Khoản Giáo Luật vừa trưng dẫn còn được lặp lại trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1389. Tuy nhiên nguồn gốc của nó đã có từ xa xưa, nghĩa là từ Công Đồng Latêranô IV năm 1215.
Có rất nhiều lý do đôi khi tương phản nhau: có người nguội lạnh, chẳng mấy khi đi nhà thờ, vì thế cần phải ra luật thúc đẩy họ tối thiểu một năm hãy liệu xưng tội rước lễ một lần.
Ngược lại, có người quá đạo đức, đi lễ thường xuyên nhưng không dám lên rước lễ vì cảm thấy mình bất xứng. Do đó, cần phải thúc đẩy họ lên rước lễ ít là một năm một lần. Để hiểu rõ vấn đề này hơn, chúng ta nên đi ngược lại dòng lịch sử từ những thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh.
Thực khó nói cách chính xác. Tuy nhiên có thể suy đoán dựa theo vài dữ kiện.
Chúng ta biết rằng ngay từ đầu tiên, các Kitô Hữu đã có thói quen họp nhau cử hành Thánh Thể hằng tuần vào ngày Chúa Nhật, (ngày của Chúa, ngày mừng Chúa Kitô Phục Sinh). Chúng ta thấy chứng tích nơi sách Tông Đồ Công Vụ, chương 20 câu 7, kể lại việc Thánh Phaolô chủ sự lễ nghi bẻ bánh tại Troa. Sách Điđakhê chương 14 diễn tả việc tham dự lễ bẻ bánh ngày Chúa Nhật thành một quy luật. Từ đó ta cũng có thể kết luận được rằng họ cũng rước lễ ít là mỗi tuần một lần. Lý do dễ hiểu, bởi vì việc tham dự Thánh Lễ đương nhiên bao hàm việc rước lễ. Thánh Lễ được gọi là “việc bẻ bánh”, hàm ngụ ý tưởng một bữa tiệc thánh. Do đó không ai đi dự tiệc mà ra về với bụng trống rỗng.
Lịch sử không tiến triển theo đường thẳng, nhưng thường là theo đường ngoằn ngoèo. Xét về kỷ luật chung của Giáo Hội thì quả là có sự tiến triển trong việc cử hành Thánh Lễ.
Vào thời đầu, có lẽ mỗi tuần Giáo Hội chỉ cử hành Thánh Lễ một lần vào ngày Chúa Nhật. Nhưng con số đó tăng lên dần dần, tuỳ theo địa phương.
Hồi đầu thế kỷ V, Thánh Augustinô (Epistola 54, ad Ianuarium, c.2) viết như sau: “việc dâng lễ thay đổi tùy theo địa phương. Có nơi thì hiệp lễ hàng ngày, có nơi thì chỉ hiệp lễ vào một vài bữa. Có nơi thì không ngày nào bỏ việc dâng Hy lễ; có nơi thì chỉ dâng Thánh Lễ vào thứ Bảy và Chúa Nhật; thậm chí có nơi chỉ dâng lễ vào ngày Chúa Nhật”.
Như vậy, cho đến thời Thánh Augustinô, không phải đâu đâu cũng có Thánh Lễ hàng ngày, và thậm chí có nơi chỉ có Thánh Lễ ngày Chúa Nhật mà thôi. Điều này không chỉ tuỳ thuộc vào số linh mục nhiều hay ít, nhưng còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nữa.
Chẳng hạn như bên các Giáo Hội Đông Phương, các buổi cử hành Thánh Lễ rất long trọng, vì thế không lạ gì mà thường chỉ giới hạn vào ngày Chúa Nhật, với sự tham gia đông đảo của cộng đoàn và ca đoàn.
Đang khi đó, bên Tây Phương, do việc các đan sĩ thụ phong linh mục, cho nên việc cử hành Thánh Lễ cũng gia tăng tại các đan viện, không những là Thánh Lễ cử hành cho cộng đoàn mỗi ngày, mà mỗi linh mục còn cử hành Thánh Lễ kể cả khi không có cộng đoàn tham dự. Hơn thế nữa, việc tăng gia các buổi cử hành Thánh Lễ không nhất thiết kèm theo sự tăng gia việc rước lễ.
Lúc nãy tôi đã nói rằng lịch sử không tiến theo đường thẳng nhưng theo đường ngoằn ngoèo. Một cách tổng quát, ta thấy rằng ở những thế kỷ đầu tiên, việc hiệp lễ gắn liền với việc tham dự Thánh Lễ (gọi là lễ bẻ bánh), nhưng dần dần thì hai hành vi được tách rời.
Có người rước lễ tuy không tham dự Thánh Lễ: điều này xảy ra cho những người đau ốm không thể đi nhà thờ được, hoặc những người bị giam tù trong kỳ bắt đạo. Ngược lại, có người thì tham dự Thánh Lễ mà không rước lễ. Điều này xảy ra vì nhiều lý do. Một lý do vừa mới nhắc đến là trường hợp các đan sĩ cử hành Thánh Lễ mà không ai tham dự (và do đó không có ai rước lễ); như thế việc rước lễ không còn phải là thành phần của Thánh Lễ nữa.
Đang khi đó, tại các giáo xứ, thì tuy các tín hữu buộc phải tham dự Thánh Lễ hàng tuần, nhưng không hẳn là ai cũng dám lên rước lễ, xét vì cảm thấy lương tâm không ổn.
Đúng vậy. Dựa theo lời của Thánh Phaolô trong thư I gửi tín hữu Côrintô, chương 11 câu 28-29: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”, Giáo Hội đòi hỏi các tín hữu phải sạch tội trọng thì mới được phép rước Mình Thánh Chúa.
Thế nhưng, trong lịch sử không thiếu những khuynh hướng giải thích chặt chẽ hơn nữa về sự chuẩn bị tâm hồn. Họ đòi hỏi không những chỉ sạch tội trọng, mà cả tội nhẹ cũng như các mối quyến luyến với thế trần. Thậm chí, họ buộc các đôi vợ chồng phải kiêng cữ ái ân thì mới được lên rước lễ!
Các tu sĩ cũng chẳng xứng đáng rước lễ nữa. Mãi cho đến đầu thế kỷ XX, nhiều hiến pháp Dòng tu chỉ cho phép các tu sĩ rước lễ một tháng một lần, nghĩa là 12 lần một năm. Ai muốn rước lễ hàng ngày thì phải có phép của cha giải tội. Vị này có bổn phận trắc nghiệm trình độ đạo đức của linh hồn, rồi mới dám cho phép tu sĩ rước lễ thường xuyên.
Thực ra, cha giải tội không chỉ xét xem linh hồn có mắc tội trọng hay tội nhẹ hay không, nhưng còn muốn biết hiệu quả của việc rước lễ như thế nào: đương sự có tiến triển trên đường nhân đức hay không? Việc rước lễ có phát sinh hoa trái như lòng mong ước hay không?
Có lẽ còn ít hơn nữa là đàng khác. Nói như thế chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của sắc lệnh Công Đồng Latêranô IV năm 1215. Có thể giải thích tầm mức áp dụng sắc lệnh vừa cho các tín hữu biếng nhác (chẳng mấy khi đi nhà thờ) vừa cho những tu sĩ nữa!
Theo các sử gia, nghĩa vụ buộc rước lễ mỗi năm ít là một lần bắt nguồn từ các đan sĩ sống trong sa mạc (như Thánh Ambrôsiô giải thích: De sacramentis, 5,25). Dù sao thì về sau này Giáo Luật nhắm tới các người nguội lạnh nhiều hơn.
Từ thế kỷ IX, nhiều công đồng điạ phương buộc các tín hữu phải rước lễ ba lần một năm vào dịp lễ Giáng Sinh, Phục Sinh và Hiện Xuống. Công Đồng Latêranô IV thì chỉ buộc rước lễ mỗi năm một lần, ít là vào lễ Phục Sinh. Dần dần nghĩa vụ này được kéo dài ra suốt mùa Phục Sinh.
Bộ Giáo Luật hiện hành thì giữ lại luật buộc phải rước lễ mỗi năm một lần; nhưng không nhất thiết là trong mùa Phục Sinh. Bộ Giáo Luật hiện hành cũng bỏ những chế tài của Công Đồng Latêranô, theo đó ai không rước lễ trong tuần lễ Phục Sinh thì sẽ bị trục xuất khỏi Giáo Hội, và không được an táng theo nghi thức phụng vụ.
Như đã nói ở đầu, ta có thể đọc nghĩa vụ này theo hai chiều hướng đối nghịch.
Với người thờ ơ lãnh đạm thì luật này thúc đẩy họ hãy nuôi dưỡng lòng đạo, nhờ việc lãnh bí tích Thánh Thể: thân xác cần được nuôi dưỡng thì mới sống được. Ai mà không ăn thì dù chưa chết cũng thấy kiệt lực. Linh hồn cũng cần được bồi dưỡng nhờ bí tích để có sức mạnh chống lại tội lỗi và tăng cường nhân đức. Vì thế mà việc rước lễ mỗi năm một lần là mức tối thiểu. Xuống dưới mức tối thiểu thì có nguy cơ hấp hối.
Mặt khác, nghĩa vụ này cũng nhắc nhớ những người quá bối rối sợ hãi rằng: Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích này không chỉ để cho ta thờ lạy tôn kính, nhưng còn để trở thành lương thực cho ta nữa. Người muốn trở nên bánh cho ta ăn, ngõ hầu ta được sống và sống dồi dào.
Đành rằng Người là Đấng cực thánh, còn ta là kẻ tội lỗi, không xứng đáng cho Người ngự vào linh hồn ta, nhưng chúng ta đừng quên phần thứ hai của lời nguyện trước khi rước lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng rước Chúa ngự vào nhà linh hồn con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
Tuy chúng ta bất xứng, nhưng chính vì thế mà chúng ta cần Chúa đến thăm, như bệnh nhân cần đến lương y đến chữa lành. Vì thế chúng ta đừng ngại ngùng lên rước lễ khi thấy mình còn nhiều thiếu sót.
Dù sao, có lẽ ngày nay ít người ngại lên rước lễ vì cảm thấy mình bất xứng. Chúng ta chỉ sợ rơi vào tình trạng trái ngược. Cho đến đầu thế kỷ XX, trung bình các tu sĩ được rước lễ mỗi tháng một lần. Bộ Giáo Luật hiện hành ở số 917 dự liệu những trường hợp được phép rước lễ nhiều lần trong một ngày. Nguy cơ có thể xảy ra là sự thiếu chuẩn bị xứng đáng, không chỉ theo nghĩa là chưa thanh tẩy linh hồn đúng mức, nhưng còn theo nghĩa là chúng ta không lưu ý đến việc để cho Mình Thánh phát sinh những hoa trái mong muốn, đặc biệt là lòng mến Chúa yêu người.
Những kinh dọn mình trước khi rước lễ và cám ơn sau khi rước lễ được đọc trong khung cảnh của việc lãnh nhận bí tích Thánh Thể: chúng ta được mời gọi hãy giục lòng tin cậy mến đối với bí tích này, đó là chính Chúa Giêsu đến với linh hồn chúng ta.
Còn kinh rước lễ thiêng liêng thì được lồng trong bối cảnh khác; đó là khi người tín hữu, vì lý do này hay lý do khác, không có điều kiện để lãnh nhận bí tích. Tôi còn nhớ một kinh đã học từ hồi còn nhỏ, và đọc mỗi ngày lúc viếng Mình Thánh Chúa như sau: “Lạy Chúa Giêsu, tôi tin thật Chúa tôi ngự trong phép Mình Thánh. Tôi kính mến Chúa tôi trên hết mọi sự cùng ước ao chịu lấy Chúa tôi trong linh hồn tôi. Song le bởi vì tôi chẳng có thể nào chịu Chúa tôi cho thật được, thì xin Chúa tôi ngự vào linh hồn tôi cách thiêng liêng vậy, chẳng khác gì như Chúa tôi đã ngự vào thật, thì tôi xin ẵm lấy và hợp làm một cùng Chúa tôi cho trọn. Xin Chúa tôi chớ để cho tôi lìa bỏ Chúa tôi bao giờ”.
Đây là một bản dịch kinh nguyện do Thánh Anphongsô đã soạn, và giọng văn đã hơi xưa rồi.
Câu trả lời không đơn giản cho lắm. Có lẽ ngày nay không mấy khi nghe nói đến việc “rước lễ thiêng liêng” bởi vì ít người thực hành. Nhưng cũng có thể nói ngược lại: ngày nay có ít người thực hành bởi vì chẳng mấy ai nói đến. Thiết tưởng trước khi phê phán lỗi thời hay hợp thời, chúng ta hãy đi ngược lại dòng lịch sử, tìm xem nguồn gốc phát sinh cũng như những ý nghĩa của nó. Nhưng trước khi đi vào vấn đề chúng ta nên lưu ý ít điều về từ ngữ chuyên môn.
Trong thần học về các bí tích, người ta phân biệt hai cách thức chính để lãnh nhận: một đàng là lãnh nhận bí tích thực sự (in re); đàng khác là lãnh nhận bí tích bằng lòng ước ao (in voto). Ai đã chuẩn bị tâm tình xứng đáng, thì tuy không lãnh bí tích thực sự họ vẫn lãnh được những công hiêụ của bí tích đó.
Trường hợp cổ điển hơn cả là những người ngoại đạo, cố gắng ăn ngay ở lành, tuân hành ý Chúa. Họ không biết Chúa đã mặc khải nơi Đức Kitô, cũng không biết rằng cần lãnh bí tích Rửa Tội để được cứu rỗi. Tuy nhiên, thái độ cởi mở của họ, sẵn lòng tuân theo ý Chúa, có thể giải thích như họ ước ao lãnh bí tích Rửa Tội nếu như họ biết được như vậy. Vì thế có thể coi như họ đã được rửa tội bằng lòng ao ước, và được công hiệu tương đương với người đã lãnh bí tích Rửa Tội vậy.
Nói chung thì đúng như vậy. Tuy nhiên, trong lịch sử, những động lực đưa đến việc rước lễ thiêng liêng khá đa dạng.
Thuật ngữ “rước lễ thiêng liêng” được lưu hành từ thế kỷ XII trong các nữ đan viện. Vào thời đó, luật của nhiều dòng chỉ cho các tu sĩ được phép rước lễ một hoặc hai lần mỗi tuần. Nhiều linh hồn khát khao được rước Chúa nhiều hơn, bèn tìm cách thức để kết hiệp với Chúa. Từ đó nảy ra tư tưởng rước lễ thiêng liêng (bằng lòng ước ao), mà vài thánh nữ ghi lại rằng chính Chúa đã chỉ bảo.
Thánh Gêtruđê (1255-1303) thuật lại rằng: vào một ngày Chúa Nhật, thánh nữ hết sức mong mỏi được rước Mình thánh. Khi Chúa Giêsu hiện ra, thánh nữ hỏi: “Những người được diễm phúc rước Chúa thì có được nhiều ơn ích hơn là những ai chỉ mong mỏi được lãnh bí tích không?”. Chúa đáp: “Những người lãnh bí tích thì được nhiều ân sủng. Tuy nhiên, những ai vì đức vâng lời hoặc vì một lý do chính đáng nào không được lãnh bí tích, nhưng rước lễ thiêng liêng với một lòng ước ao đầy lửa sốt mến thì sẽ nhận được nhiều hoa trái dồi dào hơn” (Sách Mặc Khải, chương 29).
Thực ra, một thế kỷ trước đó, Guillaume d’Auxerre (1149-1231, tác giả cuốn Summa aurea đã viết một điều tương tự: ông khẳng định rằng một người tội lỗi không thể tiến lên rước Mình Thánh, nhưng ngay cả như thế, nếu họ ước ao mãnh liệt với đức mến hăng say khi nhìn ngắm Mình Thánh Chúa thì những lời nguyện của họ cũng được Chúa nhậm lời”.
Thực khó mà kiểm chứng được đâu là “mặc khải tư của Chúa” và đâu chỉ là “ý kiến riêng tư của các nhà thần học” trong vấn đề này. Dù sao chính nhờ cơ hội đó mà các nhà thần học kinh viện có cơ hội để suy tư về ý nghĩa và giá trị của việc rước lễ thiêng liêng.
Trước khi bàn về sự khác biệt, cần phải vạch ra sự liên hệ giữa đôi bên.
Thực vậy, tập tục rước lễ thiêng liêng đã thúc đẩy các nhà thần học thời Trung Cổ đặt lại vấn đề về những tâm tình cần có khi rước Mình Thánh Chúa. Việc rước lễ thiêng liêng nêu bật lòng khát khao muốn được kết hiệp với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Thế nhưng tâm tình này cũng cần được nuôi dưỡng cả khi lãnh bí tích Mình Thánh nữa.
Thực vậy, nếu ta chỉ rước Mình Thánh như ăn một tấm bánh, mà thiếu lòng tin cậy mến, thì việc rước Mình Thánh chẳng có ích lợi gì hết. Một cách tương tự như vậy, cho dù nhiều người cùng lên bàn thờ rước Mình Thánh Chúa, nhưng chắc hẳn là không phải hết mọi người đều được hưởng những ơn ích như nhau: sự khác biệt tùy theo tâm tình chuẩn bị của mỗi người.
Vấn nạn này thực sự đã được đặt ra vào thời Trung Cổ. Lúc nãy tôi vừa mới nói đến tình trạng của các tu sĩ muốn rước lễ hết sức nhưng luật Dòng không cho phép. Đối lại, có những trường hợp người ta chỉ nuôi dưỡng lòng khao khát rước Chúa, chứ không rước Mình Thánh. Đó là tình trạng của nhiều giáo dân thời đó; họ chỉ đến thánh đường để ngắm nhìn Mình Thánh lúc linh mục dương cao lên sau khi truyền phép, nhưng không rước lễ.
Làm thế nào dung hoà được cả hai tình trạng xem ra tương phản nhau như vậy được? Thánh Tôma Aquinô tìm cách giải thích như sau.
Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Mình Thánh, và truyền cho chúng ta phải ăn để được sống trường sinh (nghĩa là được cứu rỗi). Tuy nhiên, cũng như người ta đã được cứu rỗi khi ước ao lãnh bí tích thánh tẩy mặc dầu chưa được lãnh phép rửa, thì một cách tương tự như vậy, phàm ai ước ao rước Chúa thì cũng đã nhận được công hiệu của bí tích trước khi lãnh nhận bí tích. Tuy nhiên lòng ước ao này phải bao gồm cả chính việc nhận bí tích khi có cơ hội. (Xc. Summa Theologica III, q.80, a.11,c.).
Nói cách khác, lòng ước ao lãnh nhận bí tích sẽ không còn mang danh nghĩa “ước ao” đúng nghĩa khi mà người ta có cơ hội mà lại không chịu lên rước lễ.
Có chứ. Vào thời Trung Cổ, việc rước lễ thiêng liêng được đặt ra do những tu sĩ đạo đức muốn được rước lễ thường xuyên nhưng luật dòng không cho phép.
Vào thời cận đại thì vấn đề được đặt ra cho những người sống xa nhà thờ, không thể rước Mình Thánh Chúa được. Một tình huống khó khăn nữa là những người mắc tội trọng, hoặc mắc vạ tuyệt thông, hoặc một hình phạt Giáo Luật nào khác, khiến họ không thể rước lễ được. Phải chăng vì thế mà họ phải sống xa Chúa? Vấn đề được mang ra bàn luận tại Công Đồng Trentô.
Công Đồng khuyến khích việc rước Mình Thánh Chúa thực sự, chứ không phải chỉ nuôi dưỡng lòng ao ước (sess. XXII, c.6); nhưng đồng thời công đồng cũng khuyến cáo rằng việc lãnh nhận bí tích cũng đòi hỏi lòng khát khao cùng với đức tin tác động bởi đức mến (sess. XII, c.VIII).
Cả hai khoản vừa rồi đều nhằm đến các tín hữu đã sống trong ơn nghĩa với Chúa. Thế còn những người mắc tội trọng thì sao? Công đồng không nói trực tiếp đến điều này. Dĩ nhiên, ai mắc tội trọng thì phải đi xưng tội thì mới được rước lễ. Còn ai chưa xưng tội mà khát khao rước lễ thì sao? Công Đồng Trentô không đi sâu vào vấn đề này. Các nhà thần học cho rằng nếu người ấy thống hối ăn năn, và ước mong kết hiệp với Chúa thì chắc chắn là được lãnh nhận hoa trái của bí tích.
Tôi nghĩ rằng việc rước lễ thiêng liêng vẫn còn thích thời. Thực vậy tuy rằng ngày nay các tín hữu được phép rước lễ hàng ngày, chứ không còn tình trạng chờ đợi mỗi tháng một lần như thời Trung Cổ, nhưng việc rước lễ chỉ diễn ra trong vòng không tới 1 phút. Phần còn lại trong ngày, gồm 23 giờ 59 phút, họ có thể sống kết hiệp với Mình Thánh Chúa nhờ việc rước lễ thiêng liêng. Đó là chưa kể những người không thể tham dự Thánh Lễ vì sống xa nhà thờ, hoặc vì bệnh tật ốm đau.
Mặt khác, tục lệ rước lễ thiêng liêng nhắc nhở chúng ta rằng việc rước Mình Thánh Chúa chỉ mang lại ơn ích nếu được di kèm với lòng khao khát ước mong. Ngoài mẫu kinh của Thánh Alphonsô Liguori, được trưng dẫn ở đầu, chúng ta cũng có thể đọc những kinh khác tương tự, chẳng hạn như: “Lạy linh hồn Chúa Kitô, xin thánh hóa con” quen được đọc hoặc hát sau khi rước lễ; hoặc thánh thi Adoro te devote, được dịch trong sách Mục lục của điạ phận Sài-gòn là “Tôi kính lạy Đức Chúa Giêsu, thật ẩn trong hình bánh rượu”. Dù sao các kinh đọc chỉ là phương tiện mà thôi; điều quan trọng là chính lòng kính mến của chúng ta đối với Chúa Giêsu, dưới sự thúc đẩy của Thánh Linh.
Liên quan đến việc rước lễ của các nhi đồng, điều 914 của bộ Giáo Luật đặt ra nhiều nghĩa vụ dành cho các thành phần khác nhau trong Giáo Hội: có nghĩa vụ dành cho phụ huynh; có nghĩa vụ dành cho cha sở. Có nghĩa vụ nhắm đến việc chuẩn bị giáo lý, có nghĩa vụ nhắm đến việc chuẩn bị bí tích, có nghĩa vụ dành việc canh chừng. Chúng ta sẽ lần lượt đi từng điểm một.
Câu hỏi này không đơn giản chút nào, bởi vì kỷ luật về việc cho các trẻ em được rước lễ đã thay đổi nhiều trải qua lịch sử.
Vào những thế kỷ đầu tiên, các trẻ em được rước lễ vào lúc được rửa tội. Kỷ luật này vẫn còn được duy trì bên các Giáo Hội Đông Phương, nơi mà cả ba bí tích khai tâm được trao ban một lúc: Rửa Tội - Thêm Sức - Thánh Thể, bất kể là người lớn hay thơ nhi.
Dĩ nhiên là cách thức trao bí tích có nhiều chi tiết khác biệt giữa người lớn và nhi đồng. Người lớn phải trải qua một thời gian huấn giáo lâu dài (quen gọi là dự tòng) trước khi lãnh bí tích; còn các em bé thì sẽ được học hỏi giáo lý khi nào khôn lớn. Dù sao, ở đây tôi không muốn đi sâu vào sự khác biệt về huấn giáo, nhưng chỉ muốn nêu bật sự khác biệt về cách thức nhận lãnh bí tích Thánh Thể.
Các em bé sẽ không lãnh Mình Thánh Chúa dưới hình bánh, bởi vì chưa có thể ăn uống gì được; nhưng linh mục chỉ nhúng ngón tay mình vào chén Máu Thánh rồi sau đó chấm vào lưỡi các em.
Cần lặp lại là bên Đông Phương (cách riêng là các Giáo Hội Chính Thống), các trẻ em vẫn còn lãnh ba bí tích khai tâm một lúc. Kỷ luật bên Tây Phương thì thay đổi khá nhiều, tuy khó xác định năm tháng. Người ta chỉ có phỏng đoán những hướng tiến triển như thế này.
Vào thời các giáo phụ, các trẻ em được rước lễ rất sớm, đặc biệt là những em sắp chết, bởi vì người ta dựa vào tư tưởng của Thánh Augustinô về sự cần thiết của bí tích Thánh Thể để được cứu rỗi dựa theo chú giải chặt chẽ đoạn Phúc Âm Thánh Gioan 6,54: “Ai ăn bánh này thì được sống muôn đời”.
Tuy nhiên từ thế kỷ XI, người ta thấy việc rước lễ bị giới hạn cho người lớn (kể cả cho các tu sĩ): họ không được rước Máu Thánh Chúa; họ không được lãnh Mình Thánh trên tay nhưng được đút thẳng vào miệng, và nhất là họ rất ít khi rước lễ. Như tôi đã có lần nói đến, Công Đồng Latêranô IV (năm 1215) đã đặt ra nghĩa vụ phải rước lễ ít là mỗi năm một lần, nhằm phản ứng lại não trạng đó.
Đối với Mình Thánh Chúa, người ta chủ trương phải cung kính thờ lạy từ xa xa, chứ không dám đến gần để nhận lãnh như lương thực tinh thần. Chính trong não trạng này mà việc trao Mình Thánh Chúa cho các trẻ em cũng bị ảnh hưởng. Trước kia, người ta chủ trương rằng bí tích này cần để được cứu rỗi (cũng tựa như bí tích Rửa Tội) và chỉ cần giữ linh hồn trong trắng là đủ để lãnh bí tích.
Trong bối cảnh của thế kỷ XI-XII, thì người ta đòi hỏi không những là linh hồn trong trắng mà còn phải có đức tin, lòng mến, và ý thức; có như thế bí tích mới phát sinh hoa trái cho người nhận lãnh. Vì thế, thật là dễ hiểu lý do hoãn lại việc trao Mình Thánh cho các em bé.
Vào thế kỷ XIII, nhiều công đồng địa phương đã ra quyết định cấm trao Mình Thánh cho các em. Quyết định ngăn cấm cũng kèm theo một nghĩa vụ mới, đó là buộc các em bé phải theo học lớp giáo lý thì mới được rước lễ.
Các sử gia nhận thấy trong vấn đề này có nhiều người bảo hoàng hơn nhà vua. Công Đồng Latêranô IV (năm 1215) chỉ đòi các em có tuổi khôn là có thể rước lễ; nhưng trên thực tế, người ta đòi tuổi cao hơn: từ 10, 12 và thậm chí 14 tuổi.
Vào thời cận đại, Thánh Anphongsô cho rằng tuổi để rước lễ vỡ lòng là trong khoảng từ 9 cho đến 14 tuổi. Như vậy ta thấy có sự co dãn khá lớn. Dù sao, nói chung trong những thế kỷ gần đây, tuổi để được rước lễ lần đầu là 12 tuổi.
Một điều đáng lưu ý là trong khi người ta tăng thêm tuổi để được rước lễ vỡ lòng, nhưng vẫn duy trì mức tuổi khôn trong việc xưng tội lần đầu. Chúng ta có thể lấy một thí dụ từ Thánh Têrêxa Lisieux thì đủ rõ.
Thánh nữ (sinh ngày 2/1/1873) đã xưng tội lần đầu vào muà đông năm 1879 (nghĩa là lúc sắp lên 7 tuổi), nhưng phải chờ đến ngày 8/5/1884 (11 năm 4 tháng) thì mới được rước lễ vỡ lòng. Lần rước lễ thứ hai diễn ra ngày 24/5 (hai tuần sau), và lần thứ ba ngày 14/6 trùng với ngày lãnh bí tích Thêm Sức.
Liên quan đến việc rước lễ, cần phải ghi nhận vài biện pháp của Tòa Thánh hồi đầu thế kỷ XX, làm thay đổi một não trạng kéo dài từ nhiều thế kỷ. Tôi muốn lưu ý cách riêng đến hai văn kiện được ban hành dưới thời ĐTC Piô X.
Văn kiện thứ nhất là nghị định Sacra Tridentina Synodus do bộ Công Đồng (nay là bộ Giáo sĩ) ban hành ngày 20/12/1905 khuyến khích việc rước lễ thường xuyên, kể cả rước lễ hàng ngày (chứ không chỉ một năm một lần đối với giáo dân, và một năm 14 lần đối với tu sĩ).
Văn kiện thứ hai là nghị định Quam singulari do bộ Bí Tích (nay là bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích) ban hành ngày 8/8/1910 về việc rước lễ vỡ lòng. Đúng ra, đối với vấn đề rước lễ vỡ lòng, văn kiện này không ra quyết nghị nào mới, mà chỉ lặp lại Công Đồng Latêranô IV (năm 1215) và Công Đồng Trentô (năm 1551), cho phép trẻ em được rước lễ khi đến tuổi khôn, chứ không nên kéo dài cho đến 12-14 tuổi.
"Tuổi khôn” là một từ ngữ khá co dãn. Các cháu của tôi ngày nay khôn hơn tôi khi ở cùng trạc tuổi, nếu hiểu về việc sử dụng các trò chơi điện tử (trong đó gồm cả việc sử dụng video và internet). Nhưng nếu bắt chúng cầm giấy bút để làm các bài tính cộng trừ nhân chia, thì chắc chắn là chúng chậm hơn tôi. Vì thế vấn đề “tuổi khôn” cần được xét theo từng lãnh vực cụ thể.
Chúng ta đang bàn đến việc rước Mình Thánh Chúa, vì thế tiêu chuẩn “tuổi khôn” được các nhà thần học cổ điển nêu ra như thế này: các em có phân biệt được bánh thánh thì khác với các thứ bánh kẹo hay không? Khi đi nhà thờ, các em có tin Chúa hiện diện cách đặc biệt, và vì thế có tỏ lòng cung kính khi tham dự Thánh Lễ không?
Cha mẹ và cha sở là những người gần gũi các em hơn cả, và những người có thẩm quyền hơn hết để thẩm định cho từng cá nhân. Có thể có em đã đạt được ý thức về bí tích từ 4-5 tuổi, nhưng cũng có thể là có em cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Bây giờ chúng ta trở lại với điều 914 của bộ Giáo Luật. Nhà lập pháp liệt kê những người có trách nhiệm chuẩn bị cho các em rước lễ theo thứ tự sau đây: cha mẹ hoặc những người thay quyền cha mẹ; rồi đến cha sở. Dĩ nhiên, việc phân phối trách nhiệm cũng bao hàm việc phân chia lãnh vực nữa.
Thường thì cha mẹ đến xin cha sở cho phép con em mình được rước lễ, sau khi đã đăng ký cho chúng theo học lớp giáo lý. Tuy nhiên, chúng ta đừng nên quên một bổn phận khác của cha mẹ, quan trọng hơn nhiều, đó là giáo dục lòng đạo đức cho con em mình, qua việc đọc kinh chung trong gia đình, qua việc đưa con em mình đi nhà thờ: đó là cách giáo dục đức tin cách thực tiễn hơn cả, và nếu thiếu sự giáo dục này trong gia đình thì các lớp học giáo lý chẳng ích lợi bao nhiêu.
Tôi nghĩ rằng cha sở ở Việt Nam đã có nhiều việc phải lo rồi, trong đó việc tổ chức các lớp giáo lý cho thiếu nhi là một gánh nặng đáng kể, vì thế tạm coi là đủ. Nhưng bên châu Âu, người ta đặt ra nhiều vấn đề mới, trong khuôn khổ đối thoại đại kết cũng như do ảnh hưởng của vài trào lưu tâm lý hiện đại.
Trong khuôn khổ đối thoại đại kết, cách riêng đối với các Giáo Hội Chính Thống, người ta muốn duy trì thứ tự cổ truyền của các bí tích khai tâm, đó là: “Rửa Tội - Thêm Sức - Thánh Thể”. Kỷ luật hiện hành trong Giáo Hội Công Giáo La Tinh là: “Rửa Tội - Rước Lễ - Thêm Sức”.
Nên biết là trước khi có nghị định 1905 dưới thời Đức Piô X, thì bên châu Âu, nhiều nơi duy trì được thứ tự cổ truyền, nghĩa là các thiếu nhi lãnh bí tích Thêm Sức (7-8 tuổi) trước khi rước lễ lần đầu (12 tuổi). Với việc hạ tuổi rước lễ lần đầu xuống, người ta thấy khuynh hướng muốn tăng tuổi thêm sức lên.
Một lý do khá thực tiễn để tăng tuổi lãnh bí tích Thêm Sức là để cho các thiếu nhi chịu khó theo học các lớp giáo lý hơn. Nhưng có nơi thì lại muốn trở về với thời Trung Cổ, nghĩa là kéo dài tuổi rước lễ lần đầu, ngõ hầu tôn trọng thứ tự các bí tích khai tâm.
Số 914 của bộ Giáo Luật nhấn mạnh rằng trước khi lãnh bí tích Thánh Thể, các nhi đồng cần phải đi xưng tội. Như chị đã biết, bí tích thống hối không nằm trong tiến trình khai tâm. Vì thế trong khung cảnh đối thoại đại kết, người ta muốn bỏ ra ngoài.
Đàng khác, vài người cho rằng các em bé chưa thể phạm tội trọng được, vì thế không cần buộc các em phải đi xưng tội trước khi rước lễ vỡ lòng.
Từ thập niên 70, đã có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà luân lý và các nhà sư phạm: phải chăng các nhi đồng không thể phạm tội trọng được? Có nên gây ý thức cho các em về tội lỗi trong các lớp giáo lý hay không? Đây là những câu hỏi rất tế nhị, mà tôi không thể đi sâu trong bài hôm nay.
Tục lệ rước lễ bao đồng không được phổ cập cho lắm, và nhiều giáo phận ở Việt Nam không hề nghe nói tới. Tôi đã tra cứu nhiều từ điển cũ mới, và không thấy từ “bao đồng”. Không biết ai đã tạo ra từ đó. Nguyên gốc của nó trong tiếng Pháp là “communion solennelle”, dịch nôm na là “rước lễ trọng thể”.
Thế nào là rước lễ trọng thể? Ở Việt Nam, nơi nào có tục lệ rước lễ bao đồng (hay rước lễ trọng thể), thì người ta hiểu nó như là đối lại với “rước lễ lần đầu” (còn gọi là rước lễ vỡ lòng).
Tại sao có sự đối chọi đó? Nguồn gốc từ đâu? Dĩ nhiên, không nói ai cũng biết là nguồn gốc của nó không phát xuất từ Việt Nam, bởi vì lịch sử Kitô Giáo tại đây chưa quá 4 thế kỷ. Chúng ta phải truy tầm tục lệ này từ các nước châu Âu, và từ đó các nhà truyền giáo đã du nhập vào Việt Nam.
Nói cách chính xác hơn: nó bắt nguồn từ bên Pháp, vì vậy mà các giáo phận nào do các cha truyền giáo Tây Ban Nha phụ trách sẽ không biết tục lệ này.
Tại sao mà gọi là “rước lễ trọng thể”? Theo vài nhà sử học, từ ngữ này ra đời vào thế kỷ XVII, do các cha dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô. Các cha muốn gây ý thức cho các bậc phụ huynh trong việc chuẩn bị con em của mình rước lễ, vì thế các cha đã tổ chức những nghi lễ long trọng. Lúc đầu thì cho các em cầm nến, rồi dần dần, cho các em đội triều thiên, và nhất là các em gái thì mặc đồ trắng toát, giống như cô dâu ngày lễ cưới.
Điều quan trọng cần ghi nhận là việc rước lễ trọng thể được hiểu là các chi tiết làm tăng thêm phần long trọng cho các em rước lễ lần đầu. Vào thời ấy, tuổi tối thiểu để rước lễ lần đầu là 12 tuổi.
Sang đầu thế kỷ XX, với sắc lệnh Quam singulari (8/8/1910), ĐTC Piô X giảm tuổi rước lễ lần đầu xuống vào khoảng 7 tuổi. Từ đó, người ta mới tách ra hai cơ hội. Trước tiên là rước lễ lần đầu, vào khoảng 6-7 tuổi. Dĩ nhiên là các em phải theo học lớp giáo lý để rước lễ lần đầu. Tiếp đó, các em còn theo học lớp giáo lý để lãnh bí tích Thêm Sức, vào khoảng 8-10 tuổi. Tiếc rằng, sau đó, các em không bao giờ trở lại nhà thờ nữa, trừ một lần vào dịp cưới và một lần chót khi nằm trong quan tài để cho người ta khiêng tới làm lễ an táng.
Nhằm giúp cho các thanh thiếu niên có dịp đào sâu thêm căn bản giáo lý, các nhà phụ trách mục vụ đã mang cho việc rước lễ bao đồng một ý nghĩa mới. Sau khi đã lãnh bí tích Thêm Sức rồi, các thiếu nhi tiếp tục theo các lớp giáo lý để chuẩn bị rước lễ bao đồng, vào khoảng 12 tuổi.
Tính cách trọng thể của lễ nghi này nằm ở chỗ các em sẽ cầm đèn trên tay, lặp lại các lời hứa khi lãnh bí tích Rửa Tội. Nói đúng ra, khi lãnh bí tích Rửa Tội, các em chỉ biết khóc oe oe. Các cha mẹ hay người đỡ đầu đã đọc lời tuyên xưng đức tin thay cho các em. Bây giờ các em đã lớn, các em có thể đích thân lặp lại các lời tuyên xưng đó. Như vậy, ngày rước lễ bao đồng mang tính cách dấn thân, sẵn sàng làm chứng nhân cho Đức Kitô. Đó là quan niệm mục vụ của thời kỳ trước Công Đồng Vaticanô II.
Như đã nói trên đây, tục lệ rước lễ trọng thể không được phổ cập cho lắm, và thường hạn hẹp vào những vùng nói tiếng Pháp. Sau Công Đồng Vaticanô II, với việc duyệt lại các sách Phụng Vụ cũng như các phương pháp sư phạm huấn giáo, nhiều nơi đã đặt lại vấn đề rước lễ bao đồng.
Trong nghi thức cử hành bí tích Thêm Sức, có phần lặp lại các lời hứa khi lãnh bí tích Rửa Tội. Vì thế không có lý gì mà phải lặp lại một lần nữa trong lễ nghi rước lễ bao đồng. Bởi vậy, khuynh hướng là sát nhập giáo lý rước lễ bao đồng vào giáo lý thêm sức: cả hai muốn giúp cho các thanh thiếu niên được trưởng thành hơn trong đức tin, ý thức về ơn gọi Kitô Hữu làm chứng tá cho Tin Mừng. Trong viễn ảnh đó, nhiều nơi đã nâng tuổi để lãnh bí tích Thêm Sức lên tới 10, 12, 14 tuổi, nếu chưa nói là cao hơn. Dĩ nhiên, ở đâu mà không có tục lệ rước lễ bao đồng thì người ta không đặt ra vấn đề vừa nói, và cũng không thấy cần phải du nhập tục lệ này.
Chúng ta đừng nên quên rằng nhiều thuật ngữ sử dụng trong thần học, Giáo Luật và phụng vu, được dịch từ tiếng La Tinh hay Hy Lạp, và những lần thiếu chính xác không phải là ít. Có lẽ thuật ngữ “của ăn đàng” hơi xa lạ đối với ngôn ngữ Việt Nam, và không gợi lên một ý tưởng nào trong đầu óc người nghe. Đây là một từ dịch bởi tiếng La Tinh viaticum và xa hơn nữa, gốc bởi tiếng Hy Lạp hodoiporion và ephodion.
Các từ ngữ này lúc đầu ám chỉ một bữa tiệc từ giã bạn hữu trước khi lên đường, và sau đó cũng bao gồm hành lý mang theo khi đi đường (tiền bạc, lương thực, áo quần). Trong tiếng La Tinh, viaticus lúc đầu được dùng như tính từ (cái gì liên quan đến đường đi, chẳng hạn như coena viatica: bữa tiệc đưa chân), dần dần biến thành danh từ viaticum để ám chỉ hành lý đi đường. Phụng vụ du nhập từ ngữ này để ám chỉ hành trang của người tín hữu khi bước sang thế giới bên kia.
Chắc chị đã biết, nhiều tôn giáo quan niệm rằng con người vẫn tiếp tục cuộc sống bên kia thế giới. Vì thế khi an táng, người ta đặt tiền bạc, đồ trang sức trong hòm, đó là chưa kể có nơi người ta chôn sống cả bà vợ nữa! Đặc biệt một nghi thức mang nhiều ý nghĩa là đút vào miệng người chết một nhúm gạo, để họ ngậm nhai lúc lên đường sang bên kia thế giới. Có lẽ những khái niệm đó sẽ giúp ta hiểu rõ hơn những nghi thức phụng vụ Kitô Giáo liên quan đến hành trang dành cho người tín hữu sắp lên đường.
Kitô Giáo tin rằng cuộc sống vẫn tiếp tục ở thế giới bên kia, nhưng cuộc sống đó khác với cuộc sống bên này. Cuộc sống bên kia thế giới cốt ở sự sống với Chúa, sự sống thân mật với Thiên Chúa Ba Ngôi và cộng đoàn các thánh. Vì thế không cần phải chất đầy hòm với áo quần, tiền bạc, lương thực làm chi. Người tín hữu chỉ cần mang theo mình hành trang cần thiết nhất, đó là đức mến.
Nãy giờ chúng ta dùng những hình ảnh để so sánh quan niệm của Kitô Giáo với các tôn giáo khác về cuộc sống ở thế giới bên kia. Bây giờ chúng ta trở lại với truyền thống phụng vụ Kitô Giáo.
Đừng kể những nghi thức an táng dành cho những người đã chết, phụng vụ còn có những nghi thức dành cho các tín hữu trong giai đoạn lâm tử. Chính trong bối cảnh này mà chúng ta nói đến “của ăn đàng”. Như đã nói, từ này dịch bởi tiếng La Tinh viaticum, mà nguyên ngữ có nghĩa là bữa tiệc từ gĩa trước khi lên đường, hoặc hành trang dành cho người đi đường. Theo nghĩa chặt, “của ăn đàng” ám chỉ bí tích Thánh Thể, bánh ban sự sống trường sinh; nhưng theo nghĩa rộng, các giáo phụ còn bao hàm nhiều bí tích khác nữa.
Đứng đầu là bí tích Rửa Tội. Vào thời các giáo phụ, nhiều người chần chừ lãnh bí tích Rửa Tội vì sợ không đủ sức tuân giữ các điều cam kết, cho nên họ trì hoãn cho đến lúc gần chết.
Nói chung, con số những người này không phải là nhiều. Trải qua các thế kỷ về sau, những bí tích dành cho người sắp chết là: “thống hối (giải tội), xức dầu bệnh nhân, Mình Thánh Chúa”. Tập tục này vẫn được duy trì đến ngày nay, tuy dù thứ tự có thay đổi.
Cho đến Công Đồng Vaticanô II, thứ tự các bí tích cuối đời là: “thống hối, Mình Thánh Chúa, xức dầu”; nhưng sách Nghi Thức ban hành sau công đồng đã xếp đặt lại thứ tự như sau: “thống hối, xức dầu, Mình Thánh Chúa”. Bí tích cuối cùng của người tín hữu trước khi lìa đời là Thánh Thể, chứ không phải là xức dầu.
Bởi vì có sự thay đổi ý nghĩa thần học bí tích. Bí tích Xức Dầu đã được đổi tên gọi, không còn mang tên là “xức dầu lần chót” (extrema unctio) như trước đây, mà là “xức dầu bệnh nhân” (unctio infirmorum). Do đó bí tích này không dành cho những người sắp chết, nhưng dành cho các người bệnh nặng, để xin Chúa ban sức mạnh tinh thần và thể lý giúp họ biết kết hiệp với cuộc khổ nạn của Đức Kitô, và nếu Chúa muốn thì cũng xin cho họ được lành bệnh. Còn bí tích cuối cùng trên đời là bí tích Thánh Thể, được gọi là “của ăn đàng”.
Đúng thế, người tín hữu rước lễ nhiều lần trên đời, chứ không phải chỉ một lần lúc sắp chết. Tuy vậy, chúng ta thấy Giáo Luật và phụng vụ cũng muốn nêu bật vài sự khác biệt nho nhỏ giữa việc rước lễ thường xuyên và việc rước lễ như của ăn đàng.
Trước tiên, về Giáo Luật. Bộ Giáo Luật đã dành ra 3 số để nói về việc trao Mình Thánh như của ăn đàng. Số 921 ra một nguyên tắc căn bản như sau: “Các Kitô Hữu lâm cơn nguy tử, dù vì bất cứ lý do nào, cần được bổ dưỡng, bằng việc rước lễ như của ăn đàng. Cho dù ngày ấy họ đã rước lễ rồi, cũng rất nên cho họ rước lễ lần nữa nếu mạng sống họ bị lâm nguy. Bao lâu cơn nguy tử kéo dài, nên cho họ rước lễ nhiều lần, vào những ngày khác nhau”.
Như vậy, xét về khái niệm, nhà lập pháp phân biệt việc rước lễ như của ăn đàng với những lần rước lễ khác, đến nỗi dầu ngày hôm đó đã rước lễ rồi, nhưng nếu gặp cơn nguy tử thì vẫn được rước lễ lần nữa.
Mặt khác, nói như thế không có nghĩa là một khi đã lãnh của ăn đàng rồi, thì tuyệt nhiên chấm dứt đời sống bí tích trên đời này. Không phải thế; nếu bệnh nhân còn sống lâu ngày, thì vẫn được tiếp tục lãnh bí tích. Dù sao, thiết tưởng điều 922 tiếp theo cũng chứa đựng một ý nghĩa mục vụ nữa, đó là: nên cho bệnh nhân lãnh nhận của ăn đàng khi còn tỉnh trí. Điều này giả thiết rằng người bệnh nhân lãnh nhận Thánh Thể như là tiếp rước Thiên Chúa với tất cả lòng yêu mến kính tin, chứ không phải chỉ như uống một viên thuốc an thần. Điều 911 quy định về nghĩa vụ mang của ăn đàng cho bệnh nhân. Nghĩa vụ này ràng buộc các linh mục có trách nhiệm mục tử: cha sở, các cha phó xứ, các tuyên uý, các cha bề trên dòng giáo sĩ.
Từ Công Đồng Vaticanô II, phụng vụ khuyến khích các tín hữu hãy rước lễ trong Thánh Lễ, nhằm nối kết việc hiệp lễ với tất cả các khía cạnh chúc tụng, tạ ơn, dâng hiến gói ghém trong bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, nếu người tín hữu không thể tham dự Thánh Lễ được thì vẫn có thể rước lễ ngoài Thánh Lễ, cách riêng là các bệnh nhân.
Từ năm 1973, Tòa Thánh cho phép các Bản quyền sở tại uỷ thác cho các giáo dân được mang Mình Thánh Chúa cho các người bệnh nhân. Điều này được lặp lại trong số 910 của bộ Giáo Luật.
Nghi thức trao Mình Thánh ngoài Thánh Lễ, sau những lời chào thăm và thú lỗi, gồm phần đọc Lời Chúa, Kinh Lạy Cha, và rước lễ. Nếu là nghi thức trao Mình Thánh như của ăn đàng, thì có thêm vài chi tiết khác.
Trước hết là trong lời chào thăm mở đầu, tác viên dẫn nhập như sau: “Anh chị em thân mến, trước khi rời bỏ đời này để trở về với Đức Chúa Cha, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta bí tích Mình và Máu Thánh của Người. Trong giờ phút chúng ta rời bỏ đời này để về với Chúa, chúng ta nhận lãnh bí tích này như của ăn đàng cho sự sống vĩnh cửu và bảo chứng cho sự phục sinh. Hiệp nhất trong lòng mến Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện cho người anh (chị) em của chúng ta”.
Kế đó là lời thú tội và xá giải. Tiếp đến là nghe đọc Lời Chúa, và kèm theo việc tuyên xưng đức tin, dựa theo mẫu thức hỏi và đáp như chúng ta vẫn thực hiện vào đêm Vọng Phục Sinh. Việc lặp lại lời tuyên xưng đức tin vào lúc này có thể giải thích như là tái khẳng định lòng gắn bó với Thiên Chúa Ba Ngôi lúc lãnh bí tích Rửa Tội, và đồng thời cũng nêu bật chiều kích Vượt Qua của đời sống người Kitô Hữu, nghĩa là trót cuộc đời của họ là một cuộc liên kết với cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô.
Một chi tiết khác của nghi thức trao Mình Thánh Chúa lần cuối là công thức của tác viên. Thường thì tác viên giơ cao Bánh Thánh lên và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”, và tín hữu đáp lại: “Amen” (nghĩa là: đúng vậy). Khi trao của ăn đàng, thì tác viên nói tiếp theo lời Amen: “Xin Người giữ gìn bạn và dẫn đưa đến cuộc sống muôn đời”, và bệnh nhân đáp: “Amen”.
Đúng thế. Như đã nói ở đầu, viaticum có nghĩa là bữa tiệc tiễn đưa người thân lên đường và cũng là hành trang mang theo khi đi đường. Đối với tín hữu, bữa tiệc và lương thực là Mình Thánh Chúa Giêsu, như chính Người đã hứa: “Thịt Ta thật là của ăn. Máu Ta thật là thức uống. Ai ăn bánh này thì sẽ được sống muôn đời”.
Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, hiểu như vậy thì mới chỉ đúng 50 phần trăm. Còn thiếu 50 phần trăm nữa, đó là chúng ta đừng quên rằng bí tích Thánh Thể không chỉ gồm một tấm bánh thiêng ban sức mạnh cho linh hồn, nhưng tiên vàn là chính Chúa Kitô.
Trong bí tích này, chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô, đấng đã Nhập Thể, đã chết, đã sống lại, và đồng hành với chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin. Chúng ta tin rằng Người hiện diện với chúng ta trong suốt cuộc đời, tuy chúng ta không trông thấy Người. Bây giờ, trước khi nhắm mắt lià đời, chúng ta lãnh nhận bí tích một lần cuối cùng, tiếp đón Người như kẻ đồng hành, và xin Người dẫn đưa chúng ta về nhà Cha, hay nói đúng hơn, xin Người hãy vén màn lên để chúng ta được diễm phúc chiêm ngắm Người nhãn tiền, diện đối diện.
Khi nhắm mắt lìa đời, bệnh nhân có cảm giác bị hết mọi người bỏ rơi. Nhưng đức tin dạy cho chúng ta biết rằng mình không bị bỏ rơi, bởi vì Chúa Kitô đồng hành với chúng ta. Hơn nữa, Người còn bảo đảm cho chúng ta được sống lại với Người.