Có lẽ phải thêm rằng không những có người chủ trương “vào đời”, mà lại còn phải “yêu đời” nữa! Để hiểu sự thay đổi ấy, thiết tưởng không những chúng ta phải xem lại sự tiến triển của thần học tại Âu Tây về những giá trị trần thế, nhưng cần phải xét lại cái quan niệm đi tu tại Á đông của mình.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng ngôn ngữ và tư tưởng của chúng ta chịu ảnh hưởng của Phật Giáo không nhỏ: tỉ như chính cái chữ “tu”: phàm ai bỏ gia đình để dâng mình cho Chúa đều gọi là đi tu, không phân biệt là tu làm linh mục hay làm tu sĩ; trong khi thần học Kitô Giáo phân biệt hai ơn gọi ấy: ơn gọi làm linh mục nhắm đến việc phục vụ cộng đoàn qua các tác vụ; còn ơn gọi làm tu sĩ nhằm đến sự trọn lành đức ái.
Chính vì không hiểu sự khác biệt ấy nên nhiều người không hiểu được tại sao có chuyện đòi xét lại luật độc thân của linh mục: ở Việt Nam mình coi các linh mục cũng là thầy tu, nên đương nhiên là phải giữ độc thân rồi.
Thế nhưng, theo quan điểm thần học, các linh mục “triều”, hay muốn dịch sát nghĩa hơn – linh mục “đời” (saecularis) – thì không phải là tu sĩ. Theo tôi nghĩ thì sở dĩ người Việt mình không hiểu được sự khác biệt về hai ơn gọi như vậy là tại vì trong Phật Giáo không có sự khác biệt về đường tu. Đã tu thì phải bỏ gia đình, bỏ đời. Đến đây, chúng ta lại vấp phải một cái khó khăn nữa, về quan niệm “đời” giữa Phật Giáo và Công Giáo.
Tôi nghĩ rằng tiếng “đời” có thể hiểu theo hai nghĩa: một là theo nghĩa những cái gì tội lỗi nhơ nhớp, trần tục; hai là chính kiếp sống, đời sống, cuộc đời này.
Khi nói rằng đi tu bỏ đời, chắc chắn là người Công Giáo hiểu là bỏ cái đam mê của đời, tựa như tội lỗi, gian tham, danh vọng, xa hoa, chứ không có nghĩa là từ bỏ cái đời sống này. Đối lại, Phật Giáo hiểu cả việc từ bỏ cả cái đời sống này nữa.
Chúng ta đừng quên rằng theo đức tin Công Giáo, chúng ta chỉ sinh ra có một lần, và chỉ sống có một đời ở trần gian này, còn theo Phật Giáo, thì kiếp sống là một chuỗi đời sống nối tiếp nhau theo vòng luân hồi và định luật nhân quả. Và chuyện đi tu nằm trong phương thế để thoát khỏi vòng luân hối ấy. Tuy nhiên, chúng ta tạm gác lại vấn đề đi tu và bỏ đời theo quan điểm Phật Giáo, để trở lại vấn đề đi tu theo Công Giáo.
Phải thú nhận rằng trải qua dòng lịch sử, quan niệm đời là tội lỗi xấu xa ảnh hưởng không ít đến chuyện đi tu.
Cần phải đi ngược lại nguồn gốc của phong trào đi tu vào hồi thế kỷ_IV.
Theo một số sử gia, sau thời kỳ cấm cách, Giáo Hội không những được tự do hành đạo nhưng còn được dành những ưu đãi của chính quyền Rôma. Đời sống đạo xem ra lỏng lẻo. Trước đây, Giáo Hội đã chiến đấu chống lại đời sống lăng loàn của đế quốc Rôma đến nỗi phải chịu bách hại, bây giờ dường như Giáo Hội bắt tay với xã hội trụy lạc ấy.
Để phản ứng lại, một số Kitô Hữu đã bỏ thành thị lên đồng vắng. Họ bỏ đời hiểu cả theo nghĩa không gian, tìm cách xa tránh không giao tiếp với đời, và nếu cần thì phải chiến đấu chống lại chúng.
Cũng theo các sử gia ấy, ơn gọi đi tu là ơn gọi tử đạo: trước đây, những Kitô Hữu đã phản đối xã hội đồi trụy, và vì thế họ bị bách hại đến nỗi bị giết. Ngày nay, xã hội không còn đối nghịch với Kitô Giáo nữa, nhưng các tu sĩ sẽ tiếp nối cuộc chiến đấu với thế gian, và tình nguyện chịu bách hại không phải bằng gông cùm tra tấn, nhưng là bằng những khổ chế mà họ tình nguyện chấp nhận. Dù sao đi nữa, việc các tu sĩ xa lánh đời được biểu hiện không những qua việc chọn những nơi đồng vắng để tu, nhưng còn qua nhiều hình thức khác nữa nhất là kể cả khi các đan viện nằm giữa khu có dân cư. Tỉ dụ như những bức tường cao, khu nội vi; rồi mỗi lần người tu sĩ ra khỏi tu viện không những là phải xin phép bề trên, mà lại còn phải làm việc đền tội khi trở về, vì đã tiếp xúc với thế gian, tai nghe mắt thấy bao nhiêu điều ô uế.
Như đã nói ở đầu, trong ngôn ngữ Việt Nam không có sự phân biệt giữa ơn gọi làm giáo sĩ và ơn gọi làm tu sĩ: cả hai đều là đi tu hết. Dĩ nhiên là chỉ có các tu sĩ mới bỏ đời rút lên đồng vắng, còn các giáo sĩ thì vẫn phải ở lại thành thị để lo việc mục vụ. Hơn thế nữa, giữa lòng các tu sĩ, dần dần cũng nảy ra một khuynh hướng mới, đó là bên cạnh những người tìm về đời sống cô tịch, lại có những người cảm thấy cần phải hoạt động giữa đời, quen gọi là làm việc tông đồ.
Khuynh hướng này phát triển từ thế kỷ XII-XIII với các Dòng Đaminh, Phanxicô, vân vân, và nhưng dòng này cất nhà giữa đô thị để dễ làm việc. Tại làm sao lại có hai khuynh hướng trái ngược như vậy? Thưa tại vì cái chữ “đời” có hai nghĩa trong Kinh Thánh, nhất là các tác phẩm của Thánh Gioan và Phaolô.
Một đàng nó ám chỉ những lực lượng xấu xa tội lỗi, đối nghịch lại với Thiên Chúa, với tình yêu. Đôi khi chúng ta gọi là “thế gian”, hay “trần gian” và có người tán thêm: gian dối, gian tham, gian xảo. Dưới khía cạnh ấy, cái đời bị Kinh Thánh lên án: anh em đừng chạy theo đời (Rm_12,2); anh em đừng có yêu đời, ai yêu đời thì sẽ không được Chúa yêu (1Ga_2, 15).
Mặt khác, tiếng “đời” còn có nghĩa là tất cả những gì mà Chúa đã dựng nên, đặc biệt là thế giới con người, mà chúng ta có thể gọi là trần thế. Đối với cái trần thế ấy, Giáo Hội mang một trách nhiệm phải rao giảng Phúc Âm, bày tỏ tình thương cứu độ của Thiên Chúa, và để được như vậy thì phải “vào đời”.
Chính vì ý nghĩa hàm hồ như thế nên không lạ gì, đứng trước cái mà chúng ta gọi là đời, người Kitô có thể có thái độ trái ngược, kẻ thì tránh đời, người thì yêu nó. Cái đó tùy theo cách chúng ta hiểu đời là gì. Nếu hiểu nó là những lực lượng tội lỗi thù địch với Phúc Âm, thì dĩ nhiên chúng ta phải xa tránh; nhưng nếu hiểu như là những con người cần được đón nhận Tình thương của Thiên Chúa, thì chúng ta có nghĩa vụ phải xích lại gần, để mang Chúa đến cho họ và chia sẻ tình thương Chúa cho họ.
Trong những thập niên gần đây, xuất hiện trong Giáo Hội những tổ chức gọi là tu hội đời: những thành viên tìm cách thánh hóa bản thân và thánh hóa đời ngay từ giữa lòng đời, chứ không lánh xa đời vào các tu viện như trước đây nữa.
Tuy nhiên như thế không có nghĩa là các hình thức tu trì cổ truyền đã hết giá trị. Một đàng chúng ta biết rằng người Kitô còn phải tiếp tục chống lại “đời” hiểu theo nghĩa là các đam mê tội lỗi. Trong bản thân của mỗi người chúng ta, chúng ta phải chiến đấu với các yếu tố đời, tựa như tham lam, kiêu căng, cũng như bao dục vọng đam mê khác.
Đó là chưa nói tới các hình thức tội lỗi khác nằm trong các cơ cấu xã hội gây ra cảnh bất công, bóc lột. Ba lời khấn của các tu sĩ nhằm biểu lộ sự chiến đấu chống lại “đời” hiểu theo nghĩa xấu ấy. Và các thành viên của tu hội đời cũng tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm. Tuy nhiên, thần học về đời tận hiến của Công Đồng Vaticanô II không phải chỉ trình bày các lời khấn như sự từ bỏ các căn nguyên tội lỗi, nhưng còn thêm rằng nhiều điều mà các tu sĩ khước từ tự nó là tốt, tỉ như sự tự do, tình yêu gia đình, nhằm nhắc nhở cho Dân Chúa đến những thực tại còn tốt hơn của Nước Trời mai hậu.
Thật khó mà trả lời cách vắn tắt được. Chúng ta tin rằng trong thế giới mai hậu, khi Nước Chúa được thiết lập hoàn toàn, thì sẽ không còn tội lỗi và các vết tích của tội lỗi nữa. Nhưng khi Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa sẽ canh tân mọi sư, thì có phải là Người sẽ hủy bỏ hết cái thế giới này và xây dựng một thế giới hoàn toàn mới hay không?
Ở số 39 của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, Công đồng vaticanô II đã trả lời một cách dè dặt rằng: những thành quả của con người tựa như nhân phẩm, tình huynh đệ, sự tự do, sẽ được duy trì, tuy sẽ được thanh lọc và biến đổi. Nói khác đi, những giá trị của trần thế không bị hủy diệt hoàn toàn, nhưng cũng sẽ không được duy trì nguyên si: chúng sẽ được duy trì và canh tân.
Trên thực tế, do kinh nghiệm bản thân, chúng ta biết rằng không có gì thập toàn ở đời này cả. Kẻ cả những tâm tình xem ra cao thượng nhất, tựa như tình phụ mẫu tử, cũng dễ bị vẩn đục bởi những khuynh hướng chiếm hữu ích kỷ. Chính vì vậy, và như đã nói việc các tu sĩ từ bỏ đời không phải chỉ giới hạn vào nhưng đam mê tội lỗi, nhưng còn bao gồm đến cả các giá trị tích cực của đời, nhằm nêu bật sự cần thiết phải tỉnh thức thanh luyện chúng ngõ hầu có thể biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa. Rút cuộc, theo tôi nghĩ, dù bỏ đời dù vào đời hay yêu đời, động lực cuối cùng phải là tình yêu của Thiên Chúa, tiêu chuẩn để xét những gì phải tránh lánh từ bỏ, và những gì cần thực hiện.
Nếu tôi không lầm thì trong tiếng Việt, chữ tu có ít là 3 nghĩa khác nhau: thứ nhất, khi cầm một chai nước (hay chai rượu) mà dốc một hơi vào miệng (không dùng ly) thì gọi là tu. Thứ hai, tu cũng có nghĩa là cười nói to tiếng, từ đó có từ “tu hú”. Thứ ba, theo một nghĩa nghiêm chỉnh hơn, tu có nghĩa là sửa sang cho ngay ngắn, như khi nói: tu chính, tu sửa, tu bổ.
Chính theo nghĩa này mà người ta nói tới “giới tu hành, tu sĩ”, móc nối với các tư tưởng “tu nhân tích đức”. Hiện tượng tu trì xuất hiện ở nhiều tôn giáo khác nhau. Nói chung, từ “tu” có tính cách hơi tiêu cực, theo nghĩa là sửa sang cái gì xấu xa, lệch lạc.
Trước khi đi vào vấn đề tiêu cực hay tích cực, thiết tưởng cần ghi nhận một sự khác biệt quan trọng về từ ngữ trong các văn kiện của Giáo Hội và trong ngôn ngữ phổ thông tại Việt Nam.
Ở Việt Nam, những ai đi chủng viện để làm linh mục hay đi nhà dòng để làm tu sĩ đều gọi là đi tu. Như thế, các linh mục và tu sĩ đều được gom vào một hạng tu hành. Tuy nhiên, ngôn ngữ của Giáo Luật thì khác: các linh mục thuộc hàng ngũ giáo sĩ; còn các tu sĩ thì mới thuộc hàng ngũ tu sĩ theo nghĩa chặt.
Nói chung, ơn gọi của các giáo sĩ là để phục vụ cộng đồng Dân Chúa; ơn gọi của các tu sĩ là tìm sự hoàn thiện, qua việc tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm, khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời. Đó là nói trên nguyên tắc, chứ trên thực tế thì sự phân biệt đó khó nhận thấy.
Bộ Giáo Luật La Tinh buộc các linh mục phải giữ độc thân, vì thế họ cũng giống các tu sĩ; nhưng bộ Giáo Luật Đông Phương chấp nhận cho các linh mục có gia đình. Dù sao, nếu một linh mục có thủ đắc tài sản cho mình thì cũng chẳng có gì ngang trái, bởi vì mình không có lời khấn; trái lại, tu sĩ thì không được làm điều đó.
Như đã nói trên, chúng ta cần phải tìm hiểu sự khác biệt giữa các giáo sĩ và các tu sĩ là tại vì trong tiếng Việt, cả hai đều được gọi là tu sĩ (nhà tu). Còn trong ngôn ngữ của Giáo Hội, thì có hai từ ngữ khác biệt. Các giáo sĩ được gọi là clerus (gốc Hy Lạp, có nghĩa là gia nghiệp) còn các tu sĩ được gọi là religiosus.
Phải nói rằng dịch religiosus là “tu sĩ” thì không đúng. Theo Thánh Tôma Aquinô cắt nghĩa, religiosus là người dành suốt đời cho việc thờ phượng Chúa, mà tiếng La Tinh gọi là religio (nhân đức thờ phượng).
Thực ra, ở các thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo, chúng ta gặp thấy những người được đặt tên là asceti, có nghĩa là người khổ hạnh, bởi vì nếp sống khắc khổ của họ. Họ không lập gia đình đã vậy, nhưng còn hạn chế việc ăn ngủ qua việc canh thức, kiêng khem. Đến khi phong trào tu hành phát triển vào thế kỷ IV, chúng ta thấy danh xưng chung đặt cho họ là monaci, mà tiếng Việt dịch là đan sĩ. Đã có nhiều lối giải thích ý nghĩa của danh từ đó.
Có người cho rằng monacus là người sống đơn độc một mình trong cô tịch, xa cách chốn phồn hoa nhộn nhịp. Có người giải thích monacus là người chỉ đi tìm một mình Chúa, sống cho một điều duy nhất là mến Chúa.
Dù cắt nghĩa thế nào đi nữa, chúng ta có thể nhận thấy rằng các đan sĩ thường chọn nơi cô tịch để tu hành (sa mạc, đồi núi), và họ dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện. Nói thế không có nghĩa là họ đọc kinh cầu nguyện 24 giờ một ngày. Nói cho đúng, vào các thế kỷ đầu, đã có những người chủ trương như vậy. Nhưng dần dần, dưới sự hướng dẫn của các bậc thầy lão luyện qua các bản luật, người ta cố gắng tìm sự quân bình giữa cầu nguyện lao động cũng như ngủ nghỉ.
Đúng như vậy. Tuy nhiên, tầm quan trọng của việc thờ phượng Chúa không được biểu lộ qua số giờ dành cho việc cầu nguyện, mà là qua ý chí muốn thuộc trọn về Chúa qua sự dâng hiến. Thánh Tôma nhìn thấy sự dâng hiến trọn vẹn cho Chúa khi con người dâng ý chí tự do, thân xác và tài sản qua ba lời khấn vâng lời, khiết tịnh, khó nghèo.
Phải. Nhưng đó là nói trong tiếng Việt. Trong các văn kiện của Giáo Hội, danh từ chính thức được sử dụng từ thời Trung Cổ cho đến Công Đồng Vaticanô II là “religiosus” có nghĩa là kẻ dâng mình phụng sự Chúa. Tuy nhiên, ngoài chuyện định nghĩa thần học, Giáo Luật còn ấn định một nếp sống cho họ nữa.
Đừng kể ba lời khấn dòng, các tu sĩ phải sống chung với nhau trong tu viện, mặc áo dòng. Vào giữa thế kỷ XX, Giáo Hội chấp nhận một nếp sống mới, quen gọi là “tu hội đời”. Những nhóm này không sống thành cộng đoàn, không mang tu phục hay phù hiệu, bởi vì họ muốn trà trộn vào đời, để làm chứng nhân cho Chúa Kitô ở giữa lòng đời, giữa các môi trường của trần thế. Họ có thể là chính trị gia, thương gia, luật sư cũng như có thể làm việc trong quán ăn hay đi quét đường. Tuy rằng họ cũng tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm, nhưng họ không muốn đồng hóa với các tu sĩ cổ truyền (religiosus) bởi vì họ muốn nêu bật nếp sống khác biệt của họ.
Vì thế bộ Giáo Luật năm 1983 đã đặt ra một từ ngữ mới, “đời tận hiến” (vita consecrata) bao gồm cả các tu sĩ và các tu hội đời. Đến đây, tôi thấy cần lưu ý rằng danh từ “consecratio” trong tiếng La Tinh thì rộng hơn từ “tận hiến” trong Việt ngữ. Trong tiếng Việt, tận hiến có nghĩa là hiến dâng trọn vẹn. Nó chỉ bao hàm hành vi của con người. Còn danh từ “consecratio” trong tiếng La Tinh còn bao hàm một hành động về phía Thiên Chúa nữa.
Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn ai, thì Người tách biệt người đó, dành riêng để thi hành một sứ mạng. Chính vì thế mà đôi khi có người dịch là “thánh hiến” (hay hiến thánh), nhằm nêu bật sáng khởi của Thiên Chúa: Chúa kêu gọi và dành riêng một người nào đó.
Dù muốn nhìn về phía con người (tận hiến) hay muốn nhìn về phía Thiên Chúa (thánh hiến), từ consecratio muốn đề cao khía cạnh tình yêu; đang khi mà từ religiosus, như đã nói trên đây, đặt tư tưởng thờ phượng lên hàng đầu.
Chắc chị đã biết là không những đời tu, mà toàn thể đời sống Kitô Hữu đều dựa trên yêu mến. Việc đọc kinh thờ phượng chỉ là một hành vi biểu lộ hay nuôi dưỡng tình yêu mà thôi. Và có nhiều dạng thức biểu lộ tình yêu.
Chúng ta có thể nhận thấy một sự tiến triển trong các hình thức tu trì trong Kitô Giáo dựa theo những chiều kích khác biệt của tình yêu. Hồi thế kỷ IV, các đan sĩ rời bỏ thành thị xóm làng, đi vào nơi cô tịch để hàn huyên với Chúa. Họ biểu lộ tình yêu mến qua việc thinh lặng chiêm niệm.
Sang đến đầu thiên niên kỷ thứ hai, ta thấy xuất hiện nhiều Dòng tu dấn thân đi phục vụ tha nhân, qua nhiều dạng thức khác nhau: giảng thuyết, giúp đỡ các người nghèo, người bệnh, người nô lệ.
Trong những thế kỷ gần đây, số các hội dòng chuyên về hoạt động giáo dục, bác ái xã hội tăng gia rất nhiều. Họ không rút lui lên nơi cô tịch để tìm Chúa, nhưng họ sống giữa xã hội để cứu giúp đồng loại. Họ biểu lộ lòng yêu mến qua việc phục vụ những người nghèo, theo như lời Chúa dạy: điều gì làm cho người bé nhỏ nhất thì cũng được Chúa coi như làm cho chính Người.
Từ đó, người ta thường chia các dòng tu thành ra hai ngành chính: những hội dòng thiên về chiêm niệm, và những hội dòng thiên về hoạt động.
Sự khác biệt giữa hai ngành phần nào tương ứng với hai mối thương yêu: mến Chúa yêu người. Đành rằng hết mọi Kitô Hữu đều muốn sống trọn cả hai mối tình đó, nhưng các dòng chiêm niệm muốn nêu bật việc sống gần bên Chúa, còn các Dòng hoạt động thì muốn hướng về phục vụ các anh em của Chúa.
Lý tưởng là phải dung hoà cả hai chiều kích đó (chiêm niệm và hoạt động). Nếu ai chỉ nghĩ đến việc chiêm niệm, sống một mình với Chúa mà không nghĩ gì đến các nhu cầu của nhân loại thì sự chiêm niệm đó không phải là Kitô Giáo. Đức Kitô không muốn tách rời ra khỏi các chi thể của Người, như Thánh Augustinô đã nói.
Ngược lại, nếu một người lăn xả vào công tác phục vụ tha nhân mà bỏ bê việc cầu nguyện thì sẽ có lúc họ sẽ cảm thấy đặt lên câu hỏi: tôi là một tu sĩ hay là một cán bộ xã hội? Đó là chưa nói đến việc họ cần được tình yêu Chúa nâng đỡ để sự phục vụ của họ luôn mang tính cách vị tha theo tinh thần Phúc Âm.
Tôi nghĩ như vậy, tuy không dám quả quyết 100 phần trăm, bởi vì tôi chưa có dịp đối chiếu với tất cả các tôn giáo. Một điều đáng ghi nhận khi đối chiếu giữa đời tu Kitô Giáo với đời tu bên Ấn Giáo hay Phật Giáo, đó là các tôn giáo này thiên về chiêm niệm hơn là hoạt động xã hội.
Nói cho đúng thì các Giáo Hội bên Đông Phương cũng chỉ biết hình thức đan tu; các dòng hoạt động bắt nguồn bên các Giáo Hội Tây Phương. Ngoài sự khác biệt về nếp sống chúng ta có thể ghi nhận sự khác biệt về cơ cấu tổ chức.
Nếp sống đan tu không phát triển thành hội dòng: mỗi đan viện tự lập, hay cùng lắm chỉ duy trì những mối liên lạc tinh thần với những đan viện cùng chí hướng. Còn nếp sống hoạt động thì đòi hỏi những cơ sở rộng lớn, vì thế được tổ chức quy mô thành hội dòng, với những cơ quan quản trị có thể điều động nhân sự từ địa điểm này qua địa điểm khác (khác với các đan sĩ trụ trì tại một chỗ đến chết).
Tuy nhiên, với các tu hội đời, thì người ta lại muốn trở về cơ cấu đơn giản. Tu hội không có cơ sở chung; mỗi thành viên hoạt động theo khả năng riêng của mình; họ tu trì ngay tại gia và làm việc ngay tại môi trường nghề nghiệp của mình. Họ muốn chú trọng đến cốt yếu của đời tu là đi theo Đức Kitô và làm chứng nhân cho Người ở giữa đời.
Theo tôi nghĩ, có hai lý do: thứ nhất là do vấn đề dịch thuật; thứ hai là do cơ cấu của Giáo Hội. Cả hai lý do đều xa lạ với quan niệm bình dân ở Việt Nam. Chúng ta bắt đầu với lý do thứ nhất, câu chuyện dịch thuật các từ ngữ từ tiếng La Tinh sang tiếng Việt.
Trong tiếng Việt, khi nói đến “tu sĩ” thì người ta liền nghĩ đến “người đi tu”. Đây không phải là danh từ riêng của đạo Công Giáo, nhưng là một từ ngữ được sử dụng cho các tôn giáo khác nữa. Tiếc rằng, chúng ta đã dùng từ “tu sĩ” để dịch danh từ religiosus trong tiếng La Tinh (tương đương với religieux tiếng Pháp hoặc religious tiếng Anh), và như vậy là dịch sai ý rồi.
Thực vậy, nếu chúng ta lật từ điển Pháp-Việt hoặc Anh-Việt thì chúng ta sẽ thấy rằng religieux hoặc religious được dịch là “thuộc về tôn giáo”, bởi vì là một tính từ bắt nguồn từ danh từ religion, có nghĩa là “tôn giáo”, chứ chẳng có liên quan đến chuyện tu trì hết.
Tôi nghĩ câu chuyện này khá dài dòng, bởi vì phải giải thích nhiều quan điểm khác nhau giữa Tây Phương và Đông Phương liên quan đến mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa.
Bên Đông Phương, từ “tu” nói lên một cố gắng về phía con người, lo tu thân tích đức, hoặc tu chỉnh cái gì đó. Vì thế, tự nó, việc “tu” không nói gì đến tương quan với Thiên Chúa hết.
Từ “tôn giáo” cũng vậy: tự nó “tôn giáo” chỉ có nghĩa là giáo huấn của tông truyền, do cha ông để lại. Và cũng chẳng thấy bóng dáng gì của Thiên Chúa trong tôn giáo.
Thế nhưng, trong thế giới Tây Phương thì khác. Religio nói đến sự ràng buộc của con người đối với Thiên Chúa, được biểu lộ cách cụ thể qua việc phụng thờ Người. Chính vì thế mà nó được coi như một nhân đức, quen gọi là “nhân đức thờ phượng”, quy định những bổn phận của thụ tạo đối với Thiên Chúa, chẳng hạn như phụng tự, cầu nguyện.
Như thế ta thấy có sự khác biệt về ý nghĩa giữa “tu sĩ” trong tiếng Việt và “religiosus” trong tiếng La Tinh: “Tu sĩ” chỉ nói lên nỗ lực của con người cố gắng rèn luyện bản thân; còn “religiosus” còn gợi lên ý tưởng thờ phượng Thiên Chúa.
Thánh Tôma Aquinô giải tích rằng “religiosus” là những người đã dâng trót cả cuộc đời để phụng sự Chúa.
Đúng vậy, các linh mục cũng là “tu sĩ” theo nghĩa là họ cũng phải lo tu thân tích đức; các linh mục cũng là “religiosus” theo nghĩa là họ cũng dâng trót đời để phụng sự Chúa. Tuy nhiên, đến đây chúng ta gặp phải một vấn đề khác thuộc về cơ cấu của Giáo Hội, đó là hàng giáo sĩ.
Trong Phật Giáo, ta chỉ thấy có các tăng ni và các tín đồ; nhưng trong đạo Công Giáo, ta thấy có các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, quen gọi là ba hàng ngũ trong Hội Thánh. Nếu ai đặt câu hỏi: “hàng ngũ nào xuất hiện trước hết?”, thì xin thưa rằng không thể trả lời được.
Thật vậy, khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ. Thế rồi các giáo dân, tu sĩ cũng như giáo sĩ đều tự nhận là mình bắt nguồn từ nhóm các môn đệ đó. Các giáo dân thì dễ hiểu rồi, bởi vì tất cả các Kitô Hữu đều là những môn đệ của Đức Kitô. Các tu sĩ thì khẳng định rằng họ muốn bắt chước các môn đệ từ bỏ tất cả (gia đình, tài sản) để đi theo Chúa Giêsu. Các giáo sĩ thì nói rằng họ tiếp nối sứ vụ của các tông đồ, nghĩa là nhóm 12 người được tuyển chọn từ các môn đệ. Như thế cả ba hàng ngũ đều bắt nguồn đồng thời với nhau, nghĩa là từ khi có các môn đệ.
Tuy nhiên thiết tưởng, sự phân biệt ba hàng ngũ xảy ra từ thế kỷ IV, khi Giáo Hội áp dụng cơ cấu tổ chức của Đế quốc Rôma, chứ còn trước đó, người ta chưa có ý thức gì về các hàng ngũ trong Hội Thánh. Giữa lòng Dân Chúa, có những người lập gia đình cũng như có những người không lập gia đình; có những người được đề cử vào các công tác phục vụ cộng đoàn, và những người này có thể có gia đình hoặc không.
Chúng ta tạm lấy cái mốc là thế kỷ IV, khi Giáo Hội Công Giáo được Đế quốc Rôma nhìn nhận quyền tự do thực hành tôn giáo. Giáo Hội dần dần chỉnh đốn các cơ cấu tổ chức của mình, chẳng hạn như về hành chính, dựa theo các đơn vị miền, tỉnh; về nhân sự thì cũng dựa theo phẩm trật quan với dân.
Dĩ nhiên, đây chỉ là nói cách giản lược thôi, bởi vì trong hàng ngũ quan chức có nhiều cấp bậc, gọi là “ordo”, tựa như cấp giám mục, cấp linh mục, cấp phó tế, tùy phó tế, vân vân. Tất cả họp nên “hàng giáo sĩ”. Nói đúng ra, trong tiếng Việt, “giáo sĩ” có thể hiểu về các người có học thức và dạy dỗ (giống như các giáo viên), nhưng trong nguyên gốc La Tinh, họ được gọi là clerus (hay clerici), nghĩa là những người đã chọn Chúa làm gia nghiệp, dấn thân cho việc cai quản và tế tự.
Hàng ngũ giáo sĩ thành hình dựa theo định chế cai quản của Đế quốc Rôma. Các tu sĩ không ra đời như một thể chế, ngược lại là đàng khác.
Ngay từ đầu, giữa lòng Dân Chúa, đã có những người nam nữ sống độc thân, dâng hiến cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa hoặc cộng đoàn tín hữu. Nhưng kể từ khi thấy Giáo Hội đi sâu vào cơ chế của Đế quốc, thì những người đó rút lên sa mạc, tách rời khỏi cộng đoàn, sống đời khắc khổ, đọc kinh cầu nguyện, ra như để tránh cảnh tục hóa của Giáo Hội. Người ta gọi họ là “đan sĩ” (monachos): những người chỉ sống cho một mình Chúa. Hiện tượng này xảy ra tại các miền Ai-Cập, Syria, Tiểu Á.
Nên biết là hồi đó các đan sĩ là những giáo dân, chứ không phải là linh mục. Nếp sống của họ đã sớm gây tiếng vang trong Giáo Hội. Giáo Hội đã ra những quy luật cho nếp sống này, và dần dần, các đan sĩ cũng họp thành một hàng ngũ ordo monachorum cũng tương đương với hàng ngũ giáo sĩ ordo clericorum.
Vào lúc sơ khai, sự khác biệt khá rõ rệt: hàng giáo sĩ sống ở thị thành, hàng đan sĩ sống trên sa mạc; hàng giáo sĩ lo việc mục vụ cho các giáo dân, còn các đan sĩ chỉ lo chuyện đi tìm Chúa. Và như đã nói, các đan sĩ không làm linh mục.
Thế nhưng chẳng bao lâu, có sự trà trộn giữa đôi bên. Vào lúc đầu, các đan sĩ sống nơi cô tịch hoặc nơi đồng vắng; dần dần, dân cư cũng đến cất nhà gần các đan viện, thúc đẩy các đan sĩ cũng phải quan tâm đến công tác mục vụ. Từ đó, các đan sĩ cũng lãnh chức linh mục.
Đối lại, tại các thành phố, nhiều vị giámmục cũng muốn cho các giáo sĩ sống thành cộng đoàn, đọc kinh chung, để tài sản làm của chung. Các công đồng cũng buộc các linh mục phải giữ luật độc thân giống như các đan sĩ. Vì thế ta có thể nói được là vào cuối thiên niên kỷ thứ nhất, đã xảy ra hai hiện tượng đối nghịch nhau: một đàng là hiện tượng “giáo sĩ hóa các đan sĩ” (nghĩa là các đan sĩ thụ phong linh mục và trở thành giáo sĩ), đối lại là hiện tượng “đan sĩ hóa các giáo sĩ” (nghĩa là các giáo sĩ sống cộng đoàn, giữ khiết tịnh như các đan sĩ).
Đúng vậy, đây là sự tiến triển của thiên niên kỷ thứ hai. Một đàng, hàng ngũ tu sĩ mở rộng thêm những hình thức mới: không chỉ gồm các đan sĩ, nhưng còn có những hình thức hoạt động tông đồ nữa. Họ không sống trên sa mạc mà thôi nhưng hoạt động tại các thành thị hay tại các miền truyền giáo. Đa số các tu sĩ là linh mục, và sống trong cộng đoàn.
Đàng khác, do nhu cầu mục vụ, hàng ngũ giáo sĩ không thể duy trì nếp sống chung được nữa; vì thế họ đã phải phân tán vào các giáo xứ. Người đời thường cho rằng các linh mục khác với các tu sĩ ở chỗ không có đời sống cộng đoàn và không có ba lời khấn. Điều này không đúng.
Thực sự, đa số các linh mục coi xứ không sống trong cộng đoàn; nhưng các văn kiện của Giáo Hội luôn nhắc nhở các linh mục phải sống ba lời khuyên Phúc Âm, tuy với thứ tự hơi khác với các tu sĩ. Nếu đối chiếu Sắc lệnh Về Các Tu Sĩ của Công Đồng Vaticanô II, thì ta sẽ thấy thứ tự là: khiết tịnh, thanh bần, vâng lời; còn trong Sắc lệnh Về Các Linh Mục của công đồng, thì thứ tự là: vâng lời, khiết tịnh, thanh bần. Hai cách xếp thứ tự như vậy vẫn còn được tiếp tục nơi tông huấn hậu thượng hội đồng Vita Consecrata dành cho các tu sĩ và Pastores dabo vobis dành cho các linh mục.
Thuật ngữ “đời sống thánh hiến” mới được du nhập kể từ bộ Giáo Luật 1983, và vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Thực vậy, có rất nhiều thứ thánh hiến. Tất cả các Kitô Hữu đều được thánh hiến cho Chúa nhờ bí tích rửa tội. Các linh mục cũng được thánh hiến do bí tích truyền chức thánh, để trở nên những người làm hiện thân cho Chúa Kitô mục tử, rao giảng lời Chúa, ban phát các mầu nhiệm thánh, chăm sóc đoàn chiên. Các tu sĩ được thánh hiến để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô khiết tịnh, thanh bần, khó nghèo. Dù sao cũng nên biết là ngày nay, thần học đang đặt lại vấn đề về nền tảng của sự phân biệt ba hàng ngũ trong Giáo Hội, và hơn thế nữa, phải chăng chỉ có ba hàng ngũ chứ không thể ít hơn hay nhiều hơn.