Trong những thập niên gần đây, vấn đề chức linh mục của Mẹ Maria được đặt lên trong bối cảnh của cuộc tranh luận về việc phong chức linh mục cho phụ nữ. Một trong những lý do thường được Giáo Hội đưa ra để biện minh cho truyền thống không truyền chức linh mục cho phụ nữ là bởi vì tuân theo ý định của Chúa Giêsu: Người đã không muốn truyền chức linh mục cho các phụ nữ (trong đó có Đức Mẹ), tuy rằng các bà thánh thiện đạo đức hơn các tông đồ.
Tôi không muốn đi vào cuộc tranh luận này, nhưng chỉ muốn lưu ý rằng đôi khi chúng ta đã đặt vấn đề không đúng chỗ. Chẳng hạn như nếu ai nêu thắc mắc “Chúa Giêsu biết lái xe honda không?” thì thay vì mất thời giờ tìm các lý lẽ để bênh hay để chống, chúng ta phải đặt câu hỏi tiên quyết là: vào thời Chúa Giêsu người ta đã sáng chế xe Honda chưa?
Dĩ nhiên là không thể nào so sánh việc truyền chức linh mục với việc đi xe Honda, bởi vì nguồn gốc lịch sử của hai vấn đề cách nhau 20 thế kỷ. Tuy nhiên, dưới một phương diện nào đó, chúng ta có thể dùng thí dụ ấy để cho thấy rằng các thể chế của Giáo Hội ngày nay không hòan tòan giống như thời các thánh tông đồ.
Chúng ta không thể nào khẳng định rằng Chúa Giêsu đã truyền chức linh mục cho các tông đồ: lý do là vì hồi thế kỷ I, Giáo Hội chưa có khái niệm chính xác về bí tích truyền chức, lại càng chưa có ý thức rõ rệt về sự phân biệt giữa các đẳng cấp (giám mục, linh mục, phó tế). Vì thế, nói rằng Chúa Giêsu truyền chức linh mục cho các tông đồ thì hơi bạo miệng, và nói rằng Chúa Giêsu không truyền chức linh mục cho Đức Mẹ thì cũng bạo miệng không kém. Lý do là bởi vì vào thế kỷ I, vấn đề chưa được đặt ra. Một cách tương tự như vậy, nếu có ai hỏi rằng “Chúa Giêsu là giám mục hay là linh mục?” thì xin thưa rằng: câu hỏi đó lạc đề.
Câu hỏi “Chúa Giêsu là giám mục hay là linh mục” thì cũng tựa như hỏi rằng “Chúa Giêsu dùng xe đạp hay xe gắn máy để đi giảng?”. Thời Chúa Giêsu, chưa có xe đạp và xe gắn máy.
Như tôi đã nói nhiều lần, Tân Ước (đặc biệt là thư gửi người Hip-ri) không gọi Chúa Giêsu là linh mục nhưng là Thượng Tế; đồng thời Tân Ước (đặc biệt là thư thứ nhất của Thánh Phêrô tông đồ) gọi các Kitô Hữu là đòan dân tư tế (1Pr 2,9). Trong cả hai trường hợp, các tác giả đều nêu bật tính cách mới mẻ của chức tư tế Tân Ước, về phía Chúa Giêsu cũng như về các Kitô Hữu.
Về phía Chúa Giêsu, điều mới mẻ so với Cựu Ước nằm ở chỗ Người được phong làm tư tế từ trời cao (chứ không phải do cha truyền con nối, giống như hàng ngũ tư tế trong Cựu Ước), và Người đã dâng chính thân mình làm hy tế (chứ không phải là dâng chiên bò). Một cách tương tự như vậy, các Kitô Hữu thi hành chức tư tế không phải bằng việc dâng động vật hoặc thảo vật làm đồ cúng tế, nhưng là dâng hiến chính cuộc đời của mình làm hy lễ chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa.
Phải rồi. Cho đến Công Đồng Vaticanô II, người ta thường đồng hóa hàng ngũ tư tế với hàng ngũ linh mục. Vì thế, những ai muốn bênh vực chức tư tế của Đức Maria thì tìm cách để cho người được tham dự vào bữa Tiệc Ly với các tông đồ, hoặc khóac cho người phẩm phục linh mục cầm chén thánh dâng lễ.
Công Đồng Vaticanô II đã nêu bật hai cách thức tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô: một đàng là nhờ bí tích Thánh Tẩy, và một đàng là nhờ bí tích Truyền Chức. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là chính nhờ việc khám phá nét độc đáo của chức tư tế của Chúa Kitô, mà chúng ta không cần phải cho Đức Mẹ mặc phẩm phục linh mục làm gì cho thêm nặng nề tốn kém. Đức Maria không cần phải bước lên bàn thờ để dâng Thánh Lễ, bởi vì người kết hiệp với hy lễ của Chúa Kitô cách độc nhất vô nhị.
Đúng vậy. Để tìm hiểu chức tư tế của Đức Maria, chúng ta cần phải khởi đi từ chức tư tế của chính Đức Kitô, chứ đừng lấy giáo sĩ hay giáo dân làm mốc điểm.
Tác giả của thư gửi người Hip-ri (chương 10, câu 5) dường như muốn cho thấy rằng Đức Kitô là thượng tế kể từ khi vào trần gian khi đặt trên môi của Người câu Thánh Vịnh 39: “Chúa không ưa thích hy lễ và hiến lễ, nhưng đã tạo cho con một thân thể, ... bấy giờ con mới thưa: này đây con đến để thực thi ý Chúa”.
Nói cách khác, Đức Kitô bắt đầu thi hành chức tư tế ngay từ khi vào đời chứ không phải chỉ vào lúc hiến mình trên Thập Giá. Hiểu như vậy, thì phải nói rằng Đức Maria tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô không phải chỉ vào lúc Mẹ kết hiệp với hy tế của Chúa Giêsu, nhưng kể từ khi bắt đầu mầu nhiệm Nhập Thể. Việc kết hiệp này diễn ra khi Đức Maria chấp nhận cho Lời Chúa trở nên con người trong cung lòng của mình, nghĩa là nhận lấy thân thể từ thân thể của mình: ra như Đức Maria đã chuẩn bị chất liệu cho hy lễ thập giá vậy. Chỉ các bà mẹ mới biết được sự đau đớn trong việc tạo nên hình thể cho đứa con.
Tuy nhiên, sự thông dự không chỉ giới hạn vào khía cạnh chất thể, điều cao quý hơn nữa là sự thông dự dưới khía cạnh tinh thần. Đức Maria đã chia sẻ tất cả cuộc đời hiến tế của Con mình, những niềm vui và nỗi buồn, như cụ Simeon đã loan báo trong lúc dâng tiến hài nhi trong đền thờ.
Ngoài ra, tác giả thư gửi Hipri còn mô tả Đức Kitô tư tế như vị trung gian giữa Thiên Chúa với lòai người, nổi bật với các nhân đức như là “trung tín”, “cảm thông”; Đức Maria không những đã huấn luyện những đức tính ấy cho Con mình, nhưng chính bản thân mình đã sống những tâm tình ấy, cho đến cao điểm là dâng hiến hy lễ Con mình trên thập giá.
Chưa hết, tác giả Tin Mừng thứ bốn còn thuật lại rằng sứ mạng của Đức Maria chưa chấm dứt ở hy lễ của Chúa Giêsu trên thập giá, nhưng người còn được yêu cầu tiếp tục sứ mạng làm mẹ của các môn đệ của Chúa, nghĩa là Hội Thánh (Ga 19,26). Đó là lý do vì sao ta cần phải nói rằng cũng như chức tư tế của Chúa Kitô mang tính cách độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân lọai, thì chức tư tế của Đức Maria cũng mang tính cách độc nhất vô nhị trong Hội Thánh, vượt hẳn chức tư tế thừa tác cũng như chức tư tế phổ quát.
Tôi nghĩ như vậy, phần nào cũng tương tự như cho các giám mục mặc phẩm phục phó tế vậy: như vậy là giáng cấp chứ không phải là tôn vinh.
Như đã nói trên, những bức tranh vẽ Đức Maria mang phẩm phục linh mục ra đời vào thời kỳ mà thần học về chức tư tế còn mang nhiều thiếu sót. Dù sao, riêng đối với các linh mục, các văn kiện của Tòa Thánh (nhất là kể từ ĐTC Gioan Phaolô II) thường trưng bày Đức Maria như là mẹ của các linh mục.
Tư tưởng này dựa trên quang cảnh Chúa Giêsu ở trên thập giá do Thánh Gioan kể lại. Người môn đệ yêu dấu, sau khi đã được Chúa trao phó thân mẫu yêu quý của mình, thì đã đón nhận Mẹ về nhà, trân trọng như là gia tài bảo vật (Ga 19,27).
Linh mục được mời gọi hãy sống thân tình với Đức Maria để được đào luyện sâu rộng hơn về Chúa Giêsu, ngõ hầu có thể rao giảng Chúa cho tha nhân.
Linh mục cũng được mời gọi học những tâm tình của Đức Maria khi phục vụ Chúa, đó là thái độ lắng nghe, trao hiến, phục vụ.
Các linh mục cũng có thể học nơi Đức Maria về cách thức làm mẹ nữa, xét vì Giáo Hội đã được ủy thác nghĩa vụ hiền mẫu, nghĩa là sinh sản những con cái mới cho Nước Trời, chăm sóc dưỡng nuôi họ bằng Lời Chúa và các bí tích: linh mục cần biết cưu mang Lời Chúa trong lòng, cẩn thủ Lời Chúa và trao ban Lời Chúa cho tha nhân.
Có chứ. Đừng kể đối với tu sĩ là những người muốn theo gương Đức Maria trong cuộc sống tận hiến cho Thiên Chúa, tôi nghĩ một ý tưởng rất đẹp đã được ĐTC Gioan Phaolô II giới thiệu trong chương cuối của thông điệp Ecclesia de Eucharistia (ngày 17/4/2003), đó là Đức Maria là “phụ nữ của bí tích Thánh Thể” (mulier eucharistica).
Người là mẫu gương cho tất cả chúng ta khi đến với bí tích trọng đại: mẫu gương của đức tin vào Lời Chúa dạy trước mầu nhiệm vượt quá khả năng hiểu biết; mẫu gương của việc thờ lạy Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích; mẫu gương cho tâm tình dâng hiến, kết hiệp những hy sinh cuộc đời với hy lễ của Chúa Kitô, mẫu gương cho tâm tình cảm tạ ngợi khen trước những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong thế giới và trong cuộc đời.
Thực vậy, chúng ta đừng nên quên điều này là chức tư tế không chỉ giới hạn vào việc dâng lễ hy sinh, nhưng còn bao hàm việc chúc tụng Thiên Chúa và chuyển cầu cho nhân lọai nữa.
Chúng ta thấy có nhiều bức hoạ vẽ trái tim Chúa Giêsu và trái tim của Đức Mẹ đặt kề bên nhau, và xem ra không thấy có nét gì khác biệt. Thực ra thì giữa hai trái tim đó có khá nhiều sự khác biệt. Chúng ta có thể nêu ra những sự khác biệt bắt đầu từ những dữ kiện bên ngoài, rồi đến những ý nghĩa thâm thúy bên trong.
Sự khác biệt đơn giản nhất là xét về lễ phụng vụ. Trong lịch phụng vụ, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu được mừng như là lễ trọng; còn lễ kính Trái Tim Đức Maria được mừng như lễ nhớ.
Dưới phương diện lịch sử, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được Tòa Thánh cho phép cử hành trong toàn thể Hội Thánh từ năm 1856; còn lễ kính trái tim Đức Mẹ thì phải chờ đến gần 100 năm sau, vào năm 1944; tuy rằng những đề nghị cử hành hai lễ đã nảy lên từ thế kỷ XVII, do sáng kiến của Thánh Jean Eudes.
Ngoài ra, còn một sự khác biệt chi tiết nho nhỏ nữa có thể ghi nhận nơi danh hiệu của hai ngày lễ. Phụng vụ gọi lễ kính Chúa là “Trái Tim Rất Thánh Chúa Giêsu” (mà chúng ta gọi tắt là Thánh Tâm), còn lễ kính Đức Mẹ là “Trái Tim Vô Nhiễm Đức Trinh nữ Maria” (hoặc Trái Tim vẹn sạch, hoặc thanh khiết, nói tắt là “khiết tâm”).
Đúng vậy. Có lẽ chúng ta đã bị nhiễm bởi văn chương lãng mạn Tây Phương cận đại, coi trái tim như biểu hiệu của tình yêu (một mái nhà tranh, hai trái tim vàng), mà quên đi nhiều biểu tượng quan trọng khác của trái tim ở trong Kinh Thánh cũng như trong văn hóa Đông Phương.
Chẳng hạn như trong ngôn ngữ Hán Việt, những từ “tâm hồn, quyết tâm, thành tâm” không ám chỉ con tim như là cơ quan của tình yêu, cho bằng theo nghĩa là “ý chí, lòng dạ” của con người, và cũng vì thế mà có những từ ngữ “phân tâm, manh tâm, tà tâm”. Chính vì những ý nghĩa khác biệt về con tim như vậy, cho nên phải nhận rằng thần học về Trái Tim Chúa Giêsu thì khác với thần học về Trái Tim Đức Mẹ Maria, bởi vì mỗi trái tim là biểu tượng cho một đạo lý khác nhau.
Ở đây chúng ta chỉ bàn về ý nghĩa biểu tượng dựa theo Kinh Thánh, chứ không có giờ đi sâu phân tích tư tưởng triết học Á Châu.
Tuy lễ kính Trái Tim Chúa Giêsu mới được đưa vào lịch phụng vụ của Hội Thánh từ thế kỷ XIX, nhưng những suy tư thần học về Trái Tim Chúa Giêsu đã bắt đầu từ thời các giáo phụ. Khi chiêm ngắm đoạn văn của Thánh Gioan Tông Đồ mô tả cảnh tượng một người lính đâm thủng cạnh sườn của Chúa Giêsu chết trên thập giá, và từ đó trào ra nước và máu, các giáo phụ đã rút ra hệ luận là Trái Tim Chúa Giêsu là nguồn mạch ban ơn cứu độ cho nhân loại.
Chúa Giêsu không những chỉ rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa ban cho loài người, nhưng chính Người còn là máng chuyển thông tình yêu đó nữa. Trái Tim của Chúa Giêsu trở thành biểu tượng của việc chuyển thông ân sủng.
Nước và máu trào ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu được các giáo phụ giải thích theo hai nghĩa chính: một đàng là chính Hội Thánh được khai sinh từ cạnh sườn của Chúa Giêsu, ví như xưa kia, bà Evà được dựng nên từ cạnh sườn của ông Ađam. Đàng khác, nước và máu tượng trưng cho hai bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể, nhờ đó nhân loại được rửa sạch tội lỗi và được nuôi dưỡng bằng lương thực thần linh, cả hai đều bắt nguồn từ trái tim của Chúa Giêsu.
Ý nghĩa về biểu tượng tình yêu xuất hiện vào thời Trung Cổ, do ảnh hưởng của nhiều nhà huyền bí nữ giới, với những cuộc xuất thần trong đó họ cảm thấy Chúa Giêsu đã trao đổi con tim với họ (chẳng hạn như Thánh Matilđê Hackeborn hoặc Thánh Catarina Siena).
Tuy nhiên, những nhà thần học thì không chú trọng đến khía cạnh tâm lý tình cảm cho bằng khía cạnh đạo lý. Đối với Thánh Albertô và Bonaventura, trái tim Chúa Giêsu là biểu tượng cho chính bản tính độc đáo của Người. Chúa Giêsu có một con tim giống như bao nhiêu con người khác, bởi vì là một con người thực sự.
Tuy nhiên, do sự kết hiệp ngôi vị, Chúa Giêsu không chỉ yêu thương theo khả năng của con người bình thường, nhưng còn yêu nhân loại với tình yêu của Ngôi Hai Thiên Chúa nữa; tình yêu vô hạn bao trùm tất cả mọi sinh linh, tình yêu đưa đến sự trao hiến mạng sống vì những kẻ mà mình yêu mến. Nói cách khác, đó là một tình yêu mang công hiệu cứu chuộc.
Trước khi trả lời câu hỏi này, thiết tưởng nên lưu ý về việc dịch thuật các từ ngữ. Các bản dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt đã đổi tiếng “tim” thành ra “lòng”. Thế nhưng “tim” với “lòng” không hẳn là đồng nghĩa. Ví dụ như trong bài giảng về tám mối phúc theo Thánh Matthêu, chúng ta thấy nói đến mối phúc dành cho kẻ có “lòng khó khăn”, và có “lòng trong sạch”.
Trong nguyên bản, cách hành văn của hai mối phúc khác hẳn, một bên là: “phúc cho kẻ khó nghèo về tinh thần” và một bên là “phúc cho kẻ trong sạch về con tim”. Chính vì thế mà nhiều lần các từ nói về “con tim” đã nhường chỗ cho “tấm lòng” trong bản dịch Việt ngữ, trong đó có cả một đoạn văn quan trọng liên quan đến Đức Maria.
Thánh Luca, ở chương 2 của sách Phúc Âm, đã hai lần viết rằng: “Đức Maria đã ghi khắc những điều này và suy gẫm trong con tim” (câu 19 và câu 51). Thoạt tiên, xem ra lối nói hơi ngược đời, bởi vì chúng ta quen suy gẫm ở trong đầu, chứ không suy gẫm trong tim!
Thế nhưng, theo tư tưởng Do Thái, con tim không phải là biểu tượng của tình yêu cho bằng là biểu tượng của suy tưởng và quyết định. Ta có thể ví phần nào như là “lương tâm”, nơi đắn đo và cân nhắc, và quyết định hành động. Dĩ nhiên đã nói đến “lương tâm” thì hiểu ngậm rằng cái “tâm” (tim) lương thiện! Tiếc rằng cái tim của con người chúng ta thường bị lệch lạc, vì thế mà trong Cựu Ước, không thiếu những lời kêu gọi con người hãy “thay đổi” con tim, hoặc những lời cầu khẩn xin Chúa ban cho một trái tim mới.
Lúc nãy, tôi đã trưng dẫn lời chúc phúc trong bài giảng trên núi dựa theo phúc âm Thánh Matthêu: “Phúc cho kẻ thanh sạch về con tim”. Từ ngữ “thanh sạch về con tim” đã được nói đến trong Cựu Ước (chẳng hạn ở thánh vịnh 24 câu 4).
Con tim được hiểu về toàn thể con người: người có “con tim thanh sạch” là người công chính, luôn đi theo đường lối của Chúa, người ngay thẳng không gian dối, người gắn bó tuân hành ý Chúa. Như chúng ta đã biết, trong bài giảng trên núi (chương 6 Phúc Âm theo Thánh Matthêu), Chúa Giêsu nhấn mạnh rất nhiều đến việc giữ đạo trong “con tim” (từ việc cầu nguyện, cho đến việc ăn chay và làm việc nghĩa), theo nghĩa là không chỉ lo tuân giữ lề luật cách bôi bác bên ngoài để che mắt thiên hạ, nhưng cần phải cư xử trong sáng đối với Thiên Chúa, Đấng thấu suốt con tim.
Chúa Giêsu cũng kêu gọi chúng ta hãy học nơi Người về sự hiền lành và khiêm nhường trong con tim (Mt 11,29). Đối lại với “con tim trong trắng” là con tim dơ bẩn, độc địa, được Marcô mô tả ở chương 7 câu 21 như sau: “từ bên trong, từ con tim của con người mà phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”.
Khi kính Trái Tim Chúa Giêsu, phụng vụ muốn tuyên xưng rằng Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta với con tim của một Đấng vừa là con người vừa là Thiên Chúa, tình yêu hiến tế và cứu chuộc.
Còn khi kính trái tim của Đức Mẹ, phụng vụ muốn đề cao mẫu gương của một người tín hữu đón nhận tình yêu của Chúa bằng việc lắng nghe lời Chúa và tuân hành. Phụng vụ cũng ca ngợi con tim của Đức Maria, vì đã được ơn Chúa giữ gìn cho được trong sạch khỏi mọi tội lỗi, nhờ vậy có thể gắn bó với Chúa cách vô điều kiện, không chút dè sẻn. Con tim đó không những trở nên hiền từ và khiêm tốn giống như con tim của Chúa Giêsu, mà cũng đã được thanh luyện qua nhiều cuộc thử thách, theo như ông Simeon đã tiên báo.
Nhìn lên tấm gương đó, người tín hữu cũng xin Đức Maria chuyển cầu cho chúng ta cũng được đổi mới con tim, luôn gắn bó với Thiên Chúa, bất chấp mọi thử thách. Cũng nhờ gắn bó vô điều kiện với Thiên Chúa, trái tim của Đức Maria cũng biết mở rộng ôm ấp hết mọi người được Chúa cứu chuộc. Lòng sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Maria cũng muốn thúc đẩy chúng ta một đàng biết trở về với đời sống nội tâm, đàng khác cũng quan tâm đến nhu cầu của anh chị em đồng loại.
Dĩ nhiên những phong trào đền tạ ở Việt Nam không phải là tự nhiên đột xuất tại đất nước ta, nhưng nằm trong cả một phong trào tu đức trên thế giới.
Người ta đã dịch “đền tạ” (hay đôi khi: phạt tạ) từ tiếng Pháp réparation, nguyên ngữ có nghĩa là: sự sửa chữa, đền bù; nó giả thiết là đã có cái gì hư hỏng, thiệt hại, vì thế mà cần phải sửa lại hay là bồi thường. Do đó dịch là “đền tạ” thì quả là đúng: “đền” có nghĩa là bù lại, trả lại; “tạ” có nghĩa là lời xin lỗi (tạ lỗi) hay là cám ơn (tạ ơn).
Tôi nghĩ rằng tiếng “đền tạ” xem ra dịch sát hơn là “phạt tạ”; bởi vì như sẽ thấy sau đây thần học về “đền tạ” đề cao tính cách yêu mến: chúng ta mến Chúa để đáp lại lòng Chúa thương ta; còn tư tưởng “phạt tạ” có thể đưa tới những hình ảnh sai lầm trình bày Chúa ra như bừng bừng nổi giận vì bị tội lỗi xúc phạm, vì thế cần phải có người đứng ra lãnh hình phạt thay để cho Người nguôi đi.
Hình ảnh về các vị thần nổi cơn lôi đình khá quen thuộc trong lịch sử các tôn giáo; nhưng chắc chắn là không có phù hợp với hình ảnh Thiên Chúa do Đức Kitô mặc khải: Người là người cha nhân hậu chờ mong đứa con hoang đàng trở về, ôm chầm hôn hít nó; Người là mục tử bỏ 99 con chiên lành, trèo non lặn suối để đi tìm con chiên lạc.
Chúng ta cũng nên ghi nhận rằng phong trào đền tạ Thánh Tâm Chúa đã có từ lâu, còn phong trào đền tạ Mẫu Tâm thì mới có từ thế kỷ XX.
Như vừa nói trên đây, những phong trào đạo đức này không phải là nảy sinh từ Việt Nam, nhưng là một phong trào có tầm mức quốc tế, được truyền bá sang tại rất nhiều nước và đã tới nước ta. Tôi không có tài liệu xác định là nó tới Việt Nam lúc nào, nhưng những tài liệu về nguồn gốc khai sinh của nó thì không thiếu.
Theo nghĩa chặt, thì phong trào đền tạ Thánh Tâm bắt nguồn từ những mặc khải của Thánh Tâm Chúa Giêsu cho Thánh Margarita Maria. Thế nhưng tư tưởng đền tạ Chúa thì đã có từ lâu đời, ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội. Các tín hữu Kitô đã không ngừng cám ơn Chúa vì hồng ân cứu rỗi đã ban cho nhân loại nơi Thập Giá Đức Kitô, và đồng thời họ đã khẩn xin Chúa cho hết mọi người được nhận biết Chúa và lãnh được ơn cứu rỗi; trong số những người được các Kitô Hữu cầu nguyện đặc biệt thì đứng đầu là dân Do Thái: xin cho họ biết nhìn nhận nơi Đức Kitô vị thiên sai mà Chúa đã hứa cùng các tổ phụ.
Ta thấy chủ đề tạ ơn và khẩn nài này vẫn còn được duy trì trải qua các thời đại, đặc biệt là khi cử hành Thánh Lễ. Sang tới những thế kỷ sau, cạnh những lời trách móc dân Do Thái vì đã vô ơn với Chúa và đã đóng đinh Con Chúa, các Kitô Hữu ý thức rằng chính con cái mình cũng nhiều lần đã đóng đinh Chúa, thí dụ những người đã chối Chúa, và nói chung những người không trung thành với giao ước.
Ta thấy trong bài ca thán: “Dân ta ơi, ta đã làm gì cho ngươi” hát ngày thứ Sáu Tuần Thánh đã bao gồm cả dân Do Thái lẫn dân Kitô Giáo đã vô ơn với Chúa. Tuy nhiên, các tín hữu không dừng lại ở chỗ cầu khẩn hay than van trách móc; từ Thánh Augustinô trở đi, các giáo phụ đã phát triển đề tài “yêu lại” (redamatio), nghĩa là hãy yêu Chúa để đáp trả lại tình yêu của Người, giống như Thánh Phêrô sau ba lần chối Chúa đã đáp lại 3 lần: lạy Chúa con mến Chúa hơn hết mọi người. Dĩ nhiên lòng mến ấy không phải chỉ dính ở môi miệng nhưng còn thấm nhuần tất cả đời sống nữa.
Các tín hữu đã biểu lộ lòng mến Chúa qua việc hoạ lại đời sống của Người, thí dụ các đan sĩ đặt cho mình cái lý tưởng là đi theo Chúa, vác thập giá với Chúa; các tín hữu khác cũng sống lý tưởng đó, và biểu lộ việc vác thập giá với Chúa qua những việc ăn chay các ngày thứ Sáu. Khỏi nói ai cũng biết, các đan sĩ và các tín hữu chia sẻ đường thập giá với Chúa Kitô không phải là để cho Chúa đỡ khổ, nhưng là để bày tỏ tình yêu mến đối với Người đã thương ta, cũng như để tham dự vào công cuộc cứu chuộc của Người. Nói khác đi, họ muốn đền tội của mình hay là tội của người khác, bởi vì tội đã gây ra cái chết cho Chúa và tội là sự phản bội lại tình yêu của Chúa.
Đúng 50%. Tại sao mà chỉ đúng có một nửa? Lý do là bởi vì Kinh Thánh, viết trong môi trường văn hóa vùng Trung Đông, không coi trái tim là cơ quan của tình yêu. Trái tim là cơ quan suy nghĩ và quyết định, còn cơ quan để yêu là cái lòng, nghĩa là cái ruột.
Có lẽ quan niệm của người Việt mình cũng tương tư như vậy: “yêu em anh để trong lòng” (chứ không phải trong tim; lòng hiểu là ruột: thí dụ anh em ruột, bà con ruột thịt). Thế nhưng từ thời Trung Cổ bên Âu Châu, người ta cho rằng cái đầu là cơ quan để nghĩ và con tim là cơ quan để yêu.
Cũng từ đó mà có những phong trào suy gẫm đến trái tim Chúa Giêsu, nổi tiếng hơn cả là các Thánh Mechtilđê và Gertruđê (thế kỷ XIII bên Đức); song song là những phong trào đền tội thay cho các người xúc phạm đến Chúa, vô ơn bạc nghĩa với Chúa, tượng trưng nơi Thánh Brigitta ở Thụy điển và Catarina de Siena, ở thế kỷ XIV. Sự đền tội thay-thế được diễn tả cách riêng qua việc phạt xác đánh tội và chầu Thánh Thể, suy gẫm các sự thương khó của Chúa.
Theo tôi nghĩ thì đúng như vậy: theo nghĩa là người tín hữu tình nguyện lĩnh lấy hình phạt thay cho tội nhân, cách riêng qua việc phạt xác, lãnh nhận những đau đớn tự ý gây ra (thí dụ ăn chay, đánh tội).
Thiết nghĩ cũng nên thêm rằng từ thế kỷ XVII về sau, thần học bỏ quên đề tài “giao ước tình yêu” của Kinh Thánh, và phát triển một chiều quan niệm công bằng của Chúa. Họ đặt nặng công bằng cũng ngang với tình yêu ở nơi Chúa. Họ lý luận rằng khi con người phạm tội thì xúc phạm tới Thiên Chúa công bằng vô cùng; vì thế để đền bù cân xứng thì cần phải có Con Thiên Chúa, Đấng vô cùng, đứng ra chuộc tội thay cho ta. Tóm lại, đây là thời đại của thần học và luân lý pháp đình, ba cọc ba đồng.
Song song với sự đền tạ Thánh Tâm Chúa là sự đền tạ Trái Tim Đức Mẹ. Thực ra việc đặt hai trái tim kề nhau đã bắt nguồn từ Thánh Gioan Eudes (1601-1680); tuy nhiên phong trào đền tạ Thánh Tâm Chúa được phổ biến mạnh từ Thánh Margarita Maria sau biến cố Paray le Monial (1675) nhờ Cha Claude La Colombière và các cha Dòng Tên; còn phong trào đền tạ Trái Tim Đức Mẹ bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX: năm 1899 chị Maria Dolores Inglese đã đề xướng việc rước lễ ngày thứ bảy đầu tháng để đền tạ Trái Tim Đức Mẹ.
Nhưng đề nghị đó được thực hiện vào thế kỷ XX: một đàng là qua những phong trào phổ biến sứ điệp Fatima, và đàng khác là qua những phong trào do các cha Dòng Thánh Thể cổ động và không có dính dáng chi tới Fatima cả. Đại khái, những phong trào đền tạ Thánh Tâm Chúa hay Mẫu Tâm đều đề nghị những công tác như nhau: thống hối, chia sẻ những đau khổ của Trái Tim Chúa hay Trái Tim Mẹ, dâng mình đền tội.
Có phần giống và có phần khác. Dĩ nhiên nếu chỉ nhìn lên hình ảnh của hai trái tim tượng trưng cho tình yêu, thì nói được là cả hai đều như nhau, nghĩa là đền bù cho những xúc phạm tới tình yêu thương.
Nhưng khi đi sâu vào công chuộc cứu chuộc thì hoàn toàn khác: sự đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá là nguyên nhân mang lại ơn cứu chuộc của nhân loại; còn Đức Maria chỉ có vai trò phụ.
Tuy nhiên, ngay từ thập niên 60, Cha Rahner đã bắt đầu đặt lại vấn đề thần học về đền tạ Thánh Tâm, dựa theo toàn thể lịch sử của Giáo Hội và toàn thể Kinh Thánh, chứ không thể dừng lại vào những quan niệm thần học một chiều thịnh hành từ thế kỷ XVII.
Thực vậy, thần học trong những thế kỷ gần đây nhấn mạnh quá đáng ở chỗ đền bù sự xúc phạm đến Chúa mà tội lỗi đã gây ra, hoặc để an ủi Chúa vì sự tệ bạc của con người. Ta thấy cả hai tư tưởng đó tuy đúng nhưng thiếu sót, bởi vì hình dung Thiên Chúa theo kiểu cách quá nhân loại (Chúa thịnh nộ, Chúa buồn sầu). Cần phải lồng việc đền tạ trong một nhãn giới rộng lớn hơn của lịch sử cứu độ và giao ước tình yêu.
Dĩ nhiên là tội lỗi là một điều xúc phạm đến Chúa, và cần phải được đền bồi. Chính Đức Kitô đã trao hiến mình, đã chết vì tội của chúng ta, để thanh tẩy tội lỗi của chúng ta. Duy có Đức Kitô mới có khả năng đền tạ hay phạt tạ cân xứng được.
Việc đền tạ của chúng ta tiên vàn có nghĩa là mở cửa lòng để đón nhận hồng ơn ấy, nghĩa là đón nhận chính tình thương của Chúa đối với ta, để cho tình yêu Người càng ngày càng chiếm đoạt tất cả toàn thân ta hơn nữa. Đàng khác, tuy rằng Thiên Chúa thương yêu riêng mỗi một người chúng ta, gọi đích danh tên từng người một, nhưng Người cũng muốn quy tụ chúng ta thành một gia đình. Vì thế chúng ta cần cảm thấy tình liên đới trong gia đình nhân loại, trong gia đình Giáo Hội: chúng ta không nên chỉ nghĩ tới phần rỗi của linh hồn mình, nhưng còn nghĩ tới số phận của anh chị em chúng ta trong đại gia đình nhân loại, mong sao cho tất cả cũng được tham dự vào bàn tiệc của Chúa.
Nói khác đi, trong khi trước đây, thần học về sự đền tạ nhấn mạnh đến sự công thẳng thịnh nộ của Chúa, thì ngày nay người ta muốn lồng nó trong cái nhìn thông hiệp, giữa Thiên Chúa với con người cũng như giữa con người với nhau. Hiểu như thế, bất cứ việc lành nào mà ta làm thì không phải chỉ có lợi cho phần rỗi của linh hồn ta, nhưng còn đóng góp cho sự thánh thiện của Hội thánh; đồng thời chúng ta cố gắng tẩy trừ dấu tích của tội lỗi và sự dữ không những là trong bản thân của ta mà còn trong các cơ chế xã hội, kể cả trong các cơ chế của Giáo Hội, xét như là một cộng đồng mang những giới hạn bất toàn của con người.
Tất cả những cố gắng ấy đều nhằm chiếu tỏa tình yêu của Chúa với nhân loại. - Còn việc đền tạ Đức Maria thì cần được lồng trong thần học về vai trò của người trong chương trình cứu chuộc. Tiếc rằng vì thời giờ không cho phép, nên xin dành vào dịp khác.
Thực ra trong một năm, có tới mấy tháng dâng kính Đức Mẹ lận. Ngoài tháng 5 (tục gọi là tháng hoa) và tháng 10 (tháng Mân Côi), tại vài nơi, người ta còn dâng tháng 8 kính Trái Tim Mẹ, và tháng 9 để kính bảy sự đau đớn Đức Mẹ.
Xét theo khía cạnh lịch sử phụng vụ, chúng ta phải đi từng cấp một: trước tiên là thói tục dành ra 30 ngày để kính Đức Mẹ; và kế đó là tục gắn vào giai đoạn nào trong năm dương lịch.
Tục lệ dành ra một tháng để kính Đức Mẹ xem ra phát xuất từ thế kỷ VI nơi vài tu sĩ bên Ai Cập. Thường thường, để dọn mình mừng lễ nào đó, các tín hữu quen dành ra một vài ba ngày trước để chuẩn bị tâm hồn, như chúng ta thấy các lễ vọng, các tuần tam nhật, cửu nhật, và cách riêng hai mùa Chay và mùa Vọng để chuẩn bị lễ Phục Sinh và Giáng Sinh.
Thế nhưng các tu sĩ bên Ai Cập, vào mùa Giáng Sinh, thì không những họ tổ chức những lễ nghi mừng biến cố Chúa ra đời, nhưng liền với mầu nhiệm của Chúa Cứu thế họ còn gắn thêm những biến cố của Đức Maria nữa. Vì vậy, mà suốt từ ngày 10 tháng 12 cho tới 8 tháng giêng, mỗi ngày họ suy niệm Kinh Thánh, chú giải và rút ra một bài học cho đời sống hàng ngày.
Sang thời Trung Cổ, vào thế kỷ XI, thì các Giáo Hội Đông Phương dâng tháng 8 kính Đức Mẹ. Trọng tâm của nó là lễ Mẹ lên trời ngày 15; và họ dâng 15 ngày trước để chuẩn bị và 15 ngày kế để tiếp nối. Dù sao thì ta thấy hai tục lệ vừa nói gắn liền với lịch phụng vụ.
Còn bên các Giáo Hội Tây Phương thì khác, tục lệ dành tháng 5 để kính Đức Mẹ không gắn với một lễ phụng vụ, nhưng dựa trên một thói tục dân gian mà Giáo Hội muốn cải biến. Tại nhiều nơi bên Âu Châu, tháng 5 trùng với mùa xuân; mà thói tục nhiều nơi đã tổ chức những lễ hội, tỉ như tại Rôma, người ta mở ra hội hoa, với những trò chơi, triển lãm dâng kính thần Hoa. Vào dịp ấy, cũng có những cuộc thi đua sắc đẹp giữa các thiếu nữ, những dịp để các cô các cậu làm tình nữa.
Tưởng cũng nên biết là không phải riêng gì tại Rôma, mà tại nhiều nơi khác bên Âu Châu cũng có những cảnh tương tự khi tháng 5 đến. Thực ra khung cảnh thiên nhiên dễ đưa tới những tâm tình ấy; tháng 5 là tháng ấm của mùa xuân, thiên nhiên đầy những hoa nở với hương thơm ngào ngạt, làm cho con người cảm thấy sảng khoái, vui tươi. Nhằm thánh hóa những phong tục dân gian, các tín hữu muốn hướng những tâm tình tự nhiên lên Đức Trinh Nữ Maria, người trinh nữ kiều diễm, không vì nhan sác tự nhiên cho bằng vì vẻ đẹp linh hồn, không hề vướng mắc tì ố của tội lỗi.
Xét vì đây là một tâm tình bộc phát của các tín hữu, chứ không phải do quyết định của giáo quyền, nên không có một nhật kỳ nhất định.
Vào thế kỷ XIII, vua Alphongsô X nước Tây-ban-nha đã sáng tác một bài thơ trong đó có đoạn hô hào dành tháng 5 để ca ngợi Đức Maria. Thế thì hiểu là tục lệ ấy chắc đã có từ trước.
Bên Đức, hồi thế kỷ XIV, Chân Phước Henricô Susô, dòng Đaminh, đã bắt đầu trồng hoa trong nhà dòng vào tháng 4, để có thể lấy hoa kết triều thiên đội lên tượng Đức Mẹ vào đầu tháng 5. Nên biết là Henricô là một nhà giảng thuyết bình dân thời đó, nên chắc rằng người đã tuyên truyền để cho bổn đạo cũng bắt chước mình.
Hai thế kỷ sau, một cha dòng Biển đức, Wolfango Seidl, đã viết tập sách nhỏ tựa đề “Tháng 5 thiêng liêng”, trong đó đề nghị những phương thức cầu nguyện hay những lễ nghi để thay thế những thói quen phàm tục.
Sang thế kỷ XVII, người ta đã thấy nhiều nơi tổ chức những buổi rước hoa vào ngày đầu tháng 5 và trong các Chúa Nhật tháng đó, đồng thời với việc đọc kinh cầu Đức Mẹ và những bài ca khác.
Ngoài việc dâng hoa thiên nhiên, các tín hữu cũng được khuyến khích dâng những hoa thiêng liêng là các việc lành nhân đức, cho Mẹ. Nhằm thể hiện những mục tiêu ấy, nhiều tác giả (đặc biệt là các cha Dòng Tên) đã soạn ra những sách trình bày đời sống của Đức Maria, với những tư tưởng rút từ kinh thánh, các giáo phụ, các nhà tu đức, ngõ hầu các tín hữu có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh thần của Mẹ mà bắt chước.
Những sáng kiến tự phát của các tư nhân từ các gia đình, trường học, tu viện, dần dần được quảng bá rộng, đi vào các họ đạo.
Sang thế kỷ XIX, thì ĐGH Piô VII, để ghi nhớ việc mình được trở về Rôma vào tháng 5 năm 1814, sau thời gian bị Napoléon giam lỏng tại Paris, đã khuyến khích việc cử hành tháng 5 dâng kính Đức Maria. Các vị kế nhiệm cũng khuyến khích tục lệ ấy, đặc biệt vào thời đại gần đây, vào năm 1954, Đức Piô XII đã thiết lập lễ kính Đức Maria Nữ vương trời đất vào ngày kết thúc tháng 5. Lịch phụng vụ canh tân sau Công Đồng Vaticanô II đã dời lễ này sang ngày 22 tháng 8, bát nhật lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, và thay vào đó bằng lễ Đức Mẹ thăm viếng.
Tháng 10 quen gọi là tháng Mân Côi, không phải tại vì hoa mân côi nở vào tháng 10 cho bằng tại vì đã có lễ kính Đức Mẹ với tước hiệu Nữ Vương rất thánh Mân Côi. Tuy việc lần hạt Mân Côi đã có từ thời Trung Cổ, nhưng lễ phụng vụ kính Đức Mẹ Mân Côi mới được Đức Piô V thành lập vào năm 1573, để tạ ơn Chúa sau cuộc chiến thắng của đạo quân Công Giáo ở Lêpantô vào ngày 7 tháng 10 năm 1571.
Lúc đầu lễ đó được cử hành vào Chúa Nhật đầu tháng 10 nhưng từ năm 1913, nó được ấn định vào ngày 7 tháng 10 như hiện nay, họa theo tục lệ đã có vào tháng 5, một số tu sĩ cũng muốn dâng tháng 10, tháng của mùa gặt bên Âu Châu, cho Đức Maria.
Vào năm1581, một tu sĩ dòng Phan-sinh người Đức tên là Friđôlinô Nurnberg đã viết cuốn sách mang tựa đề “Mùa thu thiêng liêng”, với đường hướng giống như “tháng 5 thiêng liêng”.
Phần dòng Đaminh, thì quảng bá việc chuẩn bị lễ Mân Côi với 15 ngày thứ bảy trước đó, và kéo dài ra suốt tháng. Dĩ nhiên thay vì dâng hoa như hồi tháng 5, việc đạo đức chính của tháng 10 để tôn kính Đức Mẹ là lần chuỗi Mân Côi. Tại các nhà thờ của Dòng Đaminh, các cha cũng lợi dụng dịp này để tổ chức những buổi giảng thuyết không những về Đức Maria mà còn về toàn bộ đức tin Kitô Giáo, tóm lại trong 15 mầu nhiệm kính nhớ việc Nhập Thể và Cứu Chuộc của Đức Kitô. Tục lệ này được đẩy mạnh hơn nữa trong những thế kỷ XIX và XX, với những lời hô hào của các giáo hoàng kể từ Đức Leô XIII, và với hai lần Đức Mẹ hiện ra tại Lourdes và Fatima.
Tục lệ này chưa được phổ thông lắm. Nguồn gốc cũng tương tự như tháng Mân Côi, nghĩa là bắt đầu từ một lễ phụng vụ kính Đức Mẹ rồi kéo dài ra cả tháng. Nói khác đi, dựa vào lễ kính Mẫu tâm Đức Maria, trước đây kính ngày 15 tháng 8, và lễ kính 7 sự đau đớn Đức Bà, kính ngày 15 tháng 9.
Xét về lịch sử thì phải nói rằng lễ kính bảy sự đau đớn Đức Mẹ có trước, do các cha dòng Tôi Tớ Đức Mẹ cổ động: lúc đầu chỉ là một lễ trong dòng và mãi tới thế kỷ XIX (năm 1814) mới được phổ biến ra toàn thể Hội Thánh. Các cha cũng là những người cổ động việc suy gẫm bảy sự đau đớn Đức Bà; đó là 1) lời tiên tri Simêon như lưỡi gươm đâm thâu qua lòng; 2) việc trốn lánh qua Ai Cập; 3) việc lạc mất Chúa Giêsu trong đền thờ; 4) gặp Chúa Giêsu trên đường khổ giá; 5) việc Chúa đóng đinh vào thập giá và bị lưỡi đòng đâm thâu; 6) việc hạ xác Chúa; 7) việc mai táng Chúa trong mộ. Việc suy gẫm mỗi chăng kèm theo việc đọc 7 kinh kính mừng.
Còn lễ kính Trái Tim Mẹ thì mới được thành lập vào năm 1944 sau khi Đức Piô XII dâng thế giới cho Trái Tim Mẹ. Tuy nhiên việc sùng kính Trái Tim Đức Mẹ đã có từ thế kỷ XVII, do những tác phẩm của Thánh Gioan Eudes.
Lúc đầu lễ kính Mẫu Tâm được đặt vào ngày 22 tháng 8, tức là bát nhật của lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Nhưng lịch phụng vụ cải tổ sau Công Đồng Vatican đã đặt lễ này vào ngày thứ bảy liền sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Xét về nguồn gốc, thì việc dành tháng 8 cho Mẫu Tâm còn quá mới mẻ. Thêm vào đó, do việc xê dịch lễ phụng vụ qua tháng khác, chắc là nó khó tồn tại.
Nhiều ít còn tùy những yếu tố khác nữa. Có lẽ cần thêm rằng không những lòng đạo đức bình dân đã dành đôi ba tháng trong năm để kính Đức Mẹ, mà hằng tuần họ còn dành ra một ngày cho người nữa, tức là ngày thứ bảy. Tục lệ này đã phổ thông từ thế kỷ XI. Thêm vào đó là những ngày lễ rải rác suốt năm phụng vụ.
Thoạt tiên xem ra hơi nhiều, choán chỗ dành cho Chúa hay cho các vị thánh khác. Sự thực không phải như vậy. Từ Công Đồng Vaticano II, lòng sùng kính Đức Maria đã chuyển hướng nhiều. Đức Maria không những là đối tượng (đích điểm) của lòng đạo đức sùng kính của chúng ta, nhưng người còn trở nên mẫu gương của lòng đạo đức nữa.
Nói khác đi, không những chúng ta dâng lời cầu nguyện, chúc tụng lên Đức Maria, nhưng chính người là mẫu gương dạy chúng ta biết cách cầu nguyện ca khen Thiên Chúa nữa; thậm chí người cùng với chúng ta chung lời cầu nguyện chúc tụng Chúa.
Ta có thể lấy một tỉ dụ: trong kinh chiều mỗi ngày, khi xướng lên bài ca “Magnificat” (Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa), Giáo Hội không những là mượn lấy lời của Đức Maria để chúc tụng Thiên Chúa, mà ra như còn muốn mời người tới để hợp với tất cả cộng đoàn tín hữu ca ngợi Chúa. Hiểu như vậy, việc tôn kính Đức Maria không còn choán chỗ của Chúa; ta có thể nói rằng những tâm tình cầu nguyện dành cho Đức Maria sau cùng sẽ hướng về Đức Kitô, bởi vì Đức Maria muốn cho chúng ta tiến gần tới Đức Kitô hơn.
Đối lại, trong tất cả các mầu nhiệm của Đức Kitô ta đều thấy đức Maria ở bên cạnh. Đây là một chương trình huấn giáo mục vụ mà Giáo Hội muốn nhằm tới từ Công Đồng Vaticano II: làm sao cho Đức Maria trở thành khuôn mẫu của đời sống đạo đức của người tín hữu, theo nghĩa là làm sao chúng ta học biết nơi Mẹ cách thờ phượng Chúa cách đứng đắn, cách riêng qua việc thông dự vào chương trình cứu chuộc của Chúa: sẵn sàng tuân theo ý định của Thiên Chúa, sẵn sàng dâng hiến cuộc đời để phục vụ Chúa và tha nhân, khẩn nài van xin cho nhân loại được hưởng ơn cứu độ, vân vân.
Việc dành tháng 10 làm “tháng truyền giáo” là một sáng kiến của Hội Truyền Bá Đức Tin ở Italia, và có lẽ chỉ mới được quảng bá trong một vài quốc gia mà thôi. Nói chung, tại nhiều nơi trên thế giới, tháng 10 được dành kính Đức Mẹ Mân Côi. Tuy lúc đầu là một sáng kiến cá nhân, nhưng kể từ năm 1883 (thông điệp Supremi apostolatus) ĐTC Lêô XIII đã chính thức phê chuẩn tập tục dâng kính tháng 10 để đọc kinh Mân Côi. Nhiều vị giáo hoàng cũng xác nhận tập tục đó.
Thoạt tiên, sự gán ghép này xem ra khá tự nhiên, cũng tương tự như việc dành trót tháng 10 kính Đức Mẹ Mân Côi bắt nguồn từ lễ kính Đức Mẹ Mân Côi được chỉ định vào Chúa Nhật đầu tháng 10, do ĐTC Grêgôriô XIII vào năm 1573. Tuy nhiên, việc dành tháng 10 dành cho công tác truyền giáo không dựa trên lễ kính Thánh Têrêsa Lisieux, nhưng là từ Ngày Thế Giới Truyền Giáo, được ấn định vào Chúa Nhật áp chót trong tháng 10.
Ngày thế giới truyền giáo mới được thiết lập vào năm 1926, do sáng kiến của Hội Truyền Bá Đức Tin vào lúc kết thúc phiên họp khoáng đại của Ban chấp hành của Hội vào tháng 3 năm 1926.
Trong thỉnh nguyện đệ lên ĐTC Piô XI, sau khi trích dẫn những lời của thông điệp Rerum Ecclesia (vừa ban hành ngày 16 tháng 2 cùng năm), trong đó người hô hào việc giúp đỡ công cuộc truyền giáo bằng lời cầu nguyện và bằng sự đóng góp, Hội đồng viết như sau: “Chúng con nghĩ rằng các miền truyền giáo sẽ được hưởng nhờ lợi ích không nhỏ, nếu ĐTC cho thiết lập một ngày cầu nguyện và cổ động cho công cuộc truyền giáo, được diễn ra trong cùng một ngày trong khắp các giáo phận, giáo xứ và cơ quan thuộc Giáo Hội Công Giáo. Ngày đó sẽ giúp cho việc ý thức vẻ cao quý của vấn đề truyền giáo; tăng gia lòng nhiệt thành nơi các giáo sĩ và giáo dân; giới thiệu cho mọi người được biết Hội Truyền Bá Đức Tin; cổ võ việc ghi danh vào hội và đóng góp giúp đỡ các nơi truyền giáo”.
Đề nghị này được ĐTC Piô XI chấp thuận vào ngày 14/4, với phúc chiếu của Bộ Nghi lễ (AAS 19,1927, p.23 ss), bởi vì liên quan đến khía cạnh phụng vụ, nghĩa là được phép cử hành thánh lễ ngoại lịch về việc truyền bá đức tin (Pro propagatione fidei) trong một ngày Chúa Nhật.
Trong thỉnh nguyện, không thấy viện dẫn lý do về việc chọn tháng 10 thay vì những tháng khác. Tuy nhiên, xem ra có một chi tiết hé mở phần nào động lực của nó.
Ngày 11/12/1925, cũng chính ĐTC Piô XI ấn định Chúa Nhật chót trong tháng 10 làm lễ kính Chúa Kitô Vua (thông điệp Quas primas), liền trước lễ kính Các Thánh Nam Nữ. Vì thế, hội Giáo Hoàng Truyền Giáo muốn dành Chúa Nhật áp chót của tháng 10 làm ngày truyền giáo, bởi vì truyền giáo là gì nếu không phải là giúp cho mọi người nhìn nhận vương quyền của Đức Kitô. Tuy nhiên, sau công đồng, lễ kính Chúa Kitô Vua được dời vào Chúa Nhật chót của năm phụng vụ, thường là vào cuối tháng 11.
Như vừa nói, phúc chiếu của đức thánh cha được ký ngày 14/4/1926. Một năm sau, ngày 18/6/1927, Hồng Y Van Rossum mới quyết định tổ chức ngày thế giới truyền giáo lần đầu tiên vào Chúa Nhật cuối tháng 10 năm ấy, cùng với vài chỉ thị, chẳng hạn như cần phải chuẩn bị tinh thần trước đó, qua việc cầu nguyện, cổ động việc ghi danh vào hội truyền bá đức tin, và lạc quyên tiền bạc và vật dụng giúp các miền truyền giáo.
Rồi từ đó, hằng năm, bộ truyền giáo gửi lời kêu gọi đến các giám đốc hội truyền bá đức tin các quốc gia, để nhắc nhớ hoặc thúc giục việc tổ chức. Từ khi Đức Phaolô VI đắc cử giáo hoàng vào năm 1963, lời kêu gọi của Bộ Truyền Giáo được thay thế bởi một sứ điệp do chính đức thánh cha ký vào lễ Chúa Hiện Xuống hàng năm. Tục lệ này vẫn còn duy trì đến nay, tuy rằng ngày ký sứ điệp được dời lên ngày lễ Chúa Giêsu lãnh phép rửa.
Tuy ngày thế giới truyền giáo chỉ diễn ra vào một ngày Chúa Nhật trong tháng 10, nhưng nhiều nơi đã muốn dành cả tháng vào công tác đó, bằng cách gán cho mỗi tuần lễ một khía cạnh của dự án.
Tuần thứ nhất là “cầu nguyện”; bởi vì công việc truyền giáo cần được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện. Thánh Têrêsa hài đồng Giêsu, một nữ tu dòng kín nhưng được đặt làm bổn mạng các nơi truyền giáo, là một tấm gương cho chúng ta.
Tuần thứ hai nêu bật một khía cạnh khác mà chúng ta có thể đóng góp vào công cuộc truyền giáo là sự “hy sinh”.
Tuần thứ ba dành cho việc gây ý thức về “ơn gọi” truyền giáo nằm trong bản chất của ơn gọi Kitô Hữu.
Tuần thứ bốn kêu gọi lòng “bác ái”, chia sẻ góp phần vào việc truyền giáo.
Dĩ nhiên là có thể và cần phải kết hợp. Lý do là bởi vì cả hai đều nhắm tới một mục tiêu, đó là đào sâu thêm lòng gắn bó với Tin Mừng của Chúa Giêsu, nhờ việc suy gẫm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu Thế trong kinh Mân Côi, để rồi loan truyền Chúa Kitô qua công cuộc truyền giáo.
Mối liên hệ giữa kinh Mân Côi với việc truyền giáo được nêu bật mới đây trong sứ điệp nhân ngày truyền giáo năm 2003, năm được Đức Gioan Phaolô II đặt dưới sự bảo trợ của kinh Mân Côi nhân dịp kỷ niệm 25 năm đắc cử giáo hoàng.
Trong sứ điệp vừa nói, đức thánh cha đã nêu bật vai trò của Mẹ Maria đối với sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh, và cách riêng tầm quan trọng của kinh Mân Côi đối với công tác truyền giáo của Hội Thánh.
Phần đầu của sứ điệp nhấn mạnh rằng: việc truyền giáo là một công trình siêu nhiên, vì thế cần được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện. Tấm gương của Hội Thánh tiên khởi, tụ họp nhau tại nhà Tiệc ly để cầu xin Chúa Thánh Thần, nhắc nhớ chúng ta điều đó. Thực vậy, truyền giáo không có nghĩa là tuyên truyền một học thuyết hay một ý thức hệ, nhưng tiên vàn là đem tình yêu của Chúa Giêsu đến cho mọi người. Điều này giả thiết rằng nhà truyền giáo phải quen biết Chúa Giêsu đã, chứ nếu không biết thì nói cái gì?
Dưới phương diện này, nhà truyền giáo cần theo gương của Đức Maria, lắng nghe và nghiền ngẫm Lời Chúa ở trong lòng. Chính đây là cốt tủy của việc đọc kinh Mân Côi: cùng với Mẹ Maria, chúng ta hãy chiêm ngắm tôn nhan Chúa Giêsu. Không những chúng ta bắt chước Mẹ trong việc chiêm ngắm cầu nguyện, nhưng chúng ta muốn nhờ Mẹ hướng dẫn trong việc tìm hiểu Chúa Giêsu, bởi vì trên đời này không có ai hiểu biết người con hơn chính bà mẹ. Đức Maria được ví như là ký ức sống động của Chúa Kitô.
Việc chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Kitô không chỉ dừng lại ở cấp độ lý thuyết, nhưng còn kèm theo việc uốn nắn tâm tình và cuộc sống hợp theo mẫu mực của Tin Mừng. Đây cũng là một yêu sách nữa của việc truyền giáo: nhà truyền giáo cần loan báo Đức Kitô bằng lời nói, và nhất là bằng chính cuộc sống. Mình phải là người đã sống theo Tin Mừng trước khi kêu gọi người khác trở về với Tin Mừng. Ý thức như vậy, nhà truyền giáo đọc kinh Mân Côi, xin Đức Maria uốn nắn tâm trí của mình hoà hợp với khuôn mẫu của Chúa Giêsu. Chính việc trở về với Tin Mừng là bước đầu tiên và căn bản của công cuộc truyền giáo.
Sau cùng, nhà truyền giáo cũng xin Mẹ Maria khẩn nài Chúa Thánh Thần đến với Hội Thánh, như xưa ở nhà Tiệc ly, để Hội thánh được thêm lòng hăng say với công cuộc làm chứng cho Đức Kitô, cũng như tìm ra những phương tiện hữu hiệu để loan báo Tin Mừng cho ngày hôm nay.
Trong khung cảnh của Năm Mân Côi, hội Truyền Bá Đức Tin đã soạn kinh Mân Côi truyền giáo. Trọng tâm của kinh Mân Côi vẫn là việc suy niệm các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Cứu thế, được phân phối sang 5 mầu nhiệm mùa Vui (mầu nhiệm Nhập Thể), 5 mầu nhiệm sự Sáng (mầu nhiệm cuộc đời truyền giáo của Chúa Cứu thế), 5 mầu nhiệm mùa Thương (mầu nhiệm Tử Nạn), và 5 mầu nhiệm mùa Mừng (mầu nhiệm Phục Sinh).
Khi suy gẫm các mầu nhiệm đó, Hội Truyền Bá Đức Tin muốn kèm theo ý chỉ truyền giáo bằng cách dành mỗi chục cho một đại lục: chục thứ nhất mầu xanh lá cây cầu cho châu Phi; chục thứ hai mầu đỏ cầu cho châu Mỹ; chục thứ ba mầu trắng cầu cho châu Âu; chục thứ tư mầu xanh dương cầu cho châu Đại dương; chục thứ năm mầu vàng cầu cho châu Á.