Theo chỉ thị của Công Đồng Vaticanô II về việc canh tân đời sống tu trì, mỗi dòng cần phải trở về nguồn gốc của mình, tìm hiểu ý định nguyên thuỷ của vị sáng lập cũng như chú ý đến việc thích ứng với thời thế. Thực sự, câu chuyện trở về nguồn không đơn giản tí nào. Chúng ta có thể lấy dòng Carmêlô làm thí dụ: dòng này không biết ai là vị sáng lập, và nếp sống hiện tại của họ hoàn toàn khác với nếp sống nguyên thuỷ.
Tôi không nói rằng dòng Carmêlô không có vị sáng lập, nhưng căn cước của vị này không được rõ rệt, hoặc nói đúng hơn: không có tài liệu lịch sử chắc chắn. Nguồn gốc của dòng Carmêlô có thể mô tả như thế này.
Vào khỏang cuối thế kỷ XI, một vài hiệp sĩ từ châu Âu tham gia thập tự quân bên Thánh Địa đã quyết định chọn nơi cô tịch ở trên núi Carmêlô, địa điểm nổi tiếng thời Cựu Ước với ngôn sứ Elia (xc 1 V 18,20-45), và tự xưng là “Những anh em Đức Mẹ núi Carmelô” (Fratres B. Mariae Virginis de Monte Carmelo).
Đức Cha Albertô Avogrado, Thượng Phụ Giêrusalem, đã soạn một luật sống (Formula vitae) cho họ (khỏang năm 1206 và 1214, năm mà đức cha qua đời). Chúng ta nên lưu ý nguồn gốc của họ: họ là những ẩn sĩ, nghĩa là những người đi tìm Chúa trong nơi cô tịch, chứ không sống thành cộng đoàn. Mỗi người sống riêng trong một cái chòi, và chỉ họp nhau ở trong nhà nguyện mỗi ngày để cử hành Thánh Lễ mà thôi. Mỗi tuần họ họp nhau một lần (gọi là capitulum) để được huấn đức do vị bề trên mà anh em đã bầu ra.
Khi nghe tin Công Đồng Lateranô IV (năm 1215) cấm lập thêm dòng mới, họ đã xin Tòa Thánh phê chuẩn bản luật đã ra đời từ trước. Ước nguyện của họ được ĐGH Hônôriô III chấp thuận ngày 30/1/1226.
Thế nhưng, không bao lâu sau, trước sự tấn công của Hồi Giáo ở Palestine, họ buộc lòng phải rời thánh địa rút về Âu Châu. Tại đây, họ được tổ chức lại thành một dòng tu theo kiểu các dòng hành khất (khó nghèo tập thể, họat động tông đồ), với bản luật “mới” (Hiến pháp) được ĐGH Innocentê IV châu phê ngày 1/10/1247. Các tu viện không còn được thiết lập ở miền thượng du như ban đầu, nhưng ở tại các thành phố. Các tu sĩ tham gia vào việc giảng thuyết tại các thánh đường cũng như việc giảng huấn tại các đại học. Như vậy, họ đã mất tính cách ẩn sĩ của thuở ban đầu.
Như vừa nói, Dòng Carmêlô được mang tên là “Những anh em Đức Mẹ núi Carmelô” . Theo các sử gia, sở dĩ họ mang tên Đức Mẹ là vì nhà nguyện nơi dòng được thành lập trên núi Carmelô mang tên kính Đức Mẹ. Họ đã chọn tên này để phân biệt với một cộng đoàn các đan sĩ thuộc giáo hội Hy Lạp sống gần đó tại một tu viện mang tên Thánh Margarita.
Xem ra vào lúc đầu, linh đạo chính của họ là đi tìm Chúa, giống như ngôn sứ Elia trong Cựu Ước, và phụng sự nước Chúa, một điều đã thúc đẩy họ từ bỏ nhà cửa quê hương xứ sở sang Palestina để bảo vệ Thánh địa.
Về sau này, khi Dòng được tái tổ chức bên châu Âu, Dòng mới xác định căn tính chiêm niệm của mình, và trong bối cảnh này, họ nhận Đức Maria như mẫu gương của đời sống chiêm niệm và suy gẫm lời Chúa.
Lễ phụng vụ kính Đức Mẹ Carmêlô không gắn liền với nguồn gốc phát sinh Dòng, nhưng gắn với một truyền thuyết Đức Mẹ hiện ra với Thánh Simon Stock, bề trên tổng quyền ngày 16 tháng 7 năm 1251, và hứa sẽ giữ gìn ai mặc áo dòng sẽ khỏi sa hoả ngục.
Ngày nay người ta đặt nghi vấn về sử tính của biến cố này. Một trong những lý do của nghi vấn là bởi vì thời Trung Cổ, hầu hết các Dòng đều mặc scapulare (tức là một khăn trùm qua đầu, và phủ cả mặt trước và mặt sau của áo dòng), và hầu như dòng nào cũng quả quyết là chính Đức Mẹ đã hiện ra và trao áo ấy cho vị tổ phụ.
Ở Việt Nam chúng ta chỉ biết đến các dòng nữ Carmêlô, quen gọi là “dòng kín”. Tuy nhiên, suốt mấy thế kỷ đầu tiên, dòng Carmêlô chỉ có ngành nam mà thôi. Đây là điều khác biệt với dòng Đaminh và dòng Phansinh, nơi mà cả hai ngành nam và nữ cùng xuất hiện ngay từ buổi đầu.
Ngành nữ dòng Carmêlô bắt nguồn từ sự kiện một số phụ nữ độc thân, sống chung với nhau, và xin nhận giữ luật dòng Carmêlô. Đan viện nữ tu đầu tiên của dòng Carmêlô xuất hiện chính thức tại Firenze năm 1452; kể từ đó, nhiều đan viện khác cũng được thiết lập.
Dù sao, chúng ta đừng quên rằng trong khi các tu viện của nam giới liên kết thành tỉnh dòng và cao hơn nữa là dòng tu dưới sự lãnh đạo của bề trên tổng quyền, thì các đan viện sống tự trị biệt lập. Đó là nói đến các đan viện chiêm niệm (quen gọi là nhà kín), chứ các nữ tu thuộc ngành hoạt động thì cũng được tổ chức theo hệ thống cơ cấu giống như các dòng nam.
Thánh Têrêsa sinh ra tại Avila năm 1515, nghĩa là cách đây 500 năm. Khi lên 21 tuổi chị gia nhập đan viện Carmêlô tại quê nhà. Tuy nhiên, vai trò của chị trở thành quan trọng khi chị khởi xướng cuộc cải tổ vào năm 1562. Trong vòng 20 năm, chị đã thiết lập 17 đan viện cải tổ. Do ảnh hưởng của chị, cuộc cải tổ cũng lan rộng sang ngành nam, nhờ Thánh Gioan Thánh Giá. Theo nghĩa này, thánh Têrêsa được gọi là Mẹ, nghĩa là một vị khai mở một cuộc cải tổ trong Dòng.
Có nhiều lý do. Một lý do dễ hiểu hơn cả là định luật chung của con người: các lý tưởng cao thượng mấy đi nữa, trải qua dòng thời gian cũng sẽ nguội dần và đến lúc nào đó sẽ tan tành luôn.
Chúng ta có thể lấy một thí dụ từ đời sống hôn nhân thì đủ rõ: trong thời gian đính hôn, hai cô cậu thề non thề nước là sẽ yêu nhau suốt đời, và họ thương nhớ người yêu đến mất ăn mất ngủ; nhưng sau khi đã kết hôn một thời gian, thì đâm ra lục đục, và dẫn đến những chuyện ngoại tình, ly dị.
Đời tu trì cũng vậy thôi, nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở bình diện cá nhân, mà còn trên bình diện cộng đoàn nữa. Từ đó, vấn đề cải tổ được đặt ra. Thường các nhóm cải tổ chủ trương phải trở về nếp sống khắc khổ nhiệm nhặt lúc đầu (vì thế họ thường mang tên là “kỷ luật chặt”, stricta observantia, hoặc “không đi giày” discalceati). Dĩ nhiên mùa hè không đi giày thì mát mẻ, nhưng mùa đông giá buốt thì quả là một cực hình.
Tuy nhiên, một khi đề ra lý tưởng cải tổ nhiệm nhặt, thì dễ gây chia rẽ trong nội bộ cộng đoàn: một nhóm chủ trương trở về nếp sống nhiệm nhặt; một nhóm muốn duy trì nguyên trạng. Có những dòng chấp nhận cho cả hai nhóm sống chung với nhau, bằng cách cho mỗi nhóm sống trong những tu viện biệt lập, hoặc thậm chí trong một tỉnh dòng biệt lập, dưới sự chỉ huy của một bề trên tổng quyền duy nhất.
Có những dòng mà hai nhóm không thể chung sống với nhau, cho nên tách ra thành hai dòng. Đó là tình trạng của dòng Carmêlô về phía nam giới cũng như về phía nữ giới. Nên nói thêm rằng việc phân rẽ này xảy ra cho hầu hết các dòng ra đời vào thời Trung Cổ, chứ không chỉ nguyên cho dòng Carmêlô mà thôi. Vì thế ta thấy hiện tượng một dòng mà có nhiều nhánh: chẳng hạn như dòng Phanxicô với ít là ba nhánh, dòng Thánh Augustinô cũng có ba nhánh.
Tiếp theo cuộc cải tổ của Thánh Têrêsa Avila, dòng nam Carmêlô chia thành hai nhánh, với hai bề trên tổng quyền. Các nữ đan viện cũng bị phân tán theo hai nhánh.
Đan viện Lisieux theo nhánh cải tổ của Thánh Têrêsa Avila; vì thế các nữ đan viện được thành lập ở Việt Nam cũng thuộc nhánh cải tổ, đang khi đó, thì nước ta, về phía nam giới chỉ có các tu sĩ thuộc nhánh không cải tổ chứ chưa có nhánh cải tổ.
Nói cho đúng, việc phân chia giữa hai nhánh mang dấu vết của các thế kỷ XVI-XVIII, chứ ngày nay không có gì khác nhau lắm, sau nhiều biến cố chính trị và tôn giáo diễn ra tại châu Âu trong hai thế kỷ gần đây.
Trở lại việc so sánh giữa hai thánh Têrêsa, chúng ta thấy không những hai vị đều thuộc một nhánh cải tổ và đều chọn một tên gắn với Chúa Kitô: vị quê Avila được gọi là Teresa Giêsu, còn vị quê Lisieux được gọi là Teresa Hài đồng Giêsu. Tuy nhiên, giữa hai vị có vài điểm khác nhau.
Thánh Têrêsa Avila quê ở Tây Ban Nha, và người hướng về chiều kích huyền bí giống như Thánh Gioan Thánh Gía. Thánh Teresa Lisieux người Pháp và chịu ảnh hưởng của trường phái linh đạo Pháp quốc, đề cao ý tưởng thờ lạy, huỷ diệt, hy sinh. Thánh nữ còn chọn cho mình danh hiệu “nhan thánh Chúa Giêsu”, nhằm kính khuôn mặt đau khổ của Chúa Giêsu trong hồi tử nạn, và tìm cách đền bù phạt tạ. Nói cách khác, mỗi vị chịu ảnh hưởng thần học tâm linh của quê hương mình.
Trước khi trả lời câu hỏi, thiết tưởng nên lưu ý đến vấn đề từ ngữ. Hầu hết các từ chuyên môn trong Giáo Luật đều bắt nguồn từ tiếng La Tinh và được dịch sang tiếng Việt bằng nhiều từ ngữ tương đương, nhưng có lẽ không có từ nào lột được ý nghĩa của nguyên ngữ.
Từ “tu luật” dịch bởi tiếng latinh Regula, và đôi khi cũng có nơi dịch là “lề luật”, nhưng regula không phải là “luật” mà là cái thước để đo (giống như règle trong tiếng Pháp, và rule tiếng Anh). Một cách tương tự như vậy, tiếng latinh Constitutiones (tiếng Pháp và tiếng Anh viết như nhau tuy đọc khác nhau constitutions) thường được dịch là “hiến pháp”, nhưng cũng có nơi dịch là “hiến luật, hiến chương, Hiến Chế”.
Trong pháp chế của một quốc gia, hiến pháp được coi là luật cao cấp nhất; tất cả các luật khác đều phải quy chiếu về đó; những luật nào “bất hợp hiến” đều là vô-giá-trị. Nếu hiểu như vậy thì trong một dòng tu, hiến pháp phải là luật cao cấp nhất; các luật khác đều phải quy về đó.
Nói cách khác, hiến pháp ở trên tu luật. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, “Tu luật” đứng ở trên “hiến pháp”.
Như vừa nói, đây là chuyện dịch thuật. “Tu luật” dịch bởi danh từ regula, nhưng mà regula là cái thước đo chứ không phải là luật. Dù sao, chúng ta không nên dừng lại ở các từ ngữ, nhưng hãy quay về nguồn gốc đời sống tu trì Kitô Giáo.
Hồi thế kỷ IV, một số Kitô Hữu bên Ai Cập rút vào sa mạc để đi tìm Chúa, tựa như thánh Antôn. Các vị được thúc đẩy sống theo Tin Mừng cách triệt để: Tin Mừng trở thành luật sống của họ.
Sang đến thế hệ thứ hai, các môn sinh được các sư phụ dạy con đường tu hành nhờ kinh nghiệm của mình. Cuộc đời của các sư phụ trở thành “luật sống”, mẫu mực cho hành trình đi theo Chúa.
Bước sang thế hệ thứ ba, khi các cộng đoàn được thành hình, thì cần có một bản văn để hướng dẫn đời sống chung.
Đó là nguồn gốc của các bản luật viết: các sư phụ soạn ra bản văn để hướng dẫn không những đời sống tâm linh của các đan sĩ, mà còn quy định những sinh hoạt cộng đoàn, chẳng hạn như lúc đọc kinh, lúc dùng bữa, lúc lao động, cũng như sự phân phối các chức vụ.
Tôi xin nhắc lại là chúng ta đang nói đến các regula thời xưa, mà bản chất của nó không chỉ là những quy tắc pháp lý. Từ thế kỷ IV đến thế kỷ VII, nở rộ rất nhiều bản luật, trong đó nổi bật nhất là ba bản gốc của Pacômiô, Basiliô, Augustinô.
Gọi là “bản gốc” bởi vì hầu như các bản luật khác đều lệ thuộc vào các bản văn ấy. Lúc đầu, các bản luật chỉ được viết cho một vài cộng đoàn. Với dòng thời gian, một số bản luật bị rơi vào quên lãng, và một số khác được phổ biến rộng rãi, đặc biệt là từ thế kỷ VIII, khi luật thánh Biển Đức được áp đặt cho tất cả các đan viện bên Âu Châu, và sau đó ít lâu, luật Thánh Augustinô được áp đặt cho tất cả các giáo sĩ sống chung.
Như vừa nói, các regula là những bản văn nặng về tu đức hơn là pháp lý. Vì thế với sự phát triển của đời sống đan tu, người ta thấy cần phải thêm những quy định pháp lý cụ thể hơn.
Những bản văn (mà ta tạm đặt tên là “phụ trương” hoặc “bổ sung”) được gọi bằng nhiều danh xưng trong tiếng La Tinh: statuta (quy chế), consuetudines (tập tục), institutiones (định chế), constitutiones (hiến pháp), forma vitae (hình thức sống), directorium (chỉ nam), vv.
Thủ tục này tăng gia vào thế kỷ thứ_XI, khi các đan viện được quy tụ thành các “dòng”, chẳng hạn như Cluny, Citeaux; bên cạnh bản luật cổ truyền, họ cần phải thêm rất nhiều điều khoản liên quan đến việc quản trị. Nên lưu ý là vào thời này, các constitutiones chưa có nghĩa mạnh là hiến pháp như ngày nay, mà chỉ có nghĩa là “quy chế” thôi, và vì thế giá trị của nó ở dưới tu luật. Ngoài ra, người ta cũng thấy sự khác biệt trong văn phong: tu luật thì mang tính cách tu đức, còn quy chế (hoặc hiến pháp) thì nặng về pháp lý.
Các bản luật cổ điển do các đại thánh viết ra. Vào thời Trung Cổ, tại châu Âu có hai bản văn nổi tiếng nhất là thánh Biển Đức và Thánh Augustinô. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không còn những bản luật nào khác. Tuy nhiên, một biến cố đã làm thay đổi tiến trình là công đồng Latêranô IV năm 1215 (nghĩa là cách đây đúng 800 năm).
Công đồng cấm lập thêm dòng mới, nghĩa là không cho phép phê chuẩn bản luật nào nữa. Do lệnh cấm này, mà khi Thánh Đa Minh đến Rôma xin châu phê dòng Giảng thuyết, thì ĐTC Innocentê III chỉ còn biết cách là khuyên người hãy lấy một bản luật cổ (cụ thể là luật thánh Biển Đức hoặc là luật Thánh Augustinô), rồi sau đó viết thêm hiến pháp theo ý mình.
Đó là lý do vì sao các tu sĩ dòng Đaminh khấn tuân giữ tu luật Thánh Augustinô và hiến pháp của Dòng. Tình hình thay đổi khi bước sang thế kỷ XVI.
Vào thời kỳ này, các vị lập dòng xin Tòa Thánh phê chuẩn bản hiến pháp (đôi khi cũng mang tên là forma instituti) chứ không còn đả động đến Tu luật nữa. Thậm chí có những dòng hiểu regula như là nội quy (hoặc kim chỉ nam), nghĩa là ở dưới hiến pháp.
Trước những việc sử dụng từ ngữ hàm hồ như vậy, vào năm 1901, Bộ Tu sĩ đã ra quy tắc, xác định rằng danh từ regula “tu luật” được dành cho các dòng đan tu, dòng kinh sĩ, dòng hành khất; còn các dòng mới sẽ dùng từ “hiến pháp”.
Chúng ta có thể đoán được rằng từ “Hiến pháp” đã mang một ý nghĩa khác rồi. Bởi vì vào thời Trung Cổ, “hiến pháp” chỉ có nghĩa là “nội quy”, một thứ phụ lục cho bản Tu luật; nhưng từ nay, “hiến pháp” mang một nghĩa giống như trong các quốc gia hiện đại, nghĩa là bộ luật căn bản của một tổ chức, được xếp vào vị trí cao cấp nhất.
Cũng vì muốn thống nhất từ ngữ, Bộ Tu sĩ yêu cầu các dòng mới đừng dùng từ regula theo nghĩa như là nội quy nữa, nhưng hãy gọi đích danh là “nội quy” (statuta), hoặc “chỉ nam” (directorium).
Nhiều người đã quan niệm như vậy, và trên thực tế đã xảy ra như vậy. Người ta quan niệm hiến pháp giống như một bộ luật, trong đó quy định các vấn đề liên quan đến cách tổ chức của dòng và kỷ luật của các phần tử; còn những điều liên quan đến đời sống tâm linh thì được bàn trong những tài liệu khác. Công Đồng Vaticanô II đã muốn điều chỉnh lại cái não trạng này.
Trong tự sắc Ecclesiae sanctae (II, 12-13), được ban hành nhằm thực thi sắc lệnh Canh tân Dòng tu, ĐTC Phaolô VI đã nhắc nhở các tổng hội được triệu tập để duyệt lại hiến pháp hãy cố gắng làm thế nào để cho bản văn này vừa chứa đựng các nguyên tắc Phúc Âm và thần học về đời tu trì, vừa chứa đựng những quy tắc pháp lý định nghĩa đặc tính, mục tiêu và các phương tiện của dòng. Cả hai yếu tố cần hài hòa với nhau, để tránh cho hiến pháp khỏi là một văn bản thuần tuý pháp lý hoặc một hợp tuyển các lời khuyên răn.
Những ý tưởng này được thu nhận vào bộ Giáo Luật hiện hành. Theo điều 587, hiến pháp phải diễn tả con đường đi theo Chúa Kitô theo như vị sáng lập đã nhắm tới. Hiến pháp gồm có phần thiêng liêng, bàn về mục tiêu, đặc tính, gia sản của Dòng, cùng với những quy tắc liên quan đến cách quản trị, việc đào tạo và kỷ luật của các phần tử.
Tông huấn “Đời sống thánh hiến” (số 37) còn nuôi một lý tưởng cao hơn nữa, đó là làm thế nào để cho hiến pháp phác hoạ ra một lộ trình thực hiện việc đi theo Đức Kitô.
Nói cách khác, hiến pháp phải chỉ ra cho các thành viên con đường nên thánh. Và như vậy là người ta lại trở về với ý tưởng của các bản luật thời cổ: bản luật (regula) được viết ra như một kinh nghiệm về con đường tâm linh. Thiết tưởng đây là điều làm nên căn tính của một dòng tu, khác với các tổ chức bác ái từ thiện.
Xét theo lịch sử, thì chính vị sáng lập viết hiến pháp; dần dần Tòa Thánh đòi duyệt lại bản văn ấy. Và có lúc (như đã xảy ra hồi Công đồng Lateranô IV năm 1215), Giáo Hội không châu phê dòng mới nữa. Dù sao, trong suốt thời Trung Cổ, việc châu phê luật dòng và hiến pháp thuộc thẩm quyền của Tòa Thánh. Mãi đến ba thế kỷ gần đây, Tòa Thánh cho phép các giám mục cũng được thẩm quyền châu phê hiến pháp.
Công Đồng Vaticanô II đã yêu cầu tất cả các dòng duyệt lại hiến pháp của mình. Công việc này thuộc thẩm quyền của Tổng hội, nhưng sau đó, bản văn phải được Tòa Thánh hay giám mục chuẩn nhận, tuỳ theo đó là dòng giáo hoàng hay dòng giáo phận.
Có điều chúng ta đừng quên là vị sáng lập viết ra hiến pháp, và ra như phần nào đứng trên hiến pháp. Còn ngày nay, hiến pháp do tổng hội soạn ra thì bắt buộc tất cả mọi người, kể cả các bề trên cũng phải giữ. Việc khấn tuân giữ hiến pháp nói lên điều ấy: tất cả mọi người đều buộc phải tuân giữ hiến pháp, và bề trên chỉ có thể ra lệnh truyền trong khuôn khổ của hiến pháp.
Nói nôm na, dòng hành khất là dòng đi ăn xin, ăn mày. Thực ra tên của dòng tu do Thánh Đaminh lập là dòng giảng thuyết (hay dòng thuyết giáo). Còn “dòng hành khất” là một từ ngữ do Giáo Luật đặt ra cho một số dòng ra đời trong thế kỷ XIII.
Lịch sử phân biệt nhiều đợt thành lập dòng hành khất, hay nói đúng hơn, nhiều đợt Tòa Thánh châu phê dòng hành khất.
Đợt đầu tiên do công đồng Lyon II (năm 1274) nhìn nhận bốn dòng hành khất, đó là: Dòng Đaminh, Phan sinh, Cát minh và Âu tinh.
Đợt hai không xảy ra một lúc nhưng kéo dài lai rai, với sự phê chuẩn của các giáo hoàng trải qua nhiều thế kỷ, chẳng hạn như dòng Tôi tớ Đức Bà (năm 1418, do đức Martinô V), dòng Chúa Ba Ngôi (năm 1609), Dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi (năm 1690, tuy được lập từ năm 1256), và sau hết là dòng Thánh Gioan Thiên Chúa năm 1624 (tuy được lập từ năm 1572).
Trong niên giám Tòa Thánh hiện nay, có 10 dòng hành khất, nếu tính theo vị sáng lập; còn nếu tính theo đơn vị tổ chức thì nhiều hơn, bởi vì dòng Phan-sinh có đến 4 ngành, nghĩa là 4 bề trên tổng quyền.
Thực ra tên gọi “dòng hành khất” không diễn tả đúng bản chất của các dòng vừa nói trên đây. Hiểu theo nghĩa chặt, chỉ có hai dòng Đaminh và Phansinh chủ trương sống hành khất vào lúc đầu, nhưng dần dần họ cũng bỏ chế độ đó.
Còn các dòng khác bắt chước hai dòng vừa nói như kiểu mẫu, tuy không rập theo như đúc, nghĩa là họ bắt chước vài nét khác của dòng Đaminh và dòng Phan sinh, chứ không rập theo nếp sống hành khất.
Ở Việt Nam, chúng ta thấy có hai hạng hành khất. Một hạng ngồi ở góc đường, hay là đi vào các cửa tiệm để xin bố thí: họ là những người nghèo, những người tàn tật, những người tha hương, không có công ăn việc làm nhất định, và chỉ sống nhờ vào lòng hảo tâm của đồng bào.
Còn hạng nữa là các nhà sư Phật Giáo, đặc biệt thuộc phái Tiểu thừa. Việc khất thực trở thành nếp sống của các tu sĩ, được mang danh là “khất sĩ” (tiếng phạn là bikhsu, dịch âm là tì kheo). Ý nghĩa của khất sĩ cốt gợi lên tính cách “vô ngã”, nghĩa là không có gì là của ta từ tinh thần hay vật chất, phá trừ “ngã chấp”.
Cũng nên biết là việc khất thực của các tu sĩ không chỉ nhằm giúp cho các tu sĩ được siêu thoát khỏi những bận rộn vật chất, nhưng mà còn giúp cho các tín đồ tạo thêm công đức nữa. Đối với các tu sĩ Kitô Giáo thì sự khất thực không được áp dụng cho tất cả các dòng tu nhưng chỉ được một số dòng thực hành cách tuyệt đối.
Như đã nói, hai dòng hành khất theo nghĩa chặt là dòng Đaminh và dòng Phan sinh, ra đời vào thế kỷ XIII. Như chị đã biết, ngay từ đầu, tất cả các tu sĩ đều phải khấn sống khó nghèo. Việc sống khó nghèo có nghĩa là không giữ tài sản riêng, và sống đạm bạc. Nhưng với dòng thời gian, tuy các đan sĩ tiếp tục giữ khó nghèo nhưng các đan viện trở nên giàu sang: một đàng nhờ sự cần cù làm việc của các phần tử, một đàng nhờ những của công đức của các ân nhân.
Dù lý do như thế nào đi nữa, hồi thế kỷ XIII, các giáo phận, giáo xứ, đan viện chiếm hữu nhiều bất động sản và bổng lộc. Trước cảnh sống xa hoa đó, nhiều phong trào nổi lên kêu gọi Giáo Hội trở về với nếp sống thanh bần của Phúc Âm, bởi vì Chúa Giêsu đã tuyên bố hạnh phúc nước trời cho những kẻ nghèo chứ không phải cho những người giàu!
Tiếc rằng vài phong trào đó gây đụng độ với giáo quyền và ly khai với Giáo Hội, trở thành ly giáo, chẳng hạn như nhóm Vaudois bên Pháp và Bắc Italia. Tuy nhiên, có những người đã chấp nhận sự thách đố đó, nghĩa là trở lại với nếp sống khó nghèo của Phúc Âm.
Đó là động lực của các dòng hành khất. Họ không những chủ trương rằng các tu sĩ phải giữ khó nghèo, mà cả nhà dòng cũng phải giữ khó nghèo nữa.
Dĩ nhiên, thỉnh thoảng báo chí loan tin là có những anh đi ăn xin mà khi chết để lại nhiều tài khoản trong ngân hàng. Nhưng lý tưởng hành khất của các dòng tu ra đời hồi thế kỷ XIII thì khác. Nếp sống khất thực giả thiết nhiều điều lắm.
Thứ nhất là chỉ khất thực cho đủ ăn mỗi ngày, chứ không để dành cho tương lai. Nếu thừa thì phải chia sẻ cho người nghèo, và hôm sau bắt đầu ngày khất thực mới.
Thứ hai, đi xa hơn nữa, cộng đồng tu viện không sở hữu tiền bạc, lợi tức, bất động sản. Như vậy, tất cả cộng đoàn buộc phải sống khó nghèo, với những bấp bênh của mỗi ngày.
Thiết tưởng nên xác định vấn đề cho rõ. Khi nói đến dòng hành khất, chúng ta đừng nghĩ rằng dòng lập ra để mà đi ăn xin. Không có vị thánh nào có ý tưởng lập ra một dòng để mà đi ăn xin hết.
Thánh Đaminh lập một dòng để giảng lời Chúa. Việc hành khất chỉ là một nét trong nếp sống tu trì, muốn bắt chước các tông đồ đi giảng trong tư thế của người nghèo, nhằm nói lên sự phó thác nơi quyền năng của Lời Chúa chứ không phải nơi thế lực trần gian.
Cả thánh Phansinh cũng vậy. Tuy rằng người đã kết duyên với bà chúa nghèo, nhưng ngài không lập dòng để đi ăn xin. Lý tưởng của ngài là bắt chước Chúa Kitô khó nghèo khi sinh ra, khó nghèo khi thi hành sứ vụ, khó nghèo khi chết trên thập giá. Thánh Phan sinh muốn làm chứng tá cho Đức Kitô qua nếp sống khó nghèo và qua lời giảng nữa. Đó là lý tưởng lúc mới lập dòng.
Nhưng với đà phát triển, khi dòng bành trướng và dấn thân vào những môi trường tông đồ quy mô, tựa như dạy học, truyền giáo ở phương xa, thì không thể nào duy trì việc đi khất thực hàng ngày được nữa. Tòa Thánh cho phép hai dòng Đaminh và Phansinh được nhận bất động sản, và không bao lâu ta thấy họ cũng có những tu viện đồ sộ không kém các đan viện cổ truyền.
Như đã nói, Thánh Đaminh và thánh Phan sinh không lập dòng tu nhằm mục tiêu đi ăn xin. Tính hành khất chỉ là một nét của hai dòng này, mà mục tiêu là đi rao giảng Tin Mừng. Việc rao giảng của hai dòng này đánh dấu một khúc quặt trong lịch sử các dòng tu trong Hội Thánh.
Trước đó, các đan sĩ gắn bó với một đan viện, và trụ trì ở đó suốt đời. Với sự xuất hiện của dòng Đaminh và dòng Phansinh, các tu sĩ cắt đứt mối liên hệ với đan viện. Họ không còn gắn liền với một địa phương nhất định, nhưng có thể được sai đi khắp nơi trên thế giới. Đó là xét về sứ vụ.
Xét về cách tổ chức nội bộ, ta cũng thấy có nhiều điều mới. Trong các đan viện cổ truyền, bề trên được gọi là “viện phụ”, nghĩa là cha. Mối tương quan giữa bề trên với các phần tử được ví với liên hệ phụ tử (cha con), theo kiểu mẫu gia đình. Với sự xuất hiện của dòng Đaminh và dòng Phansinh thì mối tương quan đã thay đổi.
Bề trên được gọi là anh nhất (prior), hoặc tôi tớ (minister), nhắm nêu bật tương quan hàng ngang, nghĩa là giữa các anh em với nhau, được gọi là “huynh đoàn” (fraternitas). Người lãnh đạo do cộng đoàn bầu ra qua các công hội, và phải trả lời cho công hội.
Thực ra đây không phải là một cuộc cách mạng trong đời tu cho bằng ảnh hưởng của trào lưu xã hội tại Âu Châu. Trước kia, xã hội sống về nông nghiệp ở thôn quê, vì thế khuôn mẫu tổ chức dựa theo các gia đình, với các ngôi thứ trên dưới.
Từ thế kỷ XII, bên Âu Châu, ra đời một nếp sống mới của các thành thị, các trung tâm thương mại, các đại học. Khung cảnh xã hội đã thay đổi. Nhân dân bầu các xã trưởng (khác với nông thôn do lãnh chúa cai trị). Thậm chí các sinh viên đại học cũng bầu viện trưởng.
Trong bối cảnh đó, các mối tương quan trong dòng tu cũng thay đổi. Theo nghĩa này, các dòng tu ra đời từ thế kỷ XIII trở đi lấy mô hình tổ chức của dòng Đaminh, không phải theo nghĩa là đi ăn xin, nhưng theo nghĩa là cơ cấu tổ chức huynh đệ, với sứ vụ có tầm mức hoàn vũ, chú trọng đến việc rao giảng Lời Chúa.
Cần phải phân biệt “hành khất” hiểu theo nghĩa nào? Nếu hiểu theo nghĩa tổ chức huynh đệ, thì phải nói là các dòng hành khất chấm dứt từ thế kỷ XVI với sự ra đời của Dòng Tên. Quyền bính được tập trung ở trung ương, từ trên đi xuống chứ không còn phải từ dưới đi lên nữa.
Còn nếu hiểu theo nghĩa đi xin ăn, thì cách này hay cách khác, các dòng tu vẫn phải nhờ đến lòng hảo tâm của các tín hữu. Tuy nhiên, ta thấy có sự thay đổi về não trạng trong những thập niên gần đây.
Trước kia, việc các tu sĩ đi khất thực biểu lộ sự khó nghèo, khiêm tốn, siêu thoát khỏi tài sản vật chất. Ngày nay, việc các tu sĩ đi khất thực có thể bị giải thích là ăn bám xã hội, lười biếng lao động. Việc khất thực không còn là dấu hiệu của tinh thần khó nghèo như hồi thế kỷ XIII nữa.
Ngày nay dấu hiệu của tinh thần khó nghèo là cần cù lao động chứ không phải là khất thực. Thiết tưởng đó là điều mà đức thánh cha Phaolô VI đã muốn nói trong tông huấn “Chứng tá Tin Mừng” số 20 (ngày 29/6/1971), lặp lại giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II (sắc lệnh đời tu số 13).
Dĩ nhiên, lao động của các tu sĩ không phải là nhắm phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, nhưng nhắm đến các mục tiêu tông đồ như chúng ta có thể đọc thấy ở đoạn văn vừa trích.