Cánh chung là hai từ gốc Hán Việt với ý nghĩa như nhau. Cánh có nghĩa là cuối cùng (thí dụ cứu cánh); Chung cũng là cuối, hết (thí dụ: chung cục, chung kết). Hai từ “cánh chung” được dùng để dịch từ gốc Hy Lạp “eschatologia”, với ý nghĩa tương tự, nghĩa là những sự sau hết, đối lại với protologia (những sự đầu hết, nguồn gốc, nguyên thủy). Đại khái cũng như trong tiếng Hán Việt, “chung” đối lại với “thủy”: cuối đối lại với đầu.
Thần học cánh chung bàn về những sự cuối cùng của cuộc đời mỗi người cũng như những sự cuối cùng của thế giới và lịch sử. Vì thế nó gồm có hai phần: cánh chung cá nhân và cánh chung nhân loại.
Cánh chung cá nhân vốn được gọi là “tứ chung”, nghĩa là 4 sự sau hết của con người: sự chết, phán xét riêng, thiên đàng, hỏa ngục. Và ra như muốn cho cân đối, trong mục cánh chung nhân loại người ta cũng bàn tới 4 mục: Tận thế, Quang lâm, Phục Sinh, Phán xét chung.
Như vậy, chị thấy rằng tận thế chỉ là một mục của cánh chung, chứ không phải là toàn bộ thần học về cánh chung. Từ thời Trung Cổ, thần học nói nhiều về cánh chung cá nhân, nhất là trong các sách đạo đức, nhằm giúp cho các tín hữu dọn mình chết lành. Còn thần học hiện đại thì chú trọng nhiều hơn tới cánh chung của nhân loại. Thực ra thì có nhiều cách để mà nói tới vấn đề cánh chung. Và tùy theo cách nói mà nó trở nên rùng rợn hay hấp dẫn.
Chuyện cánh chung rùng rợn hay hấp dẫn tùy theo cái khía cạnh mà mình nhìn. Như vừa nói trên, cánh chung có nghĩa cuối cùng. Nhưng mà phải hiểu thế nào là cuối cùng, và ta đặt cái mức cuối cùng ở đâu?
Nếu cuối cùng là cái chết thì quả là rùng rợn. Cuộc đời của chúng ta trở thành bế tắc, bị rơi vào ngõ cụt. Nhưng nếu chúng ta đặt cái điểm cuối cùng của chúng ta là hạnh phúc bất diệt nơi Thiên Chúa, thì cái chết mang bộ mặt khác. Nó chỉ là một trạm dừng chân đổi bến, chứ chưa phải là tận điểm.
Một cách tương tự như vậy, khi nói về cánh chung của nhân loại, đề tài trở nên hấp dẫn hay rùng rợn tùy theo chúng ta cắm cái mốc cuối cùng ở điểm nào.
Nhiều lần chúng ta cắm cái mốc ở ngày tận thế, vì thế mà ta thấy nó rùng rợn; nhưng trên thực tế, đức tin Kitô Giáo đẩy cái mốc cuối cùng xa hơn nhiều: cứu cánh của lịch sử nhân loại là việc thiết lập Nước Thiên Chúa, nơi ngự trị của hoà bình, công lý, yêu thương; thời mà con người không còn bị đe doạ bởi tội ác và sự chết nữa.
Chị biết là chủ đề của Mùa Vọng không phải là chuẩn bị ngày tận thế, nhưng là chuẩn bị ngày Chúa đến. Chúng ta biết là Chúa đã đến rồi cách đây 2000 năm, biến cố mà Hội Thánh sẽ kỷ niệm trong vài năm sắp tới. Ngoài ra, Chúa đến với chúng ta mỗi ngày, cách riêng nơi Bí tích Thánh Thể. Nhưng hai lần đến như vậy có tính cách âm thầm kín đáo hoặc đơn sơ khó nghèo.
Chúng ta mong đợi Người đến trong vinh quang (vì thế gọi là quang lâm), để thiết lập triều đại Thiên Chúa cách vĩnh viễn, nghĩa là Nước của tình thương và hoà bình, nơi không còn vết tích của tội lỗi và chết chóc nữa. Như vậy quả là một đề tài hấp dẫn chứ không phải là rùng rợn. Ai mà chẳng mong được hưởng thái bình? Ai mà chẳng mong được phục sinh và đoàn tụ với những người thân yêu?
Chuyện rùng rợn xảy ra ở chỗ quan niệm thế nào về cách thức chuyển tiếp từ thời buổi hiện tại sang thời buổi tương lai. Có ít là hai quan niệm khác nhau về cách thức chuyển tiếp: quan niệm ngôn sứ và quan niệm khải huyền.
Các học giả đã phân biệt hai quan điểm khác nhau về sự chuyển tiếp từ thế giới hiện tại sang thế giới tương lai.
Quan điểm ngôn sứ thì cho rằng sự chuyển tiếp có tính cách liên tục: mối tương quan giữa hiện tại với tương lai có thể ví như hạt giống với đại thụ. Thời buổi hiện đại đã mang một vài mầm mống của các thiện hảo, chẳng hạn như sự sống, tình yêu thương, công lý. Những hạt giống này sẽ được kiện toàn phát triển vượt bực trong tương lai, như một đại thụ xum xê hoa lá. Dĩ nhiên giữa hạt giống và cây đại thụ có sự khác biệt rất lớn, nhưng có một sự liên tục. Thế giới có cái xấu nhưng mà cũng có cái tốt, có người lành và có người dữ; tuy nhiên ta có thể hy vọng rằng người dữ sẽ ăn năn hối cải, trở về đường lành.
Ngược lại, quan điểm khải huyền thì cho rằng giữa thời buổi hiện tại với thời buổi tương lai không có gì liên tục hết.
Đây là một danh từ do các học giả cận đại đã đặt ra, dựa theo thể văn của sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông Đồ.
Các nhà chú giải Kinh Thánh nhận thấy rằng trong khoảng thế kỷ II trước Công Nguyên cho tới đầu thế kỷ II sau Công Nguyên (nghĩa là trong vòng 3 thế kỷ), trong dân Do Thái đã lưu hành nhiều tác phẩm với thể văn tương tự như sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Các tác giả thích sử dụng nhiều hình bóng, chẳng hạn những con quái vật (mãnh thú), những con số bí ẩn (4,6,7,12 vv). Cần phải có một thiên sứ hay một tiên tri đến giải thích ý nghĩa của những bí ẩn đó, để mặc khải ý nghĩa của các huyền bí đó. Nhưng nhất là các tác giả thuộc khuynh hướng khải huyền mang một não trạng chung, đó là việc Thiên Chúa xuất hiện kèm theo sự hủy diệt vũ trụ hiện tại này. Thế giới hiện tại cần phải quét sạch đi, thì mới có thể xuất hiện thế giới huy hoàng tương lai được.
Tại vì thế giới hiện tại ô uế đồi trụy, đầy dẫy tội lỗi. Tội ác không thể nào tồn tại trong Nước của Thiên Chúa được, vì thế cần phải tận diệt.
Dĩ nhiên, Thiên Chúa là chính sự Thánh Thiện, không thể nào dung túng tội ác được. Trong Nước Thiên Chúa, nước của công chính tình thương sẽ không còn tội ác hận thù được nữa. Tuy nhiên, điều mà các nhà học giả nêu bật trong quan điểm khải huyền là ở chỗ họ coi thế giới này là hoàn toàn đồi trụy xấu xa, không có chút gì tốt lành hết. Nói khác đi, họ coi thế giới này là xấu xa, đối chọi với Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa sẽ hủy diệt thế giới, như thẩm phán thanh trừng quân ác ôn.
Thực ra, chúng ta nên đặt mình vào trong bối cảnh lịch sử thì mới hiểu được tâm trạng này. Như đã nói trên đây, thể văn khải huyền xuất hiện vào thế kỷ II trước Công Nguyên. Đây không phải là một sản phẩm do một nhà trí thức tạo ra, nhưng là do phản ứng của các tín hữu trung thành với Luật Chúa. Dân Do Thái đang bị ngoại bang đàn áp. Không những là họ mất độc lập tự do về phương diện chính trị nhưng nhất là họ đã mất tự do tín ngưỡng. Quân xâm lăng chiếm đóng đền thờ Giêrusalem, tục hóa nơi cực thánh. Các tín đồ bị cưỡng bách phải bỏ đạo của cha ông và bái lạy các thần của dân ngoại. Chỉ cần đọc sách của Đaniel và sách Macabê thì đã có thể hình dung được tình trạng đó.
Trong bối cảnh bị áp bức chèn ép như vậy, các tín đồ mong Chúa nhớ đến giao ước, can thiệp và giải thoát họ. Dĩ nhiên sự can thiệp của Thiên Chúa bao hàm sự tiêu diệt quyền lực của quân xâm lăng, tượng trưng của lực lượng Tội Ác. Theo quan điểm này, lịch sử và thế giới hiện tại bị đồng hóa với tội ác, vì thế sự can thiệp của Thiên Chúa đồng nghĩa với việc trừng phạt và tiêu diệt thế giới. Vì thế không lạ gì họ diễn tả việc Chúa đến dưới những hình ảnh rùng rợn của cảnh tận thế, các tinh tú đảo lộn, mặt trời mặt trăng mất ánh sáng, đất động biển sóng.
Nên biết là trong Kinh Thánh, lối diễn tả khải huyền không phải chỉ thấy ở trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan, mà còn trong nhiều sách của Cựu Ước và Tân Ước. Trước đây, vì không hiểu lối văn Khải Huyền cho nên người ta giải thích theo nghĩa đen. Nhưng mà khi đã quen với nó thì chúng ta phải hiểu theo một nghĩa bóng.
Vào lúc Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá, Thánh Matthêu tả lại cảnh tượng như sau ở chương 27, câu 45 “Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín”; rồi đến câu 51: “đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được chỗi dậy”.
Thế nhưng ba thánh sử kia không có nói tới cảnh đó. Như vậy, ta có quyền đặt nghi vấn: tại sao mà một hiện tượng long trời lở đất như vậy mà chỉ có Matthêu ghi chú, chứ không đọc thấy ở các sử liệu khác? Hay là chúng ta đã hiểu lầm Matthêu? phải chăng ông ta không mô tả hiện tượng địa chấn mà chỉ muốn nói rằng với cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, một kỷ nguyên mới đã bắt đầu.
Một cách tương tự như vậy, trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần tới, chúng ta sẽ nghe Luca thuật lại lời của ông Gioan Tẩy giả tiên báo rằng Chúa Cứu thế sẽ mang lửa thiêu đốt hoàn cầu (Lc 3,17). Chính Chúa Giêsu cũng ước mong mang lửa thiêu đốt địa cầu (Lc 12,49). Nhưng mà cả đời Người chẳng có đốt ai cả. Dĩ nhiên, đây là một hình ảnh khải huyền, ám chỉ sự phán xét cánh chung mà thôi. Một vài nhà chú giải đã cho rằng ở đây lửa không phải là lửa tiêu hủy tàn phá, mà chính là Chúa Thánh Thần.
Tóm lại, chúng ta đừng nên gắn tư tưởng cánh chung với tư tưởng tận thế với nhau. Sự cánh chung mang lại cho ta niềm tin tưởng. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện sự cánh chung, chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho ta sự sống đời đời. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện thế giới công bình tình thương. Còn tận thế thì có thể do chính bàn tay con người tạo ra, qua việc tàn phá môi sinh, bóp nghẹt sự sống.
Thoạt tiên, khi nghe bài đọc này vào ngày cuối năm âm lịch, chúng ta có cảm tưởng như là được nghe một lời than tiếc thông thường quen gặp trong văn chương của nhiều dân tộc, tựa như là “thời giờ thấm thoát thoi đưa”; nhưng khi đối chiếu với toàn bộ tư tưởng của Thánh Phaolô cũng như của các Kitô Hữu tiên khởi, thì đoạn văn mang một ý nghĩa khác.
Thánh tông đồ đang nghĩ tới thời Chúa Quang lâm đã gần kề; thế hệ này chẳng còn tồn tại bao lâu nữa. Tuy nhiên, chúng ta đừng vội nghĩ rằng Thánh Phaolô mong cho ngày tận thế sắp đến. Cần phân biệt hai chuyện: “Chúa quang lâm” thì khác, “tận thế” thì khác.
Khác nhau ở nhiều chỗ, nhưng có thể tóm lại ở hai điểm chính.
Thứ nhất, xét về đối tượng: nói đến Chúa Quang lâm là nói đến gặp gỡ một ai đó, tức là Chúa Giêsu; còn tận thế thì chỉ gợi lên một biến cố huỷ diệt thế giới này.
Từ đó, ta dễ hiểu được sự khác biệt thứ hai, về tâm trạng: các tín hữu tiên khởi mong mỏi Chúa Quang lâm, nói được như là trẻ mong mẹ về chợ vậy; còn ý tưởng tận thế gây cho ta kinh hoàng sợ hãi, vì thế tốt hơn đừng nhắc tới.
Tôi nghĩ là có nhiều lý do, và chắc không phải tất cả đều tốt lành như nhau.
Như chị đã biết, vào thời Chúa Giêsu ra đời, nhiều người muốn theo làm môn đệ của Người vì họ ước mơ rằng Thầy mình sẽ làm vua, và mình cũng được cai trị với Thầy. Giấc mộng ấy đã tan vỡ khi họ thấy Thầy bị treo trên Thập Giá, chứ không phải ngự trên ngai vua. Biến cố thập giá đã gây cú sốc lớn cho họ. Đành rằng Đức Giêsu đã phục sinh, và Người đã giải thích cho họ rõ về ý nghĩa của cuôc Tử Nạn của mình, nhưng không dễ gì thay đổi não trạng như trở bàn tay.
Ở chương đầu của sách Tông Đồ Công Vụ, câu 8, Thánh Luca cho chúng ta biết rằng vào chính ngày Chúa Giêsu lên trời, có người còn đặt câu hỏi: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” Họ chưa phân biệt được thế nào là vương quốc của Thiên Chúa, thế nào là vương quốc Israel.
Dù sao, ta có thể đoán được là nhiều môn đệ tin rằng Chúa Giêsu lên trời, và chỉ một thời gian ngắn, Người sẽ trở lại để đưa các tín hữu về trời. Ta có thể đọc được tâm trạng này nơi các tín hữu Thêsalonica. Họ buồn, bởi vì những thân nhân đã qua đời trước khi Chúa chưa trở lại; vì thế những người ấy không được diễm phúc đón tiếp Chúa.
Để trấn an họ, trong lá thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn này, Thánh Phaolô khẳng định rằng chừng nào Chúa đến thì trước tiên, những người đã chết sẽ được sống lại, và cùng với những người còn đang sống (bao gồm các tín hữu Thêsalonica thời ấy cũng như Phaolô), tất cả sẽ cùng nhau ra đón Chúa, và Chúa sẽ đưa họ về trời (1Tx 4,15-17).
Theo tôi nghĩ, Thánh Phaolô, cũng như các môn đệ khác, đều phải trải qua nhiều cuộc cải tạo tư tưởng, không phải là trong các trại tập trung, nhưng là nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Như đã nói trên đây, vào lúc đầu, nhiều môn đệ đi theo Chúa vì mơ ước được làm quan cai trị dân Israel, và họ cần được hoán cải để hiểu rõ ơn gọi của mình. Thánh Phaolô cũng vậy thôi.
Cách riêng, liên quan đến việc mong chờ Chúa Quang lâm, chúng ta thấy một sự tiến triển về quan điểm. Trong những lá thư đầu tiên (chẳng hạn như hai lá thư gửi Thêsalonica, và trong thư thứ nhất gửi Côrintô, chương 15), ông tin rằng biến cố Quang lâm đã gần kề; nhưng về sau, không thấy ông nhắc đến điểm này nữa. Nói đúng hơn, ông đã đào sâu hơn ý nghĩa của việc Chúa quang lâm.
Có lẽ trước đó, cũng giống như dân gian, ông quan niệm Chúa quang lâm như một biến cố thiên nhiên, nghĩa là Chúa sẽ uy nghi từ trời đáp xuống để đưa chúng ta về trời với Người. Nhưng dần dần, ông tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của biến cố này, đặt trong toàn thể lịch sử cứu độ: ngày quang lâm sẽ là ngày kết thúc kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, ngày Thiên Chúa thiết lập vương quyền, đánh tan quyền lực của tội lỗi và sự chết.
Trên hết tất cả, trọng tâm của việc quang lâm nằm ở chỗ là chúng ta được ở cùng Chúa Giêsu mãi mãi. Chúng ta thấy rõ tư tưởng này trong các lá thư ông Phaolô viết vào cuối đời, chẳng hạn trong thư gửi Philipphê (chương 1), khi đang ngồi tù và bản án tử hình treo lơ lửng trên đầu, ông viết rằng: “Bây giờ cũng như trong mọi lúc, Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay dù tôi chết: vì đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi”.
Tại sao chết lại được coi như một mối lợi? Ông trả lời: “Bởi vì tôi ra đi là để được ở với Đức Kitô”. Như vậy, điều cốt yếu của cánh chung là được ở với Đức Kitô mãi mãi.
Nãy giờ chúng ta chỉ nghiên cứu quan điểm của Thánh Phaolô. Dĩ nhiên, Tân Ước còn trình bày nhiều quan điểm khác nữa về ngày quang lâm. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thấy rằng Thánh Phaolô viết các lá thư không phải như viết hồi ký về cảm nghiệm riêng của mình. Thánh Tông đồ muốn truyền thụ một đạo lý cho các tín hữu, mà ông gọi là “Tin Mừng”. Trọng tâm của Tin Mừng là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô.
Nhờ bí tích rửa tội, các tín hữu đã được thông dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Người, vì thế họ phải chết cho con người cũ, (con người của tính mê tật xấu), để sống lại cho cuộc đời mới. Như vậy, cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu rồi, theo nghĩa là chúng ta đã trở nên con cái của Chúa, là đền thờ của Thánh Linh, là thân thể của Đức Kitô rồi.
Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới nhận được những mầm mống của đời sống tương lai mà thôi, và chúng ta mong cho những mầm ấy sớm được triển nở, nghĩa là được thoát khỏi cảnh hư nát tàn tạ, được phục sinh thân xác. Những điều này sẽ xảy ra vào ngày quang lâm.
Vì thế, các tín hữu tiên khởi không sợ ngày Chúa quang lâm; ngược lại, trong thư gửi Philippê Thánh Phaolô còn mời gọi các tín hữu hãy vui lên vì “Chúa đã gần đến”. Đáp lại, Tân Ước còn ghi lại lời khẩn cầu ở cuối sách Khải Huyền: “Maranatha, lạy Chúa, xin ngự đến”.
Xưa nay, người ta thường liên kết sách Khải Huyền với những cảnh tượng phá huỷ trời đất. Nhưng những cuộc nghiên cứu Kinh Thánh trong hai thế kỷ vừa rồi đã nêu bật rằng cần phải phân biệt giữa “thể văn” và “mục tiêu” của sách Khải Huyền.
Thể văn Khải Huyền nói đến sự huỷ diệt thế giới này, bởi vì thế giới tượng trưng cho lực lượng sự dữ. Những hình ảnh rùng rợn được sử dụng chỉ muốn nói lên rằng: thế giới cũ cần phải bị huỷ diệt, ngõ hầu một thế giới mới được xuất hiện. Mục tiêu của sách Khải Huyền là nuôi dưỡng niềm hy vọng cho các tín hữu đang bị bách hại. Cái thế giới cũ tượng trưng cho những lực lượng tội lỗi đang thống trị thế giới, và đang đè ép các tín hữu. Tác giả khuyến khích các tín hữu rằng: “đừng sợ các quyền lực đó, bởi vì chúng sẽ bị Chúa đập tan”.
Nói cách khác, khi nói đến tận thế, tác giả không hiểu về sự tàn phá vũ trụ hay thế giới vật chất, mà là cái thế giới theo nghĩa luân lý, thế giới tượng trưng cho tội lỗi, cho những lực lượng chống đối sự Thiện.
Ta có thể đọc lời khuyên của Thánh Phaolô theo hai chiều hướng, tương ứng với hai giai đoạn tiến triển trong quan điểm của ông về quang lâm.
Trong giai đoạn đầu, ông quan niệm quang lâm như là một biến cố thời gian và không gian: theo nghĩa này, ta có thể giải thích rằng xét vì Chúa sắp tới rồi, cho nên đừng nên lấy vợ lấy chồng, tậu đất tậu ruộng làm gì.
Trong giai đoạn thứ hai, việc quang lâm được chú trọng vào sự kết hiệp với Chúa Kitô; dưới nhãn giới này, ta có thể giải thích như sau: so sánh với việc được chiếm hữu Chúa Kitô, thì mọi sự trên đời này chẳng có nghĩa lý gì hết!
Trong quá khứ, vào thời mà linh đạo Kitô Giáo do các đan sĩ làm bá chủ, thì người ta quan niệm rằng thế giới này chỉ là hư ảo, vì thế nên trút bỏ sự đời để cho tâm hồn được thanh thản. Thời nay, linh đạo Kitô Giáo nhắm tới các giáo dân, thì người ta đề cao việc dấn thân để xây dựng một thế giới công bình nhân đạo hơn.
Thiết tưởng, chúng ta cần duy trì một thế quân bình giữa hai yêu sách chính đáng vừa nói: một đàng chúng ta phải xây dựng thế giới hiện tại đã được Thiên Chúa uỷ thác cho con người trông coi: chính tại nơi đây mà ta có cơ hội thực hành đức yêu mến; đàng khác, chúng ta biết rằng chẳng có gì vững bền trên đời này. Mọi công trình do bàn tay con người làm ra đều có giới hạn, và xét riêng từng cá nhân, sớm muộn gì, chúng ta cũng phải ra đi.
Theo tôi, đây là ý nghĩa của hai hàng ngũ trong Hội Thánh: hàng ngũ các tu sĩ và hàng ngũ các giáo dân. Các giáo dân nhắc nhở Hội Thánh về sứ mạng phải đem Tin Mừng để canh tân thế giới. Các tu sĩ nhắc nhở Hội Thánh về những thực tại bền vững trên trời.
Tại nhiều nơi trên thế giới, người ta tin rằng sau khi chết thì hồn ma đi lưu lạc trên không trung, hoặc là để đi kiếm ăn hay là để đi quấy nhiễu. Vì thế mà những người sống phải làm lễ trừ tà, hoặc cúng cơm nước cho người qua đời.
Tuy nhiên, ngay từ trong Cựu Ước, người Do Thái tin rằng nhưng hồn của người chết không lưu lạc đi hoang, nhưng họ được an nghỉ trong Chúa. Chúng ta có thể lấy một thí dụ từ sách Khôn Ngoan chương 3 câu 1, mà chúng ta đã nghe đọc trong thánh lễ thứ ba ngày kính nhớ các linh hồn: “Linh hồn của những người công chính thì ở trong tay Chúa”. Vì thế, không có chuyện cầu xin cho các linh hồn được nằm yên, đừng có về quấy nhiễu bà con.
Trong những tác phẩm cổ xưa của Cựu Ước, người ta quan niệm rằng tất cả các người đã chết, dù tốt dù xấu, đều xuống dưới âm phủ. Vào thời các ngôn sứ, mới có sự phân biệt số phận khác nhau giữa người lành với người dữ: hoặc là trong âm ti, các người dữ nằm dưới các người lành nằm trên; hoặc là các người lành sẽ được Chúa cứu ra khỏi âm ti.
Sang đến Tân ước, thì sự phân biệt lại càng rõ rệt hơn nữa. Các người dữ sẽ xuống hỏa ngục, còn người lành sẽ được lên thiên đàng. Dù sao thì không hề có chuyện hồn các người chết đi lang thang.
Đúng rồi, khi đã chết thì con người buông tay nằm xuống bất động. Chúng ta gọi là an nghỉ, hay là ngủ giấc ngàn thu. Nếu chỉ có vậy mà thôi thì chẳng cần phải cầu nguyện làm chi! Tuy nhiên, các Kitô Hữu thì nghĩ khác.
Chúng ta tin rằng con người chết thật, nhưng cái chết của con người khác với cái chết của thú vật hay cây cỏ. Thân xác của con người nằm yên bất động thật đấy, nhưng phần linh thiêng của con người vẫn tồn tại. Nhiều tôn giáo cho rằng phần linh thiêng (gọi là linh hồn), hoặc là phảng phất trên không trung hay là đầu thai vào kiếp khác. Còn người Kitô Hữu thì tin rằng linh hồn về với Chúa, nơi mà con người tìm được hạnh phúc tuyệt đối của mình.
Và để diễn tả trạng thái hạnh phúc ấy, Kinh Thánh cũng như phụng vụ đã sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau. Các từ ngữ này chỉ diễn tả được một phần nào thực tại mà không miệng lưỡi nào có thể tả được, như Thánh Phaolô nói trong thư thứ 2 gửi Côrintô, chương 12 câu 4.
Nói chung, người ta cố gắng hình dung thực tại bằng hai đường lối khác nhau. Một đàng là xóa bỏ những vết tích hữu hạn mà ta gặp thấy ở trên đời này. Đàng khác là phóng đại lên trăm ngàn lần những gì mà ta quan niệm là hạnh phúc.
Ở trên này, chúng ta đã có cảm nghiệm nhiều về buồn sầu, chia ly, bệnh tật, chết chóc, bất công, vv. Những cái đó làm cho con người phải đau đớn khổ sở, mất vui sướng hạnh phúc. Vì thế mà ta mong rằng trong thế giới bên kia, sẽ không còn vết tích của những bất toàn đó nữa.
Ta có thể thấy một thí dụ ở sách Khải Huyền, chương 21 câu 4: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng sẽ chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất”.
Một cách tương tự như vậy, ở chương 22, câu 5, sách Khải Huyền viết: “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời, vì Thiên Chúa chiếu soi họ, và họ sẽ hiển trị đời đời.”
Các mối phúc thật ở chương 6 của tin mừng Thánh Luca cũng được diễn tả theo lối đó: mai sau sẽ không còn đói khát, khóc lóc, sỉ vả, oán hờn nữa.
Không phải thế. Khi nào chị phải đi làm mệt nhọc thì chị mong được nghỉ. Nhưng mà khi chị được nghỉ một thời gian thì chắc là chị sẽ chán, muốn đi làm lại. Dù sao, tiếng an nghỉ được dùng trong phụng vụ mang một ý nghĩa khác. Nó đồng nghĩa với “bình an, hoà bình” (shalom trong tiếng Do Thái).
Từ này không phải là tiêu cực và cũng không phải là tĩnh. Bình an có nghĩa sống trong tình nghĩa với Chúa, vượt qua những chướng ngại do tội lỗi đã gây ra, tựa như hiềm thù, chết chóc. Bình an có nghĩa là thông hiệp, yêu thương.
Các từ “chầu Chúa, chiêm ngưỡng nhan Chúa, hưởng kiến” đều đồng nghĩa với nhau. Chúng chỉ là những lối dịch hoa mỹ của một từ được dùng trong Tân Ước là “nhìn thấy Chúa”, mà chúng ta có thể đọc thấy ở thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi Côrintô, chương 13 câu 12: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt”.
Thánh Gioan cũng viết tương tự như vậy trong thư thứ nhất, chương 3 câu 2: “Khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, và Người thế nào chúng ta sẽ thấy Người như vậy”.
Cần phải hiểu các từ ngữ này theo nghĩa so sánh. Có lẽ trên đời này, đã có lần chúng ta đã nghe nói đến một danh nhân nào đó; chúng ta đã đọc những bài viết về nhân vật đó; và có lẽ chúng ta đã thấy một tấm hình chụp nhân vật đó. Chúng ta mong có dịp nào được nhìn thấy tận mắt nhân vật đó, và nếu được, thì tiếp xúc hầu chuyện với vị đó. Nói chi cho xa, chúng ta có thể lấy một kinh nghiệm từ đời sống gia đình thì đủ rõ. Khi phải xa mặt cha mẹ ta, hoặc vì phải đi xa để làm ăn hoặc là vì các đấng đã khuất bóng, ta mong có ngày gặp lại các vị, ở gần với những người thân yêu nhất trên đời.
Thánh Phaolô và Thánh Gioan đã muốn diễn tả tư tưởng đó trong hai đoạn văn vừa mới trưng dẫn. Ngày nay chúng ta chỉ mới biết Thiên Chúa nhờ đức tin; chúng ta chỉ mới biết Thiên Chúa qua lời chứng tá của Kinh Thánh. Chúng ta mong sao cho tới ngày được diện kiến Thiên Chúa, được thấy dung nhan Người.
Chiêm ngưỡng dung nhan, thấy mặt cần được hiểu theo nghĩa động chứ không phải là theo nghĩa tĩnh. Trong thánh vịnh, chúng ta đọc thấy nhiều lời khẩn nguyện "xin Chúa tỏ dung nhan Ngài để cho chúng con được sống". Chiêm ngưỡng dung nhan có nghĩa là chia sẻ tình thân với ai, một đặc ân chỉ dành cho những bạn thân tình.
Ở trong xã hội cổ truyền, kể cả ở Việt Nam chúng ta, không ai được phép nhìn ngắm dung nhan của đức vua. Mỗi lần vua đi ngang qua, thì hết mọi người phải sụp lạy cúi đầu che mặt hết. Duy chỉ có các cận thần mới được chiêm ngưỡng long nhan mà thôi. Bởi thế, khi vịnh gia xin phép được chiêm ngưỡng nhan Chúa, ông ước ao được Chúa kể vào hàng cận thần, được sống kề bên Chúa mãi mãi, không bao giờ phải xa cách.
Một vài tôn giáo đã hình dung thiên đàng theo những hình ảnh đó. Và chúng ta đừng vội trách họ là duy vật. Có lẽ đó chỉ là từ ngữ so sánh thôi, và chúng ta cũng có thể gặp ở trong Kinh Thánh nữa. Thí dụ như từ “thiên đàng”, dịch bởi tiếng Pháp “Paradis”.
Trong nguyên gốc Hy Lạp, nó có nghĩa là một vườn, nhắc lại nơi bồng lai tiên cảnh của nguyên tổ trước khi phạm tội. Con người đã bị trục xuất khỏi nơi ấy, nhưng vẫn mong được quay về. Thiên đàng là nơi mà con người sống hài hoà với thiên nhiên, với vũ trụ, nhất là với Thiên Chúa và giữa con người với nhau.
Nhưng đối với tâm trạng của người xưa, quen hình dung các thực tại với những hình ảnh cụ thể hơn là với các ý niệm trừu tượng, thiên đàng được mô tả như khu vườn nhiều hoa trái, với dòng sông tươi mát. Đối với một chàng du mục trên sa mạc khô cằn, gặp được một dòng suối có nước trong lành, có lùm cây xanh là thiên đàng rồi! Tuy nhiên, đối với anh chàng ngư phủ, thì dòng suối chẳng có ý nghĩa gì hết. Hạnh phúc của anh ta là sóng yên gió lặn, và một mẻ lưới đầy. Còn đối với một thương gia, thì hạnh phúc là kiếm được một viên ngọc quý, bán được nhiều tiền.
Như vậy chúng ta thấy rằng ở trên đời này, chúng ta thấy rằng quan niệm về hạnh phúc thường bị đóng khung bởi những kinh nghiệm hữu hạn. Dù vậy, trong các dụ ngôn Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng dùng những kinh nghiệm đó để giải thích bản chất của Nước Thiên Chúa.
Một hình ảnh khá quen thuộc trong kinh nghiệm của các tôn giáo là bữa tiệc. “Có thực mới vực được đạo” chứ. Tuy nhiên, Tản đà Nguyễn khắc Hiếu đã lưu ý rằng muốn ăn cho ngon thì nguyên đồ ăn ngon mà thôi thì chưa đủ, còn phải tính thêm chỗ ngồi ăn, giờ ăn và nhất là người cùng ăn nữa.
Có những dụ ngôn ví Nước trời với bữa tiệc hay tiệc cưới cũng vậy đó. Bởi vì hạnh phúc không phải chỉ là vấn đề giải quyết nạn đói của bao tử, hay là đồ cao lương mỹ vị cho khoái khẩu; nhưng còn là không khí tưng bừng nhộn nhịp của buổi lễ, với sự tham dự của hết mọi người bà con thân thích nữa. Văn chương bình dân đôi khi cũng nghĩ rằng nếu có hai trái tim vàng thì ở mái nhà tranh cũng hạnh phúc rồi.
Đúng như vậy. Những kinh nghiệm hữu hạn của chúng ta hiện này không đủ khả năng để diễn tả những thực tại siêu phàm. Chúng ta chỉ biết chắc một điều: hạnh phúc của chúng ta chính là Thiên Chúa, sức sống vô biên. Nếu chúng ta được Thiên Chúa thì chúng ta được thông dự vào sự sống sung mãn, cùng với những ưu phẩm mà ngày này chúng ta cho là hạnh phúc: tình yêu, công bằng, tự do.
Sự sống sung mãn bao gồm những hoạt động tinh thần ở cao điểm: hiểu biết, yêu mến. Sự sống sung mãn bao gồm sự liên kết với đồng loại và với vũ trụ. Trái lại, khi mất Thiên Chúa là chúng ta mất sự sống vĩnh cửu, mất tự do, mất yêu thương: con người trở nên cô độc, bị tù hãm trong chính mình, không còn khả năng thông hiệp với tha nhân nữa. Họ sống trong tuyệt vọng, đêm tối.