Khi mà nói đến Tết, chúng ta cần phải phân biệt ít là 2 nghĩa. Một nghĩa là ngày đầu năm; và chúng ta thường nghe nói “Tết dương lịch - Tết âm lịch”, nghĩa là đầu năm dương lịch hay âm lịch. Nghĩa thứ hai thì rộng hơn, áp dụng cho nhiều lễ hội trong năm, thí dụ: Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu.
Theo một vài học giả, chữ “Tết” bắt nguồn từ chữ “Tiết”; và một năm có tứ thời bát tiết, vì vậy mà có nhiều ngày Tết. Chúng ta tạm gác lại chuyện Tết theo nghĩa thứ hai, mà chỉ dừng lại ở nghĩa thứ nhất, nghĩa là ngày đầu năm.
Thoạt tiên, xem ra câu hỏi “Một năm có mấy lần Tết” rất dễ trả lời, và đã được trả lời rồi: một năm có hai ngày Tết: Tết dương lịch và Tết âm lịch. Nhưng mà nếu ai muốn đi sâu vào vấn đề hơn, thì có thể hỏi: hai cái Tết đó hoàn toàn do tục lệ của Tây và của Tàu, hay nó có ý nghĩa gì nữa không? Rồi còn thêm một câu hỏi nữa: lúc nào thì bắt đầu ngày Tết?
Đúng như vậy. Nhưng mà phải bắt đầu tháng Giêng vào lúc nào? Vào đầu mùa Xuân. Nhưng mà tại sao vào mùa Xuân, chứ không phải là mùa Hạ hay mùa Thu? Vả lại Tết đâu đã trùng vào mùa Xuân! Mãi tới tháng 3, mùa Xuân mới bắt đầu cơ mà!
Thực ra thì những vấn nạn này không phải là muốn làm cho chị nhức đầu, nhưng chỉ muốn gợi ý cho thấy rằng trong lịch sử, đã có những nơi và những thời mà người ta khai mạc năm mới không trùng với ngày mồng một tháng Giêng dương lịch hoặc âm lịch.
Trước tiên chúng ta nên nhắc lại ý nghĩa của dương lịch và âm lịch. Nhiều người thường đồng hóa với lịch Tây và lịch Ta. Nhưng nói thế thì không đúng. Dương lịch có nghĩa là lịch dựa theo mặt trời; còn âm lịch là lịch dựa theo mặt trăng. Nhưng đó mới chỉ là khái niệm sơ đẳng, chứ trên thực tế thì hai thiên thể đó liên hệ với nhau và với cuộc sống của con người.
Thời gian của mỗi ngày được tính theo một vòng trái đất xoay quanh mặt trời: và khi có mặt trời thì con người làm việc, còn khi mặt trời lặn thì chúng ta đi ngủ. Tuy nhiên khi mặt trời đã lặn thì ta lại thấy có một thiên thể là mặt trăng. Khổ một nỗi là có ngày thấy trăng tròn, và có ngày thì trăng méo hay là chẳng thấy trăng. Theo kinh nghiệm, thì phải chờ 29 hay 30 ngày mới thấy trăng tròn một lần. Khoảng thời gian đó được đặt tên là tháng.
Từ xa xưa, người ta đã nhận thấy chu kỳ của mặt trăng với cơ thể của phụ nữ có những điểm trùng hợp, vì thế không lạ gì mà bên ta chu kỳ đó gọi là kinh nguyệt (nguyệt là tháng, nguyệt là trăng), bên tây gọi là menstruation (mensis tiếng La Tinh là tháng).
Một cách tương tự như vậy, ta nhận thấy có ngày dài ngày ngắn, ngày nóng ngày lạnh; và phải lâu lắm mới thấy có một ngày y hệt. Cái vòng đó ta gọi là năm. Nếu tính theo mặt trời thì một năm có 365 ngày, còn tính theo mặt trăng thì một năm có 12 tháng. Dĩ nhiên đây mới là khái niệm sơ lược, chứ việc tính toán phức tạp hơn nhiều, từ đó mà có các năm nhuận, phải bù thêm một ngày hay một tháng. Điều đáng nói ở đây là trong cái vòng tròn đó, phải lấy đâu làm đầu và lấy đâu làm cuối, lấy đâu làm tháng Giêng và lấy đâu làm tháng 12?
Đúng như vậy. Rất nhiều dân tộc đã lấy mùa Xuân làm đầu năm. Lý do dễ hiểu. Ở Sàigòn thì mùa nào cũng giống như mùa nào thôi cho nên không thấy sự thay đổi cảnh tượng thiên nhiên. Nhưng tại vùng ôn đới hay nhiệt đới thì thấy rõ. Mùa Xuân, cây cối đâm chồi nẩy mầm, rồi hoa lá sum sê với mùa Hạ, đổi màu khi mùa Thu tới, để rụng trơ trui vào mùa Đông. Mùa Đông tượng trưng cho chết chóc. Vì thế, khi bước sang mùa Xuân, ra như mọi cái bắt đầu lại.
Ở Việt Nam, mừng Tết hay mừng Xuân đồng nghĩa với nhau. Thế nhưng, như đã nói ở đầu, cả Tết dương lịch lẫn Tết âm lịch đều rơi vào mùa Đông chứ chưa phải là vào mùa Xuân. Tại sao vậy? Có lẽ là bên cạnh mừng Mùa Xuân, ngày đầu năm còn mang thêm nhiều ý nghĩa khác nữa, hay là còn được tính theo các tiêu chuẩn khác với lý do thời tiết.
Chẳng hạn, tết của Trung Hoa (Tết của Việt Nam dựa theo lịch Trung Hoa chứ không phải thuần túy âm lịch, bởi vì có nhiều thứ âm lịch), được xác định vào lúc trăng non của tháng nào mặt trời đi vào cung Song Ngư, hay nếu tính theo can chi thì gọi là đi vào chi Dần. Lối tính này xem ra đã thành cố định từ Hán Vũ Đế (thế kỷ II trước Công Nguyên). Như vậy tiêu chuẩn không còn là mùa Xuân nữa.
Trái lại, người Do Thái lấy tháng Nisan làm tháng đầu năm, nghĩa là tương đương với tháng Ba Dương lịch. Nên biết là lễ Phục Sinh được tính theo lịch Do Thái, vào ngày trăng tròn của tháng Nisan. Đó là lịch Phụng Vụ của người Do Thái, từ thời cổ, còn được ghi lại ở sách Xuất Hành chương 12 câu 1.
Theo các nhà sử học, nguồn gốc của nó rất là xa xưa, tương ứng với thời kỳ du mục, khi trong mùa Đông băng giá cả người lẫn súc vật nếu bất động; chờ tới mùa Xuân mới xuất hành lên đường tới những đồng cỏ mới. Dân Do Thái đã gắn thêm một tư tưởng thần học, bởi vì họ không mừng mùa Xuân mà là cuộc xuất hành khỏi cảnh nô lệ.
Thế nhưng, khi bước sang chế độ canh nông, thì ta thấy người Do Thái lại tính ngày đầu năm cách khác. Theo sách Lêvi 23,24 ngày hội tết được mừng vào mùa thu (tháng Tisri), nghĩa là sau khi đã xong mùa gặt. Họ ăn nhậu tưng bừng trong 10 ngày; và ăn Tết xong phải làm lễ Xá Tội (Lv 23,27).
Ở Việt Nam, chúng ta quen gọi ngày 1 tháng Giêng dương lịch là Tết Tây. Có lẽ từ “Tết Tây” mới được nhập cảng vào hồi người Pháp đến nước ta. Nhưng mà nguồn gốc của dương lịch không phải là bởi người Pháp, nhưng bởi lịch của dân Rôma.
Người Rôma lấy tên các thần để đặt cho mỗi tháng. (Tên các ngày trong tuần cũng dựa theo tên các thần: Dies Solis, dies Lunae, Martis, Mercurii, Jovis, Veneris, Saturnii).
Tháng Januarius mang tên của thần Ianus, thần mặt trời, nguyên thủy của ngày và của vạn vật; từ đó Ianua có nghĩa là cửa.
Tháng Februarius kính thần Februus, thần của thanh khiết. Tôi sẽ cắt nghĩa sau.
Tháng Martius kính thần chiến tranh (Mars), Gốc của Aprilis thì không rõ, còn Maius bởi nữ thần Maia (mẹ nuôi).
Tháng Iunius kính nữ thần Iuno, khuôn mặt phụ nữ của Jupiter.
Một điều đáng lưu ý là xưa kia người Rôma bắt đầu năm mới với tháng Martius, rồi Aprilis, Maius, Junius, và rồi họ tính số Quintilis, Sextilis (nghĩa là tháng 5, 6) rồi tới September, October, November, December (nghĩa là 7, 8, 9, 10). Về sau, hai tháng Quintilis và Sextilis được đổi tên thành Julius và Augustus để ghi nhớ hai hoàng đế đã thực hiện cuộc cải tổ lịch cho hợp với chu kỳ thái dương.
Như vừa nói, người Rôma trước đây lấy tháng Martius (tương đương với tháng 3 dương lịch hiện nay) để bắt đầu năm mới. Và như vậy chúng ta thấy nó sát với mùa Xuân hơn là ngày nay. Và để chuẩn bị đón Xuân, tháng cuối năm được đặt tên là Februarius, kính vị thần thanh tẩy, bởi vì cuối năm phải lo dọn dẹp thanh tẩy nhà cửa cũng như thân thể và tâm thần.
Nói cho đúng ra thì không phải là dời từ tháng Ba lên tháng Giêng, cho bằng lấy tháng Januarius làm tháng đầu năm thay vì tháng Martius. Sự thay đổi này có tính cách tiệm tiến. Thói tục này bắt nguồn từ các vị Tổng tài.
Kể từ năm 153 trước Công Nguyên, họ bắt đầu nhậm chức vào tháng Januarius. Nói khác đi, năm hành chánh hay là năm pháp đình bắt đầu từ tháng Januarius. Và từ đây, chúng ta thấy dần dần người ta không còn dựa vào tiêu chuẩn tứ thời bát tiết để mà tính ngày đầu năm nữa. Cũng từ đó mà trong khoảng thời gian 365 ngày, chúng ta thấy xuất hiện nhiều thứ tết hay là đầu năm.
Một thí dụ cụ thể là các trường học. Năm học được gọi là niên học hay niên khóa, và không trùng với năm dương lịch. Ở Việt Nam, niên học khai giảng vào đầu tháng Chín: và đó là đầu niên học. Sang tới Philippin, thì đầu niên học là tháng Sáu. Tại sao vậy? Lý do rất là đơn giản: họ muốn khai trường vào tháng Sáu để kết thúc vào tháng Ba, để cho thầy trò được đi nghỉ vào những tháng nóng nhất trong năm!
Bên cạnh niên học (năm học), một khái niệm khác là năm tài chánh (còn gọi là tài khóa). Thường thì tài khóa trùng với năm dương lịch, để cuối năm khóa sổ chi thu. Nhưng mà bên Anh Quốc thì tài khóa quốc gia tính từ 1 tháng Tư cho đến 31 tháng Ba.
Nếu trong xã hội này đã có những năm học, năm tài chánh không nhất thiết trùng với ngày 1 tháng Giêng dương lịch, thì Giáo Hội cũng có lý do riêng để khởi sự năm Phụng Vụ vào nhật kỳ khác với ngày đầu năm dương lịch.
Trên đây chị đã thấy rằng thời xưa, người ta tính ngày đầu năm dựa theo tiêu chuẩn thời tiết. Nhưng mà các tổng tài Rôma đã bắt đầu lấy tiêu chuẩn khác với tiêu chuẩn thời tiết.
Riêng về phần các Kitô Hữu, phải nói rằng trong những thế kỷ đầu tiên, họ không có lịch riêng. Thời đó cũng ít lễ lạy nữa. Đối với các Kitô Hữu tiên khởi, biến cố quan trọng nhất là Chúa Kitô Phục Sinh. Biến cố được cử hành hàng tuần, vào ngày kế sau ngày sabat, và mang tên là “Chúa Nhật”, nghĩa là ngày của Chúa Kitô.
Kế đó, ngoài việc cử hành hàng tuần, các Kitô Hữu mới thêm tục cử hành hàng năm vào chính ngày Lễ Vượt Qua của dân Do Thái, nhằm cho thấy rằng Lễ Vượt Qua của Cựu ước đã được thay thế bằng Lễ Vượt Qua của Tân Ước, tức là biến cố Cứu chuộc từ Thập Giá và Phục Sinh của Đức Kitô.
Đức Kitô là Chiên Vượt Qua, Đấng xóa tội trần gian. Người Kitô Hữu cũng theo lịch Do Thái để tính ngày lễ Vượt Qua, nghĩa là ngày rằm của tháng đầu mùa Xuân. Thế nhưng liền đó đã có cuộc tranh luận xem có nên mừng lễ Phục Sinh vào bất cứ ngày nào trong tuần trùng vào ngày trăng tròn, hay là phải chờ tới ngày Chúa Nhật.
Cuộc tranh luận này kéo dài hàng thế kỷ, mãi cho tới Công Đồng Nixêa năm 325 mới xong. Công đồng quyết định là lễ Phục Sinh được mừng vào ngày Chúa Nhật sau ngày rằm tháng Nisan.
Từ thế kỷ IV-V, nhiều nơi bắt đầu một lễ trọng thứ hai, đó là lễ Chúa Giáng Sinh. Sang thế kỷ VI-VII, ta thấy nhiều sách Phụng Vụ bắt đầu năm phụng vụ từ lễ Vọng Giáng Sinh.
Sang thế kỷ VIII-IX, khi mùa Vọng được du nhập như là thời kỳ chuẩn bị lễ Giáng Sinh (tương tự như mùa Chay để chuẩn bị lễ Phục Sinh), thì người ta dịch sang Chúa Nhật thứ 1 mùa Vọng, hay còn gọi là “Chúa Nhật thứ 5 trước lễ Giáng sinh”. Tục lệ này chỉ thành phổ quát từ thế kỷ X bên Tây Phương (Vài Giáo Hội bên Đông Phương bắt đầu năm Phụng Vụ vào ngày 1/9, ngày tạo dựng vũ trụ và thời gian).
Như vậy thì năm Phụng Vụ xoay quanh mầu nhiệm của Đức Kitô: Mầu nhiệm Nhập Thể nơi lễ Giáng Sinh, và Mầu nhiệm cứu chuộc nơi lễ Phục Sinh.
Sau cùng, cũng nên biết là bên Tây Phương, vào hồi Trung Cổ, nhiều nơi đã bắt đầu năm dân sự vào ngày 25 tháng 3 thay vì vào ngày 1 tháng Giêng, dựa vào hai lý do. Thứ nhất là lý do thời tiết, là vì nó sát với ngày xuân phân hơn. Đầu năm trùng với đầu xuân. Lý do thứ hai có tính cách tôn giáo: vì là ngày lễ Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Maria, bắt đầu một biến cố Nhập Thể: Thiên Chúa đi vào lịch sử của nhân loại.
Thực ra nói rằng Mùa Vọng gồm 4 tuần thì không đúng. Phải nói rằng Mùa Vọng gồm 4 Chúa Nhật, và có thể kéo dài từ 3 tuần cho đến 4 tuần, tùy Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng bắt đầu sớm hay muộn.
Cách đây 2 năm (năm 2000), Mùa vọng bắt đầu ngày 3/12, và Chúa Nhật thứ 4 Mùa Vọng rơi vào ngày 24 tháng Chạp (áp lễ Giáng Sinh), cho nên năm ấy Mùa Vọng chỉ có 3 tuần. Dù sao, Mùa Vọng chưa phải là mùa phụng vụ ngắn nhất trong năm, bởi vì Mùa Giáng Sinh còn ngắn hơn nữa, bắt đầu từ lễ Chúa Giáng Sinh cho đến Chúa Nhật liền sau lễ Hiển linh, với thời gian thay đổi tùy năm: năm 2002 kéo dài 20 ngày, nhưng năm trước đó (2001) thì chỉ có 14 ngày.
Hiện nay Mùa Vọng chỉ gồm có 4 Chúa Nhật. Nhưng trong quá khứ đã có lúc mùa Vọng kéo dài 6 Chúa Nhật và cũng có lúc chỉ có 3 Chúa Nhật. Tại sao như vậy? Để hiểu rõ điều này, chúng ta cần phải đi ngược lên dòng lịch sử, vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo.
Trong những thế kỷ đầu tiên, lễ trọng đại nhất trong năm Phụng Vụ là lễ Chúa Phục Sinh. Dần dần, chung quanh lễ này người ta thiết lập một thời kỳ chuẩn bị gọi là Mùa Bốn Mươi (quadragesima), nhắc nhớ 40 ngày tĩnh tâm cầu nguyện của Đức Giêsu trên sa mạc, cũng như của các đại ngôn sứ khác (Môsê, Elia) trước khi tiếp xúc với Thiên Chúa.
Đặc biệt thời gian “Bốn mươi ngày” giúp cho các dự tòng chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khai tâm vào đêm Vọng Phục Sinh. Đó là nguồn gốc của Mùa Chay (trong nguyên ngữ là 40 ngày) kéo dài 6 tuần lễ. Lễ trọng Phục Sinh kéo dài 50 ngày (nghĩa là lễ Ngũ Tuần), tưởng niệm biến cố Chúa Thánh Thần được ban cho Hội Thánh như hoa trái của Chúa Phục Sinh. Đó là nguồn gốc của Mùa Phục Sinh, kéo dài 7 tuần lễ. Tóm lại, chu kỳ Phục Sinh đã thành hình ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo rồi.
Sánh với Mùa Chay và Mùa Phục Sinh thì quả thực là Mùa Vọng còn mới mẻ. Trước hết nên nhắc lại rằng trong ba thế kỷ đầu, lịch Phụng Vụ chỉ mừng lễ Chúa Phục Sinh. Lễ Chúa Giáng Sinh xuất hiện chậm hơn, vào giữa thế kỷ IV. Và dần dần, hoạ theo lễ Phục Sinh được chuẩn bị với một Mùa 40 ngày và kéo dài thêm 50 ngày, thì lễ Chúa Giáng Sinh cũng có một thời gian chuẩn bị và một thời gian kéo dài. Khác một điều là thời gian chuẩn bị và kéo dài không đồng nhất trải qua không gian và thời gian.
Nói rằng “không đồng nhất trải qua không gian” có nghĩa là không phải hết mọi nơi đều có một thời kỳ chuẩn bị lễ Giáng Sinh. Cụ thể là ngày nay, các Giáo Hội Đông Phương không biết đến mùa Vọng. Như thế là mùa Vọng thuộc về truyền thống La Tinh chứ không phải của toàn thể Giáo Hội phổ quát (đây là một điều khác với chu kỳ Phục Sinh).
Còn nói rằng “không đồng nhất trải qua thời gian” có nghĩa là ngay cả bên Tây Phương, cách thức điều hành Mùa Vọng không đồng nhất trải qua các thế kỷ.
Năm 380, Công Đồng Saragoza (Tây-ban-nha) truyền cho các tín hữu phải tham dự Thánh Lễ từ ngày 17 tháng 12 cho đến lễ Hiển Linh. Có người coi đây là tiền lệ của Mùa Vọng, kéo dài 3 tuần lễ. Thực ra, vài sử gia cho rằng mục tiêu của thời gian 3 tuần lễ này là chuẩn bị lãnh bí tích thánh tẩy vào lễ Hiển Linh mà thôi.
Phải chờ đến thế kỷ sau (thế kỷ V), mới thấy vài nơi bên Pháp và bên Bắc Ý bắt đầu du nhập thời kỳ 6 tuần lễ chuẩn bị lễ Giáng Sinh, nghĩa là dài như Mùa Chay. Mùa Vọng mang tính cách thống hối, với ba ngày giữ chay trong tuần (thứ hai, thứ tư, thứ sáu). Thậm chí có nơi bắt đầu mùa Vọng từ lễ Thánh Martinô (10 tháng 11), từ đó có tên “Mùa Chay Thánh Martinô” (quadragesima S. Martini).
Đến khi mùa Vọng được du nhập vào Rôma thì ĐGH Grêgôriô Cả rút số Chúa Nhật mùa Vọng xuống còn 4. Tuy vậy ngày nay tại giáo phận Milanô bên Italia, theo nghi điển Thánh Ambrôxiô, mùa Vọng vẫn còn kéo dài 6 tuần.
Trước khi trả lời câu hỏi này thì cần phải tìm hiểu ý nghĩa của mùa Vọng đã.
Trong tiếng Việt, “vọng” có nghĩa là “mong chờ, ngóng nhìn”. Chờ cái gì? Thường thì người ta hiểu là chờ lễ Chúa ra đời; nhưng hiểu như vậy thì không đúng lắm. Nếu chỉ nhấn mạnh tới sự chờ đợi mừng lễ thì mùa Chay cũng đáng gọi là Mùa Vọng, xét vì nó là sự chờ đợi lễ Chúa Phục Sinh.
Thực ra tên gọi trong tiếng La Tinh, adventus không phải là “vọng”, nhưng là “đến”: đây là mùa Chúa đến. Tuy nhiên, có hai tư tưởng về việc Chúa đến: 1/ Chúa đến trần gian với việc Nhập Thể, một biến cố xảy ra cách đây 2000 năm; 2/ Chúa sẽ đến vào thời cánh chung.
Đúng như vậy. Vì thế trước đây, có tác giả giải thích rằng 4 Chúa Nhật mùa Vọng tượng trưng cho 4,000 năm nhân loại trông mong Chúa ra đời. Ngày nay, không ai nhắc tới tư tưởng đó nữa bởi vì thiếu cơ sở lịch sử.
Dù sao, các thánh thi và bài đọc trong Mùa Vọng đều nói đến hai lần Chúa đến, quen gọi là biến cố Nhập Thể và biến cố Quang Lâm. Chủ đề quang lâm được nhấn mạnh hơn trong Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng. Còn các Chúa Nhật khác thì dành cho biến cố Nhập Thể.
Cuộc cải tổ phụng vụ sau Công Đồng Vaticanô II đã muốn làm nêu bật điều này qua các bài đọc Sách Thánh trong các Chúa Nhật mùa Vọng. Chúa Nhật thứ nhất đề cao thái độ tỉnh thức đón chờ Chúa Quang lâm. Các Chúa Nhật còn lại thì trưng bày những mẫu gương của những người đón chờ Chúa Cứu Thế.
Chúa Nhật thứ hai và thứ ba giới thiệu Thánh Gioan Tẩy Giả, người dọn đường cho Chúa đến không những chỉ bằng lời giảng sám hối mà còn bằng chính cuộc đời khổ hạnh và trung trực của mình. Chúa Nhật thứ bốn được dành cho Đức Maria.
Phúc Âm Chúa Nhật các Năm B thuật lại cảnh Truyền Tin, và năm C thuật lại cảnh Thăm Viếng. Phúc Âm các năm A thì kể lại việc thiên sứ hiện đến với Thánh Giuse để giải thích nguồn gốc việc Đức Maria thụ thai Đức Giêsu, Đấng Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta).
Tuy nhiên cũng nên thêm rằng vài bài đọc trong Giờ Kinh Sách nói đến ba lần Chúa đến, chứ không phải chỉ có hai (chẳng hạn như Thánh Carôlô Borrômêô, thứ hai tuần I, và Thánh Bênađô, thứ tư tuần I). Ngoài lần Chúa đến tại Bêlem và lần Chúa đến thời cánh chung, còn lần Chúa đến viếng thăm linh hồn bằng ơn thánh. Chúng ta hãy tỉnh thức mở cửa khi Người gõ, kẻo rằng Người sẽ đi qua mà không trở lại nữa.
Tôi thấy tại nhiều nơi, sắc phục màu tím hầu như biến ra màu hồng rồi. Như chị biết, màu tím mà pha với màu trắng thì ra màu hồng, cũng như màu đen mà pha trắng thì ra màu xám. Dù sao đây là vết tích của thời cổ xưa, khi mùa Vọng được quan niệm như thời kỳ thống hối đền tội tương tự như Mùa Chay.
Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay được đặt tên là “Laetare” (hãy vui lên), bởi vì đã qua được một nửa đường hy sinh khổ chế rồi. Một cách tương tự như vậy, Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng đánh dấu một nửa chặng đường chuẩn bị cho nên cũng mang tên tương tự “Gaudete”: mừng vui lên).
Phụng Vụ ngày nay không còn lấy Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng làm mốc phân chia hai giai đoạn của Mùa Vọng, nhưng là trước và sau ngày 17 tháng 12. Kể từ ngày 17/12 trở đi, nghĩa là một tuần lễ trước ngày áp lễ Giáng Sinh, các bản bài đọc trong Thánh Lễ và trong Giờ kinh Phụng Vụ đều được chọn lựa với mục tiêu là chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh gần kề.
Trong thánh lễ, như đã nói trên, các bài phúc âm được trích từ những chương đầu của Matthêu và Luca (quen gọi là Tin Mừng thời niên thiếu). Trong Phụng Vụ giờ kinh, các thánh vịnh có điệp ca riêng, đặc biệt là Điệp ca trước kinh Magnificat trong tiếng La Tinh bắt đầu bằng chữ O, gồm những lời khẩn cầu hướng về Chúa Cứu thế, xin Người mau đến.
Có người coi phụng vụ tuần trước lễ Giáng Sinh như là sự thâu nhập phong tục đạo đức bình dân tổ chức tuần Cửu nhật chuẩn bị mừng Chúa ra đời. Có người thì lại ví tuần lễ này như là tháng Đức Mẹ thu gọn, xét vì Đức Maria được nhắc đến rất nhiều trong phụng vụ, được giới thiệu như mẫu gương dọn mình đón Chúa Cứu thế trong thinh lặng cầu nguyện cũng như trong cử chỉ thăm viếng bác ái.
Tưởng cũng nên biết là bài Phúc Âm trong tuần lễ chót của mùa Vọng (nghĩa là từ ngày 17 tháng 12) được trích từ những đoạn đầu tiên của Matthêu và Luca (quen gọi là Phúc Âm thời niên thiếu), và biến cố thiên sứ truyền tin cho đức trinh nữ Maria vào ngày 20. Từ thế kỷ VII, nhiều nơi cử hành lễ Truyền Tin thứ hai trong năm vào Mùa Vọng, thêm vào lễ trọng vào ngày 25 tháng 3.
Trên nguyên tắc, tôi nghĩ là Giáo Hội có thể xê dịch được. Một cách cụ thể, ngày Chúa Nhật hôm nay, các tín hữu tại Việt Nam cử hành lễ Hiển Linh, đang khi mà tại Vatican và Italia, lễ Hiển Linh được mừng vào ngày 6 tháng 1. Vì là một lễ trọng trong tuần, cho nên lịch Phụng Vụ cho dời lên ngày Chúa Nhật tại những nơi nào mà ngày 6 tháng 1 không phải là lễ nghỉ dân sự.
Có điều đáng để ý là ngày lễ Hiển Linh đối với Giáo Hội La Tinh là ngày kính nhớ việc Chúa tỏ mình cho Dân Ngoại, nói nôm na là lễ Ba Vua đến thờ lạy Chúa; còn đối với các Giáo Hội Đông Phương là ngày mừng Chúa Giáng Sinh.
Các tài liệu của Tân Ước không cung cấp cho ta một dữ kiện nào chắc chắn về ngày, tháng, năm sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng chẳng biết Chúa sinh vào ngày thứ mấy trong tuần. Đây là một điểm khác biệt giữa biến cố Giáng Sinh và biến cố Phục Sinh.
Biến cố Phục Sinh xảy ra vào ngày Chúa Nhật. Các bản Phúc Âm đều nói đến “sau ngày sabat, ngày thứ nhất trong tuần” (Mt 28,1; Mc 16,1-2; Lc 24,1; Ga 20,1). Vì thế mà ngay từ thời các thánh tông đồ, các tín hữu đã mừng lễ Chúa Phục Sinh không những là hằng năm vào dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái, mà còn hằng tuần, vào “ngày thứ nhất” mà họ gọi là ngày Chúa Nhật, (ngày của Chúa), vào ngày mà nhiều dân tộc Âu Châu gọi là ngày của mặt trời: dies solis trong tiếng La Tinh, Sunday theo tiếng Anh và Đức. Nhưng mà chúng ta không có một dấu chỉ nào nói về ngày Chúa sinh ra.
Một điều gây cho các sử gia khá nhiều ngạc nhiên là trong các thế kỷ đầu tiên, các Kitô Hữu không có cử hành lễ Chúa Giáng Sinh. Đối với Hội Thánh tiên khởi, lễ quan trọng hơn cả là lễ Phục Sinh, mà các Kitô Hữu cử hành theo lịch người Do Thái dùng để tính lễ Vượt Qua, tức là vào ngày trăng tròn của tháng Nisan, bắt đầu mùa Xuân.
Trong 3 thế kỷ đầu, lịch Phụng Vụ không nói tới lễ Giáng Sinh. Mãi đến cuối thế kỷ III, mới thấy có vài nơi mừng lễ Chúa ra đời.
Đây là cả một chuyện tò mò thú vị cho các sử gia, bởi vì mỗi nơi mừng vào một ngày khác nhau. Dĩ nhiên là các sử gia phải tìm hiểu dựa trên cơ sở nào mà các tín hữu ấn định ngày lễ.
Ông Clêmentê bên Alexanđria (Ai Cập) kể lại rằng vào thời ấy (khoảng năm 200) có người đã bắt đầu tính toán ngày Chúa sinh ra, và xác định là ngày 25 tháng Pachon vào năm 28 của triều hoàng đế Augustô (Stromata I, XXXI, 145,6). Tính theo lịch hiện hành là ngày 20 tháng 5, năm thứ 4 trước Công Nguyên.
Một tác phẩm khác - De pascha computus trước đây được gán cho Thánh Cyprianô giám mục Cartagô (Bắc Phi) tử đạo năm 248, - long trọng tuyên bố rằng Chúa Giáng Sinh vào ngày 28 tháng 3, vào ngày thứ 4 trong tuần. Dựa vào đâu mà khẳng định như vậy? Có lẽ là lý do hoàn toàn thần học chứ không dựa trên bằng chứng lịch sử. Chúa Giêsu được ví như mặt trời công chính (từ ngữ lấy từ ngôn sứ Malaki 3,20). Sách Sáng Thế nói đến mặt trời được dựng vào ngày thứ 4. Vì thế mà đặt lễ Giáng Sinh vào ngày thứ 4 là hợp tình hợp lý rồi.
Thật khó mà biết được lý do chính xác, bởi vì người xưa không lý luận theo các dữ kiện quan sát khoa học như chúng ta, nhưng dựa vào truyện cổ tích hay truyền thống dân gian. Các học giả chỉ có thể đưa ra giả thuyết mà thôi.
Một giả thuyết cho rằng người thượng cổ ấn định ngày tạo thiên lập địa vào 25 tháng 3. Vì thế mà đặt ngày Chúa Giáng Sinh kề với ngày đó là muốn nêu bật rằng biến cố Chúa Giáng Sinh đánh dấu một cuộc tạo dựng mới.
Một giả thuyết khác cho rằng các tín hữu cử hành lễ Vượt Qua vào đầu mùa Xuân. Đầu mùa Xuân, tức là 25 tháng 3. Vì thế họ cũng muốn mừng lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 3, bởi vì họ nghĩ rằng Chúa chết khi đã đủ trọn ngày tháng: ngày sinh ngày chết trùng nhau. Nhưng mà thay vì mừng ngày Chúa Nhật thì mừng ngày thứ 4, để tránh tam nhật chuẩn bị lễ Phục Sinh.
Câu chuyện không đơn giản như chị nghĩ đâu. Các Giáo Hội bên Đông Phương mừng lễ Giáng Sinh vào tháng Giêng chứ không phải vào tháng Chạp. Và có thể nói rằng nhật kỳ này cổ điển hơn, tại vì nguồn gốc lễ Giáng Sinh bắt đầu từ bên Đông Phương, đặc biệt là tại Palestin, quê hương của Đức Giêsu.
Vào cuối thế kỷ IV, ở Giêrusalem người ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 6 tháng Giêng. Ngày 6 tháng Giêng dựa trên cơ sở nào? Hoàn toàn là lý do thần học chứ không phải là lý do lịch sử. Theo Thánh Ephrem, lễ Chúa Giáng Sinh được mừng 13 ngày sau ngày đông chí. Ngày đông chí được ấn định vào 24 tháng 12. Cộng thêm 13 ngày thì thành ra 6 tháng Giêng. Tại sao mà 13? Thánh Ephrem giải thích là để kính nhớ Chúa Giêsu mặt trời đánh tan đêm tối, cùng với 12 tông đồ của Người.
Lịch sử đối chiếu các lịch Phụng Vụ cho thấy rằng nội dung của lễ Hiển Linh rất là phong phú. Đối với lịch Phụng Vụ của Giáo Hội La Tinh, thì trước đây người ta nhấn mạnh đến việc Ba Vua đến thờ lạy Chúa Hài nhi. Kỳ thực, các bản văn phụng vụ nói tới ba biến cố Hiển Linh, nghĩa là Chúa tỏ mình ra.
Một là tỏ mình cho các đạo sĩ Đông Phương; hai là Chúa tỏ mình lúc lãnh phép rửa ở sông Giođan. Ba là Chúa tỏ mình ở tiệc cưới Cana. Còn lịch Phụng Vụ của các Giáo Hội Đông Phương thì mừng cả biến cố Chúa Giáng Sinh nữa. Nói cách khác, họ không có lễ mừng nào vào ngày 25 tháng Chạp, nhưng dồn tất cả vào ngày 6 tháng Giêng.
Cho đến nay, hầu hết các sử gia đều cho rằng việc gắn lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng Chạp dựa trên lý do thần học chứ không dựa trên lý do lịch sử.
Tại Rôma, từ năm 274, người ta đã mừng lễ kính Mặt trời (Sol invictus), vào ngày đông chí. Giáo Hội tại Rôma, sau khi đã được hưởng tự do tôn giáo, đã cử hành lễ Chúa Giáng Sinh, mặt trời soi đàng công chính, thay thế cho lễ ngoại đạo.
Có những chứng tích cho thấy rằng từ năm 336, lịch Phụng Vụ đã ghi ngày 25 tháng 12 là lễ Giáng Sinh. Lúc đầu là một lễ địa phương của Giáo Hội Rôma, dần dần lan sang Bắc Phi. Đến cuối thế kỷ IV, thì nhiều vùng bên Giáo Hội Đông Phương cũng mừng ngày Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng Chạp, như chúng ta thấy các bài giảng của các giáo phụ Basiliô vào khoảng năm 375, Grêgôriô Nissa năm 380, Gioan kim khẩu năm 386.
Đặc biệt là Thánh Gioan kim khẩu, trong bài giảng nhân ngày 25 tháng 12 năm 386 tại Antiôkia đã giải thích lý do vì sao du nhập lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 thêm vào lễ 6 tháng Giêng. Chị có thể tưởng tượng rằng trong Giáo Hội của người có nhiều thành phần bảo thủ, không chấp nhận những canh tân, nhất là khi sự canh tân đến từ Tây Phương. Thánh Gioan không đả động chi đến các nguồn gốc thần học của Giáo Hội Rôma mà cố gắng thuyết phục cộng đoàn bằng lý do lịch sử.
Thánh Luca nói rằng Thiên Sứ Gabriel hiện ra với ông Dacaria khi ông này vào đền thờ tiến hương. Thử hỏi xem ông ta vào đền thờ vào kỳ nào? Thưa vào dịp lễ xá tội, Yom Kippur, vào cuối tháng 9. Sáu tháng sau, thiên thần hiện ra với Đức Mẹ Maria tại Nadarét. Như vậy là cuối tháng 3. Và, chín tháng sau đó, (cuối tháng 12) Chúa ra đời là đúng rồi. Do đó chúng ta hãy mừng lễ Chúa Giáng Sinh vào cuối tháng 12 thì hợp lý hơn.
Và rồi, vào ngày 6 tháng Giêng, người ta không còn mừng lễ Chúa Giáng Sinh nữa, nhưng chỉ còn mừng lễ Chúa tỏ mình ra.
Cần nhắc lại rằng nội dung của việc tỏ mình được đánh giá khác nhau tùy nơi tùy thời. Có nơi nhấn mạnh đến việc tỏ mình cho dân ngoại qua việc ba nhà đạo sĩ đến thờ lạy. Có nơi nhấn mạnh đến việc tỏ mình nơi sông Giođan, khi tiếng nói từ trời mặc khải thân thế và sứ vụ của Đức Giêsu như là Tôi tớ yêu dấu của Thiên Chúa.
Đang khi phụng vụ bên Đông Phương dành một ngày cho các biến cố vừa nói, thì lịch Phụng Vụ Rôma dành ra hai ngày khác nhau: một ngày để cử hành lễ tỏ mình cho dân ngoại, và một ngày để kính việc Chúa Giêsu chịu phép rửa. Cần phải thêm một lần tỏ mình thứ ba tại tiệc cưới Cana, được nhắc đến ở Chúa Nhật thứ hai mùa Thường niên.
Đúng như vậy. Chúng ta không rõ Chúa Giêsu sinh vào ngày nào, tháng nào. Chúng ta không biết Chúa sinh vào mùa đông lạnh lẽo, mùa xuân ấm áp hay mùa hè nóng bức. Lễ Chúa Giáng Sinh được mừng vào ngày 25 tháng Chạp để thay thế cho ngày lễ kính thần Mặt trời của dân Rôma.
Tuy vậy cũng nên biết là trong các bài giảng nhân lễ Chúa Giáng Sinh, Thánh Lêô Cả Giáo hoàng (vào cuối thế kỷ V) không còn khai triển đề tài mặt trời công chính cho bằng mầu nhiệm Nhập Thể: Ngôi Lời đã đến ở giữa chúng ta. Người chiếu sáng cho nhân loại, khi kêu mời con người đến thông phần bản tính Thiên Chúa. Nhưng mà cần phải có đức tin thì mới nhận ra ánh sáng đó, bởi vì Thiên Chúa đến với chúng ta không phải với cảnh huy hoàng rực rỡ nhưng trong thân phận khó nghèo khiêm tốn.
Dù sao, thì vào năm 544, tu sĩ Điônixiô đã chấp nhận như là một chứng cớ lịch sử việc Chúa Giêsu sinh ra ngày 25 tháng 12. Dựa vào đó, ông ta xác định kỷ nguyên mới, năm thứ 1 kỷ nguyên Kitô Giáo, hay cũng gọi là Công Nguyên. Tiếc rằng ông đã tính lệch đi khoảng 5-6 năm.
Có hai sự kiện mà không ai có thể phủ nhận. Thứ nhất, lễ Giáng Sinh được mừng trọng thể hơn lễ Phục Sinh. Vào đêm lễ Giáng Sinh, các thánh đường đông nghịt, và cả người ngoài Công Giáo cũng chia sẻ niềm vui; về điểm này thì đêm Vọng Phục Sinh không thể nào sánh được.
Sự kiện thứ hai, xét về lịch sử, thì lễ Phục Sinh được cử hành từ thế kỷ thứ nhất, còn lễ Giáng Sinh thì mãi đến thế kỷ thứ bốn thì mới được ghi vào lịch Phụng Vụ. Liên quan đến sự kiện lịch sử, cần phải nói thêm rằng bốn sách Tin Mừng đều nói đến biến cố Chúa Phục Sinh, nhưng chỉ có hai Tin Mừng nói đến việc Chúa Giêsu sinh ra, đó là Tin Mừng của Matthêu và của Luca.
Từ đó, có những người nhiệt thành muốn trở về với lịch sử nguyên thuỷ, cho nên yêu cầu các vị mục tử hãy tìm hết mọi cách để tăng thêm phần long trọng cho lễ Phục Sinh; nhưng câu chuyện này không đơn giản, bởi vì đâu dễ gì mà thay đổi lòng đạo đức bình dân.
Có người khác tìm cách giải thích lý do vì sao mà lễ Giáng Sinh lại trở nên quan trọng, vì thế không có lý do gì mà phải giảm đi. Tuy nhiên, có người tìm cách móc nối hai lễ lại với nhau, và cho thấy rằng hai lễ bổ túc cho nhau.
Chắc chắn là có rất nhiều lý do mà chúng ta không thể trình bày trong buổi nói chuyện ngắn ngủi này. Chúng ta chỉ cần nói đến sự tiến triển ngay từ trong các sách Tân Ước.
Khi các thánh Tông đồ bắt đầu rao giảng, thì nội dung Tin Mừng Chúa Giêsu rất ngắn ngọn, tóm lại vào cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người, như chúng ta thấy chứng tích nơi thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi Corintô, đầu chương 15: “Thưa anh em tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích. Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh”.
Tin Mừng này ngắn gọn, nhưng quan trọng, bởi vì liên quan đến sự cứu rỗi của nhân loại, đó là: chính nhờ cái chết và phục sinh của Đức Kitô mà chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa, được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết, được làm con cái Thiên Chúa, được chia sẻ hạnh phúc vinh quang với Thiên Chúa. Các thư của Thánh Phaolô đều xoay quanh chủ đề đó.
Tuy nhiên, đến lúc nào đó, các tín hữu muốn biết thêm: vì lý do gì mà Đức Giêsu phải chết trên thập giá? Người đã làm gì? Vì thế các thánh tông đồ mới khai triển thêm phần hoạt động của Đức Giêsu ở Galilê và Giuđêa, theo sườn bài còn để lại trong bài giảng Thánh Phêrô ở Cêsarêa, được ghi lại trong sách Tông Đồ Công Vụ chương 10 các câu 37-43.
Chúng ta thấy rằng bốn sách Tin Mừng đều dựa theo cái sườn chung đó, nghĩa là thuật lại hoạt động của Chúa Giêsu, khởi đầu tại Galilê và kết thúc tại Giêrusalem. Tiến thêm một bước nữa, các tín hữu đặt thêm một thắc mắc: Đức Giêsu là ai vậy? Thân thế của người thế nào? Người bởi đâu mà đến?
Thánh Gioan, tác giả của Phúc Âm thứ bốn trả lời: Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa, Người hiện hữu từ nguyên thuỷ, Người là Đấng tạo dựng vũ trụ, và Người đã trở nên một phần tử của loài người.
Có chứ. Khi nói rằng Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa đã làm người, thì phải hiểu ngậm rằng Người đã sinh ra giống như bao nhiêu nhân sinh khác. Duy có điều là Đức Giêsu không phải chỉ là một thụ tạo như chúng ta, bởi vì Người là Thiên Chúa giáng trần. Điều này có vẻ cao siêu khó hiểu; vì vậy mà Thánh Matthêu và Thánh Luca tìm cách diễn tả cách khác, với một ngôn ngữ dễ hiểu hơn trong hai chương đầu của tác phẩm, quen gọi là “Tin Mừng thơ ấu”.
Thuật ngữ này đang bị xét lại, bởi vì trên thực tế, những bản văn này không tả lại tất cả cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu cho tới khi lên 30 tuổi, nhưng chỉ chú trọng đến cuộc sinh ra của Người mà thôi. Tuy rằng Thánh Matthêu và Thánh Luca có những chi tiết khác biệt, nhưng tựu trung cả hai đều dẫn đến một kết luận chung với Thánh Gioan, đó là: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Đức Giêsu là Emmanuel, Thiên Chúa ở với chúng ta.
Tên Giêsu có nghĩa là “Thiên Chúa cứu chữa”. Đức Giêsu thực sự là một con người do bà Maria sinh ra, nhưng người cha thực của Đức Giêsu là Thiên Chúa, chứ không phải là ông Giuse.
Như đã nói, lúc đầu nội dung Tin Mừng chỉ gồm tóm vào việc công bố ơn cứu độ được Thiên Chúa ban cho nhân loại nhờ cái chết và phục sinh của Đức Kitô. Kế đó, các tín hữu muốn biết thêm những hoạt động của Người tại Galilê và Giuđêa đưa tới cái chết. Tiến thêm một bước nữa, các tín hữu muốn biết nguồn gốc thân thế của Đức Giêsu. Khi trình bày những chặng đường như vậy, các tác giả Tin Mừng không chỉ thu thập các dữ kiện về lý lịch của Đức Giêsu nhưng còn muốn cho thấy ý nghĩa cứu độ của nó.
Nói cách khác, công trình cứu độ đã bắt đầu từ khi Chúa Giêsu Giáng Sinh, chứ không phải chỉ từ biến cố thập giá và phục sinh mà thôi. Điều này đã được các giáo phụ Đông Phương nêu bật khi giải thích ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể. Thánh Athanasiô đã viết: “Con Thiên Chúa đã làm con người, để cho con người được làm con Thiên Chúa”.
Nên biết là các giáo phụ Đông Phương giải thích ơn cứu độ cách tích cực hơn các giáo phụ Tây Phương. Các giáo phụ Tây Phương thường giải thích ơn cứu độ như là sự tha thứ tội lỗi, sự giao hòa giữa con người với Thiên Chúa; còn các giáo phụ Đông Phương giải thích ơn cứu độ như là việc con người được nâng cao: từ chỗ là thụ tạo con người được trở nên giống Thiên Chúa, thông dự vào bản tính Thiên Chúa.
Dù sao, khi đọc lại Tân Ước, chúng ta thấy rằng Đức Giêsu đã bắt đầu công trình cứu chuộc từ khi làm người và kết thúc với cái chết trên thập giá. Chẳng hạn bài thánh thi được ghi lại trong thư Thánh Phaolô gửi Philipphê: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”.
Cuộc Nhập Thể bắt đầu việc tự huỷ mà cao điểm là cái chết trên thập tự. Tác giả thư gửi Hip-ri cũng viết cách tương tự như vậy ở chương 10 câu 5 đến 10: khi bước vào trần gian, Đức Kitô đã bắt đầu cuộc hiến tế tinh thần, qua việc tuân hành ý Chúa Cha.
Đúng thế, và còn hơn thế nữa. Bởi vì xem ra các tác giả sách Tin Mừng khi mô tả việc Chúa Giáng Sinh đều sử dụng những hình ảnh của thập giá và phục sinh, ra như muốn cho thấy rằng biến cố cứu chuộc đã diễn ra ngay từ lúc Chúa Giêsu ra đời rồi.
Thánh Luca đã phác hoạ vài nét báo trước cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người, qua những hình ảnh và thuật ngữ trùng hợp:
1/ Sau khi sinh hạ hài nhi, Đức Maria đã lấy tã bọc con rồi đặt nằm trong máng cỏ (Lc 2,7). Sự mô tả này báo trước cuộc khâm liệm của Đức Giêsu (chương 23,53), khi ông Giuse Aritmatea, lấy khăn quấn thi thể của Người và đặt trong mộ. Sự đối chiếu này nói lên nhân tính của Đức Giêsu.
2/ Trái lại, những lời nói của thiên sứ với các mục đồng: “hôm nay một Đấng Cứu độ đã sinh ra trong thành vua Đavit, Người là Đấng Kitô, Đức Chúa” (2,11). Đây là lời tuyên xưng đức tin vào thiên tính của Đức Giêsu, được Luca ghi lại trong bài giảng trong sách Tông Đồ Công Vụ. Nhờ sự Phục Sinh, Đức Giêsu được tuyên xưng là Đấng Cứu độ (Cv 5,31), Đức Chúa (Cv 2,31). Nên biết là ba tước hiệu “ Chúa, Kitô, Cứu độ” được Thánh Phaolô áp dụng cho cuộc quang lâm của Người (Pl 3,20).
3/ Trước đó, “vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh khắp vùng” (2,9). “Vinh quang” là một thuật ngữ mô tả cuộc phục sinh của Đức Giêsu: người phải trải qua cuộc tử nạn để đi vào vinh quang” (24,26). Nếu chúng ta mở rộng tầm nhìn đến những đoạn văn kế tiếp của chương hai, chúng ta sẽ thấy rằng ông Simeon khi bế hài nhi trong đền thờ, tiên báo sự kết liễu cuộc đời cách bi đát, nghĩa là mầu nhiệm thập giá. Khi viết rằng Đức Mẹ lạc mất hài nhi Giêsu “ba ngày” (2,46), thì hẳn là tác giả báo trước sự xa cách giữa hai mẹ con từ khi an táng cho đến lúc phục sinh (24,7).
Bước sang Tin Mừng Matthêu, chúng ta cũng thấy lối trình bày tương tự. Nơi Thánh Matthêu, cốt yếu Tin Mừng có thể tóm lại như thế này : “Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đến để cứu chuộc muôn dân, là Đấng Mêsia được hứa cho dân tộc Israel”; thế nhưng Người đã bị dân tộc này khước từ, đang khi đó Tin Mừng lại được dân ngoại đón nhận." Trong chương 2, thánh sử cho thấy rằng các nhà chiêm tinh thuộc dân ngoại đi tìm vua mới giáng sinh để bái thờ, còn các nhà lãnh đạo tại Giêrusalem tỏ ra lãnh đạm với Người, và còn đồng lõa với vua Hêrôđê để giết Người. Những điều này tiên báo những gì sẽ xảy ra trong cuộc đời Chúa Giêsu về sau trong cuộc Tử Nạn và Phục Sinh: Người bị các nhà lãnh đạo dân Do Thái loại trừ (Mt 27,1-2), nhưng Tin Mừng sẽ được loan truyền khắp muôn dân (Mt 28,19-20).