Câu nói vừa rồi có thể hiểu hai nghĩa: hoặc yêu cầu những người đứng ngoài nhà thờ đừng chào những người đứng trong nhà thờ; và ngược lại: yêu cầu những người ở trong nhà thờ đừng chạy ra ngoài. Chắc hẳn là phải hiểu theo nghĩa thứ hai thì đúng hơn. Lời khuyên có tính cách thực tiễn.
Trước khi hiệp lễ, linh mục mời gọi các tín hữu hãy chúc bình an cho nhau. Dĩ nhiên là chúng ta chỉ chúc cho những ai hiện diện trong nhà thờ, chứ không buộc phải chạy ra ngoài đường để chúc bình an cho tất cả mọi người qua lại, tuy rằng điều này sẽ làm nêu bật hơn lời khuyên của Chúa Giêsu: “Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình mà thôi, thì các con có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế hay sao?” (Mt 5,47). Nhưng thử hỏi giả như ai nấy cũng chạy ra khỏi nhà thờ để chào thăm các khách qua đường thì chừng nào Thánh Lễ mới kết thúc được?
Dù sao, đây không phải là một lời khuyên thực tiễn nhưng là một nguyên tắc mang tính cách thần học mà đã bị dịch sai. Ý nghĩa của nó không phải là “ai đứng ngoài nhà thờ xin miễn chào” nhưng phải dịch là “ai ở ngoài Hội Thánh thì không được cứu rỗi”. Có hai danh từ đã bị dịch sai: thay vì “Hội Thánh” thì lại dịch là “nhà thờ”; thay vì “cứu rỗi” thì dịch là “chào hỏi”.
Trong tiếng Việt “Hội Thánh” và “nhà thờ” ám chỉ hai thực thể khác nhau. Hội Thánh ám chỉ cộng đoàn các tín hữu, và cũng được gọi là Giáo Hội; tuy rằng từ Giáo Hội cũng được sử dụng trong Phật Giáo (thí dụ Giáo Hội Phật Giáo). Còn nhà thờ ám chỉ ngôi nhà dùng vào việc thờ tự. Danh từ “nhà thờ” đã có từ lâu trong Việt ngữ, áp dụng cho các nơi mà mỗi dòng họ dành để thờ cúng tổ tiên. Các Kitô Hữu đã dùng từ này để gọi căn nhà mà họ họp nhau cầu nguyện thờ phượng Chúa.
Tuy nhiên, ở trong các ngôn ngữ Âu Tây, cả hai thực thể đó đều được chỉ định bằng một danh từ: église tiếng Pháp, church tiếng Anh, iglesia tiếng Tây Ban Nha, ecclesia trong tiếng Hy Lạp và La Tinh.
Chúng ta cần phải trở về với Tân Ước thì mới hiểu được lý do.
Trong Tân Ước, tiếng ecclesia tiên vàn ám chỉ một cộng đoàn, nghĩa là một đoàn người được quy tụ lại để thờ phượng Chúa. Cộng đoàn ấy có thể mang tính cách nhất thời (nghĩa là sẽ tan rã sau khi chấm dứt buổi phụng tự), nhưng cũng có thể mang tính cách bền bỉ, theo nghĩa là họ vẫn duy trì mối liên lạc với nhau qua sự hợp nhất trong một niềm tin, trong tình tương thân tương ái, trong một kỷ luật. Đó là ý nghĩa tiên khởi của ecclesia, mà ta quen dịch là “Hội Thánh” (hay Giáo Hội).
Khái niệm này nêu bật tính cách nhân tố của Hội Thánh, theo nghĩa là Hội Thánh gồm bởi những con người sống động chứ không phải bởi những thể chế hay cơ sở. Đâu mà các tín hữu họp nhau thì ở đây có Hội Thánh (ecclesia), cho dù là ở trong một căn phòng nhỏ bé, một ngôi nhà rộng lớn, hay lộ thiên ngoài bãi biển.
Trong những thế kỷ đầu tiên, các Kitô Hữu chưa có xây cất những cơ sở phụng tự. Địa điểm cử hành phụng tự rất là uyển chuyển linh động. Vì thế không lạ gì mà Thánh Phêrô và Thánh Phaolô có dịp khai triển chủ đề “đền thờ thiêng liêng”. Các tín hữu họp thành một đền thờ thiêng liêng; mỗi người là một viên đá sống động. Toàn thể toà nhà được xây dựng trên nền tảng của các thánh tông đồ, và sau cùng chính Đức Kitô là viên đá tảng.
Từ thế kỷ IV về sau, khi Kitô Giáo được đế quốc Rôma công nhận được quyền tự do hành đạo, thì người ta mới bắt đầu xây cất các ngôi đền thờ nguy nga, và đặt tên cho nó là ecclesia. Từ đó, danh từ ecclesia vừa ám chỉ cộng đoàn các tín hữu (tức là Hội Thánh) vừa ám chỉ căn nhà nơi mà các tín hữu tụ họp nhau để cầu nguyện (mà ta dịch là nhà thờ, hay thánh đường).
Như vậy, khi dịch tiếng Ecclesia (église, church), phải lựa mạch văn mà dịch: hoặc là Hội Thánh (Giáo Hội) hay là nhà thờ (thánh đường). Nên biết là trong tiếng La Tinh, “nhà thờ” còn được gọi là “nhà cầu nguyện” (domus orationis), nhà của Chúa (domus Dei).
Sự lẫn lộn ở chỗ trong tiếng Pháp “salut” vừa có nghĩa là chào thăm vừa có nghĩa là cứu rỗi. Nói cho đúng, danh từ này bắt nguồn từ tiếng La Tinh “salus”, với nhiều ý nghĩa khác nhau.
Trong ngôn ngữ hằng ngày, salus có nghĩa là sức khỏe (giống như tiếng Italia “salute”). Khi gặp nhau, người ta chào hỏi nhau qua lời chúc nhau được mạnh khỏe (hay mạnh giỏi, an toàn): Salve! Salute! Nhất là trong các bữa tiệc, người ta nâng ly để chúc cho nhau được sức khỏe dồi dào. Vì thế mà lời chúc mừng đi kèm với sức khỏe là chuyện thường tình.
Thoạt tiên xem ra hai ý tưởng chẳng có liên hệ gì với nhau, nhưng nếu phân tích kỹ thì chúng ta sẽ thấy sự liên hệ mật thiết.
Thiết tưởng ta cần phải trở lại với nguyên ngữ La Tinh thì sẽ thấy rõ. Như vừa nói trên, tiếng Pháp “salut” bởi tiếng La Tinh salus, và danh từ này gốc bởi động từ salvare. Tự nó “salvare” chỉ có nghĩa là “cứu”, tức là đưa ra khỏi một tình trạng hiểm nguy. Thí dụ khi nhà cháy, thì kêu lính “cứu hỏa”. Khi chết đuối thì kêu người “cứu vớt” ra khỏi nước. Một cách tương tự như vậy, khi đau ốm thì thì kêu thầy thuốc tới “cứu chữa”, hoặc đưa tới bệnh viện “cấp cứu”; một khi đã khỏi bệnh rồi thì ta khỏe lại, và do đó salus ám chỉ sức khỏe. Chắc là chị đã biết khi lâm nguy thì người ta đánh tín hiệu cấp cứu SOS, viết tắt của 3 từ Anh ngữ: Save our souls (xin cứu hồn tôi! hiểu là cứu mạng sống, cả hồn cả xác).
Đi xa hơn, chúng ta thấy còn có những mối nguy khác đe doạ tính mạng của một cá nhân hay của dân tộc (chẳng hạn như khi đất nước sắp bị xâm lăng); từ đó mới nảy ra ý tưởng “cứu quốc” (cứu nước) cũng như anh hùng cứu tinh.
Các tôn giáo thì nói đến các mối nguy đe doạ mạng sống trường cửu của con người, khi mà không những nó phải mất mạng sống về thể lý, mà cả sự chết về tinh thần, sau khi bước qua bên kia thế giới. Từ đó các tôn giáo đã đề ra những biện pháp giúp cho con người được giải thoát khỏi cảnh trầm luân, khỏi cảnh diệt vong hằng cửu.
Hơn thế nữa, một cách tích cực hơn, các tôn giáo còn đề nghị những biện pháp giúp cho con người đạt đến hạnh phúc trường sinh. Từ đó mà ta gặp thấy tư tưởng cứu rỗi, cứu độ trong các tôn giáo. Người được cứu rỗi là người được giải thoát khỏi hết mọi tai ương đe doạ sự sống thể lý và tinh thần, dĩ nhiên đạt được sức khỏe dồi dào trường sinh.
Mỗi tôn giáo đề ra những con đường khác nhau để đạt tới mục tiêu ấy. Kitô Giáo đề nghị chính Đức Kitô là đường giúp cho con người đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu; hạnh phúc hệ tại việc được thông hưởng vào chính hạnh phúc của Thiên Chúa.
Đúng như vậy. Tuy nhiên chúng ta cần phải thận trọng để khỏi giải thích sai lầm mệnh đề này. Trước tiên, chúng ta đừng vội hí hửng rằng một khi mình đã gia nhập Hội Thánh thì mình nắm chắc được sự cứu rỗi 100%! Câu chuyện không đơn giản như vậy. Việc gia nhập Hội Thánh chưa đủ đảm bảo cho ta được cứu rỗi đâu. Ngoài việc đăng ký gia nhập Hội Thánh, Chúa Giêsu còn đòi hỏi chúng ta tuân hành các giới răn của Chúa nữa!
Sự sai lầm khác không kém tệ hại là chúng ta muốn tống tất cả những người ngoài Hội Thánh xuống hỏa ngục hết. Nên nhớ là việc quyết định cứu rỗi không tùy thuộc vào ước muốn của chúng ta nhưng hoàn toàn nằm trong tay của Thiên Chúa. Duy chỉ có Thiên Chúa mới là căn nguyên của ơn cứu độ. Người ban ơn cứu độ không dựa trên công trạng của con người nhưng hoàn toàn dựa theo lòng khoan dung vô biên của người Cha nhân hậu.
Trên thực tế, câu nói “ai ở ngoài Hội Thánh thì không được cứu rỗi” không nhằm lên án những người sống ngoài Hội Thánh cho bằng nhằm cảnh cáo các phần tử của Hội Thánh. Tác giả của nó, Thánh Cyprianô (một giáo phụ sống vào thế kỷ III) đã viết ra câu đó để nhắc nhở các tín hữu rằng: họ đã gia nhập Hội Thánh, nhờ đó họ biết con đường đưa đến sự cứu rỗi. Bởi thế, họ hãy ở lại trong Hội Thánh, chứ đừng rời bỏ Hội Thánh, bởi vì khi ra khỏi Hội thánh thì họ không được cứu rỗi đâu. Thánh Cyprianô ngỏ lời khuyên nhủ các Kitô Hữu hãy bền tâm trong ơn gọi, chứ người không chủ ý bàn đến số phận của các người sống bên ngoài Hội Thánh.
Vì bỏ qua bối cảnh lịch sử và văn mạch ấy nên vào thời Trung Cổ và cận đại, có những nhà thần học đã giải thích câu nói “ngoài Hội Thánh không có ơn cứu rỗi” một cách tuyệt đối, ra như muốn đày ải hết các người ngoài Kitô Giáo xuống hỏa ngục. Họ quên rằng việc gia nhập Hội Thánh là một hồng ân của Thiên Chúa chứ không phải do công lao của con người.
Thử hỏi có bao nhiêu người đã gia nhập Hội Thánh sau một thời gian tra cứu suy tầm? Phải chăng đa số các tín hữu đã gia nhập Hội Thánh bởi vì sinh trưởng trong gia đình hay xứ sở mang ảnh hưởng của Kitô Giáo? Và phải nói chi đến những người không hề nghe nói đến Phúc Âm, không hề rao giảng Tin Mừng?
Hơn thế nữa tuy rằng việc gia nhập Hội Thánh thường được biểu lộ qua việc lãnh bí tích rửa tội; nhưng thần học cũng nhìn nhận rằng có những người trở thành phần tử của Hội Thánh trong tinh thần, khi họ thực tâm đi tìm chân lý, khi họ cố gắng sống ngay thẳng với lương tâm của mình. Chắc hẳn những người đó cũng sẽ được Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi.
Khi người tín hữu vào nhà thờ và chấm tay vào một bình nước, thì họ thâm tín rằng nước đó không phải như nước máy hay nước giếng, nhưng họ coi đó là nước thánh hoặc nước phép.
Tuy nhiên, theo các sử gia, thì vào những thế kỷ đầu, các tín hữu trước khi vào nhà thờ không phải chỉ nhúng ngón tay vào một bình nước nhưng thực sự là nhúng tay hay trầm mình vào bồn nước nữa. Tại sao có chuyện đó? Vì một lý do dễ hiểu. Sau khi đi đường bụi bặm, trước khi vào nhà thờ, cần rửa mặt mũi tay chân cho sạch sẽ. Khi chúng ta đến nhà người khác cũng vậy: thường ông chủ sai mấy đứa nhỏ bưng chậu nước để khách rửa tay rửa mặt, rồi sau đó mới tiếp chuyện.
Từ một tập tục có tính cách vệ sinh thể chất và tâm thần (nghĩa là việc rửa mặt rửa tay đem lại sự mát mẻ thoải mái), sự chuyển sang ý nghĩa thiêng liêng đạo đức không xa xôi gì! Khi chúng ta đi chầu Chúa, chúng ta cũng cần giữ gìn thân thể và nhất là tinh thần được sạch sẽ, nhờ đó việc cầu nguyện (tức là đàm đạo với Chúa) mới có kết quả hơn.
Ta nhận thấy tâm tình này phát hiện nơi nhiều tôn giáo, khi các thiện nam tín nữ phải đi tắm rửa trước khi lên chùa hay lên đền. Cách riêng tại Hy Lạp và Rôma, ở các cửa đền, người ta cất một bồn nước, hay giếng nước để các tín hữu thanh tẩy trước khi tế tự.
Qua Phúc Âm theo Thánh Gioan 9,7 ta cũng biết rằng tại chính đền thánh Giêrusalem cũng có giếng nước Siloê, dùng để múc nước thanh tẩy. Kitô Giáo cũng du nhập tập tục đó. Vì thế không lạ gì, mà ở các nhà thờ cổ ở Rôma thường có giếng nước ở cửa ra vào (gọi là cantharus), để các Kitô Hữu rửa ráy mặt mày tay chân. Thế nhưng cũng ngay từ những thế kỷ đầu, các giáo phụ đã sớm lưu ý các tín đồ rằng: rửa mặt rửa tay chưa đủ để vào đền Chúa, còn phải rửa tâm hồn cho sạch tội nữa. Thí dụ như Tertullianô đã viết: khi cầu nguyện, việc dang hai cánh tay trong sạch lên trời chưa đủ, còn phải giơ ra con tim trong trắng khỏi vết nhơ tội lỗi nữa (De oratione, 13).
Đúng như vậy, lúc đầu các tín hữu ra giếng để rửa mặt rửa tay để cho thân thể sạch sẽ và tâm thần thoải mái; và các vị mục tử khuyến khích họ hãy nghĩ tới sự sạch sẽ trong linh hồn nữa để xứng đáng gặp gỡ Chúa. Nhưng dần dần, Giáo Hội đã đặt ra một nghi thức làm phép nước, để cầu xin Chúa ban cho những ai dùng nó được hưởng những công hiệu mà nước tượng trưng. Từ đó mà có chuyện “nước phép”.
Nhưng chúng ta nên hiểu cho đúng từ ngữ “nước phép”. Có lẽ trong đầu óc của nhiều tín hữu, “nước phép” có nghĩa là nước có mang theo phép mầu gì đó, nước có phù phép. Sự thực không phải như vậy. “Nước phép” là nói tắt của từ ngữ “nước đã làm phép”, dịch nôm na bởi từ tiếng La Tinh aqua benedicta (eau bénite). Đúng ra, benedicere không phải là làm phép theo nghĩa là gắn phù phép; nhưng là “chúc lành” (bene-dicere: nói tốt), xin Chúa chúc lành, ban phúc.
Dĩ nhiên, một câu hỏi tự nhiên nảy ra trong đầu là: cái phúc gì vậy? Đây là cả một thiên lịch sử dài dòng. Xem ra cái phúc lành tự nhiên hơn cả là sự thanh luyện tâm hồn, tẩy luyện khỏi các vết nhơ tội lỗi; nhưng dần dần người ta tiến thêm một bước nữa để xin tẩy luyện tận căn rễ của các tội lỗi, tức là ma quỷ. Và xét vì ma quỷ không phải chỉ cám dỗ con người phạm tội, mà nó còn là tác giả của bao nhiêu sự dữ khác (thí dụ như bệnh tật) cho nên không lạ gì mà phụng vụ cũng cầu xin những phúc lành đó trong khi làm phép nước.
Thực ra trong số những phúc lành vừa kê ra trên đây, (thanh tẩy khỏi tội lỗi, thanh tẩy khỏi ma quỷ, thanh tẩy khỏi các bệnh tật), ta thấy rằng Giáo Hội đã cố gắng du nhập một số ý nghĩa của nước đã được các tôn giáo cổ truyền gán cho. Và trong nghi thức làm phép nước cũng vậy, Giáo Hội cũng du nhập một số chất liệu với ý nghĩa đã có ở các tôn giáo cổ truyền. Để rõ ràng hơn, thiết tưởng cần phải phân biệt nhiều nghi thức làm phép nước (hay nghi thức chúc lành).
1/ Nghi thức cổ điển hơn cả là làm phép nước dùng vào bí tích rửa tội. Lúc đầu, nước dùng để rửa tội là nước tự nhiên từ sông ngòi. Nhưng từ giữa thế kỷ II, đã có tập tục làm phép nước rửa tội, nghĩa là xin Thánh Thần thánh hóa nước, ban cho nó những công hiệu thần linh của bí tích này: vừa thanh tẩy khỏi tội lỗi, vừa tái sinh vào đời sống mới. Vì thế không lạ gì mà việc làm phép nước rửa tội cũng mang kèm theo những dấu chỉ của bí tích: thí dụ như vào thời Trung Cổ, linh mục hà hơi trên nước (biểu hiệu của Thánh Thần xuống trên nước), hoà dầu thánh, và nhúng cây nến Phục Sinh.
2/ Bên cạnh việc làm phép nước rửa tội, còn có nghi thức làm phép nước để dùng vào việc thanh tẩy và thánh hóa các tín hữu. Có thể là lúc đầu, các tín hữu xin mang nước rửa tội về nhà làm kỷ niệm; nhưng từ thế kỷ VI, sách Phụng Vụ đã nói tới một nghi thức làm phép nước, khác với nước dùng trong bí tích rửa tội. Nước này có pha muối. Theo các sử gia, có lẽ vì người thời cổ tin rằng muối có sức trừ tà, thí dụ như khi rắc muối ở trước cửa nhà để xua đuổi tà ma. Và có lẽ Giáo Hội cũng du nhập tập tục đó, để thêm vào một ý nghĩa mới cho nước phép, tuy rằng trong lời nguyện chúc lành, phụng vụ trưng dẫn tích của ngôn sứ Êlisêo đã rắc muối xuống suối nước của thành Giêricô để chữa lành cho nó (2V 2, 20-21). Vì thế mà chị thấy nước phép mằn mặn.
Trải qua lịch sử, ta thấy Giáo Hội cũng như các tín hữu đã sử dụng nước phép vào những hoàn cảnh khác nhau. Trước hết một số tín hữu xin nước phép đem về nhà riêng. Họ rảy trên thân nhân và nhà cửa của mình, với ước nguyện xin Chúa ban ơn tẩy luyện các thân thuộc và đồ đạc của mình khỏi tội lỗi và bệnh tật, khỏi bị quỷ ma quấy phá. Còn Giáo Hội thì cũng dùng nước phép ở những cơ hội khác nhau.
Một trường hợp đã nói ở đầu, là đặt ở cửa nhà thờ, để các tín hữu làm dấu thánh giá trên mình, xin Chúa thanh tẩy trí lòng cũng như tâm hồn, để xứng đáng vào hầu cận Chúa. Ơn thanh luyện này được cầu xin cách tập thể với nghi thức rảy nước thánh trên tất cả các tín hữu trước khi cử hành Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Tập tục này đã có từ thế kỷ IX (ĐGH Lêo IV, 847-855). Việc rảy nước thánh trên các tín hữu kèm theo bài hát lấy từ Thánh Vịnh 51: “Lạy Chúa, xin dùng cành hương thảo rảy nước trên con, thì con được sạch, xin rửa con thì con được trắng hơn tuyết”. Do đó ta thấy ý nghĩa của nó là thanh tẩy linh hồn trước khi cử hành thánh lễ.
Đoạn văn này trích từ ngôn sứ Êdêkiel chương 47, nhưng được phụng vụ áp dụng theo nghĩa rộng hơn: nước từ bên cánh phải đền thờ được coi như hình bóng của nước và máu trào ra từ cạnh sườn bên phải của Đức Kitô trên thập giá, mang lại ơn cứu rỗi cho loài người.
Nói khác đi, bên cạnh ý nghĩa thanh tẩy, phụng vụ còn muốn thêm một ý nghĩa nữa cho việc rảy nước phép ngày Chúa Nhật, đó là kỷ niệm bí tích thánh tẩy, nhờ đó chúng ta tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô: không những là nước ấy thanh tẩy chúng ta khỏi vết nhơ tội lỗi nhưng còn mang lại cho ta những hồng ân khác, tỉ như ban cho ta ơn được làm con cái Chúa.
Ý nghĩa của việc rảy nước thánh như vậy xem ra không rõ lắm. Có lẽ nó bắt nguồn từ nghi lễ cung hiến đền thờ. Vào những thế kỷ đầu tiên, sau khi đế quốc Rôma trở lại đạo Kitô, không thiếu lần thay vì đập phá những đền thờ của tôn giáo cũ, thì người ta biến nó làm nơi thờ tự cho các tín hữu. Trong lễ nghi cung hiến, người ta rảy nước thánh trên các tường nhà thờ, có lẽ với ý nghĩa trừ tà. Những đền thờ này, trước đây đã được dùng thờ cúng ngẫu tượng tà thần ma quỷ, nay cần được tẩy uế, để dâng hiến cho Thiên Chúa.
Có lẽ từ đó mà người ta dùng nước thánh không những khi cung hiến các nơi được dành cho việc phụng tự, mà rảy trên những vật dụng (tượng ảnh, tràng hạt) dùng vào việc thờ phượng: ra như tẩy uế cho chúng, để thánh hóa chúng, nghĩa là dâng hiến chúng cho Chúa. Nói khác đi, ta có thể giải thích rằng cũng như việc rảy nước phép trên các tín hữu nhắc nhở họ nhớ đến bí tích rửa tội, thì việc rảy nước thánh trên các đồ vật dường như cũng cho phép chúng tham dự cách nào đó vào bí tích rửa tội, vào mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Kitô vậy, khi chúng được trở nên dụng cụ thánh hoá con người.
Thật vậy, những đồ vật (thí dụ ảnh tượng) được coi là thánh không phải vì nó mang theo bùa phép gì, nhưng mà vì nó giúp cho con người nên thánh, thí dụ khi nhìn ngắm bức tượng để nâng lòng lên cùng Chúa, để cầu nguyện, vân vân.
Trong số bảy bí tích, bí tích thứ năm mang tên là “phép xức dầu thánh”. Như vậy ta có cảm tưởng rằng dầu thánh chỉ được dùng vào bí tích xức dầu bệnh nhân. Tục lệ bình dân cũng đồng ý như vậy. Khi nói rằng “cần kêu cha đến xức dầu” thì hiểu là mời linh mục đến ban bí tích cho một bệnh nhân nguy kịch. Nhưng trên thực tế, phụng vụ dùng dầu thánh trong nhiều nghi thức khác nhau. Một cách cụ thể hơn nữa, vào ngày thứ năm Tuần Thánh, đức giám mục làm lễ cung hiến ba thứ dầu: dầu dự tòng, dầu bệnh nhân, dầu chrisma.
Câu trả lời đơn giản hơn hết là tại vì có ba công dụng khác nhau. Thực ra ba loại dầu này, nhất là dầu chrisma, được sử dụng vào khá nhiều hoàn cảnh. Vì thế, nếu muốn dùng đúng thời đúng lúc thì ba thứ dầu là còn ít; lẽ ra phải tăng thêm số dầu thì mới phải.
Tại vì trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều thứ dầu, mỗi thứ có công dụng riêng của nó. Khởi đi từ kinh nghiệm đó, phụng vụ dùng dầu như là một dấu chỉ cho thực tại ơn thánh. Chẳng hạn như nước dùng để rửa sạch cũng như để uống; vì thế nước được dùng không những như dấu hiệu cho việc thanh tẩy tội lỗi, mà còn như đề tài thúc gịuc các tín hữu hãy tìm đến nguồn mạch nước trường sinh. Vì thế trước hết, chúng ta nên ôn lại những công dụng chính của dầu trong đời sống thường nhật; rồi từ đó chúng ta sẽ bước sang lãnh vực siêu nhiên.
Nếu suy nghĩ một chút, chúng ta nhận thấy rằng dầu gắn chặt với cuộc sống chúng ta. Buổi sáng, vừa mới mở mắt, chúng ta đã cần đến dầu rồi. Tôi muốn nói đến dầu lửa (hoặc xăng dầu) để đốt đèn, cũng như là đốt lửa nấu ăn. Rồi sau đó khi đi làm, thì ngoài việc đổ dầu xăng cho xe máy, chúng ta đừng nên quên đổ dầu nhớt để làm êm động cơ. Còn nếu chị làm bếp, thì chắc là cần đến dầu để chiên hoặc dầu để trộn rau.
Một công dụng nữa của dầu là chữa bệnh: chúng ta thoa dầu khuynh diệp khi cảm lạnh, hoặc xoa những thứ dầu khác khi nắn bóp cơ thể. Sau cùng, thiết tưởng không nên bỏ qua một công dụng trước đây dành riêng cho phụ nữ nhưng bây giờ cũng được nam giới bắt chước, đó là dầu thơm (hay nước hoa).
Đúng vậy. Đến đây, chúng ta bắt buộc phải làm một cuộc thanh lọc. Nói đúng ra, phụng vụ Kitô Giáo chịu ảnh hưởng của văn hóa Do Thái hơn là của các dân tộc khác. Vì thế việc sử dụng dầu trong phụng vụ bị hạn chế do phong tục của dân tộc ấy.
Dân Do Thái sử dụng dầu để chữa bệnh (Hc 38,7 ; Is 1,6 ; 2Sb 28,15), để trang điểm (Gđt 10,2 ; 16,6-0 ; Ed 16,9), nhưng đặc biệt là để thánh hiến: việc xức dầu trên một đồ vật hay một người là dấu hiệu dành riêng đồ vật hoặc người đó cho Thiên Chúa.
Ở sách Xuất Hành chương 30 (câu 22-33), chúng ta đọc thấy cách thức “bào chế dầu thánh” cũng như việc sử dụng nó : “Giavê phán với ông Mosê: Phần ngươi, hãy lo cho có hương liệu hảo hạng : năm ký mộc dược nguyên chất ; một nửa nghĩa là hai ký rưỡi hương nhục quế ; hai ký rưỡi hương quế thanh ; năm kí quế bì... và bảy lít dầu ô-liu. Ngươi sẽ lấy những thứ đó pha chế thành dầu thánh để tấn phong”.
Những đồ vật thánh được xức dầu cung hiến là : “Lều Hội ngộ, Hòm Bia chứng ước, bàn và mọi đồ phụ tùng, trụ đèn và các đồ phụ tùng, hương án, bàn thờ dâng lễ toàn thiêu và mọi đồ phụ tùng, vạc nến và đế vạc”.
Trong số các người được hiến thánh, cần phải kể đến Aharon và các tư tế. Đó là chuyện vào giai đoạn lập quốc. Về sau, người ta thường nói đến việc xức dầu cho ba hạng người sau đây: thứ nhất là các vua (chẳng hạn: các vua Saul, Đavit, Salômon); họ được mang danh là “kẻ được Chúa xức dầu”; hạng thứ hai là vị thượng tế (như ông Aharon và các tư tế); hạng thứ ba là các ngôn sứ như trường hợp ông Elisêu được ông Elia xức dầu.
Không hẳn như vậy, còn nhiều công dụng khác nữa chứ. Lịch sử của dân Israel trải dài qua nhiều thế kỷ, ít là 12 thế kỷ tính cho đến thời Công Nguyên, vì vậy có nhiều biến đổi. Chúng ta bỏ qua tất cả những giai đoạn ấy để bước sang thời của Chúa Giêsu.
Sách Tin Mừng còn ghi lại vài phong tục sử dụng dầu tại Palestine trong việc chữa bệnh hoặc ướp xác. Thực vậy, trong số các phẩm vật mà các đạo sĩ mang đến tiến dâng Hài Nhi Giêsu, có “mộc dược” (Mt 2,11). Truyền thống Kitô Giáo đã giải thích như là tiên báo cái chết của Người: mộc dược dùng để liệm xác. Tư tưởng này đã được gợi lên ở đoạn văn thuật lại việc bà Maria Betania đổ dầu thơm xức chân Người sáu ngày trước lễ Vượt Qua (Ga 12,7 ; Mc 14,8).
Còn dầu chữa bệnh được ghi trong trình thuật Tin Mừng Maccô kể lại Đức Giêsu sai các môn đệ xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6, 6-7.12-13). Trong dụ ngôn người Samari nhân hậu, ta biết được rằng ông đã đổ dầu trên thân thể của một người bị đánh trọng thương nằm bên vệ đường.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là danh hiệu “Kitô” của Đức Giêsu. Kitô phiên âm tiếng Hy Lạp Christos tương đương với Messiah trong tiếng Do Thái, có nghĩa là kẻ được xức dầu. Từ ngữ này được giải thích theo hai chiều hướng. 1) Hướng thứ nhất của nhiều người đương thời, họ đã hiểu về vua Mêsia, vị từ ý nghĩa đó. 2) Hướng thứ hai của Hội Thánh tiên khởi giải thích theo một nghĩa “thiêng liêng” hơn : việc xức dầu có nghĩa là được đầy tràn Thần Khí.
Trong sách Tông Đồ Công Vụ (10,38), Thánh Phêrô giới thiệu Đức Giêsu như là “con người thần khí”, kẻ được “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38). Thánh Luca (4,18-19) cũng giải thích theo chiều hướng tương tự khi áp dụng cho Người đoạn văn Isaia 61,1-2 : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”.
Có chứ. Chúng ta là những Kitô Hữu, nghĩa là trở nên thành phần của Đức Kitô, cũng được chia sẻ sự xức dầu của Người. Thần học nói rằng Thánh Thần “xức dầu” các Kitô Hữu, nghĩa là thánh hiến họ, cho họ được tham dự vào chức vụ Vua, Tư tế, Ngôn sứ của Đức Kitô.Việc xức dầu của Thánh Thần được biểu thị qua cử chỉ xức dầu thánh.
Phụng vụ có ba thứ dầu, được đức giám mục chúc lành vào sáng thứ năm Tuần Thánh : dầu chrisma, dầu dự tòng, dầu bệnh nhân (GLCG số 1293-1296). Nói cho đúng, dầu chrisma biểu lộ ý nghĩa tham dự vào sự thánh hiến của Chúa Kitô hơn cả. Các tín hữu được xức dầu chrisma lúc lãnh bí tích rửa tội, thêm sức, truyền chức thánh. Có một sự khác biệt nho nhỏ trong cơ quan được xức dầu. Trong bí tích rửa tội và thêm sức thì xức dầu trên trán (trước đây, bí tích thêm sức cũng được gọi là “phép xức trán”).
Trong bí tích truyền chức thánh, thì chỉ có các linh mục và giám mục mới được xức dầu: các linh mục được xức dầu trên lòng bàn tay, ra như để thánh hóa đôi tay sẽ cầm Mình Thánh Chúa cũng như bàn tay sẽ chúc lành. Các giám mục được xức dầu ở trên đầu giống như các Thượng Tế trong Cựu Ước. Các phó tế thì không được xức dầu bởi vì họ không được tấn phong làm tư tế. Dầu chrisma cũng được dùng trong việc cung hiến thánh đường và bàn thờ nữa.
Đúng vậy, đây là một tục lệ đã có trong nhiều dân tộc. Giáo Hội tiên khởi đã du nhập vào đời sống của mình, như ta đọc thấy trong thư của thánh Giacôbê, chương 5 câu 13-14: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh”.
Nguồn gốc và ý nghĩa của dầu này không bắt nguồn từ dân tộc Do Thái nhưng từ văn hóa Hy Lạp và Rôma. Tại các dân tộc này có tục đô vật. Trước khi lâm trận, các lực sĩ xoa dầu trên thân mình, vừa làm nổi bật các bắp thịt của mình vừa tăng cường sức lực. Như vậy dầu tượng trưng cho sự thanh luyện và bổ sức.
Theo ý nghĩa ấy, phụng vụ xức dầu cho các dự tòng, nghĩa là chuẩn bị lãnh bí tích rửa tội, để nhắn nhủ họ rằng những ai muốn đi theo Chúa Kitô phải vật lộn chiến đấu với ma quỷ, thế gian; vì thế họ cần “bôi dầu”. Nên biết là vào thời xưa, việc bôi dầu này rộng trên khắp thân mình chứ không chỉ xức ở trên trán như hiện giờ. Chúng ta hãy nhớ lại công thức cam kết trước khi lãnh bí tích: các dự tòng hứa sẽ từ bỏ ma quỷ cũng như những quyến rũ của nó; liền đó, họ mới tuyên xưng đức tin, gắn bó với Thiên Chúa là Cha nhân lành quan phòng, Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu chuộc, và Thánh Linh là Đấng Thánh Hóa và tái tạo.
Chắc hẳn sự thay thế việc xông hương bằng cách vái nhang nằm trong kế hoạch hội nhập văn hoá mà Giáo Hội đang cỗ vũ. Tôi xin thú nhận là không được rành cho lắm về cách sử dụng các thứ hương trầm và nhang khói bên các tôn giáo Đông phương. Có điều nên lưu ý là trong nghi lễ phụng vụ Kitô Giáo, người ta xông hương Mình Thánh Chúa, xông hương bàn thờ, xông hương sách thánh, cũng như xông hương các tác viên và cộng đoàn Dân Chúa. Nhưng theo tôi nghĩ, chắc không ai dám cầm nhang đến trước mặt vị chủ tế hay các tín hữu khác để bái lạy. Có người đã giải thích rằng người ta chỉ cầm nhang cúi mình trước mộ người đã khuất, chứ không cầm nhang đi vái người còn sống. Tuy nhiên, tôi không có thẩm quyền để phê phán việc hội nhập văn hoá, vì thế tôi chỉ xin giới hạn vào việc tìm hiểu ý nghĩa việc xông hương trong phụng vụ mà thôi.
Việc sử dụng hương trong phụng vụ đã có trước Kitô Giáo, và cụ thể là trong phụng vụ Do Thái. Chúng ta có thể thấy vết tích nơi thánh vịnh 141 (đọc ở Kinh chiều I Chúa Nhật tuần I): “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay tỏa trước thánh nhan, và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều”.
Phúc Âm Thánh Luca mở đầu với cảnh Thiên Sứ Gabriel hiện ra với ông Dacaria trong đền thờ vào lúc tới phiên của ông phụ trách việc dâng hương (Lc 1,9-10). Quang cảnh này được lặp lại trong sách Khải Huyền chương 8 (câu 3-4), khi mô tả quang cảnh đền thánh trên trời: một thiên thần đến đứng trước bàn thờ, tay cầm bình hương vàng, lãnh nhận hương thơm để dâng lên bàn thờ cùng với những lời cầu nguyện của toàn thể các thánh.
Nếu dựa theo những đoạn văn vừa trưng dẫn thì phải trả lời rằng: đúng thế. Cũng trong chiều hướng biểu tượng này mà các giáo phụ giải thích ý nghĩa của ba lễ phẩm mà các đạo sĩ mang đến cho hài nhi Giêsu ở Bêlem: vàng để tuyên xưng là vua, hương để tuyên xưng là Thiên Chúa, mộc dược để tiên báo cuộc tử nạn và mai táng. Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng việc sử dụng hương không chỉ giới hạn vào mục tiêu tôn giáo mà thôi.
Trong nhiều nền văn hoá, nhũ hương mang giá trị như một thứ trang sức, tựa như ngày nay người ta xức nước hoa vậy, mà vết tích còn phảng phất trong sách Diễm Ca (3,6): “Kià ai đang tiến lên từ sa mạc, tựa hồ như những cột mây, thơm ngát mùi nhũ hương mộc dược, ngạt ngào hương phấn xứ lạ phương xa?”.
Nơi khác thì hương được dùng như một biện pháp vệ sinh, nghĩa là tại những phòng họp đông người, người ta đốt hương lên để đánh tan những mùi xú uế phát ra từ mồ hôi hoặc hơi thở. Và có lẽ những mục tiêu đó không vắng bóng trong dân tộc Do Thái, khi họ đốt hương trong đền thờ vào lúc dâng tiến lễ vật với sự tham dự của đông đảo thiện nam tín nữ đến tham dự. Chất liệu chế biến hương được quy định tỉ mỉ ở sách Xuất hành chương 30, câu 34-38 (trộn lẫn tô-hợp-hương, hương loa, phong-tử-hương, nhũ hương).
Tôi nghĩ là có. Khi đi hành hương ở Santiago Compostela bên Tây Ban Nha, tôi thấy người ta thắp lên một bình hương rất lớn ở gian chính thánh điện, và thòng dây như đánh đu, từ gian phải qua gian trái thánh đường. Lý do là để đánh tan hơi người tụ tập đông đảo. Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu ý nghĩa của việc dùng hương trong phụng vụ, thiết tưởng nên ghi nhận một nhận xét thú vị của các sử gia, đó là: tuy phụng vụ Kitô Giáo tiếp nhận việc sử dụng hương từ phụng vụ Do Thái, nhưng sự kế truyền không mang tính cách liên tục về lịch sử.
Thực vậy, suốt bốn thế kỷ đầu tiên, không thấy tài liệu nào nhắc đến việc sử dụng hương trong phụng vụ. Có người giải thích rằng sự vắng bóng này biểu lộ một thái độ dị ứng đối với tình thế chính trị thời đó. Nhiều đế quốc đương thời có lễ nghi suy tôn hoàng đế như thần linh, với nghi thức dâng hương. Các Kitô Hữu không chấp nhận điều đó, bởi vì họ không chấp nhận thờ phụng thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa. Nhiều tín hữu đã bị bắt và bị giết bởi vì họ khước từ dâng hương tế thần hoặc tế vua.
Mãi đến thế kỷ VII mới thấy mô tả việc dùng hương trong phụng vụ, với nhiều cấp độ tiệm tiến. Lúc đầu, bình hương được sử dụng để mở đầu các cuộc rước kiệu của giám mục vào nhà thờ (thế kỷ VII). Tiếp theo là xông hương sách Phúc Âm, rồi đến xông hương bàn thờ lúc đầu lễ và lúc dâng lễ (từ thế kỷ XI). Dần dần nới rộng sang việc xông hương chủ tế, các chức sắc.
Mãi đến thế kỷ XIII-XIV mới xông hương lúc dâng Mình Thánh Chúa. Cũng vào thời này mà người ta bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa của việc xông hương.
Không phải thế, ý nghĩa tâng bốc nịnh bợ có lẽ chỉ có trong tiếng Việt. Thánh Tôma Aquinô, trong cuốn Tổng Luận Thần Học, khi bàn về bí tích Thánh Thể, đã viết như sau (Sum. Theol., III, q.83, a.5, ad 2m): “Chúng ta sử dụng hương cũng như đạo Do Thái, nhưng không phải bởi vì tuân thủ luật Do Thái nhưng để tuân hành luật của Giáo Hội. Có hai ý nghĩa chính là: thứ nhất, để tỏ lòng tôn kính bí tích này, nghĩa là đánh tan những mùi hôi từ thân xác con người; thứ hai, để tượng trưng cho những hậu quả của ơn thánh được ví như mùi thơm nhân đức. Tiên vàn mùi thơm lan tỏa từ Chúa Kitô, rồi từ đó tràn lan lên các thừa tác của Người và trên các tín hữu. Vì vậy mà trong phụng vụ, chúng ta xông hương bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô, rồi đến các giáo sĩ và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa.”
Có chứ. Thánh Tôma chú trọng đến hương thơm trong việc xông hương. Nhưng ta có thể thêm nhiều biểu tượng khác nữa. Một biểu tượng đã nói đến từ trong Cựu Ước, đó là làn khói hương bay lên tượng trưng cho lời cầu nguyện dâng lên trước ngai Chúa. Thánh Vịnh 141 ước mong rằng lời cầu nguyện được đẹp lòng Chúa, cũng như mùi hương thơm ngát vậy (xc. Kh 5,8).
Một ý nghĩa biểu tượng nữa: hương cần được thiêu cháy trong than hồng thì mới tỏa hương thơm. Việc dâng hương cũng là biểu tượng cho tấm lòng sốt mến, sẵn sàng thiêu huỷ chính mình; nói khác đi, dâng hương mang ý nghĩa của sự dâng hiến hy sinh. Tư tưởng này cũng tương tự như ngọn đèn dầu bạch lạp cháy trước toà Chúa.
Có lẽ đây là một lãnh vực mà các sách Phụng Vụ dành nhiều thẩm quyền hơn cả cho các Hội Đồng Giám Mục để thích nghi với văn hoá địa phương, xét vì ý nghĩa của việc xông hương cũng như chất liệu hương trầm thay đổi khá nhiều từ nước này sang nước khác.
Văn kiện về Quy Tắc Cử Hành Thánh Lễ ấn bản năm 2000 đã dành hai số 276 và 277 để nói về việc xông hương (tương đương với số 235 và 236 trong ấn bản cũ).
Việc xông hương biểu lộ sự kính trọng và lời cầu nguyện, được áp dụng vào 5 lúc sau đây trong Thánh Lễ (tuy không có tính cách bắt buộc): 1) lúc rước kiệu khai mạc thánh lễ; 2) lúc đầu lễ: xông hương thánh giá và bàn thờ; 3) lúc kiệu và tung hô Phúc Âm: xông hương Sách Thánh; 4) lúc dâng của lễ: xông hương bánh rượu và bàn thờ, rồi đến linh mục và cộng đoàn; 5) lúc dâng Mình và Máu Thánh Chúa.
Số 277 mô tả khá tỉ mỉ cách thức xông hương. Chẳng hạn như trước khi xông hương, thì phải cúi đầu kính người hoặc ảnh tượng (ngoại trừ khi xông hương bàn thờ hay lễ vật). Đối với Mình Thánh Chúa, các ảnh tượng kính Chúa, sách Thánh, giáo sĩ và dân Chúa thì xông ba nhát; còn đối với hài cốt và ảnh tượng các thánh thì xông hai nhát. Khi xông hương lễ vật thì có thể thay thế bằng việc vạch dấu thánh giá với bình hương trên lễ vật.
Thiết tưởng việc xông hương kính Mình Thánh Chúa vào lúc chầu phép lành được coi như lặp lại cử chỉ lúc dâng Mình và Máu Thánh Chúa trong Thánh Lễ. Ta cũng có thể nói một cách tương tự như vậy về việc xông hương bàn thờ vào lúc hát Thánh ca Phúc Âm Benedictus và Magnificat trong lúc cử hành Giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều.
Đúng thế. Điều này được giải thích trong sách Nghi thức An Táng cũng như trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo như là dấu hiệu tỏ lòng tôn kính đối với thân xác. Thân xác của người đã chết không phải chỉ là một tử thi, thây ma, trở về với cát bụi. Thân thể của người Kitô Hữu đã được thánh hoá bằng bí tích Thánh Tẩy, đã được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa, đã trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần, vì thế đáng được tôn trọng.
Hội Thánh cũng tin rằng thân xác con người sẽ được sống lại vinh quang để chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa thần học của việc xông hương quan tài, cũng tựa như khi xông hương bàn thờ. Tuy nhiên, chắc hẳn vào lúc đầu, nghi thức xông hương trong lễ an táng cũng mang một ý nghĩa nhân bản nữa, đó là để đánh tan những mùi gây ra do bầu khí chung quanh người chết.