Khi bàn về lễ Sinh Nhật Đức Maria, chúng ta nên phân biệt ít là ba lãnh vực khác nhau: khía cạnh lịch sử, khía cạnh phụng vụ, khía cạnh thần học.
Dưới khía cạnh lịch sử, chúng ta thử xét có những chứng tích gì bàn về ngày sinh của Người.
Dưới khía cạnh phụng vụ, chúng ta thử hỏi: tại sao lại mừng vào ngày 8/9 (cũng tựa như đối với lễ Chúa Giáng Sinh: tại sao mừng vào ngày 25/12)?
Sau cùng, dưới khía cạnh thần học, chúng ta thử hỏi, lễ sinh nhật Đức Mẹ có ý nghĩa gì?
Phải thành thực trả lời là không. Dĩ nhiên, khi nói đến tài liệu lịch sử, người ta hiểu là những chứng tích đáng tin cậy, do những người đã chứng kiến nội vụ tường thuật, chứ không phải là những gì được viết sau biến cố cả hàng thế kỷ.
Chẳng hạn nếu ai muốn kể chuyện hai bà Trưng khởi nghĩa dành độc lập, thì họ phải tìm những chứng tích được viết vào thời đó, chứ không phải dựa trên những sách báo tiểu thuyết được soạn ra hàng chục thế kỷ sau. Tiếc rằng rất ít tài liệu cổ thời được lưu lại đến ngày nay. Các tài liệu liên quan đến cuộc đời của Đức Maria lại càng ít hơn nữa.
Tài liệu quý giá nhất đối với chúng ta là Tân Ước. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào Tân Ước, thì chúng ta chỉ khẳng định được hai điều chắc chắn. Thứ nhất, Đức Maria là một nhân vật lịch sử (chứ không phải là một huyền thoại). Thứ hai, người quê quán Nadarét, và đã hạ sinh Đức Giêsu. Ngoài hai điều đó, Tân Ước không cho biết gì thêm về gốc gác của Đức Maria (chào đời năm nào? song thân tên gì? qua đời lúc nào và thọ bao nhiêu tuổi?).
Như vừa nói, các tài liệu lịch sử theo nghĩa chặt thì rất hiếm hoi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn nhiều truyền kỳ chung quanh cuộc đời Đức Maria. Điều này cũng xảy ra một cách tương tự như đối với Chúa Giêsu.
Như chị đã biết, các sách Phúc Âm chú trọng đến hoạt động công khai của Chúa, đặc biệt là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người. Ai tò mò muốn biết thêm thời thơ ấu, công cuộc giáo dục nhân bản và nghề nghiệp của Người thì sẽ bị thất vọng. Và rồi nhằm thỏa mãn óc hiếu kỳ, nhiều truyền kỳ đã được soạn và thêu dệt những chi tiết chung quanh gia thế và thời thơ ấu cũng như chung quanh cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người. Đó là nguồn gốc của các “ngụy Phúc Âm” (nghĩa là soạn theo thể văn của Phúc Âm), ra đời từ thế kỷ II trở đi.
Chính khi đi tìm gia thế của Đức Giêsu mà những truyền kỳ về Đức Maria được viết lên, nổi tiếng nhất là tác phẩm được đặt tên là “Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê” (Proto-evangelium Iacobi), bởi vì do một người tự xưng là Giacôbê, người anh cùng cha khác mẹ với Đức Giêsu (được đồng hóa với Thánh Giacôbê giám mục Giêrusalem).
Tác phẩm này ra đời khoảng đầu thế kỷ II, và cũng được đặt tên là “Việc sinh hạ Đức Maria” (De nativitate Mariae). Dựa theo tác phẩm này mà ta biết quý danh song thân Đức Maria là ông Gioakim và bà Anna.
Tiền Phúc Âm theo Thánh Giacôbê gồm 24 chương ngắn, có thể chia làm 3 phần. Phần thứ nhất (gồm 16 chương đầu), kể lai lịch, thời thơ ấu Đức Maria cho tới lúc kết hôn với ông Giuse. Phần thứ hai (từ chương 17 đến 21) thuật lại những phép lạ chung quanh cuộc sinh hạ Chúa Giêsu. Phần chót (ba chương cuối từ 22 đến 24) kể chuyện vua Hêrôđê tàn sát các thiếu nhi ở Bêlem.
Tác phẩm mở đầu với cảnh ông Gioakim, một nhà phú hộ và quảng đại, bị một người tên là Rubel chế diễu vì không có con, và không muốn cho ông dâng lễ vật như các tín hữu khác. (Nên biết là xã hội Do Thái coi đôi vợ chồng không có con là bạc phước).
Ông Gioakim buồn tủi vô hạn, vì thế đã rời bỏ nhà cửa và vào nơi hoang địa, ăn chay 40 đêm ngày, với lòng dốc quyết rằng nếu Chúa không đến viếng thăm thì ông sẽ không trở về nhà. Bà Anna, ở nhà cô quạnh, cũng buồn rầu và than khóc số phận hiếm muộn của mình chẳng khác gì thân phận góa bụa. Bà đã than khóc thảm thiết, vào một ngày lễ của dân tộc, một dịp hân hoan của toàn dân. Trông lên trời thấy những đàn chim bay nhảy, nhìn xuống nước thấy đàn cá bay lội, bà lại càng tủi thân, bởi vì chúng được Thiên Chúa chúc phúc với hậu duệ đông đảo, còn mình thì giống như mảnh đất khô cằn không có sức sống.
Giữa lúc tuyệt vọng như vậy, thì một thiên sứ hiện đến với bà Anna, báo tin cho biết Thiên Chúa đã nhậm lời của bà, và sẽ ban cho bà một hậu duệ sẽ được muôn đời nhắc đến. Nghe tin đó, bà Anna liền hứa rằng dù sinh con trai hay con gái thì cũng sẽ dâng nó cho Thiên Chúa để phục vụ nhà Chúa trót đời. Thiên sứ cũng hiện ra với ông Gioakim và loan tin như vậy. Ông liền đứng dậy trở về nhà, và truyền giết 10 con chiên, 12 con bò tơ để dâng lễ tạ ơn Chúa, và giết 100 con dê để đãi cả làng.
Câu chuyện vừa rồi nhắc lại những cuộc sinh hạ kỳ diệu nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa mà ta gặp thấy trong Cựu Ước, chẳng hạn như ông Abraham (với bà Sara son sẻ), ông Samson cũng được sinh ra trong hoàn cảnh tương tự, hoặc như ông Samuel. Phép lạ không chỉ chứng tỏ bàn tay đặc biệt của Thiên Chúa, nhưng nhất là cho thấy sứ mạng dành cho người con sắp sinh ra. Tác giả sách Tiền Phúc Âm Thánh Giacôbê cũng mang một não trạng đó, nghĩa là ông muốn nêu bật vai trò và sứ mạng mà Chúa sẽ dành cho Đức Maria.
Tác phẩm mà chúng ta đang nghiên cứu không đả động đến ngày sinh tháng đẻ của Đức Maria. Tác giả chỉ nói rằng bà Anna sinh con sau chín tháng cưu mang. Sau khi đã sinh con, bà Anna mới được bà đỡ báo tin là sinh con gái. Và sau 14 ngày, bà đặt tên cho cô bé là Maria, một danh tánh khá quen thuộc trong dân Do Thái.
Dù sao, tác giả không quan tâm đến ngày sinh của Đức Maria cho bằng việc dâng hiến vào đền thờ. Khi cô bé tròn một tuổi, thì song thân mời các tư tế và toàn dân dự lễ cai sữa; đây là cơ hội để bà Anna dâng lời ca tụng Thiên Chúa vì đã đoái nhìn đến mình và cất đi sự ô nhục vì son sẻ.
Đến khi cô bé lên ba tuổi, thì song thân mang lên đền thờ. Cô bé hí hửng ở lại đó chứ không đòi theo bố mẹ trở về nhà.
Khi cô được 12 tuổi, thì hội đồng tư tế bàn định chuyện kết hôn, qua một thủ tục cũng diệu kỳ, đó là các chàng trai phải đem một cái gậy và đặt trong đền thờ, và Chúa sẽ tỏ ý định qua một dấu lạ. Ông Giuse, một người góa vợ, được chọn lựa, bởi vì từ cây gậy của ông, một chim bồ câu thóat ra và đậu lên đầu của ông.
Dụng ý của tác giả là muốn giải quyết vấn đề làm sao Đức Maria khấn giữ trinh khiết mà lại kết hôn, và nhất là tại sao Phúc Âm nói đến các anh em của Chúa Giêsu. Câu trả lời là cô Maria kết hôn do ý định của Chúa; các anh em của Chúa Giêsu là những con riêng của ông Giuse (trong số đó có ông Giacôbê). Nhưng câu chuyện sẽ dẫn chúng ta khá xa.
Không có tài liệu lịch sử nào cho biết Đức Maria sinh vào ngày nào. Lễ kính sinh nhật Đức Mẹ vào ngày 8 tháng 9 có lẽ bắt nguồn từ Giêrusalem.
Vào thế kỷ V, một ngôi nhà thờ được cất lên vào chỗ mà theo tục truyền bà Anna đã sinh con. Người ta đoán rằng ngôi nhà thờ này được cung hiến vào ngày 8 tháng 9; cũng tương tự như lễ Dâng Đức Mẹ Vào Đền Thờ được mừng vào ngày 21 tháng 11 vì kính nhớ lễ cung hiến một thánh đường tại Giêrusalem năm 543.
Một giả thuyết khác thì cho rằng bên Đông Phương trước kia, ngày 8 tháng 9 trùng vào những ngày đầu năm dân sự, và người ta muốn nhớ đến Đức Mẹ trong ngày đó. Từ Đông Phương, lễ sinh nhật Đức Mẹ được truyền bá sang Tây Phương vào khoảng giữa thế kỷ VI hoặc đầu thế kỷ VII.
Dưới khía cạnh thần học, chúng ta có thể nêu bật hai điểm.
Thứ nhất, liên quan đến bản thân của Đức Maria. Từ lễ sinh nhật Đức Mẹ, dần dần người ta cũng mừng lễ bà Anna thụ thai, chín tháng trước đó (nghĩa là ngày 8 tháng 12). Từ lòng quý mến muốn nhắc nhớ hết các biến cố cuộc đời Đức Maria, dần dần các nhà thần học đặt vấn đề về việc vô nhiễm nguyên tội. Như chị đã biết, ngày nay lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được cử hành trọng thể ngày 8 tháng 12, chín tháng trước sinh nhật của người.
Điểm thứ hai liên quan đến lịch sử cứu độ. Lời nguyện phụng vụ ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ đã chúc tụng Thiên Chúa vì chương trình cứu chuộc nhân loại. Kế hoạch này đã dự tính từ muôn thuở nhưng được thực hiện tiệm tiến qua dòng lịch sử, với cao điểm là biến cố Nhập Thể của Đức Kitô. Như vậy, ngày sinh nhựt của Đức Maria được coi như kết thúc giai đoạn chuẩn bị cho biến cố đó: người thân mẫu đã ra đời, bây giờ chỉ còn chờ đến lượt Đấng Cứu tinh.
Lịch Phụng Vụ đặt tên cho lễ mừng vào ngày 15/8 là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Nói đúng ra, tên của ngày lễ được lấy từ tín điều của Giáo Hội Công Giáo, mà nếu dịch đúng ra phải nói “Đức Mẹ Được Cất Về Trời” (In Assumptione Beatae Mariae Virginis).
Bên các giáo hội Đông Phương, nơi xuất phát của lễ này, thì danh xưng là “Đức Mẹ An Giấc” (Dormitio sanctae Mariae), hay là “ngủ yên”. Chung quanh ngày lễ này có rất nhiều câu hỏi được đặt ra mà tôi không thể nào trả lời trong vòng 10 phút được, mặc dù chỉ muốn giới hạn vào phạm vi lịch sử chứ không đi vào khía cạnh thần học.
Những câu hỏi chính mang tính cách lịch sử có thể tóm lại như thế này: Đức Mẹ ly trần lúc nào, ở đâu? Dựa vào tài liệu nào mà biết được? Từ hồi nào phụng vụ mừng lễ Đức Mẹ An Giấc?
Không có câu hỏi nào dễ hết, bởi vì tất cả đều liên hệ với nhau, và móc nối với câu hỏi căn bản là: dựa vào tài liệu nào mà biết được những chi tiết về cuộc đời của Đức Mẹ Maria?
Tài liệu lịch sử quan trọng nhất của đức tin Kitô Giáo là Tân Ước. Thế nhưng Tân Ước chỉ cho thấy sự xuất hiện của Đức Maria trong cuộc đời của Chúa Giêsu, kể từ khi Truyền Tin, Giáng Sinh, cho đến lúc Chúa chết trên thập giá.
Đức Maria còn được nhắc đến một lần nữa nơi sách Tông Đồ Công Vụ (1,14), kể lại sự hiện diện của Người với các môn đệ ở Giêrusalem cầu nguyện trong thời gian chuẩn bị lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Từ đó trở đi, không ai biết người sống chết ra sao. Một cách tương tự như vậy, không ai biết được cuộc đời của Đức Maria trước lúc được Truyền Tin như thế nào, thân thế ra sao.
Đúng rồi, nhưng dựa vào chứng tích nào? Tân Ước không có nói gì hết. Trước sự im lặng của Tân Ước, các thế hệ Kitô Hữu tiên khởi đã tìm cách lấp đầy các lỗ hổng về cuộc đời Đức Maria bằng những tài liệu mà ngày nay chúng ta gọi là “ngụy Phúc Âm”.
Thoạt nghe nói đến “ngụy thư”, có lẽ nhiều người nổi da gà. Thực ra ở đây, “ngụy” chỉ có nghĩa là không được Giáo Hội nhìn nhận như là “được ơn linh hứng”, chứ không hẳn là sai lầm. Bằng cớ là quý danh song thân của Đức Maria, cũng như việc Đức Maria dâng mình vào đền thờ đều dựa theo một ngụy thư mang tên là “Tiền Phúc Âm Thánh Giacôbê”.
Các ngụy thư về Đức Maria tựu trung vào những điểm sau đây: 1/ Gia thế và tuổi xuân của Đức Maria cho đến lúc đính hôn với Thánh Giuse. 2/ Đức Maria trong thời niên thiếu của Đức Giêsu, nghĩa là lúc lánh nạn bên Ai-cập. 3/ Đức Maria vào lúc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu. 4/ Đức Maria ly trần. Như đã nói trước đây, chúng ta chỉ dừng lại ở điểm chót này.
Đúng như vậy. Tuy nhiên, như vừa nói, ngụy thư không có nghĩa “sách lừa bịp”. Mặt khác, chúng ta đang chỉ nói đến khía cạnh lịch sử chứ không bàn đến khía cạnh tín lý. Vì thế các tài liệu gọi là “ngụy thư” có thể coi như chứng tích của các lưu truyền dân gian, và cần được đánh giá theo thể văn đó.
Đi vào vấn đề cụ thể, nghĩa là về chuyện Đức Mẹ lìa đời (Transitus Virginis), chúng ta có hai nguồn truyền khẩu. Một nguồn cho rằng Đức Mẹ đã an giấc tại Giêrusalem vào khoảng một năm sau khi Chúa Giêsu lên trời; các thánh tông đồ đã tiễn đưa người ra mộ trước khi chia tay nhau đi giảng đạo. Một nguồn khác cho rằng Đức Mẹ đã sống thêm một thời gian nữa với Thánh Gioan, và đi theo vị tông đồ này sang Êphêsô; dĩ nhiên, theo lưu truyền này thì Đức Mẹ an giấc tại Êphêsô.
Tôi không phải là nhà chuyên môn về sử học, cho nên chỉ kể lại những điều đọc thấy trong sách vở thôi. Xét về mặt lịch sử, lưu truyền về việc Đức Mẹ an giấc tại Giêrusalem xem ra đáng tin hơn, theo nghĩa là lễ phụng vụ kính Đức Mẹ An Giấc bắt đầu từ đây, tại ngôi đền thờ được cất ở trên ngôi mộ của người.
Trong tiếng Việt cũng như trong nhiều ngôn ngữ khác, người ta kiêng nói đến “chết, tử”, và thay bằng những từ ngữ như là “qua đời, an nghỉ, tạ thế, lìa đời, vv”. Có lẽ không phải chỉ vì muốn dùng từ ngữ thanh tao hơn, nhưng còn muốn nói rằng sau cuộc sống ở dương gian này, còn có cuộc sống khác nữa.
Đối với đức tin Kitô Giáo, chúng ta tin rằng sau cái chết, linh hồn bất tử vẫn tồn tại bên Chúa. Riêng với Đức Maria, thì không những là linh hồn mà cả thân xác cũng được ở bên Chúa; nhưng thử hỏi: Mẹ có phải trải qua cái chết trước khi được hồn xác được đưa lên trời hay không? Các nhà thần học không nhất trí.
Chúng ta tạm gác qua chuyện thần học sang một bên, và trở về với các nguồn truyền khẩu. Dựa theo những ngụy thư mang tên là sự an giấc của Đức Maria, thì không lâu sau khi Chúa lên trời, một thiên sứ đến báo tin cho Mẹ biết rằng sắp đến ngày ra đi. Mẹ liền mời các thân nhân đến để ở gần bên cạnh vào lúc kết thúc cuộc đời. Các thánh tông đồ cũng được triệu tập đến. Một buổi canh thức và cầu nguyện đã diễn ra vào đêm cuối cùng, và sáng hôm sau, Chúa Giêsu đã đến đem linh hồn Mẹ về trời.
Các thánh tông đồ chôn cất thân xác Mẹ trong một ngôi mộ mới cất. Ba ngày sau, Chúa Giêsu và các thiên sứ đến đưa thân xác Mẹ về thiên đàng và được kết hiệp với linh hồn. Đó là những đại cương, bởi vì xét về chi tiết thì có nhiều dị biệt giữa các phiên bản, thí dụ như về thời gian (1 năm, hay lâu hơn sau khi Chúa lên trời), về địa điểm (Bêlem hay là Giêrusalem?).
Tôi nói là lễ kính Đức Mẹ An Giấc bắt nguồn từ Giêrusalem, chứ không phải từ Êphêsô. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các lưu truyền về Đức Mẹ an giấc đều có giá trị lịch sử. Lý do là vì dường như các tài liệu này ra đời muộn, nghĩa là vào thế kỷ V.
Thật vậy, vào khoảng năm 377 (nghĩa là cuối thế kỷ IV), Đức Cha Êpiphaniô giám mục Salamina (+403), đã từng sống lâu năm ở Giêrusalem đã viết rằng Kinh Thánh không nói gì về việc Đức Mẹ kết thúc cuộc đời như thế nào, và vì thế đã có ít là ba giả thuyết: thứ nhất, Đức Mẹ được Chúa đưa lên trời; thứ hai, Đức Mẹ được tử đạo; thứ ba, Đức Mẹ chết như bao nhiêu sinh linh khác.
Tác giả không biết nên theo ý kiến nào, tuy xác tín rằng cuộc đời của Đức Mẹ kết liễu cách khác thường (Panarion 78,11.24). Dù sao cũng nên biết là từ cuối thế kỷ VI (khoảng giữa các năm 540 và 570), có lễ kính Đức Mẹ An Giấc được mừng vào ngày 15 tháng 8, và bành trướng sang Tây Phương vào thế kỷ VII. Không thiếu sử gia đã nêu lên câu hỏi: phải chăng lễ phụng vụ bắt nguồn từ các ngụy thư, hay nguỵ thư bắt nguồn từ lễ phụng vụ? Tôi xin miễn đi sâu vào vấn đề này.
Theo Phúc Âm thứ bốn, Chúa Giêsu từ trên thập giá đã ký thác Thánh Gioan cho Đức Mẹ và ký thác Đức Mẹ cho Thánh Gioan, rồi từ đó, môn đệ Gioan đưa Mẹ về nhà mình (Ga 19,27), và Mẹ cũng theo Gioan trên đưỡng truyền giáo.
Theo một lưu truyền, Thánh Gioan đã hoạt động ở Êphêsô, vì thế Đức Mẹ cũng đi theo Thánh Gioan và qua đời tại đây. Hồi tháng 11 năm ngoái, ĐTC Bênêđictô XVI (theo gương của hai vị tiền nhiệm Phaolô VI và Gioan Phaolô II), trong chuyến du hành sang Thổ Nhĩ Kỳ, có đến thăm ngôi nhà này, được người địa phương đặt lên là Nhà của Mẹ Maria (Meryem Ana Evi).
Các nhà khảo cổ cho rằng nền của ngôi nhà này mang vết tích của thế kỷ I của Công Nguyên. Nhưng làm sao chứng căn nhà này là của Đức Maria được, cũng như chị biết là tại Loreto ở bên nước Ý, cũng có một ngôi nhà tục truyền là của Đức Maria ở Nazareth.
Trên đây tôi đã nói rằng lưu truyền Giêrusalem ra đời trước, vào khoảng thế kỷ VI. Lưu truyền Êphêsô ra đời muộn hơn, và gặp thấy khá nhiều vấn nạn. Thứ nhất là cần kiểm chứng xem Thánh Gioan có sang Êphêsô không. Thứ hai, cần kiểm chứng xem Đức Mẹ có đi theo Thánh Gioan hay không.
Tuy nhiên, dưới một mặt khác, chúng ta đừng nên quên rằng lòng tôn kính Đức Mẹ trong Hội Thánh đã tăng trưởng kể từ sau công đồng họp tại Êphêsô năm 431. Biến cố này là nguồn gốc của các bài giảng và các lưu truyền về cuộc đời Đức Maria. Vì thế xét về giá trị lịch sử, thì khó nói được lưu truyền nào hơn lưu truyền nào, bởi vì chính Công Đồng Êphêsô là khởi điểm cho sự phát triển lòng tôn kính Đức Mẹ, kể cả lễ phụng vụ cử hành tại Giêrusalem. Như đã nói ngay từ đầu, tôi chỉ bàn đến khía cạnh lịch sử chứ không đi vào khía cạnh tín lý, bởi vì tín điều về Đức Maria Hồn Xác Lên Trời dựa trên các chứng cứ mặc khải và thần học, chứ không dựa trên các truyền kỳ dân gian.
Trước khi trả lời câu hỏi, thiết tưởng nên ôn lại khái niệm về cầu nguyện. Một định nghĩa khá cổ điển về cầu nguyện (được gán cho Thánh Gioan Đamascô) là “nâng tâm hồn lên cùng Chúa”, và sách giáo lý Rôma còn bổ túc thêm: “để thờ lạy, tạ ơn, đền tội và xin ơn”.
“Cầu nguyện” thì rộng nghĩa hơn là “đọc kinh”, bởi vì cầu nguyện tiên vàn là tâm tình ở trong lòng, và không phải lúc nào cũng có thể phát biểu thành lời nói. Vì thế câu hỏi “Tân Ước ghi lại bao nhiêu lời cầu nguyện của Đức Mẹ” thì hẹp hơn là câu hỏi: “Tân Ước nói gì về việc cầu nguyện của người”, bởi vì có những lời lần người thinh lặng suy niệm Lời Chúa trong lòng, nhưng không phát biểu ra lời.
Đến đây, chúng ta lại phải thêm một sự phân biệt nữa.
Như vừa nói, cầu nguyện là hướng lòng lên cùng Thiên Chúa; các kinh nguyện là những lời chúng ta thưa chuyện với Chúa. Thế nhưng trong trường hợp của Đức Maria, chúng ta không chỉ hiểu Thiên Chúa như là Chúa Cha trên trời, mà kể cả với Đức Giêsu nữa. Vì thế, có những câu nói thoạt tiên chỉ là câu chuyện đối thoại giữa hai mẹ con, nhưng nếu xét kỹ hơn, thì quả là một lời cầu nguyện. Vì thế có nhiều cách để trả lời câu hỏi: “Tân Ước ghi lại bao nhiêu kinh nguyện của Đức Maria?”
Thường người ta chỉ trích lại bài ca Magnificat và xem đó là kinh nguyện duy nhất của người trong Tin Mừng. Nhưng nói như thế thì hơi hẹp. Có người mở rộng tầm nhìn, và khẳng định rằng trong Tân Ước, tất cả những lời nói của Đức Maria đều là lời cầu nguyện hết, dù là lời nói với Thiên Chúa hoặc với Chúa Giêsu hay đối đáp với Thiên Sứ Gabriel.
Không nhiều lắm đâu! Đức Mẹ là người ít nói. Tân Ước chỉ ghi lại 7 câu nói trong Tin Mừng của Luca và trong Tin Mừng của Gioan. Chúng ta bắt đầu với Tin Mừng Luca trước.
Trong trình thuật Truyền Tin, Luca ghi lại 2 câu nói của Mẹ: 1/ : “Chuyện ấy xảy ra thế nào được, bởi vì tôi không biết người nam?” (Lc 1,34). 2/ “Này tôi lã nữ tì của Thiên Chúa, xin lời của Ngài được xảy ra nơi tôi” (Lc 1,38). 3/ Khi Đức Mẹ đi thăm bà Elizabeth, thì Luca nói rằng người chào hỏi bà chị họ, nhưng không mô tả nội dung (Lc 1,40). 4/ Cũng tại nhà của bà Elizabeth, Đức Maria đã xướng bài chúc tụng Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1,46-55). 5/ Lời thứ 5, Đức Mẹ nói với Chúa Giêsu khi gặp lại trong đền thờ: “Con ơi, tại sao con làm như vậy? Này cha và mẹ đang cực lòng đi tìm con” (Lc 2,48). Hai lời nói cuối cùng được ghi lại nơi Tin Mừng thứ bốn, tại tiệc cưới Cana: 6/ “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3) và 7/ “Thầy bảo sao thì cứ làm như vậy” (Ga 2,5).
Thoạt tiên, xem ra nhiều câu nói chẳng có gì giống lời cầu nguyện hết. Tuy nhiên, có tác giả đã phân tích và cho thấy tất cả đều có thể coi là lời cầu nguyện. Như đã nói, cầu nguyện là đàm đạo với Thiên Chúa.
Trong cuộc Truyền Tin, Đức Mẹ bộc lộ những phản ứng của mình trước tiếng gọi của Chúa, và kết thúc bằng sự phó thác. Những lời đối đáp với Chúa Giêsu khi gặp lại trong đền thờ cũng nói lên tâm tình băn khoăn trước kế hoạch khó hiểu của Thiên Chúa; những lời này có lẽ không bộc lộ sự trách móc cho bằng sự bàng hoàng đau đớn, cách riêng khi nhớ lại lời tiên báo của ông Simeon về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua lòng.
Hai câu nói trong Tin Mừng Gioan là những lời chuyển cầu. Dĩ nhiên, kinh Magnificat là một kinh nguyện tạ ơn long trọng, mà Giáo Hội cũng nhận làm kinh nguyện của mình trong phụng vụ mỗi ngày. Tuy nhiên, chúng ta hãy trở lại với khái niệm về cầu nguyện đã nói lúc nãy.
Trước khi phát biểu thành lời, cầu nguyện là một tâm tình bên trong của con người đi tìm Thiên Chúa hoặc để đáp lại tiếng Chúa. Dưới khía cạnh này, Tân Ước cung cấp cho chúng ta rất nhiều dữ liệu về đời sống cầu nguyện của Mẹ Maria.
Luca trình bày cho chúng ta thấy rằng người là khuôn mẫu của việc lắng nghe và suy niệm lời Chúa trong tâm hồn. Thánh sử đã lặp lại nhận xét hai lần trong chương 2. Trước biến cố giáng sinh tại Belem, sau khi nghe các mục đồng thuật lại những mạc khải mà thiên sứ đã tỏ cho họ về Hài Nhi Giêsu, Mẹ Maria đã ghi nhận và suy đi nghĩ lại trong lòng (câu 19). Rồi sau khi đã gặp lại cậu Giêsu trong đền thờ và trở về Nazareth, Mẹ Maria lại ghi nhớ những điều này trong trái tim (số 51).
Câu này ở cuối chương 2, dường như tổng kết tất cả những chuyện đã xảy ra từ hồi truyền tin, đến khi giáng sinh, rồi dâng con trong đền thờ với lời tiên báo của ông Simeon, và chuyện lạc con trong đền thờ: Đức Maria đối chiếu các việc này với nhau, và sẽ kéo dài sang những biến cố sau này nữa.
Theo nhiều tác giả, chuyện lạc mất con trong đền thờ ba ngày tiên báo cuộc tử nạn của Chúa Giêsu sau này: thời gian tương ứng với giai đoạn ba ngày an táng trong mộ. Và Chúa Giêsu đã cho biết rằng phúc thật của Đức Maria không phải ở chỗ cưu mang sinh hạ, nhưng là ở chỗ lắng nghe Lời Chúa và mang ra thực hành.
Việc lắng nghe Lời Chúa là thái độ căn bản của con người trước mặt Thiên Chúa. Thái độ này sẽ phát sinh ra một chuỗi những tâm tình khác, đã được nói trên đây trong định nghĩa về sự cầu nguyện.
Chúng ta có thể thấy trong buổi Truyền Tin một phản ứng khá tự nhiên của việc đáp lại tiếng gọi của Chúa, đó là: thuận nhận làm theo ý Chúa, được phát biểu qua tiếng Fiat xin vâng. Tâm tình này bao hàm ý định hiến dâng nữa.
Tiếp đó, trong bài ca Magnificat, tâm tình nổi bật nhất là tạ ơn. Tạ ơn không chỉ vì những ân huệ cá nhân mà Chúa đã ban cho Mẹ mà còn về những hồng ân mà Chúa đã thực hiện trong lịch sử cứu độ, dành cho dân tộc Israel cũng như dành cho tất cả những con người thấp cổ bé miệng.
Trong lịch sử thần học, đã có những tác giả sánh ví kinh Magnificat với kinh nguyện Tạ Ơn trong Thánh Lễ, với những phần tạ ơn, chúc tụng, chuyển cầu. Nhưng cũng có người so sánh như bài ca giải phóng.
Khi bước sang Tin Mừng thứ tư, chúng ta nhận thấy một tâm tình khác nơi trình thuật về tiệc cưới tại Cana. Đức Maria ngỏ lời với Chúa Giêsu: “họ hết rượu rồi”. Đây không chỉ là nhận xét tinh tế của một người nội trợ quán xuyến chuyện cơm nước, nhưng nhất là một lời chuyển cầu. Mẹ xin Chúa Giêsu can thiệp để giúp đỡ đôi tân hôn.
Lời kế tiếp nói với gia nhân: “hãy làm tất cả những gì mà Người bảo” thoạt tiên chỉ là một lời dặn dò, nhưng các nhà chú giải Kinh Thánh đã vạch ra ý nghĩa thâm sâu của nó khi đối chiếu với những lời của dân tộc Israel thưa với ông Mosê trên núi Horep, được ghi lại trong sách Xuất Hành, chương 19 câu 8: “Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì mà Giavê dạy bảo”.
Như vậy, Đức Maria dường như giữ vai trò trung gian giữa Thiên Chúa với dân của Người. Trong câu nói trước (“Họ hết rượu rồi”), Mẹ thay mặt dân để ngỏ lời với Chúa; bây giờ thì Mẹ quay về phía dân để mời gọi họ hãy đón nhận ý Chúa. Vai trò môi giới của Đức Maria sẽ còn được hiện rõ hơn dưới chân thánh giá, khi Chúa Giêsu uỷ thác người môn đệ yêu dấu cho Mẹ, và ký thác Mẹ cho người môn đệ.
Còn một đoạn văn khá quan trọng ở chương mở đầu sách Tông Đồ Công Vụ. Tác giả cho chúng ta biết rằng sau khi Chúa Giêsu lên trời, các môn đệ trở về Giêrusalem; họ lên lầu trên, đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện cùng với các phụ nữ, và bà Maria, thân mẫu của Đức Giêsu.
Thoạt tiên, Đức Maria hiện diện như một người môn đệ giữa những môn đệ khác. Kỳ thực, sự hiện diện này mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Người hiện diện giữa cộng đoàn Hội Thánh như là ký ức sống động về Chúa Giêsu. Mẹ kể lại cho các môn đệ những kỷ niệm về Chúa mà Mẹ đã nghiền ngẫm trong suốt hơn ba mươi năm qua. Những kỷ niệm này cần được đối chiếu với tác động của Chúa Thánh Thần, là Đấng vừa nhắc nhở cho các môn đệ các lời nói và việc làm của Chúa, vừa giúp họ đào sâu thêm ý nghĩa của những biến cố ấy.
Mặt khác, Đức Maria cùng cầu nguyện với cộng đồng Hội Thánh. Đây là nền tảng cho những kinh nguyện mà Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa cùng với Mẹ Maria.
Như đã nói trên đây, mỗi ngày Hội Thánh hát bài Magnificat trong giờ Kinh Chiều: Hội Thánh chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa bằng những lời của Mẹ Maria. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến kinh Mân Côi, qua lời kinh Kính Mừng, Hội Thánh cùng suy niệm các mầu nhiệm của Chúa Kitô với cặp mắt và con tim của Mẹ Maria. Và Hội Thánh cũng chắc chắn rằng Mẹ Maria cũng cầu nguyện cho Hội Thánh xét như cộng đồng và xét như từng cá nhân, bởi vì mỗi người là môn đệ được Chúa Giêsu ký thác cho Mẹ chăm sóc.
Mẹ cũng muốn chúng ta học theo gương của Mẹ trong việc đón nhận ý Chúa, và sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy. Thiết tưởng chúng ta nên đọc lại vài đoạn quan trọng của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Ở số 2679, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đặt nền tảng của những lời cầu nguyện mà các tín hữu dâng lên Đức Mẹ dựa trên chính mẫu gương cầu nguyện của Người. Đề tài “các lời cầu nguyện của Mẹ Maria” ở các số 2617-2619. Cầu nguyện là thinh lặng, lắng nghe; là đón nhận, vâng phục; là dâng hiến, là dấn thân; là xác tín và trông chờ.
Trước khi trả lời câu hỏi vừa đặt lên, thiết tưởng nên đọc lại bản văn Tin Mừng. Câu chúc mừng vừa kể đi sau một câu chúc mừng khác: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”.
Thoạt tiên, xem ra Đức Maria được chúc phúc hai lần, nhưng đó là theo bản dịch tiếng Việt, chứ trong nguyên bản thì không phải thế. Lẽ ra lời chào đầu tiên phải dịch là: “Em được chúc lành hơn mọi người phụ nữ”, và câu này đi vào kinh Kính Mừng: Benedicta tu in mulieribus, được dịch sang tiếng Việt là “bà có phúc lạ hơn mọi người nữ”.
Còn câu thứ hai mới thật là tuyên bố chân phúc: “Em thật có phúc vì đã tin”, có thể dịch là “Hạnh phúc thay cho em, bởi vì em đã tin vào lời Chúa”. Lời này rất có ý nghĩa đối với chúng ta trong Năm đức tin.
Bởi vì mỗi lần nghĩ đến Mẹ Maria, chúng ta liên tưởng ngay đến một người phụ nữ phi thường, được Chúa ban muôn vàn ơn huệ ngay từ khi được thành thai trong lòng thân mẫu, và suốt đời luôn sống trong ánh sáng huy hoàng vì được chiêm ngưỡng Chúa.
Thế nhưng Công Đồng Vaticano II đã đọc lại Kinh Thánh và đã khám phá ra một bức chân dung đích thực của Đức Maria. Người được hạnh phúc không phải bởi vì đã được Chúa đổ tràn ân sủng, cũng không phải vì người là một phụ nữ có một không hai trên đời này, nhưng bởi vì người đã tin vào lời Chúa.
Như vậy, công đồng muốn cho thấy Đức Maria rất gần gũi với chúng ta, người cũng chia sẻ những gian nan vất vả như chúng ta, không những vì người thuộc vào thành phần nghèo khổ về vật chất nhưng thậm chí người cũng gian nan trong hành trình đức tin nữa.
Dựa vào chính Tin Mừng của Luca. Như chị đã biết, trong các tác phẩm Tân Ước, Luca là người nói nhiều đến Đức Maria hơn cả. Thế nhưng, bên cạnh cảnh Truyền Tin thuật lại ơn gọi đặc biệt của Đức Maria, thì Luca cũng có nhiều đoạn văn cho thấy đâu là phúc thật của người.
Ngoài câu văn của bà Elisabeth đã trưng dẫn ở đầu, ta còn thấy một câu văn quan trọng, ra như muốn sửa đổi não trạng thông thường của chúng ta. Theo quan niệm bình dân, ai cũng nghĩ rằng Đức Maria thật vinh dự bởi vì được chọn làm Mẹ của Chúa Giêsu, vì thế không lạ gì một bữa kia có người đã lên tiếng: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”, nhưng Chúa Giêsu đã sửa lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28).
Thật ra Thánh Luca đã nói đến điều này ngay từ chương 2 rồi, khi ông lặp đi lặp lại hai lần “Đức Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (câu19); “riêng mẹ người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (câu 51). Đó là nền tảng để công đồng đi tới kết luận ở số 58 của Hiến Chế về Hội Thánh rằng “Đức Trinh Nữ diễm phúc tiến bước trên con đường lữ hành đức tin”.
Có chứ, đặc biệt là Đức Gioan Phaolô II. Như chúng ta đã biết, vị chân phúc này rất có lòng tôn kính Đức Mẹ. Thế nhưng người đã dành thông điệp dài nhất về Đức Maria, tựa đề “Thân Mẫu Chúa Cứu Thế” (ngày 25 tháng 3 năm 1987) để khai triển đề tài “hành trình đức tin của Mẹ”; và chắc rằng do ảnh hưởng của đức giáo hòang mà sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã giới thiệu Đức Maria khi mở đầu chương nói việc tin nhận Mạc Khải ở số 144, trưng ra hai khuôn mẫu của đức tin: ông Abraham trong Cựu Ước, và Đức Maria trong Tân Ước.
Theo mạch văn của chương 1 Tin Mừng Luca, thì đúng như vậy, bởi vì việc Đức Maria đi thăm viếng bà Elizabeth được đặt liền sau biến cố Truyền Tin.
Xem ra Thánh Luca muốn đối chiếu hai mẫu người tin sau khi nhận được sứ điệp của Thiên Sứ Gabriel. Thiên sứ báo tin cho ông Dacaria rằng bà vợ của ông tuy đã cao niên và son sẻ nhưng sẽ sinh ra một con trai, nhưng ông tỏ ra ngờ vực. Sứ thần báo tin cho Đức Maria là trinh nữ rằng bà sẽ sinh con thì người chấp nhận.
Người đọc sẽ dễ nghĩ rằng bà Elizabet khen ngợi Đức Maria ở điểm này. Thế nhưng ngày nay, nhiều nhà chú giải Kinh Thánh mở rộng tầm nhìn hơn nữa: qua miệng bà Elizabeth, người ta đọc thấy lời chúc tụng của cộng đoàn Kitô Hữu tiên khởi “kêu lớn tiếng”, nghĩa là tung hô Đức Maria vì thái độ tin tưởng của Mẹ trong toàn thể công trình cứu chuộc.
Nói cách khác, Đức Maria không những chỉ bày tỏ đức tin trong buổi Truyền Tin của sứ thần mà còn qua nhiều biến cố khác nữa.
Trong thông điệp vừa nhắc tới trên đây, Đức Gioan Phaolô II đã dành các số 12 đến số 24 để theo dõi cuộc lữ hành đức tin của Đức Maria, từ lúc truyền tin cho đến lúc Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá và phục sinh.
Dĩ nhiên, phải nhận rằng biến cố Truyền Tin là một hành vi điển hình của đức tin. Tin là đáp lại “Xin vâng” trước lời Chúa mạc khải. Đức Maria đã làm như thế khi nghe thiên sứ truyền tin. Tuy nhiên, chúng ta cần suy nghĩ sâu xa hơn nữa, bởi vì ngoài việc thuận nhận làm mẹ Đức Giêsu, Đức Maria còn bày tỏ sự phó thác hoàn toàn cuộc đời để cho Chúa dẫn dắt.
Về điểm này thật có lý để so sánh người với tổ phụ Abraham xưa kia, khi ông tin vào lời Chúa hứa, và lìa bỏ quê hương họ hàng, lên đường đi theo tiếng Chúa. Hình như thánh sử Luca muốn gợi lại hình ảnh đó, khi ông thuật lại việc Đức Maria vội vã lên đường đến nhà ông Dacaria để thăm bà Elizabeth.
Chúng ta không loại trừ động lực rất hợp tình hợp lý ấy. Nhưng các nhà chú giải Kinh Thánh còn đưa ra nhiều lý do khác. Một lý do dễ nhận thấy là Đức Maria đã mang lại cho nhà ông Dacaria sự chúc lành, như chính bà Elizabet đã nghiệm thấy; vì lý do này mà nhiều người đã chào kính Đức Maria là mẫu gương loan báo Tin Mừng: Người đã mang Chúa Giêsu cho tha nhân.
Tuy nhiên, ta cũng có thể nghĩ tới động lực đức tin. Hình như Đức Maria còn giữ kín câu chuyện truyền tin, và thậm chí chưa cho ông Giuse biết. Đức Maria muốn đi tìm một người có thể hiểu câu chuyện để chia sẻ những khó khăn của niềm tin.
Việc bà Elisabeth mang thai là một dấu hiệu cho thấy rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì mà Chúa không thể làm được”. Cuộc hành trình vừa địa lý vừa thiêng liêng tiếp tục với việc rời Nazaret để về Belem, nơi Chúa Cứu thế ra đời. Thật là một thử thách đức tin, khi thấy Đức Giêsu, Đấng được hứa sẽ ngồi trên ngai vua Đavit, nhưng lại không tìm được chỗ trú ngụ ngay tại thành vua Đavit này.
40 ngày sau đó, Đức Maria thực hiện một cuộc hành trình lên đền thờ Giêrusalem để dâng hài nhi trong đền thờ. Tại đây thân mẫu của hài nhi được nghe một lời tiên báo của ông Simeon rằng: một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua hồn của bà. Hài nhi vừa là ánh sáng coi chiếu muôn dân và vinh quang của Israel, vừa là duyên cớ vấp ngã cho nhiều người.
Thánh Luca viết rằng ông Simeon lên đền thờ lúc ấy không phải là do tình cờ, nhưng là do Thánh Linh thúc đẩy. Vì thế Đức Gioan Phaolô II không ngại so sánh câu nói của ông Simeon như là lời truyền tin thứ hai nói về những đau khổ của Đức Giêsu.
Lời truyền tin thứ hai của ông cụ trái ngược hẳn với lời truyền tin của Thiên Sứ Gabriel. Thế nhưng Đức Maria đã chấp nhận tất cả, bởi vì người làm tất cả những gì Luật Chúa truyền.
Một cuộc hành trình tiếp theo được Thánh Mattheu thuật lại, đó là đưa hài nhi sang Ai-cập để lánh nạn. Thánh sử kể lại chuyện này (cũng như việc trở về Nazareth sau đó) với lời bình giải “hầu ứng nghiệm lời Sách Thánh”, nghĩa là hoàn toàn tuân theo Chúa xếp đặt. Đó chẳng phải là hành trình đức tin đó sao?
Rồi Thánh Luca thuật cho chúng ta biết chuyện Đức Giêsu lìa bỏ cha mẹ và ở lại trong đền thờ. Lần đầu tiên, chúng ta nghe được câu bình luận rằng “song thân không hiểu Đức Giêsu (Lc 2,50). Thế nhưng, chính vì vậy mà Đức Maria đã ghi nhận tất cả những điều ấy trong lòng.
Chúng ta có lý do để suy đoán rằng người đang trải qua một cuộc thanh luyện đức tin trong tương quan với Đức Giêsu, mà người phải chuyển đổi từ những tâm tình tự nhiên của tình mẫu tử sang tương quan siêu nhiên của đức tin, nghĩa là để trở thành một người môn đệ lắng nghe và tuân hành lời Chúa, như chính Thánh Luca đã ghi lại câu nói của Chúa về chân dung của người thân nhân họ hàng đích thực.
Dù sao, cao điểm của cuộc thử thách đức tin của Đức Maria là cái chết của con mình trên thập giá. Thập Giá là sự phủ nhận những lời mà trước đây Thiên Sứ Gabriel đã nói về Đức Giêsu như là Con Đấng Tối Cao, Đấng sẽ ngự trên ngôi báu Đavit, là Con Thiên Chúa.
Đến đây ta hiểu rõ hơn lời chúc mừng của Hội Thánh qua miệng bà Elizabeth: “Hạnh phúc thay kẻ tin rằng lời Chúa sẽ thực hiện”. Đức Maria đã giữ vững niềm tin khi mà không còn gì để tin tưởng dưới mắt người đời. Vì vậy, người đã trở nên mẫu gương đức tin cho chúng ta, và trở nên mẹ của chúng ta trong đức tin. Nhờ đức tin của Đức Maria mà kế hoạch Thiên Chúa cứu độ nhân loại được thực hiện từ lúc truyền tin cho đến thập giá.