Truy tầm nguyên ngữ của từ “sa mạc”, tôi được biết rằng “sa” nghĩa là cát, “mạc” là bãi đất rộng. Sa mạc là vùng đất rộng mênh mông toàn cát. Hiểu theo nghĩa này thì có lẽ chỉ có ai ở gần bờ biển mới có cơ may chứng kiến các bãi cát. Tiếc rằng trong đầu óc của đại đa số dân chúng, bãi cát gợi lên tư tưởng đi tắm biển chứ không phải là đi cầu nguyện.
Theo tôi nghĩ, khi nói đến chuyện vào sa mạc để cầu nguyện thì sa mạc không nên hiểu là “bãi cát” nhưng là “nơi hoang vắng”. Đây cũng là ý nghĩa của từ “desertum” trong tiếng La Tinh. Hiểu như vậy, nơi hoang vắng (hay hoang địa) không nhất thiết phải là nơi “đồng không mông quạnh” hoặc “đồng hoang cỏ cháy”, nhưng có thể ám chỉ những khung cảnh khác nữa.
Có thể nói đến hai khung cảnh khác nhau: khung cảnh vật lý và khung cảnh tâm lý.
Xét về khung cảnh vật lý, thì nơi hoang vắng được hiểu là chỗ yên tịnh (cô tịch), xa cách cảnh huyên náo của chốn đông người (nhất là thị thành). Nơi hoang vắng có thể là cánh đồng, rừng cây, núi đồi. Khung cảnh tĩnh mịch giúp chúng ta dễ tập trung tinh thần, suy nghĩ, cầu nguyện. Chúng ta đừng nên quên rằng Phúc Âm nhiều lần nói đến việc Chúa Giêsu rút vào nơi hoang vắng để cầu nguyện (Mc 1,12; Lc 5,16), và cũng có lúc nói rằng Người lên núi để cầu nguyện, chẳng hạn trên núi Tabor. Dĩ nhiên những kinh nghiệm này đã gặp thấy trong Cựu Ước rồi, điển hình nơi ông Môsê và ông Êlia: cả hai đều vào nơi hoang địa và lên núi để gặp gỡ Chúa.
Còn xét về khung cảnh tâm lý, thì đôi khi từ “hoang địa” được dùng trong văn chương hiện đại để ám chỉ cảnh cô độc ngay tại trung tâm những đô thị sầm uất như Paris, New York. Tuy sống giữa một biển người qua lại tấp nập nhưng nhiều người vẫn thấy cô đơn trơ trọi, bởi vì họ không gặp được một người hàn huyên tâm sự; quả là cảm nghiệm bơ vơ lạc lõng đáng sợ. Hiểu theo nghĩa này, chưa chắc cảnh hoang vắng là một khung cảnh thuận tiện để cầu nguyện.
Tuy nhiên, bên cạnh hai khung cảnh địa lý và tâm lý vừa nói (mà ai cũng có thể hiểu được), hình ảnh “sa mạc” (hay hoang địa) còn mang nhiều ý nghĩa khác trong truyền thống tu Đức Kitô Giáo nữa, khởi đầu từ Kinh Thánh.
Trong Kinh Thánh, “sa mạc” không chỉ gợi lên một khung cảnh địa lý, nhưng tiên vàn là một giai đoạn 40 năm trong lịch sử dân Israel, kể từ khi họ rời khỏi Ai Cập cho đến khi vào Đất hứa. Đôi khi thời kỳ này được đặt tên là “lữ hành” và là đề tài của sách Xuất Hành.
Nhưng các tác giả tu đức không chỉ dừng lại ở hiện tượng xã hội mà còn muốn phân tích những cảm nghiệm của Israel đối với Thiên Chúa. Nói cách khác, đối với Israel, sa mạc không còn là một “nơi” nhưng là một “thời”, thời làm quen với Thiên Chúa. Đây không còn là chuyện rút lên nơi thanh vắng để tâm sự gặp gỡ Chúa, nhưng chính Chúa dẫn Israel vào sa mạc để huấn luyện.
Đề tài “sa mạc” như thời kỳ huấn luyện được bàn trong nhiều tác phẩm của Cựu Ước, chứ không riêng gì sách Xuất Hành Có điều đáng ghi nhận là khi đánh giá thời gian này ta thấy có hai ý kiến đối nghịch: một ý kiến nghiêm khắc cho rằng cuộc huấn luyện thất bại, bởi vì Israel không tiếp thu được bài học; ngược lại, một ý kiến khác thì đề cao thời kỳ này như là giai đoạn thơ mộng của mối tình đầu.
Hai lối đánh giá khác nhau phần nào cũng vì quan niệm khác nhau về chương trình huấn luyện trên sa mạc: một quan niệm cho rằng Israel không thuộc bài, vì thế cần phải học lại; một quan niệm khác thì cho rằng Isarel đã đậu cao, nhưng dần dần đã quên hết chữ của thầy.
Theo quan niệm thứ nhất, thì từ khi ra khỏi nước Ai-cập, Thiên Chúa đã cho dân Israel chứng kiến bao nhiêu kỳ công, nhằm chứng tỏ tình thương đặc biệt mà Người dành cho họ: từ khi vượt qua Biển Đỏ, rồi cung cấp thức ăn nước uống, rồi những cảnh huy hoàng trên núi Sinai. Thế mà dân Israel vẫn chưa tin tưởng vào Chúa đủ. Hơi tí là họ lẩm bẩm than trách. Vì thế không có ai trong số những người ra khỏi Ai Cập được đặt chân vào Đất hứa. Bài học sa mạc quả là chua chát.
Mỗi ngày vào lúc mở đầu kinh Nhật tụng, chúng ta còn nghe lời trách móc khi đọc thánh vịnh 95: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán: Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mêriba, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc. Nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta dù đã thấy những việc Ta làm. Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán. Ta đã nói: Đây là dân tâm hồn lầm lạc, chúng nào biết đến đường lối của Ta! Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng: Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta”.
Tóm lại, cuộc huấn luyện trong sa mạc thất bại: Israel không thuộc bài, và Chúa cũng chán. Quan niệm này cũng phản ánh trong Tân Ước, ở thư thứ nhất Thánh Phaolô gửi Côrintô (10,1-13) và thư gửi Do Thái.
Theo quan niệm thứ hai, thời gian ở sa mạc được ví thuở tình đầu. Lúc đó Israel ví như cô gái mới lớn chưa có bồ bịch nào hết. Thiên Chúa đã đưa cô vào sa mạc, kiểu như “một mái nhà tranh hai trái tim vàng”, trao đổi cho nhau không biết bao là lời tình thắm. Thật là một giai đoạn vàng son.
Thế nhưng, khi khôn lớn, Israel bắt đầu liếc tình, chạy theo những tình nhân khác. Tình trạng này xảy đến sau khi Israel đã định cư bên đất Canaan. Israel bị cám dỗ từ bỏ Chúa Giavê và chạy theo các thần tượng khác.
Trong bối cảnh đó, các ngôn sứ, đặc biệt là Giêrêmia (chương 2) và Hôsêa (2,16), nhắc lại mối tình đầu trong sa mạc và khuyên Israel hãy quay về trường cũ: “Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình”. Nói khác đi, hồi mới tốt nghiệp thì Israel giỏi lắm nhưng càng ngày càng quên chữ của thầy.
Thoạt tiên xem ra là hai quan điểm trái nghịch, nhưng kỳ thực chỉ xoay quanh một chủ đề, đó là trong thời gian lữ hành trong sa mạc, Israel đã được chứng kiến mối tình đặc biệt của Thiên Chúa qua biết bao nhiêu hồng ân, đặc biệt là giao ước trên núi Sinai.
Thế nhưng đối với quan niệm thứ nhất, thì Israel đã không biết đón nhận hồng ân đó mà cứ phản bội Chúa. Còn theo quan niệm thứ hai, thì lúc trên sa mạc, Israel đã tiếp nhận giao ước, nhưng đến khi vào chốn định cư bên Canaan, thì quên hết lời thề xưa.
Cả hai quan niệm đều gặp nhau ở một chỗ là Israel đã không tôn trọng giao ước với Chúa. Từ đó cho nên có lời kêu gọi trở về với sa mạc, nghĩa là trở về với giao ước.
Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh đã đọc lại các cơn cám dỗ của Đức Giêsu trong bối cảnh này. Sau khi lãnh phép rửa, Đức Giêsu vào sa mạc 40 ngày ăn chay và sau cùng chịu cám dỗ. Đức Giêsu tượng trưng cho dân Israel mới: Người cũng chia sẻ thân phận trong sa mạc, trải qua nhiều thử thách, nhưng lần này Người đã lướt thắng. Người chấp nhận tuân hành kế hoạch của Thiên Chúa, không lẩm bẩm kêu trách cũng không tìm thỏa mãn tư lợi.
Đúng vậy, các Kitô Hữu vào sa mạc để bắt chước Chúa Giêsu. Tuy nhiên, như đã nói trước đây, chúng ta đừng nên hiểu sa mạc là bãi cát, nhưng nên hiểu theo nghĩa của khung cảnh địa lý và tinh thần.
Sa mạc là biểu tượng cho khung cảnh thanh vắng yên tĩnh giúp chúng ta dễ nghe tiếng Chúa. Sa mạc cũng là biểu tượng của nơi hoang dã, nghĩa là thiếu các thứ tiện nghi tối thiểu. Trong tình cảnh đó, con người ra trước mặt Chúa với hai bàn tay trắng, tập sống phó thác tin tưởng vào Chúa chứ không ỷ vào các thế lực trần gian (tài sản, địa vị, khoái lạc). Và nhất là theo gương Đức Giêsu, người tín hữu tìm cách khám phá tình thương của Thiên Chúa qua giao ước, và muốn sống trung thành với giao ước đó bất chấp những thử thách, giống như Đức Giêsu sẵn sàng đi vào con đường tùng phục khiêm tốn để phục vụ Nước Chúa, thay vì con đường hiển hách.
Có người hiểu sa mạc theo nghĩa vật lý, tuy không hẳn là bãi cát. Họ đi tìm nơi thinh lặng xa cách nơi huyên náo. Không thiếu người đã dành mỗi tháng một ngày để “vào sa mạc” theo nghĩa này.
Trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo, nhiều tín hữu vào sa mạc không phải chỉ một ngày và ở đó luôn. Đó là nguồn gốc của nếp sống ẩn sĩ. Nhưng về sau, khi đời tu trì phát triển, người ta thấy có những dòng tu được thiết lập ngay giữa thành phố, nhưng ngăn cách với bên ngoài bằng tường cao lũy kín.
Ngày nay, khung cảnh địa lý không quan trọng cho bằng khung cảnh tinh thần. Điều khó nhất mà chúng ta phải thóat ly không phải là những tiếng động bên ngoài, cho bằng những tiếng động bên trong tâm hồn, những đòi hỏi muốn đặt cái Tôi làm trung tâm vũ trụ. Bao lâu còn mang não trạng đó, thì cho dù đi hoang đảo xa vắng, ta chỉ gặp thấy cái Tôi, chứ không thấy tha nhân mà cũng chẳng gặp Chúa!
Đối với người Việt Nam, có lẽ hai quan niệm núi và thành phố hoàn toàn tương phản nhau: núi tượng trưng cho sự tĩnh mịch; thành phố tượng trưng cho sự náo nhiệt ồn ào. Dù sao, tôi không nghĩ rằng đã có ai xây cất thành phố ở trên núi.
Ba thành phố nổi tiếng trong lịch sử: Hà Nội, Huế, Sàigòn, đều được cất ở bình nguyên, gần sông ngòi. Vì thế người dân thành phố chỉ nghĩ đến miền núi như là nơi nghỉ mát, chứ không phải là nơi sinh cơ lập nghiệp. Tuy nhiên, đối với dân Do Thái thời xưa thì khác, bởi vì thành phố quan trọng của họ là Giêrusalem được cất trên núi, vì thế các thánh vịnh nói đến việc lên đền thánh, lên núi thánh (núi Sion), lên thành thánh.
Đây mới chỉ là khái niệm sơ khởi; đến khi đi sâu vào vấn đề, chúng ta thấy trong Kinh Thánh có lúc núi và thành phố gắn liền với nhau đến nỗi ra như đồng hoá, có lúc hai ý tưởng ấy xung khắc nhau. Vì thế, chúng ta cần tìm hiểu những ý nghĩa của mỗi biểu tượng, với những mặt trái và mặt phải của nó. Từ đó, chúng ta mới có thể hiểu được sự tương đồng và đối nghịch của chúng. Chúng ta bắt đầu bằng biểu tượng núi.
Điều này quá rõ rệt trong tâm thức bình dân. Chúa là Đấng Cao cả ngự trên trời. Nhìn từ bình nguyên, thì ngọn núi ra như đã chạm đến trời, nhất là khi có mây phủ. Vì vậy lịch sử các tôn giáo đã ghi nhận những ngọn núi cao, được coi như là cung điện của Trời (thiên sơn), thí dụ như núi Phú sĩ bên Nhật, núi Olympus bên Hy Lạp.
Đặc biệt trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã hiện ra với ông Abraham trên núi, đã ban giao ước cho ông Moisen trên núi. Vì vậy không lạ gì mà người ta lên núi để tìm Chúa. Tân Ước tiếp nhận truyền thống đó.
Matthêu đã cho Chúa Giêsu khai mạc sứ vụ với việc công bố bài giảng trên núi (cũng tương tự như ông Moisen đã tiếp nhận giao ước trên núi Sinai), cuộc biến hình diễn ra ở trên núi (tục truyền là núi Tabor). Đức Giêsu hoàn tất sứ mạng cứu thế với cuộc tử nạn trên núi Calvariô. Sau khi phục sinh, Chúa đã hiện ra với các tông đồ ở trên một ngọn núi ở Galilê, và uỷ thác cho họ sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
Đến khi bước sang Tin Mừng Luca, ta thấy có một ít thay đổi ý nghĩa về núi. Đức Giêsu thường lên núi cầu nguyện, nghĩa là để gặp gỡ Chúa Cha. Vì thế núi được dành cho việc chiêm niệm và phải giữ thinh lặng; khi muốn giảng dạy thì Đức Giêsu xuống núi để gặp gỡ dân chúng ở đồng bằng. Đó là lý do vì sao mà bài giảng trên núi của Matthêu lại đươc Luca đặt trong bài giảng bình nguyên. Nhận xét này đưa ta tới bộ mặt trái của núi.
Khi ở thành phố nóng bức, bụi bặm, ồn ào, thì chúng ta mơ tưởng được lên núi để tĩnh dưỡng, để hít thở không khí trong lành. Rồi phải nói gì đến các cây cối xanh tươi, với nhiều loại hoa cỏ, tiếng chim hót, vân vân. Nhưng đó là bộ mặt thơ mộng của núi. Thực tế không luôn luôn đẹp như vậy.
Trước hết, muốn lên núi thì phải leo trèo mệt nhọc. Núi cũng là nơi hoang vắng, với thú dữ hùm beo rắn rết, khiến chúng ta có thể mất mạng lúc nào không biết. Vì thế nhiều bậc sư phụ ví hành trình tâm linh như là cuộc leo núi, và thậm chí như là một hành trình lao vào đám mây mù.
Đây là một đề tài huyền bí của thánh Grêgôriô Nyssa (thế kỷ IV) khi tả lại cuộc đời của ông Mosê. Chúng ta nên nhớ rằng theo sách Xuất Hành, chỉ có ông Mosê được gọi lên núi để gặp Chúa, chứ đoàn dân thì phải chờ đợi ở bình nguyên. Thế rồi ông Mosê đi lên núi một mình, trải qua nhiều cơn sấm sét mây mù, trước khi được hội kiến với Thiên Chúa. Hiểu theo nghĩa này, việc lên núi bao hàm một cuộc thao luyện cam go, chứ không thơ mộng.
Đúng thế, tuy nhiên trong Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng đi lên núi Chúa hoặc đi lên thành thánh cũng như nhau. Để hiểu điều này cần phải ôn lại những quan niệm khác nhau về thành phố dựa theo các nền văn hoá.
Thực vậy, mỗi dân tộc có một lối nhìn riêng về thành phố, dựa theo lịch sử của mình. Trong tiếng Việt, ý tưởng “thành” gắn với bức tường cao và dài để ngăn giặc. Vì thế “thành” thường được ghép với thành trì, thành lũy, thành quách. “Thành thị” gợi lên khu vực có thành bao quanh, bên trong họp chợ (thị là chợ, nơi buôn bán); “thành đô” (hay đô thành) là chốn thủ đô (nơi nhà vua đặt triều đình) có bức tường thành bao quanh; đô cũng gợi lên ý tưởng chỗ đông người.
Người Hy Lạp sống tại các thành phố mà họ gọi là polis gợi lên ý tưởng khu đông dân cư có tổ chức hành chánh. Từ đó danh từ politéia có nghĩa là đời sống xã hội hoặc việc cai quản xã hội, mà tiếng Việt dịch là “chính trị” (politica).
Tiếng La Tinh có hai từ để nói về thành phố: urbs và civis. Thứ nhất urbs được đặt cho thủ đô Rôma, được giới hạn bởi một bức tường phân cách (vì thế đền thờ Thánh Phaolô được gọi là “ngoại thành” bởi vì nằm ở ngoài thành luỹ); tuy nhiên, bởi danh từ urbs mà chúng ta có các từ ngữ cận đại để nói đến đô thị, thí dụ urban (thành thị), urbanization (đô thị hóa), cũng như tính từ urbane, urbanity có nghĩa là lịch thiệp tao nhã (đối lại với rusticus, nông dân quê mùa).
Danh từ thứ hai civis, mang ý nghĩa tổ chức luật lệ, vì thế có các từ civilis ám chỉ người có quyền công dân (trái với ngoại kiều và nô lệ), và gắn liền với văn minh (đối lại với dân man di).
Những từ ngữ Hy Lạp và La Tinh vừa nói được đưa vào các bản dịch Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước: Khác một điều là người Do Thái quan niệm về thành phố không giống như người Hy Lạp và người Rôma, nhưng gần với người Việt Nam hơn.
Vào lúc ban sơ, người Do Thái sống thời du mục, đến khi họ định cư tại Cana, thì hình ảnh đầu tiên đập vào mắt họ là các thành trì của dân địa phương làm chắn bước tiến của họ, tựa như thành Giêricô. Đến khi vào Đất hứa rồi, họ sống đời canh nông, chăn nuôi trồng trọt, cho đến thời quân chủ thì mới xây cất một thành phố làm thủ đô là Giêrusalem.
Đây không phải chỉ là thủ đô chính trị mà thôi, nhưng còn là thủ đô tôn giáo nữa , bởi vì đền thờ được xây cất tại đây, và mỗi năm các tín đồ phải lên đền thờ để dâng hiến lễ. Vì thế lên đền thờ, lên núi thành, lên thành thánh đồng nghĩa với nhau. “Thành Sion được lập trên núi thánh... Thành của Thiên Chúa hỡi, thiên hạ nói bao nhiêu điều hiển hách về thành” (Tv 86).
Ngoài ra ý tưởng thành phố gợi lên tường lũy bao bọc che chở, vì thế Thiên Chúa cũng được ví với thành trì, nghĩa là sự bảo vệ kiên cố: “Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển, Thiên Chúa nhà Giacob là thành bảo vệ ta” (Tv 45).
Cũng như lúc nãy đã nói về núi, thành phố có mặt phải và mặt trái của nó. Chúng ta đã nói đến mặt phải rồi, bây giờ chuyển qua mặt trái.
Dân Do Thái đã tiếp xúc với nhiều thành phố của dân ngoại, tượng trưng cho chướng ngại của kế hoạch của Thiên Chúa (như thành Giêricô nói trên), hoặc như tượng trưng cho những tội ác như là thờ ngẫu tượng, kiêu căng, bóc lột (thành Sôđôma, thành Babylônia). Những thành phố như vậy trước sau gì cũng sẽ bị tiêu diệt, như ta đọc thấy trong các ngôn sứ (chẳng hạn như Isaia chương 21). Đó là hình ảnh tiêu cực về thành phố. Thậm chí thành thánh Giêrusalem cũng mang dấu tiêu cực.
Vì thời giờ ngắn ngủi, tôi xin nói vắn tắt về thời Tân Ước. Vào thời Chúa Giêsu, Giêrusalem vẫn còn là thành phố trung tâm tôn giáo; Chúa Giêsu cũng nhiều lần hành hương lên đền thờ; tiếc rằng dân Giêrusalem đã không nhận biết thời kỳ cứu độ thậm chí họ còn giết Người nữa. Vì thế mà biến cố tàn phá Giêrusalem được giải thích như là hình phạt vì tội chống lại ơn Chúa.
Nên biết là Chúa Giêsu đã chịu chết ở bên ngoài tường thành. Tuy nhiên, Tân Ước đã loan báo một đền thờ mới, không do bàn tay con người tạo nên, đền thờ trên thiên quốc, như chúng ta đọc thấy trong thư gửi Hip-ri.
Khi bước sang sách Khải Huyền, thì chúng ta thấy nói đến một thành phố tượng trưng cho tội lỗi chống đối Thiên Chúa, mang tên là Babylonia, (mà các nhà chú giải đồng hóa với Đế quốc Rôma). Thành phố này sẽ bị tiêu diệt. Lịch sử nhân loại được kết thúc với sự xuất hiện một thành phố Giêrusalem mới từ trời xuống. Trong hình ảnh này, chúng ta thấy trọng tâm của nó là đền thờ, nghĩa là nơi Chúa ngự. Thành phố mới nổi bật không phải vì những tường luỹ kiên cố cho bằng đoàn người đông đảo được kết nạp làm công dân Nước Trời.
Nói khác đi, thành phố gợi lên ý tưởng tương quan thân mật giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau. Mối tương quan đó được mô tả như là quê hương của hoan lạc và bình an.
Trong Kinh Thánh, hai quan niệm núi và thành phố gặp nhau khi nghĩ đến thành phố Giêrusalem. Ngày nay, chúng ta không còn gặp thành phố nào được cất trên núi nữa: đó là hai thực thể khác biệt. Mặt khác, việc lên núi đòi hỏi nhiều cố gắng, và các thành phố cũng có điều hay và điều dở của nó.
Xét theo tâm lý cá nhân, chúng ta phải lên núi, lên nơi tĩnh mịch để tìm Chúa. Tuy nhiên, Hội Thánh mang một sứ mạng đối với nhân loại, đó là phải rao giảng Tin Mừng cho con người thời đại, mà phần lớn sống tại thành phố, không những là trong những cao ốc với những căn hộ khoá chặt cửa, những đường phố ồn ào, mà cách riêng là trong những khu ổ chuột với những đống rác khổng lồ. Đó là một môi trường mới để truyền giảng Tin Mừng, nhất là khi chúng ta biết rằng trong tương lai, đa số dân cư sống ở thành phố chứ không phải tại nông thôn. Giáo Hội được mời gọi lên núi Tabor để chiêm ngưỡng nhan Chúa, nhưng sau đó xuống núi để giúp cho nếp sống thành thị được trở nên nhân bản hơn.
Thực ra nếu nói rằng các linh mục và tu sĩ đi tĩnh tâm vào kỳ hè thì không đúng hoàn toàn, bởi vì một đàng Giáo Luật còn buộc các giáo sĩ và tu sĩ tĩnh tâm vào các dịp khác nữa; đàng khác, càng ngày bên Âu Châu người ta thấy nhiều cuộc tĩnh tâm cũng được tổ chức cho các giáo dân nữa. Trước khi đi vào đề, thiết tưởng nên ghi nhận về từ ngữ.
Tại Việt Nam, bên cạnh từ “tĩnh tâm” tương đối mới, còn có từ “cấm phòng”. Theo tôi nghĩ, “tĩnh tâm” muốn nói đến mục tiêu, nghĩa là giúp cho cái tâm được yên tĩnh; “cấm phòng” thì nói đến phương tiện, nghĩa là giam mình ở trong phòng, không đi lại, không tiếp xúc.
Tuy nhiên, có lẽ cả hai vẫn chưa diễn tả hết ý nghĩa của nó: cấm phòng để giúp cho cái tâm được tĩnh; nhưng thử hỏi: tâm tĩnh để làm gì? “Tĩnh tâm” khác với “thư giãn” như thế nào? Dĩ nhiên, cần phải đi xa hơn nữa: tĩnh tâm để mà lắng nghe tiếng Chúa.
Đúng thế. Tuy nhiều người coi hai từ ngữ như đồng nghĩa, nhưng xét về lịch sử cũng như về thực chất thì không phải như vậy. Dù sao, những từ ngữ vừa nói trên đây hầu như được chế tạo để dịch các từ ở trong tiếng La Tinh hay tiếng Pháp; vì thế tốt hơn là chúng ta hãy trở về với nguyên gốc của nó để khám phá ra ý nghĩa nguyên thủy.
“Tĩnh tâm” dịch từ tiếng Pháp “récollection” có nghĩa hồi tâm lại để suy nghĩ cầu nguyện; “cấm phòng” dịch từ “retraite”, có nghĩa là: rút lui, lùi lại. “Linh thao” dịch từ “exercises spirituelles”, có nghĩa là: những sự thao luyện (luyện tập) về tinh thần.
Xét về nội dung, thì cả ba đều có một mẫu số chung, đó là tìm về một nơi an tĩnh hoặc dành một thời kỳ thinh lặng để suy nghĩ cầu nguyện. Nhưng xét về hình thức và phương pháp, thì mỗi từ nêu bật một khía cạnh đặc thù.
Nói chung, giữa ba từ ngữ có sự khác biệt về hình thức; nhưng khi đi sâu vào nội dung của mỗi từ ngữ thì chúng ta lại thấy rằng chúng thay đổi ý nghĩa trải qua dòng thời gian. Tôi xin bắt đầu giải thích từ mẫu số chung, rồi sau đó sẽ qua các hình thái riêng.
Tại nhiều nền văn hóa và tôn giáo, chúng ta nhận thấy có một khuynh hướng “tĩnh tâm”, nghĩa là rút lui vào nơi an tĩnh, để thư giãn, nghỉ ngơi, và nhất là suy nghĩ trước khi phải quyết định điều gì quan trọng cho bản thân hay cho cộng đồng.
Cách riêng, đối với Kitô Giáo, chúng ta thấy Đức Giêsu trước khi bắt đầu sứ vụ công khai, đã rút lui vào sa mạc 40 ngày để cầu nguyện; và thỉnh thoảng, trong thời gian hoạt động, Người rút vào nơi cô tịch, không những tách xa khỏi quần chúng mà xa cách cả các môn đệ nữa.
Vào lúc khai sinh Hội Thánh, chúng ta thấy Đức Maria cùng với 120 môn đệ họp nhau cầu nguyện 10 ngày tại nhà Tiệc ly để chuẩn bị lãnh nhận Chúa Thánh Thần; đối với các tông đồ, đây là sự chuẩn bị để bắt đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng.
Thánh Phaolô cũng thuật lại rằng sau khi được kêu gọi, người rút lui vào sa mạc Ả-rập (Gl 1,17) không rõ là bao lâu.
Những mẫu gương đó là thúc đẩy một số tín hữu không những chỉ dành một vài thời gian tĩnh tâm mà còn rút lui hoàn toàn khỏi mọi hoạt động trần thế, vào định cư luôn ở trong sa mạc (nơi cô tịch) để gặp gỡ Chúa. Người ta gọi là các nhà ẩn sĩ và nói chung là các đan sĩ, những người chỉ sống một mình với Chúa.
Không phải vậy. Từ thế kỷ III, có những chứng tích cho thấy rằng các dự tòng phải trải qua thời kỳ tĩnh tâm để dọn mình lĩnh bí tích rửa tội. Thời gian này dài ngắn tùy nơi: có nơi 6 tuần có nơi 8 tuần. Đó là nguồn gốc của mùa Chay trong năm phụng vụ.
Ngày nay, chúng ta quan niệm mùa Chay là mùa khổ chế đền tội; nhưng hồi nguyên thủy, mùa Chay (nguyên ngữ La Tinh quadragesima có nghĩa là 40 ngày) được thiết lập cho các dự tòng tập trung tinh thần vào việc lãnh nhận bí tích khai tâm. Dĩ nhiên là họ không thể rút vào sa mạc được, bởi vì họ còn bận bịu bởi công ăn việc làm. Nhưng họ sẽ cố gắng dành thời giờ để cầu nguyện, học hỏi đạo lý. Dần dần, vào dịp mùa Chay, cộng đoàn tín hữu cũng được mời gọi tham dự các buổi tĩnh tâm với các dự tòng.
Ngay từ thời các giáo phụ, ta thấy còn có những cơ hội khác mà những cuộc tĩnh tâm được tổ chức cho cộng đoàn tín hữu, chẳng hạn như nhằm chuẩn bị mừng một lễ trọng nào đó, mà vết tích còn lưu lại đến nay nơi các tuần tam nhật hay cửu nhật. Cũng trong chiều hướng này, nhiều cuộc tĩnh tâm (theo nghĩa là tăng gia khổ chế cầu nguyện) được tổ chức để xin ơn đặc biệt nào đó, hoặc trước khi lãnh nhận một nhiệm vụ nào. Không rõ thời xưa, có bao nhiêu đôi hôn nhân tĩnh tâm trước khi làm lễ cưới, nhưng chắc chắn là nhiều giám mục đã tĩnh tâm trước khi nhậm chức, và các thỉnh sinh trước khi gia nhập đan viện.
Như đã nói trên “Linh thao” dịch từ tiếng La Tinh exercitia spiritualia, có nghĩa là: những sự thực tập (thao luyện, tập dượt) về tinh thần. Thực ra từ ngữ này thay đổi ý nghĩa khá nhiều trải qua dòng thời gian.
Thời xưa, nó bao hàm tất cả các việc khổ chế tu đức. Cũng như các lực sĩ (vận động viên) phải thao luyện thân xác mỗi ngày thế nào, thì trong đường thiêng liêng, các tín hữu (cách riêng là các đan sĩ) cũng cần phải thao luyện.
Sự thao luyện này bao gồm cả một nếp sống: từ kỷ luật về việc ăn uống ngủ nghỉ, cho tới việc thực tập các nhân đức và diệt trừ các nết xấu. Kể cả việc cầu nguyện cũng được coi như một “linh thao” (thao luyện tinh thần).
Thế nhưng từ “linh thao” thay đổi ý nghĩa kể từ thánh Inhaxiô Loyola. Inhaxiô vốn là một thanh niên đang nuôi mộng theo đuổi công danh sự nghiệp thì được Chúa gọi vào lúc 20 tuổi. Cũng như Thánh Phaolô, anh Inhaxiô rút vào nơi cô tịch để cầu nguyện, cụ thể là Manresa gần đan viện Biển đức tại Monserrat. Mới đầu anh chỉ muốn dừng chân lại vài ngày, nhưng không ngờ anh lưu lại gần một năm. Trong thời gian đó, anh đã nhận được nhiều cảm nghiệm tâm linh, và anh ghi lại trong quyển sách tựa đề là Linh thao.
Trên thực tế, linh thao có một bố cục tổ chức đặc thù, chú trọng tới việc suy gẫm và công tác khổ hạnh trong vòng 4 tuần lễ (có thể kéo dài tới 40 ngày), trong đó người tín hữu tìm hiểu ý Chúa khi phải quyết định một chặng đường đời, phân định ý Chúa dưới sự hướng dẫn của một vị linh hướng.
Thánh Inhaxiô đã chia sẻ phương pháp này không những với các anh em cùng chí hướng, nhưng dần dần còn tổ chức những cuộc tĩnh tâm cho các giáo sĩ, các sinh viên, đến nỗi nói được trở thành một hình thức hoạt động của Dòng Tên do người sáng lập.
Có thể coi thời hạn như một tiêu chuẩn phân biệt hai hình thức, nhưng tiêu chuẩn này không tuyệt đối, bởi vì thánh Inhaxiô cũng đã trù liệu những thời hạn linh thao ngắn ngủi kể cả trong vòng 2-3 ngày.
Tuy nhiên, thường thì người ta phân biệt tĩnh tâm với linh thao theo cấp độ “cấm phòng”, nghĩa là rút lui vào nơi cô tịch, tách rời khỏi công tác thường nhật; và dĩ nhiên hiểu ngậm là thinh lặng tuyệt đối.
Thường các cha Dòng Tên thiết lập các trung tâm (hay cơ sở) dành riêng cho linh thao. Còn “tĩnh tâm” thì được hiểu nghĩa rộng hơn, chẳng hạn như các cuộc tĩnh tâm tổ chức tại các giáo xứ nhân kỳ đại phúc (đặt nặng vào bài giảng, và bí tích giải tội), hoặc các cuộc tĩnh tâm dành cho các thiếu nhi chuẩn bị rước lễ lần đầu hay lãnh bí tích thêm sức, vv.
Trong Giáo Luật hiện hành, việc tĩnh tâm là điều bó buộc đối với các giáo sĩ và tu sĩ; còn đối với các giáo dân thì nhiệm ý. Nói cho đúng, trong phạm vi tinh thần, luật pháp có một phạm vi áp dụng rất hạn chế. Lẽ ra, việc tĩnh tâm nên để nhiệm ý thì mới phải: nghĩa là để tùy theo mỗi người, khi cần thấy nhu cầu phải rút lui vào nơi thinh lặng thì tìm cách cấm phòng hay tĩnh tâm.
Đây là một trào lưu đang phát triển tại Âu Mỹ hiện nay. Trước cuộc sống xô bồ hiện nay, nhiều giáo dân (hoặc một mình hay đôi vợ chồng) tìm về những trung tâm tĩnh tâm vào dịp cuối tuần hay kỳ nghỉ hè để nghỉ ngơi cả tinh thần cũng như thể xác.
Tuy nhiên, Giáo Hội thấy rằng các giáo sĩ và tu sĩ cần thời gian tĩnh tâm để kiểm điểm và thăng tiến hơn trong ơn gọi của mình, vì thế mà đã đặt ra nghĩa vụ cho các giáo sĩ và các tu sĩ phải tĩnh tâm hằng năm (xem Giáo Luật điều 277 số 4, và điều 663 khoản 5). Nhưng khi điều gì mà bó buộc thì tự nhiên cảm thấy nặng nề. Đó là tâm lý tự nhiên: chắc là ai cũng thích đi ăn ở nhà hàng, nhưng nếu có luật buộc phải đi ăn nhà hàng thì sự thích thú coi như giảm bớt 50%. Cảm giác này trở nên nặng nề khi mình chưa thấy đói! Vì thế không lạ gì mà nhiều người tuân hành luật lệ cách miễn cưỡng, chiếu lệ. Các buổi tĩnh tâm trở thành những cuộc gặp gỡ chuyện trò sau một năm xa cách, hơn là một thời kỳ thinh lặng để kiểm điểm, lắng nghe, cầu nguyện.
Dù sao, nhân nói đến nghĩa vụ Giáo Luật, cũng cần thêm điều 1039 đòi hỏi các ứng sinh sắp lãnh chức thánh phải tĩnh tâm ít là 5 ngày. Nên biết là những luật này mới ra đời từ thế kỷ XVII, lúc đầu áp dụng tại Rôma và Italia, rồi sau đó mở rộng đến toàn Giáo Hội.
Một cách tương tự như vậy, hiến pháp nhiều dòng tu cũng đòi hỏi tĩnh tâm trước khi vào tập viện hay khấn dòng. Ngoài ra còn có những cuộc tĩnh tâm hàng tháng (kéo dài một nửa ngày hoặc một ngày) để hồi tâm và kiểm điểm việc thực thi những gì đã dốc quyết trong kỳ tĩnh tâm thường niên.