Điều thứ nhất cần ghi nhận là các tác phẩm Tân Ước không để lại một dấu vết gì về dung nhan tướng mạo của Đức Giêsu. Thiết tưởng chuyện này không có gì khó hiểu, bởi vì trọng tâm của các sách Tân Ước không nhằm kể lại cho chúng ta tiểu sử của Đức Giêsu theo thể văn ký sự, cho bằng tuyên xưng sự nghiệp mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Người, nghĩa là: Thiên Chúa đã trao ban Con Một của Người để cứu chuộc chúng ta, để cho chúng ta được trở nên con cái của Chúa.
Một điểm thứ hai không kém phần quan trọng mà chúng ta không nên quên là trong Cựu Ước, có luật cấm tạc tượng hay hình ảnh, có lẽ vì sợ rơi vào tục thờ ngẫu tượng.
Các nhà sử học đã trưng ra hai lý do đó để giải thích vì sao các thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo không để lại một bức chân dung nào của Đức Giêsu hết, nhất là nơi những cộng đoàn Kitô Hữu gốc Do Thái. Tuy nhiên, vì sống chung đụng giữa các tôn giáo và các nền văn hóa khác, với nhu cầu cần phải có một dấu hiệu làm căn cước của tôn giáo, người ta đã thấy xuất hiện vài biểu tượng hình dung Đức Kitô.
Nói cách khác, trong những thế kỷ đầu tiên, các tín hữu không vẽ chân dung của Đức Giêsu nhưng chỉ phác hoạ vài biểu tượng (dấu hiệu) về Người mà thôi.
Trong các hang toại đạo tại Rôma, hoặc trên các bia mộ, người ta thấy nhiều hình vẽ người mục tử. Một bức hoạ như vậy (cuối thế kỷ III) được in lại trên bìa Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Hình ảnh người mục tử nhân lành dựa trên các đoạn Phúc Âm (Ga 10,11-16, hoặc Mt 18,12-14).
Đức Giêsu là người mục tử được Thiên Chúa sai đến để tìm những chiên lạc, mang về đoàn chiên. Hình ảnh này nói lên vai trò cứu độ của Đức Giêsu: Người dẫn nhân loại lạc lối về nhà Cha, mang lại cho con người ơn tha thứ tội lỗi. Người mục tử được vẽ như một thanh niên trẻ (không có râu). Nên biết là cuối thế kỷ III, đề tài mục tử (và cứu độ) không những chỉ dựa trên Kinh Thánh nhưng mà còn bị pha trộn với vài huyền thoại của các tôn giáo. Vì thế đôi khi người mục tử được trình bày trong tư thế giao tranh với ác thần hay thú dữ nữa.
Một biểu tượng thứ hai thường gặp thấy trong các ngôi mộ và các hang toại đạo là ngư phủ (nghĩa là người đánh cá). Đây cũng là một chủ đề nói lên vai trò cứu độ của Người. Chúa Giêsu đã cứu vớt chúng ta ra khỏi vực thẳm của sự chết. Tuy nhiên, biểu tượng về ngư phủ không được phổ biến rộng rãi, và hầu như biến mất sau thế kỷ IV. Mặt khác, một biểu tượng có liên hệ với ngư phủ thì lại tồn tại lâu dài, đó là biểu tượng con cá.
Các sử gia đưa ra hai ý nghĩa chính. Thứ nhất, con cá tượng trưng cho chính Chúa Giêsu đã hiến mình làm lương thực nuôi dưỡng chúng ta. Ý tưởng này được giải thích trong khung cảnh bí tích Thánh thể, và dựa trên trình thuật Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, mời họ đến dự bữa tiệc cá mà Người đã dọn, được kể lại ở chương 21 Tin Mừng Thánh Gioan.
Ý nghĩa thứ hai sâu sắc hơn, được coi như một mật hiệu. Trong tiếng Hy Lạp, con cá là ikhthus. Các mẫu tự của danh từ đó được tán giải như là viết tắt của các từ “Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Tinh”.
Sau cùng, một biểu tượng khác (được gặp thấy nơi vài ngôi mộ của các triết gia vào thế kỷ III) hình dung Đức Giêsu như một vị thầy đang giảng dạy. Người quả thật là thầy dạy chúng ta đường đi đến sự sống.
Thế kỷ IV đánh dấu một khúc quặt trong lịch sử Kitô Giáo. Như chị đã biết, Hoàng Đế Constantinô không những cho phép các Kitô Hữu được tự do hành đạo, mà ông còn yểm trợ cho họ xây dựng các thánh đường nguy nga tại Rôma và Giêrusalem. Điều này có ảnh hưởng khá lớn đối với nghệ thuật Kitô Giáo. Họ có thể phát biểu lòng tin không những tại tư gia hay trên các bia mộ, nhưng cách công khai trong các thánh đường. Các biểu tượng được phát triển thành những bức hoạ nhiều màu sắc rực rỡ. Và dĩ nhiên là không thiếu chủ đề mới.
Thực ra các chủ đề đều dựa theo Tân Ước, những được áp dụng vào một bối cảnh văn hóa mới. Thí dụ như chủ đề Chúa Giêsu là vua, nghĩa là với dung nhan của hoàng đế. Phần nào chủ đề này đã có trong Kinh Thánh, đặc biệt là trong sách Khải Huyền. Đức Giêsu đã thiết lập vương quyền của Thiên Chúa, khi đánh đổ vương quyền của ma quỷ, tội lỗi, sự chết.
Thế nhưng vào thế kỷ IV, Đức Giêsu được vẽ với dung nhan của vị Vua khi mà Đế quốc Rôma nhìn nhận Kitô Giáo là Quốc giáo: Đức Kitô thực sự đã nắm vương quyền trên trời dưới đất: Người đội vương miện, nắm vương trượng, và một chi tiết không nhỏ, Người mang râu giống như các vua chúa đương thời.
Tuy nhiên, ngoài bối cảnh chính trị đó, chúng ta không nên quên bối cảnh tín ngưỡng. Công Đồng Nixêa năm 325 đã tuyên xưng Đức Giêsu đồng bản thể với Chúa Cha (chống lại ông Ariô). Đức Kitô không phải chỉ nắm giữ vương quyền như một hoàng đế nhưng Người là Chúa Tể vạn vật giống như Chúa Cha. Đó là lý do của những bức hoạ mô tả vẻ uy nghi của Người.
Ngoài chủ đề tương đối mới lạ đó, các hoạ sĩ không bỏ quên các chủ đề cổ điển, tuy cập nhật chúng, chẳng hạn như mục tử. Chúa Giêsu không còn là một mục tử trẻ tuổi đơn độc vác một con chiên trên vai, nhưng Người dẫn đầu một đoàn chiên đông đảo. Chúa Giêsu không còn là một triết gia truyền dạy đạo lý, nhưng là một giáo chủ ban truyền luật Chúa với bài giảng trên núi, có các môn đệ quây quần lắng nghe.
Dù sao, người ta nhận thấy là từ thế kỷ VI trong các bức hoạ vẽ Chúa Giêsu, có hai khuynh hướng chính: bên Đông Phương, các icôn vẽ Đức Giêsu có râu; bên Tây Phương, thì Đức Giêsu được vẽ khi có râu khi không có râu.
Cũng đừng nên quên rằng ngày nay các linh mục bên Đông Phương đều phải để râu cho giống Chúa Giêsu. Nhưng sang thời Trung Cổ, thì hầu như tất cả các bức hoạ bên Đông cũng như bên Tây đều vẽ Chúa Giêsu có râu. Ngoài ra, thiết tưởng không nên bỏ qua một chi tiết khác đã trở thành đề tài thuyết giảng của vài giáo phụ liên quan tới ngoại hình của Chúa Giêsu.
Đúng thế. Tuy nhiên, tiếc rằng câu trả lời không đồng nhất, bởi vì có hai ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau.
1/ Một ý kiến cho rằng dung nhan của Người xấu xí. Tư tưởng này dựa trên đoạn văn của Isaia (53,2) nói về người đầy tớ đau khổ: “Chúng tôi thấy Người chẳng đẹp đẽ xinh xắn gì”. Ông Giustinô, Clêmentê Alêxanđria, Tertullianô (tất cả sống vào thế kỷ III-IV) không những áp dụng đoạn văn này vào hồi tử nạn của Đức Giêsu, sau khi bị đánh đập tra tấn, nhưng còn mở rộng đến toàn thể cuộc đời của Người.
2/ Ý kiến đối nghịch lại dựa trên đoạn Thánh Vịnh 44,3: “Người tuyệt mỹ trong hết các con cái loài người”. Ta gặp thấy chủ trương này nơi các giáo phụ Hiêrônymô, Basiliô, Ephrem. Theo họ, Đức Giêsu là phản ánh của vinh quang Thiên Chúa; ánh sáng của thiên tính không những chỉ chiếu rạng trên khuôn mặt của Người vào lúc hiển dung trên núi nhưng còn kéo dài ra suốt cuộc đời của Người.
Ngoài lý do thần học đó, nhận xét tâm lý thường gắn liền khuôn mặt với tính tình tư cách: người hiền đức thì lộ đức độ ra khuôn mặt nữa. (Corpus est gloriosum ex totali subiectione eius ad animam, cuius redundat in ipsum: S.T. I-II,4,5 ad 4m; q.54, 2 c).
3/ Thiết tưởng để cho công minh, cần thêm một ý kiến thứ ba của ông Origène, theo đó Chúa Giêsu xấu hay đẹp là tùy cái nhìn của chúng ta. Ai nhìn Người với con mắt phàm trần thì chỉ nhìn thấy bộ mặt thiểu não tan nát của một tên tử tội. Còn ai đã được thanh luyện bởi đức tin, thì sẽ chiêm ngưỡng dung nhan rực rỡ của Đức Kitô phản ánh vinh quang Thiên Chúa.
Trong lịch sử Kitô Giáo, không thiếu người đã chủ trương rằng có thể tìm được dung nhan của Đức Giêsu tuy dù chính Tân Ước không nói đến.
Chẳng hạn bên Đông Phương, có những bức icôn của Chúa Giêsu được coi như từ trời ban xuống, gọi là icone “akhêrôpita” (không do bàn tay loài người vẽ ra). Bên Tây Phương cũng có lưu truyền về dung nhan của Chúa Giêsu được in trên tấm khăn lau mặt của bà Vêrônica (mà theo vài sử gia, Veronica có nghĩa là vera icona).
Gần đây, người ta muốn dùng kỹ thuật khoa học để tìm dung nhan Chúa Giêsu dựa theo vết tích còn để lại trên tấm khăn liệm được lưu trữ tại Tôrinô. Thiết tưởng, nói theo ngôn ngữ của ông Origène, đó là những cố gắng đi tìm dung nhan “vật lý” của Đức Giêsu.
Còn một phương thức khác cam go hơn, phải có nhân đức cao mới thực hiện được, đó là cố gắng tìm dung nhan Chúa Giêsu trên các khuôn mặt của các người anh chị em đồng loại, nhất là trên khuôn mặt của những người nghèo khổ, những người bị xã hội hất hủi, như Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói. Ngoài ra, mỗi người Kitô Hữu cũng phải cố gắng làm sao để cho Chúa Giêsu phát lộ ra trên khuôn mặt và cuộc sống của mình. Chứng tá là như thế đó.
Xét về phương diện từ ngữ, chúng ta có thể đưa ra hai nhận xét thế này.
Thứ nhất, trong tiếng Việt, “con chiên” ám chỉ một con vật, giống như bao nhiêu con vật khác: con chiên, con dê, con chó, con trâu, con bò; còn “chiên con” thì ám chỉ một con chiên còn bé nhỏ, cũng tựa như khi nói: chó con, mèo con.
Nhận xét thứ hai, trong nguyên bản Tân Ước viết bằng tiếng Hy Lạp, có hai từ ngữ khác nhau để ám chỉ hai điều vừa nói, đó là: amnos (con chiên), và arnion (chiên con). Người ta nhận thấy trong Tân Ước, danh từ thứ nhất “con chiên” được dùng 4 lần để nói về Chúa Giêsu, còn danh từ thứ hai “chiên con” được dùng đến 27 lần trong sách Khải Huyền.
Nói chung, Tân Ước áp dụng các từ “con chiên” và “chiên con” cho Chúa Giêsu, trừ một lần ở chương 21 câu 15 theo Tin Mừng Thánh Gioan, “chiên con” được dùng cho các phần tử của Hội Thánh được Chúa Giêsu trao cho ông Phêrô coi sóc.
Nếu xét theo nghĩa đen thì cả hai từ “con chiên” hay “chiên con” coi như là đồng nghĩa; nhưng nếu xét về nội dung tư tưởng thì sách Khải Huyền dùng từ “Chiên Con” với những ý nghĩa hơi khác với từ “Con Chiên” nói trong sách Tin Mừng.
Nói cách chính xác hơn, thuật ngữ “Chiên Thiên Chúa” chỉ gặp thấy trong Tin Mừng theo Thánh Gioan ở chương 1, các câu 29 và 36.
Bối cảnh là việc ông Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu cho thiên hạ. Ông nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian” (câu 29), và ngày hôm sau, ông lại giới thiệu Người với hai môn đệ của mình rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (câu 36).
Ông Gioan muốn nói gì qua tước hiệu này? Các học giả đã phân biệt hai cấp độ: cấp độ thứ nhất là của ông Gioan Tẩy giả; cấp độ thứ hai là của Thánh Gioan Tông Đồ, tác giả của sách Tin Mừng.
Tại vì lời của ông Gioan Tẩy giả chỉ được trưng dẫn ở chương đầu của Tin Mừng thứ bốn, nghĩa là vào lúc khai mạc cuộc đời công khai. Còn Thánh Gioan Tông Đồ tiếp tục mô tả Chúa Giêsu như là Con Chiên trong suốt cuốn sách, cách riêng là với hiến tế trên thập giá. Chúng ta hãy trở lại câu văn của ông Gioan Tẩy giả. Lời giới thiệu “Đây Chiên Thiên Chúa, đây đấng xoá tội trần gian” muốn ám chỉ sứ mạng của Đức Giêsu là hiến mình làm của lễ đền tội cho nhân loại.
Người Do Thái đã quen thuộc với hình ảnh chiên hiến tế. Từ xa xưa, vào thời tổ phụ Abraham, Cựu Ước đã nhắc đến một con chiên được giết làm lễ tế thay cho ông Isaac (sách Sáng Thế, chương 22). Trong Cựu Ước, chiên được dùng để dâng hiến làm lễ tế trong các hy lễ được dâng mỗi ngày (Xh 29,38-42), cũng như vào những dịp đặc biệt, cách riêng vào dịp lễ Vượt Qua (Xh 12,13).
Tuy nhiên, điều mới mẻ ông Gioan Tẩy giả muốn nêu bật ở chỗ là hy tế của Đức Giêsu mang lại ơn tha thứ: Đức Giêsu đến để “xoá tội trần gian”. Nhờ hy lễ của Đức Giêsu mà tội lỗi của trần gian được thanh tẩy. Ý tưởng này được móc nối với chương 53 của sách Isaia, nói về người đầy tớ đau khổ, vừa mang lấy tội lỗi của thế gian, vừa nài xin Thiên Chúa tha thứ những tội ấy (Is 53,7).
Đó là tư tưởng của ông Gioan Tẩy giả khi giới thiệu Đức Giêsu. Thánh Gioan Tông Đồ sẽ khai triển ý tưởng này trong tác phẩm của mình, nhằm chứng tỏ cho thấy Đức Giêsu là chiên Vượt Qua. Thật vậy, trong Tin Mừng thứ bốn, lễ Vượt Qua là một đề tài được nhắc đến ở nhiều chương (2,13. 23; 6,4; 11.55; 12,1; 13,1; 18,28.39; 19,14. 31. 42); cách riêng, từ chương 13 trở đi, đề tài trở thành nổi bật hơn nữa. Việc Chúa Giêsu bị bắt, bị xử án, và chịu nạn được móc nối với tục lệ dân Do Thái sát tế chiên Vượt Qua. Người chính là Chiên của lễ Vượt Qua mới, thay thế cho các hy tế trong Cựu Ước.
Một cách trực tiếp, ta chỉ thấy có hai đoạn văn, đó là: sách Tông Đồ Công Vụ, chương 8 câu 32, nêu bật sự hiền lành, nhẫn nhục của Chúa Giêsu, dựa theo tư tưởng của người tôi tớ đau khổ; một đoạn văn nữa là thư I của Thánh Phêrô chương 1 câu 19, nói đến Chúa Giêsu như là Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích , như vậy nêu bật hy lễ hoàn hảo và tinh tuyền. Còn nếu nói một cách gián tiếp, thì nhiều đoạn văn sánh ví cái chết của Chúa Giêsu như là một hy lễ, đặc biệt trong thư gửi Híp-ri (7,27; 9,26-28; 10,1-18).
Như đã nói trên đây, tự nó, từ “chiên con” nói lên một con chiên còn nhỏ, và như thế nó gợi lên ý tưởng yếu ớt, hiền hậu. Trên thực tế, theo luật Do Thái, chiên dùng trong lễ Vượt Qua phải là con chiên còn non (chưa được một tuổi). Tuy nhiên, trong sách Khải Huyền, tuổi tác của con chiên không phải là điều quan trọng cho bằng bức chân dung của nó.
Trong Tin Mừng thứ bốn, thuật ngữ “Chiên Thiên Chúa” chỉ được dùng 2 lần, nhưng trong sách Khải Huyền, “Chiên Con” được dùng 29 lần. Giữa đôi bên vừa có sự liên tục vừa có sự khác biệt. Yếu tố liên tục là Đức Giêsu đã chịu sát tế, và nhờ máu Người đổ ra mà tội lỗi loài người được tha thứ.
Ở đầu chương 5, của sách Khải Huyền (câu 6), tác giả kể lại sự xuất hiện của “Con Chiên dường như đã bị giết”, nhưng liền đó là các bài ca xướng lên “Người đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa, muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân” (câu 9), và rồi “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc” (câu 12).
Sự khác biệt quan trọng nhất ở chỗ là trong Sách Khải Huyền, Con Chiên không chỉ xuất hiện như là một người Tôi Tớ Thiên Chúa, nhu mì chịu đau khổ, nhưng còn là kẻ chiến thắng, và đặc biệt Người là Thiên Chúa. Quả là tài đạo diễn của tác giả. Chúng ta trở lại với thị kiến ở đầu chương 5.
Con Chiên xuất hiện như thể bị giết, nhưng Người được giới thiệu như là “Đấng đã chiến thắng”, và cách riêng Người có khả năng “mở cuốn sách và bảy ấn niêm phong” (câu 5). Điều này có nghĩa: Chúa Giêsu là kẻ giữ chìa khóa của lịch sử nhân loại, bao nhiêu biến cố xảy ra trên đời này xem ra khó hiểu, khó giải thích, nhưng cuối cùng đã tìm được lý giải nơi Người.
Thực vậy, ở câu 6, tác giả nhìn thấy Con Chiên “có 7 sừng và 7 mắt, tức là 7 thần khí của Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt đất”. Số 7 tượng trưng cho sự sung mãn: 7 sừng là đầy quyền năng; 7 mắt là đầy tri thức. Những đoạn văn vừa rồi không chỉ muốn nói đến Đức Giêsu đã chịu chết vì chúng ta và nay đã sống lại, đã chiến thắng tử thần mà thôi, nhưng còn muốn tuyên xưng rằng Đức Giêsu thực sự là Thiên Chúa.
Con Chiên xuất hiện ở bên ngai Thiên Chúa: nhìn thấy Con Chiên, mọi loài đều phủ phục thờ lạy, và dâng hương thơm lên Người, đó là những cử chỉ dành riêng cho Thiên Chúa.
Tiếp theo bài ca chúc tụng Con Chiên đã bị giết đã được trích dẫn trên đây, là một bài ca kính dâng lên cho cả Thiên Chúa và Đức Kitô ở cuối chương 5: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời”.
Đúng như vậy. Nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Chúa Giêsu Khải Hoàn không phải là Đấng xa cách ngàn trùng với chúng ta. Sách Khải Huyền mở đầu với lời tuyên bố rằng “Đức Kitô là kẻ yêu thương chúng ta và đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa” (Kh 1,5-6).
Mối tình của Chúa Giêsu dành cho nhân loại không kết thúc với cuộc Tử Nạn và Phục Sinh. Từ chương 6 trở đi, chúng ta thấy Con Chiên ở kề sát với Hội Thánh trong cuộc giao tranh với ác thần, bảo vệ các tín hữu trong những cuộc thử thách, nghĩa là những cuộc bách hại.
Ở chương 7, chúng ta thấy đoàn ngũ các chứng nhân mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ đã được giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Con Chiên chăn dắt họ và dẫn họ đến nguồn nước trường sinh.
Khi lật sang những trang cuối của sách Khải Huyền, chúng ta thấy rằng đoàn ngũ các chứng nhân được mang danh Con Chiên ở trên trán; Con Chiên đi đâu thì họ cũng đi theo đó (chương 14, câu 1-5).
Mối tình khắng khít giữa Chúa Giêsu với Hội Thánh được diễn tả qua hình ảnh một tiệc cưới trên trời giữa Con Chiên và hiền thê (chương 19). Chúa Giêsu là nguyên uỷ và cùng đích của lịch sử, sẽ mãi mãi ở với chúng ta. “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Đó là lời trích từ sách Khải Huyền (19,9) mà chúng ta được nghe mỗi ngày trước khi rước lễ.
Phúc Âm Thánh Gioan nói tới một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Chúa Giêsu, ở chương 19 câu 34. Thánh sử không cho chúng ta biết gì hơn về tông tích của người lính đó: chúng ta không biết anh ta tên gì, và rồi số phận của anh ra sao. Tuy nhiên, truyền thống đã thêu dệt thêm nhiều huyền thoại, đặt tên cho anh ta cũng như đã phong thánh cho anh ta.
Thực ra, lý do của những huyền thoại đó không có chi là khó hiểu. Trước khi tắt thở, Chúa Giêsu đã chẳng xin Chúa Cha tha thứ cho những người đã hành hình mình đó sao? Các Kitô Hữu tiên khởi dường như muốn chứng minh rằng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã phát sinh hiệu quả cụ thể, qua việc cho quân dữ trở lại và làm thánh.
Trước khi đi lục lọi tài liệu về những tên quân dữ được truyền thống phong thánh, chúng ta hãy dừng lại ở một tên đã được chính Chúa Giêsu phong thánh, đó là tên trộm lành.
Chắc là chị còn nhớ, trong số hai tên gian phi cùng chịu treo trên thập giá với Chúa Giêsu, một anh đã được Chúa hứa sẽ được vào Thiên Đàng với Người ngay vào ngày hôm ấy. Đó là điều mà chúng ta đọc thấy ở Phúc Âm theo Thánh Luca, chương 23, câu 43.
Vài ngụy thư đã thêm thắt vào Thánh Luca, và đặt tên cho anh ta là Đimas (hay là Đismas), với đầu đuôi câu chuyện như thế này. Hồi Thánh Gia sang lánh nạn qua Ai Cập, họ bị rơi vào tay một toán cướp. Nhưng anh Dimas này đã đứng ra can thiệp, để giải thoát cho Thánh Gia. Đâu có ai ngờ rằng, 33 năm sau, hai bên tái ngộ trên núi Golgota. Vài Giáo Hội địa phương còn kính thánh Đimas ngày 25/3, và được đặt làm bổn mạng các tử tội.
Truyền thuyết đặt tên cho anh ta là Longinô. Nhưng mà có học giả đã giải thích rằng đó không phải là tên riêng, mà chỉ là phiên âm của danh từ Hy Lạp Longke, có nghĩa là cây giáo. Có người khác thì cho rằng Longinô bởi tiếng La Tinh longa lancea, có nghĩa cái giáo cán dài (longus, dịch thành “long” tiếng Anh và tiếng Pháp, có nghĩa là dài).
Theo truyền thuyết đó, khi lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Chúa thì máu vọt ra, trúng vào mắt anh ta, khiến cho anh ta bị mù. May cho anh ta, bởi vì cái mù con mắt thể xác đã mở ra con mắt tinh thần. Anh ta đã ăn năn hối hận, được các thánh tông đồ rửa tội, và sau đó đi giảng đạo ở Cesarea bên Cappađocia, nay thuộc lãnh thổ của nước Thổ nhĩ kỳ. Tại đây, anh ta bị tổng trấn Octavô bắt. Anh ta đã tuyên xưng đức tin, và được phúc lấy máu đào để làm chứng cho Đức Kitô. Lịch của vài Giáo Hội địa phương kính thánh Longinô vào ngày 15/3.
Tuy nhiên, không thiếu người đã đưa ra những giả thuyết về nguồn gốc lịch sử của Thánh Longinô. Chẳng hạn như có lẽ đã có một Longinô thực sự, đã được tử đạo ở Cappađôcia. Nhưng vì tên của người có nghĩa là cái giáo, cho nên người ta mới liên tưởng anh lính đã dùng giáo đâm vào sườn Chúa. Ngoài ra, có người thì lại cho rằng Longinô lại là anh đội trưởng đã chỉ huy tốp lính dẫn Chúa Giêsu ra pháp trường.
Anh ta chẳng có công cũng chẳng có tội gì. Anh ta chỉ là một quân nhân, lệnh từ trên xỉa xuống thì phải thi hành. Tuy vậy, Phúc Âm cũng cho chúng ta biết rằng ngoài người trộm lành đã nhìn nhận Đức Giêsu vô tội và đã tuyên xưng Người là Đấng Mêssia, thì người đầu tiên tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa là viên đội trưởng (Mc 15,39; Mt 27,54).
Như vừa nói, có truyền thuyết đã đồng hóa viên đội trưởng với ông Longinô, kẻ đã đâm vào cạnh sườn Chúa. Nhưng có truyền thuyết khác thì đặt tên cho viên đội trưởng là ồng Cornêliô, được sách Tông Đồ Công Vụ nói ở chương 10. Ông ta được Thánh Phêrô rửa tội, đánh dấu một bước tiến mới trong việc truyền giảng Tin Mừng.
Trước đó, Thánh Phêrô dường như chỉ giảng đạo cho những người Do Thái, chứ không quan tâm tới người ngoại. Do một thị kiến trên trời, Thánh Phêrô đã tới gặp ông đội trưởng Cornêliô, đã rửa tội cho ông và cho toàn gia đình. Thánh Luca đã dừng lại ở đó; nhưng truyền thuyết muốn đi xa hơn nữa. Sau khi trở lại đạo, ông Cornêliô được đặt làm Giám Mục, lo việc truyền giáo cho dân ngoại. Đó là công lao của ông đội Cornêliô, và vì vậy được tôn kính như vị thánh vào lễ hằng năm 2/2.
Theo như tôi biết, thì không còn ai nữa, tuy dù không thiếu những tiểu thuyết hay truyện phim đã được viết ra chung quanh các nhân vật mà chúng ta gặp vào hồi Chúa Giêsu chịu tử nạn, chẳng hạn như anh chàng Barabba đã được tổng trấn Philatô tha chết. Sau đó anh ta làm gì? Đó là đầu đề cho các tiểu thuyết gia. Và chính tổng trấn Philatô nữa: ông ta được thuyên chuyển đi đâu? Dù sao, không thấy ai đã phong thánh cho hai ông. Nhưng mà có hai ông thánh có lẽ quen thuộc với chúng ta hơn, đó là hai ông Giuse Aritmatea và ông Nicôđêmô, mà vài nơi tại Việt Nam đã gọi là thánh khi họ đi ngắm đàng thánh giá ở chặng thứ 13.
Theo Thánh Luca (23,51), Ông Giuse Aritmatea là một thành viên của Hội Đồng Kỳ Mục; nhưng ông ta đã không tán đồng công việc của hội đồng này. Thậm chí Thánh Matthêu (27,57) thêm rằng ông ta đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng Thánh Gioan cho biết ông không chỉ là môn đệ chui (19,38).
Tất cả 4 thánh sử đều xác nhận rằng ông ta đã can đảm đến xin Tổng Trấn Philatô được phép mai táng Chúa Giêsu, chứ không để quẳng vào hố chung dành cho các tử tội. Ông ta đã được hạ xác Chúa Giêsu xuống, và chôn cất trong mộ mà ông đã xây cất cho mình. Phúc Âm chỉ nói có thế. Và từ đây về sau là truyền thuyết.
Trước tiên là tấm khăn liệm Chúa Giêsu đã trở thành một đề tài mà các nhà khảo cổ còn đang tranh luận, xem có phải là tấm khăn liệm đang giữ ở thành phố Torinô bên Italia hay không.
Một truyền thuyết nữa là trước khi mai táng, ông Giuse đã cho rửa xác Chúa cho khỏi các vết thương máu me. Nước rửa xác được cất giữ cẩn thận và truyền lại cho con cháu. Bình nước đó còn được nói tới vào thời Trung Cổ, rồi sau đó biến đi đâu? Ai đang giữ?
Ngoài câu chuyện có vẻ hoang đường ấy, truyền thuyết cho rằng ông Giuse bị người Do Thái trả thù, tống giam vào ngục. Nhưng vào ngày sống lại, Chúa Giêsu đã đến giải thoát ông. Ông ta đi giảng đạo bên Pháp cùng với ông Ladarô và hai chị em bà Marta và Maria. Ở đền Thánh Phêrô tại Rôma, nơi còn giữ một cánh tay của Thánh Giuse Aritmatea, lễ kính vào ngày 17 tháng 3. Bên Hy- lạp, lễ kính vào 31/7.
Phúc Âm theo Thánh Gioan đã nói ông Nicôđêmô ở chương 3, khi mà đang đêm ông mò tới nhà Chúa Giêsu để trò chuyện. Không hiểu dụng ý ban đầu là để đấu lý hay là để do thám, nhưng xem ra cuộc nói chuyện đó không phải là vô ích, bởi vì ông Nicôđêmô đã có thiện cảm với Chúa.
Sang đến chương 7, câu 45-52, Thánh Gioan cho biết rằng khi Hội Đồng Kỳ Mục đòi thanh toán Chúa, thì ông Nicôđêmô đã lên tiếng phản đối, bởi vì thấy chuyện đó trái với pháp luật.
Sau cùng theo Thánh Gioan, chương 19 (câu 39-42), ông Nicôđêmô đã cùng với ông Giuse Aritmatê đến xin Tổng Trấn Philatô được mai táng Chúa. Thế là hết phần của Phúc Âm! Bây giờ truyền thuyết tiếp nối thêm. Ông ta đã được Thánh Phêrô và Thánh Gioan rửa tội; sau đó ông ta bị trục xuất khỏi Hội Đồng Kỳ Mục, và bị giết cùng lúc với Thánh Stêphanô. Tử đạo thư kính Thánh Nicôđêmô vào ngày 3/8.
Lẽ ra chị phải mừng thì mới phải, bởi vì chỉ có đàn ông mới nhúng tay vào việc giết Chúa, còn các bà hoàn toàn vô can. Thậm chí bà vợ của tổng trấn Philatô đã can thiệp để xin chồng hãy tha cho Chúa. Và đang khi các ông môn đệ, kẻ thì chối Chúa, người thì bỏ chạy, các bà vẫn im lặng theo Chúa tới thập giá, chẳng hạn như bà Maria Mađalêna, bà Maria Salômê, bà Maria Clêôpha. Ba bà cũng phụ vào việc tẩm liệm Chúa.
Phúc Âm không có nói tới chuyện bà nào đã lau mặt Chúa trên đường lên núi Calvariô. Vì thế lại càng không có nói tới tên của bà.
Những truyền thuyết về tấm khăn in khuôn mặt của Chúa ra đời vào thế kỷ V. Trong số các truyền thuyết đó, có cả chuyện Vua Tibêriô (hoàng đế Rôma), sau khi nghe thuật lại cái chết bi đát của Đức Giêsu, đã sai sứ giả Voluxianô qua Palestina điều tra. Sứ giả bắt ông Philatô, và khi biết rằng có một bà còn giữ được chân dung của Đức Giêsu, đã cho lính tới khám nhà của bà, và tịch thu tấm khăn đem về Rôma.
Cho tới thế kỷ XV, người ta còn nói tới bức chân dung đó được lưu giữ ở đền Thánh Phêrô. Nhưng vào năm 1527, khi thành phố bị cướp phá, bức chân dung đó đã biến đi luôn. Dĩ nhiên, nếu đã có một truyền thuyết về bức chân dung của Chúa Giêsu thì cũng phải có truyền thuyết về nguồn gốc của nó chứ.
Người ta cắt nghĩa là Chúa đã in khuôn mặt của mình vào lúc một phụ nữ đã lau mặt trên đường thập giá. Bà ấy tên là gì? Chắc chị đã biết rồi: bà thánh Verônica. Vào thời Trung Cổ, người ta đã đồng hóa bà ta với người phụ nữ được Chúa chữa cho khỏi bệnh xuất huyết (Marcô 5,25-34) và vợ của ông Dakêu (nói ở Luca 19,5).
Nhưng có sử gia cho rằng Verônica chẳng phải là tên riêng của ai hết. Verônica ráp từ hai tiếng “vera icona”, để chỉ tấm khăn in hình dung trung thực (icôn thực, đối lại với icôn giả) của Đức Giêsu. Dù sao cũng nên biết là vài nơi kính bà Verônica vào ngày 4/2.
Có một lần ĐGH Gioan XXIII, trong một buổi tiếp kiến dành cho một nhóm phụ nữ, đã đặt lên câu hỏi tương tự cho các bà. Nhưng mấy bà chưa kịp suy nghĩ thì người đã trả lời luôn: tại vì mấy bà bép xép hay nói. Nếu mà Chúa hiện ra với mấy ông trước, thì mấy ông chỉ gật gù hay cùng lắm là rủ nhau vào quán nhậu một chầu tán gẫu là hết; còn hiện ra với mấy bà thì chẳng mấy chốc mà tin đồn vang tới mọi hang cùng ngõ hẻm. Chúa rành tâm lý lắm! Dĩ nhiên là các bà nghe như vậy thì đắc chí cười ồ lên.
Nhưng đó là chuyện xảy ra cách đây hơn 30 năm rồi, vào thời mà phong trào phụ nữ còn yếu. Ngày nay, nếu giáo hoàng nào mà còn dám lý luận như vậy nữa thì chắc là sẽ bị phong trào nữ giới kiện ra toà án nhân quyền vì lỗi kỳ thị phái nữ. Do đó mà chúng ta thấy cần phải đi tìm câu trả lời khác, làm sao để mà tránh được sự kỳ thị phái tính, và nếu có thể được thì gắng bồi thường danh dự của mấy bà đã bị xúc phạm từ mấy chục thế kỷ qua.
Ta hãy lật lại những trang viết về phụ nữ trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu thì biết. Người công chính mỗi ngày tạ ơn Chúa như thế này: “Chúc tụng Đấng đã không dựng nên con làm kẻ ngoại, bởi vì dân ngoại không là đồ gì trước mặt Chúa hết! Chúc tụng Đấng đã không dựng nên con làm đàn bà, bởi vì đàn bà không bị ràng buộc bởi điều răn Chúa! Chúc tụng Chúa đã không dựng nên con làm kẻ ngu dốt, vì kẻ ngu dốt không biết đâu là tội vạ cả!”.
Sử gia Flavius Josephus cũng ghi lại tập tục pháp đình Do Thái vào thời Chúa Giêsu là trong các vụ xử kiện không nên kêu các bà ra làm nhân chứng, bởi vì đàn bà nhẹ dạ và hay nói liều (Antiquitates Judaicae lib. IV, 8,15). Chính trong cái bối cảnh lịch sử đó mà ta thấy cái tầm quan trọng của việc Chúa Giêsu hiện ra cho các bà, sai các bà loan tin cho các tông đồ rằng Người đã sống lại. Như vậy Chúa Giêsu trả lại danh dự cho các bà khi giao cho các bà vai trò làm nhân chứng cho Người, vào thời buổi mà người ta coi lời của phụ nữ không đáng tin cậy.
Chúng ta đoán chắc rằng theo lẽ đương nhiên thì liền sau khi sống lại, Chúa Kitô đã đi gặp mẹ của Người ngay. Tuy nhiên, Phúc Âm đã yên lặng về điểm đó. Tại sao vậy? Lý do là vì các thánh sử không chủ ý ghi lại hết tất cả các biến cố đã diễn ra theo kiểu một ký giả viết bài tường thuật ở nhật báo hay là một nhân viên an ninh phải thảo biên bản phúc trình. Ta đừng quên rằng khi viết sách Phúc Âm, các thánh sử cùng chia sẻ một sứ mạng mà Chúa ủy thác cho các tông đồ, tức là rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Sách Phúc Âm là một phương tiện chính yếu để thực thi sứ mạng đó. Vì thế không lạ gì mà các thánh sử chỉ ghi lại những lần Chúa hiện ra cho những người đã lãnh nhận ơn gọi và sứ mạng đi làm nhân chứng.
Đúng như vậy. Và càng ngày, người ta càng lưu ý đến điểm này hơn. Trước đây bởi vì các sách thần học do các ông viết, cho nên các ông chỉ để ý đến những lần Chúa kêu gọi đàn ông, thí dụ các thánh tông đồ hay là 72 môn đệ. Từ ngày các bà bắt đầu nghiên cứu thần học, thì các bà mới vạch ra những đường lối cách mạng của Chúa Giêsu.
Thực vậy, nếu mà Chúa Giêsu chỉ kêu gọi các ông đi làm môn đệ thì có chi khác lạ với các rabbi Do Thái đâu; cái mới lạ của Giao ước mới là ở chỗ Người kêu gọi cả các bà nữa, và Người đã thành công hơn nhiều. Bằng chứng là khi thuật lại cảnh đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá, Thánh Matthêu ở chương 27, câu 55-56 đã viết rằng: “có nhiều phụ nữ đứng gần kề, những người đã theo Chúa từ Galilê và đã phục vụ Người, trong số đó có Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacobe và Giuse, và bà mẹ của các con ông Zebedeo”.
Hai câu văn ngắn ngủi nhưng gói ghém rất nhiều điều quan trọng.
Thứ nhất, là ngay từ hồi Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng giảng đạo ở Galilea, thì đã có một số phụ nữ đi theo Người. Nói khác đi, ngay từ đầu sứ vụ Người đã gọi cả người nam lẫn người nữ đi theo Người, và họ đã đáp lại tiếng gọi.
Thứ hai, các bà hơn các ông một điểm là vào hồi Chúa bị đóng đinh vào thập giá thì các ông bỏ chạy trốn hết; chỉ còn các bà đứng lại chứng kiến; và tại vì chỉ có các bà chứng kiến cho nên chỉ có mấy bà mới biết và có thể làm chứng được, chứ các ông có biết gì đâu mà nói!
Thứ ba, trong số biết bao phụ nữ đã theo Chúa Giêsu, Matthêu đã nhắc đến tên của ba bà: Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacobe, và bà mẹ của các con ông Zebedeo. Họ đã chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu; họ đã chứng kiến việc an táng Chúa (chương 27, câu 61); và họ là những người đầu tiên chứng kiến biến cố Phục Sinh khi tới mộ Chúa (28, câu 1-10).
Từ đó, kết luận số một: chứng tá của các bà mạnh hơn các ông bởi vì các bà đã theo dõi chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối, còn các ông biết được điều gì là vì được các bà kể lại cho nghe thôi.
Kết luận số 2: trong cộng đồng các tín hữu của Đức Kitô, các ông hãy khiêm tốn chịu lép vế đi.
Kết luận số 3: Chúa Giêsu đã thực hiện một cuộc cách mạng xã hội quan trọng trong việc thăng tiến phụ nữ, nhưng mà trải qua hơn hai mươi thế kỷ, Giáo Hội do mấy ông điều khiển cứ muốn dìm các bà xuống.
Nói cũng hơi oan. Đâu có ai chủ ý bôi nhọ các bà đâu! Vấn đề là tại vì thời Trung Cổ, ít khi có dịp đi viếng đất thánh nên nhiều người không sành địa lý của miền Palestina, từ đó mới có những chuyện giải thích sai. Câu chuyện như thế này. Các Phúc Âm đều kể lại cảnh một phụ nữ xức dầu vào chân Chúa đang lúc Người đang dùng bữa. Bà ấy tên gì? gốc gác ra sao? Marcô (chương 14 câu 3) và Matthêu (chương 26, câu 7) chỉ nói trống là có một phụ nữ, nhưng không cho biết tên.
Gioan chương 12 câu 3 thì nói là Maria chị của Ladarô. Dù sao thì sự việc xảy ra ở Bêtania, vì vậy mà người ta gọi bà ta là Maria Bêtania, chị em với Marta và Ladarô. Nhưng Luca, chương 7 câu 36 cũng có nói tới một cuộc xức dầu tương tự, do một người đàn bà tội lỗi; vì thế không lạ gì mà người ta gắn ghép hai cảnh với nhau. Có điều là Maria Bêtania không thể đồng hóa với Maria Mađalêna được, bởi vì Bêtania và Magdala là hai làng hoàn toàn khác nhau.
Ngày nay, trong ngày lễ kính Thánh Maria Mađalêna (22 tháng 7), bài Phúc Âm không còn phải là cảnh phụ nữ tội lỗi rửa chân xức dầu cho Chúa nữa, nhưng là cảnh Chúa Phục Sinh hiện ra với bà, và ủy thác cho bà đi loan tin cho các môn đệ biết biến cố Phục Sinh.
Nói rằng Giáo Hội bôi nhọ các bà, nhất là bà Maria Mađalêna, thì cũng không hoàn toàn đúng. Bởi vì trong ca tiếp liên ngày lễ Phục Sinh, chúng ta đã đọc thấy những lời sau đây: Dic nobis Maria, quid vidisti in via? Maria, bà hãy nói cho chúng tôi nghe, bà đã thấy gì dọc đường? Phụng vụ không có hỏi chứng nhân nào khác ngoại trừ Maria Mađalêna. Chính vì vậy mà thời Trung Cổ, Maria Mađalêna đã được mang biệt hiệu là “apostola apostolorum”, tông đồ của các tông đồ. Maria đã được Chúa sai đi mang tin vui trọng đại cho các thánh tông đồ, những vị mà về sau cũng lại được chính Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.
Điểm này đã được đức Gioan Phaolô 2 nêu bật trong tông thư về “Phẩm Giá Phụ Nữ” (Mulieris Dignitatem) số 16. Đâu có phải là trong suốt 20 thế kỷ qua Mađalêna bị hạ nhục đâu! Dù sao, chúng ta cũng phải ghi ơn các nữ thần học gia vì đã lưu ý các ông rằng các bà cũng được ơn gọi đi làm chứng nhân cho Chúa không những như các ông mà còn trước các ông nữa.
Chưa hết đâu, các nữ thần học gia còn muốn lật ngược thế cờ, không những là cho mấy ông xuống hạng B mà còn khẳng định rằng chính các bà mới là biểu tượng của Giáo Hội Chúa Kitô. (Ta có thể kết luận: do đó nếu các ông không biến thành đàn bà thì sẽ không đáng làm phần tử Giáo Hội Chúa Kitô).
Người ta lập luận như sau: trong bốn Phúc Âm, thánh sử viết về Giáo Hội nhiều nhất là Matthêu; thế nhưng người đề cao vai trò của phụ nữ hơn hết cũng là Matthêu. Vài bằng chứng.
Trong gia phả của Chúa Giêsu, Matthêu xen tên của bốn phụ nữ, một điều hoàn toàn trái ngược với truyền thống Do Thái thời đó. Suốt tác phẩm của mình Matthêu muốn cho thấy sự đối chọi giữa Giáo Hội với Do Thái Giáo, vì người Do Thái mù quáng không chịu nhìn nhận những lời tiên tri đã hoàn tất nơi Đức Kitô. Sự đối chọi ấy nổi bật hơn cả vào lúc Chúa ra đời và vào lúc Chúa sống lại.
Hồi Chúa ra đời, sự đối chọi được biểu lộ giữa các học sĩ Đông Phương, tượng trưng cho dân ngoại, đến thờ lạy Chúa, đối lại với vua Hêrôđê tìm cách giết hài nhi.
Vào lúc Chúa sống lại, sự đối chọi được tượng trưng qua nhóm các người phụ nữ, đại diện cho Giáo Hội, làm chứng biến cố Phục Sinh, đối lại với các lính canh, tượng trưng cho Do Thái Giáo, muốn bịt miệng lại.
Kết luận: cộng đồng Kitô Hữu, gồm nên bởi dân ngoại và các phụ nữ, tức là những thành phần bị người Do Thái coi khinh, thì nay được ơn đón nhận mạc khải của Chúa. Do đó mà nếu các ông không biết xếp hàng đứng sau các bà thì cũng sẽ bị loại. Tôi xin miễn bàn.