Thiết tưởng nên biết rằng với cuộc cải tổ lịch phụng vụ sau Công Đồng Vaticanô II, lễ kính Danh Thánh Chúa Giêsu bị bãi bỏ, nhưng gần đây, với việc phát hành Sách lễ Rôma lần thứ ba (vào tháng 2 năm 2002), thì lễ này lại được du nhập như lễ nhớ nhiệm ý.
Để tìm hiểu ý nghĩa của lễ này, chúng ta cần phân biệt ba khía cạnh. Thứ nhất là khía cạnh thần học: Danh thánh Chúa Giêsu có ý nghĩa gì? Thứ hai là khía cạnh lịch sử: lòng tôn kính Danh Thánh Chúa Giêsu trải qua thời đại. Khía cạnh thứ ba là lễ phụng vụ kính Danh Thánh Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ lần lượt đi từng điểm một.
Trong nguyên ngữ Do Thái, Giêsu - Jeshua là tiếng tắt của Jehoshua có nghĩa là “Giavê (Thiên Chúa) cứu chữa”. Theo Mt 1,21 và Lc 1,31, đây là tên mà thiên sứ truyền đặt khi Đức Maria bắt đầu mang thai.
Thực ra tên này không phải là hoàn toàn mới lạ trong lịch sử Do Thái. Trước đó nhiều người đã mang tên đó rồi, chẳng hạn như ông Giosua (hay Giosuê), người kế vị ông Môsê lãnh đạo dân tộc Israel trên đường vào Đất hứa.
Trong gia phả của Đức Giêsu được ghi lại ở Luca 3,29, ta thấy trong hàng tổ tiên cũng đã có người mang tên này. Tuy nhiên, nơi Đức Giêsu Nadarét danh hiệu này biểu lộ ý nghĩa trọn vẹn là “Thiên Chúa cứu chữa” bởi vì Người cứu nhân loại khỏi tội lỗi, đặc biệt nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh. Đức Giêsu được siêu tôn là Chúa, vì vậy khi nghe danh của Người mọi gối đều bái quỳ thờ lạy (Pl 2,10). Dù sao, danh Giêsu không chỉ gợi lên lòng tôn kính nhưng còn được kêu cầu cứu chữa. Thực vậy, chính Người đã khuyến khích các môn đệ hãy dùng danh của Người để cầu xin Chúa Cha (Ga 14,13; 15,16; 16,23): đây chẳng phải là lời bùa chú gì đâu, nhưng trong tục lệ Do Thái, tên gọi tượng trưng cho chính nhân vật mang danh đó.
Cầu nguyện nhân danh Đức Giêsu có nghĩa là chính Đức Giêsu sẽ hiện diện với các môn đệ để dẫn họ đến với Chúa Cha. Một cách tương tự như vậy, Người cũng hiện diện với các môn đệ trong bước đường truyền giáo để chuyển ban ơn cứu độ cho những ai tin vào Người nhờ lời giảng dạy (Cv 4,11-12). Vì thế các tín đồ được gọi là “Kitô Hữu” có nghĩa “thuộc về Đức Kitô”, hoặc là “những người kêu cầu danh Đức Kitô”.
Có thể nói được là lòng tôn kính Danh Thánh Chúa Giêsu đã xuất hiện ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh, như ta thấy chứng tích trong các tác phẩm của các giáo phụ, nhưng chỉ trở nên rầm rộ từ thời Trung Cổ.
Sự phát triển việc tôn kính Danh Chúa Giêsu nằm trong bối cảnh của phong trào sùng kính nhân tính của Người, chú ý đến việc chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Cứu Thế, từ lúc Nhập Thể, đến lúc Giáng Sinh, thời thơ ấu, lúc giảng đạo cũng như cuộc Thương Khó, với những cảnh tượng đau thương trên Thập Giá. Các nhà thần học và giảng thuyết đã để lại nhiều văn phẩm giải thích ý nghĩa danh Giêsu là Chúa Cứu Chuộc, và từ đó, nhiều lời kinh được sáng tác để cầu xin Người cứu chữa chúng ta khỏi tội lỗi, và các sự dữ.
Cách riêng, Thánh Bênađô dựa theo sách Diễm Ca, nói đến “Danh Người như dầu tỏa lan” để giải thích các công hiệu của việc suy gẫm và kêu cầu Danh Thánh, đó là nó có sức chiếu sáng nhờ đức tin, có sức nuôi dưỡng tinh thần mỗi khi chúng ta nhớ đến, và có sức chữa trị mỗi khi chúng ta kêu cầu. Không lạ gì mà một bài thánh thi “Jesu, dulcis memoria” được gán cho Thánh Bênađô.
Sang thế kỷ XIII, với sự ra đời của hai dòng Đaminh và Phan sinh, việc tôn kính danh Chúa Giêsu được phổ biến trong dân gian nhờ công cuộc giảng thuyết, cách riêng kể từ sau Công Đồng Lyon năm 1274. Công đồng này truyền phải tỏ lòng tôn kính đối với danh Chúa Giêsu, một cách cụ thể trong phụng vụ phải cúi đầu khi đọc danh cực trọng này.
ĐTC Grêgôriô X đã ủy thác cho Chân Phước Gioan Vercelli, tổng quyền dòng Đaminh việc chấp hành lệnh của công đồng nhờ các tu sĩ giảng thuyết và cổ động tập tục đó. Dù sao, các nhà giảng thuyết - Đaminh cũng như Phan sinh- không chỉ khuyến khích các tín hữu cúi đầu khi nghe danh thánh Giêsu, nhưng còn cổ động lòng yêu mến danh thánh qua việc khắc tên Giêsu trên thân mình, trên cửa nhà, trên các tường thành, dưới ký hiệu JHS - ba chữ đầu tiên trong tiếng Hy Lạp Jesus nhưng được tán ra tiếng La Tinh là viết tắt của “Jesus Hominum Salvator” (Giêsu cứu chuộc nhân loại). Trong số những nhà giảng thuyết thời danh phải nhắc đến Thánh Bernardinô Siena (1380-1444). Bên cạnh việc tôn kính qua cử chỉ cúi đầu hoặc khắc tên thánh, nhiều kinh đọc cũng được sáng tác, đứng đầu phải kể Kinh Cầu Kính Tên Chúa Giêsu.
Danh hiệu chính thức của Dòng này là Dòng Chúa Giêsu (Societas Jesu, viết tắt là SJ), nhưng ở Việt Nam được gọi là Dòng Tên. Lịch sử của Dòng này liên hệ mật thiết với việc tôn kính Danh Chúa Giêsu.
Thánh Inhaxiô chọn ba chữ JHS làm ấn triện cho dòng mình, và chọn ngày 1 tháng giêng làm bổn mạng của Dòng, bởi vì ngày hôm ấy, người con của Mẹ Maria chịu cắt bì và được đặt tên là Giêsu.
Ngôi nhà thờ lớn nhất của Dòng Tên tại Rôma được mang tước hiệu là nhà thờ Chúa Giêsu. Các sử gia ghi nhận rằng vào thời Cải Cách, các nhà thần học Tin Lành thích dùng tước hiệu Kitô; đối lại, các cha Dòng Tên thích nói đến Đức Giêsu.
Dù sao, chúng ta đừng nên lẫn lộn giữa Dòng Tên (Societas Jesu, trong tiếng Anh là Company of Jesus) với Hiệp Hội Kính Danh Chúa Giêsu (Confraternitas Sanctissimi Nominis Iesu), một hiệp hội giáo dân cổ động lòng sùng kính danh thánh, do các tu sĩ dòng Đaminh thành lập vào khoảng năm 1401 bên Đức, và một thế kỷ sau đó đã được truyền bá sang Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Năm 1571, hiệp hội này được ĐTC Piô V ủy thác cho dòng Đaminh điều khiển. Hội này sớm theo chân các cha truyền giáo Đaminh sang Trung Hoa, Nhật bản. Tuy nhiên, nơi mà hội phát triển mạnh mẽ nhất là Hoa Kỳ kể từ hậu bán thế kỷ XIX.
Năm 1913, ĐHY Farley ra lệnh rằng mỗi giáo xứ trong tổng giáo phận New York đều phải thành lập một chi nhánh của hiệp hội, và năm 1917, hiệp hội đã có 1 triệu rưỡi hội viên trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, và tăng lên 5 triệu vào năm 1950. Mục tiêu của hội này (Holy Name Society) không chỉ giới hạn vào việc sùng kính danh thánh Chúa Giêsu, nhưng còn tham gia vào công tác tông đồ truyền giáo qua việc truyền bá đạo lý Công Giáo nữa. Nãy giờ, chúng ta đã nói đến lòng tôn kính Danh Chúa Giêsu nơi dân gian. Bây giờ chúng ta bước sang lãnh vực phụng vụ.
Các Sách Lễ xuất bản vào thế kỷ XV đã có một thánh lễ ngoại lịch kính “danh thánh rất ngọt ngào Chúa Giêsu”, nhưng chưa xác định một ngày lễ kính Danh Chúa. Cha Bernarđinô Busti dòng Phan-sinh (1450-1513) xin ĐGH Sixtô IV và Innocentê VIII thiết lập một lễ riêng, và cha tự ý soạn bản văn phụng vụ (xuất bản tại Milan năm 1492), nhưng cha không được toại nguyện trước khi qua đời (năm 1513). Mãi đến năm 1530, Đức Clêmentê VII mới cho phép dòng Phan-sinh cử hành lễ kính Thánh Danh hằng năm vào ngày 14 tháng Giêng. Từ đó, nhiều dòng tu khác cũng xin phép Tòa Thánh được mừng lễ đó trong lịch riêng.
Non hai thế kỷ sau (vào năm 1721), do lời thỉnh cầu của hoàng đế Đức Quốc Karl VI, ĐTC Innocentê XIII mới mở rộng lễ này cho toàn thể Hội Thánh, ấn định vào Chúa Nhựt thứ hai sau lễ Hiển linh. Năm 1913, Đức Piô X chuyển sang Chúa Nhựt giữa ngày đầu năm và lễ Hiển Linh; năm nào không có thì mừng ngày 2 tháng Giêng.
Cuộc cải tổ lịch phụng vụ năm 1970 đã dẹp lễ kính danh thánh Chúa Giêsu, bởi vì cho rằng lễ này đã được nhớ đến vào ngày 1 tháng Giêng rồi, nghĩa là 8 ngày sau lễ Giáng Sinh, khi mà phụng vụ đọc đoạn Phúc Âm theo Thánh Luca “Khi Hài nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho hài nhi là Giêsu: đó là tên mà sứ thần đã đặt, trước khi Hài Nhi thành thai trong lòng mẹ” (Lc 2,21).
Tuy vậy Sách lễ Rôma vẫn duy trì một thánh lễ ngoại lịch kính Danh Thánh Giêsu. Không hiểu vì lý do gì khi Sách lễ Rôma được phát hành năm 2002 thì lại có lễ kính Danh Thánh Chúa Giêsu, được ấn định vào ngày 3 tháng Giêng (bởi vì ngày mồng 2 đã được dành kính hai thánh Basiliô và Grêgôriô Nazianzênô).
Các lời nguyện được soạn lại hoàn toàn chứ không lấy từ lễ ngoại lịch. Lời nguyện chính như sau: “Lạy Chúa, Chúa đã thiết lập ơn cứu rỗi cho nhân loại nơi Ngôi Lời của Chúa Nhập Thể, xin thương ban ơn lân tuất cho những ai kêu cầu, ngõ hầu họ nhận biết rằng không có danh nào phải kêu cầu ngoại trừ Danh của Con Một Chúa”.
Ta thấy vang lên tư tưởng của Tông Đồ Công Vụ 4,12. Lời nguyện trên lễ vật thì dựa trên Phil 2,10, khi nhắc lại rằng cũng như Đức Kitô đã vâng phục cho đến chết và được ban tặng danh hiệu mang lại ơn cứu rỗi cho mọi người, thì xin cho chúng con được hưởng nhờ công hiệu của hồng ân đó. Sau cùng, kinh nguyện tạ lễ thì xin cho tên của chúng con được viết trên trời nhờ kết hiệp với Chúa Kitô. Như vậy việc kính Tên của Chúa Kitô Đấng Cứu thế cũng mang công hiệu cho tên của chúng ta, đó là nó được viết vào sổ trường sinh trên trời.
Câu trả lời về nguồn gốc của việc kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Giáo Hội hơi phúc tạp, bởi vì việc tôn kính này đã mang nhiều hình thái khác nhau trải qua thời gian.
Chúng ta có thể tạm phân chia ra bốn giai đoạn: 1/ thứ nhất, trong kinh thánh và thời các giáo phụ. 2/ thứ hai, thời Trung Cổ. 3/ thứ ba, thế kỷ XVII. 4/ thứ bốn: trong thế kỷ XX.
Chúng ta bắt đầu từ Kinh Thánh. Điều đáng ngạc nhiên là Tân Ước (cũng như Kinh Thánh nói chung), có rất nhiều đoạn bàn về trái tim như là trung tâm của con người, đặc biệt là nơi gặp gỡ thâm sâu giữa con người với Thiên Chúa, nhưng lại rất ít khi nói đến Trái Tim Chúa Giêsu. Nói cách chính xác hơn, chỉ có một đoạn văn ở Matthêu chương 11, khi Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy đến học hỏi nơi người về đức “hiền lành và khiêm nhường trong trái tim” (câu 29).
Ngoài ra, truyền thống Kitô Giáo còn tìm thấy một đoạn văn khác, tuy không dùng danh từ “trái tim” nhưng ý tưởng rất gần gũi, đó là Tin Mừng theo Thánh Gioan chương 19, câu 34 nói đến một người lính lấy đòng đâm vào cạnh sườn của Chúa Giêsu, và lập tức máu và nước chảy ra. Các giáo phụ đã suy gẫm nhiều đến đoạn văn này, và các đấng đề cập đến cạnh sườn của Chúa Giêsu như là nguồn mạch của ân sủng: nước và máu tượng trưng cho bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thánh Thể, nơi mà con người nhận được sự thanh luyện tội lỗi và được nuôi dưỡng bằng đời sống thần linh.
Có giáo phụ thì so sánh cảnh tượng này với việc tạo dựng bà Eva từ cạnh sườn của ông Adam, để nhấn mạnh rằng Hội Thánh được sinh ra từ Đức Giêsu chịu chết trên thập giá. Từ đó, các giáo phụ mời gọi các tín hữu hãy đến gần cạnh sườn Chúa Giêsu để nhận lãnh ơn cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, chúng ta đừng quên rằng Tân Ước đầy những đoạn văn khẳng định rằng Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu này được biểu lộ qua việc trao ban Đức Giêsu cho nhân loại, để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi và chia sẻ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Một sự thay đổi quan trọng là từ thời Trung Cổ, thập giá hầu như không còn được nhìn như biểu hiệu của tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, nhưng như là biểu hiệu của sự đau khổ của Chúa Giêsu đã phải chịu vì yêu thương chúng ta. Đây là thời của các việc đi đàng thánh giá, suy gẫm cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, tôn kính các thánh tích của Chúa (gỗ thập giá, các đinh).
Dường như người ta quên đi con người của Chúa Giêsu, và chỉ chú ý đến các cơ quan của thân thể. Một cách cụ thể hơn, người ta đọc thấy những tự thuật của các nữ tu nói đến sự trao đổi con tim giữa đương sự với Chúa Giêsu. Trong số các thánh nổi tiếng vào thế kỷ XII-XIII, cần phải kể đến các nữ đan sĩ của dòng Biển Đức và Xitô, như Matilde Magdeburg, Thánh Matilde Hackenburg, Thánh Gertrude.
Trong những thế kỷ kế tiếp, chúng ta có thể thêm các nhà huyền bí thuộc gia đình Phan sinh (tựa như Angela Foligno), và gia đình Đaminh (tựa như Catarina Siena). Dĩ nhiên, cũng có nhiều nhà thần học viết các tác phẩm bàn về tình yêu của Chúa Giêsu được biểu lộ nơi trái tim, chẳng hạn như Thánh Anselmo, Thánh Benado, Thánh Bonaventura. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, sau thời kỳ phát triển từ năm 1250 đến năm 1350, phong trào kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã chìm vào quên lãng, cho đến thế kỷ XVII.
Đúng thế. Giai đoạn này khởi đi từ nước Pháp, với hai vị thánh nổi tiếng là Thánh Gioan Eudes và Thánh Margarita Maria Alacoque.
Luồng tư tưởng chính của giai đoạn này là trường phái linh đạo nước Pháp chịu ảnh hưởng của Hồng Y Berulle, chú trọng đến các trạng thái nội tại của Chúa Giêsu. Thánh Gioan Eudes (1601-1680) cổ động lòng tôn kính Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria, và xin phép giáo quyền được mừng lễ phụng vụ kính Thánh Tâm trong dòng do người sáng lập, được cử hành lần đầu tiên vào ngày 20/10/1672.
Nên lưu ý là đối với Thánh Gioan Eudes, trái tim không phải là một cơ quan của thân thể, nhưng tượng trưng cho chính sư cao quý của con người. Nói khác đi, Trái Tim Chúa Giêsu ám chỉ chính bản thân của Ngôi Lời Nhập Thể, mầu nhiệm tình yêu, nhìn trong tương quan tình yêu đối với Chúa Cha, đối với nhân loại và vũ trụ.
Thánh nữ Margarita Maria Alacoque (1648-1690) là một nữ tu dòng Thăm Viếng (do Thánh Francois de Sales lập ra). Thánh nữ đã nhận được những mặc khải của Thánh Tâm Chúa Giêsu và được ủy thác việc quảng bá lòng tôn kính qua việc đền tạ, dâng mình. Thực ra, vì là một nữ tu trong nhà kín, cho nên chị không thể nào xúc tiến việc này: sự cổ động lòng tôn kính Thánh Tâm được thực hiện nhờ cha linh hướng, Thánh Claude de la Colombière, dòng Tên. Nhiều người thường gắn liền việc tôn kính Thánh Tâm với Thánh Margarita. Tuy nhiên, nên biết là nó đã có một lịch sử lâu dài trước đó nhiều thế kỷ, và sẽ còn được biến thái trong những thế kỷ gần đây.
Thực ra, chúng ta gọi là giai đoạn bốn cho gọn, vì muốn nói đến sự tiến triển trong những thế kỷ gần đây. Sự tiến triển này khá phức tạp, với nhiều thăng trầm của nó. Hình ảnh quen thuộc về lòng tôn kính Thánh Tâm của Thánh Margarita Maria là làm việc đền tạ qua việc thờ lạy Thánh Thể, và rước lễ các ngày thứ Sáu đầu tháng.
Trong những thế kỷ gần đây, chúng ta thấy có thêm nhiều chiều hướng khác nữa, chẳng hạn như vào cuối thế kỷ XIX, Cha Léon Dehon (1843-1925) nhấn mạnh khía cạnh xã hội. Thực ra, trước đó đã có nhiều dòng tu, hội đoàn được thành lập mang danh hiệu Thánh Tâm và dấn thân vào các công tác từ thiện bác ái. Điều mới mẻ của Cha Dehon ở chỗ không chỉ trợ giúp các nhu cầu của tha nhân, nhưng còn phải đi xa hơn, đó là tìm hiểu căn nguyên của cảnh túng thiếu cơ cực, và can thiệp để xóa bỏ những căn nguyên ấy (kể cả qua các biện pháp chính trị), ngõ hầu tạo nên một xã hội công bằng huynh đệ hơn.
Cha Matheu Crawley-Boevey thúc đẩy việc tôn vương Thánh Tâm trong các gia đình. Điều đặc biệt trong thế kỷ XIX và XX là sự can thiệp của giáo quyền vào việc tôn kính Thánh Tâm. Trong lãnh vực phụng vụ, Tòa Thánh đã thiết lập lễ Thánh Tâm, lúc đầu tại vài địa phương (1685 bên Pháp, 1765 bên Ba lan), và mở rộng cho toàn thế giới năm 1856 (cách đây 160 năm), vào ngày thứ Sáu sau tuần bát nhật lễ kính Mình Thánh Chúa. Như vậy, lễ này còn mới so sánh với các lễ trọng khác; thiết tưởng cũng có thể thêm lễ kính Chúa Giêsu là Vua, được thiết lập năm 1925.
Ngoài ra, trong thế kỷ XX, các giáo hoàng đã viết nhiều thông điệp về Thánh Tâm, trong đó phải kể đến Annum sacrum của Đức Leo XIII (năm 1899), Miserentissimus Redemptor của Đức Pio XI (năm 1938) và Haurietis aquas của Đức Pio XII (ngày 15/5/1956, nghĩa là cách đây 60 năm). Các đức giáo hoàng không chỉ khuyến khích việc tôn kính Thánh Tâm (qua việc cầu nguyện, đền tạ, dâng mình) nhưng còn muốn thúc đẩy đào sâu hơn nền tảng của việc tôn kính ấy.
Nên biết là trong văn chương bình dân, trái tim là biểu tượng của tình yêu; nhưng trong Kinh Thánh, trái tim biểu lộ tất cả con người. Việc tôn kính Thánh Tâm hướng đến chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể: Người đã yêu chúng ta bằng tình yêu của Thiên Chúa và bằng tình yêu của con người.
Đúng vậy. Thánh nữ Faustina Kowalska rất có lòng yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng nói đến Thánh Tâm Chúa Giêsu trong thông điệp Dives in misericordia.
Chúng ta không nên đối chọi việc tôn kính Thánh Tâm với việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót. Chung quy, cả hai chỉ là một. Chúng ta đừng nên dừng lại ở các việc đạo đức bên ngoài (chẳng hạn như đọc kinh gì, vào giờ nào), nhưng hãy đi vào trọng tâm của nó, nhắm đến bản thân của Chúa Giêsu, hiện thân của tình yêu Chúa Cha dành cho nhân loại, cách riêng là những kẻ tội lỗi, những kẻ bị xã hội gạt bỏ. Chúa Giêsu đã mang tình yêu và sự tha thứ cho họ. Như đã có lần nhắc đến, cả hai dường như bổ túc cho nhau.
Việc tôn kính Thánh Tâm dường như chú ý đến cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, những đau khổ mà Người đã chịu vì chúng ta, được tượng trưng qua vòng gai quấn chung quanh trái tim vấy máu. Người đã chịu đau khổ vì yêu thương chúng ta, tượng trưng qua ngọn lửa bừng lên từ trái tim.
Còn ảnh kính Lòng Chúa Thương Xót thì nhấn mạnh hơn đến mầu nhiệm phục sinh: Chúa Giêsu đứng thẳng người, mặc áo trắng, chìa ra cạnh sườn với hai luồng ánh sáng màu trắng và đỏ. Điều này khiến ta nhớ lại việc Chúa Phục Sinh hiện ra cho ông Toma, mời gọi ông hãy đặt tay vao cạnh sườn của Người, và đón nhận những hồng ân cứu chuộc mà Người đã mang lại.
Ngoài ra, chúng ta đừng nên quên rằng cả hai việc tôn kính này còn đi cao hơn, mời gọi chúng ta nhìn đến tình yêu của Chúa Cha, được biểu lộ khi trao ban Con Một cho chúng ta và khi tuôn đổ Thần Khí tình yêu vào tâm hồn chúng ta. Tất cả mọi người được mời gọi đến múc lấy tình yêu Thiên Chúa, tín thác vào tình yêu ấy, và chia sẻ tình yêu ấy cho tha nhân.
Công Đồng Vaticanô II không bàn trực tiếp đến Thánh Tâm Chúa Giêsu xét như là một đề tài của lòng đạo đức bình dân, nhưng nhìn trái tim của Chúa Giêsu dưới nhiều khía cạnh khác, đặc biệt khi trình bày một thần học về trái tim con người. Tuy nhiên, trước khi đi vào đề, chúng ta nên lưu ý đến việc dịch thuật từ ngữ từ các ngôn ngữ châu Âu ra tiếng Việt.
Nhiều lần cùng một danh từ trong tiếng Tây, (cụ thể là cor tiếng La Tinh, coeur tiếng Pháp, heart tiếng Anh), lại được dịch bằng nhiều từ khác nhau trong tiếng Việt: trái tim, lòng, tâm hồn.
Thí dụ, lời mời gọi của Chúa Giêsu ở Mt 11,29: “hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”; nếu muốn dịch sát thì phải nói: “vì tôi hiền lành và khiêm nhương trong trái tim”; hoặc lời chúc phúc của hiến chương trên núi theo Mt 5,8: “phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Chúa” (muốn dịch sát thì phải nói: “phúc thay ai có trái tim trong sạch”).
Một thí dụ nữa lấy từ Luca 2,19: “Bà Maria, hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (nguyên bản nói rằng: suy nghĩ trong trái tim). Sau những lời mở đầu như vậy, tôi có thể đi thẳng vào đề và nói rằng công đồng chỉ nhắc đến Trái Tim Chúa Giêsu 5 lần, nhưng nói đến trái tim con người đến 119 lần (trong đó 34 lần trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng).
Thật ít, nhưng không kém quan trọng. Chúng ta hãy điểm qua những lần ấy.
Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng (số 22), công đồng nói rằng: “Đức Giêsu đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ với đầu óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu với trái tim con người”. Trái tim được hiểu như biểu tượng của tình yêu.
Trong Tuyên Ngôn Về Tự Do Tín Ngưỡng (số 11), Đức Giêsu được giới thiệu như là bậc thầy, khiêm tốn và hiền hậu trong trái tim, đã thu hút và mời gọi các đồ đệ cách kiên nhẫn. Đoạn Kinh Thánh được trưng dẫn là Mt 11,29. Đoạn Tin Mừng này cũng được trích dẫn trong sắc lệnh về truyền giáo số 24, khi nói đến linh đạo của thừa sai.
Một đoạn văn khác của Tân Ước là Ga 19,34, được trưng dẫn hai lần ở Hiến Chế về Phụng Vụ (số 5) và Hiến Chế về Hội Thánh (số 3), để nói đến nguồn gốc của các bí tích và Hội Thánh, phát sinh từ cạnh sườn Chúa Giêsu bị đâm thâu. Đây là hình ảnh mà các giáo phụ sử dụng, gợi ý từ bà Eva được dựng nên từ cạnh sườn ông Ađam thiếp ngủ: Hội Thánh ví như bà Eva mới, được dựng nên từ cạnh sườn Chúa Giêsu thiếp ngủ trên thập giá.
Có chứ. Ta có thể nói đến tương quan hai chiều.
Một đàng nhìn Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta hiểu được trái tim con người hơn, chẳng hạn như đoạn văn Mt 11,29 trên đây mời gọi chúng ta hãy tạo cho mình một trái tim hiền hậu và khiêm tốn. Đối lại, khi nói đến trái tim con người, chúng ta có thể hiểu về trái tim của Chúa Giêsu hơn, xét vì Chúa Giêsu đã yêu với một trái tim của con người.
Tuy nhiên, nên biết rằng, trong Kinh Thánh, trái tim không chỉ là biểu tượng của tình yêu mà còn là biểu tượng của trung tâm con người, biểu tượng của quyết định tự do, cái gì tạo nên bản lĩnh con người, mà đặc trưng là “lương tâm”.
Ngoài những suy tư của triết học, công đồng đã trưng nhiều đoạn văn Kinh Thánh theo nghĩa này, chẳng hạn như thư gửi Roma (5,5) khi nói rằng “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người xuống trái tim chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”. Đoạn văn này được trưng dẫn 5 lần, và có thể giải thích theo hai nghĩa: một đàng, có thể hiểu là chính Thánh Thần đã đổ tình yêu xuống trái tim chúng ta; đàng khác, có thể hiểu là Thiên Chúa đã trút đổ Thánh Thần xuống trái tim chúng ta, và tình yêu được đồng hóa với Thánh Thần.
Một đoạn văn khác là sách Tông Đồ Công Vụ (4,32) được trưng dẫn 3 lần, nói đến các tín hữu sống “một trái tim và một linh hồn” (Nên biết là các bản dịch tiếng Việt thường chuyển ý thành “một lòng một ý” hoặc “đồng tâm nhất trí”). Dù sao, khi nói đến trái tim con người, ý tưởng mà công đồng muốn nêu bật là chiều kích nội tâm, nơi thâm sâu nhất của cõi lòng. Con người khác con vật ở chỗ này, bởi vì nó không để mình lôi kéo bởi cảnh vật bên ngoài, nhưng còn có khả năng suy tư, trở về với chính mình. Và chính tại nơi đây mà con người gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can (nghĩa là con tim). Tư tưởng được phát biểu ở Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng số 14.
Chưa. Ở số 14, công đồng mới chỉ nói đến “con tim” như là yếu tố nội tại của con người. Ở số 10, công đồng cũng đã bắt mạch bệnh tình của thế giới hiện đại, khởi nguồn từ con tim bất ổn. Những xung đột trên thế giới bắt nguồn từ những giằng co, xáo trộn ngay từ trong thâm tâm của con người.
Hình như một cách kín đáo, công đồng nhắc nhở rằng chúng ta hãy nhìn nhận thân phận tội lỗi của chúng ta: Thiên Chúa đã dựng nên con người tốt lành, nhưng vì tội lỗi, trái tim con người đã bị nhiều thương tích, và cần được chữa trị. Dù sao, công đồng đã dành số 16 để nói về lương tâm. Chúng ta đừng quên rằng “lương tâm” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là “trái tim lương thiện” (đối lại với “tà tâm”).
Công đồng mô tả lương tâm với nhiều hình ảnh rất sống động. Trước hết, lương tâm được ví như một tiếng nói bên trong: “hãy làm cái này, hãy tránh cái kia” như một lệnh truyền. Thứ đến, lương tâm được ví như thâm cung sâu thẳm, nơi con người đối diện một mình với Thiên Chúa. Hình ảnh thứ ba, lương tâm được so sánh với nỗ lực của con người đi tìm hiểu chân lý để biết cách giải quyết những tình huống ứng xử.
Lương tâm biểu thị cho khả năng con người truy tầm sự thật cũng như quyết định cách tự do; đồng thời, con người có nghĩa vụ buộc phải tuân theo tiếng nói của lương tâm. Đây là nguồn gốc của trách nhiệm: tôi lãnh trách nhiệm về việc mà tôi đã làm với ý thức và tự do.
Nếu lương tâm của mình sai lầm thì mình vẫn buộc phải theo. Nhưng chúng ta đừng quan niệm lương tâm như cái máy tính cố định, nếu nó bị hỏng đưa ra đáp số trật thì mình cứ phải theo nó hoài. Không, con người có lý trí, và có bổn phận không ngừng truy tầm sự thật; do đó, không thể nào cứ nằm lì trong sự sai lầm mãi.
Dựa theo Kinh Thánh, công đồng tin rằng Chúa Thánh Thần liên lỉ canh tân vạn vật, và làm thay đổi con tim của con người. Chúa Thánh Thần không ngừng gieo vào thế giới men của Tin Mừng để thức tỉnh trái tim của con người (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng số 26). Ở số 30, công đồng trưng ra vài thí dụ về những hành vi trái nghịch với lương tâm, đi ngược với công bằng xã hội, chẳng hạn như khinh thường công lý, coi rẻ mạng sống tha nhân, không tôn trọng phẩm giá của người đồng loại. Không lạ gì, trong văn kiện này, công đồng nhiều lần nói đến sự cần thiết phải thay đổi con tim, hoặc đổi mới con tim.
Công đồng không những kêu gọi con người hãy hoán cải trở về với luật Chúa, nhưng cũng nói đến việc mở rộng con tim đến những chân trời mới, không giới hạn các mối tương quan vào chủng tộc, quốc gia, nhưng hướng tới tình huynh đệ đại đồng, thí dụ ở các số 32; 42; 82 của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng. Có thế thì mới hy vọng xây dựng một nền hòa bình bền vững trên thế giới. Tóm lại, một đàng chúng ta phải tuân theo tiếng nói của lương tâm, nhưng đồng thời, chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần đổi mới con tim của chúng ta.
Có chứ. Trái tim Chúa Giêsu không chỉ là gương mẫu về đức hiền hậu và khiêm tốn. Trái tim ấy cũng là gương mẫu của tình yêu trao ban, bởi vì Chúa yêu với trái tim con người, và tình yêu được biểu lộ qua việc hiến mạng sống cho các bạn hữu của mình.
Người đã thực hiện điều ấy với tất cả ý thức và tự do; giá trị của việc hiến dâng nằm ở chỗ đó. Người đã yêu thương chúng ta như những bạn hữu, với chu vi rất rộng rãi bởi vì bao phủ toàn thể nhân loại; Người muốn thu tập tất cả nhân loại vào trong một gia đình, gọi là Giáo Hội.
Đó là nói về chiều rộng. Xét về chiều sâu, thì có lẽ thời nay Trái tim Chúa Giêsu vẫn còn kêu gọi chúng ta hãy vào chiều sâu, xuống tận đáy cõi lòng, để đối diện với lời Chúa, tìm ra ý Chúa đối với cuộc đời chúng ta.
Sống theo con tim không có nghĩa là sống theo tình cảm, nhưng là sống “thật lòng”, chứ không hời hợt bên ngoài. Khi xuống đến thâm sâu cõi lòng, chúng ta nhận ra chân tướng của mình và cũng dễ cảm thông với người khác.
Như đã nói, Trái Tim Chúa Giêsu soi sáng các vấn đề trái tim con người. Đối lại, khi tìm về trái tim con người, chúng ta cũng hiểu hơn về Trái Tim Chúa Giêsu.
Trên thực tế, vào thời cận đại, khi bàn đến Trái tim Chúa Giêsu, người ta thường chỉ giới hạn vào chủ đề “hiền hậu, khiêm tốn”, hoặc “chịu đâm thâu”; nhưng nếu trở về truyền thống lâu đời của Giáo Hội, thì chúng ta cần phải thêm các chủ đề, “trái tim trong trắng”, “đổi mới trái tim”.
Chúng ta cũng cần thêm những chủ đề kiên tâm bền chí, vững lòng trông cậy giữa những thử thách. Nói cho cùng, duy chỉ tình yêu của Thiên Chúa mới làm tràn đầy con tim của chúng ta. Tình yêu ấy do Thánh Thần đổ xuống chứ không thuần túy do sự rèn luyện.
Trước hết, tôi xin trả lời vắn tắt, rồi sau đó sẽ giải thích rộng hơn. Câu trả lời vắn tắt là: “không có gì khác nhau hết”, bởi vì cả hai đều quy về Chúa Giêsu Kitô, đấng đã mạc khải tình thương Thiên Chúa đối với loài người chúng ta, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chính việc hiến mạng sống vì chúng ta. Những sự khác biệt giữa hai hình thức tôn kính chỉ xoay quanh đôi ba hình thức thứ yếu.
Chúng ta đừng bao giờ quên rằng tất cả các việc tôn kính đều nhắm đến một ngôi vị, một chủ thể, chứ không bao giờ dừng lại ở hình thức hoặc tước hiệu bên ngoài. Chẳng hạn như khi tôn kính Đức Mẹ Mân Côi, Đức Mẹ Carmêlô, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lavang, Trái Tim Đức Mẹ, vân vân, thì tất cả đều nhắm đến bản thân của Đức Maria, thân mẫu của Chúa Cứu thế và của Hội Thánh.
Chúng ta đừng nên dừng lại ở tước hiệu, nhưng hãy nhìn đến Đức Mẹ, để bày tỏ lòng kính mến cũng như bắt chước gương các nhân đức. Trở lại với đề tài mà chúng ta đang bàn, việc tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và việc tôn kính lòng thương xót của Chúa đều hướng đến Chúa Giêsu. Hơn thế nữa, chúng ta phải nói thêm rằng có nhiều hình thức tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã trải qua lịch sử Giáo Hội.
Hầu hết những bức ảnh vẽ Thánh Tâm Chúa Giêsu được trưng bày trong các nhà thờ nhà nguyện Công Giáo đều dựa theo phong trào mà Thánh Margarita Margarita Alacoque cổ động. Thánh nữ là một tu sĩ dòng Thăm Viếng, sinh năm 1648 và qua đời năm 1690, nghĩa là thuộc hậu bán thế kỷ XVII.
Tuy nhiên, những tác phẩm thần học về Trái tim Chúa Giêsu đã xuất hiện từ thế kỷ XII, chẳng hạn như Thánh Albertô Cả, Chân Phúc Henri Suso dòng Đaminh, đó là chưa kể những giáo phụ như Origène, Augustinô.
Trong số những nhà thần bí nói đến Thánh Tâm vào thời kỳ ấy, nổi tiếng nhất là Thánh nữ Gertruđê, sinh năm 1256 và qua đời năm 1301, đan sĩ dòng Xitô thuộc đan viện Hefta bên Đức, với tác phẩm “Sứ giả của lòng Chúa thương xót”.
Sang thế kỷ XIV, chúng ta thấy Thánh nữ Catarina Siena đã viết rất nhiều về lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng người không gắn với việc tôn sùng Trái tim; có chăng là người nhận thấy biểu tượng của lòng thương xót ở nơi bửu huyết của Chúa.
Dù sao, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa được phổ biến kể từ thế kỷ XVII, nhờ hai vị thánh nổi tiếng là Thánh Jean Eudes và Thánh Margarita Maria Alacoque. Vị thánh linh mục Jean Eudes sinh năm 1601 và qua đời năm 1680, đã thành lập hai dòng tu, một nam một nữ, mang tên là Hai Trái tim (nghĩa là: Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Mẹ), cũng như cổ động việc thiết lập một lễ phụng vụ kính Thánh Tâm. Nên biết là theo Thánh Jean Eudes, trái tim là điểm trung tâm của con người, vì thế tượng trưng cho chính bản thân Chúa Giêsu, nơi gặp gỡ tình yêu với Chúa Cha, với nhân loại, với vũ trụ.
Vị thánh thứ hai của thế kỷ XVII là Thánh nữ Margarita Maria Alacoque thuộc dòng Thăm Viếng, nhưng các văn phẩm được phổ biến nhờ vị linh hướng là Thánh Claude de la Colombière. Người ta thường coi hai vị thánh này là những cổ động viên cho lòng tôn kính Thánh Tâm trong toàn thể Hội Thánh, được các đức giáo hoàng ủng hộ không những qua việc thiết lập lễ phụng vụ mà còn qua nhiều văn kiện, quan trọng nhất là đức Piô XII với thông điệp Haurietis aquas năm 1956.
Chắc chắn rồi. Điều này đã được giải thích bởi các nhà thần học từ thời Trung Cổ cũng như trong các văn kiện của các giáo hoàng cận đại.
Chúng ta có thể trưng dẫn một đoạn văn điển hình là số 478 của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết như sau: “Thánh Tâm Chúa Giêsu, chịu đâm thâu bởi tội lỗi của chúng ta và vì ơn cứu độ cho chúng ta, được coi như là dấu chỉ chính yếu và biểu tượng của tình yêu mà Chúa Cứu chuộc không ngừng yêu thương Thiên Phụ và tất cả mọi chúng sinh”.
Trong lễ trọng kính Thánh Tâm, các bản văn Kinh Thánh thường được trích dẫn hơn cả là cảnh Chúa Giêsu chết trên thập giá đã bị một tên lính đâm thâu, từ đó vọt ra máu và nước (Tin Mừng theo Thánh Gioan chương 19, câu 34).
Tôn kính Thánh Tâm đã là tôn kính Lòng Chúa Thương Xót rồi. Khi nói đến tôn kính Lòng Chúa Thương Xót là chúng ta muốn nói đến hình thức tôn sùng được quảng bá do Thánh nữ Faustina Kowalska. Vị thánh này sống vào tiền bán thế kỷ XX, sinh năm 1905 và qua đời năm 1938. Chị cũng là một người tôn sùng Trái tim Chúa Giêsu.
Trong quyển Nhật Ký, chị ghi lại lời tâm sự của Chúa như thế này: “Này con của ta, hãy biết rằng trái tim của ta là lòng thương xót. Từ biển thương xót này mà các ơn sủng trào ra khắp thế giới. Không linh hồn nào đến gần Ta mà không được an ủi khi ra về. Mọi nỗi lầm than đều được chôn vùi trong đáy của lòng thương xót của Ta, và mọi ơn huệ thánh hoá đều trào ra từ suối này”.
Trong một đoạn khác của quyển Nhật Ký, thánh nữ đã bộc lộ tâm tình thờ lạy Trái tim Chúa Giêsu ở trong bí tích Thánh Thể với những lời như sau: “Ôi bánh thánh hằng sống, là sức mạnh duy nhất của con, nguồn mạch của tình yêu và lòng thương xót, xin hãy ôm ấp thế giới và nâng đỡ các linh hồn yếu đuối. Ôi, thật là giây phút diễm phúc khi Chúa Giêsu để lại cho chúng ta quả tim đầy lòng thương xót của Người”.
Như vậy, đối tượng của việc tôn kính Thánh Tâm và của việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót cũng là một, đó là tình yêu của Chúa Giêsu dành cho nhân loại.
Lúc nãy, tôi đã lược qua lịch sử lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, từ các nhà thần học và thần bí thế kỷ XIII, đến các hai vị thánh thế kỷ XVII, và các văn kiện giáo hoàng trong thế kỷ XX. Các tác phẩm ấy không lặp đi lặp lại những điều đã biết, nhưng đào sâu hơn các khía cạnh súc tích của tình yêu Thiên Chúa.
Trong bối cảnh này, chúng ta phải nhìn nhận rằng Thánh nữ Faustina cũng góp phần vào việc giải thích sâu xa hơn về lòng thương xót của Chúa. Chúng ta không có giờ để đi sâu vào việc nghiên cứu tác phẩm của thánh nữ, và chỉ cần nhìn ngắm bức tranh về Lòng Chúa Thương Xót thì đủ rõ.
Bức tranh vẽ Chúa Giêsu phục sinh, đứng thẳng, mặc áo chùng trắng, và từ cạnh sườn của Chúa, tỏa ra hai chùm tia sáng màu đỏ và trắng. (Nên lưu ý là bức tranh không vẽ trái tim của Chúa). Như vậy, chúng ta có cảm tưởng là việc tôn kính này đi với mầu nhiệm Phục Sinh.
Trên thực tế, lễ kính Lòng Chúa Thương Xót được mừng vào Chúa Nhật thứ II Phục Sinh. Đang khi đó, những bức tranh cổ điển trưng bày Thánh Tâm Chúa thì vẽ bức tranh một trái tim bừng cháy lửa, và chung quanh có quấn vòng gai. Điều này đưa chúng ta đến cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.
Như vậy, ta có thể nói rằng hai việc tôn kính trình bày hai khía cạnh của mầu nhiệm Vượt Qua: một bên là thập giá, bên kia là cuộc phục sinh. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót bổ khuyết cho vài điểm xem ra hơi tiêu cực của việc tôn kính Thánh Tâm Chúa.
Thật vậy, trong lòng đạo đức bình dân, người ta cổ động lòng tôn kính Thánh Tâm với những lời kêu gọi của Chúa rất thảm thiết: “Này đây trái tim đã quá yêu thương loài người, nhưng luôn luôn bị phụ bạc”; vì thế các tín hữu hãy đền đáp lại tình yêu của Chúa qua việc đền tạ. Cách hình dung như vậy có vẻ hạ giá tình yêu của Chúa, ra như tình yêu này còn tính toán: yêu để được yêu lại; nếu không thì tủi! Tình yêu của Chúa đâu phải như thế!
Đang khi đó, bức tranh về Lòng Chúa Thương Xót cho thấy những dòng suối hồng ân tuôn ra tràn trề từ cạnh sườn của Chúa Giêsu. Ở đây, con người được kêu gọi hãy mở rộng cửa để đón nhận những hồng ân của Chúa. Dĩ nhiên, nếu ta không đón nhận thì ta chịu thiệt thòi mà thôi, nhưng Thiên Chúa không ngừng ban phát ân sủng. Vì thế, ở đây, lời kêu gọi không nhấn mạnh đến việc con người hãy đáp trả tình yêu của Chúa, cho bằng hãy tin tưởng đến gần Chúa, dù mình tội lỗi đến mấy đi chăng nữa.
Đúng thế, nhưng nên cẩn thận để tránh hiểu lầm. ĐTC Gioan Phaolô II đã biết đến Chị Faustina Kowalska từ khi còn là giám mục Cracovia. Người đã tôn phong chân phước, hiển thánh cho chị và đã ấn định lễ kính Lòng Chúa Thương Xót vào Chúa Nhựt II Phục Sinh. Đây là điều mà ai cũng biết rồi.
Mặt khác, người đã viết nhiều sứ điệp, huấn giáo về Thánh Tâm Chúa Giêsu, đặc biệt là sứ điệp nhân dịp 100 năm dâng hiến loài người cho Thánh Tâm, ký tại Varsavia ngày 11 tháng 6 năm 1999, tóm tắt những lần người đã can thiệp về đề tài Thánh Tâm.
Thông điệp Dives in misericordia được ban hành ngày 30 tháng 11 năm 1980 bàn về lòng thương xót của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ở đây, đối tượng suy niệm của thông điệp không phải là Đức Kitô nhưng là Đức Chúa Cha, Đấng đã mặc khải lòng thương xót qua Đức Kitô. Thông điệp cũng đề cập đến Thánh Tâm Chúa Giêsu ở số 13. Từ đó, người ta cũng vạch ra một điểm mới trong việc tôn kính lòng thương xót của Chúa, đó là tuy hướng đến Chúa Giêsu Phục Sinh, nhưng mở rộng đến cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Dù nói gì đi nữa, điều quan trọng là chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa.