Chúng ta sẽ lần lượt đi từng bước một trong việc tìm hiểu ý nghĩa đôi cánh của các thiên thần, từ biểu tượng tự nhiên, sang nguồn gốc lịch sử và sau cùng là ý nghĩa thần học.
Trên bình diện tự nhiên, đôi cánh chim biểu thị cho sự lanh lẹ. Chúng ta có thể thấy nhiều hãng hàng không lấy cánh chim làm biểu tượng, và cách riêng là các phi công đều đeo huy hiệu đôi cánh ở trên ngực, ra như chứng tỏ rằng họ có khả năng bay bổng như chim.
Đó là biểu tượng tự nhiên. Bây giờ chúng ta cần phải đi lên một cấp nữa: tại sao lại gắn đôi cánh cho các thiên thần? Câu trả lời đơn giản hơn cả là tại vì muốn mô tả bản tính của các vị là nhanh nhẹn. Nhưng mà nhanh nhẹn làm cái gì? Thi đua với ai? Đây là câu hỏi mà các sử gia đặt ra.
Có lẽ đúng một phần, nhưng đó là xét theo ý nghĩa thần học. Các sử gia muốn biết từ hồi nào các hoạ sĩ đã gắn đôi cánh cho các thiên thần, và vì lý do gì?
Cho đến nay, người ta cho rằng nguồn gốc của nó không phải là Kinh Thánh, nhưng là các tôn giáo ở vùng Cận Đông, nơi mà xuất hiện những vị thần linh dưới hình thù của một người hay thậm chí một con thú có mang cánh. Đôi cánh chỉ sự lanh lẹ, như chớp như gió.
Tuy nhiên, Kitô Giáo du nhập các hình ảnh đó hơi muộn. Chị nên biết là Do Thái Giáo tuyệt đối cấm việc hình dung Thiên Chúa bằng hình tượng. Lúc đầu Kitô Giáo cũng tiếp nhận truyền thống đó. Dần dần, các Kitô Hữu bắt đầu vẽ hình của Đức Kitô, Thiên Chúa Nhập Thể, với những biểu tượng của vị mục tử.
Rồi càng ngày nền mỹ thuật Kitô Giáo phát triển với những bức chân dung của Đức Kitô, Đức Maria, các thánh. Việc hoạ chân dung của các vị không khó, bởi vì họ cũng là con người như chúng ta. Chỉ cần thêm những nét biểu tượng các nhân đức trổi vượt nhờ cách tô điểm các mầu.
Nhưng làm thế nào mà vẽ các thiên thần, vốn thuộc vào loài thiêng liêng, vô hình vô tượng? Các hoạ sĩ chỉ còn cách là dùng các khuôn mẫu đã có từ các tôn giáo hay các nền văn hóa đương thời. Theo các sử gia, khuôn mẫu gây ảnh hưởng trực tiếp đến lối biểu tượng các thiên thần là nữ thần chiến thắng Victoria của dân Rôma, được kính ngay tại trụ sở của Thượng Viện đế quốc. Vị thần này mang áo dài trắng, với đôi cánh chim, và cầm triều thiên.
Có lẽ đó không phải là ý nghĩa nguyên thủy. Lúc đầu, ý nghĩa của đôi cánh chỉ muốn nói lên sự nhanh nhẹn. Sự nhanh nhẹn ở đây không nên hiểu theo nghĩa vật lý (chạy đua xem ai đạt vận tốc cao hơn), nhưng theo nghĩa tinh thần: mau mắn trong việc thi hành ý định của Thiên Chúa.
Chị nên nhớ rằng trong nguyên gốc tiếng Do Thái và Hy Lạp của Kinh Thánh, các thiên thần là những sứ giả của Thiên Chúa. Vì thế, sự mau lẹ được hiểu là họ chấp hành sứ mạng ngay tức khắc, không chần chừ, như chúng ta đọc thấy trong thánh vịnh 103, câu 20: “Chúc tụng Chúa đi, hỡi muôn vì thiên sứ, bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện Lời Người, luôn sẵn sàng phụng lệnh”.
Sự so sánh này khá tự nhiên. Tuy vậy, trong Kinh Thánh Cựu Ước, khi so sánh các thiên sứ với gió, thì có lẽ người ta không muốn nói tới sự nhanh nhẹn, cho bằng sự nhẹ nhàng.
Trong tư tưởng cổ điển, gió và không khí tượng trưng cho thế giới thiêng liêng, đối lại với thế giới chất thể. Sở dĩ các thiên sứ nhanh nhẹn chu toàn sứ mạng một phần cũng tại các người không bị cản trở bởi vật chất.
Thiết tưởng đây là điều mà vịnh gia muốn nói ở Thánh Vịnh 104, câu 3-4: “Chúa ngự giá xe mây, Người lướt bay cánh gió. Sứ giả người: làn gió bốn phương, nô bộc Chúa, lửa hồng muôn ngọn”.
Còn Phúc Âm nhất lãm, khi tả quang cảnh của ngày chung thẩm thì nói đến việc các thiên sứ được sai đi để quy tụ muôn dân từ “bốn gió”, nghĩa là 4 phương trời (Mc 13,26-27; Mt 24,30-31).
Tôi chỉ ghi nhận ý kiến của vài nhà sử học mà thôi. Theo họ, khi du nhập biểu tượng thần chiến thắng, lúc đầu sự chú ý được dành cho đôi cánh, tượng trưng cho sự nhanh nhẹn nhẹ nhàng; về sau mới thêm tư tưởng chiến thắng.
Ý nghĩa này được áp dụng cách riêng cho Thiên Sứ Micae, lãnh đạo các thiên sứ trong cuộc giao tranh với Satan, như chúng ta có thể đọc thấy ở sách Khải Huyền chương 12, câu 7-9. Tuy nhiên, ý nghĩa chiến thắng không phải chỉ dành cho Thiên Sứ Micae, mà còn cho các Kitô Hữu nói chung. Nhiều hoạ sĩ vẽ thiên thần hộ tống linh hồn của người lành về thiên quốc, tay cầm triều thiên đội lên đầu kẻ đã thắng tội lỗi và các chước cám dỗ.
Nên biết là phái tính nam nữ chỉ áp dụng cho các loài có thể xác, chứ không áp dụng cho loài thiêng liêng. Vì vậy mà không thể nói được các thiên thần thuộc phái nam hay phái nữ.
Bên Âu Châu, việc hình dung phái tính chịu ảnh hưởng không nhỏ của từ ngữ, giống đực hay giống cái. Thí dụ như Hội Thánh được ví như là mẹ, và hiền thê, bởi vì từ Ecclesia là giống cái trong tiếng Hy Lạp và La Tinh. Vì thế không lạ gì mà “tự do, công lý, chiến thắng” được hình dung như là nữ thần, bởi vì trong tiếng La Tinh và tiếng Pháp, các từ đó ở giống cái (Libertas, Justitia, Victoria).
Còn từ “thiên thần” (angelus) là giống đực cho nên được hình dung là nam nhi là phải rồi. Trong Kinh Thánh, ta thấy có những đoạn mô tả các thiên thần xuất hiện dưới hình của nam nhi, thí dụ như ở sách Sáng Thế (chương 18, khi hiện ra với ông Abraham), sách Tôbia, về thiên thần Raphael, và trong Phúc Âm nhất lãm khi nói về các thiên sứ hiện ra dưới hình một thanh niên, để báo tin Chúa Phục Sinh cho các bà đi ra viếng mồ (Mc 16,5).
Dựa theo các bản văn Kinh Thánh, trong các thế kỷ đầu tiên, các bức hoạ vẽ các thiên thần theo hình nam nhi, đặc biệt là các Thiên Thần Micael, Raphael, Gabriel. Mãi tới thời cận đại người ta mới vẽ các thiên thần dưới hình thiếu nữ.
Có lẽ vì muốn tăng thêm phần duyên dáng xinh đẹp cho các đấng. Vả chăng, tuy các bức tranh cổ thời hình dung các thiên thần dưới hình dạng nam nhi, nhưng ta thấy các đấng cũng để tóc quăn và dài, má hồng môi thắm. Thật khó mà phân biệt được nam hay là nữ giới.
Thực ra trong xã hội cổ thời, y phục giữa nam giới và nữ giới không có gì khác biệt cho lắm. Trước đây, tại Việt Nam, các ông cũng để tóc dài búi tó, và mặc áo dài như các bà. Bên Tây Phương, cũng tương tự như vậy. Vào thời cổ, các ông mặc áo thụng, mà vết tích còn duy trì nơi y phục của các linh mục và tu sĩ. Điều đáng lưu ý là các hoạ sĩ đã quan niệm thế nào về hình dáng mà màu sắc dành cho y phục của các thiên thần.
Cách chung, các vị mặc y phục màu trắng. Đây là lối trình bày dựa theo Kinh Thánh, thí dụ khi mô tả các thiên sứ báo tin Chúa Kitô Phục Sinh (Mt 28,3): màu trắng không những chỉ tượng trưng cho sự thanh sạch nhưng còn tượng trưng cho sự sáng ngời của thiên giới.
Ngoài căn bản lấy từ Kinh Thánh, các hoạ sĩ cổ thời còn muốn khóac cho các thiên thần nhiều ý nghĩa khác. Các thiên thần mặc áo trắng toát như các thẩm phán và nghị sĩ của Rôma, bởi vì các đấng thuộc hàng chức sắc của triều đình thiên quốc. Về sau, các thiên thần cũng được khóac phẩm phục tư tế, để nói lên vai trò của các thiên thần là tiến dâng hy lễ chúc tụng trước toà Chúa.
Đúng vậy. Dĩ nhiên mỗi hoạ sĩ có những quan điểm riêng của mình khi nhuộm màu áo của các thiên thần. Tuy nhiên, theo các sử gia, các hoạ sĩ bắt đầu tô màu cho các thiên thần từ khi xuất bản tác phẩm “Phẩm Trật Thiên Quốc” (De coelesti Hierarchia) của ông Đionixiô, vào khoảng thế kỷ V.
Theo ông, trên thiên quốc, các thiên thần cũng được phân chia thành các đẳng trật (ông ta nói tới 9 đẳng) cao thấp khác biệt. Vì thế các hoạ sĩ muốn tô màu cho y phục của các thiên thần, nhằm phân biệt các đẳng cấp ấy.
Tưởng cũng nên biết là vào thời cổ, người ta rất nể ông Điônixiô, vì tưởng lầm rằng ông ta là đồ đệ của Thánh Phaolô, được sách Tông Đồ Công Vụ nhắc đến ở chương 17 câu 34. Tác phẩm của ông được coi như mang nguồn gốc từ các thánh tông đồ. Nhưng như đã nói, khoa sử học hiện đại cho rằng tác giả sống vào thế kỷ V, chứ không phải là đồ đệ của Thánh Phaolô. Vì thế ông được đặt tên là Điônixiô giả (Pseudo Dionysius).
Các hoạ sĩ bên Đông Phương thường cho thiên thần Sêraphim mặc áo màu đỏ, còn thiên thần Kêrubim mặc áo màu xanh dương; số cánh cũng tăng lên 4 và 6. Sang thời Trung Cổ, các thiên thần được gán cho nhiều chức vụ khác nhau, vì thế mà y phục cũng trở nên đa dạng: có vị lo việc coi sóc nhân gian, có vị lo chầu trước toà Chúa; có vị lo chiến đấu chống ma qủy, có vị phụ tá trong việc phán xét. Từ đó ta thấy có những thiên thần cầm cân, cầm giáo, hay là gảy đàn múa hát. Và bên cạnh các thiên thần tráng niên còn có các thiên thần tí hon, mình trần chỉ có thêm đôi cánh.
Trước nhiều câu hỏi dồn dập như vậy, tôi xin tách ra từng câu hỏi để trả lời, từ dễ đến khó.
Câu hỏi dễ nhất là sự phân biệt giữa các tổng lãnh thiên thần với các thiên thần. Đó là hai cấp độ cao thấp: tổng thiên thần (archangelus) thì cao hơn thiên thần (angelus), cũng tựa như tổng giám mục (archiepiscopus) thì cao hơn giám mục (episcopus). Duy có điều là sự phân biệt này không phải do Kinh Thánh đặt ra.
Đúng rồi. Ba nhân vật ấy đều được Kinh Thánh nói đến. Nhưng mà họ được gọi là “thiên thần” chứ không phải là “tổng thiên thần”. Chẳng hạn như khi tả lại cảnh truyền tin cho Đức Maria, thì Thánh Luca nói đến một thiên thần (Gabriel).
Luôn tiện cũng nên nhắc lại là Kinh Thánh không dùng tiếng “thiên thần” (thần trên trời); danh từ angelus trong nguyên bản Hy- lạp (angelos) chỉ có nghĩa “sứ giả” (người đưa tin), cũng tựa như trong tiếng Do Thái của Cựu Ước (malak). Có điều là các vị được gọi là “sứ giả của Thiên Chúa” (angelus Domini) khác với các sứ giả của loài người. Vì thế mà tại Việt Nam có người dịch là “thiên sứ”. Dĩ nhiên đó chỉ là một chức vụ (nghĩa là họ được Thiên Chúa trao cho một sứ mạng nào đó) chứ chúng ta không biết được tên tuổi căn cước của họ.
Chị nên biết là không ai có thể xác định được con số của các thiên sứ. Trong số muôn vàn thiên sứ, Kinh Thánh có nhắc đến vài vị xem ra có danh tánh riêng, tựa như Micael, Raphael, Gabriel. Nhưng các chú giải Kinh Thánh cũng hoài nghi, không chắc có phải là tên riêng hay chỉ là biệt hiệu nhằm diễn tả một sứ vụ của họ.
Theo nguyên gốc Do Thái, Micael có nghĩa là “ai bằng Thiên Chúa?”, được nói tới trong Cựu Ước ớ sách Đaniel (10,13), quen được giải thích là vị lãnh đạo các thiên sứ để đương đầu với Satan (Khải Huyền 12,7-12).
Raphael theo nguyên ngữ, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu chữa”, và xuất hiện trong sách ông Tobit.
Gabriel có nghĩa là “người của Thiên Chúa” cũng được nói tới ở sách Đaniel (8,16; 9,21-22) và cách riêng trong Tin Mừng theo Thánh Luca, khi tả lại cảnh truyền tin cho ông Dacaria và cho Đức Maria (Lc 1,19.26). Chính vì thế mà trước đây, phụng vụ đã dành ra ba ngày để kính ba vị: Micael (29 tháng 9), Raphael (24 tháng 10), và Gabriel (24 tháng 3). Với cuộc cải tổ phụng vụ sau Công Đồng Vaticanô II, chỉ còn một ngày kính chung cả ba vị, (có lẽ tại vì không phải là ba vị khác nhau nhưng chỉ là ba sứ vụ).
Như đã nói trên đây, Kinh Thánh gọi các vị là thiên thần (hay thiên sứ) chứ chẳng phải là “tổng thiên sứ”. Và theo sách Đaniel (10,21; 12,1) Micael cũng được coi là thiên thần hộ thủ, không phải là của một cá nhân mà thôi nhưng là hộ thủ của toàn thể dân Chúa.
Mãi đến cuối thời Tân Ước, lá thư của Giuđa (câu 9) mới gọi Micael là tổng thiên sứ. Sang thời các giáo phụ, một tác giả vô danh sống thế kỷ VI, dưới danh nghĩa là Điônisiô, mới bày ra thuyết về 9 phẩm thiên thần trong tác phẩm De Caelesti Hierarchia (Phẩm Trật Trên Trời). Dựa theo mô hình của tiến trình hướng về sự toàn thiện (gồm có ba chặng: thanh luyện, soi sáng và hoàn bị), ông chia các thiên sứ thành 3 cấp và mỗi cấp gồm ba đẳng. Từ đó nhân ra thành 9 đẳng, quen gọi là 9 phẩm thiên thần, tương tự với cửu phẩm trong hàng triều thần đời xưa.
Ông Điônisiô đặt đẳng thấp nhất là các thiên thần và đẳng cao nhất là thần Kêrubim. Lần lượt đi từ dưới lên, ông bắt đầu với các thiên thần, với nhiệm vụ gìn giữ loài người (quen gọi là thiên thần hộ thủ). Cấp thứ hai là các tổng thiên thần mà chúng ta đã biết danh tánh (Micael, Raphael, Gabriel), được ủy thác vài sứ vụ quan trọng. Cấp thứ ba được gọi là Lãnh thần (Principatus) thống lãnh điều khiển các dân tộc. Cấp thứ bốn mang danh là Quyền thần (Potestates) giao tranh với ma quỷ. Cấp thứ năm được gọi là Dũng lực (Virtutes) bởi dũng cảm thi hành những việc diệu kỳ. Cấp sáu mang danh là Quản thần (Dominationes) quản trị vũ trụ. Ba cấp cuối cùng là: thứ bảy, các Bệ thần (Throni) nổi về trí hiểu; thứ tám, các Sêraphim nổi bật về sốt mến; thứ chín, các Kêrubim rạng rỡ ánh sáng bởi vì sát với toà Chúa.
Hai cấp ở dưới cùng (thiên thần và tổng thiên thần) thì dễ hiểu rồi. Hai cấp cao nhất (Sêraphim và Kêrubim) thì dựa theo Kinh Thánh như sẽ nói sau. Còn danh xưng của 5 cấp độ còn lại thì lấy ở các thư của Thánh Phaolô gửi Colosê (1,16; 2,10.15) và Ephêsô (1,21; 3,10; 6,12). Duy có điều là trong các thư của Thánh Phaolô, các danh từ ấy ám chỉ các quyền lực chống lại Thiên Chúa và đàn áp các tín hữu.
Dường như Thánh Phaolô lấy các từ ngữ này từ văn chương khải huyền Do Thái thời đó, ám chỉ các quyền lực thống trị vũ trụ. Thánh tông đồ đã du nhập các từ ngữ đó nhưng thêm rằng các quyền lực đã bị Đức Kitô chế ngự rồi, vì thế các tín hữu không còn phải sợ hãi gì nữa!
Còn ông Điônisiô thì rửa tội cho chúng, và biến thành các đẳng thiên thần, phụ tá cho Thiên Chúa trong việc điều hành vũ trụ. Nên biết là trước đây các kinh Tiền Tụng trong Thánh Lễ có nhắc đến các phẩm trật thiên thần trong khúc kết thúc; nhưng với Sách lễ sau Công Đồng Vaticanô II thì họ đã bị loại. Lý do có lẽ vì chức vụ của các vị không được rõ ràng cho lắm.
Theo mô hình của ông Điônisiô, các cấp thiên thần thuộc hạ đẳng và trung đẳng thì phải phụ trách việc quản trị vũ trụ; còn các cấp thượng đẳng thì phục vụ toà Chúa. Dù sao theo ông ta, càng gần toà Chúa bao nhiêu thì các thiên sứ càng nhận được nhiều ánh sáng và lửa mến bấy nhiêu. Vì thế mà ông đặt hai cấp Sêraphim và Kêrubim ở cấp 8 và cấp 9.
Kinh Thánh có một lần nói tới các Sêraphim ở sách ngôn sứ Isaia, chương 6. Nên biết là Sêraphim không phải là tên của một cá nhân mà là của một đoàn ngũ (ở số nhiều).
Khi kể lại việc được Chúa kêu gọi làm ngôn sứ, ông Isaia thuật lại thị kiến được thấy trong đền thờ: Thiên Chúa ngự trên toà cao, với các sêraphim vây quanh, miệng không ngừng chúc tụng “Thánh, thánh, thánh”. Một vị đã mang một cuc than đỏ đến thanh luyện môi miệng ông để ông xứng đáng công bố lời Chúa.
Từ quang cảnh này, người ta đã rút ra hai biểu tượng về Sêraphim. Biểu tượng thứ nhất, khá quen thuộc ở Việt Nam, áp dụng cho các ca đoàn, ca hát chúc tụng Chúa. Biểu tượng thứ hai là lòng sốt mến, dựa theo nguyên ngữ trong tiếng Do Thái (serap) có nghĩa là đốt cháy, bừng cháy. Các tu sĩ dòng Phanxicô quen áp dụng nghĩa này cho thánh tổ phụ. Dù sao, cần nhấn mạnh rằng sêraphim ám chỉ một phẩm (một đẳng) thiên thần chứ không là một cá nhân. Vì thế nếu phụng vụ không dành lễ kính chỉ cũng chẳng lạ gì.
Các Kêrubim được nhắc tới nhiều lần trong Kinh Thánh. Danh xưng Kêrubim gốc từ tiếng babilon karibu (kẻ cầu nguyện, chuyển cầu, chúc tụng).
Nguồn gốc của nó từ miền Cận Đông, ám chỉ các thần linh nửa người nửa thú (đầu người, thân sư tử, chân bò, cánh đại bàng; như ông Edekiel tả lại ở chương 1). Các tác giả Kinh Thánh đã du nhập từ ngữ này để ám chỉ các cận thần hầu bên nhan Chúa.
Ta thấy một kêrubim xuất hiện ở đầu Sách Sáng Thế (3,23) đứng gác ngoài vườn địa đàng, ngăn cản không cho nguyên tổ được đụng tới cây trường sinh. Tuy nhiên vai trò của các kêrubim trở nên quen thuộc với dân Do Thái từ khi ông Môsê cho phép đúc 2 tượng kêrubim bằng vàng đặt ở đầu của hòm bia. Chính từ đó mà Thiên Chúa đã ban sấm ngôn (Xh 25,18-22; 37,7; Ds 7,89). Vì thế mà có thành ngữ “Thiên Chúa ngự trên các Kêrubim” (1Sam 4,4; 2 Sam 6,2; Is 37,16).
Đến khi vua Salomon xây cất đền thờ tại Giêrusalem, ông cũng duy trì tập tục đó, tạc hai tượng Kêrubim bằng gỗ ôliu chạm vàng, đứng hai bên cạnh hòm bia, phủ cánh che rợp hòm bia (1V 6 23-28). Sang Tân Ước, ta thấy sách Khải Huyền (5,14; 19,4) lấy lại hình ảnh các Kêrubim, và trao cho trách vụ ca hát chúc tụng Thiên Chúa. Họ chiêm ngưỡng nhan Chúa.
Tóm lại, đang khi mà nhiều dân miền Cận Đông tôn kính các Kêrubim như là thần linh tối cao, thì Kinh Thánh đã du nhập hình ảnh Kêrubim, và đồng thời đã biến đổi chúng, không coi đó là thần linh tối cao mà chỉ là cận thần của Thiên Chúa.
Thiên Chúa được hình dung như hoàng đế ngự trong cung điện, với triều thần hầu cận. Đó là nói trong Cựu Ước. Còn các tác giả tu Đức Kitô Giáo, khi chú giải các đẳng trật thiên thần dựa theo mô hình của ông Điônisiô, thì nhấn mạnh rằng khi càng tiến trên thánh thiện, càng gần gũi với Thiên Chúa, thì con người càng được tăng thêm lửa sốt mến (Sêraphim) và sự hiểu biết về Người (Kêrubim). Nên biết là các hoạ sĩ vẽ các Sêraphim mặc áo đỏ (tượng trưng cho lửa sốt mến), còn các Kêrubim mặc áo xanh dương (tượng trưng của trời cao).
Trước khi đi thẳng vào các câu hỏi vừa nêu, thiết tưởng chúng ta nên lưu ý về từ ngữ và hình thù của ma quỷ.
Chúng ta mang trong đầu nhiều bức tranh vẽ ma quỷ như là một con thú đen đủi, có cánh có đuôi, thè cái lưỡi đỏ lòm, thấy mà tởm! Nhưng trong tiếng Việt, có lẽ ma quỷ không có xấu xí dữ dằn như vậy đâu. Nếu tôi không lầm “ma” chỉ có nghĩa là hồn của người chết (cái thây ma). Từ đó chúng ta đi đưa đám ma.
Còn tiếng “quỷ” có lẽ chỉ muốn nói tới tính cách nhanh nhảu, ranh mãnh; nó có ý nghĩa xấu khi đi kèm với “quyệt” (quỷ quyệt). Dù sao, có lẽ cổ nhân không sợ hãi ma quỷ cho lắm. Chúng nó chỉ nghịch ngợm phá phách chơi, chứ không làm hại ai cả: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”.
Đó là bàn về từ ngữ ở trong Việt ngữ, và tôi xin thú nhận là không được rành cho lắm. Bây giờ bước sang từ ngữ trong Kinh Thánh.
Trong tiếng Do Thái của Cựu Ước, Satan chỉ có nghĩa là người “tố cáo”, “đối thủ” (theo nghĩa chính trị hay quân sự). Khi dịch sang tiếng Hy Lạp, từ Satan được chuyển nghĩa là diabolos, có nghĩa là thù địch, người tố cáo, hay là người quyến rũ, phân ly.
Chúng ta nên lưu ý là trong Kinh Thánh, không phải lúc nào Satan cũng có nghĩa xấu. Như vừa mới nói, Satan chỉ có nghĩa là người tố cáo hay là đối phương. Trong những bản văn cổ điển của Cựu Ước, Satan không phải là đối thủ của Thiên Chúa mà chỉ là đối thủ của loài người. Thậm chí, có thể nói được là hắn đóng vai trò công an mật vụ, đi dò xét công ăn việc làm của người thế để về bá cáo với Thiên Chúa như chúng ta đọc thấy trong sách của ông Gióp (chương 1, câu 6-12; chương 3 câu 17), hay là sách Dakaria (chương 3, câu 1-3).
Chúng ta phải phân biệt: Luxipher là một tên có trong Kinh Thánh, nhưng mà không phải ám chỉ ma quỷ. Trong tiếng La Tinh, Luxipher có nghĩa là “người mang ánh sáng”, và được dùng để dịch tiếng “Sao Mai” áp dụng cho vua Babylon, dựa theo sách Isaia (chương 14 câu 12). Về sau, các giáo phụ áp dụng cho tướng quỷ, khi giải thích sự sa ngã của nó, đó là vì thấy mình sáng láng (Lucifer: mang ánh sáng) cho nên đâm ra kiêu ngạo.
Xin lỗi chị, tôi chưa thể trả lời ngay được, bởi vì cần phải bổ túc thêm về vấn đề từ ngữ đã. Như đã nói, Satan tự nó chỉ có nghĩa là “đối thủ”. Trong những tác phẩm cổ điển của Cựu Ước, Satan chỉ có nghĩa là đối thủ của con người.
Vào những thế kỷ cuối của thời Cựu Ước và bước sang Tân Ước thì Satan ám chỉ đối thủ của Thiên Chúa, và như vậy mang nghĩa xấu. Hắn cám dỗ con người phạm tội, chống lại Thiên Chúa. Satan trở thành biểu tượng của Sự Dữ. Và Đức Kitô đã đến đương đầu với nó, đập tan những ảnh hưởng ác ôn của nó, đặc biệt là tội lỗi và sự chết.
Nhờ Thập Giá và Phục Sinh, Đức Kitô đã giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết, nghĩa là đã đập tan thế lực của Satan. Như vậy, khi muốn tìm hiểu nguồn gốc của Satan, cần phải xác định: chúng ta hiểu Satan theo nghĩa nào? Hiểu theo nghĩa là đối thủ của con người, hay là theo nghĩa đối thủ của cả Thiên Chúa nữa?
Chúng ta nên biết rằng Kinh Thánh không phải là một pho bách khoa từ điển, trong đó chúng ta có thể lục lọi tìm thấy tất cả các chi tiết liên can tới mọi sự trên trời dưới đất này. Có thể ví Kinh Thánh như là một cuốn chuyện tình, mối tình giữa Thiên Chúa và nhân loại. Trọng tâm của Kinh Thánh là mối tình đó; còn những chuyện khác thì không đếm xỉa tới. Vì thế, ai tò mò đi lật Kinh Thánh để tra cứu xem Thiên Chúa dựng lên Hỏa Tinh lúc nào, và có loài sinh vật nào trên đó hay không, thì họ sẽ tốn thời giờ uổng công.
Từ tiền đề đó, chúng ta phải thú nhận rằng không thể biết được Satan đã được tạo dựng vào lúc nào, cũng như chúng ta không biết được các thiên thần đã được tạo dựng vào lúc nào. Dù sao, chúng ta đừng nên quên rằng các tác giả Cựu Ước có một quan niệm về Thiên Chúa hơi khác với chúng ta ngày nay.
Thời xưa, bất cứ cái gì dù tốt dù xấu cũng là do Chúa làm hết: giặc giã, bệnh tật, dịch tễ, tất cả đều do Chúa gửi đến, để phạt con người. Vi thế không lạ gì mà kể cả Satan cũng do Chúa sai đến để mà thử thách dò xét con người, để xem chúng trung thành với Chúa đến đâu.
Câu hỏi này vừa dễ vừa khó trả lời. Nó dễ trả lời theo nghĩa là Thiên Chúa không thể nào dựng lên một đối thủ của mình được. Thiên Chúa là sự Thiện tuyệt đối. Thiên Chúa không thể nào dựng lên sự Ác được. Nếu Thiên Chúa tốt lành mà lại dựng nên sự Ác thì chẳng khác nào tự hủy diệt mình.
Nhưng đến đây, chúng ta lại thấy câu trả lời trở nên khó khăn. Nếu Satan không do Chúa tạo dựng thì do ai dựng lên? Lịch sử thần học đã ghi nhận ba câu trả lời khác nhau.
1/ Câu trả lời thứ nhất của phái Nhị Nguyên. Nhị nguyên có nghĩa là hai nguyên ủy. Ngay từ muôn thuở, đã có hai nguyên ủy Thiện với Ác đối lập với nhau. Ta gọi Thiên Chúa là nguyên ủy của sự Thiện; còn Satan là nguyên ủy của sự Ác. Hai nguyên ủy ấy là đầu mối của mọi sự Thiện và Ác ở trên đời này. Loài người chúng ta là nạn nhân của cuộc giao tranh giữa hai lực lượng đó, và như tục ngữ đã nói: “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Thuyết Nhị Nguyên bắt đầu từ Ba tư, và đã ảnh hưởng trên các thuyết Manikê thời các giáo phụ, thuyết Albigensê thời Trung Cổ.
2/ Câu trả lời thứ hai thì chối phăng sự hiện hữu của ma quỷ. Theo họ, ma quỷ chỉ là hình ảnh biểu tượng của sự dữ. Sự dữ không phải là một thực thể hiện hữu, nhưng nó nằm ở trong chính lòng dạ của con người. Chính con người phạm tội, và là đầu mối của mọi sự gian ác trên đời này: bóc lột, hận thù, chiến tranh, vv. Con người cần phải lãnh trách nhiệm của mình chứ không nên đổ tội cho ma quỷ, bởi chẳng có quỷ ma nào hết.
Phải nhận rằng, thuyết này có phần đúng của nó, và các nhà chú giải Kinh Thánh cũng gặp khó khăn khi đứng trước một vài đoạn Kinh Thánh. Một thí dụ cụ thể là quyển sách ông Gióp. Ngày nay các nhà chú giải xếp nó vào loại sách Khôn Ngoan, chứ không phải vào loại sách lịch sử. Nói khác đi, ông Gióp không phải là một nhân vật lịch sử, nhưng chỉ là một nhân vật điển hình suy tư về nguồn gốc của đau khổ trên đời này. Tác phẩm không thuộc thể văn lịch sử, vì vậy mà vai trò của Satan xuất hiện ở những chương đầu cuốn sách cũng chỉ là nhân vật văn chương mà thôi.
3/ Học thuyết thứ ba cho rằng Thiên Chúa không dựng nên ma quỷ. Thiên Chúa chỉ dựng nên các thiên thần tốt lành. Nhưng do sự sa ngã, các thiên thần đã trở thành ma quỷ.
Đây là giáo huấn của Hội Thánh, được định tín tại Công Đồng Lateranô IV (năm 1215), chống lại thuyết Nhị Nguyên của nhóm Albigensê. Công đồng không đi xa hơn. Thế nhưng, các nhà thần học cũng như nhân dân ưa tò mò, muốn biết thêm các thiên thần đã phạm tội gì vậy. Thời các giáo phụ, đã có người cho rằng họ phạm tội dâm dục, ra như đây là tội nàykhủng khiếp nhất trên đời này. Tuy nhiên, từ thế kỷ IV trở đi, các giáo phụ đều nhất trí rằng họ đã phạm tội kiêu ngạo. Nhưng mà kiêu ngạo như thế nào? Đến đây, các nhà thần học lại đưa ra nhiều ý kiến. Có người cho rằng Lucifer thấy mình sáng láng quá cho nên đâm ra kiêu ngạo, không chịu phục tùng Thiên Chúa, và đã lôi kéo một số đồng nghiệp theo mình. Trên đây, tôi đã nói với chị là tên Lucifer được dùng trong Cựu Ước để ám chỉ vua Babylon, chứ chẳng phải là tướng quỷ nào hết. Một ý kiến nữa thì cho rằng khi Thiên Chúa ngỏ ý cho Ngôi Hai xuống thế làm người, thì một số thiên thần đã nổi lên phản đối, bởi vì như vậy họ phải phụng thờ một con người, thuộc hàng thấp kém hơn họ.
Thực ra, như chị có thể đoán được, tất cả đều là giả thuyết, chứ không dựa trên bằng cớ nào hết, và Giáo Hội cũng chẳng tuyên bố gì về điều này. Thiết tưởng, có một điều đáng cho chúng ta phải suy nghĩ hơn, đó là: tại sao các thiên thần lại có thể sa ngã phạm tội được? Loài người chúng ta phạm tội là tại vì u mê dốt nát, không biết đâu là đường ngay nẻo chính, vì thế mà đâm ra làm bậy. Còn các thiên thần thông minh sáng suốt, đã biết rõ đâu là sự thực, đâu là hạnh phúc chân chính, thế mà còn phạm tội được thì qủa thực là lạ!
Dù sao, đây là cả một mầu nhiệm của tự do, mà Thiên Chúa đã muốn tôn trọng. Người tôn trọng ý chí tự do của thiên thần, cũng như Người tôn trọng ý chí tự do của con người, kể cả tự do khước từ Đấng đã dựng nên mình.
Tóm lại, Thiên Chúa không dựng nên ma quỷ, nhưng Người chỉ dựng nên thiên thần, và vì tội lỗi, họ trở thành ma quỷ. Nhưng chúng ta không thể nào biết được Thiên Chúa đã dựng nên các thiên thần lúc nào. Mặt khác, chúng ta cũng đừng trút tất cả trách nhiệm cho ma quỷ; đừng đổ tội cho ma quỷ về những hành vi xấu xa mà chúng ta đã làm. Không phải trăm tội tại qủy đâu. Tội bắt nguồn ngay từ thâm tâm ích kỷ của chúng ta.
Chúng ta nên phân biệt hai khía cạnh. Thứ nhất là sự kiện Đức Mẹ hiện ra. Thứ hai là nội dung sứ điệp.
Về khía cạnh thứ nhất thì chỉ có giáo quyền mới trả lời được; và thường là họ không trả lời. Chị cứ tưởng tượng là hằng năm Bộ Giáo Lý Đức Tin nhận được bá cáo là có cả hằng trăm vụ gọi là Đức Mẹ hiện ra đây đó, nhưng trong suốt thế kỷ XX này, con số được nhìn nhận không quá 10 ngón tay.
Về khía cạnh thứ hai, nội dung sứ điệp về chuyện ma quỷ trở lại, thì vấn đề không phải là mới nghe nói tới. Nó đã được Origen nói tới từ thế kỷ III, và bị Công Đồng Constantinopolis kết án năm 543. Từ đó không ai nhắc tới nữa. Điều đó khiến chúng tôi ngạc nhiên khi nói tới mạc khải của Đức Mẹ về vấn đề này: không hiểu có phải Đức Mẹ nói hay không, hay là người nào đó nổi hứng lên và gán cho Đức Mẹ.
Tưởng nên biết là Origène là một nhà thần học rất nổi tiếng, sinh khoảng năm 185 và qua đời vào năm 254. Các tác phẩm của ông viết ra đã gây ra những cuộc tranh luận suốt miền Trung Đông thời đó: người theo cũng nhiều mà người chống thì cũng không thiếu.
Như đã nói trên đây, thuyết ma quỷ trở lại bị Công Đồng Constantinopolis năm 543 lên án, nghĩa là non 300 năm sau khi tác giả qua đời. Hiểu là ảnh hưởng và dư âm của ông rất mạnh. Trong công đồng, có tới 9 điểm của học thuyết Origène bị lên án.
Đại khái, ta có thể nói căn bản của thuyết này phảng phất tư tưởng những kiếp luân hồi của Plato. Các linh hồn đã được dựng nên từ nguyên thủy, và sau đó vì phạm tội nên bị đày vào thân xác để đền tội, cho đến khi nào hết tội thì rồi lại trở về thiên đình. Ma quỷ cũng vậy. Lúc đầu, quỷ là các thiên thần, sau đó phạm tội nên trở thành ma quỷ. Nhưng sau cùng, họ sẽ ăn năn trở về với Chúa.
Như vừa nói, có lẽ điểm chính mà thuyết Origène bị lên án ở chỗ quan niệm luân hồi: linh hồn con người cũng như thiên thần có thể tiếp tục đầu thai hoài hoài để đền tội, cho đến khi nào sạch tội thì thôi. Dĩ nhiên, quan niệm này khá phổ thông tại những nơi chịu ảnh hưởng của Ấn Giáo và Phật Giáo; nhưng nó không phù hợp với đức tin Công Giáo.
Đức tin Công Giáo dạy rằng mỗi người chỉ có một kiếp sống; và sau khi chết rồi thì con người sẽ lãnh phần thưởng hay hình phạt đời đời, chứ không có cơ hội khác nữa để lập công chuộc tội nữa đâu.
Nên biết là bao nhiêu điều chúng ta thường hay nghe nói về thiên thần ma quỷ là do các nhà thần học hay óc tưởng tượng bình dân thêu dệt lên chứ không thuộc về đức tin đâu.
Đức tin Công Giáo về thiên thần và ma quỷ, được công đồng Latêranô IV năm 1215, tóm lại trong đôi ba điều sau đây:
1) Thứ nhất, các thiên thần là loài thụ tạo; họ không phải tự hữu như Thiên Chúa. Tuy nhiên nên lưu ý rằng đức tin không có nói Chúa dựng nên các thiên thần lúc nào, trước khi tạo dựng vũ trụ vật chất hay cùng lúc với việc tạo dựng.
2) Thứ hai ma quỷ là các thiên thần đã sa ngã. Điều này hàm ngụ rằng ma quỷ cũng là thụ tạo; như vậy chống lại với những thuyết Nhị Nguyên chủ trương có Thần lành và Thần dữ chuyên đối kháng nhau, và cùng ngang hàng, độc lập. Đức tin Công Giáo thì chỉ nhìn nhận chỉ có một Thiên Chúa tốt lành, Người là Đấng Tạo Hóa toàn năng, không có gì thoát khỏi sự kiểm soát của Người, kể cả ma quỷ. Nhưng nói thế không có nghĩa là Người đã dựng nên ma quỷ. Thiên Chúa đã dựng nên các thiên thần tốt lành. Nhưng vì sa ngã mà họ trở thành ma quỷ.
Giáo Hội không nói gì hết. Thế nhưng đầu óc tò mò của con người không chịu dừng lại trước bức tường im lặng đó. Một số giáo phụ đã dựa vào văn chương của Do Thái Giáo (sách gọi là ngụy thư Henoch), để cắt nghĩa tội của các thiên thần như là tội tà dâm: mấy ông sứ giả nhà trời đi công cán xuống trần thấy gái đẹp rồi mê nên phạm tội dâm dục và tỏ lộ bí mật thiên đình. Coi ngớ ngẩn như vậy, nhưng thuyết này đã được chấp nhận cả hàng thế kỷ.
Sang thế kỷ IV, sau khi khám phá ra sách Enoch là ngụy thư, các giáo phụ mới giải thích cách khác: tội các thiên thần hệ tại sự kiêu ngạo, chống lại Thiên Chúa. Thế nào là kiêu ngạo? Trải qua lịch sử ít là đã có 4 cách giải thích khác nhau:
1) Lucifer, thủ lãnh các thiên thần muốn tôn mình làm Thiên Chúa, mà một số thiên thần khác chạy theo. (Đây là thuyết của hai thánh Bênađô và Pêtrô Lombarđô).
2) Lucifer, thủ lãnh các thiên thần, ra lệnh cho các thiên thần khác phải suy phục mình; tuy đa số chống lại thái độ hống hách độc tài đó, nhưng một thiểu số bị mê hoặc đã nghe theo (thuyết của hai thánh Albertô cả, Bonaventura):
3) Thiên Chúa hé mở cho các thiên thần biết Ngôi Hai xuống thế làm người. Hay biết như vậy, một số phản loạn vì phải thờ lạy Thiên Chúa làm người, một loài ở dưới các thiên thần. (Thuyết của Suarez).
4) Các thiên thần muốn đạt được hạnh phúc bằng sức riêng của mình chứ không cần nhờ ơn Chúa (thuyết của Thánh Tôma Aquinô).
Tuy nhiên, cần nhắc lại lần nữa là đó chỉ là các giả thuyết của các nhà thần học, chứ Kinh Thánh và đức tin Công Giáo không nói gì hết về nguồn gốc và bản chất của sự sa ngã của các thiên thần hết.
Đúng là khó hiểu thật: loài người chúng mình mê muội nên không biết lòng khoan nhân của Chúa để mà ăn năn, chứ các thiên thần khôn ngoan sáng suốt nên không hiểu tại sao mà họ không chịu quay về với Chúa.
Dĩ nhiên, có thể nghĩ rằng trăm sự tại kiêu ngạo mà ra cả: chính họ phạm tội kiêu ngạo nên phản loạn chống lại Chúa; và rồi cũng chính tội kiêu ngạo đã làm ngăn cản họ trở về với Chúa. Nhưng Thánh Tôma Aquinô đưa ra lời giải thích dựa trên bản chất của ý chí của các thiên thần như sau.
Ý chí đi theo Trí tuệ. Trí tuệ của con người chúng ta không có nhận thấy chân lý một cách trực tiếp, nhưng đi từ từ qua những chuỗi lý luận. Vì thế mà lý trí của con người có lúc tiến lúc thoái, suy đi nghĩ lại. Hậu nhiên ý chí của con người cũng nhiều lúc dùng dằng, khi thì ưng khi thì không ưng nữa. Chính vì bản chất hay thay đổi như vậy mà con người có cơ hội để chỗi dậy sau khi sa ngã.
Các thiên thần thì khác: họ nhìn thấy sự thật cách trực tiếp, và do đó ý chí dán chặt vào đó luôn, như đinh đóng cột, không thể thay lòng đổi dạ nữa. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại đây là một lối giải thích thần học, chứ không thuộc về đức tin.
Origène nói rằng Chúa Giêsu có chuộc tội cho ma quỷ nữa. Nhưng thuyết của ông bị Công Đồng Constantinopolis bác bỏ. Thực ra, Kinh Thánh không có nói gì về vấn đề này hết.
Nãy giờ tôi đã nhiều lần nói đi nói lại là rất nhiều điều mà chúng ta thường bàn về ma quỷ là do giả thuyết thần học, chứ Kinh Thánh hoàn toàn im lặng. Dĩ nhiên là có người sẽ đặt lên câu hỏi: tại sao Kinh Thánh im tiếng? Câu trả lời gọn nhất là như thế này: Kinh Thánh không phải là bộ bách khoa từ điển, trong đó ta có thể tìm thấy đáp số cho hết mọi điều trí óc tò mò muốn biết. Không phải như vậy, chúng ta đừng nên quan niệm Kinh Thánh như kiểu kho sấm Trạng Trình.
Mục tiêu chính của Kinh Thánh là thuật lại lịch sử của mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người, tương quan mà ta gọi là giao ước, từ khởi đầu và hướng tới cánh chung. Đó là trọng tâm. Còn những chuyện khác thì chỉ được nói tới cách gián tiếp. Trong các chuyện gián tiếp ấy ta phải xếp các ma quỷ. Kinh Thánh nói tới ma quỷ như những tên khủng bố phá hoại cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với con người; từ đó Kinh Thánh kêu gọi ta cảnh giác tuy đồng thời cũng xác quyết rằng Thiên Chúa luôn ở bên ta. Kinh Thánh nói cho ta biết rằng có những tên quỷ ác ôn như vậy đó, nhưng không muốn đi sâu vào nguồn gốc của chúng, lực lượng của chúng, vân vân.
Còn câu hỏi về việc Chúa Giêsu xuống hỏa ngục, thì có lẽ là do sự hiểu lầm ngôn ngữ. Nguyên tiếng La Tinh trong bản kinh tin kính quen gọi là của “12 thánh tông đồ” đọc là “descendit ad inferos”, được chuyển sang tiếng Pháp là “il est descendu aux enfers”. “Enfer” ở đây không phải là hỏa ngục, cũng chẳng phải là “ngục tổ tông” như bản kinh Tin Kính tiếng Việt trước đây. Inferi chỉ có nghĩa là “miền hạ”, hay là ở dưới thấp.
Theo hình ảnh vũ trụ học cổ truyền của Do Thái cũng như của nhiều dân trên thế giới, thì vũ trụ được chia làm ba tầng: tầng trên (tầng trời, trời cao, thượng giới) là nơi dành cho Chúa và các thần thánh; tầng giữa, chính là mặt đất này, nơi chúng ta cư ngụ và sinh sống; tầng dưới (dưới đất), là nơi dành cho người chết, hay những loài ác quỷ.
Theo quan niệm Do Thái, khi chết rồi con người sẽ xuống nơi gọi là sheol (tiếng Việt có người dịch là âm ti). Đó là nơi tối tăm, bị quên lãng. Dĩ nhiên, người Do Thái không coi rằng khi con người đã chết thì không còn gì. Mặt khác, họ cũng không quan niệm rằng xác thì tan rữa còn hồn thì bất tử, bởi vì người Do Thái không có quan niệm về sự phân biệt hồn xác rõ rệt như người Hy Lạp. Vì vậy, sau khi chết rồi, con người vẫn tiếp tục một kiếp sống nào đó, nói được là thoi thóp thôi, cho tới khi nào mà quyền năng Chúa cho sống lại.
Trong bối cảnh ấy, nói rằng Đức Giêsu xuống “inferi”, không phải là xuống hỏa ngục, nhưng mà là xuống vùng dưới. Nói thế có nghĩa là Người đã chấp nhận thân phận của con người, đã chết thật. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, Người đã nếm mùi chết để rồi chiến thắng sự chết, không những cho cá nhân Người mà còn cho toàn thể chúng ta, như sách Giáo Lý Công Giáo nói ở số 632-637. Hiểu như vậy, tất nhiên không thể có chuyện Chúa Giêsu xuống hỏa ngục để cứu ma quỷ!