Chúng ta vừa mới bắt đầu một năm mới, và bóc một quyển lịch mới. Thường các quyển lịch bày bán ở Việt Nam đều có ghi dương lịch và âm lịch. Chúng ta thường nghe giải thích rằng dương lịch là lịch dựa theo mặt trời, còn âm lịch thì dựa theo mặt trăng. Và không thiếu lần để cho giản tiện hơn, người ta gọi dương lịch là lịch tây, còn âm lịch là lịch ta.
Tính theo dương lịch thì năm nay là 1996, còn âm lịch là Bính Tý. Đối với âm lịch, chúng ta biết rằng cách tính dựa trên sự phối hợp giữa thập can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) với thập nhị chi (Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi).
Do sự phối hợp giữa các can với các chi ta sẽ có một chu kỳ 60 năm. Thí dụ năm Bính Tý lần trước cách đây 60 năm, vào năm 1936. Còn năm dương lịch thì căn cứ vào đâu? Khởi đầu từ đâu mà chúng ta tính ra 1996 năm? Người Kitô Hữu biết rằng tính từ năm Chúa Cứu thế giáng sinh, khởi đầu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Kitô, tuy rằng ở Việt Nam để tránh né mầu sắc tôn giáo người ta gọi là “Công Nguyên”.
Làm gì có chuyện đó được! Chúa Giêsu không sinh ra như một hoàng tử trong cung điện! Người chỉ là một hài nhi con nhà nghèo ở Bêlem một thôn nhỏ bé chẳng có tiếng tăm gì. Phúc Âm không cho biết là Chúa Giêsu sinh vào năm nào. Chỉ có vài dấu chỉ để từ đó suy đoán thôi, thí dụ như vào thời Vua Hêrôđê cai trị miền Giuđê (Luca 1,5), cuộc kiểm tra dân số dưới thời Hoàng Đế Augustô (Luca 2,1-2).
Có người còn muốn đi xa hơn nữa khi họ muốn gắn liền ngôi sao xuất hiện cho các chiêm tinh bên Đông (Mt 2,1-2) với hiện tượng sao chổi xuất hiện. Tuy nhiên, xem ra các thánh sử không đặt nặng thời điểm của Chúa Giêsu sinh ra cho bằng thời điểm Người bắt đầu cuộc đời công khai. Thực vậy, ở đầu chương 3, Thánh Luca cho biết rằng Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ mạng “vào năm thứ mười lăm dưới triều Hoàng Đế Tibêriô”, và ở câu 23 Luca thêm rằng lúc đó Người trạc ba mươi tuổi.
Dĩ nhiên rồi: chỉ cần biết Hoàng Đế Tibêriô lên ngôi năm nào, rồi đi ngược lại 15 năm là biết được năm sinh của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trước khi đi vào chi tiết chúng ta nên ghi nhận cách tính niên lịch thời đó.
Thánh Luca tính theo triều đại của một hoàng đế Rôma, một phương pháp khá thịnh hành kể cả tại Việt Nam trước đây, thí dụ cho đến thế kỷ XX này, các cụ còn tính niên lịch theo triều của nhà vua; rồi sau khi chế độ quân chủ cáo chung, người ta lại tính niên hiệu từ ngày thành lập nền cộng hoà (Việt Nam Cộng Hoà năm thứ nhất, thứ hai vv).
Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo, các tín hữu sinh sống trong lãnh thổ của Đế quốc Rôma nên cũng theo cách tính niên lịch của Rôma. Người Rôma có hai niên lịch. Một đàng là dựa theo năm thành lập thành phố Rôma (ab Urbe condita), tương đương với năm 753 trước Công Nguyên; cách thứ hai là dựa theo các quan tổng tài (consul) và hoàng đế.
Sang đến thế kỷ III lại nảy ra một cách tính thứ ba nữa, đó là tính từ năm Hoàng Đế Đioclêxianô lên ngôi. Thực ra thì lúc đầu lịch này chỉ phổ biến ở miền Cận Đông, nhưng mà dần dần nó cũng lan sang các vùng khác nữa, và trở thành khá phổ thông kể cả trong Giáo Hội.
Tiếc rằng Hoàng Đế Đioclexianô là ông vua bắt đạo dữ nhất, cho nên nhiều người tín hữu không muốn nhắc tới tên của hoàng đế. Đó là lý do đưa tới việc nghĩ tới một niên lịch mới, nhất là kể từ khi Kitô Giáo không còn bị bách hại nữa nhưng trở thành quốc giáo. Sáng kiến này thành hình vào thế kỷ VI (khoảng năm 533) ở Rôma, khi một tu sĩ tên là Điônixiô bắt đầu tính niên lịch theo kỷ nguyên Kitô, nghĩa là khởi đầu từ khi Chúa Giêsu sinh ra.
Nhưng Chúa sinh ra năm nào? Lấy gì để làm mốc? Thực ra chúng ta không còn giữ được tài liệu làm việc của tu sĩ Điônixiô, nhưng đại khái có thể hình dung cách lập luận như thế này. Như đã nói trên đây, Thánh Luca cho biết Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ vào năm thứ 15 của triều Tibêriô, và lúc ấy Chúa khoảng 30 tuổi. Như vậy là Chúa sinh ra vào năm thứ 15 trước khi Tibêriô lên ngôi. Do đó, có thể lấy mốc điểm là năm lên ngôi của Hoàng Đế Tibêriô.
Hoàng Đế Tibêriô kế vị Hoàng Đế Augustô vào ngày 19 tháng 8 năm 767 theo lịch của Rôma (nghĩa là tính từ khi thành lập thành phố Rôma). Năm thứ nhất của hoàng đế tính từ tháng Giêng năm 768; trừ đi 15 năm thì ra năm 753. Như vậy Chúa Giêsu sinh ra vào ngày 25 tháng Chạp năm 753 theo lịch Rôma. Kỷ nguyên Kitô (hay Công Nguyên) bắt đầu vào ngày 1 tháng Giêng năm 754 của lịch Rôma.
Lịch Rôma không đơn giản như ta nghĩ, vì thế mà có nhiều vấn nạn đặt ra cho cách tính của tu sĩ Điônixiô, ngay từ thế kỷ VIII (do tu sĩ Bêđa bên Anh) và vào thế kỷ IX (do tu sĩ Reginô Prum bên Đức).
Vấn nạn quan trọng nhất là Vua Hêrôđê qua đời vào năm 750 của lịch Rôma, tương đương với năm thứ 4 trước Công Nguyên. Như vậy là tính sai rồi: Chúa Giêsu phải sinh ra trước khi Vua Herôt qua đời chứ, bởi vì vua đã truyền sát hại các hài nhi ở Bêlem từ 2 tuổi trở xuống mà! Do đó, tối thiểu thì Chúa Giêsu phải sinh ra trước năm thứ 4 trước Công Nguyên. Nói cách khác, tu sĩ Điônixiô tính sai khoảng 4 hay 6 năm gì đó. Sự sai lệch đó có thể giải thích được, ở chỗ tu sĩ Điônixiô có lẽ không lưu ý tới cách tính lịch của Rôma và lối hành văn của Thánh Luca.
1/ Xét về cách tính lịch của Rôma, thì nên biết có hai lối để tính khởi điểm của triều Hoàng Đế Tibêriô. Lối tính thông thường hơn cả là bắt đầu kể từ khi Vua Augustô băng hà và Tibêriô lên kế vị, vào năm 767 như đã nói trên. Nhưng mà có nơi khác thì niên hiệu khởi đầu từ khi ông Tibêriô được đặt làm phụ quyền nhiếp chính, nghĩa là 2 năm trước đó. Như vậy là đã có thể sai lệch 2 năm rồi.
2/ Một lý do khác đưa tới sự sai lệch là Thánh Luca nói rằng Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ vào trạc 30 tuổi. Ta nên lưu ý là thánh sử không quả quyết rằng lúc ấy Chúa vừa tròn 30 tuổi, mà chỉ trạc 30: như vậy thì có thể là chưa tới 30 (27-28) mà cũng có thể là hơn một tí (32-33 gì đó).
Một số nhà chú giải nhận xét rằng số 30 chỉ có tính cách tượng trưng mà thôi. Theo họ, Cựu Ước nói tới việc ông Đavit được phong vương vào lúc 30 tuổi (2 Sam 5,4); ông Edêkiel nhân được ơn gọi ngôn sứ vào lúc 30 tuổi (Ed 1,1); ngoài ra sách Dân Số chương 4 đòi hỏi tối thiểu phải được 30 tuổi thì mới có thể được tấn phong tư tế. Do đó, rất có thể Thánh Luca không có ý kể lại tuổi thật của Chúa Giêsu cho bằng nêu bật sứ vụ công khai của Người mang tính cách của một vua, ngôn sứ và tư tế.
Dưới khía cạnh toán học, thì quả đúng như vậy, bởi vì tu sĩ Điônixiô đã tính trật đi mất 5-6 năm. Tuy nhiên, chúng ta không mừng một hiện tượng thiên văn (tựa như 2 ngàn năm sao chổi xuất hiện) nhưng mà chúng ta cử hành một biến cố lịch sử.
Biến cố Chúa giáng sinh đã khai mạc một kỷ nguyên mới trong lịch sử của loài người. Biến cố ấy đã trở thành trung tâm điểm của lịch sử nhân loại: tất cả các biến cố khác đều quy chiếu vào đó, nghĩa là dựa vào đó mà tính, hoặc là trước khi Đức Giêsu sinh ra hay là sau khi Đức Giêsu sinh ra.
Sở dĩ các Kitô Hữu đặt biến cố Đức Giêsu sinh ra làm trung tâm điểm của lịch sử là bởi vì họ tin rằng Đức Giêsu không chỉ là một vĩ nhân xuất chúng, nhưng là Thiên Chúa đã làm người, đi vào lịch sử của con người, chia sẻ kiếp sống của con người, để rồi dẫn đưa con người về với Thiên Chúa.
Ở Việt Nam, chúng ta biết là các Phật tử sử dụng một niên lịch riêng (gọi là Phật lịch) tính từ Phật đản. Nếu tôi không lầm thì năm nay là 2540 PL. Các tín đồ Hồi Giáo cũng có niên lịch riêng, khởi hành từ việc ông Mohamed phải bỏ Mecca để đi Medina, năm 622.
Dù sao, thì ngày nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng niên lịch theo kỷ nguyên Kitô. Như đã nói ở đầu, để khỏi đụng chạm, người ta gọi là “Công Nguyên”. Trên thực tế, việc áp dụng đã được tiến hành tuần tự: vào cuối thế kỷ VI tại Italia, vào thế kỷ VII tại Anh, Tây Ban Nha, Pháp. Phải chờ đến thế kỷ X thì mới phổ cập khắp Âu Châu. Luôn tiện cũng nên biết là vì muốn gắn liền biến cố Chúa giáng sinh với thời gian, cho nên vào thời Trung Cổ có vài nơi bắt đầu năm mới vào ngày 25 tháng chạp hay là 25 tháng 3. Từ thế kỷ XVI trở đi, tục lệ khởi sự đầu năm vào ngày 1/1 mới thành phổ quát.
Hồi mới vào chủng viện, tôi cũng có đặt câu hỏi như vậy. Và một giáo sư triết học đã giúp tôi tìm câu trả lời qua sự suy diễn của tam đoạn luận như sau. Cái cười là một đặc trưng của con người. Thế mà Chúa Giêsu là con người. Cho nên Người phải biết cười. Cần thêm rằng vào thời đó, Kinh Thánh chưa phải là quyển sách gối đầu giường như là từ hồi Công Đồng Vaticanô II trở về sau.
Dĩ nhiên, ngày nay, chúng ta không thể dùng cái tam đoạn luận như vậy nữa để trả lời cho câu hỏi: “có bao giờ Chúa Giêsu cười hay không?”; nhưng chúng ta phải khảo sát trong chính bản văn Thánh kinh. Tuy nhiên, thiết tưởng trước khi mở Tân Ước ra, chúng ta nên dừng lại chút xíu để tìm hiểu ý nghĩa của cái cười.
Thực vậy, có cái cười chế nhạo khinh bỉ; chúng ta sẽ bực mình khi gặp phải cái cười đó. Tục ngữ Việt Nam đã khuyên: “Cười người chớ khá cười lâu! Cười người hôm trước, hôm sau người cười”. Có cái cười vô duyên: hay cũng hì dở cũng hì.
Trong Kinh Thánh, tác giả của sách Giảng Viên (2,2; 3,4) đã nhắc nhở rằng cười phải đúng lúc thôi, kẻo mà thành rởm. Chúng ta cũng chẳng ưa thích cái cười đó! Cái cười mà chúng ta muốn thấy là cái cười tươi vui, biểu lộ tâm hồn thanh thản hồn nhiên, và ra như muốn mời mọc ta cũng chia sẻ cái vui của họ nữa. Có lẽ chúng ta muốn tìm thấy cái cười này trên môi Chúa Giêsu, chứ không phải là cái thứ cười thuộc loại châm biếm chế nhạo.
Xem ra ở trong Phúc Âm theo Thánh Luca (6,25) có lời khiển trách khá nặng như thế này: “khốn cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than!” Thực ra những lời cảnh cáo những ai cười nhạo kẻ tàn tật, cô thân không thiếu trong các sách Cựu Ước, đặc biệt là trong các sách Khôn Ngoan. Thí dụ: sách Huấn Ca 7,11: “đừng cười kẻ đang bị âu sầu; hãy nhớ rằng có Đấng nhắc lên hạ xuống”; sách Châm Ngôn 17,5: “Kẻ cười nhạo người nghèo hèn nhục mạ Đấng tạo ra nó, kẻ diễu cợt người hoạn nạn sẽ chẳng thoát khỏi hoạn nạn”. Dưới khía cạnh này thì quả là Chúa cấm cười.
Có hai ý kiến giữa các nhà chú giải Kinh Thánh về ý nghĩa của cái cười đó.
Một số người cho rằng đó là cái cười đắc thắng của người lành hả hê khi thấy quân thù phải rút lui nhục nhã. Trong các thánh vịnh, ta đã thấy tư tưởng đó rồi. Thí dụ trong Thánh Vịnh 35 (câu 15-21), một người công chính gặp hoạn nạn đã đến kể lể với Chúa vì bị quân thù nhục mạ nhạo báng mình thay vì tỏ thông cảm; nhưng Thánh Vịnh 58,11 lại nói rằng: “người công chính sẽ vui mừng thấy Chúa trả oán; họ sẽ rửa chân trong máu ác nhân”. Hình ảnh đó xem ra tởm quá!
Thánh Vịnh 52, 8-9 có vẻ thanh nhã hơn: người công chính cười khi thấy những hạnh phúc giả dối của đám ngu xuẩn (tựa như tiền bạc, quyền hành) đã tan tành ra mây khói hết. Thậm chí thánh vịnh 2,4 nói rằng Thiên Chúa cũng bật cười khi thấy bọn ngu xuẩn muốn nổi loạn chống nhà trời!
Tuy nhiên, một ý kiến khác cho rằng ở đây Chúa Giêsu không có ý nói tới cái cười khoái chí vì được trả đũa, nhưng chỉ là cái cười bộc lộ niềm vui thanh tao và bền bỉ, không bao giờ sợ mất nữa. Cái cười vì được an ủi, được một bàn tay êm ái lau khô nước mắt. Cái cười diễn tả niềm vui và hạnh phúc mà Chúa hứa cho những nghèo đói: họ được hưởng chính Chúa, cội nguồn hạnh phúc.
Tôi đã cố gắng lục lọi tìm tòi qua máy vi tính, nhưng không thấy đoạn văn nào trong Phúc Âm nói tới Chúa Giêsu cười. Tác giả của lá thư gửi người Do Thái đã viết rằng: Chúa Giêsu đã trở nên hoàn toàn giống như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi (4,25).
Thế rồi khi muốn nêu bật điều kiện con người của Chúa Giêsu, tác giả nhắc tới sự kiện là “khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc, mà dâng lời khấn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (5,7). Như vậy, tác giả nhận xét Chúa Giêsu đã tỏ ra tính con người khi khóc lóc chứ không phải là lúc cười!
Thực ra cũng nên biết là tác giả viết thư này cho một cộng đoàn tín hữu đang bị bách hại để nâng đỡ lòng tin của họ, vì thế không lạ gì mà tác giả không nói tới chuyện Chúa cười.
Tuy nhiên, mặc dù Phúc Âm không có nói tới việc Chúa cười, nhưng có những đoạn văn cho phép chúng ta tưởng tượng được khuôn mặt tươi cười của Chúa. Thực vậy, Phúc Âm không phải chỉ nói tới việc Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Cây Dầu hay phải chịu khổ hình trên thập giá, nhưng biết bao nhiêu lần còn tới tới việc Chúa đem Tin Vui đến cho đời, Người loan báo tin vui của Thiên Chúa là cha chăm sóc hết mọi người, cha vui mừng khi thấy đứa con lạc đường trở lại. Chúa Giêsu cũng đã mang niềm vui cho bao nhiêu người khi chữa lành bệnh tật cho họ, hoặc đem lại niềm vui cho bao nhiêu gia đình khi thấy thân nhân của mình được khỏi bệnh, được sống lại.
Chúng ta có thể áp dụng ở đây một lối nói đã gặp thấy ở trong Cựu Ước: khi nói rằng Chúa ban ơn cho ai thì người ta nói rằng “Chúa cười với người ấy”. Thực vậy, xưa nay, chúng ta thường mang ấn tượng là trong Cựu Ước, Thiên Chúa hiện ra dưới cảnh uy nghi rực rỡ, tựa như cảnh trên núi Sinai (sách Xuất Hành chương 19) hay là trong đền thờ mà ngôn sứ Isaia và Edekiel thuật lại!
Nhưng sách Sáng Thế có đoạn nói tới việc Chúa hiện ra và cười với bà Sara. Lúc đầu, khi nghe báo tin rằng mình sẽ có con, thì cả ông Abraham và bà Sara đều cười bởi vì tưởng Chúa nói giỡn (St 17,16; 18,12). Đến khi sinh được đứa con rồi, thì bà Sara lại nói rằng Chúa đã cười với mình, nghĩa là đã an ủi mình, đã mang lại niềm vui cho mình. Và đứa con được đặt tên là Isaac có nghĩa là “Chúa đã cười với tôi” (St 21,3-6).
Như vậy, nói rằng Chúa cười với ai thì có nghĩa là Chúa ban ơn cho người đó. Có lẽ vì vậy mà trong dân Israel, người ta đã cầu chúc cho nhau: “Nguyện xin Thiên Chúa tỏa xuống trên bạn ánh tôn nhan Người” (sách Dân Số 6,25; Tv 67,2; 4,7). Dĩ nhiên ở đây ta không hiểu là Chúa phóng tỏa sấm chớp lên người đó, nhưng mà Người tỏ nụ cười duyên với họ, ban cho họ dồi dào phúc lộc.
Thế rồi, Thánh Luca còn nói tới việc Chúa Giêsu hoan hỉ trong Thánh Thần khi dâng lời cảm tạ Chúa Cha đã mặc khải những bí nhiệm nước trời cho những bé nhỏ, đang khi lại giấu ẩn những bậc hiền triết (10,21).
Đây cũng là một kiểu nói nữa đã thấy trong Cựu Ước. Khi muốn biểu lộ niềm vui sướng, người ta nói rằng “tôi hớn hở nhảy mừng”. Đừng kể rất nhiều thánh vịnh dùng lối nói này, ta có thể trưng dẫn chính Mẹ Maria trong bài ca Magnificat: “linh hồn ngợi khen Thiên Chúa, thần trí tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu độ của tôi”. Chị hãy tưởng tượng xem khuôn mặt của Mẹ khi thốt lên những lời đó chứ?
Phúc Âm cũng nói tới việc Chúa Giêsu bị một nhóm nhi đồng tới quấn quít lấy, Người đùa giỡn với chúng. Điều đó đã khiến các môn đệ cau mày, vì xem ra Chúa chơi trò trẻ con, thiếu tư cách đạo mạo! Thế nhưng Chúa lại bênh vực các em bé ấy: “Ai không trở nên giống như các em bé ấy thì sẽ không được vào Nước trời”. Chị thử tưởng tượng nét mặt của Chúa Giêsu lúc đó, và cũng đừng nên quên khuôn mặt của các tông đồ đứng bên cạnh. Nói thế không có nghĩa là khuôn mặt các tông đồ lúc nào cũng đằng đằng sát khí đâu.
Thánh Luca (10,17) thuật lại rằng sau khi đi giảng về, các môn đệ tới khoe với Chúa vì họ thấy từng đàn ma quỷ sa xuống như sung rụng. Chúa cũng cười với họ, nhưng mà Người thêm rằng: “Các con đừng chỉ vui bởi vì thấy quỷ sợ tụi con; hãy vui hơn nữa vì tên các con đã được viết trên trời” (Lc 10,20). Hơn thế nữa, có những đoạn văn xem ra không những là Chúa mỉm cười, mà ra như Người muốn chọc cho người khác cũng cười theo.
Nhiều đoạn lắm. Chúng ta hình dung cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô về sự tái sinh. Ông hỏi Chúa: Làm thế nào mà tôi có thể chui vào bụng mẹ để sinh lại được? Chúa tủm tỉm trả lời: “Này, cụ là thầy giáo trong dân Israel, mà lại hỏi câu ngây ngô như vậy hả?”
Cũng vậy, khi ông Phêrô hỏi Người: “Con phải tha thứ bao nhiêu lần cho người xúc phạm đến con? Tới bảy lần ư?”. Chúa Giêsu ngạo ông ta: “Đâu có phải bảy lần; bảy mười lần bảy chứ!”
Cũng lại ông Thánh Phêrô, khi đòi đi trên mặt nước để tới với Chúa, và mới được có vài bước thì sợ quá té cái rụp; Chúa trêu ông: “Sao mà yếu tin quá vậy?”
Chúng ta cũng có thể tưởng tượng sự ngạc nhiên của Chúa khi đi vào làng kia, thấy ông Dakêu đang trèo lên cây; Người ngẩng lên: “Này bác ơi, xuống đi; tôi định tới thăm nhà bác đây!”
Tóm lại, tuy chúng ta không thấy trong Phúc Âm có đoạn nào nói tới Chúa Giêsu cười, nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng lúc nào sắc mặt của Người cũng hằm hằm hay là nhăn nhó. Không, chúng ta có cơ sở để nói rằng 99 phần trăm những lần gặp Người, ta thấy nét mặt của Người tươi vui, bởi vì Người sống trong tình yêu của Chúa và muốn thông đạt cho ta tình yêu đó.
Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, người ta thường đối chiếu hai giai đoạn: giai đoạn ẩn dật (kéo dài cho đến lúc 30 tuổi) và giai đoạn hoạt động công khai (chỉ vỏn vẹn có 3 năm). Từ đó, không thiếu các nhà tu đức đã rút ra một bài học về việc quý trọng sự thinh lặng chuẩn bị lâu dài nếu muốn thâu lượm kết quả trong hoạt động tông đồ.
Đến khi đi vào giai đoạn ẩn dật, người ta lại còn tách ra hai chặng với tuổi 12 làm mốc phân chia. Từ khi sinh ra đến lúc lên 12, - được gọi là tuổi thơ ấu -, Phúc Âm có cho ta biết vài chi tiết về việc sinh ra tại Bêlem, tị nạn sang Ai Cập rồi trở về Nadarét, mà ta gọi là “Phúc Âm thời thơ ấu”; còn từ sau 12 tuổi trở đi thì hoàn toàn im bặt.
Dĩ nhiên, các nhà tu đức lại có dịp thêm bài học nữa (chẳng hạn như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 533). Tuy nhiên, đang khi mà các nhà tu đức chấp nhận sự thinh lặng như là một bài học thì các nhà sử học lại coi đó như là một vấn đề. Tại sao Phúc Âm lại quá vắn tắt về tuổi thiếu thời của Đức Giêsu? Phải chăng đối với các thánh sử, tuổi thiếu thời không có gì đáng nói? Hơn thế nữa, phải chăng thuở thiếu thời của Đức Giêsu không thuộc về Phúc Âm?
Đúng thế, ai ai cũng phải trải qua thời thơ ấu rồi mới đến tuổi trưởng thành. Hơn thế nữa, những kỷ niệm buổi ấu thời in rất sâu đậm và ảnh hưởng đến suốt cuộc đời. Tục ngữ Việt Nam có câu “uốn cây từ thuở còn non, dạy con từ thuở con còn thơ ngây”: sự giáo dục uốn nắn lúc măng non sẽ để lại dấu vết cho đến khi xuống mồ.
Tuy nhiên, các học giả Kinh Thánh thì đặt vấn đề cách khác. Khi nói rằng thời thơ ấu của Đức Giêsu không thuộc về Phúc Âm, thì họ muốn ghi nhận rằng các bài giảng tiên khởi của các thánh tông đồ không bao gồm cuộc đời ẩn dật của Người.
Bằng cớ là Phúc Âm theo Thánh Marcô (được coi là bản văn cổ nhất) bắt đầu ngay với sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Phúc Âm Thánh Gioan (được coi là bản văn cuối cùng trong bốn thánh sử) cũng không đả động gì đến cuộc đời ẩn dật của Đức Giêsu. Như vậy, nếu trong bốn quyển Phúc Âm, chỉ có hai thánh sử Matthêu và Luca viết về thời thơ ấu, và hai người kia không nói gì, thì hiểu là thời thơ ấu không quan trọng cho lắm, hay cùng lắm thì chỉ quan trọng tới 50%.
Nói là “không quan trọng” thì có lẽ không được chỉnh cho lắm. Muốn chính xác hơn thì phải nói rằng tuổi thơ ấu của Đức Giêsu không thuộc về trọng tâm của Tin Mừng. Để hiểu rõ điều này, cần phải trở lại với ý nghĩa nguyên khởi của Tin Mừng.
Theo ngôn ngữ thông thường, bất cứ tin vui (hỉ tín) nào cũng có thể là Tin Mừng. Nhưng các thánh tông đồ (cách riêng là Thánh Phaolô) đã dùng từ Tin Mừng theo một nghĩa đặc biệt, đó là: Tin Mừng cứu độ. Thiên Chúa đã cứu loài người khỏi tội lỗi và sự chết nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.
Tư tưởng này có thể nhận thấy ở những câu đầu tiên của thư gửi Rôma và ở đầu chương 15 thư thứ nhất gửi Côrintô. Nói khác đi, trọng tâm của Tin Mừng (hay Phúc Âm) là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu Nadarét.
Chúng ta cũng nhận thấy nội dung tương tự nơi các bài giảng tục gọi là kerygma của các thánh tông đồ được thuật lại ở sách Tông Đồ Công Vụ. Chúng ta tạm gọi đó là Tin Mừng tiên khởi, hoặc Tin Mừng giai đoạn một. Thế nhưng, một câu hỏi sớm được gợi lên trong đầu các thính giả: vì lý do gì mà Đức Giêsu bị xử tử trên thập giá như vậy? Để trả lời cho câu hỏi này, các thánh tông đồ đã giải thích lý do cuộc kết án bằng việc thuật lại những hoạt động của Đức Giêsu, những lời giảng và việc làm của Người, mà ta gọi là “cuộc đời công khai”. Đến đây chúng ta có thể coi như đã tới giai đoạn hai của Tin Mừng, điển hình nơi Phúc Âm Thánh Marcô.
Đúng như vậy. Nhưng tiếc rằng óc tò mò hợp lý đó không được thỏa mãn hoàn toàn. Như vừa nói, Thánh Marcô và Thánh Gioan không đả động gì đến thời thơ ấu của Đức Giêsu, nhưng thậm chí Thánh Matthêu và Thánh Luca cũng chẳng hoài công đi truy lục các chi tiết chung quanh thời thơ ấu của Đức Giêsu. Thực vậy, tuy được đặt tên là “Phúc Âm thời thơ ấu” nhưng hai thánh sử không kể lại tất cả các biến cố của thời thơ ấu mà chỉ giới hạn vào lúc sinh ra. Và chủ đích của hai vị có lẽ chỉ muốn đào sâu thêm chiều kích của mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh trong cuộc đời của Đức Giêsu: thập giá đã lảng vảng ngay từ khi Người mới ra đời. Chúng ta hãy phân tích cơ cấu của mỗi thánh sử thì sẽ thấy điều đó.
Thánh Matthêu, trong suốt tác phẩm của mình, muốn chứng tỏ cho dân Do Thái rằng: Đức Giêsu là vị cứu tinh, là ông Môsê mới, nhà giải phóng dân tộc. Cũng như xưa kia ông Môsê, vừa sinh ra đã phải bỏ rơi xuống sông Nilô và được đem vào triều đình vua Ai Cập, rồi từ đó ông đã đưa dân tộc ra khỏi cảnh nô lệ và dẫn vào đất hứa, thì Đức Giêsu cũng vậy. Vừa sinh ra, Người phải lánh nạn sang Ai Cập, và rồi từ đó trở về quê hương để thực hiện cuộc giải phóng nhân loại. Hơn thế nữa, cuộc giải phóng của Đức Giêsu còn mang tính cách bi thảm bởi vì sẽ kết thúc bằng cái chết trên thập giá.
Điều này đã phảng phất ngay từ khi mới sinh: Hài Nhi Giêsu bị vua Hêrôđê truy nã vì sợ dành mất ngôi báu. Một ngày kia, Đức Giêsu sẽ bị dân tộc mình gạt bỏ và bị kết án về tội xưng mình là vua dân Do Thái. Mặt khác, tuy bị dân tộc phủ nhận nhưng Tin Mừng lại được dân ngoại đón nhận; điều này đã được tiên báo qua cảnh các đạo sĩ đến thờ lạy Hài nhi. Nhà cầm quyền chính trị và tôn giáo Israel không muốn nhọc xác đi Belem để thờ lạy Đấng Cứu Thế; đang khi mà các đạo sĩ (bị coi như là ngoại đạo vì không biết gì Kinh Thánh) thì lại đến bái yết Người.
Đúng thế, cả Thánh Matthêu lẫn Thánh Luca đều nói đến việc Đức Maria thụ thai do quyền năng Thánh Thần. Chắc hẳn đây cũng là một trong những đề tài chính của các chương đầu của hai quyển Phúc Âm thơ ấu, với điều khác biệt là Thánh Matthêu dường như nhận được tài liệu từ Thánh Giuse, còn Thánh Luca thì nhận được từ Đức Maria.
Đức Maria chiếm chỗ đứng đặc biệt trong Phúc Âm Thánh Luca. Những chi tiết liên quan đến việc Truyền Tin, thăm viếng, giáng sinh, dâng tiến đều đến tai chúng ta nhờ Thánh Luca. Một chi tiết đáng lưu ý là 2 lần Luca nói đến việc Đức Maria suy niệm (nguyên bản Hy Lạp có nghĩa là đối chiếu, nghiền ngẫm) các biến cố xảy ra cho Đức Giêsu. Nhận xét này rất quan trọng, bởi vì cho ta biết rằng Đức Maria đã lưu giữ các biến cố đó trong lòng, và sau này đã đọc lại chúng dưới ánh sáng của cuộc Tử Nạn và Phục Sinh.
Khi vừa sinh hạ Đức Giêsu, Đức Mẹ đã vấn khăn và đặt hài nhi trong máng ăn. Cử chỉ này xem ra khá tự nhiên đối với bà mẹ. Nhưng người tinh ý có thể đối chiếu với cảnh tượng mà Luca thuật lại ở chương 23, câu 53, nói về cuộc Tử Nạn của Đức Giêsu: ông Giuse Arimatêa cũng quấn khăn liệm quanh thi hài và đặt trong mồ.
Nói cách khác, cử chỉ của Đức Mẹ vào lúc Chúa Cứu thế ra đời tiên báo cái chết cứu độ của Người. Đó là nói đến sự hạ mình tột độ của Đức Kitô.
Bước sang khía cạnh vinh hiển của công trình cứu độ, nghĩa là sự Phục Sinh, người ta cũng thấy sự tiên báo từ khi mới ra đời. Thực vậy, ta thấy vào lúc Chúa sinh ra cũng như vào lúc Chúa phục sinh đều có cảnh thiên sứ hiện ra. Vai trò của thiên sứ là giải thích ý nghĩa một mầu nhiệm mà giác quan tự nhiên không thể khám phá được.
Trong đêm giáng sinh, thiên sứ hiện ra với các mục đồng và loan báo cho họ biết trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ là Đấng Cứu thế, là Đấng Kitô, là Chủ tể. Đây là những tước hiệu mà các Kitô Hữu tuyên xưng về bản tính Đức Giêsu sau cuộc Phục Sinh, như đọc thấy ở sách Tông Đồ Công Vụ chương 2,31; 5,31. Vào buổi sáng Phục Sinh, chúng ta lại thấy thiên sứ hiện ra để giải thích cho các phụ nữ lý do vì sao ngôi mộ trống; đó là tại vì Người đã sống lại (Lc 24,5), và dĩ nhiên là Người đã trút bỏ tấm khăn liệm (chương 24,12), tấm khăn liệm tượng trưng nơi tấm khăn tã mà bà mẹ bọc lúc ra đời.
Việc Đức Mẹ lạc mất và tìm gặp Con mình trong đền thờ khi lên 12 tuổi đã phá tan sự im lặng từ khi sinh ra tới lúc hoạt động công khai. Nhưng mà một lần nữa trình thuật này được ghi lại như là kết quả của sự đối chiếu suy niệm của Đức Maria. Đức Mẹ đã phải xa cách Con mình 3 ngày trước khi tìm lại được. Tại sao 3 ngày, mà không phải 2 hoặc 4? Ắt là hàm ngụ thời gian Đức Giêsu được mai táng trước khi sống lại. Ngoài ra chúng ta cũng biết rằng biến cố Tử Nạn và Phục Sinh diễn ra tại Giêrusalem, nơi Người hoàn tất công việc mà Chúa Cha đã ấn định.
Trong các tác phẩm được Hội Thánh nhìn nhận vào số quy điển thì không còn chỗ nào khác. Nhưng trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo, nhiều quyển Phúc Âm lưu hành nói đến cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu, nổi tiếng hơn cả là “Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê”, kể lại gốc tích lai lịch của Đức Maria (con ông Gioakim và bà Anna, được dâng tiến vào đền thờ khi lên 3 tuổi), và lý lịch của thánh Giuse (góa vợ).
Một tác phẩm khác mang tên là “Phúc Âm Thánh Tôma” thuật lại đời thơ ấu của Đức Giêsu, một hài nhi phi thường chuyên làm phép lạ để trả thù những bạn đồng tuổi chơi xấu. Dĩ nhiên, các tác phẩm này được viết để thỏa mãn tính hiếu kỳ, hơn là loan báo Tin Mừng cứu độ nhờ thập giá và cuộc Phục Sinh.