Tân Ước cho ta biết về ngày Chúa Giêsu chịu tử nạn, đó là vào dịp lễ Vượt Qua của dân Do Thái. Nhưng Tân Ước lại im lặng về ngày tháng Chúa ra đời. Vì vậy ta không thể nói được chính xác Chúa ra đời vào mùa Xuân, Hạ, Thu, hay Đông.
Những bài thánh ca về Giáng Sinh nói đến sương tuyết lạnh lẽo, ắt là nghĩ đến lễ Giáng Sinh cử hành vào ngày 25 tháng Chạp dương lịch. Ở Âu Châu thì quả thật là mùa Đông lạnh lẽo. Ở Việt Nam tỉ như một số vùng núi cao như Đà Lạt cũng khá lạnh lẽo, nên bài thánh ca ấy không có chi trái mùa. Nhưng chúng ta thử nghĩ đến các vùng ở miền Nam bán cầu, như Australia, Tân-tây-lan, thì ngày 25 tháng 12 rơi vào chính giữa mùa hè. Lễ xong là họ nhào ra biển để tắm mát.
Tại sao phụng vụ cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12? Có lẽ vì Giáo Hội muốn thánh hoá một ngày lễ ngoại đạo ở Rôma. Thực vậy, người Rôma cử hành ngày sinh nhật của mặt trời (Natale solis invicti) vào ngày này. Như chúng ta biết trong năm, ngày Đông Chí là ngắn nhất: xem ra đêm tối đã lấn át mặt trời. Thế nhưng sau đó ngày lại bắt đầu dài ra từ từ; vì vậy mà người ta mừng lễ hồi sinh của mặt trời.
Sau khi đế quốc Rôma trở lại Kitô Giáo, Giáo Hội muốn thay thế thần mặt trời bằng Đức Kitô, mặt trời soi đường công chính. Chứng tích đầu tiên về việc cử hành lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 là một cuốn lịch vào năm 354, tức là giữa thế kỷ IV. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ này thì hầu như các Giáo Hội Kitô đều mừng lễ vào ngày ấy.
Tưởng cũng nên biết rằng các Giáo Hội Đông Phương mừng ngày lễ Giáng Sinh vào ngày 6 tháng 1, ngày mà Giáo Hội La Tinh mừng lễ Hiển Linh. Chúng ta không biết Chúa sinh ra ngày nào, còn chị có biết Chúa sinh ra năm nào không?
Đúng một phần, quả thực, lịch mà chúng ta đang dùng, dựa trên ngày Chúa Giáng Sinh, coi như là năm thứ I, cho đến ngày nay là năm 1991. Tuy nhiên khi bắt đầu soạn ra lịch ấy, tu sĩ Điônisô Exiguus (sống vào thế kỷ VI) đã tính lầm: ông cho rằng Chúa ra đời vào ngày 25 tháng 12 năm 753 của lịch Rôma, tức là 4 năm trước kỷ nguyên Kitô Giáo. Chúng ta phải thụt lùi thêm 2 năm nữa, xét vì khi Hêrôđê hay biết việc Chúa ra đời, đã ra lệnh giết các trẻ em dưới hai tuổi, vì đoán rằng Người đã sinh ra trong khoảng thời gian đó. Tóm lại, Chúa Giêsu đã ra đời ít là vào năm thứ VI hay năm thứ V trước kỷ nguyên hiện tại, nghĩa là vào khoảng 1996 năm nay.
Theo Thánh Luca, vào thời ấy có một cuộc kiểm tra dân số trong toàn đế quốc Rôma, ai nấy phải về nguyên quán của mình để kê khai. Hoàng đế Rôma không chỉ muốn biết con số nhân đinh của mình, nhưng là muốn biết có bao nhiêu người sẵn sàng thi hành quân sự, cũng như tài sản của họ để đánh thuế.
Từ Nazarét có lẽ là quê quán của Maria, Giuse dẫn bạn mình trở về nhà của song thân mình ở Bêlem, một quãng đường dài khoảng 150 cây số. Bêlem (theo nguyên ngữ Do Thái Bethlehem) có nghĩa là “nhà của bánh”. Nhưng theo một số học giả hiện đại, có lẽ phải tìm nguyên ngữ Bit-ilulahama (tiếng Canaan, có nghĩa là nhà của thần Lajamu).
Bêlem là một thôn làng nhỏ bé, cách Giêrusalem độ chừng 8 cây số về phiá Nam. Vào thời ấy dĩ nhiên là không có khách sạn hay quán trọ. Luca nói rằng Giuse không tìm được một chỗ trong một gian phòng dành cho khách. Có lẽ là một gian nhà xép như cái chái, mở ra làm gian dành cho súc vật. Vì vậy mà sau khi hết chỗ, có lẽ ông chủ đưa ra ngoài hiên, nơi dành cho súc vật chăng?
Từ thế kỷ II mới có truyền thống do Thánh Giustinô kể lại (Dialogo cum Triphone 78,5 viết vào khoảng năm 150) là Chúa Giêsu sinh ra trong một hang đá. Từ đó lưu truyền ấy được tiếp tục như chúng ta thấy trong chứng tích của Origène (Contra Celsum I, 51 viết vào khoảng năm 248) ở thế kỷ sau đó. Ấy là chưa kể đến các Nguỵ Phúc Âm Thư.
Vào thế kỷ IV hoàng đế Constantinô đã xây một thánh đường tại hang đá mà theo tục truyền là nơi Chúa ra đời. Tuy nhiên tục lệ cất hang đá trong các nhà thờ và tư gia để tưởng niệm biến cố Chúa giáng sinh mới có từ thế kỷ XIII, do Thánh Phanxicô khó khăn khởi xướng.
Phúc Âm không nói đến. Chi tiết này xuất hiện ở Nguỵ Phúc Âm theo Thánh Matthêu. Tác giả này muốn chứng minh rằng việc Chúa ra đời trong hang bò lừa ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia 1,3: “Con bò đã biết chủ mình, và con lừa nhận biết máng của chủ mình”.
Đúng vậy, ngôi sao đặt bên cạnh hang đá tưởng nhớ đến ngôi sao đã dẫn đưa các nhà đạo sĩ đến thờ lạy Hài Nhi ở Belem. Tuy nhiên Thánh Matthêu không nói rõ ràng đó là ngôi sao chổi. Dù sao theo các học giả Kinh Thánh, sao chổi hay sao nào khác không quan hệ cho bằng ý nghĩa thần học: trong Cựu Ước (Ds 24,7) Balaam tiên báo ngày vị cứu tinh ra đời dưới hình ảnh của một ngôi sao chỗi dậy từ nhà Giacóp. Lưu truyền bình dân ở Israel đều nói đến một ngôi sao xuất hiện vào lúc một hoàng đế hay vĩ nhân ra đời.
Thánh Matthêu nói là có các “magoi”. Từ này có ý nghĩa hàm hồ: ở Ba Tư, họ thuộc hàng giáo sĩ, nhưng không phải lo chuyện tư tế mà còn lo chuyện bói toán, thiên văn và y khoa nữa. Nhưng khó có thể nói là các nhân vật mà Thánh Matthêu nói tới thực sự từ Ba Tư mà đến.
Đối với người thời đó, “Phương Đông” không hẳn là Trung Hoa, Nhật Bản nhưng chỉ là xứ ở phía Đông của bờ sông Giođan, có thể là chính từ miền Ảrập. Về sau các vị ấy được gọi là vua có lẽ vì người Kitô Hữu liên tưởng tới thánh vịnh 72: “ Các vua Tharsis và hải đảo sẽ mang lễ phẩm; các vua Ảrập và Saba sẽ mang cống vật …”.
Con số “ba” xuất hiện có lẽ vì gắn liền với ba phẩm vật: vàng, trầm hương, mộc dược. Ba lễ phẩm có ý nghĩa tượng trưng. Vàng là biểu hiệu của vua chúa; trầm hương là biểu biệu của thần linh; mộc dược dùng để tẩm liệm ước xác, biểu hiệu của thân phận con người.
Các Giáo Hội Syria và Armeni đếm hơn một chục vị, chứ không phải chỉ có ba vị. Dầu là ba hay là bốn đi nữa, ta vẫn có thể nghĩ rằng họ đều cùng một xứ với nhau. Về sau, vì muốn làm nổi bật tính cách phổ quát của ơn cứu chuộc, người ta đặt ba vị tượng trưng mầu da của ba đại lục lớn nhất: da trắng (Âu Châu), da vàng (Á Châu), da đen (Phi Châu). Mỹ châu mới được khám phá cách đây 500 năm thôi.
Dù sao đi nữa vấn đề chính mà Matthêu muốn nêu lên là vào lúc Chúa ra đời, trong khi những người ở chính quê hương của Người thuộc làu Sách Thánh, nhưng không nhận biết thời giờ cứu độ; còn những người ngoại đạo từ xa xăm đã nhận ra Chúa Cứu Thế và đến thờ lạy Người. Biết đâu đó cũng là lối trách móc dành cho chúng ta, những người Kitô Hữu?
Trong Tân Ước không có chỗ nào nói Chúa Giêsu sinh ra gần cây thông. Mặt khác tục lệ làm hang đá để tưởng niệm Chúa ra đời đã có từ thế kỷ XIII, còn tục lệ đặt cây thông thì mới trở nên phổ thông từ thế kỷ XIX, phát xuất từ bên Đức.
Tại những nước Bắc Âu, trong mùa Đông, các cây đều trụi lá hết, chỉ trừ cây thông là giữ được vẻ tươi xanh. Vì thế không lạ gì người ta dùng cây thông để trang hoàng vào dịp lễ. Điều quan trọng là tìm hiểu ý nghĩa của nó.
Cây thông với những cành lá luôn xanh tươi, tượng trưng cho sự sống. Cây thông dựng lên trong mùa Giáng Sinh gọi là cây trường sinh ở vườn địa đàng. Nguyên tổ chúng ta đã phạm tội, bị trục xuất khỏi nơi hạnh phúc ấy và bị lên án tử. Nay Chúa Cứu Thế giáng trần, Người mở lại cửa thiên đàng cho chúng ta, trả lại cho chúng ta cây trường sinh. Thiết tưởng một khi hiểu được ý nghĩa như vậy, ta có thể dùng bất cứ cây nào đặt bên cạnh hang đá cũng được.
Thật khó mà biết các thiên thần đã hát thế nào trong đêm Chúa ra đời. Trong Phúc Âm, thánh sử Luca chỉ ghi lại có hai câu ngắn ngủi vừa nói, còn tất cả phần còn lại trong Kinh Vinh Danh, mà phụng vụ dùng trong Thánh Lễ thì được sáng tác về sau. Tuy nhiên, xét vì các bài ca ấy bắt đầu với những tiếng hát của các thiên thần ở Bêlem, nên toàn thể bài ca cũng được gọi là Bài Ca Thiên Thần.
Phần nào vừa quảng diễn nội dung súc tích của lời các thiên thần, phần nào thêm thắt nhiều tư tưởng mới. Để rõ hơn, thiết tưởng chúng ta nên tìm hiểu ý nghĩa của lời các thiên thần mà Thánh Luca đã ghi lại.
Thoạt tiên xem ra như một câu đối hai vế với các lời lẽ đơn sơ dễ hiểu: “Trên trời, xin cho danh Chúa được vinh quang / dưới đất, mong sao cho những người thành tâm được hưởng an bình”.
Tuy nhiên, gần đây một số học giả không đồng ý với cách giải thích hai vế ấy. Trước hết, bởi vì một số thủ bản Kinh Thánh ghi lại lời hát của các thiên thần không phải trong hai vế, nhưng là ba vế: “Vinh quang Thiên Chúa trên trời – bình an dưới đất – và thiện chí cho con người”.
Tuy có ít học giả đồng ý về cách phân đoạn như vậy, nghĩa là đa số các học giả nghiêng về hai vế, nhưng họ không nhất trí về cách giải thích vế thứ hai. Theo họ, thay vì dịch “bình an dưới thế cho người thiện tâm”, thì phải dịch là “bình an dưới thế cho con người được Chúa yêu thương”.
Nói khác đi, từ “thiện tâm” không ám chỉ cho con người, nhưng cho Thiên Chúa, bởi vì Người đã tỏ lòng yêu thương nhân hậu đối với con người. Hiểu như thế, tại Bêlem, các thiên thần đã không bày tỏ ước nguyện cho Thiên Chúa được vinh quang và cho con người được thái hoà, nhưng các vị công bố một sự kiện, một tin vui: do việc Chúa cứu thế giáng trần, vinh quang của Thiên Chúa được tỏ ra trên trời, và bình an xuất hiện trên trái đất, bởi vì con người được Chúa thương yêu cứu chuộc.
Khởi điểm từ tin vui ấy, bài ca “Vinh Danh” tiếp tục bộc phát niềm ca khen vui mừng trong hai đoạn, phần nào tương ứng với hai vế của sứ điệp các thiên thần: đoạn thứ I gồm những lời chúc vinh Thiên Chúa; đoạn thứ II khẩn cầu Đấng Cứu Thế hoàn tất công cuộc của Người ở giữa loài người.
Đoạn thứ I bắt đầu từ “chúng con ca ngợi Chúa” cho đến “là vua trên trời, là Chúa Cha toàn năng”. Đoạn này bắt đầu với một số động từ diễn tả tất cả tâm tình suy tôn, thán phục đối với chương trình cao cả của Thiên Chúa: “Chúng con ca ngợi Chúa … chúc tụng… thờ lạy… tôn vinh… cảm tạ Chúa, vì vinh quang cao cả Chúa”.
Chúng ta cảm tạ Chúa đã tỏ vinh quang của Người ra, nghĩa là Người đã cho chúng ta biết ý định của Người muốn kêu mời chúng ta vào chia sẻ hạnh phúc với Người, họp thành gia đình con cái Người.
Kế đó là một chuỗi những tước hiệu mà chúng ta muốn xưng tụng Người: Người là “Chúa tể … là Vua trên Trời … là Chúa Cha toàn năng”. Có thể nói danh hiệu độc đáo nhất mà các Kitô Hữu gọi Thiên Chúa là “Cha toàn năng”. Trong Kinh Tin Kính chúng ta cũng tuyên xưng như vậy ngay từ lúc mở đầu: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng”.
Đúng vậy, đoạn thứ hai của Kinh Vinh Danh hướng đến Đức Kitô, và có thể phân biệt bốn thể văn chính: 1) chúc khen; 2) cầu khẩn; 3) xưng tụng; 4) công thức tôn vinh.
Trước hết, trong phần chúc khen, phụng vụ kể ra những tước hiệu chính của Đức Kitô, dường như trước khi mở đầu cuộc nói chuyện, cần phải ngả mũ chào kính người đối diện. Những tước hiệu dành cho Đức Kitô là: Người là Con Một Thiên Chúa, Người là Thiên Chúa, Người là Chiên Thiên Chúa, là Con Đức Chúa Cha. Qua các danh xưng ấy, Giáo Hội bày tỏ niềm tin rằng Đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người, được sai đến để cứu độ chúng ta.
Chính khi chiêm ngưỡng vừa sự cao cả vừa sự gần gũi của Đức Kitô mà bài ca bước sang phần khẩn cầu, với ba lời van nài giống như Kinh Cầu: “Lạy Đấng xoá tội trần gian xin thương xót chúng con; lạy Đấng xoá tội trần gian xin nhậm lời chúng con cầu khẩn; lạy Đấng ngự bên hữu Đức Chúa Cha xin thương xót chúng con”
Đúng thế, vì lời cầu xin Đức Kitô là Đấng xoá tội trần gian gắn liền với lời xưng tụng “Chiên Thiên Chúa” trước đó. Đây là danh hiệu mà Thánh Gioan Tiền Hô đã dùng để giới thiệu Đức Kitô: Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng hiến tế chính mình để xoá tội trần gian.
Tuy nhiên, ở Kinh Vinh Danh, chúng ta không chỉ nhìn ngắm Đức Kitô khi chịu hiến tế trên Thập Giá mà thôi, nhưng chúng ta còn chiêm ngưỡng Người trong giai đoạn khải hoàn nữa, khi Người ngự bên hữu Chúa Cha. Vì vậy, chúng ta xin Người cầu bầu cho chúng ta: xin nhậm lời chúng con cầu khẩn; xin tiếp nhận những lời van nài của chúng con; xin chuyển cầu lên trước toà Chúa Cha.
Tiếp theo phần khẩn cầu là những lời xưng tụng: “Chỉ có Chúa là Đấng Thánh … là Chúa … là Đấng Tối Cao”. Những lời xưng tụng ấy đã xuất hiện trong các công thức đức tin Kitô Giáo từ thời nguyên thuỷ. Qua những lời tán tụng ấy, các tín hữu không những tuyên xưng thiên tính của Đức Kitô, mà còn muốn khẳng định rằng họ chỉ tôn thờ Người mà thôi: họ thà chết chứ không dâng hương lễ bái các thần tượng khác, họ không cúi rạp mình trước các nghi lễ suy tôn hoàng đế Rôma như Thiên Hoàng.
Sau cùng, bài thánh ca kết thúc với câu tôn vinh: “Lạy Đức Giêsu Kitô, vinh quang cho Người, cùng với Chúa Thánh Thần cũng như cho Chúa Cha”. Như thế chúng ta thấy bài ca mở đầu và kết thúc với tiếng “vinh danh”, “vinh quang”.
Như đã nói trước đây, không phải là những lời ca tụng của chúng ta tăng thêm vinh quang cho Thiên Chúa, nhưng chúng ta bày tỏ sự thán phục và tri ân bởi vì Người đã tỏ vinh quang của Người cho chúng ta, và dẫn đưa chúng ta vào thông phần vinh quang của Người, chia sẻ hạnh phúc với Người.
Trong đêm Giáng Sinh, khi hát lên Bài Ca Thiên Thần, chúng ta hãy thả hồn theo nhịp hát, nhưng nhất là chúng ta hãy để cho tâm hồn tràn ngập những tia sáng của vinh quang Chúa. Vinh quang đã tỏ ra cho từng người trong chúng ta, bao bọc che chở chúng ta, nhờ vậy mà chúng ta cảm thấy bình an nội tâm. Ước mong rằng theo gương các thiên thần và mục đồng, chúng ta sẽ thông đạt niềm vui dạt dào trong tâm hồn cho từng người thân cận nữa.
Theo tôi nghĩ, thay vì hỏi: “tại sao đọc kinh Vực Sâu vào lễ Chúa Giáng Sinh?” thì cần phải đặt lại câu hỏi: “tại sao lại đọc kinh Vực Sâu để cầu cho các linh hồn?”. Chắc là nhiều người nghĩ rằng câu trả lời quá dễ, bởi vì thánh vịnh này bắt đầu bằng câu: “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con”; hẳn đây là tiếng kêu cứu của các linh hồn nơi luyện ngục khẩn cầu lên Chúa.
Tuy nhiên, câu trả lời không đơn giản như vậy, bởi vì “vực thẳm” chưa hẳn là luyện ngục, xét rằng trong Cựu Ước người ta chưa có tư tưởng gì về một chỗ thanh luyện tội lỗi sau khi chết, ngõ hầu xứng đáng chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa. Vì thế, thiết tưởng chúng ta cần phải tìm hiểu xem ý nghĩa nguyên khởi của kinh này.
Thật là thú vị khi biết rằng trong Cựu Ước, Thánh Vịnh 129 (theo số thứ tự của phụng vụ, nhưng lại mang số 130 trong bộ Kinh Thánh Do Thái) không phải là kinh cầu nguyện cho người qua đời, nhưng nằm trong hợp tuyển “Ca khúc lên đền”, nghĩa là đọc khi lên đền thánh Giêrusalem (gồm các thánh vịnh từ số 120 đến 134).
Điểm nhấn của thánh vịnh này không phải ở những lời đầu tiên “từ vực thẳm”, nhưng là những lời van nài lòng thương xót của Chúa. Các học giả đã đưa ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc sáng tác.
Có người cho rằng thánh vịnh này đã ra đời vào giai đoạn thủ đô Giêrusalem bị vua Sennacherib vây hãm vào năm 701 trước Công Nguyên. Trong tình trạng cùng cực bi đát của đất nước, tác giả đã thành khẩn kêu cầu Thiên Chúa, từ tận đáy lòng (không phải từ hố sâu vực thẳm).
Ông van nài lòng Chúa thương xót, bởi vì ông xác tín rằng lòng thương xót của Chúa thì to lớn hơn tội lỗi của con người trăm ngàn lần. Thực vậy, ông thưa với Chúa: “nếu mà Chúa cứ theo lẽ công bằng mà xét xử, thì hỏi rằng ai có thể được cứu thoát?”.
Ông tin chắc rằng Chúa không cư xử theo lẽ công bằng, nhưng Người dùng lòng thương xót mà tha thứ. Sự tha thứ là một cách thức để bày tỏ tình yêu; khi tha thứ cho con người thì Chúa đã tạo cơ hội để cho nó biết yêu mến Chúa thay vì sợ hãi.
Dù sao, tác giả tin chắc vào lòng thương xót của Chúa, bởi vì ông dựa trên giao ước, nghĩa là lời hứa của Người “Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Ngài”. Ông tin chắc chắn vào sự tha thứ của Chúa, còn hơn là người lính canh xác tín rằng rạng đông sẽ đến sau khi đêm tàn.
Sau cùng, ông muốn mời gọi toàn dân hãy cùng với ông đặt niềm tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa. Chúa sẽ tha thứ tội lỗi cho toàn dân.
Đã có nhiều giả thuyết được nêu lên chung quanh việc giải thích “vực thẳm”; nhưng chắc chắn rằng đó không phải là luyện ngục. Lý do dễ hiểu, bởi vì tác giả là một người còn sống chứ không phải là một linh hồn đã sang bên kia thế giới.
Chắc hẳn cái “vực thẳm” được hiểu theo nghĩa bóng, chứ không theo nghĩa đen. Có ý kiến cho rằng “vực thẳm” ám chỉ cái đáy lòng, nghĩa là tác giả muốn biểu lộ sự tha thiết thành khẩn. Ý kiến khác cho rằng “vực thẳm” ám chỉ tâm tình khiêm tốn của con người.
Thánh Vịnh này được hát lúc tiến lên đền thánh; nó muốn bày tỏ thân phận khốn cùng của người tín hữu khi ra trước mặt Thiên Chúa, và ý thức rằng mình càng hạ mình xuống thấp bao nhiêu, thì càng đáng được Chúa thương xót bấy nhiêu.
Nói cách khác, đây là một thánh vịnh mang giọng điệu “thống hối” (cũng tương tự như thánh vịnh 50), mặc dù ở phần cuối thì giọng điệu chất chứa niềm tin tưởng: ta có thể hình dung rằng chính khi con người cúi sâu xuống đất là chính lúc con người được Chúa nghiêng mình, tỏ lòng thương xót và nâng con người đứng dậy.
Đó là nói đến tâm tình của tác giả thánh vịnh, nhưng không ai cấm giải thích “vực thẳm” theo các nghĩa bóng khác.
Trước hết là vực thẳm của người đã bị chìm xuống biển, nghĩa là khi đã gần kề cái chết. Anh ta cảm thấy mình sắp sửa phải đối diện với Thiên Chúa, và run sợ nếu Thiên Chúa xét xử theo lẽ công bằng; vì thế anh van nài xin Chúa hãy dủ lòng thương xót và tha thứ mọi lỗi lầm. Tuy nhiên, thiết tưởng không cần gì phải nghĩ đến vực thẳm của cái chết làm gì; ta có thể hiểu về cái vực thẳm của tội lỗi, khiến cho con người xa cách Chúa, và dẫn đến cái chết đời đời.
Dù sao, như vừa nhận xét, giọng điệu của thánh vịnh không chỉ mang giọng điệu than van thống hối nhưng còn đượm lòng tin tưởng nữa. Vì thế có ý kiến muốn giải thích cái vực thẳm ở đây không phải là ý thức của con người về thân phận của mình, nhưng là chính tác động của Chúa Thánh Linh ở trong ta: Người cùng rên xiết với ta, bộc lộ lòng mong đợi được giải thoát khỏi cảnh tàn tạ, như Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi Rôma, chương 8, câu 23 và 26.
Tôi không biết những người sang bên kia thế giới sẽ cầu nguyện như thế nào. Tuy nhiên, chúng ta có thể áp dụng thánh vịnh này cho các anh chị em đã qua đời theo nghĩa là chúng ta họp thành một thân thể nhiệm mầu của Chúa Kitô: chúng ta là những phần tử của một gia đình, liên đới với nhau.
Nói cách khác, khi đọc thánh vịnh, phụng vụ không chỉ dừng lại ở ý nghĩa của tác giả đã sáng tác ra nó, hoặc những cá nhân đã áp dụng nó vào những tình huống khác nhau của cuộc đời mà thôi, nhưng còn muốn biến nó thành lời kinh của Hội Thánh.
Hội Thánh đọc thánh vịnh này với những tâm tình của toàn thể nhân loại khát mong ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta có thể nghĩ đến tiếng kêu của những người công chính của Cựu Ước: từ vực thẳm của cõi âm ti, họ van xin Thiên Chúa mau mau sai Đấng Cứu tinh cho thế giới. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến tiếng kêu của các linh hồn đang được thanh luyện: họ kêu cầu lòng thương xót của Chúa, và xin tha thứ hết mọi lỗi lầm, để mau được về kết hiệp với Thiên Chúa.
Đó là ý nghĩa mà phụng vụ đọc thánh vịnh này trong các kinh cầu cho các linh hồn, nghĩa là Hội Thánh đứng vào vị trí của các linh hồn để dâng lời cầu khẩn của họ lên Thiên Chúa. Dĩ nhiên, ở đây Hội Thánh bao gồm cả chúng ta nữa: ra như chúng ta dùng tâm tình môi miệng của mình để cầu nguyện thay cho các linh hồn.
Như đã nói ở đầu, khi đọc Thánh Vịnh 129, ta có thể nhấn ở nhiều điểm. Nếu nhấn ở các chữ đầu tiên “từ vực thẳm”, thì chúng ta liên tưởng đến các linh hồn ở tình trạng luyện tội. Nếu nhấn ở chỗ “nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?”, thì chúng ta nghĩ đến thân phận tội nhân cần được lòng thương xót.
Còn khi phụng vụ đọc Thánh Vịnh 129 vào ngày lễ Chúa Giáng Sinh, thì điểm nhấn nằm ở những câu cuối: “Bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa”. Lễ Giáng Sinh là lúc tỏ cho thấy ơn cứu chuộc chan chứa. Danh thánh Giêsu có nghĩa là “Thiên Chúa cứu chữa”; trong đêm Giáng Sinh, các thiên sứ loan tin cho các mục đồng rằng: “Hôm nay một Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít”. Như vậy, điều trông mong của tác giả cũng như của nhân loại từ bao thế hệ, thì nay được toại nguyện: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Đấng sẽ mang lại ơn tha thứ, và như vậy Thiên Chúa không chấp tội lỗi chúng ta, nhưng đã đối xử với chúng ta theo lòng khoan hồng.
Mặt khác, các giáo phụ cũng chỉ dẫn chúng ta một cách khác nữa để đọc thánh vịnh này, đó là hãy nghĩ đến chính Chúa Giêsu trong cương vị là thủ lãnh của nhân loại. Chính Đức Giêsu đã nếm vực thẳm của đau khổ trên thập giá, và Người đã lên tiếng cầu khẩn thay cho chúng ta.
Có chứ, vào kinh tối ngày thứ Tư hằng tuần. Dĩ nhiên là cần phải nắm được điểm nhấn của nó. Ta đừng vội nghĩ đến “vực thẳm” khi sắp sửa lên giường ngủ, gần kề với cái hòm.
Theo tôi nghĩ, điểm nhấn ở phần thứ hai của thánh vịnh: “Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông”. Tuy thân xác ta nhắm mắt ngủ, nhưng lòng ta vẫn kết hiệp với Thiên Chúa. Linh hồn trông mong được gần gũi Chúa, cũng giống như những lính canh: họ luôn tỉnh thức trông chờ.
Dù sao, những lời hô hào “hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông”; hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Israel hỡi” không nhằm thúc giục chúng ta hãy mở mắt trao tráo suốt đêm. Trái lại, chính sự tin tưởng vào Thiên Chúa mang lại cho chúng ta niềm an bình dễ ngủ, như chúng ta đọc thấy trong thánh vịnh kế tiếp (số 130 theo cách xếp của phụng vụ): “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui, cậy vào Chúa Israel ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm”. Tôi nghĩ đây cũng là lý do phụng vụ đọc kinh này vào kinh chiều thứ 7 tuần III.
Nếu chỉ phân tích từ ngữ Hán Việt, thì quả thực là khó nói. “Hiển Linh” là gì? Trong Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ Học xuất bản, “Hiển Linh” (động từ) được định nghĩa là: “thần thánh tỏ rõ sự linh thiêng, theo mê tín”. Từ điển Việt Nam do ông Thanh Nghị xuất bản năm 1958 cho rằng “hiển linh” là tĩnh từ, có nghĩa là: “linh thiêng, rõ ràng”. Xem ra đó cũng là ý kiến của ông Lê Thanh, tác giả cuốn Tiếng nói nôm na (1999): hiển linh là “rất linh thiêng, thiêng liêng lộ rõ ra bằng sự thật”.
Dù hiểu “hiển linh” như động từ hay tính từ đi nữa, thì chẳng qua cũng là dịch bởi danh từ gốc Hy Lạp epiphania, có nghĩa là sự “hiện ra, bày tỏ”. Tân Ước dùng từ này để nói đến việc Thiên Chúa đã xuất hiện (tỏ lộ, mặc khải) cho nhân loại ở nơi Đức Giêsu (Lc 1,79; Tt 2,11; 3,4), hoặc là việc Đức Kitô sẽ xuất hiện trong vinh quang ngày tận thế (2Tm 4,8; Tt 2,13).
Phụng vụ (cách riêng là bên Đông Phương) nói đến ba cuộc tỏ hiện của Chúa Giêsu: thứ nhất cho các đạo sĩ; thứ hai tại sông Giođan; thứ ba tại tiệc cưới Cana. Dù ba biến cố cách xa nhau hơn 30 năm trường, nhưng đều nhằm bày tỏ thiên tính của Đức Giêsu, đặc biệt vào chặng đầu của mầu nhiệm Nhập Thể. Cả ba biến cố đều được ghi lại trong Phúc Âm, và được tóm lại trong Điệp Ca Magnificat Kinh chiều lễ Hiển Linh.
Như vừa nói, trong lễ Hiển Linh (epiphania), phụng vụ mừng ba biến cố mà Chúa Giêsu xuất hiện cho nhân loại. Tuy nhiên, biến cố thứ nhất (nghĩa là tỏ hiện cho các đạo sĩ) thu hút sự chú ý của dân gian hơn, bởi vì gắn liền với lễ Giáng Sinh, mang theo hình ảnh của hài nhi Giêsu sinh ra tại hang đá Bê-lem. Bên cạnh tượng Hài Nhi nằm trong máng cỏ giữa con bò và con lừa, người ta đặt tượng Đức Mẹ, Thánh Giuse; xa hơn chút nữa là các mục đồng được các thiên thần gọi đến hang đá. Mãi hơn 10 ngày sau, người ta mới thêm một tốp nữa gồm có ba vua từ phương xa đến thờ lạy Chúa, mang theo lễ phẩm là vàng, nhũ hương, mộc dược. Vì thế gọi là “lễ ba vua”.
Chúng ta cần phải phân biệt đâu là nền tảng Kinh Thánh, và đâu là truyền kỳ dân gian. Bản văn Tin Mừng theo Thánh Matthêu 2,1 nói rằng: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Bê-lem, miền Giuđê, thời vua Hêrôt trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem”.
Bản văn nói đến các nhà “chiêm tinh” chứ không phải là “vua”, và cũng không xác định con số là bao nhiêu vị. Nhiều bức hoạ cổ thời vẽ hai, bốn, sáu, tám, và thậm chí có nơi tăng đến số 12 (có lẽ cho cân xứng với 12 chi tộc Israel). Tuy nhiên, vào thế kỷ III, ông Origène đã nói đến 3 vị, và truyền thuyết này dần dần lan rộng trở thành phổ thông từ thế kỷ V.
Số 3 có thể giải thích vừa theo nghĩa đo lường toán học, vừa theo nghĩa biểu tượng. Trước tiên là theo nghĩa toán học.
Thánh Matthêu (chương 2 câu 10) nói đến 3 lễ phẩm mà các ông mang đến: vàng, nhũ hương, mộc dược. Người ta suy đoán rằng nếu có 3 lễ phẩm thì hẳn là phải có ba người: nếu ít hơn thì cồng kềnh (không lẽ một ông phải vác ba món quà?), nhiều hơn thì cũng kỳ (chẳng lẽ có người đi tay không!).
Theo nghĩa biểu tượng. Trong Cựu Ước, người ta nói đến ba thiếu niên cương quyết không chịu bỏ đạo mặc dù bị vua Nabucođonosor doạ bắt bỏ trong lò lửa. Ba nhà chiêm tinh của chúng ta cũng thế: họ can đảm lên đường đi tìm vua dân Do Thái, bất chấp những khó khăn của hành trình, và kể cả nguy cơ bị vua Hêrôt ám sát.
Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, các nhà “chiêm tinh” không phải là các ông thầy bói đâu, nhưng có thể so sánh như các nhà thiên văn, và cách riêng ở bên Ba-tư, họ thuộc hàng ngũ tư tế, làm cố vấn cho nhà vua về y khoa và thiên văn.
Truyền thống dân gian gọi họ là “các vua” bởi vì móc nối với các lễ phẩm được nói ở thánh vịnh 72 câu 10 “Từ Tharsis và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Saba, cũng đều tới tiến dâng lễ vật. Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự”.
Thực ra Thánh Vịnh 72 nói đến các vua chúa Ả-rập và Saba đến yết kiến vua Salomon vì khâm phục tài trí khôn ngoan của ông. Nhưng các Kitô Hữu áp dụng cho các vua từ tứ phương đến thờ lạy Chúa Giêsu.
Trong tư tưởng Thánh Matthêu, phương Đông chắc chắn không phải là Trung Hoa Việt Nam, mà chỉ là những nước nằm ở bên kia bờ sông Giođan, và các giáo phụ cho rằng có thể là từ Ba tư hoặc Ả-rập. Thánh Augustinô đã giải thích các đạo sĩ từ phương Đông như là “hoa trái đầu mùa của muôn dân sẽ được lãnh ơn cứu độ” (Sermo 200,1: PL 38,1028).
Nhưng mãi đến thế kỷ XIII mới phát sinh truyền thống nói đến ba vua tượng trưng cho ba châu lục Âu, Á, Phi, thuộc ba dòng dõi của ông Noe: Sem, Cam, Japhet (St 10,1). Từ đó ta thấy ông vua da trắng, da vàng, da đen. Tưởng cũng nên biết là khi mới khám phá châu Mỹ, người ta cũng muốn thêm một ông vua da đỏ nữa, nhưng tục lệ này không được phổ biến cho lắm.
Đúng thế. Từ thế kỷ VII, ba ông được đặt tên là Balthasar vua Ấn Độ, Melchior vua Ba tư, Gaspar vua Ả-rập. Ta thấy các tên này không có màu sắc gì của châu Á và châu Phi cả! Chưa hết đâu, lưu truyền dân gian còn muốn rằng sau khi đã thờ lạy Chúa Giêsu, ba ông trở về Ba Tư. Về sau khi Thánh Tôma tông đồ đi truyền giáo, người đã gặp lại ba ông và đã tấn phong giám mục cho họ, và cử họ đi loan báo Tin Mừng. Cả ba được phúc tử đạo, thi hài được tôn kính ở Ba tư, rồi sau đó chuyển về Milanô (Italia), và từ cuối thế kỷ XII được hoàng đế Federicô I đem qua nhà thờ chánh toà Colonia (Đức).
Thánh Matthêu gói ghém nhiều sứ điệp trong đoạn Tin Mừng mà phụng vụ công bố trong ngày lễ Hiển Linh. Như đã nói, thánh sử không nói đến các vua đến thờ lạy Hài nhi Giêsu, nhưng là các nhà chiêm tinh đi tìm thờ lạy Đức Giêsu là vua, như câu hỏi mà các ông đã đặt ra cho triều đình Hêrôđê: “Đức Vua của dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Ngài”.
Các ông đi bái lạy Đức Giêsu như là Vua. Các giáo phụ giải thích ý nghĩa của 3 phẩm vật dâng tiến - vàng, hương, mộc dược- như là việc tuyên xưng ba phẩm tính của Người: vàng vì là vua, hương vì là Thiên Chúa, mộc dược như là con người hay chết.
Tuy nhiên có lẽ Thánh Matthêu không đi xa như vậy. Điểm chính mà thánh sử muốn nhắm tới đó là cho thấy rằng các dân ngoại từ phương xa đã biết nhìn nhận Đức Giêsu là vua Mêsia, đang khi mà dân Do Thái thì thờ ơ lãnh đạm, thậm chí còn muốn tìm cách thủ tiêu Người nữa.
Đúng vậy. Thánh Matthêu cho chúng ta biết rằng một thiên sứ đã hiện ra báo tin cho ông Giuse, và ông đã đưa Đức Mẹ và hài nhi Giêsu lánh nạn sang Ai Cập. Tuy nhiên, điều xảy ra vào lúc giáng sinh dường như đã tiên báo số phận tương lai của Đức Giêsu: Người sẽ bị dân tộc của mình tẩy chay (Mt 21,42-43), nhưng các dân ngoại sẽ chấp nhận Tin Mừng.
Mặt khác, dường như thánh sử cũng biện minh phần nào thái độ của dân Do Thái, đó là sự hiểu lầm của họ. Vua Hêrôđê nghe nói có một vị vua mới sinh ra, và ông lo ngại cho ngai báu của mình sẽ bị lung lay. Nhưng Đức Giêsu không phải là Vua theo nghĩa chính trị đâu. Người làm vua theo nghĩa khác, Vua Mêsia.
Qua dấu của ngôi sao. Nói cho đúng, chuyện một ngôi sao lạ như là điềm của một vĩ nhân giáng trần không phải là xa lạ trong lịch sử các dân tộc. Tuy nhiên, có lẽ thánh sử Matthêu không dựa vào lịch sử các tôn giáo cho bằng dựa vào chính truyền thống của dân Do Thái.
Từ đoạn văn sách Dân Số (24,17) nói đến “một ngôi sao sẽ xuất hiện từ nhà Giacóp và vương trượng từ Israel”, các rabbi đã chú giải trong sách Targum như thế này: “Một vị vua sẽ chỗi dậy từ nhà Giacóp, và một vị cứu tinh từ nhà Israel”.
Vào thời Tân Ước, nhiều người gọi Đấng Mêsia như là ngôi sao nhà Đavít, như chúng ta thấy vết tích nơi sách Khải Huyền chương 22,16. Trong lịch sử Kitô Giáo, đã có nhiều cuộc tranh luận về bản chất của ngôi sao xuất hiện cho các nhà chiêm tinh: phải chăng đó là một sao chổi, hay một ngôi sao nào khác thường? Phải chăng ngôi sao trên bầu trời, hay chỉ là ngôi sao trong tâm hồn của các nhà chiêm tinh (nghĩa là hiểu theo nghĩa bóng)?
Thánh sử Matthêu không nói rõ điều đó, mà chỉ ghi nhận rằng: các nhà chiêm tinh từ phương xa đã nhìn nhận Đức Giêsu là vị cứu tinh, và họ lên đường đi tìm kiếm để thờ lạy; còn chính các luật sĩ sống ở Giêrusalem cầm Kinh Thánh trên tay, biết rằng Đức Mêsia sẽ giáng sinh tại Belem, nhưng họ không bận tâm tìm kiếm thờ lạy. Hình như bài học này vẫn còn giá trị cho cả chúng ta: chúng ta tự hào vì mình đã tin Chúa, biết Chúa, nhưng chẳng buồn tìm kiếm thờ lạy yêu mến Người; đang khi những người ngoại đạo thì lại gần gũi Chúa hơn bởi vì họ không ngừng tìm chính đạo và tuân giữ.
Khi bàn đến việc cải tổ phụng vụ của Công Đồng Vaticanô II, thật khó nói được thế nào là “trước đây”, bởi vì thoạt tiên xem ra công đồng đã đi ngược lại với truyền thống trước đó, nhưng thực sự công đồng đã muốn trở lại với truyền thống lâu đời hơn nữa, và bãi bỏ những tập tục mới được du nhập vào thời Trung Cổ nhiều khi làm lu mờ ý nghĩa nguyên thủy của các thế kỷ đầu tiên.
Việc bãi bỏ các chủ nhật “Bảy mươi - Sáu mươi - Năm mươi” nằm trong đường hướng đó. Cho đến cuộc cải tổ lịch phụng vụ vào năm 1969, từ Chúa Nhựt thứ ba trước mùa Chay (nghĩa là tương đương với Chúa Nhựt hôm nay) có sự thay đổi màu sắc phụng vụ: linh mục mặc áo lễ màu tím; các bài ca alleluia cũng ngưng cho đến lễ Phục Sinh. Điều này không có nghĩa là ngày nay mùa Chay được rút ngắn lại, nhưng là bởi vì muốn trở về ý nghĩa nguyên thủy của nó là Mùa Bốn Mươi (chứ không phải là Bảy mươi).
Trong tiếng La Tinh, danh từ chính thức của thời kỳ chuẩn bị lễ Phục Sinh là Quadragesima, có nghĩa là bốn mươi ngày. Tiếng Pháp phiên âm là Carême, hồi còn bé tôi cứ nghĩ sẽ ăn kem (cà-rem) trong thời gian ấy.
Trong Kinh Thánh, con số 40 mang một ý nghĩa biểu tượng, ám chỉ thời gian thanh tẩy hoặc chuẩn bị. Sách Sáng Thế thuật lại rằng hồi lụt hồng thuỷ, mưa kéo dài 40 đêm ngày để rửa mặt đất khỏi tội lỗi. Kế đó ông Mosê đã ăn chay 40 đêm ngày trên nơi hoang địa trước khi hội kiến với Thiên Chúa trên núi Horeb; điều tương tự cũng xảy ra cho ông Elia. Ông Giona rao giảng 40 ngày thống hối cho dân thành Ninivê. Nhất là vào lúc khai mạc sứ vụ, Đức Giêsu cũng rút vào hoang địa 40 ngày để lắng nghe tiếng Chúa. Hội Thánh cũng quy định thời gian 40 ngày chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh.
Thật khó xác định thời điểm một cách chính xác. Tiến trình chuẩn bị 40 ngày để mừng lễ Phục Sinh thành hình qua nhiều giai đoạn. Chúng ta có thể phác hoạ những chặng lịch sử như thế này.
Vào khoảng giữa thế kỷ II, theo chứng tích của Thánh Irênêô trong lá thư gửi cho ĐGH Victor, các tín hữu khắp nơi đều giữ chay để chuẩn bị lễ Phục Sinh, với thời gian không đều nhau: có nơi giữ chay ngày thứ bảy trước lễ Phục Sinh, có nơi thêm ngày thứ 6. Tuy nhiên, đó là do lòng đạo đức tự phát chứ không có luật buộc, hoặc cùng lắm chỉ có luật địa phương.
Dần dần thời kỳ chuẩn bị kéo dài ra suốt tuần lễ (đó là nguồn gốc của tuần thánh) hoặc ba tuần. Nhưng từ thế kỷ IV trở đi, người ta mới thấy tục lệ bên Đông và bên Tây tuân giữ thời kỳ 40 ngày chuẩn bị lễ Phục Sinh.
Chắc chắn là không ai khuyến khích các tín hữu lên hoang điạ theo gương Chúa Giêsu. Các giáo phụ mời gọi các tín hữu hãy thánh hoá thời gian này bằng việc cầu nguyện, bằng nước mắt thống hối, bằng việc từ thiện bác ái, và bằng việc chay tịnh. Tuy nhiên, có lẽ việc chay tịnh gây ấn tượng hơn cả, khiến cho nó trở thành đặc điểm chủ yếu của mùa Bốn Mươi. Không lạ gì mà tiếng Việt gọi là mùa Chay.
Nên biết là vào thời xưa, giữ chay có nghĩa là nhịn ăn suốt ngày, mãi tới khi mặt trời lặn mới được dùng tí chút điểm tâm (phong tục này có lẽ chịu ảnh hưởng của dân Do Thái). Giữ chay như vậy một ngày thì còn chịu được, nhưng kéo dài trong suốt 40 ngày thì chắc là sụt kí mau lẹ. Không lạ gì mà người ta tìm cách châm chế dần dần, hoặc là cho ăn chắc bụng (chứ không phải chỉ điểm tâm); kế đó, người ta cho phép dời buổi chính vào ban trưa chứ không cần chờ đến lúc mặt trời lặn. Ai cũng dễ đoán được, trước sau gì người ta cũng thêm những lần “uống nước” tuy không hẳn là thuần tuý chất lỏng. Tuy vậy, người ta vẫn duy trì số ngày giữ chay cho con số 40, vì vậy mà mùa Chay được bắt đầu từ thứ tư lễ tro (nghĩa là 46 ngày trước lễ Phục Sinh, trừ đi 6 ngày Chúa Nhựt).
Theo các sử gia, nguồn gốc của việc thêm ba tuần bắt nguồn từ hai động lực: một động lực do “hư danh”, và một động lực “bù trừ”.
Động lực thứ nhất bắt nguồn từ một số tín hữu nhiệt thành, muốn tỏ ra rằng mình đạo đức hơn những người khác, cho nên tăng thêm số ngày thống hối, và đòi áp đặt cho người khác. Dĩ nhiên là các giáo hoàng không chấp nhận động lực này vào lúc đầu.
Động lực thứ hai gọi là bù trừ, theo nghĩa là họ muốn tính cho đủ 40 ngày chay. Lúc nãy, tôi có nhắc đến tục lệ không giữ chay các ngày Chúa Nhựt, vì thế mà phải thêm 6 ngày cho đủ số 40 ngày chay. Chẳng bao lâu, một tập tục khác cũng lấy cớ là ngày thứ bảy cũng không giữ chay, vì vậy phải bù thêm 6 ngày nữa. Nói đúng ra, đây là tập tục của các giáo phận bên Đông Phương, chứ ít nơi bên Tây Phương giữ tục ấy. Giáo phận Rôma thì cực lực phản đối chuyện ngưng giữ chay vào ngày thứ bảy.
Các sử gia không đồng nhất trong việc giải thích lý do, có lẽ bởi vì ba Chúa Nhựt ấy không ra đời cùng một lúc, nhưng được thêm dần dần, và có lẽ qua những ngõ quanh chứ không đi đường chính.
Trước hết, một số người bắt đầu mùa Chay vào Chúa Nhựt trước lễ tro, mà họ đặt tên là Chúa Nhựt 50, có lẽ vì muốn tỏ ra rằng mình đạo đức hơn những người khác. Bước kế tiếp là tăng thêm một tuần nữa, đặt tên là Chúa Nhựt 60, với lý do là bởi vì phải bù thêm các ngày thứ 7 (hoặc thứ 5) không ăn chay. Nên lưu ý rằng đây chỉ là một sáng kiến cá nhân hoặc chỉ lưu hành tại vài nơi.
Luật thánh Biển-đức (viết vào năm 526) không đả động gì các tục lệ này. Bước tiến từ Chúa Nhựt 60 lên Chúa Nhựt 70 thì do một nguyên tắc khác thúc đẩy, mang tính cách biểu trưng.
Vào thời Trung Cổ người ta móc nối con số 70 với thời gian 70 năm dân Do-thái phải lưu đày bên Babylon. Đó là thời gian sám hối, để khẩn nài xin Chúa thương xót mà đến giải thoát.
Vào cuối thế kỷ VI, giáo hội Rôma đã ghi Chúa Nhựt 70 vào lịch phụng vụ. Các sử gia đoán rằng hồi đó, thành phố Rôma gặp nhiều cảnh xáo trộn, vừa do thiên tai vừa do giặc giã bên ngoài, cho nên đã thiết lập thời kỳ thống hối đền tội, với những cuộc rước kiệu và bài lễ riêng cho ba Chúa Nhựt trước mùa Chay. Thế rồi, lâu dần thành thói quen, và được duy trì thường xuyên.
Các sách chú giải phụng vụ đem đối chiếu con số 70 của thời kỳ sám hối với con số 7 tuần lễ của mùa Phục Sinh: 70 ngày thống hối sẽ được đổi thành 7 tuần lễ hân hoan của mùa Phục Sinh, kết thúc với lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, đổ xuống 7 hồng ân.
Nói đúng ra, các sử gia đã đưa ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc của ba tuần lễ chuẩn bị Mùa Chay.
Vào thời Trung Cổ, ba tuần lễ ấy được gọi là “trước mùa Bốn Mươi”, chứ chưa phải là Mùa Chay thực sự. Dù sao, vào chiều thứ bảy trước Chúa Nhựt 70 có nghi thức từ biệt Alleluia: người ta hát Alleluia rất long trọng, bởi vì phải chờ đến lễ Vọng Phục Sinh mới hát lại.
Mặt khác, xét về kỷ luật giữ chay, thì việc khởi đầu mang tính cách tiệm tiến, chứ không đồng loạt. Theo Pierre de Blois sống vào thế kỷ XII, các đan sĩ bắt đầu giữ chay từ sau Chúa Nhựt 70; các giáo hội Đông Phương từ sau Chúa Nhựt 60 (bởi vì tục lệ của Đông Phương là không giữ chay các ngày thứ bảy, vì thế cần phải bù thêm 6 ngày); các giáo sĩ bắt đầu giữ chay từ sau Chúa Nhựt 60; còn giáo dân, kể từ thứ tư lễ tro. Tuy nhiên, kể từ thế kỷ XV, thì tất cả các thành phần Dân Chúa, giáo sĩ tu sĩ giáo dân, cũng đều đồng nhất bắt đầu giữ chay từ thứ tư lễ tro.
Tóm lại, theo tôi nghĩ, lý do bãi bỏ các Chúa Nhựt muà 70 là bởi vì muốn tôn trọng sự thật. Một đàng, con số 70 không có ý nghĩa tượng trưng như người ta muốn (70 năm lưu đày ở Babylon, khác với con số 40 súc tích ý nghĩa hơn); đàng khác, trên thực tế việc thêm ba tuần lễ không đạt được con số 70 ngày mà chỉ được 63 ngày, xét vì, như đã nói trên, ba tuần lễ được đặt tên là 70 - 60 - 50, nhưng cũng chỉ là tuần lễ 7 ngày chứ đâu phải là 10 ngày! Tuy nhiên, đối với chúng ta ngày hôm nay, vấn đề là làm cách nào để diễn tả sang tiếng Việt danh xưng thích hợp cho mùa Phụng vụ này.
Gọi là mùa Chay thì không đúng vì hai lý do: lý do thứ nhất là vì không sát với nguyên ngữ latinh: quadresima có nghĩa là “Bốn mươi”; lý do thứ hai quan trọng hơn nữa, đó là tại vì chúng ta không giữ chay trong suốt mùa này. Vả lại, đặc trưng của mùa này không phải là giữ chay, nhưng là hoán cải, bao gồm nhiều hành vi, tựa như cầu nguyện, khổ chế, làm việc bác ái.
Ngoài ra, chúng ta cũng đừng quên rằng Mùa Bốn Mươi được dành cho các dự tòng chuẩn bị lãnh nhận bí tích khai tâm trong đêm Phục Sinh. Họ được mời gọi đi “tĩnh tâm”, theo nghĩa là dành nhiều thời giờ hơn cho việc học hỏi đạo lý và cầu nguyện. Cộng đoàn tín hữu cũng được yêu cầu đồng hành với họ trong thời gian này.