Tôi không thể khẳng định chính xác, ai là bổn mạng của Hội Thánh Việt Nam: Thánh Giuse hay là các thánh tử đạo Việt Nam? Các vị tử đạo Việt Nam mới được tôn phong hiển thánh năm 1988. Còn việc nhìn nhận Thánh Giuse làm bổn mạng của Hội Thánh thì có lịch sử dài hơn.
Người ta kể lại nguồn gốc từ thời Cha Alexandre de Rhodes khi cập bến Cửa Bạng ngày 19 tháng 3 năm 1627 đã quyết định chọn Thánh Giuse làm bổn mạng xứ Bắc Hà. Nhưng Cha Đắc Lộ chỉ là một linh mục, không có thẩm quyền trên Giáo Hội. Phải chờ Công Đồng Đàng Ngoài họp tại Phố Hiến (ngày 16/2/1670), Đức Cha Lambert de la Motte chủ toạ (điều 33), đã xin Tòa Thánh đặt Thánh Giuse làm quan thầy địa phận Đàng Ngoài; đề nghị được ĐTC Clêmentê X chấp thuận qua tông hiến Apostolatus Officium (ngày 23/12/1673).
Tiến thêm một bước nữa, 5 năm sau đó, Thánh Giuse được ĐTC Innocentê XI đặt làm bổn mạng luôn cả hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài qua tông hiến Sacrosancti Apostolatus ngày 17/8/1678. Có lẽ vì đã hơn 300 năm, cho nên người ta quên đi mất. Dù sao, Thánh Giuse không chỉ là bổn mạng của Hội Thánh Việt Nam, mà còn là của Hội Thánh toàn cầu nữa.
Đây là cả một tiến trình kéo dài hơn bốn thế kỷ. Trước hết nên ghi nhận: bản tính của Thánh Giuse là một con người thầm lặng. Người chỉ xuất hiện trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu, đặc biệt là theo Tin Mừng Thánh Matthêu. Các sách Tin Mừng không còn nhắc đến người trong những năm hoạt động công khai của Chúa, vì thế người ta cho rằng người đã qua đời trước khi Chúa Giêsu lên 30 tuổi.
Thế rồi Thánh Giuse tiếp tục cuộc sống âm thầm ấy trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất. Lịch phụng vụ đã có những lễ kính Đức Mẹ, các thánh tông đồ, các thánh tử đạo, nhưng không nhắc đến Thánh Giuse. Dấu vết của một lễ kính Thánh Giuse ngày 19/3 xuất hiện tại một đan viện dòng Biển-đức tại Wincester khoảng năm 1030. Nhưng phải chờ đến thế kỷ XV thì lễ ngày 19/3 mới được phổ biến sang những miền khác.
Mãi đến cuộc cải tổ phụng vụ sau Công Đồng Trentô (năm 1570), lễ này mới được ghi vào lịch phụng vụ toàn thể Giáo Hội, lúc đầu chỉ ngang với các thánh khác; sau đó, theo lời yêu cầu của nhiều quốc gia và đoàn thể, vào năm 1621, ĐGH Grêgôriô XV tuyên bố lễ Thánh Giuse là lễ buộc trong toàn thể Giáo Hội.
Đó là nói về việc tôn kính Thánh Giuse nói chung. Bây giờ chúng ta bước sang lịch sử tiến triển của tước hiệu Bổn Mạng (hay là Bảo Trợ) của Hội Thánh. Vào năm 1416, tại Công Đồng Constanz, Cha Jean Gerson, chưởng ấn đại học Paris (1363-1429) đã thuyết minh cho các nghị phụ, thỉnh cầu các đấng hãy khẩn cầu Thánh Giuse như là vị bảo trợ Hội Thánh, với niềm hy vọng tìm lại sự hiệp nhất trong Hội Thánh lúc ấy đang bị chia rẽ do sự hiện diện của hai giáo hoàng giả và một giáo hoàng chính thức.
Một cách chính thức thì chưa, và còn phải chờ hơn ba thế kỷ nữa thì tư tưởng mới chín muồi. Trong khi chờ đợi quyết định của Tòa Thánh, vài dòng tu và địa phương đã nhận Thánh Giuse làm bảo trợ.
Vào năm 1621 tổng hội dòng Cát-minh đã chọn Thánh Giuse làm vị bảo trợ và người cha của toàn thể hội dòng. Năm 1680, Toà Thánh đã ban phép cho dòng Cátminh cử hành lễ Thánh Giuse là bảo trợ, mừng vào Chúa Nhật III sau lễ Phục Sinh với những bản văn riêng cho thánh lễ và các giờ kinh phụng vụ.
Hai mươi năm sau, lễ đã được mở rộng cho dòng Augustinô năm 1700, dòng Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi năm 1702, giáo phận Mexico năm 1703 và chẳng bao lâu đến nhiều dòng tu và các giáo phận khác.
Vào giữa thế kỷ XIX, những lời thỉnh cầu đến từ nhiều nơi, vì thế vào ngày 10/9/1847 Đức Piô IX đã châu phê cho toàn thể Hội Thánh lễ này được cử hành vào Chúa Nhật III sau lễ Phục Sinh.
Sau giai đoạn lễ kính phụng vụ, (nói được là bắt đầu từ lòng đạo đức bình dân), Tòa Thánh mới bắt đầu nghĩ tới việc suy tư thần học. Điều này đã diễn ra qua một văn kiện chính thức là sắc lệnh Quemadmodum Deus của ĐTC Piô IX vào ngày 8/12/1870, đáp lại lời yêu cầu của Công Đồng Vaticanô I.
Như vậy, chị thấy rằng đề nghị do Cha Gerson trình lên Công Đồng Constanz năm 1416, mà mãi đến năm 1870 Công Đồng Vaticanô I mới quan tâm cứu xét.
Những lý do thần học về mối tương quan đặc biệt của Thánh Giuse đối với Hội Thánh được ĐTC Lêô XIII giải thích trong thông điệp Quamquam pluries ngày15/8/1889.
Đức Lêô XIII trả lời là dựa trên sứ mạng của Thánh Giuse đối với thánh gia. “Ngôi nhà mà Thánh Giuse cai quản với quyền hành của người cha đã chứa đựng những mầm mống của Hội Thánh sơ sinh. Cũng như Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu thì cũng là Mẹ của tất cả mọi Kitô Hữu; Chúa Giêsu là trưởng tử của các tín hữu và họ trở nên những người em của Chúa do ơn làm nghĩa tử nhờ sự cứu chuộc. Đó cũng là những lý do mà thánh Tổ Phụ coi như mình được ủy thác bảo trợ đoàn dân Kitô Hữu họp thành Hội Thánh. Bởi vì là chồng của Đức Maria và là cha của Đức Giêsu Kitô cho nên Thánh Giuse cũng có một thứ quyền phụ hệ đối với Hội Thánh. (...) Sứ mạng mà Chúa quan phòng trao cho Thánh Giuse đã có một tiền mẫu ở nơi ông Giuse, con của cụ Giacop, được vua nước Ai-cập gọi là vị cứu tinh của thế giới. Cũng như ông Giuse xưa kia đã quản lý tốt đẹp những công việc trong nhà của chủ mình và phục vụ hữu ích cho cả nước, thì Thánh Giuse, được đặt làm vị hộ thủ Đức Kitô, phải được nhìn nhận như kẻ che chở và bảo vệ Hội Thánh là nhà của Chúa và là nước Chúa ở dưới đất”.
Tóm lại, việc nhìn nhận Thánh Giuse làm Bảo Trợ Hội Thánh dựa trên ba nguyên tắc thần học sau đây: 1/ Hội Thánh là thân thể của Đức Kitô (xc. Thánh Phaolô); 2/ Đức Maria thân mẫu của Chúa Giêsu cũng trở thành thân mẫu của Giáo Hội (xc. Ga 19,26-27; Cv 1,14); 3/ Tín điều “các thánh thông công”: các thánh trên trời tiếp tục cầu nguyện cho các anh chị em của mình ở dưới thế.
Vì thế, cũng như Thánh Giuse xưa kia đã gìn giữ Chúa Giêsu khi còn ở dưới đất, thì ngày nay trên trời người cũng tiếp tục chuyển cầu cho Hội Thánh là nhiệm thể của Chúa. Như Đức Maria được gọi là Mẹ của Hội Thánh, thì Thánh Giuse, đấng gìn giữ Chúa Cứu thế, cũng được gọi là đấng Bảo Trợ Hội Thánh.
Kèm theo thông điệp, ĐTC Lêô XIII cũng soạn kinh khẩn cầu Thánh Giuse che chở Hội Thánh, được đọc trong tháng Mười cùng với kinh Mân Côi.
Ở Việt Nam, có hai bản dịch khác nhau của kinh ấy, một ở ngoài Bắc và một ở trong Nam. Bản dịch ngoài Bắc bắt đầu thế này: “Lạy ơn ông Thánh Giuse, chúng tôi chạy đến cùng Ngài, trong cơn gian nan chúng tôi mắc phải”. Còn kinh ở trong Nam bắt đầu “A thân lạy thánh cả Giuse, chúng tôi rày đang cơn khuấn bức, đều tuôn đến kêu cầu thánh cả”.
Lễ kính Thánh Giuse bổn mạng của Hội Thánh đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Như vừa nói, từ năm 1847, lễ này được cử hành vào Chúa Nhựt III sau lễ Phục Sinh. Tuy nhiên, vào năm 1913, lễ này được chuyển sang ngày thứ Tư trong tuần II sau lễ Phục Sinh, bởi vì lịch phụng vụ muốn dành Chúa Nhựt để kính Chúa.
Như vậy là một năm có hai ngày lễ kính Thánh Giuse: một lễ vào ngày 19 tháng 3 kính Thánh Giuse Bạn Thanh Tịnh của Đức Maria; và một lễ vào thứ Tư tuần II sau lễ Phục Sinh, kính Thánh Giuse Bổn Mạng Hội Thánh. Thế nhưng, vào năm 1955, Đức Piô XII đã thiết lập lễ Thánh Giuse Thợ vào ngày 1/5, vì thế lễ kính tước hiệu Bổn mạng Giáo Hội bị bãi bỏ.
Đâu có, tước hiệu bổn mạng Hội Thánh vẫn còn giá trị chứ. Một đàng, nhiều lịch phụng vụ của địa phương vẫn ghi vào tựa đề ngày lễ 19 tháng 3 là “Thánh Giuse bạn thanh tịnh của Đức Maria và bảo trợ Hội Thánh".
Đàng khác, ở chương VI của tông huấn Redemptoris Custos (ngày 15/8/1989), Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng “Giáo Hội luôn phải kêu cầu Thánh Giuse bảo trợ, không những để bảo vệ Giáo Hội khỏi những nguy hiểm không ngừng nẩy sinh, nhưng nhất là còn để nâng đỡ Giáo Hội trong những nỗ lực canh tân nhằm rao giảng Tin Mừng cho thế giới cũng như tái rao giảng Tin Mừng”.
Đó là chưa kể những thành phần khác nhau của Hội Thánh vẫn nhận Thánh Giuse làm bổn mạng: các người gia trưởng, các linh mục, các công nhân, các tâm hồn chiêm niệm, những người lâm chung, vv. Cách riêng Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam do Đức Cha Lambert de la Motte sáng lập cũng nhận Thánh Giuse làm bổn mạng.
Các bản văn công đồng không nói gì về Thánh Giuse, nhưng có hai sự kiện đáng lưu ý về phía ĐGH Gioan XXIII, người đã nhận Thánh Giuse làm bổn mạng thứ hai (Angelo Giuseppe Roncalli).
Thứ nhất, trong tông thư Le voci ngày 19/3/1961 gửi các giám mục thế giới, đức giáo hoàng đã đặt công đồng dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse.
Thứ hai, đức giáo hoàng thông báo đưa tên Thánh Giuse vào Lễ Quy Rôma (ngày nay gọi là Kinh Nguyện Tạ Ơn số 1) trong Thánh Lễ.
Trước khi trả lời cho câu hỏi này, thiết tưởng nên xác định từ ngữ. Trong tiếng Việt, tiếng “cả” thường được hiểu về một người lớn, chẳng hạn như trong gia đình, “anh cả” là người con trai lớn nhất; “chị cả” người con gái lớn nhất. Xưa kia, trong chế độ đa thê, thì vợ cả là người vợ thứ nhất (đi trước các bà vợ bé, vợ lẽ). Phải chăng Thánh Giuse được gọi là thánh cả bởi vì là thánh lớn nhất không?
Tôi không nghĩ như vậy, bởi vì khó xác định được vị thánh nào lớn nhất trong Nước Trời: có thể là Thánh Phêrô, thủ lãnh Hội Thánh? Hoặc Thánh Phaolô, vị tông đồ đã mở rộng biên cương Giáo Hội? Nói cho đúng, khi gọi Thánh Giuse là thánh cả, thì chẳng qua là tại vì mình dịch sai.
Trong nguyên ngữ La Tinh, không có chỗ nào gọi Thánh Giuse là “thánh lớn nhất” trong các vị thánh. Tước hiệu danh dự gán cho người là “tổ phụ” (patriarcha), danh xưng mà Kinh Thánh đã dùng để gọi các cụ tổ Abraham, Isaac, Giacop.
“Tổ phụ” được hiểu về những người khai sáng một dòng họ, một dân tộc (cũng tựa như tổ Hùng Vương ở nước ta); ở đây hiểu là tổ của dân tộc Do Thái. Những chương chót của sách Sáng Thế (chương 37-50) được dành cho ông Giuse. Ông Giuse cũng có thể được liệt vào hạng tổ phụ, bởi vì ông đã đưa gia đình sang lập nghiệp bên Ai-cập, để rồi từ đó bắt đầu cuộc giải phóng và Xuất Hành hướng về Đất Hứa.
Nếu trong Cựu Ước đã có một tổ phụ Giuse, thì việc gán tước hiệu “tổ phụ” cho vị dưỡng phụ của Chúa Giêsu chẳng gì khó hiểu, bởi vì phần nào nhờ có Thánh Giuse mà Chúa Giêsu được đón nhận vào đại gia đình nhân loại và trở thành trưởng nam của một gia đình mới, tức là dòng dõi nhân loại được hoà giải với Thiên Chúa.
Dịch đúng hay sai là tuỳ theo từ ngữ “cả” được hiểu theo nghĩa nào. Như vừa nói, trong gia đình, “cả” có nghĩa là “đứng đầu, thứ nhất”. Hiểu theo nghĩa này thì dịch Thánh Grêgôriô Cả là sai, bởi vì trong nguyên bản La Tinh, tên của người là Gregorius Magnus (Pháp: Grégoire le Grand, và tiếng Anh, Gregory the Great). Dịch nôm na là Grêgôriô “Bự”, chứ không phải “Cả”.
Không phải thế, bởi vì chúng ta không biết hình thù của người ra sao hết. “Bự” ở đây được hiểu về nghĩa tinh thần, một người lừng danh. Nếu tôi không lầm thì biệt hiệu này đã được dùng cho hoàng đế Alexandre, trong tiếng La Tinh là Alexander Magnus (được dịch là “A-lịch-sơn Đại đế”), sống vào thế kỷ IV trước Công Nguyên (356-323). Như vậy, “Bự” có nghĩa là “lớn, vĩ đại”.
Trong lịch phụng vụ, chúng ta đếm được 4 vị tiến sĩ Giáo Hội được mang biệt hiệu “vĩ đại”, xếp theo thứ tự thời gian như sau.
Thứ nhất, Thánh Basiliô "Cả" giám mục (qua đời năm 379; lễ kính ngày 2 tháng 1) có lẽ đã được người đương thời gọi là “Bự” vì muốn bày tỏ lòng quý trọng đối với một người nghiêm trang đạo mạo.
Kế đến là hai vị Giáo Hoàng Lêô "Cả" (lãnh đạo Hội Thánh từ năm 440 đến năm 461; lễ kính vào ngày 10 tháng 11) và Thánh Grêgôriô "Cả" (giáo hoàng từ năm 590 đến năm 604; lễ kính vào ngày 3 tháng 9). Hai vị này đứng đầu danh sách của 13 giáo hoàng Lêô và 16 giáo hoàng Grêgôriô, nhưng có lẽ được gọi là “Cả” vì tầm ảnh hưởng đối với việc xác định đạo lý Kitô học và vai trò của giáo hoàng.
Vị tiến sĩ thứ 4 mang biệt hiệu “Magnus” là Thánh Albertô giám mục (qua đời năm 1280, lễ kính ngày 15/11); người được gọi là “vĩ đại” có lẽ do học thức uyên thâm về thần học, triết học và khoa học thực nghiệm. Dù sao, chúng ta cũng đừng quên một truyền thống lâu đời dành tước hiệu “đại tiến sĩ” cho 4 vị: Ambrôsiô, Hiêrônimô, Augustinô và Grêgôriô.
Lúc nãy tôi có nhắc đến tục lệ đa thê ở Việt Nam thời xưa, “bà cả” được dành để gọi bà vợ chính, phân biệt với các bà vợ bé. Dĩ nhiên, Đức Maria thì chỉ có một, cho nên không có chuyện phân biệt “bà cả, bà bé”. Tiếng “cả” phải hiểu về đền thờ.
Đến đây chúng ta cũng gặp vấn đề dịch thuật nữa. Trong tiếng Ý, Santa Maria Maggiore, (tiếng Pháp Sainte Marie Majeure) được hiểu về nhà thờ lớn nhất trên thế giới dâng kính Đức Mẹ. Dĩ nhiên đó là hiểu vào lúc xây cất thời Trung Cổ, chứ ngày nay có lẽ còn nhiều thánh đường rộng lớn hơn.
Dù sao, điểm độc đáo của đền thờ ở Rôma ở chỗ là được xây cất liền sau khi Công Đồng Êphêsô tuyên bố tín điều “Thân Mẫu Thiên Chúa” và lưu giữ một di tích quý giá đó là máng cỏ của Chúa Giêsu.
Chị nên biết là ở nơi vài dòng nữ, bề trên được gọi là Chị Nhất; vì vậy “bề trên cả” không phải “người nhất trong số những người nhất”. Theo tôi nghĩ, “bề trên cả” được hiểu là bề trên của tất cả dòng, khác với những bề trên của một tu viện hoặc của một tỉnh dòng.
Đúng thế, tuy dịch không được chỉnh lắm. Trong lịch sử các dòng tu, tiếng “bề trên” đã gây khá nhiều dị ứng cho nhiều vị thánh sáng lập; nói đến “tổng quyền” thì càng làm cho họ đứng tim hơn nữa.
Thực vậy, trong các dòng tu cổ điển, vị đứng đầu được gọi là “abbas” có nghĩa là “cha” theo nghĩa tinh thần, tức là sư phụ hướng dẫn đường tu đức.
Sang thời Trung Cổ, nhiều dòng đổi danh xưng abbas (cha) xuống “prior”, nghĩa là người thứ nhất, anh cả, thủ trưởng. Thánh Phanxicô Assisi muốn cho các vị lãnh đạo mang danh là minister, nghĩa là “kẻ phục vụ”.
Những dòng ra đời vào cận đại gọi người lãnh đạo là praepositus, nghĩa là kẻ được đặt làm đầu (ở đàng trước). Từ “generalis” thì không có nghĩa là “tổng quyền” (nắm trong tay tất cả mọi quyền hành), nhưng chỉ có nghĩa là bề trên của hết tất cả mọi phần tử của dòng, chứ không chỉ riêng một tu viện hoặc một tỉnh dòng. Có nơi chỉ gọi gọn ghẽ là “bề trên tổng” (hoặc chị tổng).
Nếu đặt lại vấn đề dịch thuật thì nói “tổng giám mục” là không đúng. Theo nguyên ngữ Hy Lạp, archiepiscopus không có nghĩa là một vị giám mục đứng ở trên các giám mục khác, mà chỉ có nghĩa là vị giám mục đứng đầu: arche có nghĩa là thứ nhất, tương đương với tiếng La Tinh là primus (rồi từ đó mới ra danh từ primatus).
Vì vậy thiết tưởng nên gọi là giám mục “trưởng” hoặc “cả”, nghĩa là giám mục niên trưởng trong giáo tỉnh, chủ toạ các buổi hội họp của các giám mục.
Ở Việt Nam không có ai mang chức vụ “tổng linh mục” hay “tổng phó tế”, nhưng trong lịch sử Giáo Hội, người ta thấy có các chức vụ archipresbyter và archidiaconus.
Thoạt nghe nói đến “tổng linh mục” có lẽ có người sẽ liên tưởng ngay đến Cha Chính địa phận (nay gọi là “Tổng đại diện”). Sự thực không phải như vậy. Theo lịch sử, archipresbyter không phải là một linh mục đứng trên các linh mục khác, nhưng chỉ là linh mục “trưởng”, tương đương với chức vụ “quản hạt” hiện nay.
Nói cho đúng, vai trò của archipresbyter đã biến chuyển nhiều trải qua thời đại. Vào lúc đầu, chức vụ này tương đương với linh mục phụ trách một họ đạo chính, với quyền cử hành tất cả các bí tích (khác với các nhà thờ họ lẻ).
Từ thời Trung cổ, khi các giáo xứ được gom thành các hạt, vì linh mục quản hạt được gọi là “tổng linh mục”.
Sau Công Đồng Trentô, các quản hạt được gọi là vicarius foraneus, nhưng nhiều nơi vẫn còn giữ gốc cổ, chẳng hạn như trong tiếng Anh, cha quản hạt được gọi là “Dean”, có nghĩa là niên trưởng. Riêng tại Rôma, các hồng y đặc trách bốn đại thánh đường cũng được gọi là “tổng linh mục”.
Tước hiệu archidiaconus thay đổi ý nghĩa tuỳ thời tuỳ nơi. Có lẽ vào thời xưa, archidiaconus là người đứng đầu các phó tế. Nhưng vào thời Trung Cổ, chức vụ này được hiểu về tổng quản lý giáo phận.
Nên biết là diaconus không phải là “phó tế” (giúp việc tế lễ), nhưng là người “phục vụ”, cách riêng là phục vụ người nghèo theo như nghĩa đã ấn định ở chương 6 sách Tông Đồ Công Vụ. Để phục vụ thì phải có tài sản; từ đó không lạ gì mà các giám mục giao việc quản lý tài sản cho các diaconus (dịch là “trợ tá” thì đúng hơn là “phó tế”), và “tổng trợ tá” giám sát công việc của các trợ tá.
Sang thời Trung Cổ, cách riêng vào những thế kỷ XI-XII, chức vụ “Tổng trợ tá” trở thành nhân vật số 2 trong giáo phận, chỉ sau giám mục. Tổng trợ tá cũng có chức linh mục, và giám sát kỷ luật cũng như việc quản lý trong toàn giáo phận. Nói khác đi, chức “Tổng trợ tá” (tổng phó tế) còn lớn hơn chức “tổng linh mục” (nghĩa là các cha quản hạt) nữa.
Kể từ Công Đồng Trentô, Giáo Luật đặt ra chức “Tổng đại diện”, vì thế chức vụ “tổng phó tế” mất chỗ đứng. Tuy nhiên, Giáo Hội Anh Giáo vẫn còn giữ lại chức vụ “tổng phó tế”, được coi như một nhân vật thân tín của giám mục, và được ủy thác việc cai quản một vài lãnh vực trong giáo phận.
Dù sao, thiết tưởng cũng nên biết là trong giáo triều Rôma, vị hồng y trưởng đẳng phó tế được gọi là Protodiaconus, chứ không phải là “archidiaconus”: “proto” chỉ có nghĩa là “thứ nhất” (“trưởng”, “cả”; chứ không phải là “tổng”).
Dựa theo Niên Giám Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, ở nước ta chỉ có một tu hội nam giới mang danh là “Gia Đình Nazareth” (quen gọi là Na-Gia) ở Thủ Đức. Nhưng xét về tinh thần Nazareth, thì ta gặp thấy một dòng nữ được thành lập với danh hiệu là “Tu Hội Truyền Giáo Nazareth” nay đổi tên là “Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục”.
Tuy nhiên trên toàn thế giới, người ta đếm được 105 hội dòng và tu hội, nam giới cũng như nữ giới, mang danh hiệu Thánh Gia. Thường danh hiệu “Thánh Gia” được dùng làm tên chính cho hội dòng, nhưng đôi khi được thêm vào như danh hiệu thứ hai, chẳng hạn nữ tu Đaminh Thánh Gia (ở Las Palmas, Tây Ban Nha), hoặc nữ tu Phansinh Thánh Gia (bên Đức).
Thoạt tiên xem ra ngược đời, bởi vì đi tu có nghĩa là từ bỏ gia đình, khấn giữ trinh khiết độc thân, không còn vướng víu đến chuyện vợ chồng con cái. Thế nhưng, hình ảnh gia đình lại sớm xuất hiện trong lịch sử dòng tu.
Tôi không rõ nguồn gốc lịch sử cho lắm. Dù sao, thiết tưởng cần gột rửa đầu óc trong quan niệm về gia đình.
Tại các nước Âu Tây hiện nay, nói đến gia đình, người ta liên tưởng ngay đến cặp vợ chồng, và đôi khi thêm vào một hai đứa con. Trong văn hoá cổ truyền thì khác, gia đình không chỉ bao gồm các người cùng huyết tộc máu mủ, mà đôi khi còn mở rộng đến cả một dân tộc nữa. Một thí dụ cụ thể là truyền thuyết trăm trứng về nguồn gốc dân Việt. Hiểu như vậy, ta có thể nhận thấy hình ảnh gia đình được áp dụng cho chính Giáo Hội (Giáo Hội là một gia đình), và thậm chí cho cả Ba Ngôi Thiên Chúa.
Dĩ nhiên các giáo phụ rất dè dặt khi nói đến gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, bởi vì sợ bị hiểu sai theo nghĩa thần thoại Hy Lạp, nơi mà các thần linh cũng có vợ có chồng, sinh con đẻ cái.
Khi nói đến gia đình trong Thiên Chúa hoặc trong Giáo Hội, ý tưởng chính muốn nêu bật là sự đoàn kết yêu thương tuy vẫn tôn trọng sự khác biệt cá tính của các phần tử. Cách riêng, trong các cộng đoàn tu trì, hình ảnh gia đình còn thêm nhiều đặc tính khác: họ chia sẻ một mái nhà, một bàn ăn, một khối tài sản vật chất và tinh thần. Thực vậy, các phần tử đặt tất cả tài sản vật chất làm của chung: thêm vào đó, họ cũng có một khối gia sản tinh thần, bởi vì đừng kể tinh thần bác ái của Phúc Âm Chúa Kitô, họ còn duy trì gia sản tinh thần do vị tổ phụ để lại.
Trải qua lịch sử, các dòng tu đã lấy nhiều khuôn mẫu khác nhau cho nếp sống cộng đoàn. Thời xưa, ít ai dám nghĩ đến sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa như là khuôn mẫu cho đời sống cộng đoàn tu sĩ. Hình ảnh gây ấn tượng hơn cả là cộng đoàn các tín hữu ở Giêrusalem, nơi mà tất mọi người đồng tâm hiệp ý, chia sẻ một niềm tin, một bí tích, một khối tài sản.
Tuy nhiên, xem ra đó là một cộng đoàn huynh đệ, đặt nặng tình liên đới huynh đệ hơn cả thứ tự trên dưới. Trong vài bản luật đời đan tu cổ điển, ta lại thấy một khuôn mẫu khác, trong đó vị đứng đầu được gọi là “cha” (abbas, thường được dịch là “Viện phụ”), và từ đó nảy ra tương quan hàng dọc giữa bề trên với các phần tử (cha con, hoặc mẹ con trong các cộng đoàn nữ), kèm theo tương quan hàng ngang (anh em, chị em).
Trong danh sách các dòng mang thánh hiệu Thánh Gia Nazareth, người ta đếm được 3 hội dòng nữ tu được thành lập vào hậu bán thế kỷ XVII; 3 hội dòng (2 nam, 1 nữ) trong thế kỷ XVIII. Con số tăng vọt khi bước sang thế kỷ XIX với 57 hội dòng nam nữ, và 42 hội dòng trong thế kỷ XX.
Dù sao cũng nên biết rằng lòng tôn kính Thánh Gia Nazareth chỉ mới phát triển từ thế kỷ XVII. Các sử gia ghi nhận một mối liên hệ giữa lòng tôn kính Thánh Giuse với Thánh Gia.
Thánh Giuse thường được tặng biệt hiệu là vị thánh “thinh lặng”, không những là thinh lặng khi còn sống mà cả sau khi qua đời. Thực vậy, đang khi lịch phụng vụ từ lâu đời đã có lễ kính các thánh tông đồ, tử đạo, giám mục, nhưng mãi tới năm 1621, mới có lễ kính Thánh Giuse trong toàn thể Giáo Hội.
Thế rồi khi trình bày cuộc sống của người, các tác giả mới đào sâu vai trò của người tại Nazareth. Điều thú vị là việc kêu cầu danh thánh “Giêsu, Maria, Giuse” trong thế kỷ XVI-XVII thường giới hạn vào việc cầu xin ơn chết lành, hoặc cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, hay là để học hỏi các nhân đức cần cù làm việc.
Mãi đến giữa thế kỷ XIX mới thấy xuất hiện những phong trào cổ động Thánh Gia Nazareth như là khuôn mẫu cho đời sống gia thất. Hình như các phong trào này phát xuất từ Québec (Canada), nhưng được hưởng ứng khá nhiệt liệt bên châu Âu.
Năm 1845, một hiệp hội Thánh Gia đã được thiết lập bởi các cha dòng Chúa Cứu thế tại Liège do sáng kiến của một giáo dân (ông Henri Belletable, 1813-1854); và năm 1861, một hiệp hội tương tự được thành lập tại Lyon do Cha Francoz dòng Tên, cổ động việc dâng hiến các gia đình cho Thánh Gia.
Đáp lại lời thỉnh nguyện của nhiều hiệp hội được thành lập tại Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, vào năm 1893 ĐTC Lêô XIII đã chính thức thiết lập lễ phụng vụ kính Thánh Gia, và lễ này được ĐTC Bênêđictô XV mở rộng ra toàn Giáo Hội ngày 26 tháng 10 năm 1921.
Nên lưu ý vào hồi đó lễ Thánh Gia được mừng vào Chúa Nhật trong tuần bát nhật lễ Hiển Linh (nghĩa là trong khoảng từ ngày mồng 7 đến 13 tháng giêng). Với cuộc cải tổ lịch phụng vụ sau Công Đồng Vaticanô (năm 1969), lễ Thánh Gia mới được chuyển sang Chúa Nhật trong tuần bát nhật lễ Chúa Giáng Sinh (hoặc ngày 30 tháng 12, nếu lễ Giáng Sinh trùng vào Chúa Nhật).
Đã có hơn một dòng tu được thiết lập để cổ động lòng sùng kính Thánh Gia. Nói chung, các dòng tu mang danh hiệu Thánh Gia muốn diễn tả nhiều khía cạnh khác nhau của linh đạo này.
Có dòng muốn đề cao sự đoàn kết hợp nhất giữa các phần tử. Có dòng muốn đề cao nếp sống ẩn dật Nazareth của cả ba vị, cách riêng là của Chúa Giêsu; có dòng muốn nhấn mạnh đến một nhân đức nào đó của gia đình Nazareth, chẳng hạn như đức thanh bần hoặc đức vâng lời, dựa theo nhận xét của Tin Mừng Thánh Luca chương 2 câu 51: “Đức Giêsu trở về Nazareth và hằng vâng phục các đấng”.
Trên thực tế, khi điểm qua hoạt động tông đồ của các dòng Thánh Gia, người ta thấy rất nhiều môi trường: giáo dục thanh thiếu niên, săn sóc người mồ côi hoặc người già lão, cũng như có những dòng thừa sai và những dòng chiêm niệm. Ở đây tôi muốn dừng lại ở mục tiêu thứ nhất, nghĩa là những dòng tu được thiết lập để cổ võ lòng sùng kính Thánh Gia.
Nói đến điều này, ta nên lưu ý là các dòng đó không dừng lại ở khía cạnh phụng tự đạo đức, nhưng cổ động việc tôn sùng Thánh Gia như phương tiện làm mục vụ cho các gia đình. Như chị đã biết, tuy các tu sĩ không lập gia đình, nhưng không thiếu dòng tu nam và nữ đã dành nhiều nỗ lực trong việc phục vụ các gia đình.
Dĩ nhiên, không phải chỉ những dòng mang danh hiệu Thánh Gia mới quan tâm đến các gia đình; một cách tương tự như vậy, có nhiều hội dòng khác đã dành chỗ lớn cho việc tôn kính Thánh Gia dù không mang danh hiệu Thánh Gia, chẳng hạn như dòng Marist (do Cha Jean Claude Colin lập năm 1816).
Trong số những dòng cổ động lòng sùng kính Thánh Gia và mục vụ gia đình, ta phải kể đến dòng Con Cái Thánh Gia do Thánh José Manyanet lập năm 1870 tại La Seu d’Urgel (Tây Ban Nha), và được Tòa Thánh châu phê năm 1901. Dòng được Tòa Thánh uỷ thác việc điều khiển các hiệp hội tôn sùng Thánh Gia.
Từ năm 1992, họ đã đứng ra tổ chức hội nghị quốc tế để nghiên cứu lịch sử lòng sùng kính và thần học Thánh Gia, lần cuối cùng vào hồi tháng 7 năm nay, trùng vào dịp ĐTC đi viếng Valencia để chủ toạ Đaị Hội các Gia Đình. Bốn năm trước đó (năm 2002), một hội nghị đã được tổ chức tại Barcelona, để kỷ niệm 150 năm sinh nhật ông Antonio Gaudí (1852-1926).
Từ sau Công Đồng Vaticanô II, có vài tổ chức muốn quy tụ các thành viên gồm cả nam nữ độc thân và những người đã có gia đình. Tuy nhiên, những tổ chức này còn mới mẻ, và thường mang tính cách của phong trào.
Xét về hội dòng theo nghĩa cổ truyền, thì có lẽ nên nhắc đến sáng kiến của Linh Mục Pierre-Bienvenu Noailles (1793-1861) lập ở Bordeaux vào năm 1820. Lúc đầu cha lập ra một hiệp hội “Thánh Gia” gồm 3 ngành: 1/ ngành Chúa Giêsu dành cho các chủng sinh và linh mục; 2/ ngành Đức Mẹ dành cho các phụ nữ; 3/ ngành Thánh Giuse, dành cho nam giới. Đến khi cha qua đời, số hội viên lên tới 21 ngàn (đông nhất là ngành Đức Mẹ với 19,500; rồi đến 700 người thuộc ngành Thánh Giuse, và 500 thuộc ngành Chúa Giêsu).
Do nhiều hoàn cảnh lịch sử, ngành nữ biến thành hội dòng nữ tu Thánh Gia Bordeaux. Tuy nhiên, hội dòng này vẫn còn tiếp tục ý hướng nguyên khởi của vị sáng lập, đó là không chỉ đi phục vụ các gia đình (giúp cho họ sống ơn gọi của bí tích hôn phối), nhưng còn muốn cổ võ lý tưởng thực hiện một Giáo Hội gia thất ngay từ trong gia đình, để rồi tiến tới lý tưởng biến tất cả Giáo Hội thành một gia đình của Chúa, theo khuôn mẫu không những là của Thánh Gia Nazarét nhưng nhất là khuôn mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Trên thực tế, ta thấy gia đình tinh thần hiện nay của Cha Noailles gồm các hội dòng nữ tu hoạt động cũng như chiêm niệm, thêm vào các giáo dân được liên kết trong một tu hội đời, và các hội viên tán trợ.