Trong tiếng Hán-Việt, tiếng “chầu” có thể dùng như danh từ hay động từ. Dùng như danh từ, “chầu” ám chỉ một khoảng thời gian (một “buổi”, một “phiên”, một “hồi”), tựa như một chầu hát, một chầu xinê, và đôi khi còn là bữa ăn (thí dụ: đãi một chầu bia). Dùng như động từ, chầu được dùng cách trịnh trọng trong ngôn ngữ cung đình, để ám chỉ cuộc viếng thăm của người dưới đối với người trên (chẳng hạn như: đi chầu vua).
Tôi nghĩ rằng khi nói đi “chầu Mình Thánh Chúa” thì chúng ta hiểu theo nghĩa này, tức là một cuộc viếng thăm với lòng cung kính. Tuy nhiên, nếu muốn hiểu rõ ý nghĩa hơn, chúng ta cần phải trở về với lịch sử, bắt nguồn từ tiếng Pháp, “salut du Saint Sacrement”, mà ta có thể dịch nôm na là “chào Mình Thánh Chúa”.
Theo một vài sử gia, nguồn gốc của tục lệ “chào Mình Thánh Chúa” hơi vòng vèo một chút. Nó bắt nguồn từ tục lệ “Chào Đức Mẹ”, rồi sau đó mới kéo dài ra tục “Chào Mình Thánh Chúa”. Dĩ nhiên, ở đây tiếng “chào” mang tính cách hơi chuyên môn, chứ không phải chỉ là chào hỏi khi gặp nhau ngoài đường.
Từ thế kỷ XIII, các giờ kinh phụng vụ kết thúc với bài hát “Salve Regina” (trước đây dịch ra sang tiếng Việt là kinh “Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành”; còn bản dịch hiện đại của Sách Các Giờ kinh Phụng vụ là “Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương”), ở giờ Kinh Tối.
Trong suốt ngày, các tín hữu mắc bận công chuyện làm ăn, cho nên không thể tham dự các giờ kinh nguyện được. Một cơ hội thuận tiện để đến nhà thờ là lúc chiều tối, khi hát kinh Salve Regina, đặc biệt là từ khi các tu viện dòng Đaminh, được cất ở giữa thành phố chứ không phải trên núi non như các đan viện cổ thời.
Các tu sĩ dòng Đaminh có thói quen đi rước từ cung nguyện ra thánh đường đang khi hát kinh Salve Regina, và mở cửa cho các tín hữu đến tham dự. Tập tục này bành trướng mau lẹ, đến nỗi các vua chúa (tựa như vua thánh Louis) cũng thu xếp đến nhà thờ hát kinh chào Đức Mẹ.
Bài ca này bắt đầu bằng lời “Salve Regina” (tiếng Pháp là “Salut”), với nội dung không phải chỉ là một lời chào hỏi mà còn là một lời cầu khẩn: trước khi lên giường ngủ, người tín hữu muốn ký thác cuộc đời cho Đức Mẹ, và ước mong rằng khi nhắm mắt lìa đời, họ sẽ được Mẹ trỏ Chúa Giêsu cho mình, nghĩa là được dẫn vào thiên đàng.
Vào thời Trung Cổ, lòng sùng kính của các tín hữu đối với Đức Mẹ được biểu lộ qua việc đến tham gia kinh nguyện với các tu sĩ để hát kinh Salve Regina (Kính Chào Nữ Vương). Đồng thời cũng có một phong trào thích nhìn ngắm Mình Thánh Chúa sau khi linh mục đọc lời truyền phép. Các nhà thờ giật chuông vào lúc linh mục nâng cao Mình Thánh và Máu Thánh. Các tín hữu tuốn đến nhà thờ để thờ lạy Mình Thánh Chúa.
Trong bối cảnh ấy mà nhiều thánh thi được sáng tác, bắt đầu bằng các lời chào Ave salus mundi, Ave verum Corpus (Kính chào ơn cứu độ thế gian, Kính chào Thánh Thể sinh bởi lòng Đức Trinh nữ Maria). Tuy nhiên, xét vì không thể nào kéo dài lâu việc dâng cao Mình Thánh Chúa trong Thánh Lễ được, cho nên người ta mới tổ chức những buổi cầu nguyện khác, mà mục đích là để ngắm nhìn và thờ lạy Mình Thánh Chúa.
Những cuộc chào kính Mình Thánh Chúa được bành trướng cách riêng sau khi thiết lập Lễ kính Mình Thánh Chúa, với nhiều thánh thi và thánh ca do Thánh Tôma Aquinô đã soạn, tựa như “Lauda Sion Salvatorem” “Pange lingua gloriosi” “Adoro te”.
Cả hai việc sùng kính xuất hiện hầu như đồng thời, và phát triển song hành. Như đã nói, việc chào Đức Mẹ bắt đầu từ một thánh ca kết thúc các giờ kinh nguyện phụng vụ trong ngày. Thế nhưng, dần dần nhiều nơi, người ta tổ chức hát kinh chào Đức Mẹ vào ban chiều, cắt đứt khỏi các giờ kinh nguyện khác.
Một cách tương tự như vậy, việc chào Mình Thánh Chúa bắt nguồn từ việc nhìn ngắm Mình Thánh Chúa vào lúc truyền phép trong Thánh Lễ; nhưng dần dần được tách rời khỏi Thánh Lễ, thành một hành vi phụng tự riêng.
Đến một chặng kế tiếp, từ thế kỷ XVI, thì việc chào Đức Mẹ và chào Mình Thánh được chắp nối với nhau, do sáng kiến của các hội đoàn giáo dân. Có nơi thì cử hành việc chào Đức Mẹ vào các ngày trong tuần, và chào Mình Thánh vào Chúa Nhật. Có nơi thì gom lại chung với nhau. Có nơi thì kết nạp cả hai với giờ kinh Chiều. Đó là nguồn gốc tục lệ chầu Mình Thánh Chúa vào các chiều Chúa Nhật hoặc các buổi chiều trong tuần (khi mà chưa có Thánh Lễ ban chiều). Các buổi chầu Mình Thánh kết thúc với việc ban phép lành với Mình Thánh Chúa, và bài ca kính Đức Mẹ.
Với đà tiến triển của lòng sùng kính đối với bí tích Thánh Thể, việc chầu Mình Thánh Chúa tăng gia về thời gian cũng như về thể thức. Một hình thức còn duy trì đến ngày nay là việc chầu Mình Thánh Chúa được cất giữ tại bàn thờ đặc biệt từ Thánh Lễ thứ Năm tuần thánh cho đến phụng vụ suy tôn Thánh Giá ngày thứ Sáu Tuần Thánh.
Vào lúc đầu, các bánh thánh được cất giữ trong một nhà tạm vì lý do thực tiễn: trong Thánh Lễ thứ Năm tuần thánh, người ta phải dự trù thêm số bánh thánh đủ dùng vào việc rước lễ vào ngày hôm sau nữa, bởi vì không có Thánh Lễ vào thứ Sáu Tuần Thánh.
Dần dần, lòng đạo đức bình dân phát triển thành việc “làm Giờ thánh”, nghĩa là tháp tùng Chúa Giêsu vào vườn Cây Dầu để cầu nguyện, và thậm chí còn kéo dài sang việc suy gẫm cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu cho đến lúc chết trên thập giá. Vì thế việc chầu Mình Thánh Chúa không chỉ giới hạn vào sự thờ lạy Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích này, mà còn kèm theo ý nghĩa chia sẻ cuộc Tử Nạn.
Như đã nói, tục lệ này vẫn còn được duy trì tại nhiều nơi, từ tối thứ Năm cho đến chiều thứ Sáu Tuần Thánh, trong khoảng thời gian 24 giờ đồng hồ. Dĩ nhiên là không ai có sức canh thức chầu Mình Thánh trong suốt 24 giờ, vì thế các cộng đoàn giáo xứ hay tu viện chia ra từng tốp, hay nhóm thay phiên nhau để chầu Mình Thánh.
Tục lệ chầu Mình Thánh 40 giờ kéo dài thời gian của thứ Năm Tuần thánh. Như vừa nói, thời gian chầu Mình Thánh bắt đầu từ sau Thánh Lễ tối thứ Năm và kết thúc vào chiều thứ Sáu.
Vào thế kỷ XVI, do sự thúc đẩy của Thánh Carôlô Borrômêô, tổng giám mục Milanô bên Italia, một tục lệ khác thành hình, đó là chầu Mình Thánh Chúa 40 giờ. Tại sao 40 giờ? Tại vì người ta muốn đi theo Chúa Giêsu từ khi được an táng trong mồ cho đến lúc Phục Sinh.
Tuy nhiên việc chầu 40 giờ không gắn liền với Tuần Thánh nhưng có thể được tổ chức vào bất cứ lúc nào trong năm.
“Chầu lượt” có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Có thể hiểu theo nghĩa là phân chia các tốp hoặc nhóm thay phiên (hoặc lần lượt, sỉ lượt) nhau chầu Mình Thánh; điều này cần thiết khi trưng bày Mình Thánh Chúa lâu giờ (hoặc 24 giờ hay 40 giờ).
Một nghĩa khác nữa là tổ chức các nhóm, hoặc tu viện hoặc giáo xứ, tuy sống cách xa nhau, nhưng họp thành một dây chuyền để chầu Mình Thánh Chúa. Sáng kiến này đã có từ năm 1592, dưới thời ĐTC Clêmentê VIII, với sắc chiếu Graves et diuturnae, tổ chức các buổi chầu Mình Thánh 40 giờ nối dài từ nhà thờ này sang nhà thờ khác.
Nên biết là vào thời đó, nhiều Dòng tu cũng du nhập tập tục chầu Mình Thánh liên tục 24 giờ mỗi ngày, và bố trí sao cho ít là có 1 hoặc 2 thành viên luôn luôn chầu Mình Thánh Chúa. Điều này giả thiết là cộng đoàn có khá đông tu sĩ. Trước đây người ta không thấy khó khăn lắm để thực hiện, nhưng ngày nay với số ơn gọi giảm sút, ít Dòng tu dám bảo đảm chầu Mình Thánh liên tục 24 giờ trên 24.
Điều này cũng xảy ra cách tương tự cho các giáo xứ. Trước đây các phiên chầu lượt kéo dài 24 giờ (hoặc hơn nữa) trước khi chuyển sang cho giáo xứ khác. Nhưng ngày nay thì nhiều giáo xứ chỉ dám bảo đảm chầu Mình Thánh vào ngày Chúa Nhật, lễ trọng, chứ vào những ngày trong tuần thì đóng cửa bởi vì người ta bận công ăn việc làm.
Mặt khác, dù khi nhận phiên chầu lượt, mỗi giáo xứ cũng chỉ bảo đảm hơn kém 12 giờ đồng hồ, chứ không trọn ngày. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng nên quên rằng sự chầu Mình Thánh liên tục không chỉ được thực hiện trong khuôn khổ của một cộng đoàn tu sĩ hay một giáo phận, nhưng còn kéo dài ra hoàn cầu, nhờ sự nối mạng với đền thờ Montmartre kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, ở ngoại ô thành phố Paris bên Pháp.
Đành rằng động từ “nối mạng” mới ra đời với kỷ nguyên Internet, nhưng từ năm 1885, ý chỉ này đã nảy sinh, đó là thực hiện việc chầu Mình Thánh Chúa thường trực tại đền thờ này, nhưng đồng thời cũng liên kết với các thánh đường trên thế giới đang chầu Mình Thánh Chúa.
Vì thế tuy rằng tại địa phương không thể có sự thờ lạy liên tục được, nhưng qua sự kết hiệp với đền thánh Montmartre, mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương có thể khẳng định rằng mình đang tham gia vào một phiên, một lượt chầu Mình Thánh Chúa liên lỉ.
Nhiều điều thay đổi trong phụng vụ sau Công Đồng Vaticanô II xem ra mới mẻ và táo bạo nhưng thực sự rất là cổ xưa. Thí dụ như việc cử hành phụng vụ bằng tiếng bản quốc đã có ngay từ ban đầu, chứ không phải là mới lạ.
Trong bữa Tiệc ly, khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu không dùng tiếng La Tinh nhưng dùng tiếng bản xứ Aramaic. Trong các thế kỷ đầu tiên, ngay tại thủ đô Rôma, phụng vụ được cử hành bằng tiếng Hy Lạp chứ không phải bằng tiếng La Tinh.
Việc trao Mình Thánh Chúa vào tay thay vì vào lưỡi của các tín hữu cũng như vậy. Thoạt tiên xem ra là một cuộc cách mạng của những năm sau công đồng, nhưng kỳ thực nó đã có từ lâu đời rồi. Vì vậy, đây không phải là điều canh tân cho bằng khôi phục. Chúng ta hãy đi lùi lại lịch sử thì sẽ thấy.
Có thể chắc tới 90 phần trăm là trong bữa tiệc ly, các thánh tông đồ đã rước lễ trên tay. Tôi chỉ nói tới 90 phần trăm chứ không dám chắc 100 phần trăm, bởi vì các trình thuật về việc thiết lập bí tích Thánh Thể mà chúng ta đọc trong Phúc Âm nhất lãm và ở chương 11 của thư thứ nhất gửi Côrintô không còn phải là những ký sự tường thuật theo lối văn lịch sử nữa nhưng là những truyền thống cử hành phụng vụ.
Nói cách khác, theo các nhà chú giải Kinh Thánh, các thánh sử không phải là những ký giả muốn tường thuật tỉ mỉ chi tiết buổi thiết lập bí tích Thánh Thể, cho bằng là những chứng nhân của những buổi cử hành bí tích này tại các cộng đoàn Kitô Hữu tiên khởi.
Dù sao đi nữa, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể trong khung cảnh của một bữa tiệc thánh, tức là bữa tiệc mà người Do Thái cử hành lễ Vượt Qua. Các tông đồ ngồi quanh bàn ăn, chuyền cho nhau tấm bánh và chén rượu chúc tụng.
Các thế hệ Kitô Hữu đầu tiên cử hành Thánh Thể trong khung cảnh của bữa tiệc Agapê, theo kiểu của cộng đoàn Côrintô mà chúng ta có thể đọc thấy ở chương 11 của thư thứ 1 Thánh Phaolô gửi cho họ. Cũng qua bản văn đó mà ta thấy có những lạm dụng cần phải bài trừ.
Đối với Thánh Phaolô, gương mù nặng nề hơn cả không phải ở tại chỗ chè chén say sưa khiến cho các tín hữu không còn phân biệt giữa tiệc thánh với tiệc phàm, nhưng ở chỗ lỗi đức bái ái thương yêu. Lý do là tại vì khi đi dự tiệc, người giàu mang theo đồ ăn cao lương mỹ vị và chỉ chung bàn với những ai cùng giai cấp với mình, chứ chẳng màng tới sự chia sẻ với người nghèo. Thế thì còn đâu là bữa tiệc Agapê nữa?
Có lẽ tại vì những lạm dụng đáng tiếc như vậy, cho nên dần dần việc cử hành Thánh Thể được tách rời hoàn toàn ra khỏi bữa tiệc Agapê. Dĩ nhiên, bao lâu mà Thánh Thể được cử hành trong khung cảnh của bữa tiệc thì chuyện rước lễ trong tay hay trên lưỡi không được đặt ra.
Thế khi Thánh Thể đã được tách rời ra khỏi bàn tiệc thì sao? Các sử gia cho rằng các tín hữu vẫn còn tiếp tục lãnh bánh thánh trên tay. Nói đúng ra, những chứng tích của các thế kỷ đầu tiên không có nhiều cho lắm. Chúng ta có thể đan cử một đoạn trích từ tác phẩm De idolatria (cap.6) của văn hào Tertullianô (cuối thế kỷ II sang đầu thế kỷ III). Ông Tertullianô vốn có tiếng là nghiêm khắc, và ông đòi chặt tay những tín hữu nào sau khi đã chạm tới Mình Thánh Chúa mà còn đi dâng hương tế thần. Chắc là chị không đồng ý với Tertullianô về hình phạt này; nhưng ít là qua đó chúng ta thấy rằng các tín hữu thời đó đã rước Mình Thánh Chúa trong tay.
Nếu chỉ dừng lại ở chặng này mà thôi thì quả đúng như vậy. Nhưng nếu ta đặt nó trong bối cảnh lịch sử rộng hơn thì phải kết luận ngược lại.
Như đã nói ở đầu, bởi vì từ thời các thánh tông đồ, việc rước lễ trong tay rất thường, cho nên không cần phải nói dài dòng làm chi. Có lẽ đó là lý do vì sao mà có ít bút tích. Đặc biệt là sang thế kỷ IV và V, nghĩa là sau khi đã chấm dứt thời kỳ bắt đạo và công việc tổ chức đời sống đạo được dễ dàng hơn, thì ta thấy có rất nhiều chứng tích về việc rước lễ trong tay. Phần lớn những tài liệu này nằm trong các sách huấn giáo dành cho các dự tòng hay cho các tân tòng.
Các giáo phụ dạy cho họ biết cách thức tham dự vào phụng vụ, và giải thích ý nghĩa của các lễ nghi cử điệu. Chúng ta hãy nghe một đoạn văn trích từ sách huấn giáo của thánh Cyrillô ở Giêrusalem (315-386), viết vào thế kỷ IV. Người viết như sau:
Khi tiến gần tới bàn thánh, bạn đừng xòe tay ra trước mặt, nhưng bạn hãy dùng bàn tay trái làm ngai cho bàn tay phải để đón rước Đức Vua. Bạn hãy lãnh Mình Thánh Chúa trong lòng bàn tay, và đáp: “Amen”. Sau khi đã chăm chú thánh hóa cặp mắt của bạn bằng việc tiếp xúc với Mình Thánh Chúa, bạn hãy chịu lấy Thánh thể, và cẩn thận đừng để rơi rớt gì hết, bởi vì nếu mất tí nào thì như thể là bạn bị chặt mất phần thân thể của mình vậy. Giả như có ai biếu bạn một tí bụi vàng, hẳn là bạn sẽ giữ gìn hết sức để khỏi bị hư hao thiệt thòi. Thế thì sao bạn lại chẳng cẩn thận hơn nữa để khỏi rơi rớt mảnh vụn của kho tàng quý báu hơn vàng bạc trân châu gấp trăm lần ư?
Qua đoạn văn đó, không những chúng ta thấy chứng tích của một tục lệ rước lễ trong tay, mà còn cả chứng tích về tâm tình tôn kính đối với Mình Thánh Chúa. Thánh Cyrillô lưu ý đến lòng tin yêu sốt sắng khi tuyên xưng đức tin “Amen” cũng như đến việc cẩn thận để khỏi rơi các mảnh vụn.
Trong các thế kỷ IV-V, chúng ta còn đọc thấy nhiều chứng tích khác nữa, chẳng hạn của Thánh Ambrôsiô, Augustinô, Gioan Kim khẩu, Têôđôrô Mopsuesta. Các vị giám mục này một đàng để ý đến giáo huấn tâm tình đức tin, đàng khác không bỏ qua những chi tiết thực tiễn, thí dụ như Thánh Augustinô khuyên các tín hữu hãy đi rửa tay cho sạch sẽ, và cũng đừng quên rửa linh hồn cho thanh sạch.
Sự chuyển hướng diễn ra chậm chạp. Từ thế kỷ VI, bên Pháp các phụ nữ phải đặt một tấm khăn trên tay khi rước Mình Thánh Chúa.
Sang thế kỷ IX đã có những công đồng địa phương bắt đầu du nhập việc rước lễ trên lưỡi. Qua thế kỷ X, thì chỉ các linh mục và phó tế mới được cầm Mình Thánh Chúa và rước lễ trong tay; tất cả các tín hữu khác phải rước lễ trên lưỡi.
Tại sao có sự chuyển hướng như vậy? Các sử gia đưa ra nhiều giả thuyết để cắt nghĩa. Thứ nhất, có lẽ vì có những lạm dụng, nghĩa là những người lãnh Mình Thánh nhưng không rước lễ ngay mà lại đem đi chỗ khác, dùng vào chuyện ma thuật. Thứ hai, bởi vì hình bánh đã thay đổi. Xưa kia là bánh lớn như bánh thường ngày; giờ đây, bánh nhỏ bằng đồng tiền, có thể đưa thẳng vào miệng. Thứ ba, việc cử hành Thánh Thể được coi như là độc quyền của các vị tư tế. Duy các linh mục mới có quyền đi vào nơi cực thánh để tế lễ, còn các giáo dân đứng xa xa, đâu dám bén mảng tới gần bàn thờ.
Thực khó mà quả quyết rằng các tín hữu thời nay đạo đức hơn hay thua các tín hữu thời Trung Cổ, cũng chẳng ai dám quyết rằng các lạm dụng sẽ không còn xảy ra nữa. Tuy nhiên, dựa theo ước nguyện của Công Đồng Vaticanô II mong muốn cho các tín hữu tham gia phụng vụ cách tích cực và ý thức, các giám mục đã yêu cầu xét lại các bản kinh cũng như các cử chỉ dùng trong phụng vụ, trong số đó có cả việc rước lễ trên lưỡi hay trong tay.
Đành rằng chân lý căn bản phải duy trì là chúng ta đi rước Mình Thánh Chúa, chứ không phải đi lãnh cục kẹo. Và chúng ta cần phải nuôi dưỡng tâm tình tin kính mến yêu khi tiến gần bàn thánh. Hiểu như vậy, cử chỉ đặt trên lưỡi hay trao vào lòng tay là chuyện thứ yếu.
Dù vậy, những cử chỉ thứ yếu cũng có ý nghĩa riêng của nó. Khi đứa con còn nhỏ, cha mẹ đút lương thực vào miệng (điều này cũng còn diễn ra trong trường hợp bệnh nhân liệt giường). Đến khi đứa con khôn lớn rồi, cha mẹ phân phát lương thực cho chúng và chúng tự ăn lấy.
Chắc có người sẽ kết luận rằng từ nay các giáo dân đã trưởng thành rồi cho nên không cần các linh mục mớm cho nữa. Tuy nhiên, chúng ta hãy đi xa hơn chút nữa. Việc chúng ta chìa tay ra nhận Mình Thánh Chúa không phải chỉ là cử chỉ đón nhận lương thực mà còn tượng trưng cho cử chỉ đón tiếp Chúa Kitô vào trong đời ta, tựa như khi ta bắt tay người nào, hay khi mở rộng bàn tay để ôm choàng người thân. Tiếc rằng trong cuộc tiếp xúc xã giao hàng ngày, bao nhiêu cái bắt tay đã trở thành khách sáo chẳng còn ý nghĩa chi nữa!
Dù sao, điều quan trọng khi du nhập một cách thức mới trong việc rước lễ là sự huấn giáo về ý nghĩa của cử chỉ. Kế đó là huấn giáo về cách thức. Tiên vàn, cần phải rửa tay sạch sẽ cũng như rửa linh hồn sạch tội. Kế đó, khi đến gần linh mục, tín hữu dang hai bàn tay ra trước mặt như cử chỉ đón tiếp; bàn tay phải đặt ở dưới bàn tay trái. Linh mục đọc: “Mình Thánh Chúa Kitô”, và trao Mình Thánh vào lòng bàn tay. Tín hữu tuyên xưng “Amen”, và cung kính lãnh Mình Thánh; kế đó đứng sang một bên, dùng tay phải để rước Chúa.
Ngoài ra cần phải nhấn mạnh rằng các tín hữu có quyền được rước Mình Thánh Chúa trên lưỡi, chứ không bắt buộc phải lãnh Mình Chúa trong tay. Nếu ở đâu, tín hữu được rước Mình Thánh chấm trong Máu Thánh, thì việc chịu lễ trên lưỡi là điều bắt buộc.