Người ta nói rằng vào hồi cuối thiên niên thứ nhất, dư luận cũng xôn xao vì lo rằng tận thế sẽ xảy đến vào năm 1000; bây giờ sự lo âu tương tự cũng xảy ra khi sắp bước sang năm 2000.
Tại sao có sự xôn xao như vậy? Các sử gia đã đưa ra nhiều lối giải thích khác nhau, và dĩ nhiên là không thiếu những quan điểm trái nghịch.
Một vấn đề đầu tiên đã được tranh luận gần đây là: thế giới có thực sự lo sợ khi sắp bước vào năm 2000 hay không?
Vài sử gia cho rằng đó chỉ là huyền thoại do ông Jules Michelet đã tưởng tượng ra vào hồi thế kỷ XIX mà thôi. Lý do là vì hồi cuối thiên niên thứ nhất, nhiều nơi vẫn còn tính năm tháng theo lịch của Rôma chứ chưa theo lịch phổ quát của lịch Kitô Giáo, lấy năm sinh của Chúa Giêsu làm năm đầu của kỷ nguyên mới, tức là năm số 1.
Từ thời các giáo phụ đã có vài tác giả tính lịch sử thế giới sẽ kéo dài 6 ngàn năm: 4 ngàn năm trước Chúa ra đời và 2 ngàn năm sau Chúa ra đời. Từ đó, chuyện tận thế xảy ra vào năm 2000 xem ra tất nhiên. Thế nhưng, chúng ta thấy trong cách tính này có hai điểm sai lầm.
Thứ nhất, thế giới này đã bắt đầu từ cả triệu năm nay rồi, chứ không phải là 4 ngàn năm trước Chúa ra đời.
Thứ hai, Chúa ra đời đã hơn 2 ngàn năm nay rồi, vào khoảng năm thứ 6 hay năm thứ 4 trước Công Nguyên. Hồi làm lịch vào thế kỷ VI, tu sĩ Điônisiô đã tính sai vài năm. Cho đến giả như tận thế xảy đến đúng vào dịp 2 ngàn năm sau Chúa giáng sinh, thì nó đã phải xảy ra vào năm 1994 hay 1996 rồi, chứ không cần phải chờ cho đến năm 2000 nữa.
Không phải, thuyết thiên niên chỉ có liên hệ xa xôi mà thôi. Theo nguyên ngữ “thiên niên” (millenarismus) có nghĩa là 1 ngàn năm, nhưng không phải là họ tiên báo về việc tận thế sẽ xảy ra vào năm 2000, cho bằng về 1 ngàn năm thái bình thịnh trị trên dương gian.
Đây là một thuyết lưu hành vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo. Tuy nguồn gốc của nó là vài khuynh hướng của Do Thái Giáo, nhưng mà gốc rề gần của nó là đoạn sách Khải Huyền của Thánh Gioan, chương 20, từ câu 1 đến câu 10. Tác giả viết rằng Đức Kitô sẽ chiến thắng quỷ vương, giam nó trong ngục trong khoảng thời gian là 1 ngàn năm. Trong thời gian này, các vị tử đạo sẽ được sống lại và cai trị thế giới với Đức Kitô.
Sau 1 ngàn năm, quỷ vương được giải thoát và sẽ tung hoành lần nữa cho đến khi bị tiêu diệt hoàn toàn, và bị ném vào hồ lửa. Dựa theo tư tưởng này, thuyết thiên niên cho rằng, vào ngày tận thế, các người lành sẽ sống lại và hưởng mọi thứ khoái lạc trên mặt đất đủ 1 ngàn năm; rồi sau đó họ mới lên thiên đàng, một thiên đàng chỉ có hạnh phúc tinh thần mà thôi.
Thuyết thiên niên đã gây ra nhiều lúng túng cho các giáo phụ trong suốt 3 thế kỷ. Một điều không thể chối là nó dựa theo sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông Đồ. Nếu bài xích thuyết thiên niên thì sẽ có nguy cơ là chối bỏ sách Khải Huyền.
Trên thực tế, điều này đã xảy ra, với ông Điônisiô giám mục Alêxanđria (Ai Cập) vào giữa thế kỷ III. Ông chống đối thuyết thiên niên mãnh liệt, vì thế ông không cho rằng sách Khải Huyền do Thánh Gioan Tông Đồ viết ra. Đó cũng là lý do mà sách Khải Huyền mất nhiều thời gian để được nhận vào sổ quy thư Tân Ước.
Lập trường của các giáo phụ không đồng nhất. Có người ủng hộ thuyết thiên niên, chẳng hạn như ông Papias, giám mục Hierapolis.
Nhiều giáo phụ giải thích thuyết thiên niên theo nghĩa bóng, nghĩa là tuy chấp nhận rằng các người lành sẽ sống lại và trở về dương thế nhưng không phải để hưởng những lạc thú cho bằng hưởng cảnh thái bình yên ổn mà thôi.
Tuy nhiên phải chờ đến ông Origène, thì lập trường của các giáo phụ mới dần dần được sáng tỏ. Theo ông, ta không nên hiểu khoảng “1 ngàn năm” theo nghĩa toán học, nhưng là theo nghĩa bóng, ám chỉ một thời gian dài.
Cần giải thích theo não trạng của văn hóa Do Thái vào thời đầu Công Nguyên. Họ quan niệm một ngày của Chúa dài như một ngàn năm của ta (thí dụ Tv 90,4), và họ phóng dọi tuần lễ tạo dựng nói ở đầu sách Sáng Thế ra thành thời gian trường tồn của vũ trụ, nghĩa là 6 ngàn năm. Sau 6 ngàn năm là tận thế: Có lẽ đó cũng là căn gốc của thuyết tận thế vào năm 2000 đã nói trên đây, bởi vì thời gian từ khi tạo dựng vũ trụ cho đến khi Chúa giáng trần tính là bốn ngàn năm; vậy thì vũ trụ còn thọ thêm hai ngàn năm nữa là chấm dứt.
Dù sao, Thánh Augustinô đã đưa ra một lối giải thích về thiên niên trở thành cổ điển trong Hội Thánh Công Giáo. Theo Thánh Augustinô, thời đại thiên niên đã xảy đến rồi, từ khi Đức Kitô chiến thắng ma quỷ và tử thần với cuộc Phục Sinh. Từ nay, ma quỷ đã bị nhốt trong tù. Chúng ta cũng được chia sẻ sự chiến thắng đó nhờ đức tin; chúng ta mong chờ ngày Chúa Quang lâm, khi Người đến để đưa chúng ta về trời.
Đúng như vậy, theo nghĩa là từ nay họ sẽ không thể bênh vực chủ trương của mình bằng cách trưng dẫn đoạn văn Khải Huyền của Thánh Gioan Tông Đồ. Tuy nhiên, thuyết này vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau.
Các nhà xã hội học đã đặt nhãn hiệu “thiên niên” cho những học thuyết nào chủ trương một thiên đường ở dưới trần thế này, trong số đó có cả thuyết Mác xít. Dĩ nhiên, theo nghĩa chặt, thuyết thiên niên phát sinh từ Kitô Giáo, gắn liền với niềm mong đợi Đức Kitô quang lâm; nhưng theo một nghĩa rộng, thuyết thiên niên được áp dụng cho những hoài bão thực hiện một thiên đường lạc thú ở trần gian này thay vì mơ đến hạnh phúc trên thiên đàng.
Theo nghĩa chặt, các thuyết thiên niên xuất phát từ Kitô Giáo. Họ mong chờ ngày Chúa quang lâm để thiết lập triều đại Thiên Chúa trên hoàn cầu. Thế nhưng, đang khi mà chính Chúa Kitô đã nhắn nhủ các môn đệ là đừng tò mò muốn xác định thời điểm làm gì (Mc 13,32; Lc 17,20), thì trong lịch sử của Hội Thánh đã có nhiều người tự xưng là tiên tri loan báo cuộc quang lâm vào ngày giờ chính xác.
Thí dụ như vào thế kỷ XII, tu sĩ Gioakim Fiore đã loan báo là kỷ nguyên mới sẽ khai mào vào cuối thế kỷ. Theo ông, Cựu Ước là kỷ nguyên của Chúa Cha; kỷ nguyên của Chúa Con đã kéo dài 12 thế kỷ; bây giờ đến lượt khai mạc kỷ nguyên của Thánh Thần. Thuyết của ông đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong một số tu sĩ Dòng Phanxicô.
Thánh Vinh sơn Feriê dòng Đaminh cũng dành nhiều thời giờ để rao giảng ngày tận thế đã kề. Đặc biệt là trong hai thế kỷ XIX và XX, nhiều giáo phái Tin Lành đã được sáng lập do các tiên tri cổ động chuẩn bị cho ngày Quang lâm gần kề.
Chẳng hạn như giáo phái Cơ đốc Phục lâm. Vào năm 1831, ông William Miller đã tuyên bố là Đức Kitô (Cơ đốc, đọc theo kiểu Trung Hoa) sẽ quang lâm vào năm 1843, rồi dịch sang năm 1844, và cứ thế lùi lại hoài. Còn theo sáng lập viên của nhóm Chứng nhân Giêhôva, ông Charles Taze Russell, ngày tận thế được tiên báo vào năm 1914, rồi lùi đến 1918, 1919. Và các người kế nghiệp ông cũng cứ lùi thêm thì chờ dài cổ mà ngày tận thế chưa đến.
Tuy nhiên, việc loan báo ngày quang lâm gần kề mới chỉ là một đặc trưng của thuyết thiên niên mà thôi; một đặc trưng nữa là niềm mong đợi Chúa quang lâm được gắn liền với niềm hy vọng rằng một kỷ nguyên công chính hoà bình sẽ bắt đầu trên chính mặt đất này, chứ không phải là trên thiên đường. Ta có thể thấy chủ trương này nơi nhóm chứng nhân của Giêhôva, và đặc biệt là nhóm Mormon do ông Joseph Smith sáng lập năm 1830.
Cần thêm rằng ngay trong Giáo Hội Công Giáo cũng có vài khuynh hướng tương tự, khi họ mong khôi phục một thứ thần quyền trên địa cầu, với đức giáo hoàng nắm cả quyền đời lẫn quyền đạo, mà các giám mục, linh mục trở thành quan lại cai trị mặt đất trong vương quốc của Chúa Kitô. Tất cả những hình thức vừa nói đều có ảnh hưởng xa gần tới thuyết thiên niên.
Theo nghĩa chặt thì thuyết Mácxít đứng ngoài lề các thuyết thiên niên, bởi vì như vừa nói, các thuyết thiên niên gắn liền với biến cố Quang lâm của Đức Kitô.
Thuyết Mácxít không đụng gì tới niềm tin với Đức Kitô hay triều đại của Thiên Chúa, bởi vì chủ trương vô thần của họ. Tuy nhiên, họ mang một mẫu số chung với thuyết thiên niên theo nghĩa là họ ước mơ một xã hội tốt đẹp tuyệt đối, với công lý và hoà bình ngự trị, ngay từ cõi đời này, chứ không cần mơ tưởng thiên đàng trên chốn trời cao.
Tuy nhiên, đó là một giấc mơ mà thôi, bởi vì con đường biến giấc mơ ra thành thực tại rất là dài. Dù sao, chúng ta đừng nên quên rằng ông Karl Marx là người gốc Do Thái. Cho dù ông có tin Thiên Chúa hay không, ông đã chịu ảnh hưởng rất nhiều của truyền thống văn hóa dân tộc Do Thái, một truyền thống đặt nặng chiều kích lịch sử, cũng như một truyền thống coi trọng thế giới vật chất, khác với những tư tưởng Ấn Giáo và Phật Giáo tại Đông Phương.
Trước khi trả lời các câu hỏi vừa nêu, thiết tưởng nên ghi nhận một điểm liên quan đến từ ngữ. Trong tiếng Việt, mùa phụng vụ mà chúng ta đang sống được gọi là mùa Vọng. “Vọng” có nghĩa là: trông chờ, ngóng nhìn (như khi nói “hy vọng, kỳ vọng”). Còn trong tiếng La Tinh, mùa phụng vụ này được gọi là Adventus, có nghĩa là “đến”, không chỉ là một chuyển động về không gian nhưng còn hiểu về một biến cố sẽ xảy tới, từ đó mà có danh từ “avenir” trong tiếng Pháp (tương lai, nghĩa là “điều gì sẽ xảy tới”). Dĩ nhiên, các từ ngữ “trông mong” hoặc “xảy tới” tự nó chưa nói lên nội dung của mùa phụng vụ. Cần phải xác định thêm nội dung của sự trông mong nữa.
Nói một cách chính xác hơn, phụng vụ không chờ mong một điều sẽ tới cho bằng một người sẽ tới, đó là Đức Kitô. Dựa theo Kinh Thánh và các giáo phụ, các bản văn phụng vụ nói đến hai lần Đức Kitô đến trong lịch sử loài người. Lần thứ nhất, Người đến trong mầu nhiệm Nhập Thể; lần thứ hai Người sẽ đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, như chúng ta đọc trong kinh Tin Kính mỗi ngày Chúa Nhật.
Công thức của Kinh Tin kính quá vắn tắt, vì thế cần được giải thích để tránh gây nhiều hiểu lầm. Thực vậy, mỗi lần nghe nói đến việc Chúa Kitô đến để phán xét, chúng ta sẽ rùng mình kinh hãi, và thầm mong cho điều đó đừng xảy đến. Tâm tình xao xuyến lại càng tăng lên nữa khi chúng ta gắn liền biến cố Phán xét với Tận thế! Chắc chắn là chẳng ai trông mong tận thế cả! Nhưng đó là tại vì chúng ta hiểu lầm ý nghĩa của Quang lâm cũng như hiểu lầm tận thế thôi.
"Quang lâm” có nghĩa là “trở lại vinh quang”. Một thuật ngữ tương đương khác trong Việt ngữ là “Cơ đốc Phục lâm”. “Cơđốc” là một lối phiên âm của danh xưng Kitô; “phục lâm” là “trở về”.
Thực ra những thuật ngữ này vừa dịch vừa giải thích danh từ Parousia trong bản Tân Ước Hy Lạp. Tự nó, “parousia” chỉ có nghĩa là “đến, xảy đến”; nhưng khi áp dụng cho Đức Kitô, các giáo phụ đã chú giải ra thành “quang lâm” để phân biệt với lần đến thứ nhất của mầu nhiệm Nhập Thể.
Lần đến thứ nhất diễn ra trong cảnh âm thầm thinh lặng của đêm Bê-lem, trong cảnh sống thanh bần của Nadarét, và nhất là qua cảnh hổ nhục của cái chết trên thập giá. Lần đến thứ hai sẽ mang tính cách vinh quang để “phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Như đã nói, thuật ngữ này thường bị hiểu lầm cách đáng tiếc, gây cho chúng ta tâm trạng sợ hãi hơn là trông chờ.
Trong Cựu Ước, đặc biệt trong các thánh vịnh, chúng ta đọc thấy những lời kêu van Thiên Chúa đến xét xử: đó là lời kêu cầu của những người bị hà hiếp, bị chèn ép bất công; vì thế họ xin Chúa hãy đến xét xử, nghĩa là hoàn lại công lý trên điạ cầu này. Hiểu như vậy, việc Thiên Chúa phán xét là một điều mà người công chính mong đợi chứ không hoảng sợ.
Hơn thế nữa, trong Kinh Thánh, “phán xử” không chỉ giới hạn vào lãnh vực công lý pháp đình. Sự phán xử bao hàm mọi quyền thống lĩnh; vì lý do đó mà sau khi vào đất Canaan, dân Israel được cai quản bởi những người mang danh là “Pháp quan” (Quan án), mà bản dịch mới đã đổi thành các “Thủ lãnh”. Do đó, khi nói “Chúa Kitô sẽ đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”, thì Tân Ước không chỉ hiểu về việc Người sẽ xét xử công tội của mỗi người, nhưng còn hiểu về việc Người sẽ thực thi quyền chủ tể trên toàn vũ trụ.
Nói cách cụ thể hơn nữa, Đức Kitô sẽ đến trong vinh quang để hoàn tất công cuộc đã được khởi đầu nơi biến cố Phục Sinh, nghĩa là toàn thắng sự dữ. Với cuộc Phục Sinh, Đức Kitô đã thắng tội lỗi và cái chết; với cuộc quang lâm, cuộc chiến thắng này sẽ lan rộng đến toàn thể nhân loại: tội lỗi và cái chết sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Hiểu theo nghĩa này, thì quả là một điều mà tất cả chúng ta đều trông mong hy vọng, như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã giải thích ở các số 668-677, đặc biệt là số 671.
Như vừa nói, thuật ngữ “Chúa đến xét xử” có thể gây ra sợ hãi hoặc hy vọng tuỳ theo cách giải thích ý nghĩa của nó. Một cách tương tự như vậy, “tận thế” cũng có thể gây ra kinh hãi hoặc hy vọng tuỳ theo cách giải thích. Dựa vào việc phân tích từ ngữ, “tận thế” có nghĩa là “thế giới đến chỗ tận cùng”, nghĩa là chấm dứt.
Tuy nhiên, chúng ta nên phân biệt nhiều cấp độ khác nhau trong cách giải thích nội dung và ý nghĩa của nó. Trước tiên, phải hiểu “thế giới” theo nghĩa nào: thế giới của loài người, thế giới của sinh vật, hay toàn thể vũ trụ? Chúng ta thử hình dung một trận thiên tai nào đó tiêu diệt hết loài người trên mặt đất: đó chỉ là tận số của nhân loại thôi, chứ địa cầu vẫn còn đó.
Nhìn dưới khía cạnh khoa học và triết học, ta cũng thể khẳng định được rằng tất cả vũ trụ này, đến một giai đoạn nào đó, sẽ chấm dứt hiện hữu. Vũ trụ này không thể hiện hữu vô tận; đến một lúc nào đó, nó sẽ chấm dứt, cho dù thời gian đó có thể là hàng triệu hay hàng tỉ năm nữa.
Đó là câu chuyện tận thế nhìn dưới khía cạnh triết học và vật lý, và có lẽ chẳng có liên hệ gì đến niềm hy vọng trông mong của chúng ta. Chuyện tận thế trở nên đầu đề cho niềm hy vọng khi nhìn dưới khía cạnh nhân sinh và tôn giáo.
Tận thế trở nên đối tượng của niềm mong đợi hay lo âu khi nhìn dưới khía cạnh nhân sinh. Ở đây chúng ta không hiểu “thế giới” như là toàn thể vũ trụ vật chất, bao gồm hết mọi thực thể, hành tinh; nhưng chỉ giới hạn vào “thế giới của loài người”, cõi nhân sinh.
Như vừa nói, nhân loại sống trong vũ trụ vật chất, nhưng số phận của nhân loại không hoàn toàn gắn liền với vũ trụ vật chất. Có thể là vũ trụ vật chất vẫn còn đó, nhưng nhân loại biến mất khỏi điạ cầu tiếp theo một trận thiên tai, một bệnh dịch, một trận chiến tranh. Mặc dù chúng ta cầu mong cho mưa thuận gió hoà để sức khoẻ và sinh hoạt của chúng ta không bị xáo trộn, nhưng điều làm chúng ta quan tâm hơn hết là làm thế nào để sống hạnh phúc, “an ninh phúc lộc thọ”, như vẫn nghe cầu mong vào dịp đầu năm mới. Hiểu theo nghĩa nhân sinh, chắc chắn rằng không ai muốn cho nó chấm dứt tận cùng; ngược lại, ai cũng muốn bảo vệ và bồi đắp cho thêm tốt đẹp.
Khi bàn về cõi nhân sinh này, có ít là hai quan điểm đối nghịch nhau, tạm gọi là tiêu cực và tích cực. Theo lối nhìn tiêu cực, thế giới chúng ta đầy dẫy bất công tội ác, vì thế cần phải huỷ diệt đi. Còn dưới quan điểm tích cực, thì tuy nhìn nhận rằng thế giới này còn nhiều bất toàn thiếu sót, vì thế cần được cải thiện trau dồi.
Từ hai nhận xét đối nghịch như vậy, cho nên cũng có hai cách giải thích biến cố Chúa Quang Lâm. Theo quan điểm thứ nhất (theo đó trần gian này đầy dẫy tội lỗi và bất công), việc Chúa Quang Lâm có nghĩa là tiêu diệt thế giới cũ, nơi ngự trị của tội lỗi và sự chết, để thiết lập một thế giới mới, thế giới của an hoà thánh thiện.
Theo quan điểm thứ hai (theo đó trần gian này cũng mang nhiều điều tốt lành), việc Chúa Quang Lâm được coi như hoàn tất công trình đã manh nha: Chúa Kitô đã thiết lập triều đại Thiên Chúa với cuộc Nhập Thể và cách riêng với mầu nhiệm Phục Sinh, khi mà Thần Khí của Tình yêu và thánh thiện đã được trút đổ xuống nhân loại. Những mầm giống của công bình, yêu thương, phục vụ, hoà giải..., đã được gieo vào lòng người và đã phát sinh hoa trái trong lịch sử. Biến cố Quang lâm sẽ không huỷ bỏ những thành quả đó, nhưng sẽ kiện toàn hơn.
Tôi nghĩ quan điểm thứ hai hợp lý hơn. Nói đến biến cố Quang lâm là nhắc đến việc Chúa đến trong vinh quang; nhưng điều này không có nghĩa là Chúa chưa đến. Không, Chúa đã đến rồi: Đức Kitô đã khai mào cho Triều đại Thiên Chúa trên mặt đất, cách riêng từ khi Người đã sống lại và trút đổ Thần Khí trên nhân loại. Kể từ đó, chúng ta đã chứng kiến một cuộc canh tân thế giới, dần dần đem tình yêu tha thứ thay thế cho đố kị hận thù. Tuy dù thế giới này còn nhiều bất toàn, nhưng cũng không thiếu nhiều điều tốt đẹp mà chúng ta nhìn nhận rằng đó là công trình của Thánh Linh cùng với nỗ lực của con người. Chúng ta ước mong một thế giới tốt đẹp hơn, công bình hơn, huynh đệ hơn. Điều này vượt quá tầm tay của con người, và chỉ có thể Thiên Chúa mới có thể thực hiện được.
Đó là lý do mà Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy cầu nguyện cho “Nước Thiên Chúa mau đến”, khi mà sự dữ hoàn toàn bị tiêu diệt. Hiểu như vậy, chúng ta hiểu tận thế không như là huỷ diệt thế giới nhân sinh, nhưng như là huỷ diệt tội ác bất công và nhất là sự chết. Đó là đối tượng cuả niềm hy vọng. Do đó trong Mùa Vọng, chúng ta không những chuẩn bị tâm hồn để đón mừng kỷ niệm Chúa Giáng sinh, nhưng chúng ta còn trông mong Người đến để hoàn tất công trình cứu độ. Dù sao, chúng ta đừng quên rằng Chúa Kitô vẫn hiện diện ở giữa chúng ta nhờ Lời và Mình của Người, và ban cho chúng ta sức mạnh Thánh Linh, nhờ đó chúng ta góp phần vào việc kiến tạo vương quyền của Thiên Chúa ở trần thế.
Có thể nói được là 90 phần trăm các tôn giáo trên thế giới xuất hiện nhằm trả lời cho thắc mắc gai góc nhất của con người đó là: sống làm gì? Chết rồi đi đâu? Và như Thánh Phaolô nói, nếu mà chết thì hết chuyện, thì quả thực thân phận con người khổ hơn súc vật nhiều: chúng nó ăn no ngủ kỹ không phải bận tâm lo lắng gì; còn loài người phải lo bon chen thao thức, không mấy khi được yên hàn thư thái; lo cho đời này chưa xong thì lại phải lo cho đời sau nữa.
Khi so sánh hai khối tôn giáo lớn trên hoàn cầu, Do-thái và Kitô Giáo một bên, và bên kia là Ấn Giáo với Phật Giáo, ta thấy có sự khác biệt chính như sau. Ấn Giáo với Phật Giáo cho rằng con người có nhiều kiếp sống, xoay quanh vòng luân hồi. Bao lâu chưa thanh luyện đủ thì còn phải đầu thai vào kiếp sống khác. Còn truyền thống của Do Thái và Kitô Giáo thì dạy rằng con người chỉ ra đời có một lần. Tùy theo hành vi tốt xấu ở đời này mà con người sẽ phải lãnh hậu quả ở đời sau vô tận.
Quả thực rất nhiều tôn giáo đã dạy rằng sau khi con người chết đi, vẫn còn cái gì tồn tại; cái đó thường được gọi là “hồn”. Nhưng hồn sẽ đi đâu? Đó là vấn đề. Và điều mới nhất của mặc khải Kitô Giáo hệ tại chỗ là không những khẳng định việc linh hồn bất tử, nhưng còn xác tín rằng toàn thể con người sẽ sống lại.
Chúng ta chỉ giới hạn vào Tân Ước. Phúc Âm tường thuật cuộc tranh biện giữa Chúa Giêsu với phái Sađuxêu. Phái này chối sự sống lại, và họ vặn Chúa bằng cách đặt ra một số nan giải của một bà vợ lần lượt lấy bảy ông chồng; thế thì khi sống lại ai là chồng thực. Chúa không trả lời thẳng vào câu hỏi, nhưng Người tái khẳng định rằng ngươi chết sẽ sống lại, và họ không lấy vợ lấy chồng nữa: Thiên Chúa là Chúa kẻ sống chứ không phải là Chúa kẻ chết.
Nơi khác thì Người hứa rằng ai mất mạng sống mình vì Người thì sẽ tìm lại được mạng sống. Tuy nhiên lời quả quyết xác tín nhất của đức tin Kitô về sự sống lại là chương 15 của thư thứ nhất Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô.
Trong phần đầu của chương ấy Thánh Phaolô nhắc lại đức tin nơi việc Chúa Kitô Phục Sinh. Từ niềm tin đó, thánh tông đồ quả quyết rằng nếu Đức Kitô sống lại thì rồi chúng ta sẽ sống lại như Đức Kitô và với Người.
Theo một số nhà chú giải Kinh Thánh, thì hình như hồi đó đã có người tin như vậy; hoặc có người tin rằng Chúa Giêsu sắp sửa trở lại và kết liễu lịch sử. Thánh Phaolô trả lời rằng cho đến nay chỉ có Chúa Kitô Phục Sinh thôi, còn chúng ta vẫn còn phải chết. Chúng ta sẽ sống lại khi Chúa trở lại, tiêu diệt cái chết hoàn toàn. Nhưng thiết tưởng điều đáng lưu ý ở chỗ Thánh Phaolô nhấn mạnh đến thân xác sẽ sống lại, chứ không phải chỉ có hồn thiêng mà thôi.
Tuy nhiên để tránh ngộ nhận, nên biết rằng thánh tông đồ không quả quyết rằng thân xác con người sẽ sống lại y nguyên, nhưng nó sẽ được biến đổi. Người nói rằng hiện nay chúng ta mang thân xác hư nát, nhưng lúc ấy chúng ta sẽ mang thân xác thần thiêng.
Thực không dễ hiểu. Thường thì chúng ta quen nghĩ tới thân xác như cái gì vật chất hữu hình, còn linh hồn là thiêng liêng. Cho nên nói tới thân xác thần thiêng thì thực là mâu thuẫn. Tuy nhiên có lẽ nên lưu ý hai điểm sau đây:
Thứ nhất, khi nói đến thần thiêng, Thánh Phaolô không có ý nói đến cái gì thiêng liêng vô hình cho bằng cái gì được hoàn toàn chi phối bởi Thánh Thần của Chúa.
Thứ hai, Thánh Phaolô không hẳn nói đến cái xác như là cái gì vật chất, đối lại với linh hồn, nhưng thân xác như là yếu tố nhờ đó con người tiếp xúc với tha nhân và thế giới. Dù sao, giữa thân xác hiện tại với thân xác tương lai có cái gì liên tục, nhưng cũng có cái gì đổi mới.
Ta có thể so sánh với thân xác của Đức Kitô Phục Sinh thì biết. Thân xác của Người dĩ nhiên cũng chính là thân xác đã trải qua mọi nẻo đường ở Galilê, đã bị hành hình, đóng đinh vào thập giá. Mặt khác thân xác ấy trở nên rực rỡ, không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Người có thể đi vào căn buồng đóng kín, và rút lui êm thắm khiến có môn đệ tưởng rằng đang thấy ma.
Trong vấn đề này, chúng ta cần phân biệt các cấp độ: một đàng là cấp độ đức tin dựa trên Lời Chúa; đàng khác là sự giải thích dựa trên những giả thuyết của lý luận con người.
Đức tin chỉ xác quyết rằng con người sẽ sống lại, nhưng không nói cách thức như thế nào. Đức tin ấy dựa trên Lời Chúa, nghĩa là chúng ta tin rằng Chúa nói thật chứ không nói xạo, và nhất là tin rằng Chúa yêu ta, Người muốn cho ta được hạnh phúc chứ không bị hủy diệt. Tình yêu của Chúa là tình yêu tạo dựng: vì yêu thương ta, Người đã tạo dựng chúng ta từ hư vô; vì yêu thương ta, Người cũng sẽ tái tạo chúng ta từ chõ tan rã. Nhưng tái tạo thế nào? Đó là điều mà trí óc tò mò chúng ta muốn biết, và không lạ chi khi thấy bao nhiêu giả thiết đã được đặt ra trong lịch sử.
Không nói ai cũng đoán được những giả thiết ấy phần nào liên hệ với những vấn đề văn hóa của thời đại. Tỉ như chúng ta biết rằng theo khoa học, trong suốt cuộc đời của chúng ta, các tế bào của da thịt không ngừng thay đổi, đến nỗi có thể nói rằng các tế bào của thân xác tôi ngày hôm nay hoàn toàn khác với các tế bào cách đây bảy năm về trước. Vị chi một cụ già sống 70 tuổi thì đã thay da đổi thịt đến 10 lần rồi. Dẫu vậy, cụ vẫn có thể nói rằng giữa cái xác của cụ lúc mới chào đời với cái xác ngày hôm nay vẫn có cái gì đồng nhất liên tục.
Từ những nhận xét ấy một số nhà thần học cho rằng việc Chúa cho thân xác sống lại không nhất thiết đòi hỏi phải gom góp tất cả các bụi tro của thân xác, chỉ cần tìm ra yếu tố nào tạo ra sự duy nhất của con người trong cuộc sống tại thế này. Vì vậy có người nói rằng sự sống lại có nghĩa là Chúa sẽ dựng nên một thân xác mới kết hợp với linh hồn: chính linh hồn là yếu tố duy trì sự liên tục giữa con người cũ với con người mới.
Theo một giả thuyết khác, thì Kinh Thánh nói đến sự sống lại như là sự thông dự vào cuộc chiến thắng tội lỗi với Đức Kitô; do đó mà chỉ những ai chiến thắng tội lỗi thì mới được lĩnh ơn sống lại. Và ơn đó được ban ngay sau khi con người từ giã cõi đời này: cái thân xác nô lệ tội lỗi sẽ tan rã ra tro bụi; và lập tức, Thiên Chúa sẽ cho họ sống lại, ban cho họ một thân xác mới, thân xác thần thiêng như Thánh Phaolô nói. Dĩ nhiên, theo những người chủ trương thuyết này, những người tội lỗi thì cho chết luôn, họ sẽ tan biến ra hư vô, cả hồn cả xác.
Những giả thuyết vừa nói tuy không hoàn toàn phi lý, nhưng xem ra không hợp với truyền thống đức tin. Dĩ nhiên như đã nói trên đây, chúng ta không thể dựa hoàn toàn vào trí tưởng tượng để hình dung cách thức thân xác con người sẽ sống lại như thế nào.
Chúng ta biết là thân xác sẽ sống lại, nhưng nó sẽ được hoàn toàn biến đổi. Mặt khác, Thánh Phaolô nói rằng sự sống lại chỉ xảy đến vào thời cánh chung chứ không phải liền ngay sau khi chết. Sự sống lại của thân xác không phải chỉ là phần thưởng cho từng cá nhân, mà là một biến cố của toàn thể vũ trụ được canh tân hoàn toàn. Ngày ấy sẽ không còn tang thương, chết chóc nữa.
Tuy nhiên, đang khi Thánh Phaolô nói đến sự sống lại thân xác như là sự mặc khải của cuộc toàn thắng của Đức Kitô, thì Thánh Gioan thêm rằng cả người dữ cũng sẽ sống lại, nhưng để bị luận phạt. Dựa vào đó, truyền thống Kitô Giáo tin rằng cả người dữ cũng sẽ sống lại, và họ sẽ bị trầm luân cả xác cả hồn.
Cần phải thú nhận rằng không thiếu vấn nạn chung quanh tín điều thân xác con người sẽ được sống lại. Sự sống lại tuy đáp lại một niềm khát vọng chính đáng của con người, nhưng không phải dễ gì mà chấp nhận đâu. Chính Thánh Phaolô đã bị các nhà trí thức ở Athène chế giễu, họ đứng dậy bỏ ra về khi thánh tông đồ trình bày đức tin của người Kitô về sự sống lại. Nó đòi hỏi lòng tin nơi Thiên Chúa, Đấng yêu thương ta không muốn cho ta bị hủy diệt, Đấng công bình không muốn để cho người trung tín bị bỏ rơi quên lãng; Đấng Toàn năng có thể làm được điều mà trí óc chúng ta không tưởng tượng nổi.