Khi nghiên cứu hiện tượng tu trì trong lịch sử Kitô Giáo, chúng ta thấy có rất nhiều hình dạng, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II điểm qua ở phần đầu tông huấn “Đời sống thánh hiến” (số 5-12).
Khởi đầu là các trinh nữ, rồi đến các đan sĩ, các kinh sĩ, các dòng hành khất, các hội dòng tông đồ, các tu hội đời, vân vân. Qua các hình thức đó, ta thấy có nhiều quan niệm khác nhau về đời tu. Có người rút lên núi hay sa mạc để tu, có người tu ngay ở thành thị vì muốn làm việc tông đồ, thậm chí có người muốn len lỏi vào các môi trường trần tục để ươm men Tin Mừng.
Ta thấy ra như có hai thái cực: tu trên đồng vắng và tu giữa đô thị, phần nào đánh dấu khởi điểm của lịch sử đời tu vào thế kỷ III với đời ẩn tu, và sự tiến triển của nó vào thế kỷ XX, với các tu hội đời.
Thực vậy, theo ý kiến của nhiều nhà sử học, khởi điểm của nếp sống tu trì Kitô Giáo bắt đầu từ cuối thế kỷ III sang đầu thế kỷ IV, khi mà vài tín hữu rời bỏ cộng đoàn để lên sa mạc tu hành, bắt đầu nếp sống ẩn sĩ. Chứng tích còn để lại nơi Thánh Phaolô (qua đời khoảng năm 347), và thánh Antôn (qua đời năm 351), cả hai đều sống bên Ai Cập. Nên biết là trong tiếng La Tinh, ẩn sĩ được gọi là eremita hay anachoreta, gốc bởi tiếng Hy Lạp eremia (sa mạc) và anakoreo (rút lui). Ẩn sĩ là người rút lên sa mạc, sống một mình.
Thoạt tiên thì xem như ẩn sĩ với đan sĩ đồng nghĩa với nhau. Nhưng trong lịch sử Kitô Giáo, ẩn sĩ là một hình thức của đan sĩ. Nói khác đi, ẩn sĩ là một đan sĩ, nhưng không phải tất cả các đan sĩ đều là ẩn sĩ. Để hiểu rõ vấn đề hơn, chúng ta cần phải hiểu đan sĩ là gì đã.
Đan sĩ dịch từ tiếng La Tinh monachus, gốc bởi tiếng Hy Lạp Monos (duy nhất, độc nhất). Các giáo phụ đã đưa ra ít là bốn cách giải thích khác nhau.
1/ Monos có nghĩa là sống một thân một mình.
2/ Monos có nghĩa là độc thân, không lập gia đình.
3/ Monos có nghĩa là người dâng trót con tim cho Thiên Chúa, không chia sẻ cho ai hết. Họ sống trót cho Chúa.
4/ Monos có nghĩa là sự đồng tâm hiệp ý của các phần tử trong cộng đoàn.
Hai nghĩa đầu tiên chỉ nói lên hiện tượng sinh sống của đan sinh. Nghĩa thứ ba đi sâu vào bản chất thần học: đan sĩ là người đi tìm Chúa, chỉ sống cho một mình Chúa, điều thiện duy nhất. Nghĩa thứ bốn mở rộng ra chiều kích cộng đoàn, gồm bởi nhiều phần tử nhưng hợp nhất về tâm hồn trong lý tưởng phụng sự Chúa.
Tuy nhiên đó mới chỉ là dựa trên phân tích ngữ nghĩa. Khi đi vào thực chất thì chúng ta thấy rằng vào lúc khởi đầu đời đan tu, các ẩn sĩ và đan sĩ đồng nghĩa với nhau, nghĩa là họ rút lui lên nơi thanh vắng để tìm Chúa, sống một mình với Chúa.
Nhưng chẳng bao lâu, các ẩn sĩ họp thành cộng đoàn, đưa đến sự phân biệt giữa hai dạng đan tu: có những người sống ẩn dật một mình, và có những người sống cộng đoàn. Hình thức tu trì cộng đoàn phát triển mạnh hơn, đến nỗi ra như lấn át hình thức tu một mình, nếu chưa nói là xóa bỏ luôn.
Nói cho đúng, hình thức ẩn sĩ không bao giờ có tính cách tuyệt đối và cũng không bị xóa nhoà tuyệt đối. Nói rằng hình thức ẩn sĩ không mang tính cách tuyệt đối có nghĩa là không ai có thể suốt đời sống một thân một mình trên hoang địa như ông Robinson Crusoe được.
Cách riêng trong việc sống đạo, nhà ẩn sĩ cần được huấn luyện về đức tin và đời sống thiêng liêng, nghĩa là tối thiểu phải tiếp xúc với một vị linh hướng (tạm gọi là sư phụ), và phải tham gia các buổi cử hành phụng vụ (cách riêng Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, bí tích Hoà giải) với một cộng đoàn nào đó.
Đàng khác, ai đã gia nhập đời ẩn sĩ thì không có nghĩa là buộc phải theo đuổi nếp sống này suốt đời. Hiểu như vậy, ta có thể nói rằng hình thức ẩn sĩ không bị xóa nhoà tuyệt đối trong lịch sử Giáo Hội. Mặc dù, nói chung, hình thức ẩn sĩ bị lấn át bởi hình thức cộng đoàn, nhưng chúng ta cũng nhận thấy vài nhịp cầu hoà hợp giữa hai hình thức đó.
Ta có thể lấy một thí dụ từ dòng Chartreux, do thánh Bruno lập năm 1084. Các đan sĩ họp thành một cộng đoàn, dưới sự điều khiển của một viện phụ. Nhưng mỗi đan sinh được trao cho một căn hộ riêng biệt, với nhà nguyện, nhà bếp, và một mảnh vườn. Nếp sống căn bản là ẩn sĩ (đúng hơn là bán ẩn sĩ) tại căn hộ của mình, tuyệt đối thinh lặng, không giao thiệp với ai khác. Sự tiếp xúc chỉ diễn ra tại nhà thờ trong những giờ nguyện chính trong ngày.
Một vài dòng khác (dù nam hay nữ) thì cho phép vài tu sĩ, sau khi đã sống đời cộng đoàn lâu năm, được sống một mình trong khu đất toạ lạc trong chu vi nhà dòng hay nơi cô tịch, nhưng vẫn ở dưới quyền của bề trên dòng. Nếp sống này tuy có thể dài hạn nhưng không có nghĩa là bất tận.
Trong cả hai dạng vừa nói, ta thấy hình thức ẩn sĩ được kết nạp với hình thức cộng đoàn, và trở thành hình thức “bán ẩn sĩ”. Đồng thời, ta cũng thấy có những tín hữu sống đời ẩn dật nhưng không gắn liền với dòng tu nào hết.
Tôi xin kể hai trường hợp mà chắc chắn nhiều người Việt Nam đã quen thuộc. Trường hợp thứ nhất là Thánh Phaolô Lê bảo Tịnh. Khi còn là chủng sinh, người đã rút vào nơi cô tịch một thời gian, và bất đắc dĩ phải rời bỏ nếp sống này vì vâng lời đức giám mục. Trường hợp thứ hai là cha Charles de Foulcauld, đã chọn sa mạc làm nơi tu trì trong vòng 13 năm (1903-1916) cho đến khi qua đời.
Thuộc hạng thứ hai, nghĩa là không gắn liền với dòng tu nào hết. Trước đây, các ẩn sĩ (hay bán ẩn sĩ) đã tuyên khấn trong một dòng tu, đã được huấn luyện trong dòng tu, và xin theo đuổi đời sống ẩn dật tuy vẫn ở dưới quyền của bề trên.
Trường hợp của thánh Lê bảo Tịnh và của cha Charles de Foucauld có tính cách lẻ tẻ, và không được Giáo Luật nhìn nhận như hình thức tu trì chính thức. Với việc ban hành bộ Giáo Luật 1983, Giáo luật phục hồi hình thức ẩn tu cổ truyền.
Theo điều 603, nếu một tín hữu nào cảm thấy muốn dâng mình cho Chúa theo hình thức ẩn tu thì có thể xin phép đức giám mục châu phê một bản luật sống (trong đó bao hàm việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm), và nhận lời khấn của mình. Dĩ nhiên là khoản luật này rất tổng quát, cần phải được diễn tả cụ thể qua các quy tắc chi tiết hơn. Trong số những vấn đề thực tế cần được nêu lên, phải kể đến việc phân định ơn gọi, sự đào tạo, những điều kiện sinh sống.
Hiểu theo nghĩa đen, thì ẩn sĩ là người sống nơi cô tịch, nghĩa là xa chỗ ồn ào náo nhiệt đông dân cư. Ta thấy đó cũng là khung cảnh mà thánh Bảo Tịnh và cha Foulcauld đặt ra.
Nếp sống cô tịch thinh lặng là biểu tượng của việc thoát ly khỏi thế giới, không những thoát khỏi những ràng buộc của tài sản, chức quyền, danh vọng, mà cả những tiện nghi của văn minh và sự tiếp xúc với nhân loại nữa. Nếp sống này muốn nói lên sự từ bỏ tận căn, từ bỏ hết tất cả để chỉ sống cho Đấng Tuyệt đối mà thôi.
Bộ Giáo Luật số 630 nêu bật sự thinh lặng như là khung cảnh để dâng lên Chúa sự chuyển cầu cho thế gian, cùng với sự khắc khổ.
Tuy nhiên, cũng có người hiểu sự cô tịch không theo nghĩa đen cổ truyền nhưng theo nghĩa bóng, áp dụng vào thời đại hôm nay. Theo họ, nơi mà con người thời đại cảm thấy cảnh cô đơn hơn cả là các thành thị lớn.
Ở thôn quê, người ta quen biết nhau từ đầu đến cuối xóm. Chuyện gì xảy ra ở xó bếp thì cả làng đều biết. Trái lại ở các thành phố lớn tại Âu Mỹ, trong những khu chung cư với nhà chọc trời, mỗi con người là một hoang đảo, không ai biết ai, kể cả người ở trước mặt phòng mình hay bên cạnh mình.
Cảnh cô đơn này càng trở nên nặng nề đối với những người vô gia đình, những người mà gia đình tan vỡ (ly dị, mồ côi), những người già cả bệnh tật.
Khác với sự cô tịch, một điều mà các nhà đạo sĩ chọn lựa để gặp gỡ Thiên Chúa, sự cô đơn là một Thánh Giá mà ít người gánh nổi. Trong bối cảnh xã hội này, nhiều người chủ trương rằng ngày nay không cần phải lên sa mạc rừng rú để thành ẩn sĩ; ta có thể thực hành đời ẩn sĩ ngay tại sa mạc của đô thị, chia sẻ cảnh cô đơn đang đè nặng trên rất nhiều người.
Trên thực tế, đây không phải chỉ là lý thuyết sách vở, nhưng đã có nhiều người chọn sống đời ẩn sĩ tại những thành phố lớn như Paris, New York.
Tôi không biết đã có giám mục nào nhận lời khấn của các ẩn sĩ hay không. Tôi đoán là một vài tu sĩ đã xin phép bề trên cho phép sống đời ẩn sĩ một thời gian. Dĩ nhiên, chúng ta cần phải chú ý đến động lực của nếp sống ẩn sĩ hơn là khung cảnh của nó.
Động lực thúc đẩy đời ẩn sĩ là đi tìm Chúa cách triệt để hơn, sống một mình với Chúa. Nếu ai chỉ muốn đi tìm ẩn tu vì chán ngán xã hội loài người thì có lẽ họ vừa mất cả nhân loại vừa mất cả Thiên Chúa nữa.
Khi bàn về nếp sống ẩn tu, Thánh Tôma Aquinô nhận rằng nếp sống ẩn tu cao quý hơn nếp sống cộng đoàn. Thánh Tôma lý luận dựa theo truyền thống đời đan tu cổ truyền, chỉ có phép những ai đã đạt đến nhân đức cao trong đời tu mới được chuyển qua đời ẩn sĩ. Tuy nhiên, khi phân tích dưới khía cạnh tâm lý, Thánh Tôma thú nhận rằng ai đã vào đời ẩn tu thì một là nên thánh lớn hoặc là nên quỷ, chứ không còn tà tà như trong các tu viện bình thường nữa (II-II,q.188, a.8).
Tôi xin trả lời ngay là không phải. Thánh Biển Đức được xem như tổ phụ của các dòng đan tu bên Tây-phương mà thôi, chứ các Giáo Hội Đông Phương thì có những vị thánh khác nổi tiếng hơn. Dù sao, thánh Biển Đức chào đời vào cuối thế kỷ thứ V đang khi mà đời đan tu đã bắt đầu từ khoảng đầu thế kỷ IV, nghĩa là trước đó hơn kém 150 năm.
Thật khó nói một cách chính xác, một đàng bởi vì những sử liệu đời xưa không dồi dào cho lắm; đàng khác bởi vì ý nghĩa của từ “đan tu” cũng thay đổi trải qua dòng thời gian. Từ “Đan tu” trong tiếng Việt dịch từ tiếng La Tinh monacus, gốc tiếng Hy Lạp là monachos. Tự nó, monachos chỉ có nghĩa là “một”.
Phải hiểu như thế nào? Có ít là năm lối giải thích từ ngữ này:
1/ Thứ nhất, “một” có nghĩa là độc thân, không lập gia đình.
2/ Thứ hai, “một” có nghĩa là sống đơn độc, xa cách làng xóm.
3/ Thứ ba, “một” có nghĩa là chỉ sống cho một mình Chúa.
4/ Thứ bốn, “một” có nghĩa là duy trì sự thống nhất nội tâm.
5/ Thứ năm, “một” có nghĩa là các đan sĩ sống hòa hợp một lòng một trí với nhau trong một nhà.
Tuỳ theo chúng ta hiểu theo nghĩa nào mà việc xác định khởi điểm sẽ thay đổi.
Nếu hiểu “một” là độc thân thì nó xuất hiện tương đối khá sớm, kể cả trước khi có Kitô Giáo nữa. Nếu hiểu theo nghĩa là sống đơn độc một mình thì cũng có thể nói một cách tương tự, bởi vì ở nhiều tôn giáo có những người lên núi sống một mình.
Nếu hiểu là sống một mình cho Thiên Chúa thì mới thực là của riêng Kitô Giáo, đặc biệt khi suy niệm lời mời của Chúa Giêsu hãy từ bỏ mọi sự để đi theo Người, lấy Thiên Chúa làm lẽ sống; điều này được diễn ra nơi những người môn đệ được Người kêu gọi. Tuy nhiên, theo một nghĩa chuyên môn hơn, người ta thường hiểu đan tu như là lối sống của những người từ bỏ mọi sự rút lui vào sa mạc để tìm kiếm Thiên Chúa, và nếp sống này bắt đầu vào thế kỷ IV, với Thánh Phaolô ẩn tu (qua đời khoảng năm 347) và đặc biệt là thánh Antôn (qua đời năm 351).
Tạm hiểu như vậy đi, bởi vì không thể nào sống ẩn dật một mình mãi: lối sống của các thánh ẩn tu sớm thu hút nhiều người muốn chia sẻ lý tưởng. Vì thế một số môn đệ tìm đến sống với các đấng, và chẳng mấy chốc mà các cộng đoàn đan tu đã xuất hiện.
Khuôn mẫu của đời sống cộng đoàn được tìm thấy nơi thánh Pacômiô (qua đời năm 346, nghĩa là trước cả hai vị Thánh Phaolô và Antôn vừa nhắc đến). Nên lưu ý là các vị này sống bên vùng đất ngày nay thuộc nước Ai Cập, ở mạn Đông của thủ đô Rôma, vì thế gọi là thuộc các Giáo Hội Đông Phương.
Nhưng không bao lâu, bên cạnh các cộng đoàn sống xa cách quần chúng, chúng ta cũng thấy những cộng đoàn sống tại thành thị ở bên Đông Phương (tựa như thánh Basiliô) hoặc bên Tây Phương.
Một nét đặc biệt của đời đan tu bên Tây Phương là các cộng đoàn do các giám mục thiết lập, gồm các giáo sĩ, giáo dân, trinh nữ, chẳng hạn như thánh Hilariô ở Poitiers, thánh Martinô ở Tours bên Pháp, thánh Eusebiô ở Vercelli, thánh Ambrosiô ở Milanô bên Ý, và Thánh Augustinô ở Bắc Phi. Tất cả những vị này sống vào giữa vào cuối thế kỷ IV. Thánh Biển Đức ra đời một thế kỷ sau đó (sinh tại Norcia nước Ý năm 480 và qua đời tại Cassinô năm 547).
Không đúng, các vị thánh vừa kể trên đây không hề có ý nghĩ lập ra một dòng tu theo nghĩa mà chúng ta hiểu ngày nay. Các đấng chỉ lập ra một cộng đoàn, và viết ra vài điều hướng dẫn các đan sĩ.
Cụ thể, thánh Biển Đức viết bản luật cho cộng đoàn ở Monte Cassinô. Vào thời ấy, có nhiều đan viện rải rác khắp miền Tây Au, và mỗi đan viện đều có một bản luật riêng.
Mãi đến thế kỷ thứ VIII, khi hoàng đế Charlemagne muốn cải tổ nếp sống của hàng giáo sĩ và đan sĩ trong Đế quốc Rôma, ông đã bắt buộc tất cả các đan viện phải tuân giữ luật thánh Biển Đức; kèm theo bản luật đó, mỗi đan viện có quyền thêm những quy chế và tập tục riêng của mình. Kể từ đó, bên Tây Phương, luật thánh Biển Đức ra như trở thành quy chuẩn cho tất cả đời đan tu.
Vào thế kỷ VIII, tuy các đan viện bên Tây Phương đều tuân giữ luật thánh Biển Đức, nhưng mỗi đan viện đều biệt lập với nhau. Sự liên minh giữa các đan viện bắt đầu với phong trào cải tổ khởi đi từ đan viện Cluny bên Pháp được thành lập năm 909.
Các đan viện gia nhập liên minh chấp nhận tùng phục viện phụ nhà mẹ. Vào thời cực thịnh ở thế kỷ XII, con số đan viện liên minh lên đến 1200 trong khắp châu Âu. Sang thế kỷ XV, các đan viện được tổ chức thành nhiều chi Dòng (Congregatio), mỗi chi dòng có một tổng hội và tổng phụ.
Vào cuối thế kỷ XIX, các chi dòng họp thành một liên minh các chi dòng (confoederatio congregationum), đặt trụ sở tại Rôma, do một viện phụ trưởng (Abbas primas) đứng đầu. Tuy nhiên, vai trò của người mang tính cách biểu tượng chứ không có quyền hành như là các bề trên tổng quyền trong các dòng cận đại.
Tuy nhiên, cũng nên biết là không phải là tất cả các dòng giữ luật Biển Đức đều gia nhập dòng Biển Đức. Một thí dụ rõ rệt hơn cả là dòng Citeaux. Đan viện Citeaux được thành lập năm 1098, nghĩa là một thế kỷ sau Cluny, muốn trở về với bản chất nguyên thuỷ của thánh Biển Đức. Trong khi Cluny tập trung quyền hành vào viện phụ nhà mẹ Cluny và chú trọng đến việc cử hành phụng vụ, thì Citeaux chủ trương liên kết các đan viện dựa trên mối dây đức ái được biểu lộ qua tổng hội các viện phụ họp hằng năm. Mặt khác, dòng Citeaux muốn dung hoà cả phụng vụ với lao động, chứ không chỉ chú trọng đến phụng vụ.
Như vậy, ta thấy từ đầu, các đan sĩ rời bỏ thành thị, rút lên sa mạc ẩn tu. Dần dần, các ẩn sĩ họp thành cộng đoàn, rồi các cộng đoàn họp thành các dòng, tựa như dòng Biển đức hoặc dòng Citeaux. Tuy nhiên, lịch sử cũng chứng kiến một chuyển động ngược lại.
Có nghĩa là phong trào đan tu đi lùi trở về đời sống ẩn sĩ của thuở ban đầu. Khuynh hướng này xảy ra vào thế kỷ XI, cùng lúc với sự xuất hiện phong trào liên minh các đan viện Cluny và Citeaux vừa nói. Chúng ta có thể kể đến vài thí dụ điển hình như là các đan viện Camaldoli do thánh Romualdo thiết lập năm 1012, và đặc biệt là đan viện La Chartreuse cho thánh Bruno thiết lập năm 1084.
Thực ra, phải nói đây là chế độ “bán-ẩn-sĩ” thì đúng hơn, nghĩa là các đan sĩ họp thành cộng đoàn dưới sự điều khiển của một viện phụ, nhưng mà mỗi đan sĩ sống trong một cái chòi hay là cái nhà riêng, nơi mà họ cầu nguyện và lao động, ăn uống ngủ nghỉ; họ chỉ họp nhau vào lúc dự thánh lễ và tham dự giờ kinh đêm.
Cũng nên biết là khuynh hướng ẩn sĩ vẫn tồn tại nơi vài dòng tu được thành lập thời Trung Cổ, tựa như dòng Cát minh, Au tinh. Đó là chúng ta đang đề cập tình hình của đời sống đan tu bên các giáo hội Tây Phương, chứ bên Đông Phương, thì cả ba chế độ (cộng đoàn, bán-ẩn-sĩ và ẩn sĩ) vẫn song hành trải qua lịch sử. Vào lúc gia nhập đời đan tu, thỉnh sinh sống trong cộng đoàn; sau một thời gian, họ có thể xin chuyển sang chế độ bán-ẩnsĩ, và cuối cùng là sống ẩn sĩ.
Đúng vậy, chúng ta mới chỉ theo dõi sự tiến triển của việc áp dụng luật thánh Biển Đức ở các đan viện Âu Châu vào thời Trung Cổ và cận đại. Chúng ta thấy rằng đã có sự tiến triển về cơ cấu tổ chức, và chúng ta cũng không nên bỏ qua công trình loan báo Tin Mừng và thăng tiến văn hóa tại châu Âu của các tu sĩ dòng Biển Đức, khiến cho đức thánh cha Phaolô_VI đã đặt thánh Biển Đức làm bổn mạng của lục địa này.
Tinh thần của thánh Biển đức được tông huấn Đời sống thánh hiến diễn tả như sau ở số 6:
“Tây Phương cũng đã thực hành đời sống đan tu ngay vào những thế kỷ đầu của Giáo Hội và có kinh nghiệm về những lối diễn tả rất đa dạng trong các hình thức cộng đoàn hay ẩn tu. Trong hình thái hiện nay, nếp sống đan tu Tây Phương đặc biệt cảm hứng từ thánh Biển Đức, thừa hưởng gia sản của đông đảo những người nam nữ đã từ bỏ lối sống theo thế gian, tìm kiếm Thiên Chúa và hiến mình cho Người, 'không ưa chuộng gì khác ngoài tình yêu Đức Ki-tô'."
Ngày nay, các đan sĩ vẫn còn cố gắng nối kết hài hoà đời sống nội tâm với việc làm khi cam kết theo Tin Mừng là sẽ hoán cải đời sống, vâng phục và vĩnh cư, cũng như khi chuyên cần thực thi việc suy gẫm Lời Chúa (lectio divina), cử hành phụng vụ, cầu nguyện.
Ở giữa lòng Giáo Hội và thế giới, các đan viện đã và còn đang là một dấu chỉ hùng hồn về sự hiệp thông, nơi ân cần tiếp đón những người đi tìm Thiên Chúa và những thực tại thiêng liêng, những trường học về đức tin và những trung tâm đích thực về học vấn, đối thoại và văn hoá nhằm xây dựng đời sống Giáo Hội và chính thành đô trần thế, trong thời gian mong đợi thành đô thiên quốc”.
Ngày nay, có nhiều hình thức đan tu mới, kể cả ngoài Giáo Hội Công Giáo, điển hình là đan viện Taizé bên Pháp, bắt đầu từ frère Roger Schutz thuộc giáo hội Cải cách, nhưng ngày nay trở thành một đan viện đại kết. Riêng đối với châu Á, ắt hẳn hình thức đan tu giữ một vai trò quan trọng trong việc đối thoại với các tôn giáo.
Thoạt tiên, xem ra gọi vị thánh lập dòng và vị thánh tổ phụ thì cũng như nhau thôi. Tôi là một tu sĩ dòng Thánh Đaminh: đối với chúng tôi, người được gọi là “thánh lập dòng”, “cha thánh” hoặc “thánh tổ phụ”. Tuy nhiên, ý nghĩa của những từ ngữ này có phần thay đổi ở trong ngôn ngữ châu Âu cũng như trong tiếng Việt.
Trong tiếng Việt, vị “lập dòng” xem ra mang tính pháp lý và cũng có thể áp dụng cho những người thành lập một hiệp hội, một công ty; còn tên gọi “tổ phụ” có vẻ thân mật hơn, gợi lên ý tưởng là ông tổ của một gia đình. Nên lưu ý là trong tiếng Việt, “dòng tu” muốn nói lên tình nghĩa gia đình (tựa như dòng họ, dòng tộc).
Chúng ta phải cám ơn các thừa sai nước ngoài, bởi vì khi đến giảng đạo ở nước ta các đấng đã tìm ra một từ ngữ hợp với văn hóa dân tộc là “dòng”, để thay thế cho các từ ngữ khá phức tạp trong tiếng La Tinh: ordo, congregatio, societas, institutum.
Trong bối cảnh một dòng họ, gọi vị sáng lập là “tổ phụ” quả là thích hợp, bởi vì tất cả các thành viên trong dòng đều nhìn nhận nhau như là phần tử của một gia đình, bắt nguồn từ một ông tổ. Tuy nhiên, đó là nói đến danh xưng trong tiếng Việt. Bên các ngôn ngữ châu Âu, người ta muốn phân biệt hai danh xưng “sáng lập ” (fundator) với “tổ phụ” (patriarca).
Vị “sáng lập” là người lập ra một dòng, còn “tổ phụ” thì được hiểu theo nghĩa là người cha tinh thần của một nhóm rộng rãi hơn. Thí dụ Thánh Đaminh là vị sáng lập dòng Anh em giảng thuyết; nhưng có rất nhiều dòng nữ cũng mang tên là dòng Đaminh: các dòng này không do chính Thánh Đaminh lập ra, nhưng họ chọn lấy tinh thần hoặc linh đạo của người làm như là lý tưởng. Người trở thành “tổ phụ”, một từ ngữ lấy từ Cựu Ước (chẳng hạn tổ phụ Abraham, Giacob), khai sinh ra một dòng dõi con cái đông đúc.
Dĩ nhiên, điều này cũng có thể nói nhiều vị thánh khác nữa, chẳng hạn như thánh Biển Đức, Thánh Phanxicô. Không nói ai cũng biết, chúng ta đang bàn về các vị thánh đã để lại một dấu ấn lớn trong lịch sử Giáo Hội, chứ không như ở Việt Nam, nơi mà hiện tượng tổ phụ bị lạm phát. Dù sao, vấn đề quan trọng không nằm ở chỗ phân biệt thánh “lập dòng” và thánh “tổ phụ”, nhưng là phân biệt nhiều hạng thánh lập dòng.
Tôi không nói đến nhiều vị thánh lập dòng, nhưng là nhiều hạng thánh lập dòng, hoặc nhiều loại thành lập dòng. Trước hết, chúng ta cần lưu ý là trong tiếng Việt, có sự lẫn lộn về từ ngữ giữa việc “sáng lập” và sự “thành lập” một Dòng tu.
Trong tiếng La Tinh, đó là hai hành vi khác nhau, với hai từ ngữ khác nhau. Chúng ta đang bàn đến việc lập dòng, tiếng La Tinh được gọi là fundatio. Sau đó việc lập dòng cần được giám mục châu phê bằng một nghị định, tiếng La Tinh là erectio, nhưng ở Việt Nam, người ta dịch là nghị định (hoặc sắc lệnh) “thành lập” hoặc “thiết lập” dòng”. Tôi xin lấy Dòng Đồng Công làm một thí dụ.
Dòng Đồng Công do cha Trần Đình Thủ sáng lập năm 1941, nhưng được đức cha Phạm Ngọc Chi ký nghị định thành lập năm 1953. Dĩ nhiên, Đức cha Chi không phải là vị sáng lập của dòng Đồng Công. Câu chuyện trở thành rắc rối khi mà chính Đức giám mục vừa lập dòng vừa ký nghị định châu phê, mà chúng ta sẽ trở lại sau.
Điều tôi muốn nói ở đây là khi bàn về khái niệm sáng lập, các sử gia đã phân biệt ít là có 7 loại sáng lập dòng.
(1) Loại thứ nhất, là các vị sáng lập theo nghĩa chặt chẽ, như các vị thánh mà phụng vụ đang mừng lễ trong tuần này, tựa như thánh Inhaxiô, thánh Anphonsô, thánh Eymard, Thánh Đaminh.
(2) Loại thứ hai là một vị đã gợi lên một dự án, nhưng người qua đời trước khi mang ra thực hiện. Điển hình là chân phúc Charles de Foucauld: người viết xong bản luật và chết trong sa mạc; sau đó cha René Voillaume đã lấy bản luật ấy để lập ra dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu; đối với dòng này, đấng sáng lập là cha Foucauld chứ không phải là cha Voillaume.
(3) Loại thứ ba là những dòng nhận lấy tinh thần của một vị thánh nào đó, mặc dù không phải do chính người sáng lập. Điển hình là dòng thánh Biển Đức và dòng Thánh Augustinô. Thánh Biển đức chỉ lập một vài đan viện, chứ không lập một dòng tu. Mãi về sau này, nhiều đan viện cũng chấp nhận giữ luật của thánh Biển đức, rồi liên kết thành một Dòng. Điều tương tự cũng xảy ra đối với dòng Thánh Augustinô: lúc sinh thời, người có lập vài đan viện ở miền Bắc Phi, nhưng những đan viện này đã bị tiêu diệt khi vùng đất này bị người Hồi Giáo chiếm đóng. Ta cũng có thể xếp vào loại này các thánh “tổ phụ” đã nói trên đây, chẳng hạn như các dòng nữ tu Đaminh nhận Thánh Đaminh là vị sáng lập theo nghĩa là áp dụng tinh thần của người, chứ người không lập ra các dòng ấy.
(4) Loại thứ bốn là những vị cải tổ một dòng đôi khi cũng được xem như vị sáng lập. Điển hình là Thánh Têrêsa Avila, vị cải tổ dòng Carmêlô. Thực ra, khó xác định chính xác vị sáng lập dòng Carmêlô, bởi vì bắt nguồn từ một số ẩn sĩ trên núi Carmêlô bên thánh địa, rồi sau đó được đức giám mục Giêrusalem phê chuẩn bản luật. Sau này họ dời về châu Au và không sống đời ẩn sĩ nữa.
(5) Loại thứ năm là nhiều dòng do các giám mục thành lập tại các miền truyền giáo, để đáp ứng các nhu cầu tông đồ của giáo phận. Chúng ta có thể lấy dòng Đức Mẹ Ảnh Vảy ở Kontum hoặc dòng Nữ Vương Hòa bình ở Banmethuôt làm thí dụ. Các vị giám mục sáng lập khi đang làm chủ chăn giáo phận, và người dành tâm lực thời giờ để lo cho giáo phận hơn là dành chăm lo điều khiển dòng mà các đấng thiết lập.
(6) Loại thứ sáu áp dụng cho các đan viện bên các giáo hội Đông Phương: họ được thành hình từ những truyền thống tâm linh cổ truyền (tựa như thánh Basiliô, thánh Cassianô), nhưng không nhận một vị thánh nào làm đấng sáng lập hết.
(7) Sau cùng, một loại thứ bảy là những dòng đã ra đời trong những hoàn cảnh mà yếu tố thần khí khó xác định được, và vì thế cũng khó xác định vị sáng lập. Tôi xin trưng dẫn một thí dụ. Trong giáo phận Sàigòn, có đến 7 hội dòng Mến Thánh Giá. Tất cả đều nhận tổ phụ là đức cha Lambert de la Motte, nhưng chắc chắn là Đức cha không trực tiếp “sáng lập” hoặc “thành lập” tất cả bảy dòng ấy. Ngoài đức cha Lambert, chắc hẳn còn nhiều sự can thiệp khác nữa.
Chắc chắn rồi. Có những vị thánh thiết lập nhiều dòng và mỗi dòng có một đặc sủng khác nhau, thí dụ chân phúc Teresa Calcutta lập ra hai dòng nữ (một dòng hoạt động và một dòng chiêm nịêm) và hai dòng nam cũng với sự khác biệt tương tự.
Đối lại với hiện tượng một vị sáng lập nhiều dòng là hiện tượng một dòng có nhiều vị sáng lập. Phụng vụ kính 7 thánh lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ ngày 17 tháng 2, và quen thuộc với chúng ta hơn nữa là dòng Nữ tử Bác ái với Thánh Vinh-sơn Phaolô và Thánh Louise Marillac, hoặc dòng Con Đức Mẹ phù hộ, với Thánh Gioan Bosco và Thánh Maria Domenica Mazzarella. Trường hợp này chúng ta có các vị “đồng sáng lập”.
Có chứ. Giáo Hội nhìn nhận rằng mỗi vị sáng lập đã lãnh nhận được một đặc sủng của Chúa Thánh Thần để đáp ứng với một nhu cầu của Hội Thánh. Điều này giả thiết là vị sáng lập đã có một cảm nghiệm tâm linh sâu sắc và mở ra một đường hướng mới trong hành trình nên thánh.
Chúng ta đừng quan niệm vị lập dòng như một người thành lập một công ty sản xuất hoặc một tổ hợp lao động. Không phải thế, các vị lập dòng được ơn đặc biệt để vạch ra một con đường nên thánh qua việc phục vụ Nước Thiên Chúa. Đó là điều mà ngày nay thần học gọi là “đặc sủng của vị sáng lập”, gắn liền với một linh đạo. Đặc sủng này được ban cho vị sáng lập nhưng được chia sẻ bởi những người gia nhập dòng tu của người.
Dĩ nhiên, có những yếu tố thuộc về cá nhân của vị sáng lập và không thể truyền đạt được, và có những yếu tố có thể được truyền đạt cho dòng tu, mà Giáo Luật gọi là “gia sản tinh thần” của dòng. Các phần tử có nhiệm vụ bảo tồn gia sản ấy, không như một món đồ cổ kính của bảo tàng viện, nhưng cần được vun trồng và thích nghi theo thời gian và không gian.
Điều này quả thực là không đơn giản, bởi vì luôn có sự căng thẳng giữa việc trung thành với cội nguồn (để duy trì căn tính) và việc thích nghi với hoàn cảnh mới mẻ. Dù sao, như tôi đã nói ở đầu, ở Việt Nam có sự lạm phát tổ phụ và lập dòng: phải chăng mỗi vị lập dòng đều lãnh nhận được một cảm nghiệm tâm linh của Chúa Thánh Thần? Đó là điều cần được xét lại.
Trường hợp các vị lập dòng bị hiểu lầm không phải là họa hiếm, bởi vì họ dám đề ra một thể thức sống đạo mới, đáp ứng nhu cầu mới của thời đại; đang khi đó, cộng đồng Dân Chúa chưa nhận ra điều ấy.
Điều khổ tâm cho nhiều vị sáng lập là họ bị trục xuất ra khỏi dòng do mình sáng lập. Thánh Gioan Thánh Giá đã bị anh em tống ngục khi đưa ra dự án cải tổ. Thánh Giuse Calasanziô và thánh Alphonsô bị Tòa Thánh cách chức lãnh đạo. Đó là những đau khổ nhằm thanh luyện các đấng. May thay, sau một thời gian, nội vụ đã được làm sáng tỏ và các đấng đã được phục hồi địa vị.