Trước cuộc cải tổ lịch phụng vụ năm 1969, thì mùa Thương Khó bắt đầu từ Chúa Nhật V mùa Chay, và như vậy kéo dài hai tuần. Mùa thương khó gây một ấn tượng khá lớn cho các tín hữu. Tất cả các tượng ảnh trong nhà thờ đều bị phủ bởi màn tím cho đến lễ Vọng Phục Sinh. Nhiều nhà thờ còn căng một bức màn lớn che khuất tất cả gian thánh. Có người giải thích là Chúa Giêsu đi trốn, bởi vì dựa trên bài Phúc Âm thuật lại việc Chúa lánh mình khi dân chúng mưu toan ném đá Người. Thế nhưng với cuộc canh tân sau Công Đồng Vaticanô II, thì lịch Phụng Vụ không còn nói đến mùa Thương Khó nữa, mà chỉ còn Mùa Chay kéo dài cho tới lễ Phục Sinh.
Tuần lễ trước Phục Sinh không phải là tuần Thương Khó, nhưng từ ngữ “tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa” chỉ còn được gắn cho hai ngày: Chúa Nhật Lễ Lá (Dominica in Palmis de passione Domini) và thứ Sáu Tuần Thánh (Feria VI in passione Domini). Vào hai dịp đó, phụng vụ đọc bài Thương Khó: ngày Chúa Nhật thì dựa theo Phúc Âm nhất lãm thay đổi tùy theo chu kỳ ABC; còn ngày thứ Sáu thì luôn luôn đọc Phúc Âm theo Thánh Gioan.
Thực ra thì không phải là bỏ, nhưng mà muốn trở lại với truyền thống cổ xưa thôi. Từ thời xưa, các Kitô Hữu dành 40 ngày để chuẩn bị mừng Lễ Chúa Phục Sinh. Vì thế thời gian đó được gọi là Mùa 40 (trong tiếng La Tinh là Quadragesima), chứ không phải là mùa Thương Khó.
Trong thời gian này, các dự tòng được chuẩn bị qua chương trình huấn giáo sâu đậm để lãnh các bí tích khai tâm. Còn những người đã được rửa tội rồi thì được mời gọi xét mình về cuộc sống đức tin, xem mình đã trung thành thế nào đối với lời cam kết. Dĩ nhiên, đây cũng là thời gian để thực hành công cuộc cải hoán, qua việc cầu nguyện, hãm mình, bác ái.
Vào thời Trung Cổ, khi con số dự tòng không còn đáng kể nữa, thì công cuộc huấn giáo cũng bớt phần quan trọng. Từ đó, người ta chuyển sang việc suy gẫm cuộc Thương Khó của Chúa.
Chúng ta có thể khảo sát ý nghĩa của từ này theo tiếng Hán Việt cũng như theo nguyên gốc La Tinh. “Thương” ở đây không có nghĩa là “yêu”, nhưng có nghĩa là “đau xót, đau đớn xót xa”, chẳng hạn như khi nói “thương tâm, đau thương, thảm thương, sầu thương”. Còn “khó” không phải trái nghịch với dễ; nhưng “khó” ở đây có nghĩa là “khổ”, chẳng hạn như “khốn khó, khốn khổ”.
Nói tóm lại “thương khó” cũng tương tự như là “đau khổ”. Trên thực tế, nhiều bản dịch Việt ngữ dùng những từ “Tử Nạn, Khổ nạn, Chịu nạn, Chịu khổ hình”. Đó là nói đến từ ngữ Hán Việt. Đến khi bước sang nguyên bản La Tinh, ta sẽ còn thấy nhiều ý nghĩa khác nữa. Từ “thương khó” dùng để dịch từ “passio” trong tiếng La Tinh (sang tiếng Pháp và tiếng Anh thì thêm chữ “n”: passion).
Thế nhưng từ passio có tới ít là bốn nghĩa.
1/ Thường thì người ta giải thích rằng passio bởi động từ “patior, pati” (có nghĩa: chịu đau khổ).
2/ Một ý kiến khác hiểu tiếng passio theo nghĩa triết học, tức là “thụ động” (bị động), nhận hành động từ một chủ động khác. Như vậy “passio” đối ngược với “actio”.
3/ Một ý kiến thứ ba cho rằng passio bắt nguồn từ pathos trong tiếng Hy Lạp, và như vậy có nghĩa là cảm xúc, xúc động. Cũng theo chiều hướng đó, mà trong tâm lý học, passio thường được dịch là “đam mê, say mê, mê man”.
4/ Sau cùng, có người tán giải passio (passus) theo nghĩa là đi ngang qua, để nói đến cuộc vượt qua của Đức Giêsu: Người trải qua sự khổ và cái chết để tiến vào vinh quang Phục Sinh.
Trong bối cảnh của phụng vụ, thì nghĩa thứ nhất sát hơn nữa: passio có nghĩa là chịu đau khổ. Nói một cách cụ thể hơn, trong buổi cử hành phụng vụ, Hội Thánh đọc lại các bài trình thuật Phúc Âm thuật lại cuộc “khổ nạn” của Chúa Giêsu, từ lúc dùng bữa tiệc Vượt Qua với các môn đệ (hoặc là từ khi vào Vườn Cây dầu, theo Thánh Gioan), rồi bị bắt, bị xử án, bị đánh đòn, vác thánh giá lên núi Calvariô, nơi chịu tử hình.
Chúng ta có thể đọc trình thuật này trong Phúc Âm theo Thánh Marcô chương.14-15; thánh Matthêu chương 26- 27; Thánh Luca chương 22-23; Thánh Gioan chương 18-19. Cũng nên biết, là trong tiếng La Tinh, từ “passio” cũng được áp dụng cho trình thuật kể lại cuộc tử đạo của các Kitô Hữu cổ thời.
Không chỉ có vậy mà thôi. Lòng đạo đức của các tín hữu còn tìm những hình thức khác để tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa qua các việc đạo đức cũng như qua cuộc sống.
Xét về các hình thức đạo đức, thì các sử gia thường trưng dẫn những chứng tích bắt đầu từ thế kỷ IV (khoảng năm 380) bên Thánh địa, do một thiếu nữ tên là Egeria kể lại.
Vào Chúa Nhật lễ Lá, các tín hữu tại Giêrusalem tụ họp ở núi Cây Dầu, rồi từ đó rước lá tiến vào thành thánh. Nhưng nhất là kể từ tối thứ Năm Tuần Thánh trở đi, các tín hữu họp nhau tại một nhà thờ tên là Eleona trên núi Cây Dầu để tham dự buổi canh thức đầu tiên, từ 7 giờ tối cho đến 11 giờ. Đến nửa đêm, bắt đầu buổi canh thức thứ hai, tại một nhà thờ gần đó, và nghe đọc bài Sách Thánh về cuộc hấp hối của Chúa. Đến sáng thứ Sáu, thì đám rước di chuyển lên núi Calvariô, để nghe đọc bài tường thuật về cuộc Thương Khó và cử hành việc suy tôn Thánh Giá. Và suốt ngày thứ sáu, nhiều cuộc suy gẫm lời Chúa được tổ chức bên cạnh nhà thờ kính nhớ mộ Chúa.
Có thể nói là từ đó trở đi, các tín hữu tìm cách diễn lại cảnh thương khó của Chúa theo gương các tín hữu Giêrusalem, không những là vào ngày thứ Năm thứ Sáu Tuần Thánh, mà còn kéo dài quanh năm nữa.
Một hình thức khá quen thuộc đối với các tín hữu Việt Nam là ngắm 14 chặng đường thánh giá, đi theo Chúa Giêsu từ lúc bị xử án, rồi vác thập giá lên núi Calvariô, nơi Người chịu đóng đinh, chịu chết và mai táng. Nên biết là hình thức 14 chặng như hiện thời chỉ mới thành cố định từ thế kỷ XVII, chứ trước đây nó linh động hơn, chẳng hạn có nơi tính đến 7 lần ngã xuống đất, hoặc bắt đầu từ vườn Cây Dầu, rồi bị bắt, bị điệu qua toà Anna, Caipha, vv.
Có nhiều hình thức để suy gẫm sự thương khó của Chúa.
Một hình thức đơn giản hơn cả là suy gẫm 5 dấu thánh: hai dấu nơi bàn tay; hai dấu nơi bàn chân, và một dấu nơi cạnh sườn.
Một hình thức nữa là suy gẫm 7 lời của Chúa Giêsu trên thập giá.
Hình thức ngắm 15 sự thương khó của Chúa thì dựa trên một căn bản khác. Tại sao lại có 15 ngắm? Tại vì nó hoạ theo giờ kinh Phụng Vụ. Trong ba ngày cuối Tuần Thánh, tại các đan viện hay nhà thờ chánh toà, người ta cử hành phụng vụ giờ kinh cách long trọng. Ở chính giữa nhà thờ người ta thắp một giá đèn hình tam giác, với 15 ngọn nến. Tại sao 15 ngọn nến? Có người gỉai thích là tượng trưng cho Chúa Giêsu với 12 tông đồ và 2 môn đệ.
Sự thực thì 15 ngọn nến tương đương với 9 thánh vịnh giờ kinh Đêm (nay gọi là kinh Sách) và 5 thánh vịnh giờ Kinh sáng, cộng với thánh ca Tin Mừng Benedictus. Cứ sau mỗi thánh vịnh thì người ta tắt đi một ngọn đèn. Tại sao vậy? Có người giải thích là nó tượng trưng cho các tông đồ và môn đệ lần lượt rút lui, bỏ Chúa một mình.
Nhưng cũng có người giải thích cách đơn giản là đời xưa khi chưa có đèn điện thì tất nhiên là phải thắp nhiều đèn để đọc sách. Tuy nhiên, trời càng lúc càng về sáng tỏ, cho nên có thể tắt bớt dần dần các ngọn nến đi. Cho dù giải thích nguồn gốc lịch sử như thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải khâm phục các vị thừa sai trước đây đã tìm cách để giáo dân tham gia vào phụng vụ Giờ kinh của Giáo Hội, dĩ nhiên không phải bằng việc hát các thánh vịnh La Tinh (mà họ chẳng hiểu gì) nhưng qua việc suy gẫm các sự thương khó của Chúa.
Còn nhiều hình thức khác nữa. Một hình thức khá phổ thông bên Âu Châu trước đây là diễn tuồng Thương Khó, mà Đức Cha Nguyễn bá Tòng cũng đã thích ứng sang tiếng Việt. Nên biết là tuồng Thương Khó không phải chỉ diễn ra trên sân khấu, nhưng còn trở thành hoạt cảnh, nhiều khi biến thành một cuộc rước kiệu.
Dù là suy niệm bài thương khó dựa theo Phúc Âm, dù là đi đàng Thánh Giá hay ngắm các sự thương khó, hoặc tham dự tuồng Thương Khó, người tín hữu muốn nhớ đến Chúa Giêsu đã chịu đau khổ vì tội chúng ta; từ đó ta muốn tỏ lòng biết ơn bằng cách thông dự vào sứ mạng cứu độ của Người.
Thánh Phaolô đã viết rằng "tôi muốn chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, muốn hoàn toàn sống cho Đấng đã yêu mến và hiến mạng vì ta" (Gal 2,19-20). Thánh Phaolô cũng muốn lãnh nhận mọi đau khổ để góp phần vào cuộc khổ nạn của Chúa hầu giúp ích cho Hội Thánh (Col 1,24).
Thánh Phêrô tông đồ, trong bài thánh thi đọc vào kinh chiều Chúa Nhật mùa Chay, cũng nhắc cho các tín hữu hãy coi cuộc thương khó của Chúa như một gương mẫu để dõi bước theo Người: “bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình” (1Pr 2,23).
Thiết tưởng đó là ý nghĩa chính của các việc cử hành cuộc Thương Khó của Chúa từ những thế kỷ đầu tiên tại Giêrusalem cho đến chặng đường thánh giá ngày nay: đó là chúng ta muốn đi theo Chúa.
Tôi nghĩ chúng ta nên phân biệt giữa đàng thánh giá và chặng đàng thánh giá. Đàng thánh giá, - hay nói đúng hơn “Đường thánh giá” (Via crucis), thì chỉ có một, tức là con đường mà Chúa Giê-su đã trải qua khi chịu nạn: Người đã vác thánh giá lên núi Calvariô, nơi mà Người đã chịu hành quyết, sau đó được an táng và ngày thứ ba Người đã sống lại.
Đây là cốt lõi của Tin Mừng, như Thánh Phaolô đã khẳng định trong chương 15 thư thứ nhất gửi Corintô. Về sau, các tín hữu muốn đi lại con đường ấy, để kính nhớ việc Chúa cứu chuộc loài người. Lúc đầu, họ mon men theo những đường đã quen biết ở Giêrusalem. Về sau, kể cả các tín hữu không đến Giêrusalem cũng tìm cách diễn lại những quang cảnh ấy với các hình tượng gần như nguyên bản.
Thật khó xác định cách chính xác. Lý do là vì các Kitô Hữu sống tại thánh địa đã sớm bị phân tán không những bởi những cuộc bách hại vào thời các thánh tông đồ, nhưng đặc biệt là sau khi thành phố Giêrusalem bị tàn phá vào năm 70. Hết mọi cư dân đều được lệnh phải rời bỏ thủ đô.
Thực ra, đối với các Kitô Hữu, đây không phải là một cú sốc bởi vì họ coi như là một hình phạt dành cho những kẻ đã không đón nhận Chúa Cứu thế, và đã được báo trước. Dù sao, do những cuộc di dân này mà người ta mất dần ký ức về các di tích về những nơi mà Chúa Giêsu đã sống. Vì những lý do chính trị xã hội như vậy, cho nên chúng ta không có những tài liệu về đời sống đạo tại Đất Thánh trong ba thế kỷ đầu tiên. Mãi đến thế kỷ IV, chúng ta mới được một tài liệu của bà Egiđia, một phụ nữ người Tây-ban-nha, đi hành hương bên Đất Thánh và thuật lại đời sống đạo của các tín hữu tại Giêrusalem.
Không phải, vì hai lý do. Thứ nhất, bởi vì bà Egiđia thuật lại điều được chứng kiến hồi thế kỷ IV, nhưng những tập tục này chắc là đã có từ trước. Lý do thứ hai là vào thời ấy, chưa có sự phân biệt giữa phụng vụ và việc đạo đức như ngày nay.
Nói cách khác, chính việc cử hành phụng vụ ngày thứ Sáu Tuần Thánh cũng trùng hợp với việc suy gẫm về chặng đàng thánh giá. Trên thực tế, việc đi đàng thánh giá chẳng qua cũng là diễn lại cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu như đã được thuật lại trong Tin Mừng. Điều này vẫn còn đúng ngày nay: trong phụng vụ ngày thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta nghe đọc bài Thương Khó của Chúa Giêsu theo Thánh Gioan, kể lại những gì đã xảy ra từ Vườn Cây dầu cho đến núi Calvariô.
Đúng thế, từ trình thuật của Tin Mừng về cuộc Thương Khó của Đức Giêsu cho đến việc suy gẫm 14 chặng đàng thánh giá có một sự tiến triển lịch sử khá dài.
Khi nói đến lịch sử, chúng ta có thể phân biệt hai khía cạnh. Một đàng là lịch sử của việc suy gẫm đàng thánh giá; đàng khác là lịch sử của sự phân chia 14 chặng đàng thánh giá.
Xét về lịch sử của việc suy gẫm đàng thánh giá, chúng ta có thể phác họa như thế này. Hồi thế kỷ IV, bà Egidia, từ Tây Ban Nha đã đi hành hương thánh địa, như đã nói trên đây. Đây là thời kỳ mà các Kitô Hữu được tự do hành đạo, vì thế nhiều người từ châu Âu đã sang viếng thăm những nơi mà Chúa đã sống.
Phong trào này phần nào đã bị chặn lại từ khi Đất thánh bị Hồi Giáo chiếm đóng vào thời Trung Cổ. Những cuộc thập tự chinh được tổ chức để mở lại con đường hành hương. Chính trong bối cảnh này mà nảy sinh phong trào “đi đàng thánh giá”, theo nghĩa là những người đã đi hành hương về muốn kéo dài cảm nghiệm của mình và chia sẻ với những người không được may mắn bằng cách lập ra núi Calvariô ở châu Âu, và những con đường lên núi ấy.
Trong số những chứng tích tiên khởi của phong trào này, chúng ta phải kể đến các tu sĩ dòng Phan-sinh. Họ được ủy thác việc quản lý các đền thờ ở Đất thánh, và họ cũng muốn họa lại những di tích ấy bên châu Âu, cách riêng là tại các thánh đường mà họ phụ trách.
Chân Phúc Alvaro de Corboba, dòng Đaminh, cũng được kể vào số những người sáng lập lòng sung kính này, khi người từ Đất thánh trở về quê nhà ở miền Nam Tây Ban Nha vào năm 1420. Nhưng đó là mới chỉ là khởi điểm của lòng sùng kính. Nó được bành trướng nhờ Thánh Leonardo de Porto Maurizio, dòng Phansinh, đã dành 20 năm cuối đời để rao giảng và thiết lập các chặng đàng thánh giá ở miền bắc và miền Trung nước Ý, cho đến Rôma, nơi mà người qua đời vào năm 1751.
Tới lúc này, nghĩa là đầu thế kỷ XVIII thì số 14 chặng đàng thánh giá đã trở thành cố định. Nói như thế có nghĩa là trải qua nhiều thế kỷ, tuy người ta đã suy gẫm đàng thánh giá, nhưng dựa theo các bản văn của Tin Mừng, chứ chưa có phân ra từng chặng.
Theo các sử gia, các “chặng” trong tiếng La Tinh là statio, có nghĩa là “nơi dừng lại”. Có lẽ lúc đầu bắt chước thói tục tại Roma thời xưa vào mùa Chay, các tín hữu mỗi ngày họp nhau tại một nhà thờ để cử hành Thánh Lễ, và gọi đó là “statio”.
Sang thời Trung Cổ, có lẽ các tín hữu cũng tổ chức những cuộc đi kiệu từ nhà thờ này qua nhà thờ khác để suy gẫm cuộc Thương Khó của Chúa: tại mỗi chặng, họ suy gẫm một đoạn của Tin Mừng. Như chị đã biết, giữa bốn trình thuật Tin Mừng, có nhiều dị biệt về chi tiết, vì thế không lạ gì mà có nhiều cách để ấn định các chặng đàng Thánh Giá.
Không hoàn toàn như vậy. Trong số 14 chặng, có nhiều chặng gặp thấy chứng tích rõ ràng trong 4 Tin Mừng, chẳng hạn như: chặng thứ nhất (Chúa chịu xử án trước tòa tổng trấn Philatô), và các chặng cuối cùng, từ chặng thứ 10 đến chặng thứ 14 (từ khi Chúa chịu đóng đinh và chịu an táng); chặng thứ 5 (ông Simon vác đỡ thập giá) chỉ được nói đến trong 3 Tin Mừng nhất lãm; một vài chặng chỉ được một thánh sử nói đến, thí dụ chặng thứ 2 (nơi Thánh Gioan 19,17)), chặng thứ tám (Luca 23,27-42).
Những chặng còn lại không được nói đến trong sách Tin Mừng, nhưng là do sự suy đoán hoặc theo một truyền thống nào đó. Một cách cụ thể, không có chỗ nào trong Tân Ước nói đến ba lần Chúa ngã (chặng thứ 3, 7, 9), nhưng ta có thể dễ đoán được, bởi vì Người đã kiệt lực sau một đêm không ngủ, rồi còn bị tra khảo, đập đánh. Sự kiệt sức giải thích lý do vì sao phải nhờ đến ông Simon vác đỡ thập giá.
Cũng không bản văn Tân Ước nào nói đến việc bà Veronica lau mặt Chúa (chặng thứ 6), nhưng có lẽ bà ta cũng vào số các phụ nữ Giêrusalem đi than khóc Chúa nói ở Lc 23,27 (được nhắc ở chặng thứ 8), duy có điều nổi bật là vào thời Trung Cổ có lưu truyền rằng bà Veronica đã lau mặt Chúa, và bà đã chứng kiến một phép lạ, đó là Chúa đã in khuôn mặt đau khổ của mình vào tấm khăn ấy, được lưu giữ tại nhiều nơi. Và có người cho rằng Veronica không phải là tên riêng, mà chỉ có nghĩa là “vera icona”: bức chân dung đích thực của Chúa Giêsu.
Các sách Tin Mừng cũng không đề cập đến cảnh Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ (chặng thứ 4), nhưng người ta dễ suy đoán được từ cảnh mà Thánh Gioan thuật lại ở chương 19, các câu 25-27, khi Đức Mẹ đứng kề bền thập giá.
Không hẳn như vậy. Nhân cuộc canh tân phụng vụ sau Công Đồng Vaticanô II, người ta nhận thấy rằng một chân lý đức tin hoặc một cử hành bí tích có thể diễn tả bằng nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn như Thánh Lễ: bí tích này được cử hành qua nhiều nghi điển khác nhau bên Đông và bên Tây. Ngay cả trong nghi điển Rôma, có ít là bốn Kinh nguyện Tạ Ơn (hay kinh nguyện Thánh Thể). Vì thế, trong cách suy gẫm đàng thánh giá cũng có thể có nhiều hình thức khác nhau.
Một hình thức quen thuộc với chúng ta hơn cả là suy gẫm 5 mầu nhiệm Mùa thương của kinh Mân Côi: như vậy là trong 5 chặng, chúng ta có thể đi theo Chúa từ vườn cây dầu đến núi Calvario. Một ý tưởng khác được nêu lên là đàng thánh giá nên bắt đầu từ vườn cây dầu chứ không phải là từ dinh tổng trấn Philatô, và cần kết thúc không phải là với việc an táng Chúa, nhưng là với biến cố Phục Sinh.
Trên thực tế, thì từ năm 1975, Tòa Thánh đã cho phép sử dụng một mô hình khác về các chặng đàng thánh giá nhân dịp thứ Sáu Tuần Thánh được cử hành tại Colossê, và điều này còn được tiếp tục ở nhiều năm 1991, 1992, 1994. Mô hình này vẫn giữ 14 chặng đàng, nhưng với những chủ đề lấy từ sách Phúc Âm. 1/ Bữa Tiệc Ly. 2/ Chúa Giêsu hấp hối trong vườn cây dầu. 3/ Chúa Giêsu bị bắt. 4/ Chúa bị điệu ra tòa Thượng hội đồng. 5/ Ông Phêro chối Chúa. 6/ Chúa Giêsu bị giải sang tòa tổng trấn Philato. 7/ Chúa chịu đánh đòn. 8/ Chúa chịu kết án. 9/ Ông Cireneo và các phụ nữ. 10/ Chúa chịu đóng đinh vào thập giá. 11/ Những lời Chúa trên thập giá theo Luca. 12/ Chúa chịu chết. 13/ Chúa chịu an táng. 14/ Chúa Phục Sinh.
Cũng nên biết là tại Lộ Đức, từ thập niên 60, trong các chặng đàng thánh giá với những bức tượng cao như người thật, người ta đã thêm chặng thứ 15, Chúa sống lại. Đó là nói về tên gọi các chặng đàng, chứ các bài suy niệm về các chặng thì có nhiều lắm.
Trước tiên, cần phải nhấn mạnh rằng việc xác định ngày lễ Phục Sinh cần phải dựa trên tiêu chuẩn khách quan, chứ không thể để tùy hứng. Nói một cách cụ thể hơn nữa, khi soạn lịch phụng vụ, Tòa Thánh không thể tự tiện muốn xác định lễ Phục Sinh vào ngày nào tùy ý của mình, nhất là khi mà ngày này không phải chỉ có các Kitô Hữu mới cử hành lễ Phục Sinh mà còn biết bao nhiêu công sở, ngân hàng, xí nghiệp, trường học trên thế giới cũng soạn thảo lịch sinh hoạt dựa theo ngày lễ đó nữa.
Như chị đã biết lịch phụng vụ của Kitô Giáo hằng năm có hai đại lễ: đó là lễ Chúa Giáng Sinh và lễ Chúa Phục Sinh. Lễ Chúa Giáng Sinh thì cố định vào ngày 25 tháng 12. Còn lễ Phục Sinh thì sao? Thoạt tiên xem ra chẳng có năm nào trùng hợp với năm nào cả. Nhưng trên thực tế, có một sự trùng hợp mà có lễ ít người để ý tới: đó là lễ Phục Sinh năm nào cũng vào ngày Chúa Nhật. Do đó, nếu ai hỏi chị năm tới lễ Phục Sinh sẽ vào ngày nào, chị có thể nhắm mắt trả lời mà không sợ sai rằng: sẽ vào Chúa Nhật. Giả như họ nằng nặc muốn hỏi tiếp: Chúa Nhật ngày mấy, tháng mấy? Lúc đó chị hãy dùng kế hoãn binh: chờ tí, để tôi xem lịch lại đã!
Năm 1997 sẽ là Chúa Nhật 30/3; năm 1998 là Chúa Nhật 12/4; năm 1999 là Chúa Nhật 4/4; năm 2000 là 23/4.
Lý do là tại vì chúng ta mừng lễ Phục Sinh căn cứ vào âm lịch chứ không căn cứ vào dương lịch. Vì thế có sự sai lệch, đại khái cũng tương tự như ngày Tết âm lịch: năm nào mà sớm thì trúng vào 21 tháng 1 dương lịch (thí dụ năm 1966), còn năm nào mà muộn thì phải chờ tới 19 tháng 2 như năm nay. Có một điều khác biệt quan trọng (như đã nói trên đây) đó là lễ Phục Sinh bao giờ cũng trúng vào ngày Chúa Nhật; còn ngày mồng một Tết thì có thể trùng vào bất cứ ngày nào trong tuần lễ.
Thực ra, nói được rằng tiêu chuẩn ngày Chúa Nhật chỉ là thứ yếu. Có một tiêu chuẩn nữa quan trọng hơn để mà ấn định ngày Chúa Nhật nào trong năm, đó là tiêu chuẩn trăng tròn. Ở Việt Nam, nói tới trăng tròn chúng ta liên tưởng ngay tới lễ Trung thu, khi mà chúng ta ra ngắm chú Cuội ở trên cung trăng với chị Hằng. Nhưng chúng ta quên một dịp khác để đi ngắm trăng tròn, đó là lễ Trung Xuân. Lễ Phục Sinh trùng vào dịp trăng tròn của Trung Xuân.
Dĩ nhiên là lễ Phục Sinh chẳng có liên hệ gì tới mặt trăng hết. Nhưng theo thói thường, khi mừng một lễ nào đó, dù là trong gia đình hay làng xóm hay quốc gia, người ta thường căn cứ vào ngày giáp năm của biến cố được nhắc tới. Thí dụ trong một quốc gia, ngày quốc khánh được mừng vào dịp giáp năm ngày tuyên bố độc lập hay tuyên bố hiến pháp.
Lễ Chúa Phục Sinh cũng được cử hành dựa trên tiêu chuẩn đó, nghĩa là vào dịp giáp năm của biến cố Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Thế nhưng làm sao biết được Chúa sống lại vào ngày nào? Phúc Âm không cho ta biết đích xác ngày tháng dựa theo dương lịch mà ta đang sử dụng. Nhưng Phúc Âm cho ta một chi tiết rất là quan trọng, đó là việc Chúa chịu chết và sống lại xảy ra vào dịp người Do Thái cử hành lễ Vượt Qua.
Tôi xin nhắc lại: đây là một chi tiết rất quan trọng, bởi vì nó giúp cho ta không những là tính được ngày tháng xảy ra biến cố, mà còn hiểu được ý nghĩa thần học của nó.
Ở đây tôi không muốn nói tới những ý nghĩa mà biến cố Chúa Phục Sinh mang lại cho nhân loại, tựa như là ơn cứu chuộc hoặc ơn thân xác sẽ sống lại, nhưng mà ý nghĩa của ngày lễ. Trong tiếng Việt, chúng ta gọi là lễ Chúa Phục Sinh, như vậy nhấn mạnh tới biến cố Đức Kitô sống lại. Nhưng trong tiếng La Tinh thì danh xưng của nó là Pascha (mà người Pháp chuyển âm là Pâques).
“Pascha” có nghĩa là gì?
Nguồn gốc của từ này bởi tiếng Do Thái pesa hay là pasa, có nghĩa là: đi ngang qua, hay là nhảy nhót. Thường thì ý nghĩa “đi ngang qua” thông dụng hơn, và trong tiếng Việt, chúng ta thấy có từ ngữ lễ “Vượt Qua”. Nói tới “Vượt Qua” thì chúng ta dễ liên tưởng tới việc dân Do Thái vượt qua biển Đỏ, biểu tượng của một cuộc giải phóng: dân Do Thái từ cảnh nô lệ Ai Cập băng qua biển Đỏ để vào vùng Đất hứa, vùng đất tự do.
Tuy nhiên, đó là mình tán ra vậy thôi, chứ thực ra khi mừng lễ Pascha, người Do Thái tiên vàn nhớ lại việc Chúa đi ngang qua nhà họ, và đã cứu họ qua việc trừng phạt dân Ai Cập bằng việc giết các con đầu lòng của dân này. Đó là điều mà chúng ta đọc ở sách Xuất Hành, chương 12, đặc biệt là các câu 12-14.26-27. Trong chương 12, chúng ta còn đọc thấy vài chi tiết về cách thức mừng lễ, chẳng hạn giết một con chiên tơ, ăn rau diếp đắng.
Một điểm đáng cho chúng ta lưu ý là Tân Ước không những cho ta biết rằng Chúa Giêsu đã tử nạn và phục sinh vào dịp người Do Thái mừng lễ Vượt Qua, mà còn coi chính Đức Kitô là Chiên Vượt Qua (thí dụ 1Cor 5,6-8; Gioan 19,35-36). Chính nhờ máu của Người đổ ra mà chúng ta được thoát chết. Thánh Gioan cũng coi cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô như là một cuộc Vượt Qua, nghĩa là sau khi từ Chúa Cha đến trần gian, bây giờ Đức Kitô lại từ trần gian trở về với Chúa Cha (Ga 13,1). Chính vì ý nghĩa thần học súc tích như vậy, cho nên phụng vụ gọi là Phục Sinh là “Pascha”.
Chính vì biến cố Đức Kitô tử nạn và phục sinh đã diễn ra nhân dịp người Do Thái mừng lễ Pascha (tạm dịch là lễ Vượt Qua), cho nên Giáo Hội cử hành lễ Phục Sinh trùng vào dịp người Do Thái cử hành lễ Vượt Qua. Như vậy vấn đề cần biết là người Do Thái cử hành lễ Vượt Qua vào ngày nào? Lịch Do Thái ấn định là ngày 14 tháng Nisan, nghĩa là tháng đầu năm đối với họ.
Nếu ai mở chương 12 của sách Xuất Hành thì sẽ thấy câu trả lời đơn giản: đó là tại vì Chúa đã truyền ông Môsê như vậy, để tưởng niệm đêm mà Chúa đến cứu dân Israel. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ cho rằng nguồn gốc của nó xa hơn nhiều. Nó bắt đầu từ thói tục của dân du mục. Suốt mùa Đông giá rét, cả người cũng như cảnh vật ra như ủ rũ chờ chết. Sang tới mùa Xuân, cảnh vật bắt đầu lấy lại sự sống. Cây cối đồng cỏ lấy lại màu xanh tươi. Các chú du mục lại có thể dẫn chiên ra đồng đi ăn: có lẽ đó là nguyên ngữ của tiếng “pesa”, vừa có nghĩa là “đi qua” vừa có nghĩa là “nhảy nhót”.
Dù nguồn gốc của ngày lễ như thế nào đi nữa, một điều chắc chắn là nó được mừng vào ngày 14-15 (rằm) của mùa Xuân. Do đó mà ta có thể gọi nó là lễ Trung Xuân (đối lại với lễ Trung Thu). Tuy nhiên, vào những thế kỷ đầu tiên, đã nảy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trong Giáo Hội giữa hai phe.
Một phe thì chủ trương mừng lễ Phục Sinh cùng ngày Pascha của người Do Thái, nghĩa là đúng dịp trăng tròn, bất luận ngày nào trong tuần.
Một phe thì chủ trương là phải mừng vào ngày Chúa Nhật, bởi vì Đức Kitô đã sống lại vào ngày Chúa Nhật, một ngày liền sau ngày hưu lễ (Sabat) của người Do Thái. Ngày đó được gọi là Chúa Nhật (Dies Domini, Dominica): ngày của Chúa.
Cuộc tranh luận trở thành gay cấn dưới thời ĐGH Victorio I (189-198), khi người doạ tuyệt thông các giáo đoàn nào mừng lễ Phục Sinh vào ngày 14. Sau bao nhiêu công nghị miền cả bên Đông lẫn bên Tây, Công Đồng Nixêa năm 325 đã tìm cách ấn định một quy tắc chung, tuy rằng phải chờ tới thế kỷ VIII thì khắp nơi mới chấp nhận.
Quy tắc như thế này: Lễ Phục Sinh sẽ được cử hành vào Chúa Nhật liền sau ngày 14 tháng Nisan. Ngày này sẽ không trước ngày xuân phân (21/3 dương lịch) và sẽ không sau ngày 25/4 dương lịch (như vậy là chênh nhau trong vòng 35 ngày).
Tuy nhiên, đến thế kỷ XVI vì các Giáo Hội Chính Thống không chấp nhận cuộc cải tổ lịch dưới thời Đức Grêgôriô XIII (1582) cho nên lại có thiếu sự nhất trí giữa các Kitô Hữu trong việc cử hành lễ Phục Sinh.
Công Đồng Vaticanô II bày tỏ ý kiến không những chung quanh đề nghị thỏa hiệp giữa các Giáo Hội Kitô để cử hành lễ Phục Sinh chung một ngày như nhau, mà cả chung quanh dự án làm một quyển lịch vĩnh viễn. Tuy nhiên, những dự án này có lẽ sẽ không thành tựu trước thế kỷ XXI.
Alleluia là một thành ngữ gốc Do Thái, ghép bởi hai từ “hallelu” (hãy ngợi khen, động từ hillel) và “jah” (Giavê, Thiên Chúa). Như vậy, alleluia có nghĩa là “hãy ngợi khen Chúa”.
Nên biết là bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Hy Lạp và tiếng La Tinh đã để nguyên văn Do Thái chứ không dịch nghĩa aineite ton Kyrion; laudate Dominum) cũng tựa như đối với từ ngữ Amen. Cả hai tiếng “Amen” và “Alleluia” đều là công thức phụng vụ. Amen khẳng định niềm xác tín, chấp nhận lời Chúa; Alleluia mang tính cách tôn vinh chúc tụng.
Thật khó biết được công thức Alleluia được sử dụng từ hồi nào. Điều đáng ghi nhận hơn cả là Alleluia gặp thấy trong một số thánh vịnh, được đặt tên là những “thánh vịnh Hallel” (từ 113-118, theo lối đánh số của bản Do Thái).
Một nhận xét khác là nói chung alleluia thường được đặt ở đầu các thánh vịnh vừa nói, nhưng có khi ở cuối thánh vịnh (các tv 115; 117), có khi cả ở đầu cả ở cuối (thí dụ 113). Ngoài ra, alleluia cũng gặp thấy kể cả bên ngoài loạt các thánh vịnh Hallel (chẳng hạn các thánh vịnh 105-106; 111-112; 135-136; và nhất là sáu thánh vịnh cuối cùng, từ 146 đến 150).
Có lẽ người Do Thái còn hát Alleluia vào các dịp khác nữa chứ không hẳn là lúc đọc thánh vịnh, như ta thấy nói đến ở sách Tôbia (13,18): “Các cửa thành vang tiếng ca hoan hỷ, mọi nhà sẽ cùng hát: ‘alleluia, chúc tụng Thiên Chúa là Đấng Israel tôn thờ’!”.
Thiết tưởng cần phân biệt nhiều chặng: trước tiên, trong đời Đức Giêsu; kế đến, trong Hội Thánh tiên khởi; và chặng thứ ba trong phụng vụ.
Trước hết, nếu xét trong cuộc đời của Đức Giêsu thì chắc rằng Người đã hát alleluia nhiều lần khi tham dự phụng vụ với đồng hương của mình. Các sử gia đã lưu ý đặc biệt tới trình thuật thiết lập bí tích Thánh thể dựa theo Phúc âm nhất lãm, trong khung cảnh của một bữa tiệc Vượt Qua, trong đó Phụng Vụ Do Thái hát các thánh vịnh Hallel đã nói trên đây (113-118 và 135).
Sang giai đoạn hai (nghĩa là Hội Thánh tiên khởi), rất có thể các tín đồ gốc Do Thái cũng hát các thánh vịnh Hallel vào lúc cử hành Thánh thể, vì muốn lặp lại cử chỉ của Chúa Giêsu. Dù sao, trong Tân Ước, ta thấy lời chúc tụng Alleluia xuất hiện trong một bối cảnh khác, đó là bài ca khải hoàn trên thiên quốc được ghi lại trong sách Khải Huyền chương 19. Lời Alleluia được vang lên 4 lần như điệp khúc (câu 1.3.4.6).
Thật khó xác định được đây chỉ là một thị kiến của Thánh Gioan, hay là phản ánh của một buổi cử hành phụng vụ Kitô Giáo. Dù sao thì ngày nay, đoạn văn này trở thành thánh ca giờ kinh chiều Chúa Nhật ngoài mùa Chay.
Chúng ta không nên quan niệm phụng vụ Kitô Giáo hoàn toàn bắt đầu từ con số không. Như đã nói trên, Chúa Giêsu và các tông đồ đã nhiều lần đọc các thánh vịnh dựa theo truyền thống Do Thái, trong đó có nhiều thánh vịnh alleluia. Do đó, ta có thể suy ra là ngay từ đầu các lời chúc tụng alleluia đã đi vào phụng vụ Kitô Giáo qua ngỏ các thánh vịnh. Điều này càng rõ hơn khi đọc tác phẩm các giáo phụ viết từ thế kỷ IV.
Thánh Athanasiô, Basiliô, Grêgôriô Nyssa bắt đầu viết những khảo luận về ý nghĩa alleluia khi chú giải các thánh vịnh Hallel. Đến khi đời đan tu thịnh hành, người ta thấy nhiều khoản luật ấn định việc sử dụng alleluia trong các thánh vịnh, nghĩa là alleluia được thêm vào hết mọi thánh vịnh cho dù trong nguyên bản Do Thái không có.
Một thí dụ điển hình là luật Thánh Biển đức dành hẳn một chương 15 để ấn định khi nào đọc alleluia: trong mùa Phục Sinh, alleluia được thêm vào hết các thánh vịnh và đáp ca; ngoài mùa Phục Sinh, thì thêm alleluia vào 6 thánh vịnh chót của giờ Kinh Đêm, và nếu là Chúa Nhật thì thêm vào các thánh vịnh giờ kinh Sáng.
Dựa theo sự nghiên cứu của Cha Martimort, từ thế kỷ IV, alleluia đã được hát trong thánh lễ ở nghi thức rước sách Phúc Âm. Việc công bố Phúc Âm tượng trưng Chúa Kitô hiện diện giữa cộng đoàn để giảng dạy. Vì thế mọi người đứng lên chăm chú lắng nghe. Do đó, việc rước sách Phúc Âm được kèm theo nhiều nghi thức long trọng, với các giúp lễ cầm đèn, xông hương, đang khi cộng đoàn tung hô alleluia. Dường như phụng vụ muốn diễn tả lại nghi thức nhân dân thành phố Giêrusalem đón rước Đức Giêsu vào thành, và nhất là đoàn rước trên thiên quốc được mô tả trong sách Khải Huyền.
Lời chúc tụng Alleluia được đệm thêm với những câu thánh vịnh hoặc những đoạn Kinh Thánh, tạo nên một bài ca. Tập tục này còn được lưu giữ trong phụng vụ ngày nay, bên Tây Phương cũng như bên Đông Phương. Dần dần, ngoài lời chúc tụng trước khi đọc Phúc Âm, alleluia cũng được thêm vào các bài ca nhập lễ, ca hiệp lễ nữa.
Đúng vậy, ta phải chúc tụng Chúa luôn luôn, mọi nơi mọi lúc. Đó cũng là quan niệm của Phụng Vụ bên các Giáo Hội Đông Phương: họ hát alleluia quanh năm. Nhưng bên Tây Phương thì lại khác. Tại sao vậy?
Đang khi đó, các nơi khác bên Tây Phương không biết đến tập tục đó, và họ hát alleluia quanh năm cũng y như bên Đông Phương. Nhưng khoảng cuối thế kỷ VIII, tập tục Rôma thắng thế, alleluia được dành cho mùa Phục Sinh, và tuyệt đối cấm hát trong mùa Chay.
Và phụng vụ Rôma trước đây có nghi thức tiễn biệt và đón rước Alleluia. Trước khi ngưng hát alleluia (kể từ Chúa Nhật 70) ca đoàn hát một điệp ca đệm nhiều lời alleluia. Và đêm Vọng Phục Sinh, thì phó tế lên giảng đài trịnh trọng xướng ba lần ca khúc alleluia loan báo cho toàn dân tin mừng Alleluia: “Adnuntio vobis, reverendissime Pater, gaudium magnum quod est Alleluia”. Cũng vì Alleluia tượng trưng cho niềm vui, cho nên trước đây, người ta không hát trong lễ an táng hoặc cầu cho người chết.
Không phải thế. Trong Thánh Lễ, alleluia được xướng lên như bài ca chúc tụng trước khi đọc Phúc Âm suốt năm, chỉ trừ mùa Chay. Trong mùa Phục Sinh, thì alleluia được thêm vào các đáp ca, điệp xướng, ca nhập lễ vân vân. Đó là nói đến các bản văn phụng vụ chứ không thể kể hết những thánh ca bình dân hoặc các bản trường ca (tựa như Messiah của Handel viết năm 1741).
Dù sao đi nữa, khía cạnh vui tươi khi hát alleluia không chỉ tùy thuộc cung điệu của các nhạc sĩ hoặc tài nghệ của ca đoàn, nhưng tùy thuộc rất nhiều vào tâm hồn của ta. Khi tâm hồn ta đang buồn rười rượi, thì có tham dự cả chục đại nhạc hội, ta vẫn buồn như thường, phương chi là hát alleluia!
Đây là một nhận xét rất tinh tế của Thánh Augustinô trong nhiều bài giảng Phục Sinh. Phụng Vụ Phục Sinh biểu lộ niềm tưng bừng hoan hỉ của biến cố Chúa Phục Sinh. Nhưng thử hỏi: trên cõi đời này làm gì có niềm vui trọn vẹn, bởi vì tâm hồn chúng ta luôn bị ám ảnh bởi bao nỗi lo âu buồn phiền. Liệu tiếng hát alleluia có trở thành giả dối không?
Thánh nhân trả lời thế này. Nói cho đúng, chỉ có các thiên thần và các thánh nhân trên trời mới có thể hát alleluia cách trọn vẹn, bởi vì các đấng có thể ca ngợi Thiên Chúa suốt ngày đêm và nhất là các đấng không còn bận tâm lo lắng gì nữa. Chúng ta hát alleluia với niềm khao khát sẽ cùng được thông phần hoan hỉ với các đấng (sermo 252,9). Alleluia trở nên bài ca hy vọng tin tưởng, khi biết rằng Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta, và hứa ban cho chúng ta hạnh phúc vĩnh cửu (sermo 254,5).
Dù sao đi nữa, chúng ta không chỉ hát bằng lời ca nhưng còn bằng cuộc đời. Alleluia có nghĩa là “hãy ngợi khen Chúa”. Chúng ta hãy ngợi khen bằng cuộc sống và miệng lưỡi, bằng con tim và bằng đôi môi, bằng tiếng hát và bằng nếp sống. Chúa muốn chúng ta hát alleluia cho thật hoà điệu chứ đừng hát ngang cung. Vì thế hãy để cho lưỡi hợp điệu với nếp sống, môi miệng hợp với lương tâm.
Như đã nói, chỉ có trên trời mới có hợp điệu tuyệt đối, chứ ở dưới trần này, lương tâm ta áy náy đủ chuyện: nào là sai lỗi, nào là chước cám dỗ, và vì thế ta phải cầu nguyện: “Xin Cha tha nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Dù vậy, thưa anh em, dù giữa bao sự dữ, ta hãy cứ hát alleluia đi, bởi vì Thiên Chúa tốt lành và tha thứ tội lỗi chúng ta, và cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ. Sự dữ nào? Bệnh tật ư? Tù ngục ư? Không phải thế đâu.
Bạn nghĩ cho kỹ đi: sự dữ gì làm bạn sợ nhất? Có phải là cái chết không? Nhưng anh em có biết rằng Chúa đã cứu thân xác anh em khỏi chết hay không? Sự dữ đáng sợ nhất mà ta không còn lo nữa, thì phải sợ cái gì? Các chước cám dỗ ư? Lo gì, Thiên Chúa là Đấng tín trung, Người không để cho anh em bị thử thách quá sức của mình đâu; trái lại, Người còn ban cho anh em sức mạnh để vượt qua cơn thử thách nữa. Vì thế anh em hãy hát alleluia đi, hát giống như những người lữ hành, vừa đi vừa hát, hát để an ủi nhau giữa lúc lao nhọc, hát để khích lệ nhau nuôi dưỡng niềm hy vọng có ngày sẽ tới nơi an nghỉ. Nhưng vừa hát vừa lên đường, chứ đừng dừng lại, trở lui, hay rẽ ngang (Sermo 256,3).