Thật không dễ trả lời cho các câu hỏi vừa nêu, bởi vì có ít là hai điều khó khăn: thứ nhất, Thiên Chúa không có tên họ kiểu như loài người; thứ hai, mỗi dân tộc đặt tên cho Thiên Chúa theo ngôn ngữ của mình, cho nên danh xưng của Thiên Chúa không tuỳ thuộc vào tôn giáo cho bằng vào văn hoá.
Lý do thứ nhất xem ra đơn giản: trên mặt đất này, có cả tỉ con người, vì thế cần phải đặt tên cho mỗi người để xác định căn cước cá nhân và để phân biệt với những người khác; còn Thiên Chúa thì chỉ có một, cho nên không sợ lẫn lộn. Nhưng tên này tuỳ thuộc vào ngôn ngữ của mỗi dân tộc, chứ không phải là tên của chính Thiên Chúa. Tôi xin lấy một thí dụ: tên riêng của ông Tổng Thống Hoa Kỳ là George Bush, và tất cả các nước trên thế giới đều cố gắng đọc cho đúng tên ông ta; tuy nhiên, chúng ta gọi ông là “tổng thống” trong tiếng Việt, chứ đâu phải theo nguyên gốc tiếng Anh là President.
Như vừa nói, Thiên Chúa không có tên riêng, nhưng mỗi dân tộc gọi người theo ngôn ngữ của mình. Vì thế nhiều danh xưng dành cho Thiên Chúa tuỳ thuộc vào văn hoá chứ không tuỳ thuộc vào tôn giáo. Nói cụ thể, Allah không phải là tên riêng của Thiên Chúa dựa theo đạo Islam, nhưng là danh từ thuộc vùng ngôn ngữ ả-rập. Vì thế các tín đồ Kitô Giáo nói tiếng Ả-rập cũng kêu cầu Allah trong lời nguyện.
Một cách tương tự như vậy, trong tiếng Việt, các kinh nguyện gần đây bắt đầu với lời xưng hô “Lạy Thiên Chúa”; nhưng hồi đầu thế kỷ XX thì bắt đầu bằng lời “Lạy Đức Chúa Trời”. “Thiên Chúa” và “Đức Chúa Trời” cũng vậy thôi, và chỉ được sử dụng ở trong tiếng Việt, chứ ra nước ngoài thì hết xài. Hơn thế nữa, cần phải nói rằng ở trên đất Việt Nam có 54 dân tộc, vì thế đến 54 cách xưng hô Thiên Chúa, chứ không hẳn là 54 tôn giáo.
Lẽ ra trước tiên phải hỏi “Chúa Trời” có nghĩa là gì đã; rồi sau đó, mới bước sang ý nghĩa của từ Allah. Chúng ta sẽ trở lại với danh xưng “Chúa Trời” khi bàn đến các danh xưng được sử dụng trong từ ngữ Hán Việt; bây giờ chúng ta nói đến Allah trước.
Đây là một từ ngữ phổ thông trong tiếng Ả-rập để gọi các vị thần linh, chứ không phải là tên riêng của vị thần nào, tương đương với danh từ El trong tiếng Do Thái được sử dụng trong Kinh Thánh Cựu Ước. Cũng nên biết rằng tuy danh xưng Allah được dùng 2697 lần trong sách Coran (tức là Sách Thánh của Islam), nhưng mà theo truyền thống của đạo Islam, thì Thiên Chúa có đến 99 tên.
Các nhà phê bình cho rằng nên hiểu 99 tên như là 99 ưu phẩm của Thiên Chúa, trong đó ưu phẩm được nhắc đến nhiều hơn cả là Al- Rahman (Khoan nhân) và Al-Rahim (hay thương xót). Dù sao, từ Allah ghép bởi hai từ al-ilah, một từ ngữ phổ quát trong vùng Trung Đông để ám chỉ các thần linh, tương đương với danh từ El, eloah trong tiếng Do Thái.
Nói cách khác, không có gì là riêng tư độc đáo của đạo Islam hay đạo Do Thái trong danh xưng dành cho Thiên Chúa. Hơn thế nữa, vào thời xa xưa, El là một từ ngữ rất chung chung, ám chỉ bất cứ nhân vật nào (tương tự trong tiếng Việt: “kẻ”, “vị”, “đấng”, “đức”). Có lẽ vì thế mà vào thời các tổ phụ, người ta phải kèm thêm một thuộc từ để xác định bản tính của Thiên Chúa, chẳng hạn như: El- elyon (Đấng Tối cao), El Shaddai (Đấng Toàn năng), El-Hai (Đấng hằng sống).
Mặt khác, các học giả còn lưu ý rằng đôi khi từ el hay elohim cũng được dùng để ám chỉ các thiên sứ (thí dụ Thánh Vịnh 139,1; 29,1; Gióp 1,6). Dù sao, ngoài những danh xưng chung cho vùng văn hóa địa phương, người Do Thái xác tín rằng Thiên Chúa đã mặc khải riêng cho họ một tên riêng của Người là Giavê.
Nếu chỉ dựa đoạn văn của sách Xuất Hành (6,2-6), thì phải trả lời rằng: “đúng thế”. Đoạn văn viết như thế này: “Thiên Chúa phán với ông Môsê: Ta là Giavê. Ta từng hiện ra cho Abraham, Isaac, Giacop như El Shaddai, nhưng ta không cho họ biết danh hiệu Giavê”.
Tuy nhiên, ngày nay, các học giả đã đặt lại vấn đề, bởi vì xem ra người Do Thái đã biết đến danh xưng Giavê từ trước ông Môsê rồi, không những dựa theo đoạn văn Sáng Thế chương 4 câu 26 (nghĩa là vào thời con cái ông Abel), nhưng theo sách Xuất Hành (6,20) ngay cả bà thân mẫu của ông Môsê cũng đã mang tên là Jokebed (vinh quang của Giavê).
Mặt khác, Giavê không phải là bí danh hay ám số gì hết: Giavê có nghĩa là “Đấng hằng hữu”. Dù sao, tên gọi Thiên Chúa không quan trọng cho bằng niềm thâm tín về bản tính của Người. Thiên Chúa đã mặc khải cho ông Môsê về mối tương quan mới dành cho dân Do Thái: Người đã thiết lập một giao ước với họ, họ là một dân được tuyển chọn. Đối lại, người Do Thái không được thờ lạy thần linh nào nữa hết, theo như đoạn văn của sách Đệ-nhị-luật (6,4-5) quen gọi là kinh Shema: “Hãy nghe đây, Israel. Giavê Chúa của chúng ta, chỉ có một. Ngươi hãy yêu mến Giavê Chúa của ngươi hết tâm lòng, hết sức lực”
Các tác giả không nhất trí trong vấn đề này. Có ý kiến cho rằng tiếp theo việc mặc khải danh thánh Giavê, thì người Do Thái đã kêu cầu danh xưng được coi như là tên riêng của Thiên Chúa. Có ý kiến khác cho rằng vì danh Thiên Chúa mang tính cách linh thiêng, cho nên các tín đồ không dám đụng tới nữa. Giới răn thứ hai đã chẳng nghiêm cấm “chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ” đấy ư?
Dù sao, thì từ thời đầu Công Nguyên, các tín đồ không dám đọc tên Giavê nữa, và thay bằng tiếng Adonai. Adonai là một danh từ phổ quát, có nghĩa là “chủ, chúa, lãnh tụ” (đúng ra ở số nhiều, bởi vì số ít là Adoni). Danh từ này được dịch sang tiếng Hy Lạp là Kyrios, và tiếng La Tinh là Dominus.
Mặt khác, như ta thấy trong các thánh vịnh, các người Do Thái kêu cầu Thiên Chúa với nhiều danh xưng khác nhau: Lạy Đấng Thánh, Lạy Đấng Toàn Năng, Lạy Đấng Tín Trung, Lạy Đấng Đáng Chúc Tụng, vv.
Chúng ta nên phân biệt hai khía cạnh: ngôn ngữ và nội dung. Về ngôn ngữ, trong Cựu Ước, Kinh Thánh viết bằng tiếng Do Thái, và vấn đề danh xưng có thể khảo sát dựa theo ngôn ngữ của dân tộc Do Thái.
Bước sang Tân Ước, ta thấy rằng tuy Đức Giêsu (đọc theo nguyên gốc Do Thái là Giơ-ho-sua có nghĩa là: Giavê Cứu Chữa) dùng tiếng Do Thái, nhưng bản văn Phúc Âm lại được viết bằng tiếng Hy Lạp. Vì vậy các từ ngữ của Cựu Ước được chuyển dịch từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp.
Đến khi Tin Mừng được truyền bá sang dân tộc khác, thì các từ ngữ sử dụng còn phức tạp hơn nữa. Nói cách vắn tắt, hai từ ngữ Do Thái vốn được coi như là riêng của đạo Do Thái Elohim và Giavê (hoặc Adonai) thì được dịch sang tiếng Hy Lạp là Theos và Kyrios, và tiếng La Tinh là Deus và Dominus: những danh từ này vốn đã được sử dụng để chỉ các thần linh nói chung, chứ không riêng của một tôn giáo nào.
Điều này cũng xảy ra trong các ngôn ngữ châu Âu sau này, thí dụ tiếng Pháp là Dieu và Seigneur, tiếng Anh là God và Lord. Nên lưu ý là từ deus tiếng La Tinh, dieu tiếng Pháp và god tiếng Anh được dùng để gọi các thần; vì thế mà tuy cùng là một từ ngữ, nhưng khi chuyển sang tiếng Việt thì có lúc phải dịch ra “thần” (hoặc thần linh), có lúc được dịch là “Thiên Chúa”; còn danh từ Dominus, Seigneur, Lord thì được dùng trong ngôn ngữ hằng ngày để gọi các “ông”, hoặc “ông hoàng, ông chủ”.
Khi nói đến nội dung thì chúng ta gặp thấy nhiều điều mới, mà giới hạn thời giờ không cho phép tôi đi sâu. Tôi chỉ ghi nhận ba điều.
Thứ nhất, Thánh Phaolô dùng danh từ Theos (Deus, Dieu, God) cho Chúa Cha, và danh từ Kyrios (Dominus, Seigneur, Lord) cho Đức Kitô; Thánh Gioan thì gọi Đức Kitô bằng cả hai danh xưng đó, cụ thể là trong lời tuyên xưng của tông đồ Tôma sau khi chạm đến Chúa Kitô Phục Sinh.
Nhận xét thứ hai, nhiều học giả cho rằng danh xưng mới để ám chỉ Thiên Chúa trong Tân Ước là “Cha”, và Đức Giêsu đã dạy chúng ta hãy dùng từ này khi cầu nguyện, và Người đã nêu gương trước. Tuy nhiên, trong phụng vụ, các lời nguyện chính thức kêu cầu “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu” (và được hiểu về Chúa Cha).
Nhận xét thứ ba, các nhà thần học thú nhận rằng các ngôn ngữ của con người đều mang tính cách giới hạn, không thể nào diễn tả được bản tính của Thiên Chúa, như sách Đạo đức kinh đã viết: “Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh phi thường danh: đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cữu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến”.
Đây là một danh từ Hán Việt, Thiên Chúa (hoặc Đức Chúa Trời) không chỉ có nghĩa “Chúa trên trời” mà còn nghĩa là “Chúa cả trời đất” (hay Chủ tể càn khôn) nữa.
Trong lịch sử truyền giáo, đã có nhiều cuộc tranh luận xem có nên dùng từ “Thượng Đế” hay “Thiên chủ” không. Nhưng trong bối cảnh lịch sử văn hoá hồi thế kỷ XVII-XVIII, vì sợ gây hiểu lầm giữa quan niệm Thiên Chúa của Kitô Giáo với Thượng Đế của các tôn giáo cổ truyền, cho nên người ta tránh dùng từ “Thượng Đế”, và thậm chí có lúc để nguyên tiếng La Tinh “Chúa Dêu” (Deus).
Dù sao, nên lưu ý là danh xưng Chúa Trời có nghĩa là đấng dựng nên trời đất, trong khi quan niệm cổ điển “Trời” có khi được hiểu là đấng Chủ tể (ông trời), nhưng đôi khi được hiểu về thiên nhiên mà thôi (trời mưa, trời nắng).
Từ hồi khai nguyên Kitô Giáo đến nay, các tín hữu đã chấp nhận danh của Thiên Chúa là do Đức Giêsu đã mặc khải. Ngay từ lời mở đầu kinh Tin Kính, họ tuyên xưng Thiên Chúa là “Cha toàn năng Đấng tạo thành trời đất”. Và hằng ngày, họ khẩn cầu Thiên Chúa với lời kinh mà Đức Giêsu đã dạy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”.
Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ XX, vài tác giả tranh đấu cho nam nữ bình quyền đã đòi xét lại vấn đề. Chủ trương cực đoan hơn cả là của bà Mary Daly: bà đòi loại ra khỏi Kinh Thánh và thần học tất cả những từ ngữ nào mang mầu sắc nam tính. Đứng đầu các từ ngữ cần phải thanh lọc là “Thiên Chúa Cha”. Theo bà, khi gọi Thiên Chúa là Cha, vô tình chúng ta xếp Người vào nam giới. Bao lâu Thiên Chúa còn đứng về phía nam giới thì bấy lâu nữ giới sẽ còn bị chèn ép. Vì thế muốn cho nam nữ được bình quyền thì phải tránh gọi Thiên Chúa là Cha.
Bà Daly chủ trương gạt bỏ tất cả mọi lối nói có liên hệ đến phái tính: Chúa chẳng là cha cũng chẳng là mẹ. Tuy nhiên, không thiếu người đã phản ứng lại truyền thống bằng cách gọi Thiên Chúa là Mẹ, hay gọi Người bằng cả hai từ Cha Mẹ.
Cách đây 20 năm, trong một bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật 10/9/1978, Đức Gioan Phaolô I đã gây sửng sốt cho nhiều người khi nói rằng “Thiên Chúa yêu thương chúng ta, bởi vì Người là cha của ta, hơn thế nữa, Người còn là mẹ của ta”.
Tôi không rõ ĐTC có đọc các tác phẩm của phe nữ quyền hay không. Nhưng người đã đi tới kết luận vừa nói khi chú giải đoạn văn của ngôn sứ Isaia chương 49 câu 15, viết cho dân tộc Israel rằng: “Có bà mẹ bỏ quên đứa con của mình, không còn đoái hoài đến đứa con mà mình đã cưu mang hay không? Giả như có bà mẹ nào như thế đi nữa, thì ta sẽ không bao giờ quên ngươi đâu?”
Đức Gioan Phaolô I muốn dựa vào đó để nói rằng Thiên Chúa không thể nào bỏ rơi chúng ta, cho dù đôi khi chúng ta có cảm giác là Người xa vắng.
Có lẽ nhờ cuộc tranh luận với các tác giả của phe nữ quyền mà các nhà thần học đã có dịp đọc lại Kinh Thánh kỹ lưỡng hơn. Trong vấn đề này, có hai điểm sau đây đáng ghi nhận. Thứ nhất, Kinh Thánh thực sự có những đoạn mô tả Thiên Chúa với những nét của nữ tính. Thứ hai, nhưng Kinh Thánh lại không bao giờ gọi Thiên Chúa là mẹ.
Gọi là những nét nữ tính khi các tác giả Kinh Thánh so sánh cách đối xử của Thiên Chúa giống như cách đối xử của bà mẹ. Chẳng hạn như đoạn văn của ngôn sứ Isaia chương 49 câu 15 vừa trích dẫn trên đây, khi nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không thể nào bỏ rơi dân tộc mà mình đã chọn.
Sang đến chương 66 câu 13, ông Isaia cũng lại ví Thiên Chúa như bà mẹ an ủi vỗ về con mình. Nhưng có lẽ đoạn văn âu yếm nhất là chương 11 của ngôn sứ Hôsêa, khi ông mô tả Thiên Chúa tập cho đứa con biết đi, rồi bồng bế nó, mớm cho nó ăn. Tuy có lẽ Thiên Chúa được trình bày như người cha, nhưng là một người cha đầy tình cảm của người mẹ.
Ngoài ra, các học giả còn liệt kê một số đoạn văn ví tình thương của Thiên Chúa như lòng mẹ, (mà trong ngôn ngữ Do Thái gọi là bụng dạ của bà mẹ cưu mang con cái), chẳng hạn như Isaia 22,24; 44,2.24; 46,3-4. Đối lại, chúng ta gặp thấy ở Thánh Vịnh 131,2 một câu văn biểu lộ lòng tín thác vào Thiên Chúa như đứa con tựa vào lòng mẹ: “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ; trong con, hồn lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa, Israel ơi! Từ nay đến mãi muôn đời muôn năm”.
Còn có thể dùng những phương pháp khác nữa để tìm ra các đoạn văn nói đến những nét nữ tính của Thiên Chúa; tuy nhiên như đã nói trên đây, Kinh Thánh không gọi Thiên Chúa là mẹ.
Đó là lối giải đáp khá quen thuộc. Sách Kinh Thánh đã được viết trong khung cảnh văn hóa phụ hệ, trọng nam khinh nữ, vì thế phải đặt Thiên Chúa vào phái mạnh (là cha, là phu quân), chứ không thể nào xếp Người vào phái yếu được. Tuy nhiên, các học giả cho rằng câu trả lời không đơn giản như vậy.
Khi đối chiếu với các nền văn hóa trong miền Cận Đông, người ta nhận thấy có nhiều tôn giáo trình bày Thiên Chúa dưới hình dạng phụ nữ. Dân Do Thái cũng biết những phong tục đó, và họ đã phản ứng lại. Lý do không phải là vì trọng nam khinh nữ, nhưng là vì nhận thấy tục thờ nữ thần ở Canaan đưa đến tín ngưỡng đa thần: đã có nữ thần thì sẽ có nam thần cho có đôi lứa, và cứ thế mà nhân cấp lên.
Đi xa hơn nữa, các học giả nhận thấy rằng không những Cựu Ước không bao giờ gọi Thiên Chúa là mẹ, mà cũng tỏ ra dè dặt khi gọi Thiên Chúa là cha. Những lần gọi Thiên Chúa là cha không nhiều cho lắm, có lẽ vì sợ hiểu lầm khi sống ở giữa các dân tộc khác, khi mà tư tưởng cha mẹ được gắn liền với việc sinh sản tự nhiên, tựa như bà Âu Cơ trong lịch sử Việt Nam với 100 trứng. Thiên Chúa được gọi là cha của dân tộc Israel không phải vì đã sinh sản tổ tiên của dân này, nhưng là vì Người đã yêu thương tuyển chọn họ.
Nói theo lý luận triết học thì đúng như vậy. Thiên Chúa không phải nam giới cũng chẳng thuộc nữ giới. Chúng ta ví tình thương của Người đối với chúng ta giống như tình thương của cha mẹ đối với con cái, vì thế có thể gọi Người là cha hay là mẹ, hay là cả cha mẹ cũng chẳng sao.
Tuy nhiên, điều khó khăn ở chỗ đối với Kitô Giáo, việc gọi Thiên Chúa là Cha không phải là do suy luận của trí óc con người nhưng là do Đức Giêsu đã dạy. Đây là một cái kẹt của thần học: chúng ta có thể tự tiện sửa đổi một từ ngữ do Đức Giêsu đã sử dụng hay không?
Câu chuyện không đơn giản như chị nghĩ. Chúng ta đã quá quen với lối gọi Thiên Chúa là Cha rồi, và chúng ta nghĩ là chuyện thông thường, cho nên muốn biến báo sao cũng được. Nhưng khi nghiền ngẫm lại Tân Ước, các học giả ghi nhận rằng tiên vàn Thiên Chúa là cha của Đức Giêsu; nới rộng tí nữa, Đức Giêsu cho phép các môn đệ của Người cũng được gọi Thiên Chúa là Cha. Không hiểu Đức Giêsu có muốn cho hết mọi người cũng được gia nhập hàng ngũ các thân nhân của người hay không. Nói cách khác, trước khi chúng ta họp nhau để quyết định có nên gọi Thiên Chúa là Cha hay là Mẹ, thì cần phải hỏi ý kiến của Đức Giêsu đã.
Dĩ nhiên là chúng ta không có cách nào để hỏi ý kiến của Đức Giêsu. Nhưng trước khi muốn bàn đến chuyện thay đổi từ ngữ của Tân Ước cho hợp với não trạng của thời đại, thì chúng ta cần phải đi tìm hiểu ý nghĩa nguyên thủy của nó đã.
Tại sao Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là cha? Tại sao Người không gọi Thiên Chúa là mẹ? Chắc không phải tại vì Người trọng nam khinh nữ đâu, nhất là khi Người đã cảm nghiệm tình thương của một người mẹ hiền. Nên nhớ rằng Đức Giêsu không những gọi Thiên Chúa là Cha, mà còn gọi là “Cha của tôi”, khác với “cha của các anh”.
Đành rằng khi nói đến cha thì Đức Giêsu nhắm nêu bật tình thương lân tuất của Thiên Chúa, chẳng hạn như trong dụ ngôn về người cha nhân hậu (quen gọi là dụ ngôn đứa con hoang đàng). Nhưng rất nhiều lần tiếng “cha” được hiểu theo một nghĩa khác thường, không dựa theo tình cảm tự nhiên.
Cần phải thú nhận rằng không dễ gì để hiểu được tất cả những giáo huấn của Phúc Âm. Cách riêng, khi bàn về các mối liên hệ gia đình, Đức Giêsu có những lối cư xử khó hiểu. Người tỏ lòng tôn kính với luân lý cổ truyền về việc thảo kính cha mẹ, nhưng có những lúc mà Người chẳng tỏ lòng hiếu thảo gì hết, chẳng hạn như hồi lên 12 tuổi, Người đã ở lì lại trong đền thờ để lo việc của Cha mà chẳng xin phép song thân. Đến khi hai ông bà đã tìm lại được và trách móc Người, thì thay vì xin lỗi, Người còn vặn lại.
Đối với họ hàng thân thuộc, Người đã hơn một lần tỏ ra cứng cỏi với họ, khi Người đặt câu hỏi: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh chị em của tôi?” và Người đã trả lời dứt khoát: “Cha mẹ, anh chị em của tôi là những kẻ nghe lời Chúa và đem ra thực hành”.
Vì thế, khi gọi Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu không lấy tiêu chuẩn từ tình cảm ruột thịt tự nhiên, nhưng từ chỗ khác. Cha không hiểu theo nghĩa sinh sản, cũng không theo nghĩa nuông chiều. Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha theo nghĩa là Người kết hợp với Cha trong ý chí và hành động: Người lấy ý Cha làm lương thực, và sẵn sàng làm theo ý Cha kể cả khi phải hiến dâng mạng sống: “Lạy Cha, Cha có thể làm hết mọi sự. Xin cất chén này xa con, nhưng xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý của Cha”.
Nói khác đi, trước khi muốn đổi tên gọi của Thiên Chúa là cha hay là mẹ, chúng ta cần phải đào sâu thêm ý nghĩa của việc Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là cha. Thiên Chúa là Cha theo một nghĩa vượt xa những hình ảnh mà chúng ta cảm nghiệm từ các mối tình phụ tử trên đời này. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (số 2779) đã nhấn mạnh rằng để có thể thưa với Thiên Chúa là Cha một cách đứng đắn, chúng ta cần phải trải qua một cuộc cải hoán, và thiết tưởng phải nói đến một cuộc tẩy não mới đúng.
Tôi đã thử tra vài quyển Từ Điển Việt Nam nhưng không thấy có từ “quan phòng”. Tôi đoán có lẽ là chỉ có người Công Giáo mới dùng tiếng ấy để dịch chữ “providence” từ Pháp Ngữ. Thế nhưng nếu thử lật từ điển Pháp-Việt hay Anh-Việt, thì ta lại thấy chữ “providence” được dịch bằng nhiều từ khác nhau, ví dụ như: thiên mệnh, mệnh trời, ý trời, Thiên Hựu, may mắn. Trước đây ở Huế có một trường Công Giáo mang danh là trường Thiên Hựu. Tuy nhiên trong các sách Giáo Lý, sách bài giảng, các từ ngữ sau đây thường được dùng hơn: Chúa an bài, xếp đặt, lo liệu.
Có thể trên phương diện ngữ học, tất cả các từ vừa nói đều có nghĩa như nhau; nhưng xét dưới khía cạnh thần học thì có nhiều khác biệt giữa quan niệm Công Giáo về Chúa Quan Phòng hay an bài với quan niệm của nhiều học thuyết về thiên mệnh hay số mệnh.
Điểm khác biệt thứ nhất hệ tại chúng ta tin rằng có Thiên Chúa là Cha nhân lành: không những Người đã dựng nên vạn vật, nhưng Người còn tiếp tục bảo vệ, gìn giữ, trông nom chúng, xếp đặt mọi sư, nhằm điều tốt, điều thiện cho tất cả. Trái lại, một số tôn giáo hoặc triết thuyết khác cho rằng mọi cái xảy ra cách tình cờ, không có tính toán, hên xui do may rủi.
Tôi nghĩ giữa những người tin và những người không tin có cái gì đó khác biệt, kể cả dưới khía cạnh tâm lý. Chúng ta hãy nghĩ đến một nhóm nhi đồng trong một nhà trẻ, không ai thấy bóng dáng cha mẹ của chúng đâu hết, các em cũng chơi giỡn với nhau và cũng té ngã như nhau. Tuy nhiên, đứa bé còn cha mẹ mang tâm tình khác với đứa bé mồ côi, hay đứa bé lạc lõng. Em bé còn cha mẹ biết rằng sau giờ học, cha mẹ sẽ đến rước em về nhà; còn em bé mồ côi, hay tệ hơn nữa, em bé vô thừa nhận, dù hiện tại có vui chơi nô đùa, nhưng khi tan học, không biết có ai đến đón mình không, và nhất là các em này sẽ không được hưởng tình thương ấm áp của cha mẹ.
Thiết tưởng thí dụ vừa nói cũng có thể áp dụng cho người tin và người không tin nơi Chúa Quan Phòng: cả hai cùng gặp hoạn nạn và may rủi như nhau; nhưng có điều khác biệt này là người tin thì cố gắng nhìn nhận tất cả đều là dấu chỉ của tình thương: họ tin rằng dù có chi xảy ra đi nữa, cặp mắt, bàn tay và con tim của Chúa nhân lành vẫn không hề rời xa họ. Điều đó mang lại rất nhiều yên hàn nội tâm. Sự yên hàn đó còn giúp họ đo lường cái mà người đời gọi là may rủi.
Thường cái gì hợp với sở thích của ta, tiện lợi cho ta thì gọi là may: ví dụ, sức khoẻ, tiền bạc, danh vọng. Và nếu xảy ra điều ngược lại thì gọi là xui, rủi. Nhưng chúng ta có ngờ đâu cái may của ngày hôm nay có thể là cái hoạ của ngày mai, và ngược lại. Người tin vào Chúa Quan Phòng cố gắng tìm ra ý nghĩa đích thực của mọi sự vật, mọi biến cố chứ không dựa trên giá trị nhất thời.
Thực vậy, bởi vì như đã nói trên, người thành thực tin nơi Chúa quan phòng, tuy biết rằng Người thương yêu đùm bọc ta, nhưng đồng thời họ cũng biết rằng cái nhìn của ta thiển cận và nông cạn, không phải lúc nào cũng phù hợp với cái nhìn của Chúa. Vì vậy mà họ cảm thấy cần cầu nguyện, không phải để xin Chúa chấp nhận tất cả những mơ ước của mình, mà xin cho mình biết chấp nhận chương trình của Chúa.
Bởi vậy, khi đánh giá công hiệu của lời cầu nguyện, chúng ta không thể dùng tiêu chuẩn “cầu được ước thấy” để biết thực sự Người đã nhậm lời ta hay không; nhưng phải xét xem tâm hồn của chúng ta cởi mở đến mức nào để đi vào con đường của Chúa.
Tín thác nơi Chúa Quan Phòng là như thế. Cho dù xem ra có gặp nghịch cảnh thì ta vẫn tin tưởng rằng mọi sự đều nằm trong chương trình của tình yêu đùm bọc ta. Thực sự nếu để ý quan sát, ta thấy cha mẹ chúng ta vẫn cư xử như vậy thôi: không phải lúc nào con cái xin gì họ cũng cho, thậm chí đôi khi còn phải làm nghịch lại ý chúng nó nữa. Ví như đứa nhỏ xin cầm con dao chơi, thử hỏi cha mẹ nào nỡ tâm chiều theo ý nó; hoặc đôi khi cha mẹ ép con uống thuốc đắng cho khỏi bệnh tuy nó vùng vẫy la hét, coi như bị cha mẹ ghét bỏ. Đứa bé đâu có biết cha mẹ chúng rất khổ tâm khi thấy con mình đau đớn; nhưng nếu không dùng thuốc đắng thì chừng nào con mình mới lành bệnh được.
Không ai phủ nhận điều đó. Tôi chỉ muốn lấy một ví dụ để so sánh. Ví dụ đó còn làm sáng tỏ hơn một điều khác nữa là tâm tình tín thác của chúng ta nơi Chúa Quan Phòng bị chi phối không ít bởi kinh nghiệm gia đình chúng ta: nếu chúng ta được cha mẹ yêu thương thì tất sẽ dễ ghi nhận tình thương của Chúa là Cha nhân lành. Nếu con người không biết tình thương là gì, ắt là khó chấp nhận tình phụ tử của Thiên Chúa.
Dù sao tôi nghĩ rằng trên đường đời, Thiên Chúa rất nhiều lần dùng đến trung gian để tỏ tình thương an bài đối với chúng ta, chẳng hạn như qua cha mẹ, bạn bè, ân nhân đôi khi vô tên tuổi. Đối lại, việc chúng ta tin vào Chúa Quan Phòng cũng đòi hỏi chúng ta sẵn sàng trở nên dụng cụ cho tình thương của Người đối với đồng loại của chúng ta, sao cho qua tình bạn của chúng ta, lòng ân cần săn sóc, tình liên đới của chúng ta, tha nhân có thể nhận thấy bàn tay của Thiên Chúa. Đó là trọng trách khá nặng nề của người tín hữu.
Chúng ta đừng nên đối chọi giữa mặc khải Cựu Ước với Tân Ước kiểu như Đen với Trắng: Thiên Chúa của Cựu Ước thì công minh nghiêm thẳng, còn Thiên Chúa của Tân Ước thì khoan nhân thương xót.
Trong các thế kỷ đầu tiên, Hội Thánh đã phải đương đầu với lạc giáo của ông Markion, đòi loại trừ các sách Cựu Ước ra khỏi Sách Thánh Kitô Giáo, nhưng các giáo phụ đã không chấp nhận chủ trương ấy. Hội Thánh chấp nhận cả Cựu Ước lẫn Tân Ước và coi như một toàn bộ. Giữa hai giai đoạn có sự liên tục và sự tiến triển, bởi vì cả hai đều do cùng một nguồn gốc, do cùng một Thiên Chúa duy nhất.
Đi vào vấn đề cụ thể mà chúng ta đang bàn, chúng ta thấy rằng trong Cựu Ước đã có rất nhiều lời tuyên xưng lòng nhân từ của Thiên Chúa, qua điệp khúc gặp thấy trong các thánh vịnh, đặc biệt là Thánh Vịnh 136: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”, hoặc như Thánh Vịnh 103: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, Không trả báo ta xứng với lỗi lầm... Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương xót kẻ kính tôn. Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi”.
Đúng như vậy. Đây là một điều xem ra mâu thuẫn đối với lý luận của chúng ta, bởi vì công bằng và lân tuất tương khắc nhau như nước với lửa. Thực vậy, ai mà thi hành công lý nghiêm minh thì khó mà tỏ ra lân tuất; còn ai mà rộng lòng lân tuất thì khó mà duy trì công bằng.
Chúng ta đã có cảm nghiệm ấy ngay từ trong gia đình: người cha tượng trưng cho công bằng, còn người mẹ tượng trưng cho lân tuất. Nếu hai người biết hài hoà thì đỡ khổ cho con cái, nhưng mà không thể nào một người lại dung hoà cả hai đức tính được. Đó là cảm nghĩ thường tình. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ hơn, chúng ta thấy vấn đề có nhiều góc cạnh sâu xa hơn. Trước hết, cần phải xác định lại khái niệm công bằng. Theo chị nghĩ, thế nào là công bằng?
Đúng như vậy. Nếu tôi vay chị 100 ngàn đồng thì lẽ công bằng đòi tôi phải trả lại cho chị đủ 100 ngàn, không thêm không bớt. Nếu tôi đã thuê chị làm công nhật thì tôi phải trả tiền lương cho chị theo như hợp đồng, đó là công bằng.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là một khía cạnh của công bằng mà thôi, mà các nhà luân lý đặt tên là “công bằng trao đổi” (hay công bằng giao hoán). Bên cạnh thứ công bằng “có vay có trả” ấy, còn có một thứ công bằng khác nữa gọi là “công bằng phân phối”. Tiêu chuẩn ở đây không phải là ba cọc ba đồng, nhưng mà theo tỉ lệ phân phối. Ta lấy một thí dụ nho nhỏ ngay từ trong gia đình cho dễ hiểu.
Để giữ công bằng, ta không thể đòi hỏi cha mẹ phải phát đồng đều tất cả mọi đứa con một bộ quần áo như nhau. Lý do tại vì con trai thì mặc kiểu khác, con gái thì mặc kiểu khác; đứa lớn thì cần bộ áo dài hơn là đứa nhỏ! Vì thế sự công bình đòi hỏi cha mẹ phải phân phát cho mỗi đứa con tùy theo nhu cầu của nó, tuy không nên thiên lệch thương đứa này bỏ đứa kia. Trên thực tế, chúng ta biết là không dễ gì mà cha mẹ có thể làm vừa ý hết mọi đứa con được! Dù có làm thế nào đi nữa thì cũng không tránh được sự ghen tị phân bì.
Từ trong gia đình đi ra xã hội, vấn đề trở nên phức tạp gấp trăm ngàn lần, khi bàn tới vai trò của nhà cầm quyền phải phân phối cách quân bình những quyền lợi và nghĩa vụ cho các công dân, khi bổ thuế cũng như khi cung cấp dịch vụ.
Không phải là tôi đi lạc đề, nhưng tôi chỉ muốn cho chị thấy rằng ý niệm về công bằng rất là phức tạp. Và chúng ta rất dễ gán cho Thiên Chúa những tâm tình bắt nguồn từ lối quan niệm hẹp hòi của chúng ta. Chúng ta hãy thử lấy thí dụ từ dụ ngôn quen gọi là đứa con hoang đàng thì sẽ rõ. Sau khi đứa em đã tiêu hoang hết tiền bạc rồi và trở về nhà, thì người cha phải xử thế nào cho hợp với công bằng?
Tôi nghĩ rằng chỉ có đứa anh mới nghĩ như vậy là công bằng, chứ đứa em không nghĩ như vậy, và hàng xóm cũng không nghĩ như vậy. Nếu người cha cho đứa em đi chăn heo thì sẽ mang tiếng là tàn ác chứ không phải là công bằng nữa.
Tôi cũng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, chị có thể thấy rằng cùng một cử chỉ của người cha, nhưng mà một đứa con thì coi là công bằng còn đứa kia thì gọi là tàn ác; và cũng một hành vi của người cha mà một đứa con thì coi là lân tuất nhưng lại bị đứa kia trách là bất công.
Đối với cách cư xử của Chúa cũng vậy: cùng một cách đối xử nhưng sẽ có người trách là bất công nhu nhược, nhưng lại được người khác ca ngợi là nhân từ. Trên thực tế, đa số các trường hợp mà chúng ta muốn trắc nghiệm sự công bằng của Chúa đều nằm trong phạm vi thưởng phạt. Và không có gì khó hơn việc đo lường sự thưởng phạt công bằng.
Ngay trong ngôn ngữ hằng ngày chúng ta cũng khen một thẩm phán công minh chính trực, nhưng chúng ta không chịu nổi thẩm phán công thẳng nghiêm khắc. Nếu chúng ta trót dại phạm tội, thì chúng ta xin Chúa nhẹ tay khi phạt; nhưng khi đòi Chúa thưởng công thì chúng ta ước mong Chúa rộng rãi một chút.
Đó là nói đến mối tương quan giữa bản thân chúng ta với Thiên Chúa; còn khi xét đến tha nhân, thì chúng ta mong cho Người thẳng tay trừng phạt những kẻ đã bóc lột ta, và đừng quá hoang phí khi phải ân thưởng cho họ.
Chúng ta đừng nên quên rằng các tác giả Sách Thánh cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của văn hóa thời đại. Chính vì thế mà chúng ta có thể nói đến sự tiến triển từ Cựu Ước sang Tân Ước, tuy rằng chúng ta không nên đối chọi quá đáng, như đã nói ở đầu.
Trong Cựu Ước, nhiều lần người ta đã áp dụng một thứ thưởng phạt từ các toà án người đời cho Thiên Chúa, và người ta cho rằng Chúa cũng xử sự như con người. Chính vì thế mà không thiếu lần chúng ta gặp thấy trong Kinh Thánh những lời cầu xin Chúa hãy báo oán cho các tín hữu, những kẻ vô tội bị áp bức.
Đúng như vậy. Nhưng chúng ta hãy cẩn thận, tránh giải thích Kinh Thánh một chiều. Khi mở sách Sáng Thế từ những chương đầu, chúng ta dễ bị gây ấn tượng bởi những hình phạt mà Chúa dành cho những ai lỗi luật của Người.
Nguyên tổ phạm tội cho nên phải chết (St 3,16-23). Ông Cain giết ôngAbel, và máu của người em vô tội đã kêu thấu tận trời xin báo oán (St 4,11-12). Nhân loại phạm tội và Chúa đã tiêu diệt với lụt Hồng Thủy (St 6,11-13). Thành phố Sôđôma bị lửa trên trời thiêu rụi vì tội của nó (St 19,29).
Tuy nhiên khi đọc những đoạn ấy, chúng ta đã bỏ qua những câu văn cho thấy rằng Thiên Chúa đã tỏ tình thương xót vào chính lúc Người ra hình phạt. Khi phạt nguyên tổ, Người hứa ban ơn cứu độ (St 3,15). Khi phạt Cain, Người hứa sẽ che chở anh ta (St 4,15). Lụt hồng thủy kết thúc với một giao ước long trọng, theo đó Thiên Chúa cam đoan sẽ không bao giờ hủy diệt con người (8, 21; 9,9-11.17). Sự thiêu đốt thành phố Sôđôma nhằm nói lên lòng nhân lành của Người cứu thoát gia đình ông Lót (19,29).
Đức Kitô đã nói thêm rất nhiều điều. Thứ nhất là Người mời gọi chúng ta hãy đọc Kinh Thánh hai chiều chứ đừng đọc một chiều (nghĩa là Thiên Chúa vừa công bằng vừa lân tuất).
Thứ hai là Người mời gọi chúng ta hãy sửa lại các thước đo của chúng ta, nghĩa là hãy sử dụng cùng một tiêu chuẩn khi yêu sách Thiên Chúa áp dụng công lý: đừng có đòi Người phải nhân từ khi xử tội của ta và nghiêm thẳng khi xử tội của tha nhân.
Đức Kitô dạy chúng ta phải tỏ lòng lân tuất với tha nhân để được Thiên Chúa tỏ lòng lân tuất. Nhất là Đức Kitô dạy cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không ưa trừng phạt chúng ta. Người mong muốn chúng ta hối cải để tha thứ cho chúng ta, chứ Người không ưa thích nhìn thấy chúng ta phải chết trong tội lỗi. Người đã bày tỏ tình yêu lân tuất ấy khi trao ban Con Một của Người cho chúng ta.
Cần nhìn nhận rằng hình phạt vĩnh viễn ở hỏa ngục là một điều trái ngược với cảm quan công lý của chúng ta. Tại sao tội của con người chỉ có hạn mà lại phải nhận lãnh một hình phạt vô hạn? Các nhà thần học đã phải đau đầu để tìm cách trả lời.
Theo tôi nghĩ, có thể tạm chấp nhận câu giải đáp như sau. Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, và mời gọi hết mọi người vào chia sẻ tình yêu ấy. Tuy nhiên, Người không cưỡng bách ai phải chấp nhận tình yêu. Yêu mà bị ép buộc thì đâu có quý báu gì nữa! Người đã ban cho chúng ta khả năng tự do, và Người chấp nhận để cho chúng ta được tự do khước từ tình yêu của Người.
Thiên Chúa chẳng trừng phạt ai hết, chỉ có chúng ta từ chối không thèm đếm xỉa tới Người. Vì thế nếu thiên đàng hệ tại sự thông hiệp với Thiên Chúa, thì ngược lại, hỏa ngục là hậu quả của sự tuyệt giao với Người. Dù sao đây chỉ là một suy tư cá nhân, nhưng chúng ta thâm tín rằng Thiên Chúa toàn năng và kiên trì trong tình thương sẽ tìm ra kế để thuyết phục con người biết tự do chấp nhận tình yêu của Người và trở về với Người.