được tha về với thân xác mang nhiều vết thương của các cuộc hành hình.
Sau khi chấm dứt thời bắt đạo, danh xưng confessores được áp dụng cho các giám mục đã bênh vực đức tin chống lại các lạc thuyết và vì thế bị lưu đầy như trong thời sau công đồng Nixêa. Kế đó, confessores được áp dụng cho các đan sĩ, những người được mệnh danh là “tử đạo trắng” (nghĩa là tử đạo không đổ máu), bởi vì họ muốn theo sát Chúa Kitô qua cuộc đời khổ hạnh. Từ đó chúng ta xuất hiện ba loại thánh: tử đạo, giám mục, tu sĩ.
Ta có thể lấy mẫu điển hình của giám mục confessor ở nơi thánh Athanasiô (+373), 5 lần bị lưu đầy vì trung thành với đạo lý công đồng Nixêa tuyên xưng thiên tính Đức Kitô. Còn đan sĩ điển hình có thể thấy nơi thánh Antôn tu hành (+357), mà Athanasiô là môn đệ. Bên cạnh giám mục và đan sĩ thuộc nam giới, các trinh nữ cũng sớm được đứng kề, trước là các trinh nữ tử đạo, rồi đến các trinh nữ không tử đạo.
Trong hàng ngũ các tử đạo của các thế kỷ đầu tiên, chúng ta gặp thấy nhiều phụ nữ, được nhắc đến trong Kinh nguyện Thánh Thể số I, đó là Felicitas, Perpetua, Agata, Lucia, Agnès, Xêxilia, Anastasia. Bà Perpetua không phải là trinh nữ nhưng là một mệnh phụ, còn Felicitas là nữ tì của bà.
Tiếp sau các thánh “không tử đạo” là các trinh nữ, hiểu là những người đã dâng hiến cuộc đời để phụng sự Thiên Chúa cũng tựa như các đan sĩ. Phải chờ một thời gian khá dài để các giáo dân (không tử đạo và cũng không phải là tu sĩ), nam giới cũng như nữ giới, được kính trong phụng vụ.
Trước đây, lịch phụng vụ có xếp một loại các thánh nữ “không tử đạo không đồng trinh”, nhưng danh xưng tiêu cực này đã bị loại với cuộc canh tân phụng vụ sau Công Đồng Vaticanô II. Các thánh nữ được mô tả qua những đặc trưng tích cực hơn như ta có thể đọc thấy trong lời cầu giờ kinh chiều của phần chung các thánh nữ: các đấng đã can đảm hy sinh mạng sống vì danh Chúa (tử đạo), các thiếu phụ đã nên thánh trong tình nghĩa phu thê, các quả phụ, các bà mẹ.
Còn nhiều tiêu chuẩn khác nữa, nhưng tôi chỉ xin giới hạn vào hai tiêu chuẩn, một của Giáo Luật và một của tín ngưỡng dân gian. Giáo luật đặt ra vài tiêu chuẩn để phong thánh, nghĩa là ghi vào sổ mục các thánh được tôn kính công khai; còn dân gian thì lại có những quan niệm khác về các thánh, có khi trùng hợp với tiêu chuẩn Giáo Luật có khi không, nếu chưa nói là đôi khi trái ngược với Giáo Luật nữa. Dĩ nhiên chúng ta nên hiểu rằng các tiêu chuẩn này nằm trong nhãn quan của con người mà thôi. Trước mặt Chúa, có rất nhiều vị thánh lớn, mà có lẽ không ai biết đến, họ là những vị thánh vô danh xét theo tiêu chuẩn của xã hội học.
Trước khi trả lời câu hỏi này, nên biết là thủ tục phong thánh chỉ mới được kiện toàn cách đây 400 năm, với việc thiết lập bộ Nghi Lễ năm 1588, dưới thời ĐTC Sixtô V, đang khi mà các thánh đã được tôn kính ngay từ các thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo rồi. Dù sao, thủ tục Giáo Luật cũng dựa theo phần nào các tiêu chuẩn của truyền thống lâu đời, khi đòi hỏi việc thi hành các nhân đức đến mức độ anh hùng, và các phép lạ.
Khi nói đến việc thực hành các nhân đức anh hùng, Giáo Luật lấy lại quan niệm cổ truyền về lòng tôn kính mà dân Chúa dành cho các vị tử đạo. Các đấng quả là những anh hùng, dám hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin.
Tiếp theo các thánh tử đạo, các tín hữu đã tôn kính những người đã sống theo Tin Mừng một cách phi thường, đáng nêu gương cho hậu thế. Tự nó, các tiêu chuẩn vừa nói không có gì đáng chê trách. Nhưng dưới khía cạnh xã hội học, người ta đã vạch ra không ít khuyết điểm. Thứ nhất, tiêu chuẩn này do giáo quyền đặt ra, và vì thế những người không đẹp mắt giáo quyền thì khó lòng mà nên thánh. Thứ hai, thủ tục của Giáo Luật đòi hỏi rất nhiều chi tiết kỹ thuật, từ chỗ khởi đầu vụ án đến chỗ tìm các nhân chứng. Đó là chưa nói đến các phí tổn về hồ sơ và giấy tờ, nhất là trong việc điều tra về phép lạ. Vì thế không lạ gì mà đa số những người được phong thánh thường là các tu sĩ, giáo sĩ, chứ ít khi có các giáo dân, nhất là các giáo dân thuộc vùng thế giới thứ ba.
Nói cách khác, con số những người được phong thánh hoặc phong chân phưỡc chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ sánh với các tín hữu đã làm chứng cho Chúa Kitô. Ta chỉ cần một thí dụ từ Việt Nam thì đủ rõ: con số 117 vị thánh chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong số ngàn vạn tín hữu đã chết vì đức tin? Tỉ lệ này còn tụt xuống thấp hơn nếu chúng ta nhìn sang nữ giới: chỉ có một thánh nữ.
Như vừa nói, thủ tục phong thánh chỉ mới được kiện toàn từ 4 thế kỷ nay. Cũng nên thêm rằng Tòa Thánh chỉ mới dành quyền tiến hành các cuộc phong thánh từ thế kỷ XII (khoảng năm 1160 và 1240). Trước đó, nghĩa là trong 11 thế kỷ đầu, việc phong thánh thuộc thẩm quyền của các giám mục địa phương, và các cuộc phong thánh như vậy thường dựa trên lòng tôn sùng của nhân dân dành cho một người con của địa phương mình.
Nói cách khác, việc phong thánh dựa theo tiêu chuẩn của tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên, tín ngưỡng dân gian là cái gì rất uyển chuyển linh động: có người nổi tiếng ở địa phương này nhưng lại là người vô danh ở địa phương khác. Hơn thế nữa, chân dung của một thánh nhân cũng biến đổi tùy nơi tùy thời.
Như đã nói trên, các thánh đầu tiên của Kitô Giáo là các vị tử đạo. Ngoài tư tưởng chứng nhân cho Đức Kitô, các vị tử đạo còn diễn tả một lý tưởng của người anh hùng, mà chúng ta gặp thấy trong văn chương của rất nhiều dân tộc. Như vậy, thánh nhân đồng nghĩa với anh hùng.
Đến khi nếp sống đan tu xuất hiện, người ta thường đồng hóa các thánh với những nhà khổ hạnh, ăn ít ngủ ít, ăn chay đánh tội, và dĩ nhiên là không lập gia đình.
Trải qua nhiều thế kỷ, người ta cho rằng muốn nên thánh thì trước sau gì cũng phải đi tu, chứ sống ngoài thế gian thì không thể nào nên thánh nổi. Bên cạnh quan niệm nên thánh gắn liền với một lối tu đức, chúng ta cũng không nên bỏ qua một hình ảnh khác chi phối chân dung thánh nhân, đó là phải làm phép lạ, chẳng hạn như nhịn ăn nhịn uống lâu ngày, đọc kinh ngất trí, mang năm dấu thánh, có quyền chữa bệnh trừ qủy.
Những nét vừa nói có lẽ vẫn còn trong đầu óc của nhiều tín hữu. Nhưng ngày nay, người ta muốn trở về với quan điểm đầu tiên của thánh nhân Kitô Giáo, đó là chứng nhân cho Đức Kitô. Làm chứng cho Tin Mừng không phải qua khuôn mặt thiểu não nhăn nhó, nhưng trong vui tươi, lăn lội với người đời để mang bình an cho mọi người. Họ không hẳn là linh mục, tu sĩ, mà phần đông là các giáo dân. Bên cạnh các loại thánh nhân cổ truyền, ta có thể thêm một loại với, đó các thánh vô danh, các thánh của cuộc sống hàng ngày.