Trong kinh nghiệm hàng ngày, chúng ta thấy không có cảm tình gì với những người nóng giận. Khi ai nổi cơn nóng giận thì không còn làm chủ được các cảm xúc của mình, như tục ngữ đã nói: “No mất ngon giận mất khôn”, và rồi từ đó sẽ có những phản ứng dữ tợn.
Ngược lại, người đức độ thì điềm đạm bình tĩnh, không thay đổi sắc mặt, dù cho tình thế bi đát thế nào chăng nữa. Tuy vậy cũng nên ghi nhận là cũng có người lại nghĩ khác. Họ cho rằng sự nóng giận biểu lộ oai phong của họ. Vì thế để chứng tỏ quyền hành, họ đập bàn đập ghế, la lối nạt nộ, để cho thiên hạ sợ vía của họ. Sự nóng giận của họ là một phương thế thị uy.
Chúng ta thấy rằng Kinh Thánh có nhiều lần nói đến việc Chúa nóng giận, nhưng không phải vì không kiềm chế được cảm xúc hoặc vì muốn thị võ dương oai. Cơn giận được coi như sự phát biểu của công bằng, nhưng dần dần được hướng về chỗ yêu thương. Nói cách khác, chúng ta thấy có sự tiến triển trong quan điểm của mạc khải về cơn giận của Chúa.
Chúng ta đừng nên quên rằng các tác giả của Kinh Thánh là những con người chịu ảnh hưởng của những nền văn hóa cụ thể. Họ diễn tả Thiên Chúa dựa theo những hình ảnh tư tưởng văn chương của thời đại. Và một điểm chung giữa văn chương của Kinh Thánh với nhiều tôn giáo cổ thời là họ hình dung các thiên tai như là cơn giận dữ của ông Trời khi thấy con người vi phạm luật lệ luân lý.
Thí dụ sấm sét được hình dung như thiên lôi, tiếng nói của trời quở trách trừng phạt con người tội lỗi. Trong bối cảnh ấy, chúng ta đọc thấy trong Cựu Ước nhiều trang mô tả những thiên tai (từ hạn hán lụt lội, dịch tễ, và nhất là chết chóc) như biểu lộ của cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống cá nhân hay một tập thể nào đã lỗi luật.
Chúng ta có thể trưng dẫn một đoạn văn điển hình sau đây, trích từ Isaia (30,27-33): “cơn giận của Chúa cháy bừng như lửa, nộ khí của Người đè nặng sinh linh, môi Người trào phẫn nộ, lưỡi Người như lửa thiêu.. Chúa sẽ cho nghe tiếng oai nghiêm của Người, và cho thấy cánh tay Người đè nặng trong cơn thịnh nộ, trong ngọn lửa thiêu, trong sấm chớp bão bùng, trong mưa rào mưa đá”.
Những đoạn văn tương tự có thể đọc thấy nhiều lần trong các sách Cựu Ước, và dĩ nhiên là không thể nào hiểu theo nghĩa đen được. Lý do là vì không có ai trông thấy nét mặt bừng bừng của Chúa, môi miệng qúat tháo của Người. Tác giả chỉ hiểu theo nghĩa bóng là các tai ương được ví như hình phạt mà Chúa giáng xuống trên người tội lỗi, dù đó là cá nhân hay một tập thể.
Như đã nói, văn chương bình dân của nhiều dân tộc đã hình dung các thiên tai như là hình phạt mà Trời giáng xuống khi con người bất tuân lệnh của Người. Nhưng dần dần các tác giả Kinh Thánh đi xa hơn lối hình dung ấy.
Một đàng họ muốn cho thấy Chúa không có nổi giận kiểu như con người đâu, nghĩa là Thiên Chúa không lên cơn thịnh nộ bởi vì bị chúng ta khiêu khích khi chúng ta bất tuân lệnh của Người! Điều này chỉ xảy ra đối với con người mà thôi, khi mà họ không kiềm chế được cảm xúc của mình.
Đàng khác, các ngôn sứ muốn nêu bật rằng Chúa không giận chỉ vì thấy luật lệ không được tôn trọng, và cần phải trừng trị kẻ vị pham luật pháp, nhưng cơn giận của Người đượm thắm tình thương.
Sự khác biệt giữa giận theo công bằng và giận theo tình yêu nằm ở chỗ tìm hiểu ý nghĩa của hình phạt mà cơn giận biểu lộ.
Hình phạt theo công bằng nhằm lập lại trật tự đã bị xáo trộn. Đây là ý nghĩa của các chế độ trừng phạt trong xã hội loài người.
Còn hình phạt theo tình yêu thì nhằm cải hoán tội nhân, muốn cho họ sửa đổi cải thiện. Các ngôn sứ Cựu Ước đã phát triển tư tưởng này. Thiên Chúa phạt dân Israel không phải vì muốn trút cơn lôi đình cho hả giận, nhưng bởi vì Người quá yêu họ. Người đã ký kết một giao ước với Israel. Khi Israel không tôn trọng giao ước thì Người giận không phải giống như tâm trạng của một kẻ bị phản bội tình yêu, nhưng nhất là vì thấy Israel đang lao đầu vào chỗ chết.
Các ngôn sứ giải thích hình phạt như là tiếng cảnh tỉnh nhằm giúp cho Israel biết trở về con đường sống. Chúa phạt Israel không phải chỉ giận dữ nó nhưng mà vì quá yêu nó, mong cho nó trở về đường ngay nẻo chính. Có thể ví cách nôm na với câu tục ngữ “thương con cho roi cho vọt”.
Có chứ. Một điểm quan trọng của Tân Ước là Thiên Chúa đã biểu lộ khuôn mặt của Người nơi Đức Giêsu. Phúc Âm có lần ghi lại cảnh giận của Đức Giêsu. Thực vậy, Đức Giêsu không phải là một nhà quân tử mặt lạnh như tiền, không có phản ứng, không có cảm xúc.
Chúng ta đã chứng kiến cảnh Người khóc trước mồ của ông bạn Ladarô. Chúng ta đã chứng kiến cảnh Người khóc khi thấy trước cảnh tàn phá Giêrusalem. Một cách tương tự như vậy, Người đã quở mắng ma quỷ, xua đuổi chúng ra khỏi thế giới. Người đã giận khi thấy luật của Thiên Chúa bị vi phạm, chẳng hạn như khi thấy đền thờ trở thành nơi buôn bán họp chợ thì Người đã lấy dây thừng làm roi xua đuổi lật đổ các gian hàng.
Tuy nhiên, phản ứng của Người không phải do tính bồng bột thúc đẩy, nhưng Người làm chủ được tình hình và đã giải thích được lý do hành động của mình. Dù sao, một điểm mới của sứ mạng của Đức Giêsu ở chỗ Người đặt tình thương của Thiên Chúa làm trọng tâm của các bài giảng. Chúng ta chỉ cần so sánh bài giảng của Người với bài giảng của ông Gioan Tẩy giả thì đủ rõ.
Ông Gioan loan báo rằng thời Đấng Mêsia sẽ là thời của lửa thiêu đốt dành cho những kẻ tội lỗi. Nhưng Đức Giêsu khi đến gần các người tội lỗi (chẳng hạn như các người thu thuế chuyên bóc lột dân lành, các cô gái mãi dâm) để mang tình thương của Thiên Chúa cho họ. Người bộc lộ tâm tình của Thiên Chúa, Đấng vui sướng vì thấy người con lạc đường trở về, chứ không phải là Đấng hả giận vì đã trừng phạt kẻ tội lỗi.
Chúng ta nên phân biệt sự tiến triển của các giai đoạn mặc khải. Như đã nói trên đây, quan niệm bình dân cho rằng nếu mà chúng ta lỗi luật ông Trời thì ông Trời sẽ nổi giận phạt liền.
Các ngôn sứ tiến lên một cấp để cho thấy Thiên Chúa không phạt con người cho hả giận, nhưng vì yêu thương con người và muốn cho nó sửa mình. Hình phạt mang tính cách giáo hóa hơn là trừng trị.
Đức Giêsu tiến thêm một cấp nữa, khi nhấn mạnh rằng Thiên Chúa là người cha muốn cho con mình trở về nhà chứ không phải là một thẩm phán thích xét xử các tội tình. Nhưng sứ điệp của Đức Giêsu không phải chỉ có thế.
Điều mới mẻ của công trình của Đức Giêsu được đào sâu hơn ở nơi Phúc Âm Thánh Gioan và các thư Thánh Phaolô. Cho đến nay dù cho hình phạt được trình bày dưới khía cạnh công bằng hay dưới khía cạnh tình thương, thì trọng tâm vẫn nhắm khuyến khích con người hãy cố gắng trung thành với luật của Chúa.
Thánh Gioan và Thánh Phaolô tiến thêm một bước nữa khi nói rằng trong tiến trình của con người trở về với Thiên Chúa, Đức Giêsu đã tình nguyện đồng hành với con người. Đức Kitô biểu lộ tình thương của Thiên Chúa dành cho con người. Đồng thời Đức Kitô cũng đồng hóa với con người để đáp lại tình thương của Thiên Chúa.
Theo Thánh Gioan, Đức Kitô được ví như chiên hiến tế đền tội thay cho con người. Còn nơi Thánh Phaolô, Đức Kitô xuất hiện như Đấng đến để cất đi sự nghĩa nộ của Thiên Chúa mà con người đã gây ra do tội lỗi. Tư tưởng này được trình bày đặc biệt ở trong lá thư gửi giáo đoàn Rôma (chương 1, câu18; chương 3 câu 21-26).
Không phải là nói bậy, nhưng cần phải dè dặt hơn. Một đàng, chúng ta cần phải vượt lên vài quan điểm sai lầm về sự giải thích các hiện tượng thiên nhiên.
Trước đây, các thiên tai (hạn hán, lũ lụt, mất mùa, dịch tễ) đều được giải thích như là ông Trời trút cơn lôi đình xuống trần gian để phạt con người. Ngày nay, chúng ta không nên gắn liền các tai ương với tội lỗi cách đơn giản như vậy được nữa. Nguyên nhân của chúng rất là phức tạp. Chúng ta không thể nào giải thích cơn lụt lội hàng năm tại Bangladesh như là hình phạt trời giáng cho đám dân này; lý do là vì không chắc gì họ đã phạm nhiều tội hơn là dân Hoa Kỳ.
Đàng khác, tuy Thiên Chúa từ bi nhân hậu nhưng không vì thế mà không còn hình phạt. Thiên Chúa không ưa thích sự trừng phạt con người. Người cũng chẳng muốn trừng phạt con người cho hả giận hay để thị uy. Hình phạt là hậu quả do chính con người tự chọn cho mình mà thôi. Chẳng hạn như nếu tôi cầm dao chặt tay tôi thì tay tôi bị cụt không phải tại vì Trời phạt mà là vì do tôi gây ra.
Thiên Chúa sẽ không đày ải người nào xuống hỏa ngục hết, và Người cũng chẳng hả hê gì khi thấy con người bị trừng phạt đời đời. Hình phạt hỏa ngục là do chính con người tự ý chọn lựa, khi mà nó cương quyết khước từ Thiên Chúa, không muốn đón nhận tình yêu của Người, không muốn đội trời chung với Người.
Một khi con người khước từ Thiên Chúa thì cũng đương nhiên khước từ chia sẻ hạnh phúc với Người. Và con người sẽ lãnh nhận những hậu quả của sự lựa chọn ngông cuồng của mình, chứ Chúa chẳng cần phải nổi cơn thịnh nộ trừng phạt con người.
Phúc Âm Thánh Gioan đã nói rất rõ ở chương 3, câu 17-21 và ở chương 12 câu 47-48, đó là: Thiên Chúa sẽ không xét xử lên án ai hết; chính chúng ta tự xét xử lên án mình, bằng chính quyết định đón nhận hay khước từ Người mà thôi.
Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy Thiên Chúa đã chọn một dân tộc và đã ký kết một giao ước đối với họ.
“Giao ước là gì”? Thoạt tiên, mọi sự xem ra đơn sơ dễ hiểu: giao ước là một thứ cam kết giữa Thiên Chúa với dân Israel. Thế nhưng, khi phân tích cách thức thiết lập giao ước, các sử gia đưa ra nhiều giả thiết: phải chăng đây chỉ là một thứ hợp đồng mà ta gặp thấy trong bất cứ bộ dân luật nào, hay là một thể văn đặc biệt?
Theo nhiều học giả, giao ước là một hình thức kết ước, lấy khuôn mẫu từ các hiệp ước (hiệp định, thỏa ước) của dân Hitti (tk XV-XIII trước Công Nguyên) hoặc của dân Assyria (tk VIII- VII trước Công Nguyên). Nói chung, giao ước được thiết lập với một cộng đoàn, chứ không phải với cá nhân.
Tuy nhiên, không phải tất cả các sử gia đều chấp nhận rằng giao ước nói trong Kinh Thánh đã lấy khuôn mẫu từ các thỏa ước quân sự vừa kể, bởi vì bên cạnh khái niệm giao ước song phương (foedus), còn có hình thức đơn phương, dưới hình thức cam kết, thề hứa. Chính vì thế mà bản dịch Kinh Thánh ra tiếng La Tinh đã dịch là testamentum, (nói nôm na là di chúc), nhằm phát biểu tính cách này.
Nói cách khác, trong Kinh Thánh, ta thấy có hai hình thức giao ước: đơn phương và song phương. Trong hình thức đơn phương, Thiên Chúa tự ý hứa một điều gì đó, và không đòi hỏi sự đáp trả; còn trong hình thức song phương, thì Thiên Chúa đặt điều kiện: Thiên Chúa hứa cho dân Israel một điều gì và dân tình nguyện chấp nhận. Bản giao ước còn kèm thêm vài điều kiện thi hành: nếu Israel tuân hành thì sẽ được những điều này; nếu họ không tuân hành, thì họ sẽ chịu những hệ quả như thế này.
Đúng thế. Tuy nhiên, nếu ai muốn phân tích nội dung của giao ước thì sẽ thấy khá phức tạp. Một đàng ta thấy hình thức này kéo dài từ chương 5 đến hết chương 28, nghĩa là hầu như trọn cuốn sách Đệ Nhị Luật; đàng khác, ta thấy hình thức ngắn hơn, từ chương 19 đến 24 của sách Xuất Hành.
Tuy nhiên, ngoài giao ước trên núi Sinai vào thời ông Mosê, Kinh Thánh còn nói đến nhiều giao ước khác nữa, trước và sau ông Mosê.
Đi ngược lại về trước, ta thấy nói đến giao ước với ông Noe (sách Sáng Thế, chương 9), với ông Abraham (sách Sáng Thế ở chương 15,18 và chương 17,4). Sau thời ông Mosê, chúng ta thấy nói đến việc ký kết giao ước với ông Giosuê (sách Gs chương 24), với vua Đavit (quyển 2 Samuel 23,1-7; Tv 89,27-38). Sau cùng, các ngôn sứ cũng loan báo giao ước mới (Gr31,31-33) vào thời cuối.
Và Tân Ước nhìn thấy việc thiết lập giao ước mới và vĩnh cửu nơi thập giá, được diễn lại trong bí tích Thánh Thể (Mt 26,28; Mc 14,24; Lc 22,20; 1Cr 11,25; xc Dt 9,15). Thiết tưởng không nên bỏ qua một chi tiết khác là sách Tông Đồ Công Vụ đã đặt biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống vào dịp lễ Ngũ Tuần, khi người Do Thái mừng kỷ niệm việc thiết lập giao ước Sinai: xem ra tác giả Luca muốn cho thấy rằng việc trao ban Thánh Thần đánh dấu giao ước mới mà các ngôn sứ Giêremia và Edekiel đã loan báo: một giao ước không khắc trên bia đá nhưng là trong con tim của mỗi người.
Có tác giả còn muốn bắt đầu sớm hơn nữa, nghĩa là kể từ khi có loài người, mà chúng ta đọc thấy ở chương 2 của sách Sáng Thế. Tuy nhiên ở đây, tác giả Sách Thánh không sử dụng thuật ngữ “giao ước”. Trái lại, khi bước sang chương 9 của sách Sáng Thế, thuật lại chuyện thời ông Noe, thì danh từ “giao ước” xuất hiện 7 lần (ở các câu 9.11.12.13.15.16.17). Giao ước này được đặt tên là “giao ước vĩnh cửu” (câu 16), “phổ quát” (cho muôn thế hệ : câu 12).
Các học giả đã đặt ra nhiều câu hỏi: tại sao dân Israel vẫn hãnh diện rằng trong tất cả mọi dân trên thế giới, họ đã được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt bằng việc thiết lập giao ước, một biến cố độc nhất vô nhị, mà lại còn nói đến một thứ giao ước với hết mọi dân nữa? Ắt phải có dụng ý thần học gì đây.
Nên lưu ý là bản văn này đã được viết từ mấy chục thế kỷ nay rồi, nhưng mà vào thế kỷ XX, các nhà thần học mới bắt đầu để ý đến, khi muốn đi tìm một nền tảng thần học về các tôn giáo trên thế giới.
Xưa nay, người ta coi rằng các tôn giáo là đồ mê tín dị đoan, thậm chí là sản phẩm của ma quỷ, vì thế cần phải tiêu diệt đi. Thiên Chúa chỉ cứu rỗi con người qua giao ước với Israel và với Hội Thánh mà thôi. Nhưng khi đọc lại Kinh Thánh, người ta thấy rằng các tôn giáo chứa đựng nhiều yếu tố tích cực. Tôn giáo biểu lộ tâm tình tự nhiên của con người trước mặt Đấng Tạo Hóa, qua việc thờ phượng và tuân giữ các mệnh lệnh luân lý. Nếu ai sống theo lương tâm thì chắc sẽ được Chúa cứu độ. Và thần học Công Giáo đã tìm thấy nơi giao ước với ông Noe một dấu chỉ quý báu. Tuy Thiên Chúa đã ký kết một giao ước với dân Israel nhưng Người không bỏ rơi các dân tộc khác. Tất cả mọi dân tộc đều được Người chăm sóc. Điều này cũng có nghĩa là tất cả mọi dân tộc đều có thể được hưởng ơn cứu độ.
Xin trả lời rằng: vừa đúng vừa không. Đúng, theo nghĩa là các bản văn Huấn Quyền trước công đồng và thậm chí của công đồng (chẳng hạn như Hiến Chế Về Mạc Khải) không đả động gì đến giao ước với ông Noe. Mãi đến khi biên soạn sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, thì mới thấy xuất hiện một đoạn về giao ước với ông Noe.
Nhưng cũng phải nói rằng Không đúng, bởi vì đã có người nói từ xưa rồi. Thật vậy, chính người Israel đã nhận ra điều đó. Theo truyền thống của các rabbi, Thiên Chúa đã ban cho ông Mosen 10 điều răn ( Mười lời), nhưng Người cũng ban cho ông Noe bảy mệnh lệnh (con số 7 tượng trưng cho đầy đủ) dành cho các dân tộc : 1/ cấm thờ ngẫu tượng; 2/ cấm lộng ngôn phạm thượng; 3/ cấm đổ máu; 4/ cấm tà dâm; 5/ cấm trộm cắp; 6/ cấm ăn thịt tươi; 7/ phải thiết lập hệ thống luật lệ.
Ta thấy dư âm của các bản luật này ở nơi quyết nghị của “Công Đồng Giêrusalem” bàn về kỷ luật dành cho Dân Ngoại trở lại Kitô Giáo: họ phải kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm (Cv 15,20.29). Hơn thế nữa, Thánh Irênê đã nói đến bốn giao ước mà Thiên Chúa dành cho loài người: với ông Ađam, ông Noe, ông Mosê, Đức Kitô (Adversus haereses, 3.11.8). Giao ước nói lên mối quan tâm của Thiên Chúa đối với sự cứu độ con người. Người cung cấp cho họ những phương thế cần thiết để được cứu độ.
Đúng vậy, Thiên Chúa cứu chúng ta vì yêu thương chúng ta, chứ không phải vì chúng ta có quyền lợi gì để yêu sách, ngoại trừ yêu cầu Người hãy biểu lộ bản tính là yêu thương. Tuy vậy, dưới một mặt khác, Chúa cũng đặt ra một điều kiện rất đơn giản cho con người, đó là đón nhận tình yêu của Người. Nếu chúng ta khước từ tình yêu của Người thì chúng ta phải nhận lấy hệ quả của sự khước từ ấy.
Chúng ta nên phân biệt giữa nội dung và hình thức. Xét về nội dung, thì giao ước mang tính đơn phương. Xét về hình thức, thì các tác giả Kinh Thánh sử dụng các phạm trù pháp lý đương thời để diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người. Một mô hình dựa theo ngôn ngữ chính trị, đó là hiệp ước giữa một đế quốc với một nước chư hầu. Đế quốc hứa sẽ bảo vệ chư hầu, với điều kiện là chư hầu phải trung thành với đế quốc.
Một mô hình khác lấy từ đời sống gia đình, nghĩa là hôn ước: vợ chồng phải chung thuỷ với nhau. Thế nhưng, việc áp dụng các mô hình ấy đều mang tính tương đối, bởi vì tuy dù Israel có bất trung, nhưng Thiên Chúa vẫn trung tín với lời hứa của mình.
Đây là ngôn ngữ lấy từ nghi thức thiết lập giao ước thời xưa, và mang nhiều ý nghĩa khác nhau trải qua dòng thời gian.
Các dân du mục dùng máu để kết ước (hút lấy máu được chích ra, hoặc trộn lẫn nhau) như biểu hiệu của sự đồng tâm nhất trí (tựa như tục “uống máu ăn thề” lưu hành ở nước ta thời xưa). Xem ra việc ký kết giao ước Sinai phản ánh tục lệ đó (xem Sách Xuất Hành 24,3-8; 29,20-21).
Tuy nhiên, một nghi thức phổ thông là cùng nhau ăn bữa tiệc như là dấu hiệu của sự đoàn kết hợp nhất (St 26,28-30; 31,46.54; Gs 9,14).
Nghi thức kết ước giữa Thiên Chúa với ông Abraham (St 15,7-10.12.17.18) dựa theo một tục lệ khác: người ta xẻ đôi các con vật ra, rồi xếp thành hai dãy, ở giữa để một lối cho người kết ước đi ngang. Nghi thức này xem ra muốn nói rằng ai phản bội lời thề thì sẽ bị phân thây xé xác vậy.
Dù sao, chúng ta thấy trong các nghi thức kết ước của người Do Thái hai yếu tố sẽ được Tân Ước nhắc đến trong bí tích Thánh Thể: bữa tiệc và máu. Trên núi Sinai, sau khi nghe ông Mosê đọc giao ước, dân Israel đã chấp nhận giao ước qua một lời tuyên hứa, và ông Mô-sê đã rảy trên toàn dân máu của bò đã được sát tế làm hy tế (Xh 24,3-11). Nghi thức dường như muốn diễn tả sự thông hiệp sự sống: Thiên Chúa muốn truyền thông sự sống cho dân Israel, chấp nhận họ vào dòng tộc máu mủ với Người. Điều này được xác nhận qua bữa tiệc giữa Thiên Chúa với các đại biểu của dân (Xh 24,12-18).
Lời chúc tụng “Thánh thánh thánh” được trích từ đoạn văn Isaia chương 6, câu 2-3, mô tả một thị kiến trong đền thờ: Thiên Chúa hiện ra với ông Isaia như là một hoàng đế lâm triều, ngự trên ngai, và các thần Sêraphim tung hô: “Thánh thánh thánh, Đức Chúa các đạo binh là Đấng thánh. Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa”.
Ngay từ thế kỷ thứ nhất, lời chúc tụng này đã được du nhập vào phụng vụ Kitô Giáo như chúng ta thấy vết tích nơi sách Khải Huyền, chương 4 câu 8. Nguyên ngữ của cụm từ “Chúa các đạo binh” trong tiếng Hipri là “Yahweh Sabaoth”. Từ ngữ này xuất hiện 279 lần trong Cựu Ước.
“Thiên Chúa các đạo binh” có nghĩa là gì? Các tác giả đưa ra ít là ba lối giải thích:
Thứ nhất, “Chúa các đạo binh” có nghĩa Chúa của quân lực Israel. Trong quan niệm cổ thời, mỗi dân tộc đều có một vị thần che chở. Vì thế trong các cuộc chiến đấu để bảo vệ quê hương hay để chiếm thêm đất đai, người ta cầu khẩn vị thần, xin người đích thân chỉ huy đạo quân nhà. Dĩ nhiên, các cuộc chiến thắng đều được quy cho Người, nghĩa là nhờ có Người mà quân ta đã thắng. Còn nếu mà thua trận thì người ta giải thích là hoặc tại vì thần giận dữ, bỏ rơi quân ta, hoặc tại vì thần của mình yếu thế, không địch nổi với thần chỉ huy đạo quân của đối phương.
Chúng ta có thể thấy tư tưởng này ở sách 1 Samuel (4,4), khi mà Israel kiệu hòm bia thánh được đặt tại điện Silô (hòm bia giao ước của Đức Chúa các đạo binh) trong cuộc chiến với người Philitinh. Lúc đầu, sự hiện diện của hòm bia đã tăng thêm tinh thần chiến đấu cho Israel; nhưng tiếc rằng họ bị mất hòm bia và sự thất trận được giải thích như bị Chúa bỏ rơi.
Ý kiến thứ hai cho rằng “đạo binh” ở đây không phải là quân lực Israel, nhưng là đạo binh thiên quốc. Người ta hình dung rằng Thiên Chúa có một đạo binh ở trên trời: Người được ví như Ngọc hoàng, cũng có triều đình và quân lực. Vì thế mà khi cần giao tranh với các lực lượng đối nghịch, thì Người sẽ sai đạo binh thiên quốc đến chấp hành kế hoạch.
Nói khác đi, đạo binh thiên quốc chính là các thiên sứ. Tư tưởng này có lẽ chịu ảnh hưởng của văn hóa Babylon, như đọc thấy trong các ngôn sứ sau thời lưu đày, và còn phảng phất nơi Tân Ước khi Chúa Giêsu nói với ông Simon Phêrô trong vườn Cây Dầu: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần!” (Mt 26,52-53).
Sau cùng, ý kiến thứ ba cho rằng “đạo binh” ở đây hiểu theo nghĩa bóng, tức là các tinh tú trên trời. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, thống lĩnh mọi lực lượng trên trời dưới đất, mây mưa sấm chớp, vv. Hiểu như vậy cho nên bản văn phụng vụ tiếng Pháp dịch là “Chúa của vũ trụ” (Dieu de l’univers). Bản dịch tiếng Italia, Tây Ban Nha cũng vậy.
Đúng có một phần thôi. Phần đầu “trời đất đầy vinh quang Chúa” thì dịch sát với nguyên bản La Tinh. “Trời và đất” trong tiếng Do Thái có nghĩa là toàn thể thụ tạo. Trời đất đầy vinh quang Chúa, bởi vì chúng biểu lộ sự hiện diện và các ưu phẩm của Người; vì thế mọi loài được mời gọi để chúc tụng Người.
Câu tiếp theo thì dịch không sát chữ, bởi vì nguyên bản là “hoan hô trên chốn cao thẳm” (in excelsis) chứ không phải là “trên các tầng trời”; nhưng ý nghĩa cũng như nhau.
Trong Kinh Thánh, tiếng “Trời” được hiểu theo nhiều nghĩa. Dù sao, chúng ta đừng quên rằng Kinh Thánh được viết cho những người sống trong một nền văn hóa bình dân, khi mà các khoa học về thiên văn và vũ trụ chưa phát triển như thời nay.
Người thời cổ quan niệm vũ trụ cách đơn giản như thế này: loài người sống trên mặt đất; mặt đất được bao phủ ở trên bằng cái vòm, với các hành tinh soi chiếu cũng như những kho dự trữ nước mưa và gió; ở dưới đất có những hồ và hố (nghĩa là vực thẳm, đôi khi cũng gọi là âm phủ).
Dần dần, với sự tiến triển của sự quan sát và suy luận, những cách hình dung về trời càng lúc càng trở nên phức tạp hơn. Có khi người ta quan niệm trời như cái mái của đất, vì thế có bốn cái cột để chống đỡ cho khỏi sụp. Nhưng có khi người ta quan niệm trời giống như một thế giới khác, gồm có nhiều tầng (các tầng trời), và nhất là gồm những cư dân thuộc loài cao cấp, chẳng hạn như các thiên thần.
Tiến thêm một bước nữa, người ta hình dung thế giới trên trời là cả một tổ chức tinh vi toàn hảo gấp mấy lần hạ giới này, bởi vì trời là nước của Đấng Tạo Hóa: người là Vua trên trời, là Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Có chỗ trùng hợp nhưng có chỗ không trùng hợp. Trùng hợp ở chỗ không phải riêng gì tại Á đông mà nhiều dân tộc khác trên thế giới hình dung Trời là nơi Chúa ngự (Chúa ngự trên chốn thiên đình), và thậm chí họ coi Trời là một thần linh. Từ đó mà ta thấy có những từ ngữ như là: “mặt trời” (cái mặt của trời), màu “da trời”; hoặc lời kêu cầu: “Trời ơi!”.
Tuy nhiên cũng có chỗ khác biệt. Sự khác biệt chính yếu ở chỗ tác giả Kinh Thánh coi Trời là thụ tạo, nghĩa là do Chúa dựng nên. Nói khác đi, trời không phải là Chúa mà chỉ là tác phẩm do Người dựng nên.
Theo các học giả, điều này nhằm bài trừ tục lệ thờ mặt trời, mặt trăng hoặc các tinh tú, rất thịnh hành ở miền Trung Đông. Kinh Thánh nhấn mạnh rằng các tinh tú chẳng phải là thần linh gì hết; chúng chỉ là “đèn trời” được dựng nên để soi sáng trái đất mà thôi.
Có. Chúa Trời được hiểu theo ít là hai nghĩa.
1/ Nghĩa thứ nhất: Người là Chúa trời bởi vì như vừa nói, Người đã dựng nên trời đất, và Người làm chủ trời đất. Ta tạm gọi đây là nghĩa triết lý.
2/ Nghĩa thứ hai: Chúa Trời được hình dung Đấng ngự ở trên trời cao. Đây là một lối hình dung bình dân. Loài người chúng ta ở hạ giới, còn Thiên Chúa ngự trên trời (thiên giới), Người là Vua trên trời. Quan niệm bình dân hình dung Người như một Hoàng Đế (Thượng Đế, Thiên Hoàng) với cung điện, quần thần (quen gọi là các thiên thần). Từ ngữ “Thiên Chúa các đạo binh” thành hình trong bối cảnh đó. Dĩ nhiên, điều này giả thiết một nền văn hóa với tổ chức xã hội quy củ.
Thực vậy, theo các sử gia, vào những chặng đầu của lịch sử dân Do Thái, khi họ còn sống trong trạng thái du mục, thì họ hình dung Thiên Chúa như Chúa của bộ tộc, Chúa của tổ tiên, vị thần luôn che chở bảo vệ họ.
Sang đến giai đoạn lập quốc, họ mới hình dung Thiên Chúa như là Vua, bảo đảm công lý, bênh vực người nghèo, trừng phạt kẻ phạm pháp. Dù sao đi nữa, Thiên Chúa của Israel không phải là một vị Ngọc Hoàng an toạ trên chốn cửu trùng, nhưng là một Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử của dân tộc cũng như của toàn thể nhân loại.
So sánh với Cựu Ước thì Tân Ước vừa có chỗ tiếp nối vừa có chỗ đổi mới. Chúng ta thấy sự tiếp nối ở chỗ vẫn còn duy trì tư tưởng “Chủ tể trời đất” (thí dụ như Mt 11,25), và tư tưởng “Chúa ngự trên trời” (Mt 5,35). Đổi mới ở chỗ là vị Chúa tể trời đất đồng thời cũng là “Cha”.
Trong bài giảng trên núi, chúng ta gặp thấy nhiều lần cụm từ “Cha các con, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16.45; 6,1.19; 7,11,21), đặc biệt là trong kinh Lạy Cha. Người là Cha chứ không phải là Ngọc Hoàng ngự trên chốn cao vút xa cách nhân thế. Cha trên trời chú ý săn sóc đến các con cái, thậm chí đếm cả sợi tóc trên đầu chúng ta. Như vậy, tuy ngự ở trên trời, nhưng Người rất gần gũi với chúng ta.
Một điểm đổi mới quan trọng nữa là nhờ cuộc Nhập Thể của Đức Kitô, trời và đất được nối kết với nhau. Đức Kitô là Lời Thiên Chúa từ trời xuống cắm lều cư ngụ ở giữa chúng ta, để đưa chúng ta lên trời với Chúa. Dĩ nhiên, ta đừng nên hiểu động từ “lên xuống” theo nghĩa vật lý hay địa lý, nhưng là theo nghĩa bóng, như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã lưu ý khi chú giải kinh Lạy Cha (các số 2794-2795).
Trời không ám chỉ một chỗ nào, một khoảng không gian nào, nhưng nó diễn tả một trạng thái hiện hữu. Thực vậy, Thiên Chúa không có thân xác: Người không ngự, không đứng, không ngồi ở một chỗ nào hết. Người vượt xa các tầng trời. Hiểu như vậy, khi nói rằng chúng ta đang trên đường lữ hành về quê trời, thì đừng nên hiểu là chúng ta đang tìm cách bắt thang vọt lên các tầng mây, nhưng nên hiểu là chúng ta được Thiên Chúa đem về chia sẻ hạnh phúc với Người.
Luôn tiện cũng nên ghi nhận rằng ở trong Tân Ước, đôi khi tiếng “trời” được dùng thay cho Thiên Chúa. Điều này khá rõ rệt ở nơi Phúc Âm theo Thánh Matthêu, khi mà cụm từ “Nước Thiên Chúa” được đổi thành “Nước trời”. Cách riêng, trong dụ ngôn về đứa con hoang đàng, Luca thuật lại lời xưng thú của chàng ta như sau: “Thưa cha, con đã phạm tội với Trời và với cha”. Câu nói được lặp lại hai lần trong trình thuật đó (Lc 15, 18.21). Con đã phạm tội “với Trời” có nghĩa là phạm tội với Chúa.