Khi Đức Piô XII tuyên bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, chắc rằng người không hề có ý định tặng huy chương “phi hành gia” cho Mẹ Chúa Cứu Thế đâu. Dĩ nhiên óc tò mò của chúng ta có quyền đặt ra thắc mắc. Chúng ta muốn biết Đức Maria bây giờ ở đâu, nhất là khi không phải chỉ có linh hồn Người được đem về trời mà cả thân xác nữa. Tiếc rằng không ai có thể trả lời thắc mắc ấy được.
Mặt khác, đây cũng là cơ hội để chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của một từ mà chúng ta dùng hằng ngày, nhất là trong ngôn ngữ tôn giáo: đó là “trời”.
Chúng ta mở đầu kinh nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta với những lời sau đây: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Thế rồi, tiếng Việt của chúng ta cũng gọi Chúa là “Thiên Chúa”, Đức Chúa Trời. Vậy thì “trời” có nghĩa là gì?
Theo tôi nghĩ, quan niệm bình dân Việt Nam phần nào cũng giống quan niệm bình dân Do Thái khi chia vũ trụ thành ba tầng: tầng trên gọi là trời; tầng giữa là mặt đất, nơi chúng ta đang ở; còn tầng dưới là âm phủ, nơi dành cho người chết và ma quỷ.
Dĩ nhiên, khoa học về không gian cận đại cho chúng ta thấy rằng cơ cấu vũ trụ phức tạp hơn quan niệm bình dân vừa nói. Trước tiên trái đất không còn là trung tâm vũ trụ nữa. Thứ đến bầu trời mà chúng ta thấy thực ra chỉ là khoảng không. Duy có một điều có lẽ còn đúng là địa ngục, theo nghĩa là càng đi sâu xuống mặt đất thì nhiệt độ càng gia tăng, do kinh nghiệm núi lửa mà đôi khi chúng ta nghe thấy đây đó. Thế thì có cần phải viết lại tất cả sách vở giáo lý cho hợp với không gian học hiện đại hay không? Tôi nghĩ là không cần, bởi vì ngôn ngữ đức tin của chúng ta không lệ thuộc vào quan điểm không gian thực nghiệm.
Có thể là trong một vài tôn giáo họ có ý định như vậy. Tiếc rằng tôi chưa có thời giờ để tham khảo các tài liệu văn chương tôn giáo Việt Nam để tìm hiểu ý nghĩa của tiếng “trời”.
Tôi có cảm tưởng tiếng “trời” ở Việt Nam có vẻ hàm hồ, theo nghĩa là không những tiếng “trời” chỉ nơi ở của các thần thánh (tỉ như Ngọc Hoàng ở thiên cung), nhưng tiếng “trời” còn chỉ chính Đấng tối cao nữa, tỉ như người ta gọi: Ông Trời, Trời ơi!
Còn quan niệm Kinh Thánh thì khác: đôi khi chúng ta gặp thấy hình ảnh trời như là ngai toà của Thiên Chúa, nhưng Kinh Thánh thâm tín rằng chính Người dựng nên trời đất. Người đã hiện hữu trước khi có trời đất. Và nói cho cùng Người chẳng ngự ở đâu cả bởi vì Người không có hình hài thân xác.
Không phải là chúng ta nói sai nhưng là nói không đúng lắm. Tiếc rằng chúng ta không thể làm cách nào khác hơn, bởi vì bao lâu chúng ta còn sống trên trần gian này, đầu óc chúng ta còn bị lệ thuộc vào không gian và thời gian. Bởi vậy, khi nói về Thiên Chúa chúng ta cần phải hình dung Người với một hình ảnh nào đó, ví dụ như một cụ già đầu tóc bạc phơ; và phải chọn một chỗ nào đó cho Người ở.
Thành thực mà nói, biết tìm một chỗ nào khác cao trọng hơn là trời? Dĩ nhiên ở đây chúng ta không hiểu rằng Người ngự trên tầng mây, song chúng ta chỉ có ý muốn nói rằng Người vượt xa chúng ta vạn bội. Chúng ta là phận hèn ở dưới đất, gần sát bụi tro, còn Người là Đấng cao sang vô ngần.
Có điểm khác chứ, khác xa lắm. Tuy luôn luôn tuyên xưng rằng Thiên Chúa cách xa chúng ta muôn vàn trùng như khoảng cách giữa trời với đất, nhưng đồng thời đức tin Kitô gíao cũng dạy rằng có một cây cầu đã được bắc ngang khoảng cách ấy.
Thực ra trong Kinh Tin Kính chúng ta đọc rằng: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”. Nghĩa là chính Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế và ở giữa chúng ta và đưa chúng ta về trời.
Nói khác đi, trong nhiều tôn giáo khác, việc lên trời chỉ là một mộng tưởng ngạo nghễ, tựa như bài dân ca Việt Nam “Bắc thang lên hỏi ông trời”. Còn đức tin Kitô Giáo ghi nhận đó là lý lẽ duy nhất về niềm hy vọng của con người. Đức Kitô đã từ trời xuống thế để đem chúng ta về trời với Người.
Như đã nói trên, xin thú thực là không ai trả lời được câu hỏi này. Đàng khác, chúng ta đừng quên là thân xác con người khi đã sống lại sẽ không bị chi phối bởi điều kiện thời gian và không gian như hoàn cảnh chúng ta hiện nay.
Khi đọc Phúc Âm tả lại điều kiện thân xác của Đức Kitô sau khi phục sinh, chúng ta thấy rằng thân xác của Người không còn bị giới hạn bởi trọng lực, thể chất: Người có thể đi vào một phòng cửa đóng then cài, và Người biến đi lúc nào không ai hay biết.
Vả lại, chúng ta cũng đừng nên quên rằng khoa học không gian hiện đại, tuy không còn coi trái đất là trung tâm vũ trụ nữa, nhưng cũng không coi vũ trụ này là duy nhất. Có thể là còn có nhiều vũ trụ khác nữa xa tít mù mà các dụng cụ quan sát không gian hiện đại chưa thể khám phá ra. Biết đâu thân xác chúng ta sau khi sống lại sẽ được đem lên các vũ trụ ấy?
Dĩ nhiên đây chỉ là lối nói chơi mà thôi, bởi vì Kinh Thánh không đặt nặng vấn đề đó. Điều quan trọng của việc lên trời là ở chỗ chúng ta được ở bên Chúa, được sống trong tình yêu với Người, và không bao giờ sợ mất Người nữa.
Đồng ý, chỉ cần có hồn là đủ. Tuy nhiên tôi nghĩ việc tuyên xưng thân xác sẽ sống lại và lên trời ở bên Chúa là một điểm đặc trưng của Kitô Giáo. Tiếc rằng chúng ta chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của tín điều đó.
Khác với một số tôn giáo khác coi thể xác hay vật chất là đồ xấu xa tội lỗi, Kitô Giáo tuyên xưng rằng thân xác con người được cấu thành bởi vật chất sẽ được thông hưởng đời sống thần linh. Đó là một cái nhìn hết sức lạc quan về thân xác và vật chất.
Sự xấu xa không phải hệ tại vật chất, nhưng là hệ tại ý muốn của chúng ta không biết sử dụng vật chất theo ý muốn của Thiên Chúa. Còn vật chất tự nó là tốt và có thể giúp chúng ta đến gần Thiên Chúa, giúp chúng ta nên thánh. Đây là một điểm mà chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều và rút ra những kết luận thực hành.
Người Kitô Hữu không làm tôi vật chất nhưng cũng không khinh chê nó. Họ lãnh nhận nó như món quà Chúa ban và tìm cách sử dụng nó như dụng cụ đưa về với Người.
Sách giáo lý dậy rằng về trời chiêm ngưỡng nhan Chúa; nhưng chiêm ngưỡng mãi thì cũng chán chết đi; suốt ngày ngồi nghe các thiên thần hợp tấu ca hát chúc tụng Chúa thì cũng có lúc ngấy chứ?
Thiên đàng của Kitô Giáo xem ra quá buồn tẻ lạnh lùng, không được vui nhộn khoái lạc như thiên đàng của các tôn giáo khác, có phải như vậy không?
Tôi không muốn đi sâu vào quan điểm về thiên đàng, thiên thai của các tôn giáo khác. Giới hạn vào Kinh Thánh Cựu và Tân Ước ta thấy có sự tiến triển trong sự mặc khải.
Trong những giai đoạn đầu của mặc khải Cựu Ước, có thể ghi nhận rằng thời ấy chưa có niềm tin về đời sau: phần thưởng hạnh phúc chỉ có ở đời này, tựa như sống lâu, con đàn cháu đống, của cải đầy dư. Cứ đọc chuyện ông Gióp vào hồi kết thì thấy. Vì vậy tác giả sách Gióp gặp phải một vấn nạn. Thế thì bao nhiêu người lành tu thân tích đức mà có được hưởng lạc gì đâu; trái lại là đàng khác, xem ra người lành hay bị đày đoạ hơn người ác.
Tiến thêm một bước nữa, là niềm tin có cuộc sống mai hậu: sau khi chết rồi tất cả mọi người (dù tốt dù xấu) cũng sẽ xuống âm phủ hết. Chúng tôi tạm dịch tiếng “sheol” trong tiếng Do Thái là âm phủ, tuy quan niệm không giống như âm phủ của quan niệm bình dân Việt Nam đâu.
Âm phủ, là nơi ở dưới mặt đất, nơi tối tăm. Các người chết xuống đó như là vào bóng tối, không có sức sống, không có hy vọng, chỉ còn ký ức về cuộc sống đã qua trên mặt đất mà thôi. Tuy nhiên, Thiên Chúa toàn năng có thể đưa con người ra khỏi âm phủ, hay ngăn cản không để con người rơi vào đó.
Dần dần, mặc khải tiến thêm một bước nữa, theo nghĩa là có sự phân biệt giữa só phận giữa người lành và người dữ. Người dữ thì vẫn xuống âm phủ, còn người lành, nghĩa là ai đã giữ luật Chúa thì sẽ được đưa vào nơi mát mẻ, sáng láng và bình an.
Vết tích của quan niệm này còn thấy trong Tân Ước, khi Chúa Giêsu thuật lại dụ ngôn về ông trọc phú và Lazarô. Một bên là vực thẳm nóng bức, bên kia là Lazarô nằm trong lòng Abraham. Dù sao thì Tân Ước nói rõ ràng không những là về sự sống sau khi con người đã tạ thế, nhưng còn về việc con người sống lại hoàn toàn cả hồn cả xác, với số phận khác nhau: người dữ thì sẽ phải chịu hình phạt muôn kiếp; còn người lành thì được hưởng hạnh phúc không tàn.
Thường thì mỗi người quan niệm hanh phúc theo sở ước của mình. Nói chung thì ai ai cũng muốn ăn no ngủ kỹ là sướng rồi. Tuy nhiên ta cứ tưởng tượng một người mồ côi mẹ từ hồi nhỏ có lẽ chẳng còn mong cái gì khác ngoài cái bao tử và giấc ngủ: anh ta mong tìm lại được tình thương ấm áp đùm bọc anh.
Chắc chị còn nhớ tới quan điểm hạnh phúc trong một số tiểu thuyết tình cảm: chỉ cần một mái nhà tranh, miễn sao có đôi trái tim vàng là tiên rồi. Trái lại, người nào thích hoạt động vùng vẫy thì có chịu an phận bên cạnh bàn tiệc và cái giưòng đâu: ăn ngủ mãi thi cũng nhàm chán lắm chứ; tại sao không lên đường tung dọc vẫy vùng để chinh phục thêm những thế giới mới; còn người nào đã vật lộn tranh đấu rồi thì chắc chắn chỉ mong xin được hai chữ “bình an”, hay “hoà bình”. Và cứ thế thì sở ước con người nói được là không bao giờ cùng.
Chính vì vậy mà khi bàn về hạnh phúc con người, Kinh Thánh chỉ nói tới cái gì chính yếu, chứ không đi liệt kê hết tất cả những gì mà con người thèm khát. Nói khác đi, chúng ta cần phân biệt cái gì là nòng cốt và cái gì chỉ có tính cách biểu tượng, hình ảnh. Những hình ảnh gắn liền với một quan niệm văn hóa của một địa phương hay một thời đại, còn cái nòng cốt mới có giá trị vĩnh viễn.
Thí dụ có lẽ đơn giản nhất là hình ảnh về trời. Khi nói hạnh phúc của chúng ta ở trên trời, chắc chắn rằng không ai muốn hiểu theo nghĩa chặt chẽ của không-gian-học hiện đại; bởi vì theo khoa học lên trời chưa chắc có hạnh phúc hơn mặt đất này không, xét vì thiếu khí quyển, mất trọng lực, đi lại rất là khó khăn.
Nhưng chúng ta cần lồng tư tưởng về trời theo quan niệm bình dân, theo đó thế giới được chia làm ba phần: trời cao, nơi dành cho các thần thánh ngự; đất này là nơi con người sinh sống; còn địa ngục là nơi giam cầm loài quỷ ác ôn. Nói khác đi, khi nói rằng về trời, có nghĩa là được chia sẻ đời sống thần linh với Chúa, thông phần hạnh phúc với Chúa. Thật khó mà mô tả được hạnh phúc với Chúa gồm có cái gì, nhưng chắc rằng chuyện ăn no ngủ kỹ chỉ là thứ yếu.
Một thí dụ nữa là hình ảnh về thiên đàng, mà có người dịch là thiên thai, hay nơi cực lạc. Trên thực tế, tiếng “thiên đàng” là một hình ảnh lấy lại từ những chương đầu của sách Sáng Thế, từ cái mà chúng ta quen gọi là vườn địa đàng. Trong Việt ngữ, chúng ta phân biệt “thiên đàng” hay “địa đàng”, nhưng trong nguyên bản Kinh Thánh thì chỉ là một từ “Paradisum”. Đại khái trong vườn ấy, có rất nhiều cây cối, hoa trái xum xuê, nhất là cây trường sinh, và không thiếu dòng suối nước trong mát.
Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, thì hình ảnh ấy là giấc mơ của những chàng du mục lang thang trên sa mạc nóng bỏng; còn muốn mơ gì khác ngoài một lùm cây có bóng mát, có dòng suối nước trong. Tuy nhiên nòng cốt của thiên đàng không phải ở chỗ có nước mát và trái cây, nhưng là sự thân mật với Thiên Chúa, khi Người đến đàm đạo với con người lúc mặt trời xế bóng, và nhất là lời hứa trường sinh. Do đó khi Tân Ước lấy lại hình ảnh thiên đàng (tỉ như sách khải huyền chương 2 câu 7), thì trọng tâm của tư tưởng nằm ở chỗ con người được chia sẻ sự sống bất tử với Thiên Chúa. Đó cũng là ý nghĩa của lời hứa mà Chúa Giêsu dành cho người trộm lành: “Hôm nay con sẽ vào thiên đàng với ta”. Thiên đàng không có ý ám chỉ một nơi nào cụ thể cho bằng tình trạng của cuộc sống mới với Chúa.
Đúng như vậy. Nhưng chúng ta cũng nên phân biệt giữa nòng cốt và hình ảnh. Tôi tưởng rằng không phải chỉ có dân mình nhưng đâu đâu cũng vậy, nếu mà không có tiệc tùng, không có khao vọng thì buổi lễ không thể nói được là linh đình được. Vì vậy không lạ gì khi Kinh Thánh cũng dùng hình ảnh ấy để nói đến hạnh phúc.
Tuy nhiên ngoài cái khoái khẩu hay khoái vị, chúng ta cần khám phá cái gì khác hơn nữa trong bữa tiệc: đó là tính cách xã hội của nó. Nói khác đi, con người không thể hưởng hạnh phúc cách cô đơn một mình, cần có sự chia sẻ nữa. Chính vì vậy mà Tân Ước nhiều lần diễn tả hạnh phúc mai hậu như là ở với Chúa, sống kề Chúa Kitô, đi vào nước Chúa, chia sẻ niềm vui với anh chị em, vân vân.
Trước hết chúng ta cần nói rằng việc “chiêm ngưỡng nhan Chúa” không phải là do các nhà thần học bày đặt ra, nhưng là dựa trên lời Kinh Thánh. Thánh Phaolô, trong lá thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, chương 13, câu 12, viết rằng: “Giờ đây chúng ta chỉ thấy lờ mờ trong gương; nhưng đến ngày ấy chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa nhãn tiền”.
Một cách tương tự như vậy trong thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông Đồ, chương 3 câu 2, chúng ta đọc thấy rằng “chừng nào Chúa Giêsu trở lại, chúng ta sẽ nên giống như Người, chúng ta sẽ chiêm ngắm Người”.
Ta phải hiểu thế nào về việc chiêm ngắm hay nhìn ngắm nhan Chúa? Có lẽ phải hiểu theo tâm thức của ngừơi Do Thái: khi nói nhìn thấy người nào, họ hiểu là việc gặp gỡ diện đối diên cách thân mật, chia sẻ tình yêu và sự sống với người ấy. Về sau, do ảnh hưởng của triết học Hy Lạp, một số nhà thần học bắt đầu diễn tả sự nhìn ngắm Thiên Chúa như một tác động thuần túy của lý trí. Như vậy hạnh phúc trên trời chỉ còn dành cho một số nhà trí thức biết tìm thấy khoan khoái trong việc suy tư, chứ không đếm xỉa gì đến các nhu cầu khác của con người nữa.
Không nói ai cũng đoán được, đây là cách giải thích của một số nhà thần học chứ không thuộc đức tin Kitô Giáo. Điều đáng cho ta để ý khi nói đến việc chiêm ngắm nhan Chúa là, khác với ngày hôm nay, trên đường lữ hành dương thế, chúng ta chỉ nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa qua đức tin, qua ý niệm, qua từ ngữ, qua hình ảnh. Nhưng đến ngày ấy chúng ta có thể nhìn thấy Người trực tiếp mà không cần qua trung gian nào nữa hết. Có thể so sánh như sự khác biệt giữa việc biết một nhân vật hay một thắng cảnh qua lời quảng cáo hay hình ảnh, với sự nhận biết khi gặp thẳng người đó, hoặc đến sống tại nơi đó vậy.
Chúng ta còn sống trong thời gian, và chúng ta biết rằng thời gian có hạn: cái gì gắn liền với thời gian thì sớm muộn cũng tàn tạ. Vì vậy, hạnh phúc tuyệt đối không thể gắn liền với thời gian, với sự tàn tạ được. Đó là điều mà ta muốn nói qua các từ “bất tử, bất diệt”, hay “đời đời”, nghĩa là kéo dài từ đời này tiếp qua đời kia không bao giờ chấm dứt.
Thực ra tất cả những tư tưởng ấy đều có tính cách tiêu cực, theo nghĩa là chúng ta chỉ biết là nó không giống như thực tại thời gian mà chúng ta đang sống. Thế nhưng xét cách tích cực, thì nó sẽ như thế nào? Điều đó trí óc ta khó mà hình dung được, xét vì tư tưởng của chúng ta không thể hình dung được cái gì mà không gắn với khung cảnh thời gian và nơi chốn.
Dù sao, chúng ta cũng biết rằng nguyên việc kéo dài đời sống ra bất tận chưa đủ tạo ra hạnh phúc: ta thấy có những người sống thọ mà đâu có sung sướng gì; cần phải xét đến phẩm tính của sự sống nữa. Để kết luận, chúng ta đừng nên quên rằng theo Phúc Âm Thánh Gioan, cuộc sống đời đời đã bắt đầu ngay từ bây giờ, kể từ khi ta có đức tin: ai tin Đức Kitô thì bắt đầu cuộc sống đời đời rồi, nghĩa là bắt đầu nhận lãnh mầm mống của đời sống thần linh rồi: mầm mống ấy sẽ triển nở dần dần, và chỉ còn chờ ngày chín mùi khi nhìn thấy Chúa nhãn tiền.
Trước khi trả lời, tôi giả thiết rằng chúng ta muốn nói về hỏa ngục theo quan niệm của Kitô Giáo, chứ không nói tới hỏa ngục âm ti của các tôn giáo khác.
Thực vậy nhiều tôn giáo trình bày hỏa ngục như ngục lửa, với vạc dầu sôi nóng bỏng, đang khi Diêm vương khoái trá ngồi chứng kiến cảnh tra tấn các tội nhân. Đó không phải là hình ảnh hỏa ngục theo đức tin Kitô Giáo. Nói đúng ra, từ ngữ “hỏa ngục” trong tiếng Việt dễ gây ra ấn tượng của một ngục thất hỏa lò nóng bỏng. Còn trong các tiếng Tây Phương, chữ “inferi” chỉ có nghĩa là nơi thấp, hang hốc sâu thẳm, đối lại với “trời cao”.
Không những sách giáo lý mà chính Kinh Thánh cũng có nói tới ngọn lửa thiêu đốt không bao giờ tắt. Như có lần chúng tôi đã nói, khi học hỏi lịch sử mặc khải ở Cựu và Tân Ước, ta thấy có sự tiến triển dần dần về quan niệm về sự thưởng phạt sau cuộc đời này.
Lúc đầu, xem ra như chết là hết chuyện: nên chi hạnh phúc thưởng phạt xảy ra ngay chính ở đời này. Tiếp theo đó là quan niệm về một âm phủ tối tăm, nơi an nghỉ của tất cả những người đã chết, bất luận lành dữ. Mãi đến vào cuối thời Cựu Ước, mới có sự phân biệt giữa hai nơi: người lành thì an nghỉ trong lòng Abraham, nơi mát mẻ, ánh sáng, bình an. Còn người dữ thì bị nhốt trong ngục tối và bị khổ cực vì lửa thiêu đốt.
Dĩ nhiên có người sẽ nêu thắc mắc ngay: tại sao có chuyện ngược đời: lửa nóng bừng như vậy mà vẫn để ngục tối om? Vấn nạn ấy có thể giải thích dễ dàng nếu chúng ta biết rằng đó chỉ là những hình ảnh chứ không phải là tư tưởng thần học. Hai hình ảnh thoạt tiên xem ra mâu thuẫn nhưng tựu trung diễn ra mối lo sợ nhất của con người: sợ bị chìm đắm trong bóng tối quên lãng, và sợ bị thiêu đốt bởi ngọn lửa không tàn.
Tân Ước cũng lấy lại những hình ảnh vừa nói: chúng ta đọc thấy những hình ảnh như là: ngục lửa, lửa không hề tắt, thậm chí còn thêm hình ảnh là con bọ không chết (Mc 9,48). Tiếc rằng văn chương Công Giáo cũng như quan niệm bình dân thường dừng lại ở những hình ảnh này, và thêm thắt vẽ vời chi tiết cho thêm rùng rợn, chứ không muốn đi sâu hơn.
Thực vậy, Tân Ước không chú trọng đến các hình khổ hỏa ngục cho bằng sự mất mát lớn lao nhất của con người: đó là mất Chúa, bị loại khỏi Nước Trời, xa cách Thiên Chúa và đồng loại, tức là cứu cánh của cuộc sống. Nói khác đi, hình khổ nhất của con người trong hỏa ngục là mất sự sống: có sống cũng như chết.
Đồng ý rằng nhiều tôn giáo có dạy rằng ai ăn ngay ở lành thì sẽ được công phúc mai hậu, còn ai làm dữ thì bị phạt trầm luân. Tuy nhiên ngoài điều thâm tín phổ quát chung ấy, giữa các tôn giáo có rất nhiều sự khác biệt.
Tỉ như bên Á Châu, có nhiều người tin rằng mình có thể mang ác quả của bao nhiêu kiếp trước, và còn cứ phải đầu thai đền tội, tuy rằng có lẽ là trong hiện tại mình không có làm điều gì ác ôn. Còn Kitô Giáo thì nhấn mạnh đến trách nhiệm tự do cá nhân: khi mình phạm tội, tức là mình tự ý định đoạt khước từ Thiên Chúa, và do đó sẽ lãnh lấy hết hậu quả của quyết định ấy.
Thú thực đây là một điểm gay cấn nhất của đức tin Công Giáo về hỏa ngục. Trải qua hai mươi thế kỷ, nhiều người không những đã phủ nhận tính cách trường cửu của hỏa ngục vì thấy nó phi lý, nhưng không thiếu người đã nại tới Kinh Thánh để quả quyết rằng đến một ngày nào đó Chúa sẽ giải phóng tất cả những người bị giam cầm trong hỏa ngục.
Thuyết nổi tiếng nhất là của Origène (sống vào thế kỷ III). Theo ông, Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, chương 15 câu 28, quả quyết rằng sau cùng Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự, nghĩa là không còn chỗ cho hỏa ngục nữa. Theo Origène chú giải, thì sau một thời kỳ trừng phạt sẽ đến thời tái tạo. Con người tội lỗi sẽ trở về với Thiên Chúa, và sẽ lãnh ơn tha thứ.
Nhưng Giáo Hội nói rằng nó không hợp với đức tin Công Giáo. Các nhà thần học cũng nát óc để tìm câu giải đáp cho những thắc mắc thường hay nêu lên: tại sao tội con người phạm trong chốc lát mà lại có thể bị phạt mãn đại được? Tại sao Chúa không thể chấm dứt hình phạt hỏa ngục?
Câu trả lời của thần học cổ truyền như sau: Vấn đề không phải là tại Chúa không tha thứ, nhưng là tại vì con người từ khước tình yêu tha thứ. Thánh Tôma Aquinô nói rằng bao lâu chúng ta còn sống trên đời thì còn có thể thay lòng đổi dạ. Nhưng một khi đã ra khỏi đời này rồi thì không thay đổi quyết định nữa. Thánh Tôma ví điều kiện con người lúc ấy như điều kiện của các thiên thần và các ma quỷ: họ không bao giờ thay đổi nữa.
Dĩ nhiên đây chỉ là một lối giải thích, và không thể tránh được hết các vấn nạn, tựa như: thế thì u mê dại dột của chúng ta là tại điều kiện thân xác hay sao? Hoặc: tại sao các thiên thần thông minh sáng trí như vậy mà lại đi chọn làm điều bậy và không biết hổ thẹn? Và còn bao nhiêu thứ vấn nạn khác nữa.
Dù sao, đức tin thâm tín rằng hình phạt mãn đại không phải là do Chúa muốn trả thù những quân phản loạn ngỗ nghịch. Chúa không cần ra tay thịnh nộ để thị oai ai khác; Người không có sung sướng gì khi thấy đối phương bị đày đoạ. Đó chỉ là những tâm tình ti tiện của loài người chúng ta, và không thể nào áp dụng cho Thiên Chúa nhân lành.
Chúng ta cần nhìn tính cách trường cửu của hỏa ngục dưới một cặp mắt khác: đó là làm sao con người có thể từ khước Thiên Chúa được? Làm sao con người có thể khước từ tình yêu? Thực vậy, bao lâu con người còn biết chấp nhận tình yêu, biết chấp nhận lòng tha thứ, biết khiêm tốn hối cải, thì bấy lâu con người chắc chắn sẽ được cứu thoát. Thiên Chúa không khước từ ban ơn tha thứ; chỉ có con người khước từ sự tha thứ, và trong trường hợp đó, Chúa không muốn cưỡng bách con người.
Kinh Thánh có nói đến lửa thiêu đốt trong hỏa ngục. Nhưng ta phải hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng? Điều đó khó mà trả lời. Như đã nói trên, hình khổ cực nhất của hỏa ngục ở chỗ con người mất hạnh phúc là Thiên Chúa. Ngọn lửa thiêu đốt mình hơn cả có lẽ là sự dằn vặt của kẻ tuyệt vọng, vì không thể tìm đâu sự nâng đỡ được nữa.
Nhiều văn hào và nhà thần học định nghĩa hình phạt nặng nhất trong hỏa ngục là: đây không có tình yêu, chỉ có thù ghét mà thôi. Và chúng ta có thể tưởng tượng những người luôn sống trong hận thù, nơm nớp lo sợ người láng giềng của mình, thì đủ hiểu cực hình của kẻ phải sống giữa những người mà không thể yêu suốt năm này qua năm khác.
Một lần nữa, chúng ta đừng pha trộn những hình ảnh bình dân với đức tin Công Giáo: trong nhiều tôn giáo, ma quỷ dưới hỏa ngục đóng vai trò lý hình tra tấn, hành hình các tội nhân; chúng hả hê trong chức phận đó.
Một số tôn giáo khác trình bày ma quỷ hay quỷ vương như đối thủ của Thiên Chúa, như thần Ác đối chọi với thần Lành. Cả hai quan niệm ấy hoàn toàn trái ngược với đức tin Công Giáo.
Thứ nhất, chúng ta tin rằng chỉ có một Thiên Chúa mà thôi; và ma quỷ chỉ là thụ tạo ở dưới quyền của Người chứ không phải là ở ngoài vòng kiểm soát của Người.
Thứ hai, chúng không hưởng lạc dưới hỏa ngục với trò tra tấn con người rơi xuống đó. Sự thực là chúng cũng thuộc vào hàng bị đày đoạ, cũng mất niềm hạnh phúc mà mọi thụ tạo trông mong, đó là được sống trong tình thân mật với Thiên Chúa. Hậu nhiên, tuy chúng có kéo bè kéo lũ, nhưng chúng cũng chịu nỗi khổ của tất cả những ai xuống hỏa ngục, tức là không thể yêu thương nữa, nhưng chỉ khép kín trong vòng thù ghét.
Tuy nhiên trọng tâm của mặc khải không phải là mô tả hình phạt của ma quỷ ở dưới hỏa ngục; nhưng là ơn gọi của con người. Con người được gọi chia sẻ hạnh phúc với Chúa. Con người được hưởng tự do để đáp lại lời mời ấy hay từ khước. Mặc khải cho biết rằng, con người có thể bị lừa phỉnh vì những cám dỗ của cha sự gian dối, của quyền năng tối tăm; nhưng con người luôn có tự do để định đoạt.
Thánh Augustinô ví ma quỷ như con chó: nó có thể tru sủa, có thể xui giục, nhưng nó không thể cắn ta nếu ta không muốn để cho nó đớp. Dù sao, chúng ta đừng trút hết các trách nhiệm tội lỗi cho ma quỷ. Nguồn gốc tội lỗi nằm trong chính lòng của ta, chính trong dục vọng, tính tự phụ, ích kỷ của ta. Chúng ta tin rằng chúng ta có thể thắng được các mưu chước sự dữ nhờ quyền năng của Đức Kitô Phục Sinh.