Thánh Teresa qua đời ngày 30/9 hôm nay, nhưng phụng vụ đã dời ngày lễ sang ngày 1/10, bởi vì ngày 30/9 từ lâu đã được dành để kính Thánh Giêrônimô.
Chúng ta thường hình dung con đường nên thánh của Thánh Teresa rất là đơn giản, thích hợp với con người thời đại chúng ta ngày nay: đó là con đường của tình yêu, con đường của công việc thường nhật. Thế nhưng, nhờ những cuộc nghiên cứu các bút tích, người ta thấy rằng cảm tưởng vừa rồi không đúng hoàn toàn, bởi vì chị nữ tu trẻ tuổi này đã trải qua những cuộc thử thách mà các vị đại thánh đã trải qua.
Thánh Gioan Thánh Giá, một nhà thần bí dòng Carmêlô, đã dùng thuật ngữ “đêm tối đức tin” để mô tả cuộc thử thách ấy. Tôi thiết tưởng điều này sẽ mang lại cho ta niềm an ủi, khi biết rằng những cuộc thử thách đức tin không chỉ xảy ra cho những người giữ đạo hời hợt, mà ngay cho cả các vị thánh nữa. Điều này cũng đáng cho ta suy nghĩ vào lúc chúng ta đang chuẩn bị bước vào Năm Đức Tin.
Chúng ta biết được điều này là do chính thánh nữ đã thuật lại trong phần thứ ba của quyển sách “lịch sử một tâm hồn” (quen đặt tên là “Thủ bản C”). Chị đã viết lại cảm nghiệm của mình theo lệnh của mẹ Agnès, trong ba trang giấy. Qua đó, chị cho biết rằng từ Chúa Nhựt lễ phục sinh (5/4) năm 1896, chị đã phải nếm một cuộc thử thách kinh khủng về đức tin, và cơn cám dỗ này kéo dài gần 18 tháng, cho đến lúc chị qua đời vào ngày 30/9/1897. Cuộc thử thách này liên quan đến niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Để hiểu được nỗi khổ tâm của chị, chúng ta hãy nghe chị kể.
“Trước đây, con không thể hiểu được có những người không có niềm tin, không tin tưởng vào đời sau. Lúc ấy, đức tin của con rất sống động, sáng sủa. Hạnh phúc của con là luôn nghĩ đến thiên đàng; vì thế con không thể tin rằng có thể có những người không có đức tin. Con nghĩ rằng họ sẽ mâu thuẫn với chính mình, khi phủ nhận không có trời, không có Đấng thưởng phạt đời sau...
Thế rồi, vào chính ngày hoan hỉ của lễ Phục Sinh, Chúa Giêsu đã cho con biết rằng có những linh hồn thực sự không có đức tin; vì lạm dụng ơn thánh mà họ đã mất đi kho tàng vô biên, nguồn mạch của những niềm vui thanh tao chân thực. Chúa đã cho phép linh hồn con bị xâm chiếm bởi những đêm tối dày đặc. Ý tưởng về thiên đàng, trước đây rất ngon ngọt đối với con, bây giờ trở thành cuộc chiến đấu, dằn vặt.”
Thánh Teresa mô tả cuộc thử thách này với hình ảnh như là “đêm tối dày đặc”, “đường hầm kinh dị”, khi đi vào đó thì không thấy gì hết; kế đó, chị còn dùng hình ảnh “sương mù” làm ngăn cản không thể thấy cảnh vật để định hướng; và sau cùng, tác giả sử dụng hình ảnh “chiếc bàn của những tội nhân”. Chị ngồi vào bàn ăn, mà cảm thấy cay đắng. Chị sống như một người không có đức tin, không thể nghĩ đến trời, không có niềm hy vọng.
Chị viết rằng những bóng tối vừa nói ra như biến thành lời chế nhạo của những kẻ tội lỗi: “Ngươi mơ ước ánh sáng, ngươi tưởng rằng sẽ chiếm hữu được Đấng Tạo Hóa mãi mãi, ngươi tưởng rằng một ngày nào ngươi sẽ ra khỏi cảnh sương mù này. Còn lâu. Ngươi hãy vui vì cái chết vì nó sẽ mang lại không phải là hy vọng nhưng là đêm tối của hư vô”.
Như vậy, cái cám dỗ của Teresa là cái cám dỗ sẽ rơi vào hư vô; mọi sự trên đời này đều vô nghĩa; chẳng có hy vọng nào hết. Sau cùng, chị kết luận rằng: con mới chỉ diễn tả được một phần những thử thách; vì sợ rằng nếu nói hết thì con sẽ phạm tội lộng ngôn.
Tôi nghĩ là cả hai, bởi vì cơn cám dỗ liên quan đến niềm tin về sự hiện hữu đời sau, theo đó, sau cuộc đời trần thế này sẽ chẳng còn gì nữa hết. Chết là hết. Nói như vậy cũng có nghĩa là mất hết hy vọng. Cuộc đời chúng ta không có lối thoát, bởi vì nó sẽ rơi vào hư vô. Vì thế mà Thánh Teresa dùng hình ảnh “cái hầm đen tối” để mô tả cơn cám dỗ ấy: chị chỉ thấy đêm đen dày đặc, mà không thấy lóe lên ánh sáng nào từ đàng xa.
Cảm giác này mang lại sự hoảng hốt: khi không thấy tương lai đàng trước thì chẳng dám tiến tới, và chỉ dò dẫm loay hoay tại chỗ. Dù sao thiết tưởng không nên bỏ qua một chi tiết khác xảy ra cho đương sự vào thời điểm ấy. Lúc ấy chị mới được 23 tuổi và mắc bệnh ho ra máu, là nguyên nhân dẫn đến cái chết.
Như đã nói trên, chị không muốn dài dòng về cơn thử thách này, vì sợ sẽ nói lên những lời lộng ngôn phạm thượng. Những hình ảnh về đêm tối cho phép ta mường tượng tâm hồn của chị. Dù sao, một điều đáng nói là chị xem cơn thử thách này như là chia sẻ nỗi cay đắng của những người vô thần.
Khi nói đến những người không có đức tin, chúng ta nên phân biệt nhiều hạng người. Có người không tin vào Chúa Giêsu, không tin vào Giáo Hội, nhưng họ vẫn tin vào ông Trời, vào Đấng Tối cao, vào một tôn giáo nào đó, và họ cũng tin có một cuộc sống nào đó sau đời này. Nhưng có những người không tin vào thần thánh, không tin vào cái gì thiêng liêng, thường hằng nào hết. Đối với họ, chỉ có sự hiện hữu của cuộc đời này, của trần thế này mà thôi.
Đây là hiện tượng vô thần cận đại ở bên châu Âu, mà Thánh Teresa liên tưởng đến, và sau này sẽ được phát biểu nơi các triết gia Nietzche và Sartre. Trước đây, chị không tin rằng có thể có những người như vậy được, bởi vì ai cũng hy vọng vào đời sống bất tử. Qua sự thử thách này, chị đã nếm được tâm trạng của những người vô thần như vậy
Có thể là đối với chúng ta thì chẳng có ích gì, và chẳng ai thích thú khi rơi vào tình trạng ấy. Nhưng thánh Teresa thì nghĩ cách khác.
Chị hình dung rằng mình cùng ngồi bàn với những người vô thần. Hình ảnh này làm chúng ta nghĩ đến Chúa Giêsu xưa kia cũng ngồi cùng bàn với các người thâu thuế, những người mang tai tiếng trong xã hội. Nhưng Chúa đã làm như vậy là để cho thấy rằng tình thương của Thiên Chúa ôm ấp hết mọi người, đặc biệt là những kẻ tội lỗi, những kẻ cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thánh Teresa thì nghĩ cách khác. Những người được biết Chúa thường nhìn những người vô thần với cặp mắt trịch thượng, hoặc ít là với cặp mắt thương hại, đại khái cũng giống như người biệt phái trong dụ ngôn nói về hai người lên đền thờ cầu nguyện. Thánh nữ muốn ngồi đồng bàn với họ, để chia sẻ cảnh ngộ với họ, chứ không phải là từ xa hay từ trên cao. Và một khi đã đồng hóa mình với những người vô thần, thì thánh nữ đứng ra để cầu bầu cho họ, kêu xin Chúa thương xót họ. Không phải là chị xin Chúa thương xót những người tội lỗi, nhưng chị xin Chúa thương xót “chúng con là những kẻ tội lỗi”. Chị xếp mình trong hàng ngũ những kẻ vô thần để kêu cầu Chúa thương xót. Như vậy sự thử thách đức tin này trở nên cơ hội để chị tham gia vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để cứu vớt những người tội lỗi.
Tôi không dám trả lời câu hỏi này, bởi vì chỉ có Chúa biết. Nhiều vị thánh đã trải qua cuộc thử thách đức tin và họ đã kể lại kinh nghiệm của họ. Nhưng từ đó, chúng ta không thể kết luận rằng tất cả các thánh đều phải trải qua cuộc thử thách đức tin.
Chúng ta thấy rằng Thánh Teresa hài đồng đã trải qua cuộc thử thách về sự vắng bóng của Thiên Chúa, sự thiếu mất hy vọng. Người ta kể rằng một cuộc thử thách tương tự cũng xảy ra cho Thánh Teresa Calcutta. Chắc rằng còn nhiều người khác cũng đã trải qua cuộc thử thách như vậy, dưới nhiều hình thức khác nhau.
Có thể rằng cuộc khủng hoảng đức tin của họ không liên quan đến các chân lý về Thiên Chúa Ba Ngôi, về bí tích Thánh Thể hay về một tín điều nào, nhưng là về cơ cấu hữu hình của Giáo Hội, gồm bởi những con người tội lỗi.
Có thể rằng họ mất tin tưởng vào Giáo Hội, vào những vị lãnh đạo Giáo Hội, vào sự thánh thiện của Giáo Hội. Cũng có thể họ đâm ra nghi ngờ về sức mạnh của Tin Mừng trong việc thay đổi thế giới, vv. Và chúng ta đang nói đến những người nhiệt thành hoạt động cho Giáo Hội, chứ không phải là những người khô khan hoặc chống đối Giáo Hội. Và đó cũng là một thử thách đức tin.
Thánh Gioan Thánh Giá cho rằng những sự thanh luyện như vậy thật là cần thiết nhằm giúp cho đức tin được tinh ròng hơn. Thậm chí, theo hướng mở của Công Đồng Vaticano II, đức thánh cha dám áp dụng cuộc thử thách đức tin cho chính Đức Mẹ Maria.
Trong thông điệp Redemptoris Mater, đức thánh cha đã đọc lại suốt cuộc đời của Mẹ, như là một hành trình đức tin, trải qua những đêm tối, mà đỉnh cao nhất là lúc chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, đấng mà Thiên Sứ Gabriel đã tiên báo là sẽ ngự trên ngôi báu của vua Đavít. Tuy vậy, Đức Mẹ đã giữ vững niềm tin, và người đã thấy ánh sáng ló dạng vào ngày Phục Sinh.
Trong cơn thử thách của mình, thánh Teresa cũng nhìn ngắm cuộc thử thách của Đức Maria và tìm thấy nơi nương tựa, khi biết rằng người mẹ ấy cũng ở gần những con cái đau khổ.
Nếu cứ dựa theo từ ngữ tiếng Việt, thì “hiển tu” đối lại với “ẩn tu”, cũng đại khái như người ta đối chọi giữa “tu kín” và tu hở”. Tuy nhiên, hiểu như vậy thì hóa ra Đức Mẹ chỉ lãnh đạo các thánh hiển tu mà thôi, chứ không biết đến các vị ẩn tu: quả thật là chuyện ngược đời!
May thay, trong mạch văn của kinh Cầu Đức Bà, chúng ta thấy lời cầu “Nữ vương các thánh hiển tu” nằm ở giữa “Nữ vương các thánh tử vì đạo” và “Nữ vương các thánh đồng trinh”. Như vậy “hiển tu” đối lại với “tử đạo” chứ không phải đối lại với “ẩn tu”. Nếu trở về với nguyên bản La Tinh, chúng ta thấy “hiển tu” là confessores, và chẳng có liên quan gì đến chuyện tu hành hết.
Thiết tưởng cần phải sửa lại hai điểm. Thứ nhất, về dịch thuật; trong tiếng La Tinh, liền sau các thánh hiển tu là các thánh trinh nữ (chứ không phải là “đồng trinh”). Thứ hai, đức thánh cha Gioan Phaolô II đã cho xen vào kinh cầu Đức Bà, lời cầu “nữ vương các gia đình”, có lẽ vì muốn rằng kể cả các người lập gia đình cũng có thể nên thánh nữa. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này vào dịp khác; bây giờ chúng ta chỉ bàn đến “hiển tu” mà thôi.
Như vừa nói, trong nguyên gốc La Tinh là “confessores”. Confessor gốc bởi động từ confiteri có nghĩa là tuyên xưng, xưng thú. Chúng ta nghĩ ngay đến việc xưng tội. Kinh confiteor đọc ở đầu Thánh Lễ được dịch là “tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng ... tôi đã phạm tội nhiều”. Nhưng confessor lại được hiểu về cha giải tội chứ không phải là người thú tội! Dù sao, vào thời xưa, confessio được dành cho một sự tuyên xưng còn quan trọng hơn sự xưng tội, đó là tuyên xưng đức tin. Chúng ta cần hiểu các thánh confessor theo nghĩa này.
Để hiểu ý nghĩa của các từ ngữ, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc phân tích nguyên ngữ, nhưng còn phải tìm hiểu cách thức mà nó được sử dụng trong đời sống xã hội nữa. Chúng ta hãy bắt đầu bằng một từ ngữ khá quen thuộc, đó là các vị tử đạo.
Trong nguyên ngữ Hy Lạp, martyr chỉ có nghĩa là chứng nhân (người làm chứng). Từ ngữ này được sử dụng cách riêng trong ngôn ngữ pháp đình để ám chỉ những người được triệu đến để làm chứng. Dĩ nhiên, không phải tất cả những ai được kêu ra tòa làm chứng cũng được phong thánh martyr. Phụng vụ dành tước hiệu này cho những người đã làm chứng cho Đức Kitô bằng chính mạng sống của mình. Vì thế không lạ gì mà từ ngữ này được dịch sang tiếng Việt là “tử vì đạo”.
Ta cũng có thể nói một cách tương tự như vậy về từ ngữ confessor. Theo nguyên ngữ, nó chỉ có nghĩa là người tuyên xưng (hiểu ngậm là tuyên xưng đức tin). Theo một nghĩa rộng, tất cả các tín hữu đều phải tuyên xưng đức tin; điều này diễn ra khi chúng ta gia nhập đạo (trước khi lãnh bí tích rửa tội) và nhiều lần khác nữa trong đời sống (cách riêng trong các buổi cử hành phụng vụ).
Tuy nhiên, biệt hiệu confessor được dành cách riêng cho các thánh tử đạo, những người tuyên xưng đức tin cách công khai trước mặt người đời, đến nỗi đã phải chết vì sự tuyên xưng đó. Điển hình là Thánh Phêrô, thủ lãnh các thánh tông đồ. Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma được xây cất tại chỗ mà người đã chịu tử đạo, và chính xác hơn nữa, bàn thờ được cất trên mồ của người và được gọi là bàn thờ confessio.
Trong những thế kỷ đầu tiên, hai từ ngữ vừa nói được coi như đồng nghĩa. Nhưng từ giữa thế kỷ II qua một bản văn của Thánh Cyprianô, bắt đầu có sự phân biệt giữa hai cấp độ làm chứng (hoặc tuyên xưng). Có những người bị điệu ra toà, bị tra tấn, bị tù tội, nhưng sau đó được tha về: những người này được mang danh là confessor; còn danh từ martyr được dành cho những ai đã bị giết chết.
Hiện nay, thẩm quyền tuyên phong chân phúc hay hiển thánh được dành cho Tòa Thánh. Nhưng thủ tục này mới bắt đầu từ năm 1588. Trước đó, đức thánh cha họa hoằn mới can thiệp vào việc phong thánh. Hơn thế nữa, trong thiên niên kỷ thứ nhất, phải nói rằng chính Dân Chúa đã chủ động trong việc phong thánh, và đức giám mục có nhiệm vụ điều tra xem lòng tôn kính bình dân có đủ cơ sở lịch sử và đạo đức hay không.
Nói cách khác, trong những thế kỷ đầu tiên, việc tôn kính các tử đạo mang tính cách địa phương, nghĩa là dành cho những anh chị em đã chịu chết để làm chứng đức tin. Đến khi thời bắt đạo đã qua (tôi đang nói đến tình hình trong đế quốc Rôma), thì tất nhiên thế hệ các thánh tử đạo cũng qua.
Tuy nhiên dân Chúa cũng nhận thấy có những anh chị em sống đời thánh thiện, và thậm chí đã làm các phép lạ khi còn sống hoặc sau khi đã qua đời. Vì thế những người này cũng được tôn kính là thánh, tuy họ không tử đạo. Nhưng phải dùng danh xưng gì để gọi các vị ấy cho thích hợp? Chẳng lẽ gọi là các thánh “không tử đạo”: định nghĩa như vậy thì quá tiêu cực; do đó người ta tìm một từ ngữ tích cực hơn, và đó là từ ngữ “tuyên xưng” (confessor).
Đúng, nhưng không hoàn toàn. Chúng ta trở lại Kinh cầu Đức Mẹ thì sẽ rõ.
Sau lời kêu cầu “nữ vương các thánh thiên thần”, là “Nữ vương các thánh tổ tông, Nữ vương các thánh tiên tri, Nữ vương các thánh tông đồ, Nữ vương các thánh tử vì đạo, Nữ vương các thánh hiển tu, Nữ vương các thánh đồng trinh, Nữ vương các nam cùng các Thánh”.
Các thánh “tổ tông và tiên tri” là các tổ phụ và ngôn sứ, thuộc về Cựu Ước; các thánh tông đồ và các thánh tử vì đạo thuộc về Tân Ước, và ý nghĩa đã rõ. Sau đó là các thánh hiển tu (nghĩa là các thánh không tử đạo) và các thánh đồng trinh (lẽ ra phải dịch là trinh nữ thì mới đúng).
Như vậy, ta thấy có sự phân biệt trong hàng ngũ các thánh không-tử-đạo. Lúc đầu, tất cả các vị đều được gọi dưới tên chung là “confessores” (những thánh tuyên xưng). Dần dần, tiến thêm một bước nữa, danh xưng này chỉ dành cho các người nam. Còn các người nữ thì được kính dưới danh hiệu là “trinh nữ” (virgines).
Từ từ, chúng ta sẽ theo dõi sự tiến triển của các thánh không tử đạo.
Vào thế kỷ thứ IV (nghĩa là sau thời kỳ bách hại), các thánh không tử đạo được gọi chung là confessores (những người tuyên xưng). Trong số những vị đầu tiên được kính ta có thể kể đến Thánh Martinô giám mục Tours (+397) nổi tiếng nhờ phép lạ, vì thế mà Phụng vụ giờ kinh đã dành cho người sự long trọng đặc biệt; nhưng Thánh Ambrôsiô cũng qua đời vào cùng năm 397.
Trước đó, ta nên kể đến Thánh Athanasiô, một giám mục đã từng bị lưu đày nhiều lần vì đức tin (+373); Thánh Athanasiô đã phổ biến cho chúng ta biết cuộc đời của Thánh Antôn, tổ phụ đời đan tu (+356, lễ kính ngày 17/1 vừa qua). Đời đan tu được coi như một cuộc tử đạo trắng.
Kế đến, chúng ta thấy có sự phân chia giữa người nam và người nữ. Danh xưng confessores được dành riêng cho người nam, nhưng rồi trong các thánh nam cũng có nhiều sự phân chia nữa mà chúng ta sẽ trở lại sau. Để chị khỏi sốt ruột, tôi xin bắt đầu với sự phân chia các hàng ngũ của các thánh nữ.
Sự phân biệt đầu tiên là các thánh nữ “tử đạo” và thánh nữ “không tử đạo”. Các thánh nữ tử đạo cũng được phân chia thành các thánh “trinh nữ” và “không trinh nữ”.
Các thánh trinh nữ tử đạo như là Agnes (mới kính ngày 21 tháng giêng vừa rồi), Agatha (sắp kính vào ngày 5 tháng hai sắp tới); một tấm gương của thánh nữ tử đạo không đồng trinh là hai Thánh Perpetua và Felicita (ngày 7 tháng 3).
Còn các thánh nữ không tử đạo thì cũng lại chia làm “đồng trinh” hoặc “không đồng trinh”. Trong hạng cuối này, chúng ta có thể kể Thánh Mônica, thân mẫu của Augustinô.
Bước sang các thánh nam thì nên biết cho tới Công Đồng Vaticanô II, Thánh Giuse cũng được xếp vào hạng confessor (mà chắc chắn là không thể dịch là hiển tu). Hàng ngũ các thánh nam cũng có nhiều loại: liền sau các thánh tông đồ và tử đạo là các thánh giám mục và không giám mục, rồi đến các thánh tiến sĩ.
Trong hàng các thánh “không giám mục”, chúng ta thấy các thánh linh mục, đan sĩ, tu sĩ cũng như các giáo dân (như vua thánh Luy).
Sau Công Đồng Vaticanô II, các sách Phụng Vụ không dùng từ confessor nữa. Trong sách Giờ Kinh Phụng Vụ, chúng ta thấy sau các thánh tông đồ, các thánh tử đạo (nam cũng như nữ), là các thánh mục tử (nam), rồi các thánh trinh nữ (nữ), kế đến là các thánh nam và các thánh nữ (có thể là tu sĩ, hay giáo dân).
Tuy trong kinh cầu Đức Mẹ, các thánh đồng trinh được tách biệt khỏi các thánh hiển tu, nhưng mà như đã thấy trong phần lịch sử, các thánh hiển tu bao gồm tất cả các thánh “không tử đạo”. Trong bản dịch tiếng Ý gần đây, lời cầu này được diễn tả là “Nữ vương các chứng nhân đức tin”, và như thế bao gồm tất cả các thánh mục tử, trinh nữ và tất cả các thánh.
Có thể nói được rằng trong lịch phụng vụ hiện hành, Thánh Phanxicô Assisi mở đầu và Thánh Piô Pietralcina khóa sổ những vị mang 5 dấu thánh.
Thánh Phanxicô sinh tại Assisi vào khoảng năm 1181, và được in năm dấu thánh tại La Verna năm 1224 (hai năm trước khi qua đời).
Thánh Piô, một tu sĩ dòng Phanxicô thuộc nhánh Capucinô, sinh ngày 25/5/1887 tại Pietrelcina, thuộc tỉnh Benevento (miền Nam nước Italia), được in các dấu thánh ngày 20/9/1918; tuy nhiên những dấu tích này biến mất vào lúc qua đời ngày 23/9/1968 tại San Giovanni Rotondo, nơi mà cha đã sinh sống trong vòng 50 năm, nổi tiếng trong việc thi hành tác vụ linh mục: dâng thánh lễ và giải tội.
Cũng tại địa điểm này, với rất nhiều khách thập phương đến thăm viếng, cha đã mở ra một bệnh viện để giúp đỡ các gia đình túng thiếu. Cha được ĐTC Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1999 và hiển thánh năm 2002.
Trước khi trả lời câu hỏi này, thiết tưởng cần phải phân biệt nhiều khía cạnh.
Trước hết, không có liên hệ chặt chẽ giữa việc mang dấu thánh và việc phong thánh. Đành rằng những người được in năm dấu thánh thường là những người đạo đức thánh thiện, nhưng không phải tất cả những người đó đã được phong thánh.
Đàng khác, trong hồ sơ phong thánh, việc được in năm dấu thánh không phải là yếu tố quyết định. Thậm chí có tác giả quả quyết rằng cho đến nay Giáo Hội chưa bao giờ lên tiếng xác nhận chính thức về hiện tượng năm dấu thánh. Nói khác đi, tuy các nhà thần học đã viết khá nhiều tác phẩm về hiện tượng năm dấu thánh, nhưng chưa có văn kiện nào chính thức của giáo quyền xác định sự trung thực của nó.
Có thể so sánh với hiện tượng tấm khăn liệm của Chúa Giêsu được lưu giữ ở Tôrinô: tuy có rất nhiều người đến kính viếng di tích thánh này, nhưng Giáo Hội chưa lên tiếng khẳng định rằng đây thực sự là tấm khăn liệm Chúa Giêsu. Lý do có lẽ bởi vì đây là khía cạnh lịch sử chứ không thuộc về đạo lý đức tin, cho nên giáo quyền để cho các chuyên gia tranh luận chứ không thấy cần phải can thiệp.
Thật ra trong tiếng Việt, chúng ta thường nghe nói đến in 5 dấu thánh, chứ trong nguyên ngữ La Tinh, không có chuyện đếm con số. Các tài liệu chỉ nói đến các vết thương hoặc thương tích (stigmata).
Từ ngữ này bắt nguồn từ lá thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát (6,17): “Tôi mang trong mìnhnhững dấu tích của Chúa Giêsu” (ego stigmata Domini Iesu in corpore meo porto). Tuy nhiên không chắc Thánh Phaolô được Chúa in các dấu tích như Thánh Phanxicô; có thể là thánh tông đồ hiểu theo nghĩa bóng, bởi vì vào thời đó stigmata (gốc tiếng Hy Lạp) ám chỉ vết tích được đóng bằng sắt nung trên da thịt của nô lệ hay súc vật, đánh dấu quyền sở hữu.
Từ thời Trung Cổ, thần học áp dụng stigmata vào những vết thương của Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn: bốn dấu đinh trên 2 tay và 2 chân, thêm vào dấu tích ở cạnh sườn. Tuy nhiên, có người lãnh dấu tích ở trên đầu giống như mão gai của Chúa, thay vì ở cạnh sườn. Những dấu tích này không phải là dấu xâm mình, nhưng gây ra nhiều đau đớn.
Câu hỏi này khó trả lời. Một đàng vì thiếu tài liệu lịch sử. Đàng khác, vì ý nghĩa của việc mang các dấu thánh. Như đã nói, có thể Thánh Phaolô hiểu các dấu tích theo nghĩa bóng (như là mình thuộc về quyền sở hữu của Chúa Kitô) chứ không hẳn là mang các thương tích trên thân thể.
Một cách tương tự như vậy, rất có thể là nhiều tín hữu mang các thương tích của Chúa Giêsu trong tinh thần chứ không để lại vết tích nơi thân xác. Chúng ta có thể nghĩ đến các thánh tử đạo, hay những bệnh nhân âm thầm chịu đựng đau khổ vì muốn kết hợp với Chúa Kitô.
Câu hỏi này xem ra dễ trả lời hơn câu hỏi trước (tính từ Thánh Phanxicô ngược lên Thánh Phaolô). Tuy vậy, tìm được câu trả lời thoả đáng không phải là chuyện dễ. Một lý do là vì tài liệu. Không phải ai được in năm dấu thánh thì cũng đánh trống khua chiêng để cho làng nước được biết. Những ai muốn truy tầm sự kiện thì chỉ dựa theo các sử liệu viết sau khi đương sự đã qua đời; vì thế nhiều khi khó kiểm chứng được tính cách xác thực.
Thật vậy, xưa nay không thiếu những người mạo nhận mình được in năm dấu thánh để lừa gạt thiên hạ. Đối lại là trường hợp của những vị thánh xin Chúa cho mang năm dấu tích nhưng đừng để lộ ra bên ngoài.
Vấn đề trở thành phức tạp hơn nữa kể từ thế kỷ XIX, khi nhiều bác sĩ cho biết rằng hiện tượng in năm dấu không hoàn toàn có nguyên nhân siêu nhiên, nhưng có thể gây ra do tự kỷ ám thị.
Câu chuyện lại càng ly kỳ trong trường hợp của Thánh Piô Pietrelcina, bởi vì vào lúc sắp qua đời thì các dấu tích biến sạch. Tuy nhiên, tôi không muốn đi sâu vào vấn đề chuyên môn, nhưng chỉ trưng dẫn vài số thống kê được thuật lại đây đó.
Một cuộc nghiên cứu của bác sĩ A. Imbert-Gourbeyre vào năm 1894 đã ghi nhận 321 trường hợp kể từ Thánh Phanxicô Assisi, được phân phối theo nhiều tiêu chuẩn: phái tính (chỉ có 41 thuộc nam giới), dòng tu (Đaminh được 109, Phanxicô 102, Carmêlô 14, Ursula 14, Thăm Viếng 12, vv. chỉ có 28 giáo dân).
Trong số này, 62 vị đã được phong chân phước hoặc hiển thánh; nhiều vị khá quen thuộc với chúng ta, chẳng hạn như Thánh Catarina Siena và Catarina Ricci, dòng Đaminh, Thánh Colette dòng Clara, Thánh Rita dòng Augustinô, thánh Maria Mađalêna de Pazzi dòng Carmêlô.
Thống kê này được thiết lập vào cuối thế kỷ XIX, và cần được bổ túc và cập nhật.
Trước khi trả lời câu hỏi này, thiết tưởng nên trưng dẫn một nhận xét của cha Agostino Gemelli, dòng Phanxicô người Ý (+1959), là bác sĩ và chủ tịch Hàn Lâm Viện Khoa Học của Toà Thánh, theo đó, trong lịch sử Giáo Hội, Thánh Phanxicô Assisi là trường hợp độc nhất vô nhị của người được Chúa in năm dấu. Cha Gemelli không nhìn nhận hiện tượng dấu thánh nơi cha Piô.
Việc nhìn nhận hiện tượng in dấu thánh Chúa phức tạp hơn hiện tượng Đức Mẹ hiện ra, bởi vì đối với hiện tượng Đức Mẹ hiện ra thì giáo quyền lên tiếng, nếu không phải để nhìn nhận thì ít nhưng để phủ nhận; còn trong vấn đề in năm dấu thánh thì giáo quyền tỏ ra hết sức dè dặt, bởi vì như trong trường hợp của cha Piô Pietrelcina, một người thực sự đã được in năm dấu, nhưng khi sắp qua đời thì các dấu tích lại biến đi hết! Như vậy, cần khẳng định hay phủ nhận hiện tượng?
Dù sao, thiết tưởng nên ghi lại vài hiện tượng được dư luận nói đến nhiều trong thế kỷ XX, đó là trường hợp của bà Têrêsa Neumann và bà Marthe Robin.
Têrêsa Neumann là một phụ nữ sinh ngày 8/4/1898 ở Konnersreuth, bang Baviera bên Đức. Vào ngày thứ sáu tuần thánh năm 1926, chị được in năm dấu thánh, và các vết thương cho đến lúc qua đời ngày 18/9/1962. Thủ tục lập án phong thánh bắt đầu từ năm 2005.
Trường hợp thứ hai là Marthe Robin sinh ở Chateuneuf-de-Galaure (Pháp) ngày 13/2/1902, là con gái út trong một gia đình nông dân với 6 đứa con. Năm lên 16 tuổi, bị ngã và trở thành bất toại liệt giường. Từ ngày 2/10/1930, thứ sáu đầu tháng, chị nhận được các dấu tích trên hai tay hai chân và trên trán mang những dấu tích của vòng gai. Từ đó mỗi ngày thứ sáu chị sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.
Từ trên giường bệnh, chị tiếp đón rất nhiều người đến thăm viếng, có khi đến 60 người trong một ngày, và giữ được nét mặt vui tươi mặc dầu chịu nhiều đau đớn. Triết gia Jean Guitton là một trong số những người quen lui tới với chị, ông đến với chị đến gần 40 lần. Chị cũng đã tiếp xúc với nhiều người sau này trở thành sáng lập viên của hội dòng hoặc tổ chức tông đồ. Chị qua đời ngày 6/2/1981, và hồ sơ mở án phong thánh đã kết thúc từ năm 1996.
Hai trường hợp vừa rồi xảy ra trong thế kỷ XX, nghĩa là vào thời đại khoa học tân tiến: nhiều bác sĩ đã đến khám nghiệm các vết thương, nhưng họ không thể giải thích được nguồn gốc cũng không có cách nào chữa trị được. Một điều đặc biệt hơn nữa là cả hai chỉ sống nhờ rước Mình Thánh Chúa, chứ không ăn uống gì hết.
Dưới một phương diện linh đạo, cả hai đều chịu ảnh hưởng của Thánh Têrêsa hài đồng Giêsu, muốn hiến dâng đời mình cho tình yêu Chúa, với nhãn giới tông đồ truyền giáo.
Dù sao, có lẽ mỗi lần nói đến hiện tượng in năm dấu thánh, dư luận thường bị thu hút bởi tính cách lạ thường, nhưng quên đi ý nghĩa của nó, đó là sự thông dự vào những đau khổ của Chúa Kitô, với lòng yêu mến Chúa cũng như chia sẻ vào kế hoạch cứu độ nhân loại.
Thánh Phaolô đã coi đó như một mầu nhiệm cũng như một sự điên rồ, bởi vì ơn cứu độ được ban qua sự đau khổ và bất lực của thập giá, nhưng không phải qua thành công hiển hách theo như não trạng của người đời.