Theo nguyên ngữ, linh hướng (direction spirituelle) có nghĩa là hướng dẫn về đường tâm linh. Trải qua lịch sử, việc linh hướng mang nhiều dạng thức, tên gọi và chức năng khác nhau.
(1) Trong tiếng Việt, “hướng dẫn” còn thêm nghĩa là chỉ vẽ cho biết phương hướng phải đi. Một từ ngữ tương đương nữa là “hướng đạo”, nghĩa là dẫn đường. Điều này giả thiết rằng một người tập tễnh mò đường cần nhờ sự dìu dắt của người từng trải. Từ đó nảy ra giữa hai người một mối tương quan thầy trò (sư phụ/đệ tử), và dĩ nhiên hai bên không thể coi nhau ngang hàng (“môn đệ không thể nào hơn thầy được”).
(2) Ngày nay, người ta ưa dùng từ ngữ khác, “đồng hành” (accompagnement) nhằm giảm bớt sự xa cách giữa đôi bên.
(3) Một từ ngữ khác vay mượn của khoa tâm lý là “tư vấn” (counseling), nhằm nêu bật tính cách trao đổi bàn hỏi trong bầu khí tự do, chứ không bó buộc phải tuân hành.
“Không thầy đố mày làm nên”. Câu tục ngữ này không chỉ đúng trong việc học chữ học nghề, mà cũng đúng trong việc học tập về đời sống tâm linh nữa. Các tôn giáo Đông Phương cũng ghi nhận sự hiện diện của một “sư phụ” trong công cuộc tầm đạo. Nói thế có nghĩa là tục linh hướng đã có từ ngàn xưa, và thậm chí từ các tôn giáo ngoài Kitô Giáo.
Riêng đối với Kitô Giáo, vị Thầy tối cao của chúng ta là Đức Kitô, như chính Người đã có lần nhắc nhớ các môn đệ: Anh em đừng gọi ai là Thầy, bởi vì anh em chỉ có một Thầy duy nhất, đó là Đức Kitô (Mt 23,8-10).
Ngoài ra, Tân Ước cũng nói tới một vị Thầy khác trong nội tâm, đó là Thánh Linh: chính Người uốn nắn chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nhờ những lời thỏ thẻ trong lòng (1Ga 2,27; Ga 14,26) cũng như nhờ những ân sủng giúp ta tăng trưởng.
Bên cạnh các bậc Thầy Siêu Việt đó, chúng ta còn những vị thầy hữu hình, cụ thể là các vị mục tử công bố Lời Chúa và giảng dạy những đường hướng cụ thể để có thể mang ra thực hành.
Đúng vậy. Ngoài các bậc thầy của toàn thể cộng đoàn, ngay từ Giáo Hội nguyên thủy, chúng ta cũng thấy xuất hiện các vị thầy hướng dẫn từng cá nhân trong việc tìm hiểu đức tin, chẳng hạn ông Ananias đối với ông Saulô (Cv 9,10-19), ông bà Prisca và Aquila đối với ông Apôllô (Cv 18,26). Đây là nguồn gốc của chức vụ “đỡ đầu” (sponsor) mà Giáo Hội đặt ra trong tiến trình khai tâm Kitô Giáo, và vẫn còn duy trì trong kỷ luật hiện hành (GLCG 1211; 1355).
Tuy nhiên, phải chờ đến sự xuất hiện của đời đan tu, vào cuối thể kỷ III, thì ta mới thấy chức vụ linh hướng theo khuôn mẫu sư phụ bên Đông Phương, theo nghĩa là một nhà dìu dắt trên đường tiến đức, dành cho những ai mới bắt đầu đời tu (chứ không phải chỉ khai tâm về đạo lý đức tin hoặc luân lý Kitô Giáo).
Các sư phụ thường được gọi là “cụ” (senior) nghĩa là lão luyện về đường tâm linh; một từ ngữ tương đương là “cha” (abbas) tuy không phải là linh mục, xét vì vai trò giáo dục giống như người cha trong gia đình.
Đến khi đời tu được tổ chức thành cộng đoàn thì danh hiệu abbas được đặt cho vị lãnh đạo (tức là bề trên), được dịch ra tiếng Việt là “viện phụ”; (dịch như thế không được chỉnh lắm).
Tiếc rằng dần dần chức vụ abbas được nhìn dưới khía cạnh chỉ huy cộng đoàn, hơn là vai trò hướng dẫn tâm linh. Vì thế không lạ gì mà nhiều bộ luật cổ điển phải tạo ra một chức vụ khác, đó là “giám sư” (magister), đặc biệt dành cho việc huấn luyện các tân sinh.
Điều thú vị là với các dòng tu ra đời vào thời Trung đại, các bề trên không còn mang danh là abbas (cha) nữa, vì muốn đề cao tình huynh đệ trong cộng đoàn. Người lãnh đạo được gọi là “anh cả” (prior), hoặc thủ trưởng (custos), và nhất là không còn giữ chức vụ linh hướng cho anh em nữa.
Cũng nên biết là vào giai đoạn này, Giáo Luật phân biệt hai lãnh vực “toà trong, toà ngoài” (forum internum / forum externum): các bề trên lưu ý đến kỷ luật bên ngoài, còn việc huấn luyện nội tâm thuộc thẩm quyền cha giải tội; việc đào tạo các tân sinh được trao cho các giám sư.
Trải qua lịch sử, phải nhận rằng việc linh hướng được đặt ra cho các tu sĩ, những người muốn tiến triển trên đường trọn lành. Tuy nhiên, như đã thấy, tầm quan trọng của việc linh hướng trong đời tu cũng thay đổi khá nhiều, từ chỗ ra như tất yếu nơi các đan sĩ vào cuối thế kỷ III, sang chỗ nhiệm ý nơi các dòng tu ra đời vào thế kỷ XIII. Đồng thời, các tu sĩ Đaminh và Phansinh trở thành linh hướng cho nhiều giáo dân nam nữ. Thế nhưng với thánh Inhaxiô Loyola, thì tầm quan trọng cũng như vai trò của linh hướng trong đời sống tâm linh chuyển sang một khúc quặt.
Việc linh hướng nằm trong toàn bộ tiến trình “Linh thao”, nhằm giúp cho đương sự “phân định thần khí”. Kể từ thời Cải cách của công đồng Trentô, vai trò linh hướng được coi như “tất yếu” trong hành trình tâm linh, cách riêng đối với các chủng sinh và tu sĩ. Nhiều hiến pháp đòi hỏi sự hiện diện của cha linh hướng trong suốt giai đoạn đào tạo.
Không những trải qua lịch sử có những quan điểm khác nhau về tầm quan trọng của việc linh hướng, nhưng nhất là có những quan điểm khác nhau về bản chất của việc linh hướng. Chúng tôi xin tạm phân biệt hai hình dạng chính cho dễ bàn: linh hướng theo nghĩa chặt và linh hướng theo nghĩa rộng.
Theo nghĩa chặt, kể từ thế kỷ XVI, các linh hướng được quan niệm như một bậc thầy theo dõi việc đào tạo tâm linh. Linh hướng thường là một linh mục từng trải về đạo lý cũng như về thực hành. Việc linh hướng thường được đặt ra cho những người tìm hiểu ơn gọi (phân định ơn gọi: nên đi tu, hay nên ở đời? (Đi tu dòng nào?), hoặc chuyển hướng (xin đổi dòng, muốn lập dòng mới).
Việc linh hướng cũng được đặt ra khi gặp khủng hoảng tinh thần. Tuy nhiên, việc linh hướng không chỉ giới hạn vào những trường hợp đặc biệt, nhưng có thể mang tính cách thường xuyên. Vị linh hướng trở thành nhà giáo dục về cách cầu nguyện, việc thực hành các nhân đức, việc khử trừ các tật xấu, vv. Công tác linh hướng có thể gắn liền hoặc tách rời bí tích giải tội.
Thánh Têrêsa Avila thú nhận rằng mất 20 năm mà chưa tìm được một cha linh hướng (Vida, 4,7): cha linh hướng phải là người thông thái, đạo đức, từng trải, kiên nhẫn. Thánh François de Sales còn thêm rằng trong số cả vạn (mười ngàn) linh mục may ra mới tìm được một linh hướng thích đáng (Philotée, 1 partie, ch.4)! Tuy nhiên, có ý kiến khác không đến nỗi bi quan như vậy.
Thánh Linh tiếp tục ban cho cộng đoàn những đoàn sủng để hướng dẫn các tín hữu trên đường tiến đức (GLCG 2690). Một đàng, các linh hướng không quá hiếm như người ta tưởng. Đàng khác, bên cạnh hình ảnh linh hướng cổ điển (gắn liền với một linh mục) còn có nhiều mô hình khác.
Đúng thế. Hiểu theo nghĩa rộng, thì có khá nhiều mô hình linh hướng khác. Chẳng hạn như đối với các tu sĩ, giám sư tập viện cũng giữ một vai trò tương tự như linh hướng trong việc đào tạo đời sống tâm linh. Đối với những người khác, chúng ta có thể tìm thấy người “đồng hành” vào những hoàn cảnh khác nhau: một người bạn, một giáo lý viên, một tác giả bài báo, vv. Họ là những người giúp cho chúng ta nhận ra ý Chúa, khuyến khích nâng đỡ, sửa sai. Dù sao thiết tưởng không nên giới hạn “việc linh hướng” vào “cha linh hướng”.
Việc linh hướng bao trùm một phạm vi rất rộng lớn: toàn thể Hội Thánh giữ vai trò linh hướng cho các tín hữu, qua nhiều tác vụ khác nhau (giảng huấn, huấn giáo) với nhiều nhân viên khác nhau (giám mục, linh mục, cha giải tội, bề trên, giám sư, tác giả sách báo tu đức, bạn hữu, cộng đoàn).
Vai trò của “cha linh hướng” cũng khá đa dạng, không những tùy theo cơ hội tiếp xúc (thường xuyên, bất thường) mà còn tùy theo ý thức về vị trí của mình. Có người quan niệm vị linh hướng như kẻ “thay mặt Chúa” (và đôi khi phải khấn vâng lời tuân theo hết mọi chỉ thị); có người chỉ coi vị linh hướng như “cố vấn” soi sáng những ngóc ngách vấn đề, nhưng chính đương sự phải quyết định.
Sau cùng, từ “đồng hành” muốn nêu bật khía cạnh chia sẻ, cảm thông những ưu tư, vui buồn, kiểu như bạn đường.
Cho dù hình thức và chức năng của việc linh hướng thay đổi theo dòng thời gian, nhưng tựu trung nền tảng của việc linh hướng vẫn là một, đó là chương trình quan phòng của Thiên Chúa muốn cho Hội Thánh trở nên dụng cụ của ơn cứu độ: việc anh chị em giúp đỡ lẫn nhau trên hành trình nên thánh là một dạng của kế hoạch đó.
Từ ngữ “dấu chỉ thời đại” (cũng có người gọi tắt “thời triệu”, “thời điềm”) có lẽ lúc đầu cũng có liên quan tới hiện tượng thiên văn thời tiết. Nguồn gốc của nó là lời Chúa Giêsu trách móc dân Do Thái vì thái độ mù quáng của họ, như Phúc Âm còn ghi lại ở Mt 16,3 và Lc 12,54-56.
Matthêu thuật lại lời của Chúa như sau: “Chiều đến, các ông nói ‘ráng vàng thì nắng’, rồi sớm mai các ông nói ‘ráng trắng thì mưa’. Cảnh sắc bầu trời thì các ông biết cắt nghĩa, còn thời điềm thì các ông không cắt nghĩa nổi.”
Chúa Giêsu đi từ những quan sát về thời tiết dựa theo những dấu hiệu mầu sắc đám mây (những nhận xét tích lũy từ kinh nghiệm của bao thế hệ, nhất là của giới nông dân) để bước sang một lãnh vực quan trọng hơn, đó là: làm thế nào để qua những dấu hiệu thời cuộc mà nhận biết sự can thiệp của Thiên Chúa?
Nói cách cụ thể, Chúa Giêsu đã trách những cấp lãnh đạo của dân Do Thái vì họ không biết nhận ra nơi Người (qua các lời giảng và việc làm của Người) rằng thời cứu độ đã tới. Họ mù quáng không biết đọc được dấu chỉ thời đại (hay “thời điềm”).
Quả thực như vậy, Tân Ước đã dùng từ “dấu chỉ thời đại” (= DCTĐ, hay thời điềm) áp dụng vào người Do Thái đương thời với Chúa Giêsu; DCTĐ được hiểu là những dấu hiệu, những điềm lạ chứng tỏ Đấng cứu tinh đã xuất hiện ở giữa họ. Có thể nói là suốt gần 20 thế kỷ, thần học Kitô Giáo đã hiểu DCTĐ theo nghĩa đó, hay nói đúng hơn: chẳng ai dùng từ đó cả! Mãi đến gần đây, nó mới được lưu hành không những trong các sách thần học mà còn cả trên môi miệng của các tín hữu.
Người ta cho rằng người chủ động là chính ĐGH Gioan XXIII khi tuyên bố triệu tập Công Đồng Vaticanô II. Và công đồng đã tiếp thu tư tưởng của người trong nhiều văn kiện khác nhau, đặc biệt là Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng”. Tuy nhiên cũng nên biết là từ 30 năm qua, ý nghĩa của tiếng DCTĐ có biến đổi không ít. Chúng ta hãy theo dõi sự biến chuyển đó, bắt đầu từ đức Gioan XXIII.
Vào ngày lễ Giáng sinh năm 1961, trong văn thư triệu tập công đồng, đức Gioan viết: “vâng theo lời Chúa khuyên răn hãy biết phân biệt DCTĐ, chúng tôi tin rằng giữa bao mây mù đen tối, chúng tôi có thể khám phá ra rất nhiêu dấu hiệu hy vọng tin tưởng về tương lai của Giáo Hội và nhân loại”.
Chúng ta thấy đức Gioan XXIII mở rộng ý nghĩa của tiếng DCTĐ của Phúc Âm, không chỉ áp dụng cho các nhà lãnh đạo Do Thái vào thời Chúa Giêsu về việc nhìn nhận thời của vị cứu tinh đã đến với họ, nhưng có thể áp dụng cho hết mọi thế hệ của nhân loại. Đặc biệt, việc khám phá DCTĐ là một trách vụ của các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Hơn thế nữa, khi nói về DCTĐ, đức Gioan XXIII hiểu là những dấu chỉ lạc quan hy vọng, hay nói nôm na là: điềm may, điềm tốt mang lại hy vọng và tin tưởng cho tương lai.
Trong bài diễn văn khai mạc công đồng ngày 11-10-1962, Đức Gioan XXIII còn lặp lại tư tưởng đó. Người nói rằng vào thời hôm nay, có những nhà tiên tri chỉ biết loan báo điềm gở, sa đoạ, tựa như tận thế đã gần kề; nhưng người Kitô Hữu cần phải sử dụng đến tiềm năng tinh thần của mình để nhìn nhận ra những dấu hiệu tích cực do tác động của Chúa Thánh Thần.
Trong thông điệp Pacem in Terris, viết mấy tháng trước khi qua đời, đức Gioan XXIII đã liệt kê ra vài dấu hiệu ấy, để chứng tỏ cho thấy thế giới mà chúng ta đang sống mang theo rất nhiều giá trị tích cực, chứ không phải chỉ có mang những dấu vết của tội lỗi sa đoạ.
Được tiêm nhiễm bởi tinh thần lạc quan của đức Gioan XXIII, Công Đồng Vaticanô II đã du nhập từ DCTĐ trong nhiều văn kiện, và từ đó được hiểu theo nghĩa tích cực. Vài thí dụ: ý thức về phẩm giá con người (tuyên ngôn về tự do tín ngưỡng số 15); lòng khao khát tiến tới sự hợp nhất các Kitô Hữu (sắc lệnh về đại kết số 4); và nhất là trong Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng”, chúng ta đọc thấy nhiều đoạn văn nói tới DCTĐ (số 4,11,44), trong đó không những công đồng cố gắng khám phá ra những dấu chỉ của thời đại (thí dụ ở số 26 về nhân quyền), nhưng còn đề ra những tiêu chuẩn để mà nhận định phê phán chúng nữa.
Như đã nói trên đây, ở Việt Nam có người gọi là “thời triệu” hay “thời điềm”. Có lẽ tiếng “thời điềm” dễ hiểu hơn cả: “thời” ám chỉ về thời cuộc, một biến cố lịch sử; biến cố đó trở thành một “điềm”, một dấu hiệu cho thấy sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa.
Khái niệm DCTĐ (hay “thời điềm”) bao hàm rất nhiều quan điểm thần học trong đó.
1) Tiên vàn, nó giả thiết rằng dòng lịch sử không phải chỉ là một chuỗi những biến cố ngẫu nhiên. Không phải như vậy; chúng ta tin rằng dòng lịch sử này diễn ra theo một kế hoạch của Chúa quan phòng.
2) Thứ đến, những biến cố lịch sử mang một ý nghĩa cho người tín hữu: nó có thể trở thành một dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa giữa thời đại chúng ta đang sống. Thiên Chúa không những điều khiển dòng lịch sử một cách tổng quát, nhưng đôi khi còn biểu lộ sự can thiệp một cách cụ thể qua vài biến cố.
3) Một giả thiết thứ ba là Giáo Hội cố gắng tìm hiểu đường lối của Chúa không những qua việc truy tầm Sách Thánh (Lời Chúa) nhưng còn qua việc khảo sát các DCTĐ, các thời điềm.
4) Từ đó, có thể thêm giả thiết thứ tư nữa, đó là Giáo Hội không phải lúc nào cũng nắm sẵn trong tay hết mọi lý lẽ của chân lý; nhưng Giáo Hội cũng cần phải khiêm tốn lắng nghe tìm hiểu chân lý qua các biến cố lịch sử, lắm lần do những người ở ngoài Giáo Hội gây ra, và Chúa Thánh Thần có thể dùng chúng để dạy dỗ Giáo Hội. Hậu nhiên, Giáo Hội cần đối thoại với thời đại, để cùng nhau khám phá chân lý.
Đây là cả một vấn đề. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ không đi hỏi các nhà chiêm tinh bói toán để mà khám phá các DCTĐ. Trên đây, chúng ta thấy xem ra là đức Gioan XXIII coi việc khám phá các DCTĐ như là một trách vụ của các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Tuy nhiên, Công Đồng Vaticanô II coi việc nhận định các DCTĐ là một trách vụ của toàn thể Dân Chúa, mặc dù các mục tử giữ vai trò điều động hướng dẫn.
Chúng ta có thể đọc thấy giáo huấn công đồng trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng số 11 và 44. Đó là nói trên nguyên tắc. Khi đi vào cụ thể, chúng ta sẽ thấy vấn đề trở nên rất là phức tạp.
Thứ nhất, cái biến cố nào quan trọng và mang tính cách dấu chỉ? Thực vậy, hằng ngày khi cầm tờ báo hay bật rađiô, chúng ta đọc hay nghe biết rất nhiều biến cố: nhưng chắc không phải là tất cả đều quan trọng như nhau và có ý nghĩa như nhau. Các ông chủ báo xếp những tin quan trọng ở trang đầu, còn những tin xe cán chó thì để ở góc cuối của trang chót. Dĩ nhiên, tiêu chuẩn xếp tin cũng tùy theo khuynh hướng của mỗi tờ báo: các tờ báo chính trị thì coi các tin chính trị mới là đáng kể; trong khi các tờ báo văn học và kinh tế thì lại có tiêu chuẩn khác. Dù sao, không phải bất cứ bản tin nào xảy ra hằng ngày cũng đáng gọi là biến cố: một sự kiện chỉ đáng gọi là biến cố khi nó đánh dấu một giai đoạn của lịch sử; và đôi khi phải chờ cả một chuỗi sự kiện liên tiếp nhau mới tạo ra một biến cố được.
Ngoài việc thẩm định biến cố nào là quan trọng đối với dòng lịch sử, cần phải tiến lên bước thứ hai là giải thích cái ý nghĩa của nó. Một biến cố có thể mang ý nghĩa khác nhau đối với những quan sát viên khác nhau. Chúng ta có thể lấy một thí dụ cụ thể: bức tường Bá linh đổ. Tại sao nó đổ? Có thể một bác thợ nề cho rằng vì hồi xây nó, người ta cho nhiều cát mà ít xi măng. Một chuyên viên kinh tế thì có thể giải thích rằng vì dân Đông Đức muốn tràn qua Tây Đức để kiếm thêm mặt hàng tiêu thụ. Đức Gioan Phaolô II thì có lối giải thích riêng trong thông điệp Centesimus Annus (số 21-22). Dù sao, thì một biến cố trở thành DCTĐ với người tín hữu vì nó là một điềm về sự can thiệp của Thiên Chúa.
Nói khác đi, người tín hữu phân tích một biến cố lịch sử dưới ánh sáng đức tin. Thực vậy chỉ có người sống đức tin sâu đậm, đã quen thuộc với Thiên Chúa thì mới có thể nhận ra tiếng nói và đường lối của Người qua các biến cố lịch sử.
Thoạt tiên, xem ra nhận xét này rất đơn giản, nhưng thực tế thì phức tạp hơn nhiều, bởi lẽ không thiếu lần, chúng ta mắc bệnh chủ quan, chỉ muốn nhìn thấy bàn tay của Chúa qua những biến cố thuận lợi cho mình, hoặc những biến cố do Giáo Hội tạo ra. Ít có người dám nhận ra DCTĐ cả nơi những biến cố bất lợi cho Giáo Hội, hoặc là do những người ngoài Công Giáo gây ra. Từ đó cái nhìn của chúng ta dễ mang tính chất bi quan, chỉ nhận thấy tội lỗi sa đoạ chung quanh mình.
Đức Gioan XXIII đã vạch ra một chiều hướng mới, khi nhận thấy tác động của Chúa Thánh Thần kể cả nơi những trào lưu ở ngoài Giáo Hội, và nơi những biến cố thoạt tiên xem ra bất lợi cho Giáo Hội nhưng thực tế đã giúp cho Giáo Hội được thanh luyện và trở về sát với Tin Mừng hơn. Thiết tưởng quan điểm của đức Gioan XXIII về DCTĐ đã và sẽ tạo cho các tín hữu một niềm tin tưởng rất lớn khi nhìn về tương lai: tuy dù thế giới này mang nhiều vết tích của sa đoạ và tội lỗi, nhưng không thiếu những dấu vết của tình yêu Thiên Chúa, bộc lộ cả nơi những người thành tâm thiện chí tuy họ không phải là phần tử của Giáo Hội.
Trong tiếng Việt, từ “tục” có nhiều nghĩa. “Tục” có nghĩa là thô lỗ, thô tục, đối lại với “thanh”; thí dụ: “ăn bẩn nói tục”, “tục tĩu”. Nhưng có lẽ do ảnh hưởng của Phật Giáo, chữ “tục” còn dùng để chỉ trần thế này, như “tục trần, tục luỵ” Theo nghĩa đó, “tục” có thể đối lại với “thánh”, nghĩa là cõi đời nơi chúng ta đang sống, đối lại với cõi thần tiên trên trời.
Cũng có khi tiếng “tục” được dùng để đối lại với giới nhà tu, với việc đạo giáo, như từ “phàm tục, thế tục”. Dù sao đi nữa từ “tục hoá” đã được dùng để dịch từ “sécularisation”, một hiện tượng tôn giáo, văn hoá xã hội của Âu Mỹ trong thời cận đại, một hiện tượng mang theo nhiều giá trị cũng như nhiều nguy hiểm cho đức tin. Nói thế ta cũng đoán được tính hàm hồ của nó: không những bởi vì tuỳ việc chúng ta biết sử dụng nó vào mục tiêu tốt hay xấu, nhưng còn tự nó, từ “tục hoá” mang nhiều nghĩa khác nhau.
Đúng là nó có nhiều nghĩa nhưng không hoàn toàn tương đương như tiếng “tục” trong Việt ngữ, ví dụ, nó không có nghĩa “tục tĩu” đối lại với “thanh tao”. Thực ra tiếng “sécularisation” lấy nguyên ngữ từ tiếng La Tinh “saeculum”. Từ này mang rất nhiều nghĩa: có thể dịch là đời (đối với đạo), hoặc trần thế, trần gian, trần tục (đối lại với thiên giới). Do đó từ “sécularisation” có thể dịch là thế hoá, đời hoá, trần hoá, đất hoá…
Trong vài thế kỷ nay, “sécularisation” được dùng theo nhiều nghĩa khác nhau. Các nhà sử học cho rằng từ này xuất hiện lần đầu tiên trong ngôn ngữ pháp luật bên Đức, để chỉ việc truất hữu các tài sản của Giáo Hội. Các tài sản ấy vốn được coi là “của thánh” vì thuộc về sở hữu của Giáo Hội, hay được sử dụng vào việc tôn giáo; nay bị chuyển sang tay nhà nước và do đó trở nên phàm tục.
Đúng vậy, đó là những ví dụ điển hình của sự tục hoá. Nhưng cho đến mức độ này chúng ta còn ở phạm vi của các đồ vật vô tri vô thức: một căn nhà có thể dùng làm nhà ở, trường học hay nhà thờ tuỳ dụng ý của chúng ta.
Cấp độ thứ hai của sự tục hoá được áp dụng vào các cơ cấu xã hội, chính trị. Khi ấy sự tục hoá có thể diễn ra cách nôm na là: “tách quyền đời ra khỏi quyền đạo”.
Tại nhiều xã hội, hai quyền ấy lẫn lộn, hoặc là quyền đời xen lấn vào đời sống tôn giáo, hoặc quyền đạo xen mình vào việc chính trị. Những cuộc cách mạng xảy ra ở Âu Châu trong những thể kỷ vừa qua đã muốn tách hai lãnh vực ấy ra. Một đàng các vị lãnh đạo tôn giáo không được pha mình vào lãnh vực chính trị, không được lên tiếng trong việc chỉ định, truất phế các nhà lãnh đạo quốc gia nữa. Đàng khác, các nhà chính trị không phò một tôn giáo nào: họ giữ thái độ trung lập với hết mọi tôn giáo, không bênh vực, cũng không chống lại tôn giáo nào hết.
Dĩ nhiên đây chỉ là nói trên nguyên tắc, giấy tờ, chứ trong thực tế thật khó giữ được thái độ trung lập: lịch sử của mối tương quan giữa các thế quyền với tôn giáo trong hai thế kỷ này ghi nhận không biết bao nhiêu trường hợp đàn áp, bài trừ tôn giáo.
Vâng, cũng có nghĩa đó. Trong nhiều xã hội, bên Tây cũng như bên Đông, nhiều nhà vua tự coi mình là con Trời, thay Trời để trị dân, do đó họ tự đồng hoá mình với Trời, làm mưa làm gió, nắm quyền sinh sát hàng vạn sinh linh.
Các cuộc cách mạng dân chủ cận đại đã “tục hoá” quyền bính, theo nghĩa là từ nay các nhà cầm quyền không còn nắm quyền bính tuyệt đối nữa: họ phải chịu trách nhiệm trước Pháp luật: một ông quốc trưởng làm lỗi cũng phải bị đưa ra toà xét xử như bất cứ công dân nào khác.
Dĩ nhiên đây cũng chỉ là nguyên tắc thôi. Đời nào các nhà cầm quyền tuy có mang danh là vô thần đi nữa, lại không tự coi mình là trời nắm quyền sinh sát nhân gian? Lịch sử các chế độ độc tài của thế kỷ XX đã cho thấy điều đó. Tuy nhiên, hiện tượng “tục hoá” chưa dừng lại ở khía cạnh chính trị, dần dần nó còn lan sang cả các khía cạnh khoa học và kỹ thuật nữa.
Như vừa nói, trong lãnh vực chính trị, sự tục hoá có nghĩa là các cơ quan lãnh đạo chính trị không lệ thuộc vào quyền bính tôn giáo nữa: họ cai quản dựa vào nguyên tắc pháp luật chứ không dựa vào Kinh Thánh hay quyền giáo huấn! Hiện tượng ấy cũng xảy đến trong lãnh vực văn hoá, kinh tế, kỹ thuật. Ví dụ, các nhà khoa học vật lý không còn giờ lần giở Kinh Thánh để tìm ra nguồn gốc vũ trụ, nhưng chỉ cần các ống kính thiên văn và phòng thí nghiệm; các nhà kinh tế chỉ còn nghiên cứu luật thị trường, chứ không cần tham khảo các giám mục về việc kinh doanh!
Hiện tượng tục hoá ở đây cũng đồng nghĩa với điều mà Công Đồng Vaticanô II gọi là “sự tự trị của các giá trị trần thế”, theo nghĩa là các khoa học tự nhiên có quyền áp dụng những phương pháp và những định luật riêng trong việc khám phá ra chân lý, không phải cứ nhất cử nhất động đều phải mở Kinh Thánh ra tham khảo! Tự nó sự tục hoá này không có chi nghịch với Thiên Chúa; trái lại là đàng khác, chính Chúa đã ban cho con người trí khôn, thì con người phải sử dụng lấy. Khi con người tận dụng khả năng Chúa ban thì đâu phải là làm thiệt thòi cho Chúa, mà chính là làm vinh danh cho Người.
Đúng thế, có thể nói chính Kinh Thánh đã dạy chúng ta “tục hoá”, theo nghĩa là trong nhiều tôn giáo cổ truyền, con người sợ sệt không dám đụng tới một số cây cối, súc vật, sông ngòi vì coi chúng như có ma thiêng thần tính. Thế nhưng Kinh Thánh bảo rằng, chúng không có thần tính; chúng đã được Thiên Chúa dựng nên và ban cho con người: con người cần phải biết chế ngự chúng.
Tuy nhiên, “sự tự trị của các thực tại trần thế” có thể đưa con người đến một chỗ cực đoan khác, theo nghĩa là từ nay con người không còn cần đến Thiên Chúa nữa: khoa học có đủ sức để tạo ra hạnh phúc cho con người. Hậu nhiên, tôn giáo trở nên thừa thãi, vô dụng. Thay vì ngồi mơ mộng đến hạnh phúc thiên đàng, thì tốt hơn nên ra tay hoạt động để tìm hạnh phúc từ đời này.
Trong khuôn khổ thời gian ngắn ngủi, tôi không thể đưa ra các thứ phê bình được, tôi chỉ có thể ghi nhận vắn tắt vài nhận xét.
Thay vì nói rằng sự “tục hoá” đúng hay sai, chúng ta cần phân biệt các khía cạnh của nó. Và cho dù có thể thấy những điểm sai lầm, trước khi đả kích, chúng ta nên coi đó như một thách đố cho đức tin của chúng ta.
Thực vậy, đôi khi chúng ta giữ đạo vì mong tìm được một mối lợi nào đó, ví dụ như sức khoẻ, công ăn việc làm, công danh sự nghiệp, v.v… Chúng ta cố gắng ăn ở tử tế, khấn vái cầu xin, mong cho được những ơn ấy. Thế rồi khi thấy rằng chúng ta có thể đạt được những ước mơ trên qua những phương tiện khác, chúng ta bỏ hết việc giữ đạo. Như thế là chúng ta giữ đạo vì vụ lợi, lợi dụng đạo, lợi dụng Chúa chứ đâu phải vì mến Chúa?
Một thách đố khác nữa là đôi khi chúng ta mong tìm hạnh phúc trên trời vì thấy đời này quá khổ: thế nhưng khi tìm thấy vài tiện nghi vật chất, thì chúng ta bám vào đó và thấy cuộc đời này thật là đẹp tươi, chẳng cần đến Chúa và thiên đàng nữa.
Tôi nghĩ đó là những thách đố do phong trào tục hoá đặt ra cho người tín hữu: một cơ hội để chúng ta xét lại lối sống đạo của chúng ta! Chúng ta giữ đạo vì mong một món lợi hay vì muốn yêu mến Chúa? Chúng ta mong tìm những sự trên trời vì chúng ta chán ghét đời, hay chúng ta yêu mến xây đắp đời mà vẫn mong về cõi phúc thật?