Câu trả lời “được” hay “không được” phần nào tuỳ thuộc vào việc chúng ta phiên dịch các từ ngữ từ tiếng La Tinh sang tiếng Việt. Tôi xin nói lý do “không được” trước, bởi vì ít hơn, rồi sau đó sẽ nói đến các lý do “được”.
Lý do chính để nói “không được” là tại vì trong phụng vụ, động từ “thương xót” chỉ được dành cho Thiên Chúa mà thôi. Chẳng hạn trong kinh cầu Đức Mẹ, cộng đoàn đáp “xin Chúa thương xót chúng tôi” cho các lời cầu khẩn Ba Ngôi Thiên Chúa; đến các lời cầu khẩn Đức Maria thì cộng đoàn đáp: “cầu cho chúng con”, chứ không thể tiếp tục thưa “thương xót chúng con”.
Đó là một lý do để nói “không”, nhưng còn nhiều lý do để nói “có”. Tuy nhiên, trước hết, cần lưu ý đến việc dịch thuật.
“Thương xót” được dịch từ tiếng La Tinh misericordia (hoặc mercy trong tiếng Anh). Nhưng danh từ này có thể chuyển dịch sang rất nhiều từ tương đương trong tiếng Việt. Chúng ta hãy lấy một thí dụ.
Kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina) mở đầu bằng những lời Mater misericordiae, và tước hiệu này đã được dịch nhiều cách khác nhau. Bản kinh cổ truyền dịch là “Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành”. Bản dịch của Nhóm Giờ Kinh Phụng vụ là “Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương”.
Còn bài hát khá phổ thông của Cha Kim Long mở đầu là “Chúng con kính chào Nữ Vương Mẹ nhân ái”. Như vậy, cũng đã có bản dịch “Mẹ xót thương” (thay vì Mẹ thương xót) rồi. Ngoài ra chúng ta cũng có thể dịch là “Mẹ từ bi” nữa, và không thiếu nhạc sĩ sáng tác bài ca cho danh hiệu này.
Tôi cũng nghĩ như vậy. “Từ bi” là một trong những quan niệm trọng tâm của Phật Giáo. Dù sao, chúng ta tạm gác chuyện từ ngữ lại, và đi sâu vào ý nghĩa thần học sâu xa của nó. Tại sao Đức Maria được gọi là “nhân lành, từ bi, nhân ái”?
Thoạt tiên, chúng ta liên tưởng ngay đến các đức tính của bà mẹ. Mẹ tượng trưng cho sự dịu hiền, thông cảm, khác với sự nghiêm khắc của người cha. Đó là quan niệm bình dân, nhưng nếu áp dụng vào Kinh Thánh thì có nguy cơ sai lạc. Thật vậy, chúng ta đang ở trong năm Toàn Xá kính Lòng Thương Xót của Chúa. Ngay từ Cựu Ước, Thiên Chúa đã tự mặc khải như là Đấng từ bi lân tuất. Thiết tưởng chúng ta cần phải điều chỉnh lại quan niệm mà nhiều người vẫn mang trong đầu, đó là Cựu Ước trình bày một Thiên Chúa công bình, còn Tân Ước trình bày một Thiên Chúa tình thương. Nói thế không đúng.
Trong cuộc Xuất Hành, ông Mosê đã cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, và ông đã thốt lên: “Giavê, Giavê, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng thương xót với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông” (Xh 34,6-7).
Dù sao, các thánh vịnh đầy những lời chúc tụng: “Hãy ca tụng Chúa vì Chúa nhân từ, vì lòng từ bi Chúa đến muôn ngàn đời”. Tư tưởng ấy được tóm lại trong Thánh Vịnh 103 (câu 8-10.13): “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người... Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn. Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ, ta chỉ là cát bụi”.
Các nhà chú giải còn lưu ý rằng để mô tả lòng thương xót của Thiên Chúa, bản văn Cựu Ước sử dụng từ rachamim, nói lên lòng trắc ẩn, cảm thông, âu yếm, nghĩa là gần giống với lòng dạ của người mẹ. Dĩ nhiên, những tư tưởng này sẽ còn được nhấn mạnh hơn nữa trong Tân Ước.
Chúng ta nên lưu ý đến một tư tưởng then chốt mà ĐTC Gioan Phaolô II nói đến trong thông điệp Dives in misericordia và được ĐTC Phanxicô nhắc lại trong sắc chiếu Misericordiae vultus, đó là: đối với Kitô Giáo, lòng thương xót không phải là một ý niệm trừu tượng, nhưng chính là bản tính của Thiên Chúa.
Thiên Chúa là Đấng từ bi thương xót. Bản tính của Thiên Chúa được mặc khải nơi bản thân của Chúa Giêsu. Vì thế khi tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Xót Thương, hoặc Mẹ Từ Bi, thì tiên vàn ta phải hiểu rằng Đức Maria là Mẹ của Đấng Thương Xót, Mẹ của Đấng Từ Bi.
Nói khác đi, trước khi trở thành con người từ bi, Đức Maria đã đón nhận Đấng Từ Bi vào trong lòng mình. Mẹ là người đầu tiên đã cảm nghiệm lòng từ bi mà Thiên Chúa đã dành cho mình và cho nhân loại. Mẹ đã thay mặt cho nhân loại để ca ngợi Thiên Chúa trong bài Magnificat: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người... Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời”.
Mẹ đã chứng kiến lòng Thiên Chúa yêu thương nhân loại khi ban Con Một của Người cho nhân loại, không những trong mầu nhiệm Nhập Thể mà nhất là trên thập giá. Đức Maria là người đầu tiên tiếp cận với mầu nhiệm của lòng thương xót của Chúa; vì thế không lạ gì Mẹ trở nên chứng nhân cho lòng thương xót ấy.
Mỗi người chúng ta có thể hình dung nhiều điều theo óc tưởng tượng của mình. Nhưng tốt hơn, chúng ta hãy dựa trên các bản văn của Kinh Thánh. Có hai đoạn văn đáng được lưu ý cách riêng.
Đoạn văn thứ nhất là tiệc cưới Cana, được kể lại ở chương hai của Tin Mừng Thánh Gioan. Chúng ta thường dừng lại ở chỗ Đức Maria đã đón trước nhu cầu của đôi tân hôn, ngay cả trước khi họ yêu cầu, và Mẹ đã xin Chúa Giêsu can thiệp; tuy nhiên, chúng ta đừng bỏ qua khúc sau của câu chuyện, đó là Mẹ nói với gia nhân là hãy làm theo lời Chúa dạy. Đức Maria muốn cho người ta hãy đến với nguồn mạch của mọi ơn huệ là chính Chúa Giêsu.
Đoạn văn thứ hai là cảnh Đức Maria dưới chân thập giá, nơi mà Mẹ đã chứng kiến tột đỉnh của lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại, và chính Chúa đã uỷ thác cho Mẹ chuyển thông lòng thương xót ấy cho nhân loại.
Thật khó nói. Tước hiệu mà chúng ta hát trong kinh lạy Nữ Vương, Salve Regina mater misericordiae ra đời cùng với bài ca ấy, nghĩa là vào khoảng giữa thế kỷ thứ X. Lúc đầu bản văn là Salve regina misericordiae, về sau này mới thêm chữ mater. Tước hiệu sẽ được giải thích trong bài ca, trong đó người tín hữu trình bày những thống khổ của nhân loại do hậu quả của tội lỗi, và xin Mẹ cứu thoát, nhất là vào lúc lìa đời.
Đó là nói về tước hiệu “Mẹ của lòng thương xót”, chứ xét về tư tưởng thì có lẽ chứng tích cổ nhất là Sub tuum praesidium (vào cuối thế kỷ thứ III), trước đây được dịch là “Chúng tôi trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện”, và bản dịch mới là: “Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, Ngài xiết bao thánh thiện, này chúng con chạy đến tìm nương ẩn nơi Ngài. Lúc sa vòng gian khổ, khi gặp cảnh phong trần, lời con cái nài van, xin Mẹ đừng chê bỏ, nhưng xin hằng giải thoát khỏi ngàn nỗi hiểm nguy, ôi vinh diệu ai bì, Trinh nữ đầy ân phúc!”.
Tuy tước hiệu “từ bi lân tuất” không được nhắc đến, nhưng ý tưởng hàm ngụ thì đã quá rõ: cộng đồng tín hữu đang gặp cơn thử thách, chạy đến cùng Đức Maria và chạy đến ẩn náu nơi lòng từ bi của Mẹ, và chắc chắn Mẹ không từ chối giúp đỡ. Dân Chúa tin tưởng rằng Mẹ là chứng nhân đầu tiên của Lòng Chúa Thương Xót, cho nên Mẹ cũng được thấm nhuần lòng thương xót ấy, như chính Chúa Giêsu đã dạy: “Anh em hãy là những kẻ thương xót giống như Cha anh em trên trời là Đấng thương xót” (Lc 6,36).
Tuy các công việc thương xót tha nhân rất đa dạng (được tóm lại trong 14 mối thương người) nhưng ơn huệ mà các tín hữu mong đợi nơi Mẹ hơn cả là ơn cứu độ. Điều này được diễn tả trong kinh Lạy Nữ Vương với những lời “đến sau cõi đời này, xin Mẹ tỏ cho chúng con được thấy Chúa Giêsu, Con lòng mẹ”.
Vào thời Trung Cổ, nhiều dòng tu diễn tả niềm thâm tín ấy qua bức tranh họ được bao phủ dưới tấm áo choàng của Mẹ. Tấm áo choàng ấy được xem như bảo chứng của sự che chở hiền mẫu trong hành trình về quê trời. Dù sao, trở lại với cảnh Mẹ hiện diện tại tiệc cưới Cana, các tín hữu có quyền chắc chắn sẽ được Mẹ giúp đỡ, nhưng đồng thời Mẹ cũng yêu cầu hãy làm theo lời Chúa dạy, nghĩa là hãy biết tỏ lòng thương xót với tha nhân ngõ hầu đáng được Chúa thương xót.
Khi soạn thảo chương VIII của Hiến Chế về Hội Thánh, các nghị phụ đã chia thành hai nhóm chung quanh tước hiệu “Mẹ của Giáo Hội” dành cho Đức Maria. Dĩ nhiên là một số không nhỏ các nghị phụ muốn tước hiệu này vào trong văn kiện; nhưng cũng có nhiều ý kiến chống lại, với nhiều lý do thần học quan trọng.
Một ý kiến cho rằng xưa nay chúng ta đã quen với thuật ngữ “Mẹ Hội Thánh” hiểu theo nghĩa là Hội Thánh là Mẹ của chúng ta, bởi vì đã sinh chúng ta vào đời sống siêu nhiên nhờ việc giảng Lời Chúa và ban các bí tích. Bây giờ gọi Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh thì e rằng sẽ gây ra nhiều lẫn lộn.
Có người lại châm biếm rằng: nếu Hội Thánh là mẹ của chúng ta, bây giờ đặt Đức Maria làm mẹ của Hội Thánh thì chẳng phải là nâng người lên hàng bà ngoại đó ư? Có lẽ người sẽ không vui lắm đâu!
Một lý chứng nữa được đưa ra: nếu gọi Đức Maria là Mẹ của Giáo Hội, phải chăng chúng ta đã chẳng tách người ra khỏi Giáo Hội đấy ư? Như vậy đâu có hợp với thần học, bởi vì Đức Maria là một phần tử của Giáo Hội chứ đâu phải ở ngoài hay ở trên Giáo Hội.
Chính vì những lý do ấy mà công đồng không đề cập đến vấn đề này trong Hiến Chế Lumen Gentium. Thế nhưng đến khi ban hành văn kiện này, trong bài giảng Thánh Lễ ngày 21-11-1964, ĐTC Phaolô VI đã long trọng tuyên bố như sau: “Để vinh danh Đức Trinh nữ và để nâng đỡ chúng ta, chúng tôi tuyên bố Đức Maria chí thánh là 'Mẹ của Giáo Hội', nghĩa là Mẹ của toàn thể Dân Chúa, của các tín hữu cũng như của các mục tử. Chúng tôi gọi người là mẹ rất âu yếm; và chúng tôi muốn rằng từ nay về sau, Đức Trinh Nữ được toàn dân Kitô Hữu tôn kính và khẩn cầu dưới tước hiệu này”.
Điều này có lẽ mọi người đã biết rồi, nhưng có lẽ ít người để ý rằng cũng trong chính bài giảng ấy, Đức Phaolô VI cũng gọi Đức Maria là “người chị của chúng ta”. Bởi vậy, nói rằng Đức Maria là chị thì không phải là hỗn láo xấc xược gì hết, bởi vì đã được sử dụng bởi chính vị giáo hoàng vừa tuyên bố người là “Mẹ của Giáo Hội”.
Đây không phải là một cuộc cách mạng của thế kỷ XX đâu. Đã có nhiều giáo phụ sử dụng thuật ngữ ấy từ lâu đời, tựa như Thánh Athanasio, Cyrillo Alexandria. Trong bài giảng nói trên, Đức Phaolô VI đã tóm tắt tư tưởng thần học cổ điển, vừa đưa ra ba lý do sau đây để gọi Đức Maria là chị: thứ nhất, bởi vì người cũng là con cháu của Ađam; thứ hai, bởi vì người cũng cần được hưởng ơn cứu chuộc của Đức Kitô; thứ ba, bởi vì người đã chia sẻ thân phận hành trình đức tin.
Về lý do thứ nhất, Đức Maria là chị của chúng ta bởi vì người cũng là con cái của loài người, con cháu ông Ađam. Điều này muốn nhắc nhớ rằng Đức Maria không phải là một tiên nữ giáng trần, nhưng là một thành phần của gia đình nhân loại. Dĩ nhiên, đây là nói đến hệ trật tự nhiên.
Khi bước sang hệ trật siêu nhiên, thì chúng ta phải chuyển sang lý do thứ hai, đó là Đức Maria cũng cần được Đức Kitô cứu chuộc. Thật vậy, tất cả loài người chúng ta đều có chung một ông tổ Ađam, và đồng thời chúng ta cũng liên đới với ông trong tội lỗi cho nên tất cả chúng ta đều cần được cứu chuộc. Duy có điều là về cách thức cứu chuộc thì có sự khác biệt giữa Đức Maria và chúng ta.
Chúng ta đã mắc tội tổ tông và chúng ta được cứu thoát khỏi tội ấy nhờ bí tích rửa tội, là sự thông dự vào cái chết và phục sinh của Chúa Kitô. Còn Đức Maria thì được ngăn ngừa khỏi tội nguyên tổ, tuy cũng nhờ công nghiệp của Đức Kitô. Đây là điều đã được Giáo Hội tuyên bố trong tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Dù vậy, thiết tưởng cần nhắc lại ở đây để lưu ý rằng Đức Mẹ là một phần tử ở trong Hội Thánh, xét như là cộng đồng của những người được Đức Kitô cứu chuộc. Dưới khía cạnh này, Thánh Phaolô đã gọi Đức Kitô là ông Ađam mới, nguyên thủ của một nhân loại mới. Đức Maria nằm trong hàng ngũ này, vì thế mà có thể được gọi là chị của chúng ta, bà chị cả, vì là người đầu tiên được hưởng ơn cứu độ của Đức Kitô.
Lý do thứ ba được tìm thấy ngay trong chính bản văn của Hiến Chế về Hội Thánh, khi giới thiệu Đức Maria như là một khuôn mẫu cho đời sống đức tin.
Lý do thứ hai vừa kể ra cho thấy một đặc ân của người là được cứu thoát khỏi tội nguyên tổ cách lạ lùng, tuy cũng thuộc về dòng dõi Ađam; còn lý do thứ ba muốn nói đến sự gần gũi của người với thân phận của chúng ta. Thật vậy, trong quá khứ, chúng ta thường hay đề cao các đặc ân mà Thiên Chúa đã ban cho người, biến người thành một phụ nữ độc nhất vô nhị trên đời này. Nhưng Công Đồng Vaticanô II cũng chú ý đến những đoạn Tân Ước cho thấy Đức Maria đã trải qua những điều kiện giống như tất cả mọi tín hữu, đó là đời sống đức tin.
Đức Maria được bà Elizabeth chúc phúc “vì đã tin vào Lời Chúa”. Đề tài được công đồng khai triển ở 53.56. 61.63.64.65; và đặc biệt là Đức Gioan Phaolô II trong thông điệp Thân Mẫu Chúa Cứu Thế.
Đức Maria không phải chỉ bày tỏ đức tin vào lời Chúa vào lúc tiếp nhận lời của sứ thần, nhưng suốt cuộc đời của người là một cuộc lữ hành đức tin: đức tin của người đã tăng trưởng trải qua những lúc thử thách, những lúc tối tăm, chẳng hạn như khi nghe ông Simeon tiên báo về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua trái tim, hoặc khi nghe câu trả lời của hài nhi Giêsu vào lúc gặp lại sau ba ngày lạc mất. Vì cùng chia sẻ điều kiện lữ hành đức tin như chúng ta, cho nên Đức Maria cũng là chị của chúng ta, một người bạn đường của chúng ta.
Thật ra các ngôn ngữ của chúng ta còn nhiều thiếu sót cho nên không thể nào diễn tả được hết tất cả những khía cạnh của mầu nhiệm đức tin, đặc biệt là mầu nhiệm liên quan đến Đức Kitô. Đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là người.
Thánh Phaolô tuyên xưng Đức Kitô là Chúa (Kyrios), là Ađam mới (nghĩa là nguyên tổ mới của nhân loại). Đồng thời, ở chỗ khác, Đức Kitô cũng được gọi là “trưởng tử của loài thụ tạo”, nghĩa là anh cả của chúng ta. Thiết tưởng điều tương tự cũng được Thánh Gioan gợi lên khi từ thập giá, Chúa Giêsu đã ký thác Đức Maria cho người môn đệ yêu dấu, tượng trưng cho các Kitô Hữu: một cách gián tiếp, Chúa Giêsu muốn coi chúng ta là các em của mình, bởi vì có chung một người mẹ.
Thế nhưng, dưới một khía cạnh khác, Tin Mừng nhất lãm thuật lại một câu chuyện về gia đình của Chúa Giêsu, trong đó các tương quan bị lật ngược. Một lần kia, đang khi Chúa Giêsu giảng dạy thì có người đến thưa với Người: “Thưa thầy, mẹ của thầy đến thăm kìa”. Bà không đến gần được vì có đám đông bao quanh Chúa. Thế nhưng, thay vì dẹp đám đông để đến gặp thân mẫu của mình, thì Chúa nói: “Ai là mẹ của tôi, ai là anh chị em của tôi? Mẹ tôi và anh chị em của tôi là những kẻ nghe lời của tôi”.
Qua những lời này, một mối tương quan gia đình mới đã được đặt ra, gia đình của những người đi theo Chúa Giêsu, lắng nghe lời của Chúa. Đương nhiên, Đức Maria cũng thuộc về thành phần ấy, nhưng ở một vị trí khác, vị trí của các môn đệ. Từ đó, một mối tương quan mới cũng nảy ra giữa Đức Maria với chúng ta, đó là tình chị em, bởi vì tất cả những ai nghe lời Chúa đều là các em Chúa. Đức Maria từ chỗ là mẹ của Đức Giêsu trở nên môn sinh và em của Người. Các tác giả Tin Mừng không thấy điều gì là nghịch lý cả, bởi vì Đức Giêsu không chỉ là một con người mà còn là Lời Chúa Nhập Thể. Vì thế, Đức Maria vừa là mẹ, lại vừa là kẻ đã tin, là người môn đệ và em của Chúa.
Tuy các giáo phụ đã có lần gọi Đức Maria là chị, nhưng trên thực tế, ít khi các tín hữu sử dụng lối xưng hô đó. Vào thời hôm nay, tước hiệu Đức Maria là chị được các giáo hoàng và các nhà thần học dùng vì những lý do khác nhau.
Như đã thấy trên đây, Đức Phaolô VI muốn cho thấy rằng khi nhìn Đức Maria là chị, chúng ta muốn coi người như phần tử của Hội Thánh. Đức Gioan Phaolô II thì muốn nói đến sự gần gũi của Đức Maria với thân phận loài người như chúng ta, người đã phải trải qua những thử thách đau khổ như chúng ta. Hiểu như vậy, người rất thông cảm với chúng ta, và chúng ta có thể chia sẻ tất cả những niềm vui nỗi buồn cho một người chị.
Điều này có lẽ được cảm thấy về phía nữ giới hơn là phía nam giới. Đặc biệt, một luồng thần học nữ giới Hoa Kỳ, đại diện nơi Elizabeth Johnson muốn nhìn Đức Maria là chị, tiêu biểu cho một hình ảnh phụ nữ mới. Đức Maria không phải là tiêu biểu cho một phái nữ nhu mì, thụ động. Người tượng trưng cho một sự hợp tác tích cực với Lời Chúa, đón nhận lời Chúa và không ngừng đối chiếu lời Chúa với những biến chuyển của cuộc đời. Đức Maria là bà chị, sát cánh với bao nhiêu phụ nữ phải chật vật phấn đấu hàng ngày. Bài ca Magnificat là lời chúc tụng vì những ân huệ của Chúa đã thực hiện nơi người, cùng với sự đáp ứng tích cực, quảng đại và tự do của người.
Tân Ước nói khá nhiều đến mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần với Đức Maria, có điều là chúng ta không để ý đấy thôi.
Trong bài Tin Mừng thánh lễ Chúa Nhật hôm nay, quen gọi là trình thuật Truyền Tin, chúng ta theo dõi cuộc đối thoại giữa Đức Maria với Thiên Sứ Gabriel, và tập trung chú ý vào sứ mạng của Đức Maria là làm mẹ của Đức Giêsu, Người được mặc khải như là Con Đấng Tối cao, Đấng Thánh, Con Thiên Chúa.
Chúng ta cũng chú ý đến thái độ của Đức Maria tự xưng là nữ tỳ của Chúa. Thế nhưng bài trình thuật cũng dành một chỗ không kém quan trọng để bàn về Chúa Thánh Thần, qua những lời của Thiên Sứ Gabriel. Chúng ta biết rằng trong buổi truyền tin, thiên sứ ba lần ngỏ lời với Đức Maria.
Lần thứ nhất khi vừa mới xuất hiện: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Chúa ở cùng bà”. Đây là một lời mời hãy hân hoan, bởi vì người đã được Thiên Chúa đoái thương.
Lời thứ hai mang tính trấn an, mời gọi Đức Maria hãy tin tưởng, đang khi thiên sứ trình bày chương trình của Thiên Chúa: “Đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa, bà sẽ thụ thai, sinh một con trai, vv”.
Lời thứ ba giải thích cách thức mà lời loan báo sẽ được thể hiện: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”. Đây là câu nói rất quan trọng về tương quan của Đức Maria với Chúa Thánh Thần, hay nói đúng hơn, câu nói này diễn tả tác động của Thánh Thần nơi Đức Maria.
Dĩ nhiên, đối với chúng ta, câu nói này chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt, bởi vì chúng ta giống như vịt nghe sấm! Tác giả sách Tin Mừng sử dụng nhiều hình ảnh và ngôn từ rút từ truyền thống của Cựu Ước, vì thế cần phải làm quen với ngôn ngữ Cựu Ước thì mới hiểu được những ẩn ý của câu nói.
Bản dịch tiếng Việt mà tôi trưng dẫn là của Nhóm Giờ kinh Phụng vụ, và có lẽ dịch không sát lắm. Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch như thế này: “Quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà”. Các bản dịch bên Âu châu còn nói rõ hơn: “Quyền năng Đấng Tối Cao bao phủ bà bằng bóng của Người”.
Câu nói này nhắc đến một lịch sử hùng tráng của Thiên Chúa hiện diện với dân Isarel. Sau khi dân này được giải thoát khỏi cảnh nô lệ, và lên đường tiến về đất hứa, thì Thiên Chúa dẫn dắt họ bằng một đám mây để che chở và chỉ đường cho họ. Đám mây bao phủ cho họ khỏi bị thiêu nóng, đồng thời cho biết khi nào lên đường và khi nào dừng lại.
Ngoài ra, đám mây còn hạ xuống trên hòm bia giao ước, để chỉ vinh quang của Thiên Chúa ở giữa đám dân của Người. Chúng ta hãy đọc lại vài bản văn thì thấy rõ điều này. Sách Xuất Hành chương 24, câu 15-18 viết: “Vinh quang Thiên Chúa ngự trên núi Sinai và mây bao phủ núi sáu ngày”. Ở chương 40, câu 34-38 cũng viết: “Ông Môsê không thể vào Lều Hội ngộ vì đám mây đậu trên đó, và vinh quang Thiên Chúa đầy tràn nhà Tạm. Ở mỗi chặng đường của họ, khi nào đám mây bay lên khỏi Nhà Tạm, thì con cái Israel nhổ trại. Nếu mây không bay lên, thì họ không nhổ trại cho đến ngày mây lại bay lên”.
Như vậy đối với Israel, đám mây là biểu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa giữa họ. Và ông Isaia (chương 63,14) gọi đám mây là Thần Khí của Chúa. Ý tưởng này cũng được Tân Ước sử dụng khi nói đến đám mây xuất hiện lúc Chúa Giêsu biến hình. Trong bối cảnh ấy, khi thiên sứ nói rằng quyền năng Đấng Tối Cao bao phủ Đức Maria bằng đám mây, thì tác giả muốn nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa trên Đức Maria như là trên hòm bia thánh.
Đến đây, chúng ta lại bắt gặp một hình ảnh điển tích nữa của Cựu Ước.
Ngay từ đầu sách Sáng Thế, chúng ta đọc thấy rằng Thần Khí Chúa bay lượn trên mặt nước. Đó là thần khí sáng tạo. Thế rồi mỗi lần nói đến cuộc tạo dựng mới, các ngôn sứ lại nhắc đến Thần Khí Chúa ngự đến, thí dụ; Is 32,15-20; 44,1-5; Ed 37,1-14, vv.
Như vậy, vào lúc khởi đầu, Thần Khí ngự xuống để thực hiện sự tạo dựng, bây giờ Thần Khí ngự xuống trên Đức Maria để thực hiện một sự tạo dựng mới, tức là kỷ nguyên của vị Cứu tinh mà các ngôn sứ loan báo. Thánh Thần sẽ tạo ra nhân tính của Đức Giêsu, như thiên sứ giải thích: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, Người sẽ là con Thiên Chúa” (Lc 1,31).
Vào lúc khởi nguyên, Thánh Thần đáp xuống để thực hiện việc tạo dựng; bây giờ Thánh Thần đáp xuống trên Đức Maria để kiện toàn việc tạo dựng qua sự Nhập Thể của Ngôi Lời. Khi nhớ lại lời nguyện của Isaia (45,8) mà chúng ta thường hát trong mùa Vọng, “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính; đất mở ra đi cho nẩy mầm ơn cứu độ”, các giáo phụ liên tưởng đến Đức Maria như là thửa đất mà Thánh Thần sẽ làm trổ sinh Đấng Cứu tinh của nhân loại.
Dĩ nhiên, việc Đức Maria được chọn làm Thân Mẫu Đấng Cứu thế là một ân huệ về phía Thiên Chúa, nhưng Đức Maria không hoàn toàn thụ động.
Đến đây chúng ta khám phá một chi tiết thú vị khác trong trình thuật truyền tin. Chúng ta quen hình dung nó như một cuộc đối thoại giữa Đức Maria với Thiên Chúa qua trung gian của thiên sứ. Nhưng có những học giả Kinh Thánh nhận ra được khung cảnh ký kết giao ước trên núi Sinai, được kể lại trong sách Xuất Hành từ chương 19 đến chương 24.
Qua ông Mosê, Thiên Chúa đã ngỏ lời với Israel như thế này: “Nếu các người giữ giao ước của ta, thì các người sẽ trở thành sở hữu của riêng ta giữa mọi dân tộc”. Và dân đã long trọng chấp nhân đề nghị của Thiên Chúa, hứa sẽ nghe lời Chúa, tuân giữ luật của Người, và họ thưa: “Chúng tôi sẽ làm điều Chúa dạy” (Xh 19,8).
Trải qua lịch sử, dân Israel đã nhiều lần lặp lại lời hứa ấy, sau nhiều lần lỗi phạm. Cuối cùng các ngôn sứ Gierêmia và Edekiel loan báo rằng vào thời cuối, Thánh Thần Chúa sẽ được ban cho dân, để ghi khắc giao ước vào con tim, thay vì ghi trên bia đá, nhờ vậy, họ sẽ không còn quên sót nữa” (Ed 11, 16-20; 36, 24-28; Gr 31, 31-34).
Nếu ai đã hiểu biết bối cảnh Kinh Thánh như thế, thì dễ khám phá rằng những lời của Đức Maria thưa với sứ thần là một công thức chấp nhận giao ước: “Này tôi là nữ tì của Chúa, xin cho Lời Ngài hoàn tất nơi tôi”. Đức Maria tượng trưng cho dân Israel đứng ra chấp nhận giao ước mới mà Thiên Chúa ký kết. Đức Maria có khả năng đáp lại tiếng Xin vâng, vì nhờ có Thánh Thần đặt giao ước ấy vào trong con tim của Người. Như vậy, Đức Maria không hoàn toàn thụ động: nhờ ơn của Thánh Thần, người đã chấp nhận giao ước với Thiên Chúa, không chỉ với tư cách cá nhân mà còn như đại diện của dân tộc.
Như vậy, cho đến nay, qua việc đối chiếu với những hình ảnh Cựu Ước, chúng ta thấy tác giả sách Tin Mừng muốn diễn tả tác động của Thánh Thần nơi Đức Maria như là che phủ hòm bia thánh, tạo dựng mới, giao ước mới. Nhờ tác động này, Đức Maria trở thành cung điện của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa hiện diện nơi cung lòng Đức Maria.
Có chứ, qua những hình ảnh quen thuộc của Cựu Ước. Chẳng hạn trong trình thuật Đức Maria đi thăm viếng bà Elizabeth, bà này thốt lên: “Làm thế nào mà thân mẫu Chúa tôi đến thăm viếng thế này?” (Lc 1,43) Câu này vọng lại câu nói của vua Đavit khi tiếp đón hòm bia Thiên Chúa lên Giêrusalem: “Làm thế nào mà hòm bia của Chúa đến thăm ngôi nhà tôi thế này?” (2Sm 6,9). Ông Đavit nhảy múa trước hòm bia; một cách tương tự, bé Gioan trong lòng mẹ cũng nhảy mừng khi Đức Maria đến nhà (Lc 1, 44).
Nói cách khác, tác giả Tin Mừng nhận ra nơi Đức Maria là hòm bia Thiên Chúa. Đầy ơn Thánh Thần, chính Đức Maria cũng cất tiếng chúc tụng Thiên Chúa qua bài ca Magnificat, tương tự như ông Dacaria cất lên bài thánh ca Benedictus. Đức Maria là thụ tạo mới của Thánh Thần, là cung điện của Thiên Chúa do quyền năng của Thánh Thần.
Sau cùng, một đoạn văn nữa của Tân Ước nói đến tương quan giữa Thánh Thần với Đức Maria là sách Tông Đồ Công Vụ, chương 1 (câu 13-14), thuật lại việc Đức Maria cùng với Hội Thánh sơ khởi cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến. Thánh Thần đã biến Đức Maria thành đền thờ của Thiên Chúa. Bây giờ chính người cũng khẩn nài Thánh Thần đến để thánh hoá Hội Thánh, biến Hội Thánh trở thành đền thờ Thiên Chúa, dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa ở trần gian, đồng thời giúp Hội Thánh thi hành chức năng làm mẹ của mình.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã tóm tắt tương quan giữa Thánh Thần với Đức Maria ở các số 721-726, cách riêng lưu ý đến việc Đức Maria được Thánh Thần thánh hoá để trở thành thánh điện cho Chúa ngự, và người cũng giúp cho những kẻ tiếp cận mình cũng được nên thánh.
Khi phân tích các lễ kính Đức Mẹ Maria trong năm phụng vụ, chúng ta thấy lòng đạo đức bình dân muốn mừng một lễ dành cho Đức Mẹ tương tự như lễ dành cho Chúa Giêsu.
Chẳng hạn như có lễ kính việc thụ thai Chúa Giêsu trong lòng Đức Maria (quen gọi là lễ Truyền Tin), thì cũng có lễ kính việc thụ thai Đức Maria trong lòng bà Thánh Anna (gốc tích của lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội); nếu đã có lễ sinh nhật Chúa Giêsu thì cũng có lễ sinh nhật Đức Mẹ. Nếu có lễ Chúa Phục Sinh và Lên Trời, thì cũng có lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Nếu có lễ kính Trái Tim Rất Thánh của Chúa Giêsu, thì cũng có lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria. Trong tháng 9 này, ngày 14 dành kính nhớ Thánh Giá Chúa Giêsu, thì ngày 15 kế đó là lễ kính nhớ Đức Mẹ đứng gần bên thập giá. Từ đó, chúng ta cũng dễ hiểu vì sao mà có lễ kính Tên Chúa Giêsu và lễ kính tên Đức Maria.
Tuy trong niên lịch phụng vụ hiện hành, chúng ta nhận thấy có sự song đối giữa các lễ kính Chúa Giêsu và các lễ kính Đức Maria, nhưng xét về nguồn gốc lịch sử thì các lễ kính Chúa xuất hiện trước, rồi sau đó mới đến lễ của Đức Mẹ. Một cách cụ thể, bàn về lễ kính danh, ta có thể ghi nhận những sự tiến triển như sau.
Từ năm 1530, dòng Phan-sinh được ĐTC Clêmentê VII cho phép mừng lễ kính Thánh Danh Chúa Giêsu vào ngày 14 tháng Giêng. Đến năm 1721, lễ này mới được nới rộng ra toàn thể Hội Thánh. Năm 1913, lễ này được dời sang Chúa Nhật sau ngày 1 tháng Giêng. Cuộc cải tổ lịch phụng vụ năm 1970 dẹp bỏ lễ này, với lý do là lễ kính danh Chúa đã được bao gồm trong ngày bát nhật Giáng sinh, nghĩa là ngày đầu năm dương lịch rồi.
Với việc phát hành Sách lễ Rôma năm 2002 thì lễ kính danh Chúa lại được tái lập vào ngày 3 tháng Giêng. Đó là nói về lễ kính danh thánh Chúa Giêsu. Còn lễ kính danh Đức Maria có một lịch sử riêng biệt.
Tại Rôma, từ thế kỷ VII đã có lễ sinh nhật Đức Mẹ, được mừng rất long trọng vào ngày 8 tháng 9. Lễ kính tên Đức Mẹ được bắt đầu ở Cuenca bên Tây Ban Nha vào năm 1513, mừng vào ngày 12 tháng 9. Năm 1683 ĐTC Innocentê XI cho mừng trong toàn thể Hội Thánh, để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ vì trận chiến thắng tại Vienne (thủ đô Áo quốc) chống lại sự tấn công của Thổ-nhĩ-kỳ, chấm dứt những mưu toan của Hồi Giáo muốn tràn qua châu Âu.
Lễ kính tên Đức Maria cũng chịu chung số phận với lễ kính danh thánh Chúa, nghĩa là cũng bị gạch khỏi lịch phụng vụ cải tổ năm 1970, và được tái lập vào năm 2002. Hiện nay chỉ là một lễ nhớ nhiệm ý.
Chúng ta nên phân biệt hai lãnh vực: thứ nhất là ý nghĩa của tên Maria xét theo lãnh vực từ ngữ; thứ hai, là lãnh vực thần học.
Xét về khía cạnh từ ngữ, thì như chị đã biết, trong xã hội Do Thái, việc đặt tên mang một ý nghĩa cũng tương tự như trong các xã hội bên Đông Phương vậy, bởi vì “tên là người”, nhất là khi mà người đó lãnh một sứ mạng đối với dân tộc. Vì thế không lạ gì mà trong Cựu Ước, chúng ta thấy có những người mang tên do thiên sứ chỉ định, như trường hợp của Abraham, Môsê, Samson.
Điều tương tự cũng xảy ra trong Tân Ước, đối với Gioan tiền hô, Phêrô và nhất là Giêsu. Riêng đối với tên Maria, ta có thể nói như thế này. Trong lịch sử dân tộc Do Thái, đã có nhiều phụ nữ mang tên là Maria, hay muốn nói chính xác hơn Miryam, chẳng hạn như người chị của ông Môsê.
Trong Tân Ước, Phúc Âm kể lại nhiều phụ nữ mang tên là Maria, chẳng hạn như bà Maria ở làng Bêtania, thuộc gia đình của bà Marta và ông Ladarô; bà Maria Clêopa, và đặc biệt là bà Maria ở làng Magđala. Vì thế, có thể nói rằng Maria là một tên gọi khá phổ thông trong giới phụ nữ, và có lẽ chẳng có ý nghĩa đặc biệt.
Tuy nhiên, kể từ khi một người phụ nữ làng Nadaret mang tên là Maria trở nên thân mẫu của Chúa Cứu thế, thì các giáo phụ và các nhà thần học mới để ý phân tích ý nghĩa của tên gọi này. Chỉ riêng từ Thánh Epiphaniô (thế kỷ VIII) cho đến Cha Hugues de Saint Victor (thế kỷ XII), người ta tính được 70 lối giải thích khác nhau; tiếc rằng đa số những lời giải thích đó dựa theo những dụng ý thần học hơn là theo ngôn-ngữ-học. Ngày nay, người ta chỉ còn giữ lại hai giả thuyết theo tầm nguyên.
Dĩ nhiên, nếu muốn theo sát khoa học thì phải dựa theo nguyên ngữ Do Thái, chứ không thể nào theo lối phiên âm ra các ngôn ngữ hiện đại, kiểu như trong quá khứ không xa lắm, đã có người tán tiếng Marie trong tiếng Pháp cũng gồm 5 vần như là aimer, vì thế Marie có nghĩa là thương yêu.
Dựa theo nguồn gốc Miryam trong tiếng Do Thái, các nhà chú giải đưa ra hai giả thuyết. Giả thiết thứ nhất móc nối miryam với myrrha, có nghĩa là “biển chua chát”, hay “sự chua chát của biển”. Từ đó, người ta gắn liền với hai nghĩa khác dành cho sứ mạng của Mẹ Maria: “biển” thì gắn với “sao biển”; còn “chua chát” thì đi với những thử thách đau khổ gây ra nhiều cay đắng suốt cuộc đời.
Giả thiết thứ hai thì móc nối miryam với hai nguyên gốc khác nhau: một gốc tiếng Ai-cập mry, mryt có nghĩa là được yêu thương; và một gốc tiếng Do Thái jam có nghĩa là Jaweh (Thiên Chúa); ghép lại hai gốc đó, miryam có nghĩa là kẻ được Chúa thương yêu.
Xét về ngôn-ngữ-học, thì các từ ngữ vay mượn của các dân tộc láng giềng không còn phải là chuyện gì xa lạ, chẳng hạn như người ta cắt nghĩa từ “Việt” như tên riêng của một dân tộc, nhưng cũng có thể là gốc bởi “Vượt” trong tiếng Hán.
Xét về khía cạnh lịch sử, thì bà Myriam nổi tiếng nhất trong lịch sử Do Thái là chị của ông Môsê, ở đầu sách Xuất Hành (chương 2). Lúc đó hai chị em đang sống bên Ai-cập; vì thế nếu tên của Aaron và Môsê đều mang gốc tích của ngôn ngữ này, thì tên Myriam có một phần Ai Cập cũng chẳng có gì lạ.
Tóm lại, theo giả thuyết thứ hai, tên miryam có nghĩa là kẻ được Chúa yêu thương; và tên này rất xứng hợp với Đức Maria làng Nadarét, kẻ được Thiên Sứ Gabriel chào là “kẻ được Thiên Chúa sủng ái”.
Điều này cũng giống như tên Giêsu: theo nguyên ngữ, tên này có nghĩa là “Thiên Chúa cứu chữa” và đã được đặt cho ông Giosuê, kẻ kế vị Môsê lãnh đạo dân tộc Israel, nhưng tên gọi được áp dụng cho Đức Giêsu Nadarét cách đặc biệt bởi vì Người thực sự là kẻ cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi.
Đúng thế. Như đã nói trên đây, nhiều lễ phụng vụ kính Đức Maria hoạ lại các lễ kính Chúa Giêsu. Riêng về việc kính tên, thì ta cần phải nói như sau. Lễ kính danh thánh Chúa Giêsu mới được du nhập vào lịch phụng vụ phổ quát từ năm 1721, nhưng việc tôn kính danh Chúa Giêsu thì đã có từ lâu đời rồi.
Trong Tân Ước, căn cước của các Kitô Hữu đã được định nghĩa như là “những kẻ kêu cầu danh Chúa Giêsu” (Cv 9,14.21; 1Cr 1,2). Trong Phúc Âm theo Thánh Gioan, chính Chúa Giêsu đã khuyến khích các môn đệ hãy dùng danh Người để cầu nguyện với Chúa Cha (Ga 14,13; 15,16; 16,23). Kêu cầu và tuyên xưng danh Đức Giêsu có nghĩa là nhìn nhận rằng Đức Giêsu thực là Đấng cứu chuộc duy nhất của nhân loại (Cv 4,11-12), tuyên xưng rằng do cuộc Tử Nạn và Phục Sinh, Đức Kitô đã được siêu tôn là Chủ tể với quyền năng trên trời dưới đất. Dưới khía cạnh này, thì danh Giêsu chiếm một vị thế độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người.
Ngoài ra, các tín hữu bên Đông Phương còn đọc một kinh mà họ gọi là kính danh Chúa Giêsu như sau: “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.
Còn khi kính danh Maria, thì chúng ta cũng muốn hợp lời với Thiên Sứ Gabriel và bà Ysave, để ngợi khen người vì đã được Thiên Chúa đoái thương chọn làm thân mẫu của Chúa Cứu thế, và vì thế chúng ta tin rằng người cũng quan tâm đến số phận của nhân loại.
Đó là ý nghĩa của kinh “Kính mừng”, trong đó danh Maria được lặp lại hai lần: phần thứ nhất mang tính cách chúc tụng ngợi ca, còn phần thứ hai mang tính cách khẩn cầu, theo như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã giải thích ở số 2675. Dĩ nhiên, ta có thể coi các danh xưng và các tước hiệu trong “Kinh cầu Đức Bà” như là những cách chú giải danh xưng Maria, không còn theo nghĩa ngôn ngữ học, nhưng trong mối tương quan với các tín hữu.
Không hẳn như vậy. Trong năm có nhiều lễ kính Đức Mẹ, cho nên những người mang tên Maria chọn ngày nào mà họ ưa thích. Ngoài ra, điều này còn tùy thuộc vào tập tục của mỗi dân tộc nữa. Nói chung, bên Pháp người ta mừng vào ngày 15 tháng 8; bên Italia, người ta mừng vào ngày 8 tháng 9; bên Tây Ban Nha vào ngày 8 tháng 12.