Trong việc tiếp xúc hàng ngày, chúng ta thấy các cử chỉ và lời nói thường đi đôi với nhau và giải thích ý nghĩa cho nhau. Chẳng hạn như khi gặp một người nào, ngoài lời chào, ta còn thêm một cử chỉ của thân thể. Bên Đông Phương, khi chào nhau, thì hai người cùng cúi mình như để tỏ lòng tôn kính (dĩ nhiên là cấp dưới thường phải bái sâu hơn). Bên Tây Phương, người ta bắt tay nhau để bày tỏ sự thân thiện. Thật vậy, cử điệu này ra như muốn nói rằng: “đây, tôi chìa tay ra để cho anh thấy là tay tôi không cầm khí giới!”
Trong nghi thức khấn dòng, cũng như nhiều nghi thức phụng vụ, chúng ta cũng thấy có sự liên kết giữa lời nói và cử chỉ như vậy. Trong lịch sử các dòng tu, việc dâng mình cho Chúa được biểu lộ qua nhiều dấu hiệu. Thời xưa, ai muốn đi tu thì phải cạo trọc đầu (cũng giống như các nhà sư bên Phật Giáo), cùng với việc lột bỏ áo sống ngoài đời để khoác vào chiếc áo dòng.
Có lẽ nghi thức này bắt chước nghi thức rửa tội: người dự tòng phải cởi bỏ con người cũ, dìm mình xuống nước như biểu hiệu cho cái chết cho thế gian, rồi sau đó, mặc lấy áo mới, tượng trưng cho việc khoác lấy Đức Kitô.
Đến khi đời sống tu trì được tổ chức quy củ hơn, thì người ta đặt ra các nghi thức khác, dựa theo các nghi thức đoan hứa đã lưu hành trong xã hội. Trong lịch sử, có rất nhiều nghi thức khấn dòng, nhưng người ta tóm lại thành ba nhóm chính như sau: thứ nhất, khấn trên bàn thờ; thứ hai là khấn trong tay; thứ ba là khấn trước Mình Thánh Chúa.
Khấn trên bàn thờ không hẳn là đặt tay trên bàn thờ khi tuyên khấn. Dĩ nhiên, thói tục đặt tay lên bàn thờ khấn đã lưu hành nơi nhiều tôn giáo, và được Tin Mừng Thánh Matthêu nhắc đến ở chương 23, câu 28.
Khi nói khấn trên bàn thờ thì người ta hiểu là đặt tờ giấy đã khấn lên bàn thờ. Tục lệ này lưu hành từ thời các đan sĩ, và được thánh Biển đức lấy lại trong bản luật, chương 58.
Việc khấn dòng diễn ra như thế này: Sau khi đã mãn giai đoạn thử luyện, tập sinh được dẫn ra nhà thờ, trước sự hiện diện của toàn thể cộng đồng. Tập sinh đứng (hay quỳ) trước bàn thờ, đọc lời hứa vĩnh cư, cải hoán và vâng lời, trước sự chứng kiến của viện phụ và cộng đoàn. Đôi khi tập sinh cúi đầu hay đặt tay trên bàn thờ vào lúc đọc lời khấn.
Tờ giấy viết lời khấn được đặt trên bàn thờ trong suốt Thánh Lễ, sau đó được lưu giữ trong văn khố. Tiếp đó, cộng đoàn sẽ xướng thánh vịnh 119,116: “Lạy Chúa, xin nhận con theo như lời Chúa hầu con được sống; xin đừng để con thất vọng ê chề”.
Rồi, người mới khấn sẽ đến phủ phục dưới chân của mỗi đan sĩ để xin cầu nguyện cho mình được trung thành. Sau cùng đan sinh sẽ lột bỏ áo đời và khoác áo dòng.
Truyền thống của Dòng Biển đức cử hành lễ nghi khấn vào lúc dâng lễ vật trong Thánh Lễ. Như vậy, khấn trên bàn thờ có nghĩa là đọc lời tuyên khấn gần bàn thờ để nói lên ý chí hiến dâng, hợp với hy lễ Đức Kitô trên bàn thờ.
Sang thời Trung Cổ, hình thức khấn thay đổi với các Dòng kinh sĩ, hiệp sĩ và hành khất. Nghi lễ diễn ra ở phòng hội (capitulum) tu viện, chứ không phải ở nhà thờ nữa.
Lễ nghi diễn ra như sau: tập sinh phủ phục giữa phòng hội, xin được gia nhập cộng đoàn. Sau những câu hỏi chất vấn, tập sinh đứng lên, tiến đến trước mặt bề trên, quỳ gối xuống, đặt tay mình trong tay của bề trên và đọc lời khấn. Có khi Bề trên và tập sinh cùng nắm tờ giấy viết lời khấn.
Tập sinh khấn với Bề trên: “con xin hứa vâng lời Thiên Chúa và cha”. Bề trên không chỉ chứng kiến việc khấn, nhưng đích thân đứng ra nhận lời khấn: Bề trên trở thành đối thể của lời khấn.
Nghi thức kết thúc với những cử chỉ tiếp nhận, đó là bề trên và cộng đoàn sẽ quàng tay ôm tân khấn sinh và chúc bình an.
Nghi thức khấn trong tay muốn làm nổi bật chiều kích cộng đoàn của lời khấn: tập sinh được gia nhập vào cộng đoàn, và cộng đoàn đón tiếp tập sinh. Trong nghi thức khấn trên bàn thờ thì chiều kích cộng đoàn không nổi bật cho lắm: cộng đoàn chỉ chứng kiến việc dâng hiến của tu sĩ: người tu sĩ khấn với Chúa chứ không phải với cộng đoàn.
Hình thức khấn trong tay ra đời vào thời Trung Cổ; còn hình thức thứ ba (khấn trước Mình Thánh Chúa vào lúc rước lễ) được du nhập từ thánh Inhaxiô.
Vào lúc sắp hiệp lễ, chủ tế nâng Mình Thánh Chúa lên, tập sinh tiến đến đọc lời khấn, rồi sau đó hiệp lễ. Lời khấn đọc trước Mình thánh mang hình thức của một lời thề dưới sự chứng giám của Chúa.
Thí dụ như trong công thức của Dòng Tên: “Con khấn với Thiên Chúa, trước mặt Đức Trinh nữ Maria, triều thần thiên quốc và tất cả mọi người đứng quanh đây, và Cha T.” (Không rõ là “khấn với Cha” hay “trước mặt Cha”).
Theo các nhà chú giải Dòng Tên, thì đây cũng là lời khấn trong tay giống như các Dòng Trung Cổ, nhưng thay vì khấn trong tay bề trên thì khấn trong tay Chúa. Nhiều Dòng nữ cận đại chịu ảnh hưởng của Dòng Tên cũng tuyên khấn trước Mình Thánh Chúa.
Lúc nãy tôi có đưa giả thiết về ý nghĩa cử chỉ bắt tay. Vào lúc đầu, khi xòe tay ra, có lẽ người ta muốn cho thấy rằng mình không cầm khí giới trong tay. Nhưng dần dần, cử chỉ này đã thay đổi: việc bắt tay có khi mang ý nghĩa giống như nắm tay, một cử chỉ nói lên sự liên kết chặt chẽ.
Một cách tương tự như vậy, ý nghĩa của nghi thức khấn trong tay vào lúc đầu (nghĩa là vào thời Trung Cổ) có lẽ khác với ngày nay. Tuy nhiên, việc tìm về nguồn gốc không phải là thừa. Chúng ta cần phải lồng nó trong khung cảnh lịch sử của thời Trung Cổ.
Trong một thời buổi ly loạn giặc giã, người dân muốn tìm một nơi vững chắc để nương náu. Thời đại ấy cũng còn được đánh dấu bởi nền kinh tế tạm gọi là nông nô: người nông dân đem ruộng đất của mình đặt dưới sự bảo hộ của một người hùng. Bên cạnh đó là các nông dân "vô sản" đến đăng lính cho một ông hoàng, với hy vọng được lãnh một phần ruộng đất canh tác hoặc kiếm kế sinh nhai.
Cử chỉ đặt tay mang ý nghĩa của một khế ước song phương. Một bên thì đến xin bảo vệ, và hứa trung thành phục vụ. Bên kia thì hứa sẽ che chở, bảo vệ và cấp dưỡng. Đặc biệt là lễ nghi được áp dụng trong việc thâu nhận các hiệp sĩ. Hiệp sĩ đến trước mặt lãnh chúa (senior), hoặc đứng nếu ông này đứng, hoặc quỳ nếu ông này ngồi. Vị lãnh chúa nắm lấy tay hiệp sĩ. Hiệp sĩ tuyên hứa tôn kính và trung thành (nghĩa là sẽ không suy phục ông hoàng nào khác nữa). Do tương quan kết ước, lãnh chúa nhận bảo vệ che chở hiệp sĩ, tượng trưng qua việc trao ngựa, khí giới, bánh và sách quy luật.
Các Dòng tu không thấy vấn nạn nào khi du nhập tập tục vào đời sống của mình. Tu sĩ chẳng tìm thấy trong nhà dòng sự bảo trợ thiêng liêng để chống lại các cuộc tấn công của ma quỷ đó sao? Tu sĩ chẳng phải là một chiến sĩ (hiệp sĩ) tham gia trận chiến thiêng liêng dưới sự hướng dẫn của viện phụ nhằm chinh phục nước trời đó sao?
Đó là lý do xuất hiện cử chỉ “khấn trong tay” nơi các Dòng tu. Tuy nhiên, như đã nói, ý nghĩa của nó đã thay đổi không ít. Vào lúc đầu, khi thỉnh sinh đặt tay lên tay của bề trên thì cử chỉ này tượng trưng cho sự trao nộp tất cả những gì mình có cho Bề trên và cho Dòng; đối lại, Dòng hứa sẽ bảo đảm cấp dưỡng tất cả những gì cần thiết cho thỉnh sinh.
Dần dần, cử chỉ này không chỉ có ý nghĩa khế ước song phương giữa thỉnh sinh và bề trên nữa, nhưng còn thêm sự hiện diện của nhân vật thứ ba, đó là Thiên Chúa. Tu sĩ khấn vâng lời Thiên Chúa. Bề trên thay mặt Thiên Chúa đứng ra nhận lời khấn, cũng như thay mặt cộng đoàn để đón nhận tu sĩ. Cử chỉ đặt tay không chỉ mang ý nghĩa của sự trao nộp, và còn có ý nghĩa của sự thân tình: bề trên nắm chặt hai tay của tu sĩ như dấu hiệu của việc gắn bó keo sơn.
Chắc chắn rồi. Nếu không thì những lời sẽ mất hết ý nghĩa. Nên lưu ý là trong nghi lễ truyền chức linh mục và phó tế, thì đức giám mục cũng nắm tay vị tân chức và hỏi: “Con có hứa vâng phục Cha và những người kế vị không?”. Duy có điều là trong nghi thức truyền chức, cử chỉ này chỉ là yếu tố phụ thuộc; còn trong nghi thức khấn dòng, thì nó là cử chỉ cốt yếu.
Sau nghi thức tuyên khấn, có thể thêm vài chi tiết phụ khác, chẳng hạn như trao nhẫn đối với các nữ tu, hoặc trao sách hiến pháp, thánh giá, đèn sáng trong các dòng nam.
Cần phải thú nhận rằng trong quá khứ, nhiều lần người ta đã trình bày một cách lệch lạc về bậc trinh khiết cũng như về bậc hôn nhân.
Sự trinh khiết thường chỉ được nhìn dưới khía cạnh tiêu cực, nghĩa là độc thân, không lập gia đình. Nếu hiểu như vậy thì thử hỏi: làm sao mà so sánh giá trị với bậc gia đình được? Nếu so sánh giữa người không lập gia đình với người lập gia đình, thì chắc chắn là người lập gia đình vẫn hơn chứ, bởi vì bao giờ có vẫn hơn không!
Tiếc rằng trước đây bậc hôn nhân cũng được trình bày một cách tiêu cực không kém, theo nghĩa là hôn nhân nhằm để mà kiềm chế các dục vọng. Ai ai cũng mang những dục vọng phái tính trong mình; nhưng mà bậc thánh nhân thì có khả năng tiết dục cho nên họ sống độc thân được. Còn ai mà kém nhân đức thì nên lập gia đình, ngõ hầu có thể thỏa mãn tính dục một cách hợp pháp!
Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng” đã sửa đổi quan niệm về hôn nhân. Hôn nhân không phải là cái gì ghê tởm, dành cho những ai không thể kiềm chế tính dục. Không phải như vậy: cần phải nhìn hôn nhân trong chương trình của Đấng Tạo Hóa, nơi mà hai người nam nữ trao thân cho nhau qua một dây tình yêu bền vững, tình yêu mang lại hoa trái là các con cái. Hôn nhân là biểu tượng của tình yêu trao hiến, được nâng lên hàng bí tích, tượng trưng của mối tình chung thủy giữa Đức Kitô với Hội Thánh.
Nếu mà sự độc thân chỉ được hiểu theo nghĩa tiêu cực như là không kết hôn, thì đúng như vậy: Có vẫn hơn không! Tiếc rằng từ sau công đồng, người ta đã nói rất nhiều tới sự canh tân thần học về hôn nhân, nhưng ít người theo dõi sự canh tân thần học về độc thân.
Thực ra, cần thú nhận các từ ngữ trong lãnh vực này có nhiều thiếu sót. “Độc thân” chỉ nói tới tình trạng của người sống một mình, không có đôi bạn. Nhưng thử hỏi: con người sống một mình thì đâu có tốt? Đôi khi người ta muốn tìm một từ ngữ nào tích cực hơn, chẳng hạn như “trinh khiết”.
Nhưng mà trong nhiều ngôn ngữ, sự trinh khiết hình như chỉ dành riêng cho nữ giới chứ không áp dụng cho nam giới! Và kể cả khi nói tới sự trinh khiết của nữ giới, người ta thường chỉ hiểu về khía cạnh thể lý (cô gái còn trinh khi mà chưa có giao hợp).
Trước đây sự so sánh dựa trên giả thiết là người độc thân thì có khả năng tiết dục, kiềm chế được các bản năng; còn người không kiềm chế được thì đi kết bạn. Tuy nhiên, như đã nói trên, Công Đồng Vaticanô II đã trình bày bậc hôn nhân dưới khía cạnh tích cực hơn. Một cách tương tự như vậy, công đồng cũng muốn trình bày lại bậc độc thân một cách tích cực hơn.
Độc thân không phải chỉ có nghĩa là sống một mình, không có đôi bạn. Sự độc thân và trinh khiết cần được nhìn trong viễn tượng đối thần, xét như là biểu tượng của một tình yêu dành cho một mình Thiên Chúa, biểu tượng của thực tại cánh chung.
Có lẽ tác giả đầu tiên so sánh bậc trinh khiết với bậc hôn nhân là Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, ở chương 7. Dĩ nhiên là cần phải lưu ý tới bối cảnh lịch sử của nó, ngõ hầu tránh sự hiểu lầm tư tưởng của thánh Phaolô.
Trong quá khứ, người ta chỉ lưu ý tới câu 28, viết như sau: “Nếu bạn cưới vợ, thì cũng chẳng có tội gì. Và nếu người con gái lấy chồng, thì cũng chẳng có tội gì. Tuy nhiên, những người ấy sẽ tự chuốc lấy những gian truân khốn khổ. Mà tôi, tôi muốn cho anh em thoát khỏi điều đó”.
Người ta đã dựa vào câu đó để kết luận rằng theo Thánh Phaolô, việc kết hôn là chuyện bất dắc dĩ, còn đời sống độc thân là chuyện tốt hơn.
Có lẽ phải nói ngược lại mới đúng. Trong xã hội Hy Lạp thời đó, có những thuyết hạ giá thân xác và hôn nhân, cho rằng đó là chuyện tội lỗi. Thánh Phaolô đã chống lại thuyết đó; và khẳng định rằng việc lấy vợ lấy chồng không phải là xấu xa tội lỗi gì hết, bởi vì nó phù hợp với chương trình của Thiên Chúa.
Sự so sánh giữa bậc hôn nhân với bậc khiết tịnh được Thánh Phaolô nói ở chỗ khác, ở câu 38: “Ai cưới người trinh nữ của mình thì làm một việc tốt; nhưng ai không cưới, thì làm một việc tốt hơn”. Như vậy, sự đối chiếu không phải là giữa điều xấu với điều tốt, nhưng là giữa điều tốt và điều tốt hơn.
Một lần nữa, cần phải nhấn mạnh rằng không nên nhìn sự độc thân theo nghĩa tiêu cực (không lập gia đình)! Cần phải nhìn sự độc thân hay trinh khiết theo chiều hướng tích cực.
Thánh Phaolô đã giải thích những lý do của sự so sánh trong những câu 32-35 của chương 7. Lý do chính của sự so sánh ở chỗ người không kết bạn thì dành hết tình yêu cho Chúa, gắn bó với Chúa, chuyên lo việc Chúa; còn người có gia đình thì phải lo lắng chuyện gia đình.
Đã có nhiều người nghĩ như vậy. Nhưng lập luận đó không thỏa đáng. Lịch sử cho thấy rằng có nhiều đôi hôn nhân cũng dành khá nhiều thời giờ để phục vụ Thiên Chúa và đồng loại; thậm chí, có khi còn hữu hiệu hơn những người độc thân nữa.
Các nhà chú giải Kinh Thánh đã cố gắng tìm hiểu thêm động lực nào đã khiến Thánh Phaolô chuộng bậc độc thân trinh khiết hơn là bậc hôn nhân, và họ nhận thấy rằng vấn đề phục vụ không phải là ưu tiên.
Muốn hiểu tư tưởng của thánh Tông đồ, cần phải đặt trong viễn tượng cánh chung. Từ câu 29 đến câu 31, tác giả đã viết như sau: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi”.
Dĩ nhiên, đã có người giải thích rằng Thánh Phaolô tưởng lầm rằng sắp sửa tận thế đến nơi rồi, vì thế không cần cưới vợ gả chồng làm gì nữa! Tuy nhiên, nói như vậy thì hơi nông cạn. Chiều hướng cánh chung không hiểu theo nghĩa là tận thế đã gần kề cho bằng kỷ nguyên mới đã bắt đầu với cuộc Phục Sinh của Đức Kitô.
Trong tư tưởng của Thánh Phaolô, cuộc Phục Sinh của Đức Kitô không chỉ ảnh hưởng đến thân thể của Người nhưng còn ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại và toàn thể vũ trụ. Một thời điểm mới đã bắt đầu, thời điểm tái tạo vạn vật. Khi lãnh bí tích rửa tội, người tín hữu được tham dự vào một cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô. Vì thế họ cần phải diễn tả sự tham dự vào cuộc phục sinh ra thực tại.
Chính trong bối cảnh đó, mà Thánh Phaolô đối chiếu sự trinh khiết với bậc hôn nhân. Bậc hôn nhân gắn với kỷ nguyên mau tàn của hiện tại; còn bậc trinh khiết tượng trưng cho kỷ nguyên tương lai, khi con người không còn cần dựng vợ gả chồng nữa. Tư tưởng này được Phúc Âm nhắc lại trong cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và nhóm Sađuxê (Mc 12,25).
Đúng thế. Khi đề cao bậc trinh khiết, Giáo Hội không quên nêu bật rằng cần phải hiểu về sự trinh khiết “vì Nước Trời”.
Chúng ta có thể đọc thấy trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo ở các số 1618-1620. Nhất là chúng ta đừng nên quên rằng sự so sánh này có tính cách khách thể, xét theo giá trị biểu tượng của chúng. Còn khi xét từng cá nhân, thì không ai được quyền lên mặt, tự coi mình như là cao trọng thánh thiện hơn người khác! Không phải những người khấn giữ trinh khiết vì Nước Trời đương nhiên là thánh thiện hơn những người lập gia đình.
Trở lại với ngôn ngữ của Thánh Phaolô, ta có thể nói được rằng sự so sánh giữa bậc trinh khiết với bậc hôn nhân thuộc về cấp độ đoàn sủng (hay đặc sủng), được Thánh Phaolô giải thích ở chương 12 của thư thứ nhất gửi Corintô.
Nhưng sau khi đã trình bày ý nghĩa và giá trị của các đoàn sủng, ở chương thứ 13 tiếp theo đó, Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu rằng ơn cao trọng hơn cả là đức mến. Và chính đây mới thực là tiêu chuẩn đo lường sự cao thấp của mỗi người trước mặt Chúa.
Câu hỏi này có thể được trả lời dưới nhiều phương diện khác nhau: phương diện Giáo Luật và phương diện thực hành; phương diện lịch sử và phương diện tu đức.
Xét theo khía cạnh Giáo Luật, thì không có điều khoản nào ngăn cấm các người góa đi tu hết. Chắc là chị đã biết, trong đạo Công Giáo có hai loại tu trì: tu làm tu sĩ và tu làm giáo sĩ. Cả nam giới lẫn nữ giới đều có thể đi tu làm tu sĩ; còn các giáo sĩ thì chỉ dành riêng cho nam giới.
Đối với vấn đề gia nhập hàng ngũ tu sĩ, bộ Giáo Luật chỉ cấm thâu nhận những người đã lập gia đình, bao lâu giá thú còn hiệu lực (xc.: đ.643 §1,1* đối với các dòng tu; đ.721 §1,3* đối với các tu hội đời). Do đó khi nào giá thú hết hiệu lực thì có thể đi tu được. Nên biết là giá thú hết hiệu lực không phải chỉ vì người phối ngẫu đã mệnh một, nhưng còn vì giá thú được toà án Giáo Hội tuyên bố vô hiệu, hay là miễn chuẩn hợp pháp.
Bước sang vấn đề thâu nhận vào hàng giáo sĩ, thì đ.1042 cấm truyền chức cho người nam có đôi bạn, (đừng kể trường hợp được tiến cử lên hàng phó tế vĩnh viễn).
Nên lưu ý về sự khác biệt giữa hiệu quả pháp lý của hai sự ngăn cấm vừa nêu. Đối với hàng tu sĩ, việc thâu nhận người đang có giá thú sẽ vô hiệu; còn đối với hàng giáo sĩ, việc truyền chức cho người đang có giá thú thì bất hợp lệ nhưng vẫn hữu hiệu. Dù sao đi nữa, không có điều luật nào ngăn cấm người góa chồng hay góa vợ đi tu cả.
Trên thực tế, việc nhận những người góa đi tu tùy thuộc vào tập tục địa phương hay là của mỗi cộng đoàn. Nói chung, các chủng viện và Dòng nam sẵn sàng chấp nhận các người góa hơn là các Dòng nữ.
Trong những năm dạy học tại Rôma này, tôi đã gặp những chủng sinh đã có cháu nội. Và đã có trường hợp hai cha con đồng tế với nhau. Chuyện này không có gì lạ hết. Người con đã đi tu trước và làm linh mục. Còn ông bố, sau khi bà xã qua đời, thì cũng theo chân của con mình, đi tu và làm linh mục. Trong ngày lễ mở tay của bố, người con đóng vai thượng khách trong số các vị đồng tế.
Tôi không hiểu tại sao các dòng nữ lại có thái độ dè dặt hơn trong việc chấp nhận các người góa. Thậm chí có Dòng còn ghi trong hiến pháp khoản cấm thâu nhận người góa.
Một điều khoản khác cũng có thể giới hạn cách gián tiếp khi họ ấn định tuổi tối đa. Chẳng hạn như nếu Hiến pháp quy định sẽ không thâu nhận ứng sinh nào quá 30 tuổi, thì các bà góa coi như đã được yêu cầu đừng gõ cửa. Các Dòng nam thì không có giới hạn tuổi tối đa!
Tuy nhiên, nếu chúng ta đi ngược lại dòng lịch sử thì phải nói rằng hàng ngũ của các bà góa tận hiến đã xuất hiện ngay từ đầu của Hội Thánh, nghĩa là đã trở thành một định chế; đang khi mà các ông góa đi tu là luật trừ, vì thế cho nên không được nhắc tới.
Hàng ngũ này đã xuất hiện ngay từ trong Tân Ước, nghĩa là vào thời các thánh tông đồ. Chúng ta thấy có sự thay đổi quan trọng của Kitô Giáo về chỗ đứng của các bà góa.
Trong Cựu Ước, các bà góa là đối tượng săn sóc của cộng đoàn các tín hữu. Họ có nghĩa vụ phải giúp đỡ chăm sóc các quả phụ cũng như các cô nhi, ngoại kiều. Chúng ta có thể đọc thấy các quy tắc đó ở nhiều tác phẩm, chẳng hạn như: sách Xuất Hành chương 22 câu 21-23; sách Đệ Nhị Luật chương 14, câu_28-29.
Các Kitô Hữu tiên khởi tại Giêrusalem cũng tiếp tục truyền thống đó; và có thể nói được là tác vụ trợ tá (diakonos) đã được thiết lập để săn sóc các bà góa (chương 6 sách Tông Đồ Công Vụ). Thế nhưng, khi sang tới thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi Timôtêô (chương 5), ta thấy có sự chuyển hướng.
Các bà góa không còn phải là đối tượng để cho cộng đoàn chăm sóc, nhưng họ trở thành một định chế, tạo thành một hàng ngũ có chỗ đứng trong cộng đoàn, bởi vì họ tham gia tích cực vào sinh hoạt của cộng đoàn. Nói cho đúng, tác giả nói đến cả hai hạng quả phụ: một hạng cần được cộng đoàn lưu tâm săn sóc (câu 16); hạng khác thì thực sự tham gia vào sinh hoạt của cộng đoàn: Họ chuyên chăm ngày đêm đọc kinh cầu nguyện (câu 5); đã quen làm việc thiện, hiếu khách, rửa chân cho các thánh, giúp đỡ người gian truân (câu 9-10).
Họ họp thành một đoàn ngũ (ordo), và chỉ được thu nhận khi đã 60 tuổi. Tóm lại, tác vụ của các bà góa trong Hội Thánh là cầu nguyện, khiết tịnh, bác ái.
Sang đến những thế kỷ tiếp đó, các bà góa được ủy thác việc chuẩn bị các dự tòng lãnh bí tích rửa tội: chuẩn bị qua việc dạy giáo lý cũng như chuẩn bị khi đưa các thiếu nữ dìm mình trong bể nước. Họ cũng được giao cho việc giúp đỡ các bà góa túng quẫn hay là đảm đương vài công thác từ thiện.
Các sử gia cho rằng đây là nguồn gốc của định chế “nữ trợ tá” (diaconissa). Diakonia phải dịch là trợ tá thì đúng hơn là phó tế, bởi vì việc chính của họ không phải là phụ giúp vào việc tế lễ cho bằng thi hành các dịch vụ trong cộng đoàn.
Tuy nhiên, một điều gây thắc mắc không ít cho các sử gia là trong các tác phẩm của các giáo phụ, không rõ tiếng “quả phụ” ám chỉ một bà góa chồng, hay đã trở thành một từ ngữ chuyên môn. Lý do tại vì thánh Inhaxiô tử đạo, trong lá thư gửi cộng đoàn Smirna, có nói tới “các trinh nữ được gọi là bà góa”. Có thể là vào thời này, các bà góa đã tụ tập thành cộng đoàn, và thu nhận cả các trinh nữ nữa chăng. Nên biết là vào lúc đầu những từ ngữ về tác vụ còn mơ hồ lắm: thí dụ giám mục (episcopos) chỉ có nghĩa là giám sát; linh mục (presbyteros) nguyên gốc là ông lão.
Thực khó xác định được vào lúc nào hàng ngũ các bà góa đã biến mất. Thực ra thì không phải chỉ có hàng ngũ các bà góa biến mất, mà kể cả hàng ngũ của các trinh nữ cũng chung một số phận. Mặt khác, phải hiểu thế nào là “hàng ngũ” (Ordo)?
Chắc chắn là vào thời đó, các kỹ thuật pháp lý chưa hoàn bị, cho nên chưa có những cơ chế vững chắc. Khi nói tới hàng ngũ các trinh nữ hay các quả phụ, chúng ta đừng vội nghĩ rằng họ kết nạp thành đoàn thể hoặc là sống thành cộng đoàn. Không, các trinh nữ vẫn tiếp tục sống tại gia đình; phần nào có thể ví với các thành viên tu hội đời ngày nay. Họ được thánh hiến cho Thiên Chúa qua nghi thức phụng vụ; nhưng họ vẫn tiếp tục cuộc sống thường nhật như bao nhiêu thiếu nữ khác. Chúng ta cũng có thể nói cách tương tự về các bà góa.
Đến khi các đan viện và dòng tu xuất hiện, thì dĩ nhiên các trinh nữ và các bà góa sẽ hoan hỉ gia nhập các đơn vị này; rồi từ đó, ta cũng dễ hiểu sự tan biến của hai hàng ngũ vừa nói.
Ngày nay, có người đã đề nghị tái lập. Thế nhưng Bộ Giáo Luật năm 1983 chỉ tái lập các ẩn sĩ và các trinh nữ chứ không đả động tới các bà góa. Còn Bộ Giáo Luật của các Giáo Hội đông phương ban hành năm 1990 thì có đề cập tới hàng ngũ các quả phụ (đ.570), nhưng dành cho luật riêng xác định thêm chi tiết.
Đúng thế. Nhưng mà tôi xin nhắc lại rằng chỉ có bộ luật Đông Phương bàn đến định chế này, chứ bộ luật La Tinh không biết đến.
Trên thực tế, thì từ năm 1984, toà giám mục Paris, (tức là thuộc Giáo Hội La Tinh) đã châu phê một nghi thức cung hiến các quả phụ. Nghi thức này do một hiệp hội các bà quả phụ đệ trình (Rituel de Bénédiction des veuves. Fraternité N.D. de la Résurrection). Mục tiêu của hiệp hội này là nâng đỡ nhau trong việc chu toàn tinh thần chung thủy vợ chồng và dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa, đặc biệt qua việc dưỡng dục con cái, hầu biến gia đình thành Hội Thánh gia thất.
Lễ nghi chúc phúc các quả phụ diễn ra theo mô hình tương tự như nghi thức cung hiến các trinh nữ. Trong thánh lễ, sau bài giảng, các quả phụ được mời tiến ra trước bàn thờ. Vị chủ tế thẩm vấn ý định của họ, kế đó cộng đoàn hát kinh cầu các thánh.
Cốt yếu của nghi thức ở chỗ các quả phụ đọc tuyên ngôn như sau:
“Trước sự chứng kiến của Thiên Chúa Ba Ngôi và để làm vinh danh Người, hôm nay con xin khấn giữ khiết tịnh trọn đời. Nguyện xin Chúa Giêsu đón nhận sự dâng hiến bản thân con đây: con là gì và con có gì thì đều là của Chúa. Xin Chúa đón nhận sự dâng hiến của con, hầu mưu ích cho Hội Thánh, cho gia đình chúng con, cho tất cả các quả phụ và các gia đình trên thế giới”.
Công thức nói tới sự dâng mình (dâng hiến toàn thân và tài sản) cho Thiên Chúa. Đương sự chỉ minh thị khấn hứa giữ khiết tịnh; nhưng trong cuộc thẩm vấn trước đó, thì đương sự cũng hứa sẽ sống theo tinh thần khó nghèo và vâng phục nữa.
Sau khi đương sự đã đọc lời tuyên bố, vị chủ sự sẽ đọc hay hát lời nguyện chúc phúc. Nên biết là lời chúc phúc hay cung hiến các quả phụ mang một nội dung hoàn toàn khác với các tu sĩ và hội viên tu hội đời. Các người này tuyên khấn khiết tịnh trong bậc độc thân, như dấu hiệu của hôn nhân huyền nhiệm giữa Đức Kitô với Hội Thánh. Còn các bà goá thì đã cử hành bí tích hôn nhân thực sự. Tuy rằng mối dây đó đã đứt do cái chết của người bạn; nhưng lời chúc phúc muốn xin ơn củng cố mối dây đó trong tình yêu của Thiên Chúa. Mối tình trước đây dành cho người bạn trăm năm bây giờ được biến đổi nhờ lòng mến Chúa.
Một chiều kích khác của thân phận người quả phụ cũng được nêu bật là sự đau khổ do cảnh tang tóc gây ra. Sự đau khổ này được nhìn như là sự tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trong niềm hy vọng cũng được thông dự vào sự Phục Sinh của Người.
Để kết luận, trên đây tôi đã nói rằng các chủng viện và nhà dòng dễ mở cửa để thâu nhận các ông góa vợ, hơn là các dòng nữ đối với các bà góa chồng. Nhưng một mặt khác, các bà góa chồng đã có một truyền thống lâu đời họp thành một hàng ngũ riêng chứ không phải gia nhập một dòng tu nào hết. Hy vọng là tập tục này dần dần sẽ được khôi phục lại trong toàn Giáo Hội. Về phương diện này thì các ông thua các bà!