Xưa nay các nhà thần học quen nêu bật mối liên hệ giữa bí tích Thánh Thể và cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Mối liên hệ này đã được thiết lập từ chính các bản văn Kinh Thánh. Thánh Lễ được cử hành để nhắc nhớ việc Chúa Giêsu đã bẻ bánh và chia sẻ chén rượu trong đêm Người sắp bị trao nộp: tấm bánh bẻ ra nói lên Thân mình của Người được trao ban cho chúng ta; chén rượu được chia sẻ nói đến máu của Người được đổ ra làm hy lễ giao ước mới.
Thánh Phaolô cũng nhắc nhở các tín hữu về điều đó khi nói: “Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết cho tới ngày Chúa đến” (1Cr 11,26).
Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, nhờ những cuộc nghiền ngẫm các đoạn Tân Ước, các nhà chú giải Kinh Thánh và các nhà thần học đã lưu ý bí tích Thánh Thể không chỉ cử hành cái chết của Chúa Giêsu mà thôi, nhưng còn cử hành cuộc Phục Sinh của Chúa nữa. Điều khẳng định này vừa dựa trên nền tảng Kinh Thánh vừa dựa trên các luận cứ thần học nữa.
Trong Tân Ước không những chúng ta gặp thấy những đoạn văn nói đến mối liên hệ giữa bí tích Thánh Thể với cuộc Phục Sinh, nhưng còn đọc thấy những trình thuật kể chuyện nữa.
Thực vậy, mỗi lần nghĩ tới bí tích Thánh Thể, chúng ta thường liên tưởng đến bữa Tiệc ly, khi Chúa Giêsu bẻ bánh và trao chén rượu cho các môn đệ. Tuy nhiên chúng ta thường hay quên những trình thuật khác nói đến việc cử hành Thánh Thể với Chúa Giêsu phục sinh.
Đoạn văn tiêu biểu hơn cả là trình thuật Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emmaus, (được ĐTC Gioan Phaolô II chọn làm bức icôn suy gẫm trong Năm Thánh Thể này). Theo Thánh Luca kể lại, vào chính ngày sống lại Chúa Giêsu đã hiện ra với hai môn đệ, đã đồng hành với họ, giải thích Sách Thánh cho họ để hun nóng tâm hồn của họ, và sau cùng Người đã bẻ bánh với họ. Vào chính lúc ấy, họ đã nhận ra Người.
Chúng ta nên lưu ý đến từ ngữ “bẻ bánh” được dùng ở đây. Đây là một thuật ngữ chuyên môn mà Thánh Luca sử dụng trong Phúc âm và trong Sách Tông Đồ Công Vụ để ám chỉ bí tích Thánh Thể. Trong trình thuật thiết lập bí tích ở chương 22 câu 29, Thánh Luca mô tả các cử chỉ của Chúa Giêsu tại nhà tiệc ly như sau: “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ”.
Một cách đặc biệt hơn nữa, trong sách Tông Đồ Công Vụ, việc “bẻ bánh” được dùng để ám chỉ một nghi thức phụng vụ của cộng đoàn Kitô Hữu ở chương 2 câu 42 và 46, chương 20 câu 7 và 11. Thánh Phaolô cũng dùng từ ngữ đó để ám chỉ bí tích Thánh Thể trong thư thứ nhất gửi Côrintô, chương 11, câu 23-24 và chương 10 câu 16.
Trình thuật về việc Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ Emmaus không phải là một mẩu tin thời sự, ghi nhận những biến cố đã xảy ra trong ngày Phục Sinh, cho bằng một trình thuật phụng vụ.
Trước đây, trong đêm trước khi chịu Tử Nạn, tại nhà Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã bẻ bánh cho các môn đệ và truyền cho lặp lại để tưởng nhớ đến Người, tưởng nhớ đến việc Người trao hiến mạng sống cho họ.
Còn khi hiện ra với các môn đệ vào ngày Phục Sinh, Người giải thích ý nghĩa của cuộc Tử Nạn như là con đường đi vào vinh quang, và kế đó Người bẻ bánh cho họ: chính Người chủ sự cuộc cử hành Thánh Thể với các môn đệ. Hay nói khác đi, mỗi lần các môn đệ cử hành nghi thức bẻ bánh thì chính Chúa Phục Sinh hiện diện ở giữa họ. Vì thế bí tích Thánh Thể không chỉ tưởng niệm cuộc Tử nạn, nhưng còn là cử hành sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh nữa.
Ngoài trình thuật về việc bẻ bánh với hai môn đệ Emmaus, các nhà chú giải còn ghi nhận một trình thuật khác nêu bật mối liên hệ giữa bí tích Thánh Thể với chiều kích Phục Sinh, đó là chương 21 trong Phúc Âm theo Thánh Gioan, kể lại việc Chúa hiện ra với các môn đệ ở Biển Hồ Tiberia.
Chương này kể lại việc các môn đệ nhận ra Chúa hiện ra sau một cuộc đánh cá kỳ lạ. Khi thuyền đã kéo thuyền lên bờ, các ông thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Câu 13 viết rằng: “Đức Giêsu cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy”.
Đoạn văn này cần được móc nối với phép lạ hoá bánh ở chương 6, cũng xảy ra ở Biển Hồ Tiberia, khi mà từ năm chiếc bánh và hai con cá, Người đã nuôi hơn 5 ngàn người, và tiếp đó Người đã giảng về bánh bởi trời đem lại sự sống cho thế gian.
Bánh đó chính là Đức Kitô. Nhưng từ nay, Đức Kitô không chỉ là một con người lịch sử sinh sống ở Nadaret nữa, nhưng là Đức Kitô Phục Sinh. Người không ngừng bẻ bánh để nuôi dưỡng chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Chính Người mới là vị chủ sự các buổi cử hành Thánh Thể: chính Người bẻ bánh với các môn đệ Emmaus; chính Người dọn sẵn bánh và trao cho chúng ta.
Chúng ta thường tách rời hai biến cố Tử Nạn và Phục Sinh, bởi vì xảy ra vào hai thời khắc cách xa nhau: cuộc Tử Nạn xảy ra vào thứ Sáu Tuần Thánh, còn việc Phục Sinh thì xảy ra vào Chúa Nhật tiếp đó. Tuy nhiên, Tân Ước và phụng vụ thì coi cả hai như là một biến cố duy nhất.
Thực vậy, Thánh Gioan gọi việc Đức Giêsu chịu chết và treo lên thập giá như là “siêu thăng” (được cất cao lên), hoặc “tôn vinh”. Còn Thánh Luca kể lại rằng khi hiện ra với hai môn đệ Emmaus và với tất cả các tông đồ họp nhau ở Giêrusalem thì Chúa Phục Sinh giải thích cho họ biết rằng cuộc tử nạn chỉ là con đường để vào vinh quang.
Vì thế phụng vụ gọi những ngày cuối cùng của Tuần Thánh là Tam Nhật Vượt Qua, một mầu nhiệm khởi sự từ thánh lễ tối thứ năm Tuần Thánh và kết thúc với kinh chiều lễ Phục Sinh. Cuộc Tử Nạn, Thập Giá và Phục Sinh họp thành một tổng thể.
Ngoài ra chúng ta cũng nên lưu ý rằng, trong Tân Ước có những đoạn văn nói rằng Thập Giá chỉ là một chặng đường dẫn đến vinh quang Phục Sinh, thì cũng có những đoạn văn nói rằng Chúa Phục Sinh còn mang những dấu tích của Thập Giá.
Điều này khá rõ nơi các tác phẩm của Thánh Gioan. Ở chương 20 của Phúc Âm thứ bốn, chúng ta thấy rằng khi hiện ra với ông Tôma, Chúa Phục Sinh đã tỏ cho ông thấy những dấu đinh ở tay, và lỗ đâm vào cạnh sườn.
Ở sách Khải Huyền, Đức Kitô được mô tả như Con Chiên sát tế: Chiên ấy đã bị giết và còn mang dấu vết. Tuy nhiên ngày nay, Con Chiên đã sống lại và hiển trị, được lãnh nhận phú quý, sức mạnh, uy quyền, danh dự với vinh quang. Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn mở tiệc cưới cho Con Chiên vơí tất cả các tôi trung của Người.
Trong Thánh Lễ, trước khi rước lễ, vị chủ tế còn lặp lại lời mời trích từ Sách Khải Huyền (19,9): “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.
Có chứ. Trước hết, chúng ta tin rằng Chúa Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Nói rằng Chúa Kitô hiện diện có nghĩa là Chúa Kitô ngày hôm nay, chứ không phải là Chúa Kitô của hai ngàn năm trước đây.
Ngày hôm nay, Chúa Kitô hiện diện như là Đấng Phục Sinh; Người chết trên thập giá một lần, Người đã sống lại và không còn bao giờ phải chết nữa. Chính nhờ sự Phục Sinh mà thân xác của Người được vinh hiển, được linh động bởi Thần Khí, do đó có thể hiện diện khắp nơi khắp chốn, không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Một hậu quả khác của việc liên kết Thánh Thể với mầu nhiệm Phục Sinh là khi chúng ta hiệp thông với Thân Mình Chúa Giêsu, thì chúng ta được kết hiệp với Chúa Giêsu trong vị thế của Đấng đã sống lại từ cõi chết và không còn chết nữa.
Nói cách khác, chúng ta được kết hiệp với Thân thể của Chúa Phục Sinh. Điều này không chỉ mang lại cho chúng ta niềm hy vọng mai sau sẽ được sống lại giống như Người, mà còn đưa chúng ta vào sự thông hiệp với Thân thể Mầu nhiệm của Chúa Phục Sinh nữa. Thực vậy, khi nói đến “thân thể của Chúa Kitô”, Thánh Phaolô và các giáo phụ không chỉ hiểu về thân thể vật lý của Đức Kitô, mà còn mở rộng đến Hội Thánh nữa.
Các Kitô Hữu là chi thể của thân thể Đức Kitô. Người là đầu của thân thể mầu nhiệm, bao gồm các tín hữu lữ hành trên trần gian, cũng như những người đã hưởng vinh quang thiên quốc. Mỗi lần cử hành Thánh Thể, chúng ta kết hiệp với Thân Thể mầu nhiệm đó: chúng ta liên kết với nhau vì được chia sẻ vào thân thể phục sinh của Đức Kitô; đồng thời chúng ta cũng liên kết với những anh chị em tuy khuất bóng nhưng vẫn gần gũi với chúng ta bởi vì họ được kết nạp vào Thân thể của Đức Kitô.
Đó là đạo lý về sự thông hiệp các thánh trong kinh Tin Kính, và được diễn ra cách đặc biệt khi cử hành Thánh Lễ.
Thiết tưởng chúng ta nên phân biệt giữa một bên là bí tích mà chúng ta cử hành, và bên kia là lễ phụng vụ để mừng kính bí tích ấy. Mỗi bên mang những tên gọi khác nhau.
Bí tích mà chúng ta cử hành mang nhiều tên gọi, như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã mô tả ở các số 1328-1332, đó là: Lễ Tạ Ơn (Eucharistia), Bữa tối của Chúa (cena Domini), Bẻ bánh (fractio panis).
Những từ ngữ này đã có trong Tân Ước, nghĩa là ngay từ đầu Giáo Hội. Kế đó là các tên gọi dựa theo truyền thống, như là: Hy tế, Phụng vụ thánh, Hiệp lễ, Misa.
Còn lễ phụng vụ để mừng bí tích thì ra đời muộn hơn 12 thế kỷ. Vào lúc được thiết lập tại thành phố Liege (Bỉ) năm 1246, rồi sau đó được mở rộng ra toàn Giáo Hội năm 1264, lễ được đặt tên là Corpus Domini (nghĩa là Mình Thánh Chúa), và danh xưng này được lưu truyền qua nhiều thế kỷ. Mãi cho đến cuộc cải tổ lịch phụng vụ sau Công Đồng Vaticanô II (1969), tên gọi mới được bổ túc là “Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa”.
Có hai lý do chính: một lý do thần học và một lý do phụng vụ. Tôi muốn bắt đầu với lý do thần học trước, đó là chúng ta cử hành bí tích Mình và Máu Chúa Giêsu, chứ không chỉ cử hành Mình Thánh Chúa mà thôi.
Khi thiết lập bí tích này, Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu, và nói: “Các con hãy cầm lấy: Đây là Mình Thầy,... Đây là Chén Máu Thầy”.
Tôi không rõ các tín hữu Việt Nam nghĩ gì trong đầu khi nghe nói: “Đây là Mình Thầy”. Mình có thể theo nhiều nghĩa: “mình” có thể ám chỉ “thân mình, thân xác”; “mình” cũng có thể hiểu là mạng sống, chẳng hạn khi chúng ta nói đến các chiến sĩ “bỏ mình vì nước”. Dù sao, để hiểu chính xác ý nghĩa của câu nói, chúng ta cần phải trở lại với bản gốc trong tiếng La Tinh: Hoc est Corpus meum, (tiếng Pháp dịch là corps và tiếng Anh là body) mà ta có thể dịch là “Đây là Thân Thể của Thầy” .
Thân thể là gì? Phải thú thực rằng không dễ gì trả lời câu hỏi này, bởi vì thân thể có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Thân thể có thể hiểu theo một nghĩa hẹp là “thân mình”, nghĩa là loại trừ cái đầu và chân tay. Theo một nghĩa rộng hơn, “thân thể” là cái phần vật chất nơi con người, đối lại với phần linh thiêng gọi là “anima” (tức là linh hồn).
Tuy nhiên nếu áp dụng vào bí tích mà chúng ta đang bàn thì cả hai nghĩa đều không đúng: chúng ta không thể nào hiểu về một Chúa Giêsu không đầu, hoặc là không có linh hồn! Ở đây, chúng ta phải hiểu thân thể như là toàn thể con người Chúa Giêsu. Thánh Gioan Tông Đồ đã hiểu như vậy.
Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa đã trở thành thân xác, nghĩa là đã làm người ở giữa chúng ta, và Người đã trao thân xác ấy làm lương thực cho chúng ta. Điều này càng rõ rệt hơn nữa, khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Này là thân thể của Thầy được trao nộp vì anh em”. Chúa đã trao phó toàn thân của Người cho chúng ta.
Đừng quên rằng chúng ta đang phân tích một dấu chỉ của bí tích, chứ không phải một ý niệm siêu hình. Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể trong khung cảnh một bữa tiệc. Trong một bữa tiệc, bánh và rượu được dọn ra. Chúa Giêsu muốn thiết đãi các môn đệ một bữa tiệc, với một điều khác biệt là Người trao cho các môn đệ một thứ lương thực khác, một thứ đồ ăn và thức uống khác, đó là chính Mình và Máu của Người.
Tấm bánh biểu thị cho chính thân mình của Chúa được trao nộp cho chúng ta. Chén rượu nho màu đỏ biểu thị cho máu của Chúa được đổ ra cho chúng ta. Chúng ta nên lưu ý đến các từ ngữ đi kèm theo cử chỉ trao chén rượu, đó là “máu giao ước mới”, “máu đổ ra để cho các con và muôn người được tha tội”.
Đây là một nghi thức thịnh hành trong các xã hội thời xưa, và có lẽ ngay cả ở nước ta nữa. Khi hai người kết ước với nhau, người ta cùng nhau “uống máu ăn thề”. Cử chỉ này có thể hiểu theo hai nghĩa: một nghĩa tích cực và một nghĩa tiêu cực.
Theo nghĩa tích cực, những người kết nghĩa cùng uống chung một chén máu, ra như họ trở thành họ hàng máu mủ với nhau (quen gọi là “huyết tộc”). Theo nghĩa tiêu cực, việc uống máu trở thành một lời đe doạ dành cho kẻ nào phản bội giao ước: họ sẽ bị cắt cổ, mất máu giống như con vật.
Có lẽ vết tích của nghi thức này còn lưu lại nơi lễ ký giao ước giữa Thiên Chúa với ông Abraham, được Sách Sáng Thế thuật lại ở chương 15: người ta xẻ đôi con vật ra, rồi xếp thành hai dãy, ở giữa để một lối cho người kết ước đi ngang.
Dù sao, những lời nói của Chúa Giêsu có lẽ muốn nhắc đến lễ ký kết giao ước trên núi Sinai, được kể lại trong sách Xuất Hành chương 24 với một nghĩa tích cực. Ông Mosê đọc bản luật giao ước, dân Israel bày tỏ sự ưng thuận; kế đó ông Mosê rảy trên toàn dân máu của bò đã được sát tế.
Nghi thức này dường như muốn diễn tả sự thông truyền sự sống: Thiên Chúa muốn truyền thông sự sống cho dân Israel, kết nạp họ vào dòng tộc máu mủ của Người. Ở nhà Tiệc Ly, Chúa Giêsu thiết lập giao ước mới, đã được các ngôn sứ Giêrêmia và Edekiel loan báo, một giao ước bình an, được khắc trong con tim chứ không khắc trên bia đá nữa; Người muốn dẫn đưa họ vào tình nghĩa thân thiết với Thiên Chúa.
Những lời này bổ túc cho ý nghĩa vừa nói. Trong ngôn ngữ hằng ngày, “đổ máu” thường ám chỉ sự giết người (chẳng hạn như: một tai nạn đổ máu, hoặc cuộc xung đột đổ máu). Chén rượu mà Chúa Giêsu trao cho các môn đệ là biểu tượng cho việc Người bị đổ máu, nghĩa là cái chết mà Người sắp phải chịu trên thập giá.
Nhìn từ bên ngoài thì đó là sự sát nhân, một cái chết do bạo lực; thế nhưng, Chúa Giêsu lại coi đó như một hy lễ đền tội, mà Người tự ý lãnh nhận.
Các tác giả Tin Mừng so sánh cái chết của Người như là cái chết của con chiên sát tế, nhờ đó mang lại ơn tha thứ cho toàn thể nhân loại. Đề tài này được giải thích sâu rộng trong lá thư gửi Do Thái, chương 9.
Như vậy, qua cử chỉ trao bánh và rượu cho các môn đệ, Chúa Giêsu muốn nói đến việc Người trao nộp mạng sống cho nhân loại, mà Người coi như là những bạn hữu. Vì thế họ được mời gọi hãy đến ăn bánh và uống rượu, để thông dự vào hiến tế của Người, thông dự vào chính tình yêu trao hiến của Người, như Thánh Phaolô đã viết trong thư thứ nhất cho giáo đoàn Corinto (10,16) .
Nơi Tin Mừng Thánh Gioan, việc ăn Mình và uống Máu Chúa đưa đến một sự hiệp thông sự sống: “Thân mình tôi thật là của ăn; máu tôi thật là của uống. Ai ăn thân mình tôi và uống máu tôi, thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,55-56).
Trên đây, chúng ta đã nhắc đến việc thiết lập lễ kính Mình Thánh Chúa (Corpus Domini) hồi thế kỷ XIV: một trong những lý do là để chống lại những lạc giáo không tin sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích. (Chúng ta cũng đừng quên những việc tôn kính Mình Thánh Chúa vào ngày thứ Năm tuần thánh, ngày kỷ niệm thiết lập bí tích). Còn lòng tôn kính Máu Thánh Chúa thì phát triển muộn hơn, vào khoảng đầu thế kỷ thứ XIX ở Italia.
Năm 1822, Thánh Gasparre del Bufalo xin Tòa Thánh cho phép cử hành lễ kính Máu Thánh Chúa trong hội dòng do người sáng lập, được cử hành vào Chúa Nhật đầu tháng 7. Phong trào này bành trướng không những trong nước Ý mà còn trong nhiều nước khác, đến nỗi nhiều nơi dành tháng 7 để cho việc tôn kính Máu Thánh Chúa, cũng tương tự như tháng Sáu dành cho Thánh Tâm. ĐTC Piô IX mở rộng lễ này ra cho toàn thể Giáo Hội và ấn định cử hành vào ngày 1 tháng 7.
Vào năm 1960, ĐTC Gioan XXIII, một người tôn sùng đặc biệt với Máu Thánh Chúa, đã soạn một kinh cầu kính Máu Thánh (hoặc Bửu huyết). Thế nhưng, cuộc cải tổ lịch phụng vụ sau Công Đồng Vaticanô II đã sáp nhập lễ kính Máu Thánh Chúa vào chung với lễ kính Mình Thánh Chúa. Vì lý do đó, tên gọi của lễ được sửa lại thành “Lễ trọng kính Mình và Máu rất thánh của Chúa Giêsu” (Sollemnitas Sanctissimi Corporis et Sanguinis Christi).
Việc sát nhập hai lễ hợp với thần học và kinh thánh hơn, bởi vì như đã nói trên đây, Chúa Giêsu thiết lập bí tích qua việc trao ban Mình và Máu của Người cho chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi hãy ăn Mình và uống Máu của Người. Tuy nhiên, trên thực tế, đề tài “Máu Thánh Chúa” (hoặc bửu huyết chưa được phổ biến lắm) vì thế người ta vẫn tiếp tục gọi lễ này là lễ Mình Thánh Chúa, hoặc là Lễ Thánh Thể.
Truyền thống đã gán cho Thánh Tôma Aquinô là tác giả rất nhiều kinh phụng vụ và ngoài phụng vụ. Có lẽ nhiều người chỉ biết thánh nhân như là một nhà triết học hoặc thần học đã cung cấp cho Giáo Hội nhiều suy tư sâu sắc; nhưng ít người biết rằng người cũng là tác giả của rất nhiều kinh nguyện, cách riêng là những lời nguyện kính Mình Thánh Chúa.
Các Sách Lễ bằng tiếng La Tinh đều đặt trong phần phụ lục hai kinh nguyện của Thánh Tôma đọc trước và sau khi rước lễ. Trước đây, tại các giáo phận do các cha Dòng Đaminh phụ trách, các tín hưũ đọc kinh này hằng ngày. Nhưng đặc biệt nhất là truyền thống đã gán cho Thánh Tôma Aquinô là soạn giả những bản kinh phụng vụ lễ Kính Mình Thánh Chúa.
Có hai lý do khiến cho các nhà phê bình sử liệu không dám khẳng định chắc chắn.
Thứ nhất, thời xưa cũng như thời nay, mỗi lần ai được Tòa Thánh nhờ viết một văn kiện (thí dụ một thông điệp, một huấn thị hay một bản văn phụng vụ) thì họ phải giấu tên chứ không được phép đánh trống gõ mõ rao cho hết mọi người biết.
Thứ hai, vào thời Trung Cổ, chưa có luật tác quyền: sau khi xuất bản một cuốn sách, tác giả không đi đăng ký để giữ bản quyền. Ngày nay, tác quyền nhằm bảo vệ tác giả khỏi bị đánh cắp do nạn “luộc sách”; nhưng đời xưa thì ngược lại: có người xuất bản nhưng không dám đề tên của mình mà lại đi núp bóng một tác giả thời danh để dễ lưu hành hơn. Từ đó có nạn “gán ghép” tác giả. Cả hai lý do đó đều xảy ra cho phụng vụ lễ kính Mình Thánh Chúa.
Trước khi vào đề, nên biết là tên gọi “Lễ Mình và Máu Thánh Chúa” mới được đưa vào lịch phụng vụ từ sau Công Đồng Vaticanô II (1969), còn trước đó chỉ gọi là “lễ Mình Thánh Chúa” (Corpus Domini).
Việc tôn kính Mình Thánh Chúa đã có từ lâu đời trong Hội Thánh, đặc biệt qua việc cử hành Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Nhưng việc dành ra một ngày trong năm làm lễ trọng kính Mình Thánh Chúa thì muộn hơn. Lễ này được chính thức thiết lập trong toàn thể Hội Thánh do sắc chiếu Transiturus của ĐTC Urbano ngày 11 tháng 8 năm 1264, với một nguồn gốc khá ly kỳ.
Chúng ta đang ở trong Năm Thánh Thể, do ĐTC Gioan Phaolô II tuyên bố vào dịp lễ kính Mình Máu Thánh Chúa năm ngoái (10/6/2004): đây là một sáng kiến của chính đức thánh cha lồng trong bối cảnh của Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế Guadalajara (17/10/2004) và Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới họp vào cuối tháng 10 năm nay, bàn về bí tích này.
Việc thiết lập lễ Mình Thánh Chúa thì không do sáng kiến của Tòa Thánh, nhưng bắt nguồn từ lòng đạo đức bình dân.
Vào thế kỷ XIII, ra như phản ứng lại phong trào Albigeois miền Nam nước Pháp phủ nhận bí tích Thánh Thể, nhiều phong trào giáo dân ở Bắc Âu đã cổ động lòng sùng kính bí tích này. Họ tổ chức những cuộc thờ lạy Bánh thánh, giật chuông nhà thờ khi linh mục thánh hiến bánh và rượu, và ban phép lành với Mình Thánh Chúa.
Tại Liège (nay thuộc nước Bỉ), qua trung gian của Thánh Julienne một nữ tu dòng Âu-tinh ở Mont-Cornillon (1193-1258), họ xin Đức Cha Robert de Thorete giám mục giáo phận được cử hành một lễ kính Mình Thánh vào ngày thứ năm sau Chúa Nhật kính Chúa Ba Ngôi. Ý nguyện đã được chấp thuận năm 1246, và một bản văn phụng vụ đã được soạn ra.
Vào năm 1252, vị sứ thần Tòa Thánh bên Đức, Hồng Y Hugues de Saint Cher, dòng Đaminh, cảm kích trước những buổi cử hành trọng thể ở Liège, đã cho phép mở rộng việc cử hành lễ này trên toàn thể lãnh thổ nhiệm sở của mình.
Trước khi đắc cử giáo hoàng (1261-1264), Đức Urbanô IV nguyên là một giáo sĩ Liège (tên thật là Jacques Pantaléon) đã tham dự nhiều cuộc rước kiệu tại Liège, và cũng đã nhận được thỉnh nguyện cho phép cử hành lễ kính Mình Thánh Chúa trong toàn thể Hội Thánh.
Đang khi còn suy tính thì xảy ra một biến cố tại nhà thờ Bolsena (cách Rôma 138 cây số): năm 1263, một linh mục tên là Phêrô Praga (người Séc) trên đường hành hương Rôma, đang khi dâng Thánh Lễ thì nổi lên lòng nghi ngờ về việc bánh rượu biến đổi thành Mình Máu Thánh. Thế rồi cha thấy máu thánh chảy lênh láng trên khăn thánh. Tiếng đồn lan ra, và dân chúng tổ chức rước khăn thánh về nhà thờ chánh toà Orvieto (cách đó không xa), nơi đức thánh cha đang cư ngụ. Phép lạ này đã thúc đẩy việc thiết lập lễ Mình Thánh Chúa trong toàn Hội Thánh, với sắc chiếu Transiturus ngày 11/8/1264 như đã nói.
Có chứ. Vào lúc đó, Thánh Tôma đang dạy học ở Orvieto, nơi dòng Đaminh có học viện. Vì thế nếu Thánh Tôma được mời soạn bài lễ phụng vụ thì cũng không gì lạ. Ắt là người cũng được cung cấp những bản văn đang lưu hành ở Liège.
Tuy nhiên, như đã nói trên đây, soạn giả các bản văn phụng vụ (cũng như các văn kiện Tòa Thánh) không ký tên vào tác phẩm của mình. Mãi đến năm 1312, một tác giả lịch sử Giáo Hội tên là Tolomeo da Lucca mới tiết lộ danh tánh. Từ đó trở đi, các người viết tiểu sử Thánh Tôma đều lặp lại nguồn tin đó.
Thế nhưng vào thời cận đại, thì người ta đòi xét lại toàn bộ vấn đề, nghĩa là đòi hỏi phải có chứng cứ chắc chắn. Theo các nhà phê bình, mẩu tin của ông Tolomeo tiết lộ cách xa thời sự gần nửa thế kỷ, và không có nguồn nào khác để kiểm chứng.
Thực ra, cũng đừng nên quên rằng tuy lễ Mình Thánh Chúa được thiết lập vào tháng 8 năm 1264, nhưng ĐGH Urbanô IV băng hà vào đầu tháng 10 cùng năm, cho nên sắc chiếu chìm trong quên lãng, cho đến khi họp công đồng tại Vienne (từ tháng 10 năm 1311 tới tháng 5 năm 1312) ĐTC Clementê V mới nhắc đến văn kiện đó.
Từ thời Thánh Tôma đến nay, Giáo Hội đã có nhiều cuộc cải cách phụng vụ, với nhiều thêm hoặc bớt các bài đọc, các thánh vịnh. Tuy vậy, có vài bản văn được duy trì, chứ không thay đổi, chẳng hạn như các lời nguyện trong Thánh Lễ, các thánh thi trong phụng vụ Giờ kinh.
Người ta có thể nhận thấy bàn tay của Thánh Tôma khi đối chiếu nội dung các bản văn đó với tư tưởng về bí tích mà thánh nhân trình bày trong sách Tổng Luận Thần Học. Dĩ nhiên là thần học trong bản văn phụng vụ thì cô đọng, chứ không thể quảng diễn chi tiết như trong một khảo luận.
Dù sao, có lẽ bản kinh sâu sắc nhất không phải là lời tổng nguyện, mà là điệp ca Tin Mừng kinh chiều II, được Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trích lại nguyên văn ở số 1402: “Ôi yến tiệc Mình và Máu Thánh, Chúa Kitô thành lương thực nuôi ta! Tiệc nhắc nhở Người đã chịu khổ hình và đổ đầy ân sủng xuống cõi lòng nhân thế; tiệc bảo đảm cho ta một ngày mai huy hoàng rực rỡ”.
Thánh Thể được ví như một bàn tiệc, nhìn dưới ba chiều kích hiện tại, quá khứ, tương lai.
Trong hiện tại, đây là bàn tiệc nuôi dưỡng chúng ta như lương thực, và ban cho chúng ta ân sủng, nghĩa là sống trong tình nghĩa với Chúa.
Chiều kích quá khứ được nhắc đến như “tưởng niệm cuộc khổ hình Đức Kitô”, tức là hy lễ trên thập giá.
Chiều kích tương lai của bí tích được diễn tả qua từ ngữ “bảo chứng của vinh quang”, nghĩa là sự thông hiệp sung mãn với Thiên Chúa.
Không biết nên gọi Thánh Tôma là thi sĩ hay nhạc sĩ, bởi vì ba bài thánh thi đọc ở giờ Kinh Sách, Kinh Sáng, Kinh Chiều đều được phổ nhạc, đó là chưa kể Ca Tiếp Liên trong Thánh Lễ Lauda Sion Salvatorem. Rất có thể là Thánh Tôma dựa vào các thánh thi đã có sẵn, và biến đổi các lời cho hợp với thần học về bí tích.
Trong số những thánh thi ngày lễ, bài thánh thi Kinh Chiều Pange lingua gloriosi quen thuộc hơn cả, bởi vì được hát trong các cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa, và cách riêng là hai đoạn chót Tantum ergo sacramentum.
Trước đây chúng ta có bản dịch trong sách Toàn Niên Kinh Nguyện (“Chúng tôi kính lạy Mình Thánh rất sang trọng, Máu Thánh rất châu báu vô cùng”). Sách Giờ Kinh Phụng Vụ đã dịch lại với ngôn ngữ hiện đại hơn, và cố gắng duy trì thể thơ.
Thánh thi gồm có 6 đoạn, mỗi đoạn 6 câu trong nguyên bản La Tinh, nhưng trong bản dịch Việt ngữ chỉ còn 4 câu.
Đoạn thứ nhất là lời mời gọi hãy ca ngợi mầu nhiệm Mình rất vinh hiển và Máu châu báu đổ ra làm giá chuộc muôn dân bởi người con của phụ nữ cao vời và cũng là Vua muôn dân.
Đoạn thứ hai khai triển niềm tin về thân thế và công trình của Đức Kitô: “Người đã được trao ban cho chúng ta, Người đã sinh ra cho chúng ta từ đức Trinh nữ thanh khiết; Người đã sống giữa trần thế gieo vãi hạt giống Lời Chúa; Người kết thúc cuộc lữ hành dương thế bằng một việc tuyệt diệu”, sẽ được mô tả trong hai đoạn Ba và Bốn. “Trong đêm Tiệc Ly, lúc ngồi bàncùng với các anh em, sau khi đã tuân giữ nhưng thủ tục luật cũ quy định, Người đã tự tay trao hiến mình cho 12 môn đệ. Lời Nhập Thể bằng một lời đã đổi bánh thực trở nên thịt của mình; và rượu trở nên Máu của Chúa Kitô: cho dù giác quan ngỡ ngàng đi nữa, nhưng duy đức tin đã đủ để củng cố cho tấm lòng chân thành”.
Hai đoạn 5 và 6 họp thành bài hát Tantum ergo, rút ra hệ luận thực hành từ niềm tin đến thờ lạy chúc tụng: “Nào chúng ta hãy cúi đầu thờ lạy bí tích cực trọng; nghi thức cũ đã nhường chỗ cho nghi thức mới; ta hãy lấy đức tin bù vào khiếm khuyết của giác quan”.
Theo các nhà phê bình, đoạn chót không do Thánh Tôma sáng tác, nhưng lấy lại từ vinh tụng ca của một thánh thi lễ Thánh Agnès.
Trước khi nói đến mỗi liên hệ giữa việc giữ chay và Thánh Thể chúng ta cần phải phân biệt nhiều nghĩa của vài từ ngữ quen dùng trong truyền thống phụng vụ. Một đàng là giữ chay trước khi rước lễ. Đàng khác là giữ chay không tham dự Thánh Lễ.
Không phải thế. “Chay Thánh Thể” không có nghĩa bỏ lễ ngày Chúa Nhật, cũng không có nghĩa là không được phép rước lễ vì mắc tội hay vạ. “Chay Thánh Thể” có nghĩa là không cử hành Thánh Lễ trong Mùa Chay.
Đúng thế, tại Rôma này ngay từ thời xưa đã có tục lệ giám mục cử hành Thánh Lễ với Dân Chúa mỗi ngày tại một thánh đường khác nhau, tục gọi là “lễ trạm” (missa stationalis). Tuy nhiên chị đừng quên rằng vào hai ngày cuối Tuần Thánh (thứ Sáu và thứ Bảy) thì Giáo Hội không cử hành Thánh Lễ: chay Thánh Thể là thế đó.
Có chứ. Chị đừng nên quên rằng vào thứ Sáu tuần thánh Giáo Luật buộc phải ăn chay kiêng thịt đó. Dù sao, trong nghi điển La Tinh, thì trong năm chỉ có hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy là Giáo Hội không cử hành Thánh Lễ; nhưng bên Đông Phương, nghi điển Byzantin không cử hành Thánh Lễ trong mùa Chay, vào các ngày phải giữ chay.
Không phải thế đâu. Bên Đông Phương người ta còn giữ tập tục từ thời các giáo phụ là giữ chay mỗi tuần hai lần (thứ Tư và thứ Sáu) trong mùa Chay. Vì thế trong hai ngày đó không có Thánh Lễ. Theo như một số người giải thích, vào thời xưa, các tín hữu quan niệm việc giữ chay rất ngặt, nghĩa là không ăn không uống gì hết, kể cả rước Mình Thánh Chúa.
Trong những ngày không có Thánh Lễ, không phải là các linh mục được ngủ thêm đâu, nhưng các đấng cũng cử hành phụng vụ, tương tự như phụng vụ thứ Sáu tuần thánh vậy, nghĩa là gồm có Phụng vụ Lời Chúa (các bài đọc Sách Thánh, các thánh vịnh), và kết thúc với việc rước lễ, với bánh thánh đã được truyền phép từ hôm trước.
Câu trả lời tùy theo chúng ta hiểu từ “giữ chay” theo nghĩa nào. Xin nhắc lại là chúng ta đang ở trong Mùa Chay, nhưng chúng ta đâu có giữ chay gì đâu! Thực ra cũng nên biết là trong tiếng La Tinh, mùa phụng vụ mà chúng ta đang sống được gọi là mùa “Bốn mươi” (Quadragesimalis), tưởng nhớ việc Chúa Giêsu chay tịnh bốn mươi ngày trong sa mạc. Thời xưa các tín hữu buộc giữ chay trong suốt 40 ngày, chứ không chỉ có hai ngày như thời nay.
Không phải thế. Giữ chay 40 ngày không có nghĩa là tuyệt thực, nhưng chỉ có nghĩa là giảm thiểu lương thực. Dĩ nhiên là về vấn đề này kỷ luật đã thay đổi trải qua dòng thời gian, lúc siết vào lúc nới ra. Thời xưa, kỷ luật ăn chay chủ yếu bao hàm hai điều. Thứ nhất là chỉ được ăn một bữa; thứ hai là không được ăn trước khi mặt trời lặn. Nói khác đi, ăn chay có nghĩa là nhịn ăn ban ngày, và chỉ được ăn vào ban tối.
Người ta đồn là trong tháng Ramadan, tín đồ chỉ buộc giữ chay vào ban ngày, nhưng sau khi mặt trời lặn thì tha hồ chén. Chắc chắn là những lạm dụng không thể nào tránh được. Dù sao chúng ta đừng nên quên rằng Hồi Giáo phát xuất từ Ả-rập, nơi mà khí hậu rất nóng. Vì thế giữ chay suốt ngày không phải là chuyện dễ, xét vì không phải vì bụng đói cho bằng vì cổ khô khát nước.
Tuy nhiên, theo các sử gia, tục lệ giữ chay cho đến lúc mặt trời lặn xem ra đã có từ trước Hồi Giáo lâu lắm, và đã được người Do Thái thực hành. Có lẽ người Kitô Hữu đã du nhập tục lệ đó, và thêm một tinh thần mới: đó là tinh thần đền tội. Do đó, tuy được phép ăn vào ban chiều, nhưng bữa đó cũng chỉ được ăn cầm hơi đủ sống, chứ không được phép chè chén. Dần dần người ta gắn liền việc thực hành khổ chế với một giờ cầu nguyện. Vì thế, các tín hữu chỉ được dùng bữa sau khi đã tham dự giờ kinh chiều.
Theo các sử gia, tục lệ ăn vào bữa trưa được du nhập từ thế kỷ XII trở đi. Lý do có lẽ một phần vì sức khoẻ thể lý và tinh thần không còn được như các thế kỷ trước nữa.
Mặt khác, đầu óc vụ luật dần dần cũng lan tràn, tựa như mấy ông Biệt Phái thời Chúa Giêsu vậy, theo nghĩa là để duy trì tập tục giữ chay cho đến sau khi đọc Kinh Chiều, thì người ta đọc Kinh Chiều vào lúc 2 giờ, rồi dần dần lùi lên 12 giờ trưa.
Kể từ thế kỷ XV, Giáo Luật cho phép được dùng bữa trưa vào Mùa Chay, và giữa hai bữa trưa thì cũng được dùng tí chút đồ lỏng: lúc đầu là nước lã, tiếp đó là sữa, cà-phê, và thậm chí một lát bánh mì.
Sang thời cận đại, thì Mùa Chay chỉ còn giữ tên gọi mà thôi, chứ không còn buộc phải ăn chay trường. Dù sao, như chị đã biết, vào thời này, Giáo Hội kêu gọi các tín hữu không nên chỉ giới hạn việc giữ chay vào phạm vi lương thực, nhưng cần mở rộng sang các lãnh vực khác nhằm biểu lộ tinh thần thống hối: có thể là chay xem TV, chay thuốc lá, và nhất là chay bớt tội.
Vừa có vừa không, nghĩa là vừa có chỗ giống vừa có chỗ khác. Trước hết, chúng ta hãy bắt đầu bằng chỗ khác nhau.
Việc giữ chay trong mùa Chay chỉ kéo dài trong Mùa Chay (nghĩa là hơn kém 40 ngày trong năm); còn việc giữ chay trước khi rước lễ thì áp dụng quanh năm mỗi khi chúng ta đi rước lễ. Điều khác biệt nữa là (như đã nói) vào thời xưa, việc giữ chay trong muà Chay bao hàm việc nhịn ăn cho tới lúc mặt trời lặn; còn việc giữ chay trước khi rước lễ thì chấm dứt sau khi đã rước lễ: do đó ai đi lễ từ sớm thì có thể ăn trước khi mặt trời mọc.
Trước đây, có người nói rằng tục lệ này do các thánh tông đồ truyền lại; nhưng ngày nay, do các cuộc khảo cứu lịch sử, giả thuyết đó không đứng vững.
Vào thời các thánh tông đồ, bữa tiệc Thánh Thể được gắn liền với một bữa tiệc huynh đệ, như ta đọc thấy trong chương 11 của thư thứ nhất Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô. Thánh tông đồ đã khiển trách họ không chỉ vì chè chén say sưa trước khi lên rước lễ, nhưng nhất là vì có bàn thì cỗ tiệc thịnh soạn, và có bàn thì trống trơn, tuỳ theo điều kiện kinh tế của thực khách.
Tuy nhiên, không rõ từ lúc nào không những Thánh Thể được tách rời hoàn toàn ra khỏi bữa tiệc mà thậm chí các tín hữu phải giữ chay trước khi dự Thánh Lễ.
Vào đầu thế kỷ III, Tertullianô đã khuyên các tín hữu đừng ăn uống đồ gì trước khi rước Mình Thánh Chúa. Nhưng đó chỉ là lời khuyên, và hạn chế trong miền Bắc Phi.
Sang đến năm 397 (nghĩa là cuối thế kỷ IV), Công Đồng Cartago III chỉ cho phép những ai giữ chay thì mới được rước lễ, ngoại trừ ngày thứ 5 tuần thánh. Tuy nhiên, đây chỉ là chỉ thị của một công đồng điạ phương.
Thế nhưng sang giữa thế kỷ V, thì đã thấy chứng tích của các giáo phụ bên Tây (như Augustinô) và bên Đông (như Athanasiô Grêgôriô Nazianzô, Gioan Kim khẩu) cho thấy tập tục giữ chay trước khi rước lễ được thực hành trong toàn Giáo Hội. Theo các đấng, đây là một điều thánh thiện, do lòng đạo đức gợi lên, khi để cho Thánh Thể trở nên lương thực đầu tiên trong ngày.
Các sử gia không tìm được văn kiện nào quy định điều đó. Nói cách khác, vào thời xưa việc giữ chay trước khi rước lễ chỉ là tập tục lành thánh, hoặc chỉ được quy định bởi giáo quyền địa phương. Mãi đến ngày 22 tháng 2 năm 1418, ĐTC Martinô IV mới ra luật buộc tất cả các tín hữu khắp nơi phải giữ luật chay Thánh Thể, nghĩa là không được ăn hay uống bất cứ cái gì từ nửa đêm cho đến lúc rước lễ.
Luật này được duy trì triệt để cho đến năm 1953, tức là hơn 5 thế kỷ, khi ĐTC Piô XII gia giảm đôi chút, theo đó, có thể uống nước lã mà không phá chay. Ngoài ra, thời hạn giữ chay không tính từ nửa đêm cho đến khi rước lễ, nhưng là 3 tiếng trước khi rước lễ nếu là đồ ăn và rượu; 1 tiếng nếu là các đồ uống khác.
Vào lúc bế mạc khoá 3 Công Đồng Vaticanô II (năm 1964), Đức Phaolô VI giảm thời gian giữ chay trước khi rước lễ xuống còn 1 giờ đồng hồ. Đó cũng là quy định hiện hành của Giáo Luật ở điều 919, với khá nhiều khoản trừ.
Cũng như các khoản luật khác, chúng ta cần phải khám phá ra ý nghĩa của nó, hầu tránh tinh thần vụ luật. Việc giữ chay trước khi rước lễ nhằm bày tỏ lòng tôn kính đối với Mình Thánh Chúa: đây không phải là món đồ tráng miệng, nhưng là lương thực đứng hàng đầu cho cuộc sống của chúng ta. Đàng khác, chúng ta cũng muốn tập hãm mình đôi chút trước khi kết hiệp với hiến tế Thập Giá của Đức Kitô.