Trước khi trả lời câu hỏi này, thiết tưởng nên ghi nhận một nhận xét. Hình như ngôn ngữ nước nào cũng tìm từ ngữ êm đẹp để mô tả cái chết. Nói một cách nhẹ nhàng là “tắt thở, nhắm mắt, an giấc ngàn thu, khuất bóng”. Một số từ ngữ khác nói đến “từ trần, ly trần, qua đời, tạ thế”. Một loại từ ngữ nữa xem ra còn biểu lộ một niềm tin về thân phận của người qua đời, chẳng hạn: “quy tiên, sinh thì”.
Rất có thể như vậy, bởi vì như chị đã biết, tin báo một người qua đời không chỉ được gọi là “tin buồn” mà còn là “tin dữ” (hung tín); vì thế người ta tìm cách nào để làm dịu bớt tính cách gay gắt của nó, chẳng hạn như “nhắm mắt, an nghỉ”. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, các từ ngữ vừa nhắc trên đây còn muốn nói cái gì sâu xa hơn.
Thực vậy, trước tiên chúng ta nên ghi nhận rằng các từ ấy chỉ áp dụng cho loài người, chứ không cho loài vật, cho dù bề ngoài cả con người lẫn con chó đều chết. Duy có điều là “chó chết thì hết chuyện”, còn người chết thì chuyện vẫn tiếp tục.
Theo cha Léopold Cadière, chữ “chết” gốc Hán-Nôm, bắt nguồn từ chữ “chiết” (có nghĩa là: cắt, huỷ một sinh vật), nhưng cũng rất gần với chữ “hết” (nghĩa là: xong, chấm dứt). Dưới khía cạnh sinh lý, chết là chấm dứt một sự sống; điều này cũng được diễn tả qua các từ “tắt hơi; trút hơi thở cuối cùng”, hoặc là trong từ Hán, “tịch” (hoặc “viên tịch” nghĩa là yên lặng). Thế nhưng cái chết không chỉ là một hiện tượng sinh lý nhưng còn mang một ý nghĩa khác nữa, khiến cho cái chết của con người khác với cái chết của con chó.
Khác ở nhiều điểm. Chúng ta hãy tiếp tục phân tích các từ ngữ thì sẽ thấy. Trong tiếng Việt, cái chết được gọi là “lìa đời, qua đời, ly trần, từ trần”. Những từ ngữ này muốn nói lên rằng sau cái đời này còn có một cái đời khác. Cái chết được ví như một bước sang ngang: từ giã cõi trần để bước sang một cõi khác.
Đến đây, chúng ta đụng đến câu chuyện tín ngưỡng, nghĩa là niềm tin của nhiều tôn giáo khác nhau. Hầu hết các dân tộc trên thế giới đều tin rằng con người sau cuộc đời này vẫn tiếp tục cuộc sống ở một thế giới nào khác, tuy rằng mỗi tôn giáo giải thích theo một lối khác nhau.
Chẳng hạn văn chương Việt Nam có từ ngữ diễn tả lúc chết như là “sinh thì”, nghĩa là “thời sinh ra”, tuy không nói rõ sinh về đâu. Một thành ngữ khác nói rằng “sinh ký tử quy” (sống gửi thác về), nhưng cũng không nói “về đâu”; chắc chắn không chỉ là trở về lòng đất.
Một từ khác thì nói rằng “xuống suối vàng”, chắc không phải ám chỉ một suối lát vàng, cho bằng suối sắc vàng, nơi tụ tập của người thân yêu. Dù sao, khi so sánh các tôn giáo trên hoàn cầu, chúng ta thấy rằng họ không chỉ tin rằng cuộc sống vẫn tiếp nối sau khi chết, nhưng họ muốn tò mò muốn biết về thân phận của người chết nữa, để rồi từ đó tìm cách ứng xử.
Nếu tôi không lầm, chỉ có một điểm chung ở chỗ là các tôn giáo tin rằng sau khi từ giã cõi đời này, cuộc sống vẫn tiếp tục. Còn tiếp tục như thế nào, thì có rất nhiều lối giải thích.
Một cách tổng quát, ta có thể phân ra hai luồng tư tưởng chính: một luồng cho rằng sau khi chết, con người sẽ sang một thế giới khác, chứ không trở lại thế giới này nữa; còn một luồng thứ hai cho rằng con người có thể quay về cõi đời này.
Luồng tư tưởng thứ hai thường được đặt tên là thuyết luân hồi. Dù sao ở trong mỗi luồng tư tưởng, ta còn thấy khá nhiều ý kiến khác biệt, chẳng hạn theo thuyết luân hồi, có nơi người ra nói rằng con người sẽ lại dương gian làm người, nhưng có nơi quan niệm rằng có thể hóa kiếp làm súc vật hoặc cỏ cây.
Một trong những lý do đưa tới những giải thích khác biệt nằm ở chỗ hình dung thân phận của người đã sang bên kia thế giới. Đối với con mắt của chúng ta, khi một người đã chết thì họ hết sinh lực, chỉ còn là cái tử thi, và cái thây ma được đem đi chôn (hay hỏa thiêu). Thử hỏi: như vậy còn lại cái gì để tiếp tục một cuộc sống khác?
Theo tôi nghĩ, vấn đề không đơn giản như vậy đâu. Đức tin Công Giáo nói rằng con người có một linh hồn và một thân xác. Nhưng chắc chị đã biết rằng ở Việt Nam, người ta nói đến “3 hồn 7 vía” (phụ nữ có tới 9 vía lận); vì vậy mà sau khi chết thì không những hồn đi một nơi còn vía đi một ngả, nhưng có lẽ 3 hồn cũng chia nhau đi về ba phương hướng, trong đó thế nào cũng có một hồn còn lảng vảng chung quanh thế giới người sống.
Đó là một điều khác biệt không nhỏ giữa niềm tin Công Giáo và tín ngưỡng cổ truyền. Mặt khác, dù tin rằng con người chỉ có một linh hồn (chứ không phải có ba), nhưng việc hình dung linh hồn đã từng làm nát óc cả người Kitô Hữu lẫn người ngoài Kitô Giáo.
Không phải là đức tin Kitô Giáo về linh hồn không được chính xác, nhưng tại vì nhiều tín hữu Kitô Giáo đã hình dung về linh hồn không đúng cách.
Như chị đã biết, nhiều tôn giáo cho rằng cuộc sống ở bên kia thế giới phản ánh cuộc sống ở đời này, theo như ngạn ngữ “trần sao âm vậy”. Vì thế vào lúc chôn cất người chết, người ta cho vào quan tài nào là áo quần, gạo, tiền, để họ tiêu dùng ở bên kia thế giới. Thậm chí, ở vài nơi, người ta còn chôn sống bà vợ để ông chồng khỏi cảm thấy cảnh cô đơn lạnh lùng dưới âm phủ.
Chắc chắn hầu hết các Kitô Hữu đều cười thầm trước quan điểm xem ra quá duy vật về thế giới bên kia. Thế nhưng họ không ngờ rằng tất cả chúng ta đều mang đầu óc duy vật, theo nghĩa là đầu óc chúng ta không thể nào gột rửa khỏi hết mọi hình thù mỗi khi bàn về các loài thiêng liêng. Tôi xin trưng ra một thí dụ cụ thể thì đủ rõ.
Khi người nào nói rằng họ thấy linh hồn của người chết hiện về, thì họ không ngờ đó là một kiểu nói duy vật, bởi vì linh hồn là loài thiêng liêng làm gì có hình thù mà hiện về được! Hiện thời chị đang ở trước mắt tôi, và tôi nhìn thấy thân xác của chị, chứ tôi đâu thể thấy linh hồn của chị. Vì thế, nếu ai nói rằng họ thấy linh hồn của người chết hiện về, thì chắc là họ thấy cái gì khác, chứ không phải là thấy linh hồn: linh hồn làm gì có đầu mình mặt mũi chân tay đâu, mà ta thấy được!
Câu hỏi này cũng hơi duy vật. Cái thân xác của ta có hình thù, cho nên mới có chỗ ở. Linh hồn thiêng liêng thì làm gì có trương độ (dài ngắn, cao thấp, to nhỏ) để mà chiếm chỗ. Bụng của ta là vật chất, cho nên chỉ có thể chứa một số lượng hạn định về thức ăn; ai mà ăn quá thì tức bụng hay vỡ bụng; còn tinh thần thì thiêng liêng, cho nên có thể thâu thập bao nhiều tư tưởng cũng không sợ đầy! Do đó, thân xác có thể bị nhốt trong một cái ngục, chứ không thể nhốt linh hồn vào một chỗ nào hết, bởi vì linh hồn không có kích thước hình thù, không bị giới hạn bởi không gian.
Vừa đúng vừa không đúng. Linh hồn thiêng liêng không bị giới hạn bởi không gian vật chất, cho nên nói được là có thể hiện diện khắp mọi nơi. Nhưng đồng thời cũng phải nói rằng bởi vì linh hồn thiêng liêng, không dính dáng với vật chất, cho nên không thể hiện diện trong thế giới vật chất được.
Dù sao, xin thú nhận rằng đầu óc chúng ta quá duy vật, cho nên khó mà hình dung được những thực thể vô hình vô tượng. Tuy chúng ta tin rằng Thiên Chúa vô hình vô tượng, nhưng chúng ta cũng phải hình dung ra một Đấng nào đó có hình thù, khuôn mặt, tay chân, tựa như một vị Vua (Thượng Đế, chủ tể ngồi trên trời cao), hoặc như một người Cha, vân vân.
Thiên Chúa không có hình dung thân xác, cho nên cũng chẳng có dinh thự nhà cửa gì hết. Khi nói rằng người chết “về nhà Cha”, thì chúng ta muốn nói rằng: người chết không bị huỷ diệt ra hư vô; cái chết cũng chẳng phải là một hình phạt. Linh hồn người chết cũng không lang thang phiêu bạt, nhưng họ ở với Chúa. Nếu khi còn sống ở đời này, người tín hữu đã tin kính yêu mến Chúa (sống trong tình nghĩa với Chúa), thì sau khi chết họ sẽ được Chúa bao bọc trong vòng tay âu yếm của người cha.
Lối nói “về nhà Cha” hoạ lại cung giọng của Đức Kitô khi lìa đời mà Phúc Âm Thánh Gioan kể lại cho chúng ta: Đức Kitô từ Chúa Cha mà đến và nay Người trở về với Chúa Cha (Ga 13,1-2). Phần chúng ta, tuy chúng ta không từ Chúa Cha mà đến trần gian này giống như Đức Kitô, nhưng nhờ đức tin, chúng ta được kết hợp với Đức Kitô, giống như cành nho trong cây nho. Do đó, Đức Kitô đã hứa rằng Người ở đâu thì Người cũng muốn cho các môn đệ ở đó. Người đã đi trước để dọn chỗ cho chúng ta ở trong nhà của Cha (Ga 14,1-3). Đến khi người tín hữu lìa bỏ cuộc đời này, thì chính Đức Kitô ra tiếp đón môn đệ để đưa vào nhà Cha.
Cảm nghiệm này đã được sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại ở chương 7 câu 55 về cuộc tử đạo của thánh Stêphanô. Dù sao, chúng ta đừng nên quên rằng, hiện tại Thiên Chúa đang ngự ở trong ta mỗi khi chúng ta sống trong ơn nghĩa Chúa (Ga 14,23). Hiện nay, Chúa đang ở trong ta và ta ở trong Chúa: mối dây liên kết không bị cắt đứt khi chúng ta lìa đời, nhưng trái lại, sẽ được khắng khít bền chặt hơn nữa. Đó là điều mà phụng vụ diễn tả khi nói đến người tín hữu được đưa về cõi phúc thật, được sống kề bên Chúa, được hưởng nhan Chúa.
Vấn đề nguồn gốc cái chết không chỉ là đề tài suy tư cho các triết gia, nhưng còn được đề cập trong nhiều chuyện thần thoại, phản ánh tâm thức tập thể của nhân loại. Thực vậy, thoạt tiên xem ra cái chết là định luật chung của các sinh vật trên điạ cầu: cây cối, thú vật có lúc sinh thì có lúc tử. Nhưng con người không chịu chấp nhận định luật đó. Con người mang trong mình ước muốn được sống mãi, vì thế cái chết xem ra trái nghịch bản tính của mình. Từ đó vấn đề nguồn gốc cái chết được đặt ra.
Chẳng hạn như tại Melanasia, người ta kể lại rằng vào thời nguyên thuỷ, con người khi đến tuổi già thì lột xác và hoàn sinh giống như loài rắn; nhưng một ngày nọ có một bà cụ sau khi lột xác trở về nhà thì đứa cháu kêu la hoảng hốt vì thấy một người lạ mặt; vì thương cháu, bà xuống sông lấy lại bộ xác cũ về, và thế là bà khoác lấy cái chết cho cả nhân loại. Như vậy nguồn gốc cái chết là do một “lỗi lầm của nguyên tổ”.
Tại vài nơi khác, sự chết xảy ra do quyết định của Tạo Hóa, chẳng hạn như bên Phi Châu người ta kể lại rằng Thượng Đế sai con tắc kè đến báo cho nguyên tổ rằng họ sẽ được sống, và sai con thằn lằn đến báo cho nguyên tổ rằng họ sẽ chết. Tiếc thay con thằn lằn tới trước, và vì thế mà nhân loại phải chết!
CKhuôn khổ bài này không cho phép tôi dài dòng về đạo lý của các tôn giáo và triết thuyết về cái chết, và chúng ta chỉ có thể vắn tắt về đạo lý Kitô Giáo mà thôi.
CTa có thể thấy vấn đề nguồn gốc sự chết đã được đề cập đến từ những trang đầu tiên của Kinh Thánh. Các tác giả đi từ sự nhận xét đơn giản thế này: Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống. Nếu Thiên Chúa là sự sống và nơi Người chỉ có sự sống, thì vì đâu có sự chết?
Câu trả lời không đơn giản như chị nghĩ đâu. Ta thấy Kinh Thánh và thần học đã đưa ra nhiều câu giải đáp khác nhau. Đành rằng Sách Sáng Thế ở chương 2 (câu 17) và chương 3 (câu 17, 19) nói đến cái chết như là án phạt vì tội bất tuân lệnh cấm của Chúa (như vậy nguồn gốc cái chết là tội của nguyên tổ), nhưng tác giả Sách Khôn ngoan thì quy gán nguyên nhân cái chết cho ma quỷ, khi viết rằng: Thiên Chúa không vui thích gì khi thấy sinh vật phải chết (x. 1,13-14).
CThiên Chúa dựng nên con người bất hủy hoại, nhưng sự ghen tương của ma quỷ đã đưa cái chết vào trần gian (x. 2, 23-24). Thực ra, lý luận này khá đơn giản: Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi sự tốt lành. Còn sự dữ (tội lỗi và cái chết) thì do ma quỷ gây ra.
Đây là đề tài tranh luận của các nhà thần học vào thời Trung Cổ. Các tác giả đã chia làm hai phe: một bên nói “không”, một bên nói “có”. “Không”, nghĩa là nếu nguyên tổ không phạm tội thì loài người không phải chết. “Có”, nghĩa là dù nguyên tổ không phạm tội thì nhân loại vẫn chết.
Thánh Tôma Aquinô đứng về phe “có”, với lời giải thích như sau: Cái chết là hiện tượng xảy ra cho tất cả mọi loài hữu hạn. Duy chỉ có Thiên Chúa mới hiện hữu vô cùng tận. Nếu ông Ađam không phạm tội thì ông sẽ được ơn trường sinh bất tử; nhưng đó là một ân huệ ngoại nhiên (gratia praeternaturalis; xem chú giải đoạn Sáng Thế 2,8 trong bản dịch của Nhóm Phụng vụ Giờ kinh).
Gần với ý kiến này, ta thấy một lời giải thích như thế này: sau một thời gian thử thách trên đời, ông Ađam sẽ được đưa về hưởng hạnh phúc bất diệt, nghĩa là ông sẽ phải chết; nhưng trong hoàn cảnh đó, ông đón nhận cái chết cách an bình, chứ không lo âu xao xuyến như tình trạng ngày nay sau khi đã phạm tội.
Cả hai phe đều là giả thuyết hết. Thực tế là nguyên tổ đã phạm tội, vì thế nhân loại phải chết. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Kinh Thánh lưu ý rằng việc quy gán nguồn gốc của sự chết cho tội nguyên tổ không được Cựu Ước nhấn mạnh nhiều. Tư tưởng này chỉ gặp thấy nơi vài đoạn văn mà thôi, đó là St 2,17; 3,19.22-23; Hc 25,24; Kn 2,24. Đọc lại các bản văn Kinh Thánh, ta thấy có những tâm tình khác nhau khi đối diện với cái chết.
Trên nguyên tắc, có lẽ ai cũng muốn sống lâu dài trên mặt đất: tuổi thọ là sự chúc lành của Thiên Chúa (x. Cn 10,27; Tv 91,16). Vì thế các tổ phụ trước lụt hồng thủy sống tới 700 hay 500 tuổi, sau đó thì xuống còn chừng 200 (xem chú giải Sáng Thế 5,1 của Nhóm Giờ kinh Phụng vụ), rồi đến thánh vịnh 90,10 tuổi trung bình là 70 (ai khỏe lắm mới được 80). Thế nhưng sớm muộn gì cái chết cũng đến vì là số phận con người hữu hạn (Hc 41,4; Kn 7,1).
Nói chung, các cụ an phận ra đi khi tới “tròn ngày tháng” (chẳng hạn như cụ Abraham ở St 25,8, cụ Isaac ở St 35, 28-29), chứ không coi đó là án phạt vì tội. Điều làm cho họ đau khổ là khi xuống sheol (âm ty) họ không được ca tụng Chúa nữa và bị Chúa bỏ quên, như chúng ta đã nghiên cứu trong phần Cựu Ước. Mãi tới các thánh vịnh huyền nhiệm thì mới nảy ra hy vọng được về với Chúa.
Câu trả lời không đơn giản. Tin Mừng đã hơn một lần kể lại rằng Đức Giêsu đã bồi hồi thổn thức khi gặp cảnh tang thương, chẳng hạn như khi thấy đám tang của đứa con trai duy nhất của bà góa Nain (Lc 7,13), hoặc đứng trước mồ của anh bạn Ladarô (Ga 11,35). Không rõ lúc ấy Người có coi cái chết như là hình phạt của tội lỗi hay không, nhưng chắc chắn đối với Người cái chết là một thảm hoạ, vì thế Người xúc động mạnh. Tâm tình này lại càng tăng hơn nữa khi Người phải đối đầu với chính cái chết của mình: Người cảm thấy tâm hồn xao xuyến (x. Ga 10,27), cơn xao xuyến làm toát mồ hôi như máu (x. Lc 22,44).
Trong Tân Ước, ta thấy Thánh Phaolô lặp lại tư tưởng của sách Sáng Thế quy gán cái chết như là hậu quả tội lỗi của ông Ađam, ở thư gửi Rôma chương 5 câu 12; nhưng đồng thời, thánh tông đồ cũng nói rằng nhờ cái chết của Đức Kitô mà chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và cái chết.
Đây là điều quan trọng đối với chúng ta là Chúa Giêsu đã mang lại một ý nghĩa mới cho cái chết: từ chỗ cái chết là án phạt của tội lỗi đến chỗ cái chết mang lại ơn cứu chuộc. Trước đây, vì cái chết của ông Ađam là án phạt của tội bất phục tùng; bây giờ cái chết của Đức Giêsu lại là hành vi biểu lộ sự vâng phục Chúa Cha.
Điều này được biểu lộ qua lời nguyện trong Vườn Cây Dầu dựa theo Tin Mừng Nhất lãm (“Lạy Cha, nếu có thể được, xin Cha cất chén này xa con; song xin đừng theo ý con nhưng xin theo ý Cha”) và được khẳng định rõ ràng hơn nữa qua lời tuyên bố được Thánh Gioan ghi lại: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18).
Thánh thi được trích trong thư gửi giáo đoàn Philippê (2,8) nhìn cái chết của Đức Giêsu như một sự vâng lời: “Người đã vâng lời chịu chết, chết trên cây Thập tự”. Cái chết của Đức Giêsu đã biến đổi giá trị của cái chết: nó không còn là bản án của tội lỗi, nhưng nó trở nên hành vi nhân đức đẹp lòng Chúa và mang lại giá trị cứu độ: nhờ cái chết của Người mà nhân loại được giao hoà với Thiên Chúa.
Đặc biệt Đức Kitô đã thắng cái chết nhờ sự phục sinh của Người, mở đường cho nhân loại cũng sẽ thắng cái chết. Dưới ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô, cái chết không còn là “tận cùng” của đời người nữa, mà chỉ là sự “vượt qua”: cái chết trở nên ngưỡng cửa đi vào cõi trường sinh.
Dưới viễn tượng đó, ta có thể hiểu được vì sao sách Khải Huyền ca tụng cái chết như “hồng phúc” (chứ không còn là án phạt vì tội nữa): “Và tôi nghe có tiếng từ trời phán rằng: ‘Ngươi hãy viết: ngay từ bây giờ, phúc thay những người đã chết mà được chết trong Chúa!’ Thần Khí phán: ‘Phải, họ sẽ được nghỉ ngơi, không còn vất vả nhọc nhằn nữa, vì các việc họ làm vẫn theo họ’” (Kh 14,13).
Nên ghi nhận rằng trong Kinh Thánh, sự sống và sự chết không chỉ được hiểu theo nghĩa vật lý hay sinh lý (hiện hữu, tồn tại), nhưng tiên vàn được hiểu theo nghĩa đối thần: sống có nghĩa chia sẻ sự sống với Thiên Chúa; chết có nghĩa là mất tình nghĩa với Thiên Chúa.
Sự sống và sự chết được đánh giá dựa theo mối tương quan của tình thương. Đây là điều mà Chúa Giêsu thường nhắc nhở các môn đệ qua nhiều lối nói nghịch lý. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,24-25).
Thánh Phaolô cũng nói tương tự như vậy: “Đây là lời đáng tin cậy: nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2Tm 2,11). Những lời này không chỉ áp dụng về cái chết thể lý, mà về cái chết luân lý, chết cho tội lỗi và nết xấu, chết cho tính ích kỷ nữa: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Anh em hãy coi mình như đã chết với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu”. (Rm 6,3-4.11; x. Cl 3,1-3).
Một khi đã được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, thì Thánh Phaolô có thể can đảm tuyên bố trong thư gửi các tín hữu Philipphê rằng: “Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết, vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, chết là một mối lợi” (Pl 1,21). Cái chết được coi như mối lợi bởi vì được ở với Đức Kitô.
Trong những câu hỏi vừa nêu lên, cần phải phân biệt hai khía cạnh khi bàn về vấn đề hạnh phúc vĩnh cửu của con người. Một bên là bản chất của hạnh phúc; và một bên là những hình ảnh được dùng để diễn tả cái hạnh phúc đó. Trước hết, chúng ta hãy bắt đầu với khía cạnh thứ nhất: bản chất của hạnh phúc.
Thoạt tiên xem ra đây là một chuyện mông lung xa vời, nhưng nếu xét kỹ ra thì ta thấy rất là cụ thể. Tất cả chúng ta đều mong mỏi được sung sướng. Nhưng mà phải đạt được tiêu chuẩn như thế nào thì mới đáng coi là sướng? Lịch sử của các tôn giáo cho thấy rằng đấy là mối bận tâm chính của con người: làm sao diệt trừ hết mọi nỗi khổ? Làm sao để được sướng mãi?
Khi đi ngược lại lịch sử, ta thấy có sự tiến triển về quan niệm hạnh phúc ở trong Kinh Thánh. Ở những chặng đầu của Cựu Ước, chúng ta thấy các tổ phụ quan niệm hạnh phúc khá đơn giản. Người hạnh phúc là người sống thọ, con đàn cháu đống, của cải sung túc. Chúng ta có thể nhận thấy tư tưởng này phảng phất ở một vài thánh vịnh, tựa như 128 (“Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban”); hoặc thánh vịnh 144 (“Mong đàn con trai ta / mạnh như cây vừa lớn / đang tuổi xuân mơn mởn. Mong bầy con gái ta / đẹp như hình mỹ nữ / khắc trên cột đền đài. Mong sao kho lẫm ta đầy ứ / đủ mọi thứ hoa màu; số chiên cừu tăng lên ngàn vạn / tràn ngập khắp đồng quê”).
Thế nhưng chẳng mấy chốc, người ta thấy rằng con cái và tài sản chưa đủ làm nên hạnh phúc tuyệt đối, bởi vì có nhiều người ăn ngay ở lành mà chưa được hưởng những phúc quả thì đã chết rồi; trái lại có những quân bất lương thì lại sống phây phây, làm ăn phát tài. Từ đó, người ta thấy rằng một điều kiện tất yếu của hạnh phúc là phải bền vững, không bị kết liễu bởi cái chết.
Đúng vậy! Cho dù mình có được vàng bạc chất đống, nhưng mà nếu chết thì đâu còn được hưởng chúng. Vì vậy, cần phải tìm hết mọi cách để kéo dài sự sống ra. Sự sống bất diệt là một điều kiện tiên quyết để được hạnh phúc: cần phải sống thì mới có thể hưởng các thú vui khác được.
Vài tôn giáo đã cố gắng nghĩ ra những bài thuốc tiên, thuốc trưòng sinh. Còn dân Israel thì biết chắc rằng chẳng có thuốc thần diệu nào có khả năng mang lại cho họ sự bất tử. Sự bất tử là một hồng ân mà duy chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban.
Trên thực tế, vào cuối thời Cựu Ước, chúng ta thấy có sự tiến triển về niềm hy vọng nơi dân Israel. Họ không còn đặt hạnh phúc ở nơi con đàn cháu đống hay tài sản phong phú nữa, nhưng họ nhận ra rằng chính Thiên Chúa mới là hạnh phúc của họ. Ta thấy tư tưởng này nơi vài thánh vịnh, tỉ như thánh vịnh 17, câu 11: Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước thánh nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề phai.
Niềm mơ ước được ở kề bên Chúa gắn liền với niềm thâm tín rằng Chúa tín trung với lời giao ước. Chúa không thể nào bỏ rơi các bạn hữu tôi trung của Người. Chúa không thể nào để cho các tôi tớ của Chúa phải bị tiêu tan ra tro bụi, nhưng Người sẽ đem họ về ở kề bên Người.
Trên đây, tôi đã nói là cần phải phân biệt hai khía cạnh khi bàn về hạnh phúc. Một đàng là bản chất của nó. Đàng khác là cách thức diễn tả.
Xét về bản chất, thì như đã thấy, lòng tin của Israel đã tiến triển từ chỗ đặt hạnh phúc nơi con cái và tài sản, tới chỗ đặt niềm hy vọng nơi chính Thiên Chúa, nguồn sự sống. Tân Ước sẽ đào sâu hơn quan niệm đó. Chỉ trong Thiên Chúa con người mới tìm thấy hạnh phúc hoàn toàn.
Hơn thế nữa, con người có thể đạt tới hạnh phúc vừa nói không phải do sự gắng sức của mình mà là do chính Thiên Chúa trao ban. Đó là thực chất của hạnh phúc. Nhưng mà đến lúc diễn tả cái thực chất đó thì Kinh Thánh đã dùng nhiều hình ảnh lấy từ ngôn ngữ quen thuộc.
Trong các dụ ngôn Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng rất nhiều hình ảnh để mô tả hạnh phúc, thí dụ như: anh nông dân khám phá ra kho tàng trong ruộng, ngư phủ đánh được mẻ lưới đầy cá. Có lẽ hình ảnh gây ấn tượng hơn cả là bữa tiệc hay tiệc cưới. Hình ảnh này không những nói lên cảm giác khoái vị mà còn nêu bật bầu khí linh đình vui nhộn khi các thực khách nâng ly trò chuyện với nhau, chả bù cho cảnh của người hẩm hiu ăn cơm nắm muối vừng!
Khi đi giảng cho giới bình dân, Chúa Giêsu dùng những hình ảnh xem ra có vẻ duy vật cho dễ hiểu. Còn khi trình bày cách trang nghiêm hơn, chúng ta thấy những lối diễn tả khác, trong đó có từ ngữ “ngắm nhan Chúa”.
Thí dụ như trong bài giảng trên núi, chân phúc hứa cho những ai có lòng trong sạch là họ sẽ nhìn thấy Chúa (Mt 5,8). Dù sao thì trong Tân Ước, hai đoạn văn cổ điển nhất diễn tả hạnh phúc vĩnh cửu qua việc chiêm ngưỡng Chúa là 1Cr 13,12 và 1Ga 3,2. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô như sau: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi”.
Đến lượt Thánh Gioan Tông Đồ viết trong thư thứ nhất như thế này: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người như thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy”.
Nếu hiểu theo nghĩa đen thì không những là nhìn Chúa chẳng có gì sướng, mà Chúa lại vô hình vô tượng nên chi đâu có mặt để mà nhìn! Vì thế cần phải hiểu theo nghĩa bóng.
Người Do Thái (phần nào cũng như người Việt Nam xưa kia) rất có lòng kính trọng đối với các vua. Thần dân đâu có bao giờ thấy được mặt vua. Chỉ những kẻ thân cận mới có diễm phúc được ở trong cung điện nhà vua, hầu hạ chầu chực vua, được diện kiến nhan vua. Từ tâm thức đó, người ta cũng suy luận về Thiên Chúa, vua cả trời đất. Không có kẻ phàm phu nào được thấy nhan Chúa; mỗi lần Chúa hiện ra thì phải lo chạy trốn ẩn nấp kẻo bị uy nhan chớp loé của Người đè bẹp. Dù biết vậy, nhưng mà con người vẫn khao khát được chiêm ngưỡng nhan Chúa, như chúng ta đọc thấy trong nhiều thánh vịnh: “Lạy Chúa, này đây con đi tìm Chúa, xin hãy tỏ tôn nhan Người cho chúng con... Lạy Chúa xin đừng ẩn mặt nữa, đừng ngoảnh mặt làm ngơ!”.
Việc chiêm ngưỡng nhan Chúa cần phải được hiểu theo nghĩa là được gần kề với Người, được hầu chuyện với Người như thể diện đối diện. Như vậy lối nói “chiêm ngưỡng nhan Chúa” chỉ là một cách thức để diễn tả sự gần gũi thân mật với Chúa. Đó là điều mà Thánh Phaolô và Thánh Gioan muốn nói, khi các Người ví hoàn cảnh hiện tại với hoàn cảnh trong tương lai của người tín hữu.
Ngày nay, chúng ta biết Chúa bằng đức tin; chúng ta mới chỉ nghe được tiếng Chúa từ xa vọng lại. Sau này, chúng ta sẽ biết Chúa cách trực tiếp, diện đối diện. Dĩ nhiên, hạnh phúc vĩnh cửu không phải chỉ hệ tại việc được đưa vào bệ kiến nhan Chúa (được ở gần Chúa) nhưng mà theo lời Thánh Phaolô và Thánh Gioan, chúng ta còn được biến đổi nên giống Người, chúng ta được thông dự vào sự sống sung mãn của Chúa.
Thực vậy, ngoài thành ngữ “chiêm ngưỡng nhan Chúa”, Thánh Gioan thường hay dùng thành ngữ khác nữa để diễn tả hạnh phúc vĩnh cửu, đó là: sự sống, sự sống trường sinh bất diệt, bởi vì được kết hiệp với chính Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống và mọi ưu phẩm khác.
Hiểu như vậy thì chúng ta đừng lo rằng ngắm Chúa mãi e có lúc sẽ chán. Chúng ta sẽ không như tượng đá bất động quỳ chầu Chúa hai mươi bốn giờ một ngày đâu! Không phải thế, chúng ta sẽ được biến đổi nên giống như Chúa (theo như kiểu nói của các giáo phụ Đông Phương). Chúng ta sẽ được hưởng sự sống dồi dào. Sự sống dồi dào bao gồm lòng yêu mến: dĩ nhiên là yêu mến Thiên Chúa với hết cả tâm tình khả năng; thêm vào đó, lại còn yêu mến anh chị em, yêu mến tất cả những ai và những gì Chúa yêu.
Thực vậy, chúng ta đừng quan niệm hạnh phúc mai hậu như một buổi trình diễn văn nghệ, trong đó chúng ta yên lặng chăm chú theo dõi các tình tiết không bao giờ dứt. Không, chúng ta sẽ không làm khán giả bất động như tượng gỗ! Tất cả chúng ta sẽ là những diễn viên nữa của một hoạt cảnh bất tận, không bao giờ nhàm chán. Thánh Augustinô đã diễn tả với lối nói xem ra mâu thuẫn như sau: “thỏa thuê mà không hề đã” (insatiabiliter satiaberis).