Tự nó, luân hồi chỉ có nghĩa là xoay đi trở lại, đi đi về về. Nhưng theo nghĩa chuyên môn của nhiều triết thuyết và tôn giáo, nó ám chỉ vào định mệnh con người, xoay vần từ kiếp này qua kiếp khác.
Tại Việt Nam mình, do ảnh hưởng của Phật Giáo, thuyết luân hồi đã được quảng bá trong tư tưởng, văn chương, nghệ thuật. Hình ảnh cái bánh xe quay vòng đã khá quen thuộc với chúng ta. Những lối nói: “kiếp trước, kiếp sau” cũng thường hiện ra trên cửa miệng của các câu chuyện hàng ngày.
Thậm chí trong kinh nguyện Công Giáo, người ta thấy tiếng vang của nó qua thành ngữ “đời đời kiếp kiếp chẳng cùng”, ra như chấp nhận có nhiều kiếp sống, trong khi mà theo mặc khải Kitô Giáo, mỗi người chỉ có một kiếp sống mà thôi. Đối lại, thuyết luân hồi nói rằng có nhiều kiếp sống, hết kiếp này lại sang kiếp khác.
Thực ra, ngoài tiếng “luân hồi”, triết học và thần học còn gọi nó bằng những tên khác nữa, tỉ như: “re-incarnation”, tái Nhập Thể, nghĩa là sau một kiếp sống, hồn lại Nhập Thể, đầu thai vào cái xác khác nữa; hoặc tiếng “transmigration”, có nghĩa là hiện tượng hồn chuyển từ xác này qua xác nọ; còn tiếng “metempsycose”, thì thêm ý nghĩa thụt lùi, giáng cấp sau mỗi lần đầu thai, tỉ như kiếp này làm người, kiếp sau làm súc vật, kiếp nữa làm cây cỏ.
Sở dĩ có nhiều danh từ như vậy là vì có rất nhiều thuyết luân hồi, chứ không phải chỉ có một thuyết. Và chúng ta nên nhấn mạnh rằng ở Việt Nam, chúng ta chịu ảnh hưởng của Phật Giáo, nên chúng ta tưởng rằng nói đến luân hồi tất là nói đến chuyện đầu thai giáng cấp: ai làm quấy quá ở kiếp này, thì kiếp sau xuống làm súc vật để đền tội. Ở Hy Lạp, Platon cũng nói đến chuyện đầu thai làm súc vật để đền tội.
Không hoàn toàn như vậy, nhiều khi làm người còn khổ hơn. Tôi còn nhớ một bài thơ học thuộc lòng cách đây hơn ba chục năm, hình như của Nguyễn công Trứ “kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Dù sao, như đã nói trên, nhiều thuyết luân hồi không chấp nhận việc giáng cấp như vậy, nhưng chủ trương rằng ở kiếp sau hồn con người lại đầu thai vào cái xác khác để làm người mà thôi.
Cái đó tùy. Xét vì mục tiêu của vòng luân hồi là để thanh tẩy, luyện lọc con người, thì bao lâu chưa được luyện xong thì cứ đầu thai hoài. Dĩ nhiên, nói đến thanh luyện thì chúng ta nghĩ ngay đến những tội ác: tà dâm, cướp của giết người, vân vân.
Nhưng Ấn Giáo còn đi xa hơn nữa: nó đòi hỏi phải thanh luyện chính cái sự ham sống, cho đến khi nào giác ngộ rằng cuộc sống là hư ảo, và chỉ có một thực tại duy nhất là Brahman, Đại Ngã, hoặc Đại vũ trụ.
Mặc khác, bên Tây Phương, có nhiều thuyết luân hồi nhấn mạnh đến chỗ hoàn thiện hơn là chỗ thanh luyện; nói khác đi, mục đích của các kiếp luân hồi không phải để đền tội, nhưng là giúp cho con người đạt đến cõi tiên.
Thuyết luân hồi đi ngược với đức tin Công Giáo: chúng ta tin rằng mỗi người chỉ có một kiếp sống ở trần gian. Sau khi chết, chúng ta sẽ sang thế giới vĩnh cửu, chứ không có dịp để trở về dương thế này nữa.
Thực ra, đây không phải chỉ là mặc khải của Kitô Giáo, nhưng có thể dùng lỳ trí để suy ra. Thực vậy, thuyết luân hồi giả thiết rằng có một chuỗi sống liên hệ với nhau, từ kiếp này sang kiếp khác. Nhưng trên thực tế, có ai ý thức sự liên tục ấy? Có ai nhớ mình đã làm gì, đã ăn ở ra sao ở kiếp trước, để rồi phải đoạ đày xuống kiếp này? Nếu mình không nhớ tội mà mình đã phạm trong kiếp trước, thì làm sao mà nói đến chuyện đền tội được?
Xét tự nó, thì thuyết luân hồi không thể chấp nhận được, bởi vì không có bằng cớ. Như đã nói, chúng ta chẳng có ý tưởng gì về kiếp trước của mình cả. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đi sâu hơn để tìm hiểu: tại sao nảy ra thuyết luân hồi?
Chúng ta có thể thấy hai câu trả lời. Thứ nhất đối với các thuyết luân hồi phát sinh ở Ấn Độ, thì ta thấy họ quan niệm vũ trụ như một bánh xe tự chuyển động: các công việc tiếp nối nhau như nhân quả. Chúng ta không thấy hình dáng của Thiên Chúa trong đó, không có ai cầm cân nảy mực, ấn định công tội, thưởng phạt. Bởi vậy, các công việc cứ móc nối nhau, tựa như vòng xiềng không gỡ ra được.
Ngược lại, theo quan điểm Kinh Thánh Kitô Giáo, ngoài việc tin tưởng có một Thiên Chúa đấng phán xét thưởng phạt con người, chúng ta lại còn tin rằng vũ trụ này có lúc khởi nguyên (tức là tạo dựng) và có lúc kết thúc (gọi là cánh chung).
Nói cách khác, thời gian không phải là cái vòng bánh xe quay tròn, nhưng là một con đường thẳng có đầu có đuôi. Do đó, chúng ta thấy rằng thuyết luân hồi phát xuất từ một quan điểm về vũ trụ và thời gian khác hẳn với quan điểm của Kitô Giáo: khi không có Đấng Tạo Hóa làm căn nguyên và cứu cánh của mọi sự vật, thì các vật cứ quay cuồng quanh nhau bất tận.
Theo tôi nghĩ, thì ngoài nguồn gốc phát sinh từ quan niệm về vũ trụ và thời gian, chúng ta có thể thêm một lý do khác nữa, đặc biệt khi xét tới các thuyết luân hồi phát sinh bên Âu Châu: đó là họ muốn tìm ra một giải đáp cho vấn đề thưởng phạt, công tội.
Cần phải tìm ra câu trả lời cho câu hỏi sau: tại làm sao mà có người sinh ra gặp đủ mọi thứ hoạn nạn? Tại sao có những người sinh ra ngu đần tàn tật? Họ có tội lỗi gì mà chịu đày đoạ như vậy? Theo họ, chỉ có thể tìm câu trả lời ở chỗ tại vì những người ấy đã phạm tội ở kiếp trước, nên kiếp nay phải chịu những xúi quảy ấy để mà đền tội.
Từ đó, họ mở rộng nhãn giới đến toàn thể vấn đề cánh chung, với lập luận như thế này: Không lẽ mình trót dại phạm tội trong chốc lát, mà rồi phải chịu phạt đời đời trong hỏa ngục sao? Chúa đâu có bất công như vậy. Chính vì vậy, mà họ nghĩ rằng thuyết luân hồi xem ra hợp lý hơn, nghĩa là những ai chưa được sạch tội, thì sẽ đầu thai vào kiếp khác, cho đến khi nào sạch hết tội thì sẽ được vào thiên đàng. Nói khác đi, luân hồi là một cơ hội để con người lập công chuộc tội.
Thoạt tiên thì xem ra đúng như vậy đó; giống như kiểu khi mình đi thi mà rủi rớt ở khóa này, thì ông giám khảo tử tế cho mình thi vớt ở khóa sau vậy. Thế nhưng, không thấy ở đâu trong mặc khải nói rằng lỡ mà mình có rớt ở kiếp này thì sẽ được phép thi lại ở kiếp sau cả.
Trên thực tế, có lẽ không ai trong chúng ta đã nhớ rằng mình đã rớt ở kiếp trước, để rồi từ đó chịu khó học lại để chuẩn bị cho khóa tới. Mặt khác, nếu phân tích kỹ hơn thì ta sẽ thấy lối lập luận như vậy không làm nổi bật khuôn mặt nhân từ của Chúa, mà ngược lại là đàng khác.
Họ ví Chúa như một giám khảo vừa khắc nghiệt vừa bí hiểm. Mình đã học hành chăm chỉ suốt đời, chẳng may đến lúc vào trường thi cuống quá, quên mất mấy chữ, thế là bị đánh rớt luôn, và rồi phải về nhà học lại chờ khóa tới thi lại. Thử hỏi ông giám khảo như vậy khoan dung hay khắc nghiệt? Tại sao ông không để ý đến tất cả công lao khó nhọc của mình suốt năm, mà chỉ xét tới bài làm ở trường thi thôi? Công bằng ở đâu?
Hơn thế nữa, người ta sẽ rơi vào quan niệm cuộc sống như canh bạc, phó mặc cho may rủi; hay nói đúng hơn, Thiên Chúa chơi trò ú tim, không biết đâu mà lường được: mình có gắng ăn ngay ở lành suốt đời mấy đi nữa, chẳng may lúc gần chết có trót dại, thì coi như đi đong hết. Những hình ảnh về Thiên Chúa như vậy quả là không hợp với mặc khải Kitô.
Quả là Thiên Chúa là thẩm phán chí công. Nhưng điều đó không có nghĩa là Người độc đoán, khắc nghiệt, lên án bừa bãi tùy theo hứng. Trái lại, khi nói rằng Thiên Chúa công bằng thì ta hiểu rằng phán quyết của Người công minh; Người xét tới khả năng, thiện chí, cố gắng của ta nữa, kể cả những trường hợp yếu đuối, lực bất tòng tâm, muốn mà không thực hiện được.
Dù sao, ta đừng quên một điều quan trọng này. Trong các toà án ở đời này, thì bản án chỉ có thể hoặc là phạt hay là tha bổng, chứ không ai nói đến chuyện toà án thưởng cả. Ngược lại, khi Kinh Thánh nói đến toà xét của Chúa thì vấn đề phần thưởng được đặt ra: Chúa làm quan toà để thưởng chứ không phải để phạt mà thôi.
Dù sao đi nữa thì đó chỉ là một hình ảnh mà thôi. Tôi nghĩ rằng sự thực hơi khác. Lý do tại vì nói cho cùng thì bản án do chính chúng ta quyết định, chứ không cần Thiên Chúa tuyên nữa.
Thực vậy, theo Phúc âm Thánh Gioan, thì chính con người quyết định số phận của mình khi chấp nhận Thiên Chúa hay không. Chúa Giêsu đã nói nhiều lần rằng Người đến không phải để xử án hay để luận phạt, bởi vì chính con người tự xử án mình khi tin hay không tin Lời Người (Gn 3, 17-19; 5,24; 12, 47-48). Còn ta đã biết cảnh phán xét mà thánh Mátthêu tả ở chương 25, vận mạng của chúng ta do chính chúng ta quyết định, khi mà chúng ta đón tiếp hay từ chối Đức Kitô nơi người nghèo, người đói khát, trần truồng, đau ốm, bệnh tật, vân vân. Bản án do chính chúng ta thảo ra.
Cần phải tách rời hai câu hỏi, bởi vì mỗi câu hỏi bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Câu hỏi thứ nhất là việc các linh hồn hiện về.
Trên nguyên tắc, thì vấn đề có thể xảy ra, và chắc chắn đã xảy ra. Chúng ta tin rằng sau khi chết, thì thân xác tan ra bụi tro, nhưng linh hồn thì bất tử. Thế nhưng các linh hồn ấy đi đâu, thì ta không thể quả quyết được, xét vì khái niệm nơi chốn chỉ áp dụng cho các vật thể có trương độ; còn hồn thiêng thì không có hình thể cao thấp lớn nhỏ, rộng hẹp, vì vậy mà cũng không có chiếm chỗ gì hết; bởi vì vậy chúng ta khó có thể hình dung họ đi đâu, ở chỗ nào. Một khi đã không biết hồn đi đâu thì cũng chẳng thể nói rằng họ từ đâu hiện về! Đó là nói theo lý luận thuần túy.
Khi đọc lịch sử Giáo Hội, chúng ta có nghe kể chuyện các linh hồn hiện về, và dĩ nhiên trong đó cũng bao gồm cả các thánh nữa. Những tích ấy đã nghe thuật nhiều lần, với những chứng nhân thuộc nhiều nơi nhiều thời, khiến cho chúng ta có thể tin rằng việc ấy có thật.
Đàng khác, chúng ta tin rằng quyền năng của Chúa có thể cho phép các linh hồn hiện về với một mục đích gì đó. Tuy nhiên, đến đây chúng ta vẫn còn đứng trên phạm vi lý thuyết. Thực vậy, khi đi vào từng trường hợp cụ thể, thì chúng ta gặp rất nhiều vấn nạn. Tỉ như: khi người nào đó quả quyết rằng họ thấy linh hồn nào đó hiện về, thì có thật là họ thấy hay không, hay là do trí tưởng tượng, hoặc là đang mơ.
Tâm lý học thuật lại những trường hợp mà một người mới mất một người thân (mất cha, mẹ, vợ chồng gì đó), thì hình ảnh của người ấy gắn vào tâm trí quá mạnh đến nỗi họ tưởng như còn lảng vảng bên họ. Đi thêm một bước nữa, chúng ta có thể đặt tiếp câu hỏi: giả như họ thấy linh hồn thực, chứ không phải do ám thị hay giấc mơ, thì cái hình dung mà họ thấy có thật là của linh hồn hay là cái gì khác?
Câu hỏi này được gợi lên bởi vì chúng ta quan niệm rằng hồn thiêng, thì làm sao mà có hình dong mặt mũi nữa. Vậy thì cái mà ta thấy là cái gì? Tôi nghĩ những câu hỏi đó cũng có thể được đặt ra một cách tương tự mỗi khi có người nói rằng họ thấy Đức Mẹ hiện ra. Không ai chối cãi sự kiện Đức Mẹ hiện ra cả. Nhưng hiện ra như thế nào? Tại sao hình dáng và khuôn mặt của người mỗi nơi một khác: ở La Salette thì khác, ở Lộ đức thì khác, ở Fatima thì khác? Chắc chắn là không ai dám nói rằng tại vì Mẹ đã cải trang. Vậy thì chỉ có cách trả lời là tại chúng ta hóa trang cho Mẹ, nghĩa là tô vẽ cho Người dung nhan theo óc tưởng tượng của mình.
Chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi tương tự như vậy cho những ai quả quyết rằng họ thấy Chúa Hài đồng hiện ra. Có thể là Chúa đã hiện ra thật, nhưng chắc chắn rằng Người không thể nào trở lại trạng thái của một trẻ thơ được nữa. Cái hình ảnh hài nhi mà họ thấy thì hoặc là do óc tưởng tượng của họ hoặc là cái gì khác, chứ không phải là chính thân xác của Đức Kitô, đã Phục Sinh và đang ở trong vinh quang.
Câu hỏi này cũng bao gồm rất nhiều khía cạnh. Trước hết là dưới khía cạnh khoa học: có thể dùng một kỹ thuật, một phương pháp nào đó để gọi hồn hay không? Thứ đến là khía cạnh thần học, cách riêng là thần học luân lý: người Kitô có được phép xử dụng phương pháp hay kỹ thuật ấy để gọi hồn không? Chúng ta bắt đầu bằng khía cạnh khoa học trước.
Ngay từ xưa lắm rồi, chúng ta đã thấy tập tục gọi hồn, đồng bóng ở nhiều nơi, kể cả ở dân Israel. Nhưng vào thời đại chúng ta, nó trở thành một phong trào, một học thuyết nếu không nói là một tôn giáo, được trình bày bởi Allan Kardec. Ở Việt Nam, nếu tôi không lầm thì kỹ thuật này được du nhập và quảng bá qua Hội Thông Thiên học và phần nào qua đạo Cao đài.
Allan Kardec tên thật là Léon Hippolyte Rivail người Pháp (1804-1869) xuất bản cuốn sách “Livre des Esprits”, trong đó ông thuật lại khám phá của ông, và đồng thời phát biểu lý thuyết cũng như kỹ thuật để thông đạt với các hồn. Tưởng nên biết là ông ta dùng tiếng “esprit” chứ không phải là “âme” để chỉ các hồn.
Theo ông ta, con người được gồm nên bởi ba yếu tố: ngoài hồn và xác ra, yếu tố thứ ba gọi là “tinh xác”, một thứ thể chất tinh vi kết tụ từ những năng lực trong vũ trụ. Nó là hợp thể, trung gian giữa xác (chất thể), và hồn (thiêng liêng). Khi chết, thì thể xác tan rã, còn cái hồn tồn tại và mặc lấy hình thù của cái “tinh xác” ấy và đi lảng vảng trong vũ trụ. Vì vậy mà mình có thể gọi nó hiện về, đại khái như chúng ta bật radio để bắt các làn sóng phát thanh trên khí quyển vậy.
Kỹ thuật gọi hồn được thực hiện qua những buổi hội cầu cơ. Vấn nạn, xét về phía khoa học được đặt ra như sau: cái mà người ta gọi là hồn hiện về có thực như vậy hay không, hay chỉ là chuyện xạo, đặt ra để lừa thiên hạ? Bao nhiêu đồng bóng đã tự thú là họ lường gạt kiếm tiền, tựa như Dunglas Home, Kate và Margaret Fox. Giả như những tiếng động hoặc những di chuyển có thực đi nữa, thì có phải là hồn thiêng hiện về hay không, hay là do ám thị, vô thức, linh tính, trực giác, hay một tài năng phi thường nào đó mà khoa hoc còn đang tìm tòi (khoa học gọi là parapsychologie, hay metapsychique).
Dưới khía cạnh thần học thì việc gọi hồn là một điều cấm. Ngay từ Cựu Ước, tục lệ gọi hồn đã bị cấm rồi, như chúng ta đọc thấy ở sách Levi 19,31; 20,6; Đệ Nhị Luật 18, 10-14; Isaia_8,19. Còn trong Kitô Giáo, việc cấm gọi hồn được nhắc lại nhiều lần; mới đây trong sách Giáo Lý chung số 2117, trong những tội nghịch với điều răn thứ nhất.
Dĩ nhiên ta có quyền hỏi: tại sao mà cấm? Tại vì đó là chuyện nhảm nhí, xảo trá? Hay tại vì lý do nào khác.
Theo các nhà thần học, Giáo Hội không muốn lên tiếng về khía cạnh khoa học, nghĩa là những kỹ thuật gọi hồn có hữu hiệu hay không, hay chỉ là trò xảo trá.
Thực ra trong lịch sử, các nhà thần học đã tranh luận về biến cố tả ở sách thứ nhất Samuel, chương 28. Hôm ấy vua Saul bị lâm vào ngõ bí trong cuộc chiến với quân Philistin. Vua cầu xin Chúa, Chúa không trả lời. Ngôn sứ Samuel thì đã qua đời. Không còn biết hỏi ai, vua tàng hình ban đêm đi hỏi bà đồng bóng. Lúc đầu bà rất do dự, bởi vì lúc đó chính Saul đã triệt để nghiêm cấm việc chiêm hồn trong cả nước, bà sợ mấy ông khách là công an chìm đi lùng; mãi đến khi họ thề nhân danh Chúa thì bà mới dám nhận. Bà kêu hồn ông Samuel, và hồn Samuel hiện về. Lúc ấy bà mới bật ngửa ra vì biết người khách tàng hình chính là vua Saul.
Như đã nói, các nhà thần học đã tranh luận với nhau rất nhiều về vấn đề này. Người thì bảo rằng bà đồng bịa ra hồn ông Samuel, chứ làm gì có; người khác thì bảo là ma quỷ hiện về; người khác nữa thì nói rằng Chúa cho phép ông Samuel hiện về để thực hiện chức vụ ngôn sứ kể cả sau khi qua đời. Gần đây, các nhà chú giải cho rằng đây chỉ là một truyền tụng bình dân để giải thích lý do vì sao mà Saul bị Chúa bỏ rơi và chết cách bi thảm như vậy. Chúng ta có thể đọc thấy lời giải thích ấy trong đoạn chú dẫn Kinh Thánh của cha Nguyễn thế Thuấn.
Sau cùng, người ta cũng nhận thấy rằng trong nguyên bản Do Thái, cái mà bà đồng thấy được tả như là “ob”, một danh từ khác với những danh từ để tả linh hồn, có lẽ để nói rằng nó là cái gì đó, chứ không phải là hồn của Samuel.
Trở lại với vấn đề về những lý do tại sao Giáo Hội cấm những chuyện gọi hồn, ta có thấy có nhiều lý do lắm, thuộc về phương diện tín lý, luân lý và mục vụ.
1/ Dưới khía cạnh tín lý, việc cầu cơ dựa trên những giả thiết về số phận linh hồn không hợp với đạo lý Công Giáo. Họ nói rằng sau khi chết linh hồn còn lảng vảng trên không trung, và có thể đầu thai sang kiếp khác, hoặc nhập vào một cái hình bóng nào đó. Cũng trên khía cạnh tín lý, người tham dự các buổi cầu cơ trông mong nhận được một thứ mạc khải nào đó; như vậy là họ muốn dựa lòng tin của họ nơi cái gì khác nữa, ngoài mạc khải của Đức Kitô được truyền lại cho chúng ta qua Thánh kinh trong Giáo Hội.
2/ Còn xét dưới phương diện luân lý, việc cầu cơ đi ngược với nhân đức thờ phượng; xét vì họ muốn bắt Chúa phải nghe lời họ mỗi khi họ gọi; họ biến Chúa thành một thứ máy móc dưới sự điều khiển của họ. Đàng khác, tuy xem ra họ muốn điều khiển thần linh, nhưng trên thực tế không rõ ai điều khiển ai, họ đang điều khiển thần linh hay chính họ đang bị điều khiển? Bởi vì cái mà họ gọi là hồn hiện về, có thể chỉ là ám thị, nhưng cũng có thể là ma quỷ. Và chúng ta biết chơi với ma quỷ thì chẳng có lợi lộc gì.
3/ Dưới khía cạnh mục vụ, tuy rằng Giáo Hội không muốn lên tiếng về sự hư thực của các kỹ thuật cầu cơ (nghĩa là cầu cơ như vậy có thật là gọi hồn hay là do ám thị), nhưng việc tham dự những buổi hội ấy mang lại những hậu quả tai hại cho sức khoẻ thần kinh và tâm lý.
Bầu khí của những buổi hội gây ra những cảm xúc có thể đứng tim, và về lâu về dài, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thần kinh. Đó là chưa kể cái thái độ mà việc thực hành cầu cơ sẽ tạo ra cho con người: nghĩa là thái độ không dám đương đầu với thực tại; không dám dùng lý trí để mà phân tích tình hình; mà chỉ tin vào những ám thị vu vơ, và như vậy nó sẽ tạo ra một thứ mù quáng không chịu mở mắt để nhìn vào thực tại trước mắt, mà chỉ tin vào những sứ điệp nhận thấy trong đêm khuya.
Có chứ. Qua tín điều “sự thông hiệp giữa các thánh”, chúng ta, những người còn lữ hành, giao liên với những anh chị em qua đời trong đức tin, đức cậy và đức ái. Thực vậy, chúng ta tin rằng họ còn sống, an nghỉ trong Chúa; chúng ta hy vọng rằng họ cầu nguyện cho chúng ta và chúng ta cầu nguyện cho họ; chúng ta cũng hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp lại họ. Và nếu Chúa cho phép, họ có thể hiện về với chúng ta; nhưng chúng ta không dùng ma thuật để bắt họ về.
Trong dòng lịch sử của Giáo Hội, đã có rất nhiều lần người ta tiên đoán là tận thế sắp kề. Ngay từ thời các thánh Tông đồ, nhiều người tin rằng Chúa Giêsu sắp trở lại, và rồi họ khoanh tay đứng chờ, không chịu làm ăn, khiến Thánh Phaolô phải cảnh cáo họ.
Vào thời Trung Cổ, nhiều người tin rằng tận thế sẽ đến vào năm 1000, vì dựa vào đoạn sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông Đồ nói đến ngàn năm thái bình thịnh vượng. Đó là chưa kể những vị thánh không ngừng đi hô hào dân chúng cải thiện, vì ngày tận thế đã gần kề; nổi tiếng hơn cả là Thánh Vinhsơn Ferrer: Người đã làm nhiều phép lạ để củng cố lời quyết đoán của người. Thiết tưởng cũng đừng nên quên là thánh nhân sống vào thời buổi đen tối nhất của Giáo Hội, với hai ba Giáo hoàng một lúc, và ông này tố ông kia là Quỷ Vương.
Tuy nhiên, vào thời đại chúng ta, những lời tiên báo về ngày tận thế không phải được nghe thấy trong các bài giảng ở nhà thờ cho bằng qua bao nhiêu lời sấm ngôn, thuộc nhiều giáo phái khác nhau. Vì vậy mà người tín hữu thấy hoang mang. Phải chăng Giáo Hội giấu giếm sự thực? Nếu có bao nhiêu sấm ngôn thuộc nhiều giáo phái khác nhau nhưng đều trùng hợp vào việc loan báo ngày tận thế gần kề, thì chẳng phải là dấu đáng tin hay sao?
Ở Âu Châu và Bắc Mỹ, có phái “chứng nhân Giêhôva” do ông Charles Russell lập ra năm 1874, đã nhiều lần loan báo ngày tận thế sẽ xảy ra vào chính năm 1874; nhưng sau đó bị thụt lùi lại vào năm 1914, rồi đến 1925, 1975, 1996. Dĩ nhiên, vì những lời tiên báo ấy cứ thụt lùi hoài nên không mấy ai tin nữa.
Tuy nhiên, có những lời sấm khác xem ra nghiêm chỉnh hơn, xét vì đã viết từ lâu đời và đã nhiều lần ứng nghiệm. Đứng đầu phải kể đến ông Nostradamus. Michel de Nostredame là một người Do Thái trở lại Công Giáo, sống vào thế kỷ XVI (1503-1566), tuy là bác sĩ y khoa, nhưng nổi tiếng về những tập sấm ký dựa trên việc chiêm tinh, trong một tập thơ dài 4722 câu, trong đó ông đoán những biến cố sẽ xảy ra từ năm 1555 đến năm 2000.
Theo ông (hay đúng hơn, những người chú giải các sấm ký của ông), thì năm 1999 sẽ bắt đầu thời đại quỷ vương, con của một nhà sư Phật Giáo. Trước đó, sẽ có nhiều điềm báo: một thành phố ở Tây Nam nước Pháp bị dội bom, Đức Giáo Hoàng bị ám sát ở Lyon, tả phái lên nắm quyền ở Pháp, thành phố Paris bị thiêu rụi. Chưa hết, nước của quỷ vương sau đó còn mang theo nhiều khóc hại hơn nữa: thế giới cộng sản bị sụp đổ, nước Nga bị quân Hồi Giáo xâm chiếm, quân Mỹ đổ bộ lên Italia, đại chiến thứ ba bùng nổ. Tất cả sẽ kéo dài tới năm 2026.
Nhưng cũng có những lần tiên đoán trật lất. Tỉ như cách đây 5 năm, khi Đức Gioan Phaolô II đi Lyon nhân dịp kỷ niệm bách chu niên Thánh Gioan Vianney, người ta lo là người sẽ bị ám sát, theo lời sấm của Nostradamus, nhưng rồi khộng có gì xảy ra cả. Xin nhắc lại là đa số những lời tiên đoán trên đây là do những người tán giải những câu vè của Nostradamus, vì những lời vè ấy bí ẩn, có thể giải thích nhiều cách, tựa như sấm Trạng Trình bên Việt Nam mình vậy.
Chúng ta đừng lầm tưởng Malakia với sứ ngôn trùng tên trong Cựu uớc. Malakia là tên một thầy dòng người Ailen thuộc thế kỷ XII (1094-1148). Tuy nhiên, mãi tới cuối thế kỷ XVI (1595), mới xuất hiện một tập sách tên là “những lời tiên tri của Malakia”, trong đó có một danh sách các Giáo hoàng tới năm 2000: mỗi vị được gán một tước hiệu.
Tỉ như đức Phaolô VI, gọi là “hoa các hoa” (người ta chú giải là trên huy hiệu của người có 3 chiếc hoa huệ). Kế đó Đức Gioan Phaolô I gọi là “nửa vầng trăng”, và có người tán ra rằng người trị vì không quá hai tháng, tức là hai tuần trăng. Đức đương kim Giáo hoàng được gọi là “vất vả mặt trời”; có lẽ vì làm việc và chu du quá sức chăng. Dù sao thì kế đó chỉ còn có hai giáo hoàng nữa: một vị là “vinh quang của ngành oliva”, tiếp theo là “Phêrô người Roma”, người sẽ cai quản đàn chiên giữa trăm ngàn thử thách. Kế đó, thành phố Rôma sẽ bị tiêu diệt, và Chúa Giêsu sẽ trở lại phán xét thế gian.
Không nói chị cũng biết, xem ra lời sấm này có vẻ đáng sợ hơn cả: tại sao Malakia không kéo dài danh sách các Giáo hoàng chừng độ vài chục vị nữa cho mình đỡ lo?
Cần phải phân biệt Kinh Thánh với các lời chú giải Kinh Thánh. Kinh Thánh có nói nhiều lần về ngày tận thế, nhưng với một thể văn riêng biệt, mà Chúa Giêsu và các tông đồ hiểu, nhưng đối với chúng ta lại trở thành bí hiểm.
Lấy một tỉ dụ cụ thể: trong Phúc Âm, có những đoạn tả cảnh tận thế dựa từ những hình ảnh của cảnh tàn phá thành phố Giêrusalem, thì dĩ nhiên là tác giả chỉ muốn cho chúng ta hình ảnh của sự tàn phá tiêu điều, chứ không nói hết tất cả chi tiết của ngày tận thế...
Một thí dụ khác nữa, khi Phúc Âm nói đến cảnh long trời lở đất (tựa như lúc Chúa Giêsu tắt hơi trên thập giá), thì không hẳn là phải hiểu theo nghĩa đen. Hình ảnh ra như chỉ muốn nói rằng với việc Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, một trang sử cũ đã được lật qua; một kỷ nguyên mới bắt đầu.
Dù sao, ngày nay, khi bàn đến ngày tận thế, có hai khía cạnh cần phân biệt: thứ nhất, về thời gian; thứ hai, về bản chất của nó.
Đúng như vậy. Các môn đệ đã hỏi Chúa Giêsu, và Người đáp: “không ai biết được ngày giờ” (Mt 24,36). Thánh Phaolô cũng lặp lại như vậy, chẳng hạn trong thư thứ hai gửi tín hữu Têsalônica, chương 2 câu 1-3.
Tuy nhiên, trong lịch sử, nhiều người đã cố gáng phân tích các bản văn Phúc Âm, đặc biệt là chương 13 của Thánh Marcô và chương 24 của Thánh Matthêu, để tìm hiểu những dấu hiệu loan báo ngày tận thế sắp tới. Và họ đã vạch ra 7 dấu hiệu sau đây: 1) Sự xuất hiện của các tiên tri giả. 2) Giặc giã nổi lên. 3) Thiên tai động đất, đói kém. 4) Các Kitô Hữu bị bách hại. 5) Sự dữ lan tràn. 6) Phúc Âm được loan truyền khắp thế giới. 7) Mặt trời tối sầm, mặt trăng bớt sáng, sao trên trời sa xuống.
Tuy nhiên những dấu hiệu này xảy ra như cơm bữa, thời nào mà chẳng có sự dữ, chiến tranh, loạn lạc. Còn dấu hiệu cuối cùng, về việc xáo trộn mặt trời mặt trăng, thì như đã nói, có lẽ là một thể văn mà các học giả gọi là “khải huyền”.
Theo nguyên ngữ, khải huyền có nghĩa là mặc khải, tỏ lộ, vén lên tấm màn che khuất. Trên thực tế, đây là một thể văn xuất hiện từ thế kỷ II trước Chúa Giáng sinh.
Nhằm củng cố đức tin của những tín hữu đang bị bách hại, một số văn gia đã sử dụng đến thể văn này, dưới nhiều hình tượng bóng bảy, nhằm nói lên niềm xác quyết rằng Thiên Chúa sẽ chiến thắng các lực lượng của sự dữ, sau một thời gian bọn này vùng vẫy tác yêu tác quái.
Thánh Gioan cũng sử dụng đến thể văn đó để trấn an các Kitô Hữu bị bách hại dưới triều vua Đômixianô, khoảng năm 95. Theo nhiều học giả Kinh Thánh, sách Khải Huyền của Thánh Gioan không nói đến tận thế cho bằng sự chiến thắng của Đức Kitô là điều đã diễn ra trong lịch sử rồi.
Chúng ta nên phân biệt những quan điểm khác nhau về tận thế. Dưới khía cạnh thuần túy triết học và khoa học, thì vũ trụ vật chất này sẽ không thể tồn tại mãi mãi được. Số năng lượng của vũ trụ rồi sẽ tiêu tan: một số nhà bác học tiên đoán rằng tận thế sẽ đến như băng giá, khi mà năng lượng hết đi. Tuy nhiên, hiện tượng ấy có phải cả mấy ngàn năm nữa mới đến.
Còn Kinh Thánh trình bày tận thế dưới một khía cạnh khác. Điểm chính không hệ tại sự tiêu hủy của vũ trụ cho bằng việc thiết lập Nước của Thiên Chúa, trong đó không còn vết tích của tội lỗi, sự dữ, đau khổ, bệnh tật nữa. Giao điểm giữa thế giới hiện tại với thế giới tương lai được gọi là tận thế. Việc chuyển tiếp ấy sẽ diễn ra thế nào, thật khó mà nói được.
Đôi khi, vì muốn nhấn mạnh đến sự tiêu diệt tội lỗi và sự dữ mà thế giới hiện tại đang mắc phải, người ta dùng đến hình ảnh của sự tận hủy: mọi vết tích của thế giới cũ sẽ bị càn quét hết, ngõ hầu nhường chỗ cho trời mới đất mới. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hỏi: không lẽ thế giới này hoàn toàn xấu xa nhơ nhớp, cần phải tiêu diệt hoàn toàn hay sao? Không có cái gì tốt đáng duy trì hay sao?
Một số nhà thần học cho rằng, dĩ nhiên thế giới hiện tại cần được thanh luyện, nhưng Thiên Chúa sẽ không hủy hoại hoàn toàn thế giới hiện tại. Những mầm mống của sự thiện trong hiện tại đã do chính bàn tay Chúa tạo thành và cứu chuộc thì sẽ được duy trì và kiện toàn. Những giá trị luân lý, tựa như công bình, tự do, và nhất là đức ái sẽ tồn tại. Điều đó khiến cho chúng ta không há miệng ngồi chờ. đợi ngày tận thế trong nơm nớp lo sợ, nhưng chúng ta cố gắng chuẩn bị ngày tận thế, bằng cách chuẩn bị kiến tạo một thế giới mới, nhân đạo hơn, đầy tình người hơn.
Dù nói thế nào đi nữa về sự tồn tại của thế giới hiện tại trong thế giới mai hậu, người tín hữu Kitô biết rằng Kinh Thánh không chỉ trình bày ngày tận thế như là biến cố khủng khiếp vì mang theo sự phán xét. Kinh Thánh còn trình bày ngày ấy như là ngày giải phóng, khỏi lòi tói của tội lỗi, bệnh tật, chết chóc, tang thương, sầu muộn. Hơn thế nữa, ngày ấy còn là ngày vui mừng, vì được hội ngộ với Đức Kitô, và với những người thân yêu. Ngày ấy sẽ là khởi điểm của một kỷ nguyên mới, trời mới, đất mới; ngày mà nhân loại được chia sẻ hoàn toàn vào hạnh phúc với Đức Kitô Phục Sinh. Giáo Hội khao khát cho ngày ấy mau tới, khi thúc giục chúng ta khẩn khoản cầu xin: “Lạy Chúa Kitô, xin mau đến. Lạy Cha, xin mau mau thiết lập Nước Cha”.