Chúng ta thường đối chọi giữa công bình với thương xót. Khi nghĩ đến tội lỗi, chúng ta dễ hình dung rằng theo lẽ công bình thì người phạm tội đáng bị Chúa phạt; nhưng theo lòng từ bi thương xót, thì Chúa tha thứ. Tuy nhiên, khi nói đến hình phạt hỏa ngục, thì theo lý luận tự nhiên, nó không chỉ đi ngược với lòng thương xót mà đi ngược cả với sự công bình nữa.
Theo lẽ công bình, hình phạt phải cân xứng với tội phạm. Nếu một tội nhẹ mà xử phạt nặng là không công bình. Thí dụ như tôi ăn trộm một gói kẹo ở siêu thị và bị bắt được, thì cơ quan an ninh có thể phạt tội phải đền bù số tiền tương đương với món hàng đó, hoặc có thể giam tôi trong trại cải tạo mấy ngày. Như vậy là công bằng. Nhưng nếu vì tội ăn cắp gói kẹo mà kết án tử hình thì chắc chắn là quá đáng. Bây giờ chúng ta hãy áp dụng vào trường hợp một người phạm tội, lỗi luật Chúa.
Theo phép công bằng, anh ta đáng phải phạt. Nhưng phạt như thế nào cho hợp công bằng? Tạm thời chúng ta không bàn đến bản chất của hình phạt, làm sao cho cân xứng với tội phạm, nhưng chúng ta hãy nghĩ đến thời gian thụ hình.
Hình phạt hỏa ngục mang tính vĩnh cữu, bất tận. Có nghĩa là không phải là 100 năm, 1000 năm, 10 ngàn năm, mà còn hơn thế nữa. Ta thấy là không cân xứng, bởi lẽ con người chỉ sống trên đời hơn kém 100 năm, có tung hoành gì đi nữa thì cũng chỉ trong khoảng thời gian ấy thôi. Như vậy, ông ta chỉ đáng phạt 100 năm hoặc cùng lắm là 500 năm; đàng này, ông phải chịu phạt tới cả trăm ngàn năm (và hơn nữa). Như vậy là không hợp lẽ công bình; chứ đừng nói trái ngược với lòng thương xót.
Một cách đơn giản hơn cả là sau một thời gian trừng phạt, Thiên Chúa tuyên bố ân xá. Đây là điều mà các chính phủ cũng thường áp dụng. Từ xưa rồi, ông Origene cũng nghĩ như vậy. Theo ông, sau một thời gian chịu án phạt, cuối cùng Thiên Chúa sẽ ban ân xá tha thứ không những cho những người tội lỗi mà kể cả ma quỷ nữa. Nhưng luận đề của ông đã bị công nghị Constantinopolis năm 543 lên án.
Có lẽ tại vì đi ngược lại với giáo lý của Thánh kinh, nói đến hình phạt đời đời, chứ không phải là hình phạt có hạn. Và có lẽ bởi vì thuyết này sẽ dễ đưa tới lý luận của thuyết luân hồi, theo đó con người sinh ra trên đời để đền tội đã phạm trong kiếp trước, và nếu kiếp này không đền xong thì lại đầu thai thêm nhiều kiếp nữa, chừng nào sạch tội thì thôi.
Chúng ta nên biết có hai tiền đề đàng sau thuyết luân hồi. Thứ nhất, nhằm giải quyết vấn nạn: vì sao trên đời có những em bé sinh ra đã phải chịu khổ sở tàn tật; câu trả lời hợp lý là tại vì kiếp trước nó đã phạm tội cho nên kiếp này phải đền. Thứ hai, tạo cơ may cho hết mọi người được cơ may cứu độ; cũng ví như kỳ thi, nếu rớt kỳ này thì kỳ sau sẽ thi lại.
Tiếc rằng tuy thoạt tiên giải pháp này xem ra hợp lý hợp tình, nhưng gặp phải khó khăn lớn, đó là thuyết luân hồi trái ngược đức tin Công Giáo. Mặt khác, không ai còn nhớ kiếp trước mình đã phạm tội gì để kiếp này mình cố gắng cải thiện.
Có nhiều giả thuyết được đưa ra. Một giả thuyết thứ nhất là đóng cửa hỏa ngục. Ý kiến này đã được các nhà thần bí nêu lên từ thời Trung Cổ, trong đó nổi tiếng bà Rabia al-Adawiyya (713-801), thuộc Hồi Giáo, được mệnh danh là “thi sĩ của tình yêu”.
Bà chủ trương phải dành tình yêu trong trắng cho Thiên Chúa, nói như sau: “Ta phải yêu mến Chúa bởi vì Người là Sự Thiện tuyệt đối, chứ không phải vì trông mong được Người ban thưởng. Nếu ai phục vụ để được hưởng thiên đàng thì chỉ là một kẻ làm thuê mà thôi”.
Bà đã cầu nguyện thế này: “Lạy Chúa, nếu con tôn thờ Chúa vì sợ hoả ngục thì xin đốt con trong lửa đó. Nếu con tôn thờ Chúa vì muốn lên thiên đàng thì xin đóng cửa thiên đàng lại. Còn nếu như con tôn thờ Chúa vì Chúa, thì xin đừng ngăn cản con được nhìn thấy Chúa”.
Dựa theo lời nguyện đó, người ta kể lại một giai thoại về bà như sau: “Một bữa kia, một đám thanh niên thấy cô Rabia chạy nhanh, một tay cầm đuốc cháy, tay kia xách thùng nước. Họ hỏi: Cô đi đâu vậy? Cô đáp: Tôi chạy lên thiên đàng để đốt nó, và chạy xuống hoả ngục để dập tắt ngọn lửa. Có thế người ta mới phụng thờ Chúa vì lòng mến Chúa chứ không vì mong lên thiên đàng hay vì sợ hoả ngục”.
Nên biết là vào thời Trung Cổ, các sử gia Kitô Giáo đã viết lại tiểu sử của bà và cho bà trở lại đạo Công Giáo với cái tên là Dame Caritée.
Về phía Công Giáo, thì ta thấy có thánh Catarina Siena, người đã thốt lên trong buổi cầu nguyện: “Lạy Chúa, làm sao con có thể an lòng khi còn có một người, được dựng nên cũng như con đây, giống hình ảnh Chúa, mà lại bị trầm luân hoặc thoát khỏi tay Chúa? Con không muốn dù chỉ một người trong số anh chị em con, là những thân nhân của con do bản tính và do ân sủng, lại phải thiệt mất… Nếu Chúa chân thật và lân tuất cho phép, con muốn phá hủy hoả ngục, hoặc ít là từ nay trở đi, không còn linh hồn nào xuống dưới đó nữa. Miễn là con được kết hợp với Chúa nhờ tình yêu, con mong được đặt ở cửa miệng hoả ngục để bịt nó lại ngõ hầu không ai có thể vào đó được nữa. Như vậy, con mong rằng hết mọi người sẽ được cứu rỗi”.
Như vậy chúng ta thấy rằng hai phụ nữ vừa rồi giải quyết vấn đề hỏa ngục dựa trên tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy sống với Chúa trong tương quan yêu mến chứ không phải vì sợ hãi. Thậm chí, Thánh Catarina nghĩ rằng Thiên Chúa tha hết mọi tội lỗi của chúng ta, và chỉ có ai không tin vào sự tha thứ của Chúa mới bị xuống hỏa ngục mà thôi. Chúng ta đọc thấy điều này trong sách Đối thoại, các chương 37 và 132.
Câu hỏi này muốn nói rằng bên cạnh những giải pháp dựa trên tình cảm, chúng ta cần phải đi tìm những giải pháp dựa trên lý luận nữa. Và dĩ nhiên là có khá nhiều giả thuyết.
Giả thuyết thứ nhất là vào lúc sắp lìa đời, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta một tia sáng để nhìn lại tất cả cuộc đời, và quyết định chọn lựa theo Chúa. Chỉ cần một giây là đủ, giống như người trộm lành bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu vậy.
Một giải pháp nữa là xét lại toàn bộ vấn đề hỏa ngục: có hỏa ngục không? Câu trả lời là: vừa có vừa không, tùy theo chúng ta hiểu hỏa ngục theo nghĩa nào. Phần lớn chúng ta hình dung hỏa ngục như cái nhà tù, trại tập trung, trong đó phạm nhân phải chịu đủ thứ cực hình tra tấn, và hình khổ nhất là lửa thiêu đốt. Nếu hiểu theo nghĩa này thì phải nói là không có hỏa ngục. Lý do là tại vì những hình phạt vừa kể chỉ có giá trị cho những loài nào có thể xác. Nếu không thân xác, thì làm sao đánh đập được, và nhất là giam giữ được. Chỉ có thân xác mới có thể bị nhốt trong ngục, chứ linh hồn thì không thể nào bị nhốt trong một nơi chốn được. Chúng ta vẫn tin là linh hồn thiêng liêng, không bị lệ thuộc vào vật chất mà. Bởi vậy, chúng ta phải hiểu hình phạt theo một nghĩa khác, đó là bị sống xa cách Chúa.
Thoạt tiên, xem ra câu nói này chẳng có nghĩa lý gì, bởi vì trên đời có biết bao nhiêu người không tin vào Thiên Chúa, vì thế sống gần Chúa chẳng làm họ hạnh phúc, và xa cách Chúa cũng chẳng làm cho họ đau khổ. Tuy nhiên, sau khi ra khỏi đời này rồi, thì lúc ấy chúng ta mới biết đâu là cứu cánh cuộc đời. Khi chúng ta không còn mang theo thân nhân, địa vị, chức quyền, tài sản, và chỉ có hai bàn tay trắng, lúc đó chúng ta mới tự hỏi: đâu là ý nghĩa cuộc đời? Đâu là hạnh phúc thật của cuộc sống? Lúc đó, chúng ta mới thấy rõ: hạnh phúc thật là được chia sẻ sự sống với Chúa; và cái bất hạnh tuyệt đối là mất Thiên Chúa.
Xét vì Thiên Chúa là niềm vui, là yêu thương, là tốt lành, cho nên mất Chúa là mất niềm vui, không cảm nhận được yêu thương nhưng chỉ thấy oán ghét và hận thù. Những thực tại này đôi khi đã cảm nhận được ngay từ trên đời này, khi chúng ta cắt đứt tình yêu với Thiên Chúa và tha nhân.
Như vừa nói, chúng ta đừng hiểu hỏa ngục như cái ngục với đủ mọi hình cụ tra tấn kinh khủng nhất trên đời này; nhưng như là khước từ tình yêu của Thiên Chúa. Đến đây, chúng ta đứng trước một mầu nhiệm, đó là tự do của con người.
Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, sẵn sàng tha thứ tất cả mọi lỗi lầm. Nhưng có người khước từ tình yêu ấy. Tại sao vậy? Thật khó hiểu. Và Thiên Chúa tôn trọng quyết định tự do của con người. Nghĩ đến đây, chúng ta chỉ còn biết than thở với lời nguyện của thánh Inhaxio mà phụng vụ mừng lễ hôm nay: Lạy Chúa, xin chấp nhận tự do, ký ức, trí tuệ, tất cả nhưng con có và sở hữu. Tất cả là do Chúa ban cho con, bây giờ con xin dâng chúng cho Chúa. Xin Chúa xếp đặt theo ý muốn của Chúa. Xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa, và thế là đủ cho con rồi.
Tiếng lâm bô chuyển âm từ tiếng La Tinh “limbus”, có nghĩa là bờ, biên cương. Đó là một từ ngữ mà các nhà thần học dùng để chỉ một nơi, hay nói đúng hơn, một trạng thái của một số người ở biên cương giữa thiên đàng và hỏa ngục: những người ấy không có tội gì để đáng phải phạt trong hỏa ngục; nhưng mặt khác chưa đáng vào thiên đàng.
Nói cách cụ thể hơn, vấn đề được đặt ra cho hai hạng người. Thứ nhất là các người công chính sống trước thời Cứu chuộc của Đức Kitô. Thứ hai là các em bé chết khi chưa được rửa tội. Từ đó mà thần học nói tới “limbus patrum”, thường được dịch là “ngục tổ tông”, và “limbus puerorum” được chuyển âm là “lâm-bô”.
Về cái mà ta gọi là “ngục tổ tông” thì dựa vào chứng tích của Kinh Thánh, thư thứ nhất của Thánh Phêrô, chương 3, câu 19, nói rằng sau khi chết, Đức Kitô rao giảng cho những kẻ chờ đón người trong ngục thất. Dựa vào thư gửi Do Thái (11,40; 12,23), truyền thống Kitô Giáo giải thích rằng sau khi chết Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông, nơi cầm giữ những người công chính từ ông Ađam nhưng chưa được vào thiên đàng vì đã bị đóng lại sau tội nguyên tổ. Dĩ nhiên, với cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, thì cái ngục ấy hay trạng thái ấy không còn nữa.
Một cách tương tự như vậy, các trẻ em chưa chịu phép rửa tội, thì khi chết rồi cũng phải vào một nơi, gọi là lâm bô, xét vì tuy các em không có tội tình gì đáng phạt xuống hỏa ngục, nhưng cũng chưa có thể vào thiên đàng được, xét vì các em còn mắc tội tổ tông.
Trước khi đi vào chi tiết, thiết tưởng nên lưu ý rằng khi bàn về các thực tại ở thế giới bên kia, không những chúng ta nên hãm bớt óc tưởng tượng, mà cũng nên hãm bớt quan điểm về thời gian và không gian nữa. Chúng ta không thể áp dụng năm tháng ngày giờ để đo lường những thực tại ở ngoài quỹ đạo trái đất, thì càng không thể áp dụng vào thế giới thần linh; cũng vậy trí óc chúng ta cũng khó hình dung được họ sống trong không gian thế nào, nhà cửa cao ráo, tiện nghi ra sao!
Trở lại vấn đề, việc ghép từ “ngục” trước chữ “lâm bô” làm chúng ta dễ liên tưởng đến nơi khổ cực, tù ngục, vì mất tự do. Nhưng đó là cách phiên dịch trong Việt ngữ, gắn chữ “ngục” vào với luyện ngục lẫn hỏa ngục. Thực ra lâmbô ám chỉ một trạng thái hơn là một nơi chốn.
Theo các nhà thần học, trạng thái ấy hệ tại chính yếu ở chỗ các em không được hưởng hạnh phúc siêu nhiên, nghĩa là hưởng nhan Chúa, mà chỉ được hạnh phúc tự nhiên mà thôi, nghĩa là không bị thử thách đau khổ, các tài năng được triển nở hoàn toàn. Thế nhưng xét dưới một khía cạnh nào đó, thì việc không được chiêm ngưỡng nhan Chúa là một sự mất mát lớn lao, bởi vì con người mang trong bản chất của mình lòng khát khao được kết hợp với Thiên Chúa, hạnh phúc tuyệt đối của mình.
Tuy nhiên, cần thêm rằng từ hơn ba mươi năm qua, rất nhiều nhà thần học đã xét lại những gì thường đọc thấy trong các sách giáo lý cổ truyền.
Một đàng khi xét lại lịch sử sự thành hình của học thuyết về lâm bô, và đàng khác khi xét lại các luận cứ thần học của nó.
Xét về lịch sử, thì Kinh Thánh không nói gì về lâm bô dành cho các nhi đồng cả; các giáo phụ cổ thời cũng không nói đến nó; học thuyết này xuất hiện từ thời Thánh Augustinô trong cuộc tranh luận với Pelagio, khi ông này chối tội nguyên tổ và sự cần thiết của việc lãnh bí tích rửa tội. Để bảo vệ hai chân lý đức tin vừa nói, Thánh Augustinô quả quyết rằng những người chết khi chưa được rửa tội sẽ không được hưởng hạnh phúc siêu nhiên, bởi vì họ còn mắc tội tổ tông và chưa được hưởng ơn làm con Chúa được ban qua bí tích Thánh Tẩy. Hậu nhiên, họ không được vào Thiên đàng, nhưng sẽ vào nơi lâm bô.
Thực ra, Thánh Augustinô cho họ xuống hỏa ngục; các giáo phụ tiếp theo sau mới tiết giảm sự cứng rắn ấy. Dù sao đi nữa, do thế giá của Thánh Augustinô mà học thuyết lâm bô được du nhập vào thần học, tuy trải qua thời đại có nhiều lối giải thích khác nhau về bản chất của nó.
Nhưng ngày nay, một số nhà thần học đã muốn đặt lại vấn đề, xét rằng việc chấp nhận hai tín điều về tội nguyên tổ và về sự cần thiết phải lĩnh phép rửa tội không nhất thiết dẫn đến hệ luận về sự hiện hữu của lâm bô. Xét về hiệu quả của tội nguyên tổ, thì Thiên Chúa vẫn có thể cứu con người khỏi tội ấy mà không cần phải rửa tội, tỉ dụ như trường hợp của Đức Maria, và Thánh Gioan Tẩy giả. Tuy đó chỉ là trường hợp ngoại lệ, nhưng ai cấm Chúa không thể thực hiện ở cấp số đông hơn?
Mặt khác, ngoài sự rửa tội bằng nước, còn có hai hình thức rửa tội khác nữa: đó là rửa tội bằng máu (tỉ như các thánh anh hài, chịu chết vì Đức Kitô), và rửa tội bằng lửa (tức là bằng lòng ước ao): sao lại không thể áp dụng cho các trẻ em trường hợp ấy?
Ngay từ công đồng Trentô, tức là cách đây bốn thế kỷ, đức hồng y Cajetanô đã nêu lên vấn nạn như sau. Theo người, khi các trẻ em được rửa tội, thì chúng không có khả năng biểu lộ ước muốn cũng không thể tuyên xưng đức tin được. Chúng được rửa tội theo lời yêu cầu của cha me chúng, và trong đức tin của Giáo Hội. Thế thì sao không thể áp dụng điều ấy vào trường hợp những em bé chết trước khi được lĩnh phép rửa tội? Sao không thể nói rằng các em được rửa tội theo lòng ước ao của cha mẹ, và trong đức tin của Giáo Hội.
Nên biết là công đồng Trentô không lên án luận cứ của Hồng y Cajetanô. Thực ra nên biết rằng Giáo Hội chưa có định tín về lâm bô, kể cả trong các văn kiện chính thức của các công đồng Lyon I (1245) và Firenze khi nói về luyện tội.
Vào thời đại của chúng ta, Đức Giáo Hoàng Piô XII có nói đến việc những người chết khi còn mắc tội tổ tông thì sẽ xuống lâm-bô, trong bài diễn văn dành cho các nữ hộ sinh năm 1951. Thế nhưng, người ta đã tự hỏi không hiểu Đức Giáo hoàng có ý quả quyết về sự hiện hữu của lâm bô, hoặc nhằm nhấn mạnh đến sự cần thiết của bí tích rửa tội, để rồi từ đó thúc giục các nữ hộ sinh hãy lo liệu rửa tội cho các em nhỏ khi gặp cơn nguy tử.
Dù sao, trở về với vấn đề thần học về sự hiện hữu của lâm bô, các nhà thần học ngày nay nhấn mạnh đến một điều mà có lẽ trong quá khứ ít để ý. Đó là ý định cứu chuộc phổ quát của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn cứu rỗi hết mọi người. Chỉ những ai từ khước ơn Chúa mới bị loại bỏ.
Thế nhưng các em bé đâu có khước từ ơn thánh của Chúa? Phải nói ngược lại là đàng khác. Nếu Chúa đã bỏ 99 chiên lành để tìm 1 con chiên lạc, thì không lẽ Người không cung cấp những phương thế cần thiết để cho các em được cứu rỗi khi các em không thể lãnh bí tích rửa tội hay sao? Nếu các em mắc tội nguyên tổ chỉ vì liên đới với Ađam, thì sao không thể được cứu rỗi trong sự liên đới với Đức Kitô, Ađam mới?
Không phải như vậy. Các văn kiện Tòa Thánh lẫn bộ Giáo Luật hiện hành đều nói đến việc rửa tội cho trẻ em, kể cả trẻ em không thuộc gia đình Công Giáo, nhất là khi gặp cơn nguy tử.
Trong vấn đề cứu rỗi Thiên Chúa muốn cho chúng ta cộng tác với Người bằng hết mọi phương tiện trong tầm tay của chúng ta. Phương tiện thông thường là các bí tích, và chúng ta cố gắng lãnh nhận các bí tích để được hưởng ơn cứu rỗi.
Tuy nhiên, khi lĩnh ơn bí tích chúng ta đừng nên quên rằng bí tích chỉ là dấu chỉ và là phương tiện của ơn cứu rỗi. Xét là dấu chỉ, nó đòi hỏi phải phản ánh trung thành các thực tại mà nó biểu lộ. Một trong những thực tại của bí tích là đức tin, nhìn nhận rằng sự cứu rỗi là hồng ân của Chúa. Bởi vậy cần phải cử hành bí tích trong đức tin chứ không làm như bùa chú.
Còn nếu xét bí tích như là phương tiện, thì chúng ta đừng nên quên rằng căn nguyên của ơn cứu rỗi là chính Thiên Chúa, và Người có thể ban ơn cứu rỗi không cần đến các bí tích. Chính vì vậy, chúng ta cố gắng làm những gì trong tầm tay của chúng ta, kể cả việc lo lắng rửa tội cho các em nhi đồng, để cho các em được hưởng nhờ ơn làm nghĩa tử của Chúa. Còn những gì vượt quá tầm tay của mình, thì chúng ta phó thác cho Chúa nhân lành, Cha rất khoan nhân. (xem thêm Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1261).
Nếu tôi không lầm thì trong tiếng Việt, chúng ta dùng hai từ đồng nghĩa: luyện ngục hay lửa luyện tội. Xét dưới khía cạnh thần học thì có lẽ hai từ ấy đều không chỉnh, bởi vì từ “luyện ngục” xem ra nhấn mạnh đến nơi tù ngục giam cầm. Nhưng thử hỏi: làm sao có thể nhốt các linh hồn là loài thiêng liêng được? Chúng ta có thể lấy gông cùm, xích sắt trói buộc thân xác, hoặc xây cất xà lim với tường xi măng để nhốt tội nhân, nhưng với loài thiêng liêng thì làm sao mà trói buộc được?
Từ “lửa luyện tội” cũng vậy. Thân xác chúng ta có cảm giác nên mới thấy nóng lạnh, chứ loài thiêng liêng thì đâu có cảm giác. Đó là chưa nói đến thắc mắc của nhiều người về sự khác biệt giữa luyện ngục với hỏa ngục. Nhiều người quan niệm cả hai đều khổ như nhau, chỉ khác ở chỗ là một bên thì tù chung thân, còn bên kia thì tù hữu hạn.
Thêm vào đó, có lẽ một phần do các thần thoại của các tôn giáo khác, làm cho óc tưởng tưởng còn bày vẽ ra bao thứ ngục hình, dầu sôi, rắn rết, hình cụ tra tấn. Dĩ nhiên là những hình khổ ấy chỉ có thể áp dụng cho những loài có thể xác, chứ không thể áp dụng cho các linh hồn được.
Nhiều người đã nêu lên những vấn nạn như vậy với những lý do khác nhau. Nếu ai không tin có linh hồn, nghĩa là chết thì hết chuyện, thì dĩ nhiên vấn đề luyện ngục, thiên đàng hay hỏa ngục không được đặt ra. Còn ai cho rằng con người có chết đi nhưng linh hồn bất tử, thì họ sẽ nêu lên câu hỏi: linh hồn đi đâu? Một số tôn giáo cho rằng linh hồn sẽ bàng bạc trên không trung; một số tôn giáo nữa thì cho rằng nó sẽ đầu thai vào kiếp khác.
Tân Ước cũng như từ ngữ Kitô Giáo ở các thế kỷ đầu dùng những từ ngữ rất đẹp: an nghỉ trong Chúa, về trời, về nhà Cha, nhưng không nói rõ là ở nơi nào! Mặt khác, ngay từ Tân Ước, chúng ta đọc thấy những đoạn nói rằng không phải ai cũng đáng được hưởng nhan Chúa. Đành rằng những người ác sẽ bị xua đuổi khỏi nhan Chúa; nhưng một số người khác, tuy không bị xếp vào loại người ác, nhưng cũng chưa được thánh thiện, thì phải qua một cuộc thanh luyện.
Thật khó mà nói được. Chúng ta đừng quên rằng Tân Ước nhiều lần cũng dùng hình ảnh mà chắc rằng chúng ta không thể hiểu theo nghĩa đen được, như khi nói đến ngục thất hay lửa thiêu. Như đã nói ở trên, ngục thất hay lửa thiêu là những cực hình dành cho xác thể, chứ không thể áp dụng cho loài thiêng liêng.
Thí dụ điển hình nhất là trong thư thứ nhất gửi cho tín hữu Côrintô (1Cr 3,15), Thánh Phaolô ví những người làm việc tông đồ như những người cất nhà: người thì cất bằng vàng bạc đá quý, người thì dùng gỗ, kẻ khác thì dùng cỏ rơm. Đến khi Chúa đến Người sẽ dùng lửa mà thử nghiệm hết các công trình ấy.
Thánh Phaolô dùng hình ảnh lửa theo nghĩa bóng, ví như lửa dùng để thử vàng thật hay vàng giả. Điều đáng ghi nhận là các Giáo Phụ nói đến trạng thái thanh tẩy, hay luyện lọc chứ không nói đến tù ngục. Mãi đến thời Trung Cổ mới xuất hiện ý tưởng một nơi dành cho các linh hồn bị giam cầm.
Cần phải biết phân biệt hai khía cạnh: một đàng là sự thanh luyện, và một bên là hình ảnh diễn tả sự thanh luyện. Giáo Hội qua các Giáo Phụ và các Công đồng Firenze (1439) và Công đồng Trentô (1563) dạy rằng các linh hồn mắc tội nhẹ hoặc chưa đền tội đủ, thì phải trải qua sự thanh luyện trước khi vào Nước Chúa. Chúng ta có thể dâng lời cầu nguyện và dâng lễ hy sinh để giúp đỡ các linh hồn ấy.
Điều này nằm trong những tín điều của Giáo Hội, và thiết tưởng không có gì khó hiểu. Bởi vì đa số chúng ta tuy không đến nỗi phản nghịch với Chúa, nhưng cũng chưa hoàn thiện đủ để kết hợp với Chúa; chúng ta còn nhiều bất toàn, tình yêu của chúng ta còn vương víu với bao đam mê, … chính vì vậy mà chúng ta cần được thanh tẩy, luyện lọc để xứng đáng kết hợp với Đấng Toàn Thiện.
Sự thanh luyện ấy diễn ra thế nào thì khó mà hình dung được. Chính trong sắc lệnh về đền tội, Công đồng Trentô khuyên hãy tránh những hình ảnh chỉ nhằm kích thích trí tưởng tượng, ví dụ: hình ảnh tra tấn, ngọn lửa ngụt ngụt bốc cao…
Theo thiển ý, chúng ta cũng cần cẩn thận khi nói đến nơi và thời gian thử luyện. Xét về nơi chốn, thì tất nhiên rồi, không thể xây một chuồng cọp để nhốt các linh hồn, và cũng không cần phải chuyên chở tới suối nước nóng để nấu họ, bởi vì đó là những hình ảnh chỉ có giá trị đối với thân xác chứ không áp dụng cho linh hồn.
Về thời gian thì cũng vậy: thời gian năm tháng chỉ có giá trị ở trên đời này, còn đối với Thiên Chúa nó chẳng có giá trị gì. Mặt khác, chúng ta biết có thời gian vật lý (đo lường bằng đồng hồ) và thời gian tâm lý: khi chúng ta mong chờ người yêu đến, thì một phút lâu như cả một giờ, còn một tuần xem ra dài một thế kỷ!
Thật là khó nói có những chuyện linh hồn hiện về thực hư thế nào. Dĩ nhiên người thấy một linh hồn thì cũng thấy một hình thù nào đó, chứ làm sao thấy được chính linh hồn. Mặt khác nếu linh hồn muốn nói chuyện với chúng ta thì phải dùng ngôn ngữ của chúng ta mới hiểu được, trong số đó có thời gian năm tháng. Những ngôn ngữ đó đúng với sự thực như thế nào thì quả là khó kiểm chứng. Khi đã ra khỏi cuộc đời này rồi thì cũng ra khỏi chiều kích thời gian.
Tôi nghĩ rằng các linh hồn ở luyện ngục có phần sướng, xét như là họ không sợ đi lùi lại nữa, họ được đảm bảo sớm muộn sẽ được về với Chúa. Tuy nhiên, chính cái sướng ấy làm cho họ khổ. Chúng ta cứ tưởng tượng cái khổ của những anh chàng si tình thì biết; họ cứ mất ăn mất ngủ vì tưởng nhớ đến người yêu mà họ không thể gặp được; giá như họ không yêu thì họ đâu có đau khổ như vậy!
Có lẽ đây là cực hình nhất cho các linh hồn trong luyện ngục: họ cảm thấy mình còn quá nhơ nhớp chưa đáng được người yêu đoái đến, và càng khắc khoải thì càng khổ. Đó chỉ là một hình ảnh để so sánh thôi. Trên thực tế khi đọc hạnh các thánh, chẳng hạn Thánh Gioan Thánh Giá hay gần đây là thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, chúng ta thấy các đấng kể lại những cuộc thanh tẩy mà các đấng phải trải qua trước khi tiến đến giai đoạn thần bí, các đấng nói rằng, những đau khổ do bệnh tật thân xác, do những vu khống cáo gian thì không thấm vào đâu so với những thanh luyện của các nhân đức tin, cậy, mến. Từ đó ta có thể suy ra những đau khổ tinh thần mà các linh hồn phải trải qua trong thời gian thanh luyện trước khi về hưởng nhan Chúa.
Nếu đem luyện ngục hay hỏa ngục như một thứ cực hình để đe doạ cho người ta sợ mà tránh tội thì cũng là một điều tốt rồi. Nhưng thiết tưởng cần phải đi xa hơn nữa. Cần phải nói rằng nếu chỉ giữ mình sạch tội mà thôi thì chưa đủ để kết hợp với Chúa; nhưng còn phải thực hiện đức ái đến mức anh hùng, nghĩa là dứt bỏ mọi quyến luyến với thụ vật để chỉ gắn bó với một mình Chúa. Bao lâu chưa đến mức độ ấy, linh hồn cần phải được thanh luyện, hoặc ở đời này hoặc ở đời sau. Và sau cùng việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục là một việc đáng ca ngợi, vì đó là một nghĩa cử cụ thể nhất của tình liên đới bác ái.
Trong vài sách suy ngắm trong tháng các linh hồn, người ta nói rằng lửa luyện ngục và lửa hỏa ngục hoàn toàn giống nhau; điều khác biệt duy nhất ở chỗ là lửa luyện ngục thì có hạn định, còn lửa hỏa ngục thì không bao giờ tắt.
Nhưng theo tôi nghĩ, ý kiến đó không đúng, bởi vì đã không nắm được sự khác biệt về bản chất của hỏa ngục và của luyện ngục; vì thế họ cũng hiểu lầm về ý nghĩa của lửa trong hỏa ngục và trong luyện ngục.
Dĩ nhiên, trong tiếng Việt, tên gọi “hỏa ngục” đương nhiên gợi lên hình ảnh của một cái nhà giam nóng như cái hỏa lò. Và quan điểm bình dân cũng chịu ảnh hưởng không ít của các tôn giáo khác, hình dung đủ mọi cực hình do Diêm Vương gây ra, nào là vạc dầu sôi, nào là các kìm nướng đỏ. Tuy nhiên, chúng ta không được phép dừng lại ở trí óc tưởng tượng nhưng cần phải đi tìm hiểu đạo lý của Hội Thánh dựa trên Thánh kinh và thánh truyền.
Thực sự mà nói, các tác giả Kinh Thánh cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa đương thời khi mô tả hình phạt của các tội nhân. Chẳng hạn họ mô tả nó như là “âm phủ”, tức là cõi âm, nơi tối tăm, thiếu ánh sáng, bởi vì nó ở dưới lòng đất. Đó là gốc của tiếng La Tinh “inferi”, có nghĩa là phần dưới (hạ tầng), và dịch ra tiếng Pháp là enfer.
Đây là một quan điểm bình dân dễ hiểu, bởi vì sau khi chết thì con người được chôn xuống đất, nơi thiếu ánh sáng và sự sống. Tương đương với inferi của tiếng La Tinh là hades dùng trong nguyên bản Hy Lạp của Tân Ước. Hades có nghĩa là “không thấy”. Như vậy, hai danh từ inferi và hades tự nó chưa có gợi lên hình phạt nào hết.
Tuy nhiên, còn có một từ khác nữa trong Tân Ước, gần với “hỏa ngục” ở trong tiếng Việt, đó là gehenna. Nguyên ngữ của nó gốc tiếng Aram (gehinnum), có nghĩa là thung lũng Hinnom, một địa danh gần Giêrusalem, nơi mà người ta thiêu tế sinh vật để cúng thần Moloc (theo như sách các Vua quyển hai, chương 23 câu 10 đã thuật lại). Dù sao, trong đầu óc của người Do Thái, tiếng Gehenna được móc nối với lửa nóng, vực lửa.
Đúng vậy. Trong Phúc Âm, chúng ta gặp thấy tư tưởng này ở nhiều đoạn văn, chẳng hạn như Mt 13,42 trong dụ ngôn về cỏ lùng, khi mà kẻ gian ác bị ném vào lò lửa và bị đốt cháy. Bên cạnh hình ảnh về lửa, đoạn văn còn thêm hình ảnh “khóc lóc nghiến răng” nữa. Sách Khải Huyền nhiều lần nói đến “hồ lửa có diêm sinh cháy ngùn ngụt” (Kh 19,20; 20,10.14-15; 28,5).
Các giáo phụ đã nhiều lần lặp lại các điều này trong các bài giảng huấn đức. Thế nhưng, nhiều vấn nạn đã sớm được các triết gia đặt ra, khiến cho các giáo phụ phải suy nghĩ sâu xa hơn về ý nghĩa của các đoạn văn Kinh Thánh.
Vấn nạn đơn giản hơn cả là: lửa chỉ có thể đốt những gì vật chất thôi, chứ làm sao mà đốt được linh hồn thuộc loài linh thiêng? Ngoài ra, khi nghe giảng về hỏa ngục, triết gia Celsus còn chế nhạo luôn cả Thiên Chúa nữa. Ông Celsus châm biếm rằng Chúa thích ăn thịt nướng! Chính do những vấn nạn ấy mà các giáo phụ phải thận trọng hơn trong đường lối trình bày, cách riêng về hai điểm: thứ nhất, về bản chất của hỏa ngục; thứ hai, về ý nghĩa của lửa.
Khuyết điểm thường mắc phải là người ta quá nhấn mạnh đến các cực hình trong hỏa ngục, coi hình phạt chính yếu là lửa thiêu đốt. Tuy nhiên, khi đọc lại các bản văn Kinh Thánh, người ta thấy đó chỉ là tùy thuộc. Cái hình phạt chính yếu ở chỗ mất tình nghĩa với Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, khi còn sống trên đời này, thì chuyện được tình nghĩa hay mất tình nghĩa với Thiên Chúa không phải là quan trọng đối với ta. Nhưng đến khi sang bên kia thế giới thì chúng ta mới thấy được tầm quan trọng của nó, khi mà chúng ta nhận ra đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc đời.
Tâm hồn con người mang một niềm khát vọng mãnh liệt đạt được hạnh phúc, và duy chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy niềm khát vọng đó. Khi mất Thiên Chúa, cuộc đời trở nên vô vị nhạt nhẽo.
Hình ảnh của những kẻ thất tình hay những kẻ mới mất người thân yêu có thể cho ta một khái niệm về nỗi khổ đó. Con tim của họ trống rỗng cho dù họ cố gắng giải tỏa qua đủ mọi trò tiêu khiển. Có điều là nỗi buồn có thể nguôi đi khi họ hy vọng sẽ gặp một người tình khác, hay hy vọng sẽ tái ngộ với người thân yêu; chứ kẻ nào bị phạt trong hỏa ngục thì không bao giờ hy vọng sẽ nếm được hạnh phúc tình yêu nữa. Chính sự tuyệt vọng đó trở thành hình phạt chính của họ.
Chính vì nghe vấn nạn của ông Celsus đã nói trên đây, cho nên ông Origène đã tìm hiểu ý nghĩa của “lửa”. Theo ông Origène, cần phải hiểu lửa theo nghĩa bóng. Lửa ám chỉ những ray rứt trong lương tâm vì những tội mà mình đã phạm. Theo chiều hướng đó, các nhà chú giải Kinh Thánh đã đi tìm xem trong xã hội Cận Đông, lửa tượng trưng cho cái gì.
Dĩ nhiên, lửa gây cho ta cảm giác bức rức khó chịu nhất là khi gặp khí trời oi ả hay phải sống gần lò lửa; nhưng lửa còn mang những biểu tượng khác nữa. Lửa có thể biểu tượng của sự vô dụng, giống như rác rưởi bị thiêu đốt ra tro tàn. Như vậy, lửa hỏa ngục ám chỉ cuộc đời của con người trở thành vô nghĩa vì đã mất mục tiêu của mình là hạnh phúc tình yêu.
Nhưng lửa cũng mang ý nghĩa thanh luyện, chẳng hạn như trong ngành luyện kim, khi mà lửa được dùng để lọc luyện vàng ròng. Nói đến đây, chúng ta đã chuyển sang đề tài khác, đó là luyện ngục.
Xét về từ ngữ trong tiếng Việt thì đúng như vậy, nhưng khi truy cứu nền tảng Kinh Thánh thì vấn đề trở thành phức tạp hơn nhiều. Nên biết là các Giáo Hội Chính Thống và Tin Lành không chấp nhận có luyện ngục, với lý do là vì không thấy Kinh Thánh nói tới.
Trong quá khứ, Hội Thánh Công Giáo không đếm xỉa gì đến vấn nạn của anh em Chính Thống và Tin Lành, vì coi đó là lạc đạo. Nhưng kể từ khi có cuộc đối thoại đại kết thì Giáo Hội Công Giáo mới xét lại toàn bộ vấn đề.
Quả thực là Kinh Thánh không có nói đến cái ngục nào giam giữ các linh hồn sau khi chết. Lý do này cũng dễ hiểu thôi. Cái ngục chỉ dành để nhốt những gì vật chất, chứ làm sao giữ những loài linh thiêng được! Nếu muốn nói đến sự giam cầm các linh hồn thì phải hiểu theo nghĩa bóng mà thôi.
Hình phạt dành cho các linh hồn ấy như thế nào? Trong Tân Ước, không có chỗ nào nói rằng họ sẽ bị lửa thiêu đốt cả. Trước đây, các sách thần học trưng dẫn đoạn văn của Thánh Phaolô (1Cr 3,16-17), nhưng ngày nay các nhà chú giải cho rằng Thánh Phaolô hiểu theo nghĩa bóng mà thôi. Chúng ta cần phải xác định lại bản chất của luyện ngục, cũng như trên đây đã nói về hỏa ngục.
Cốt yếu của nó không phải là cái ngục hay là lửa, mà sự thanh luyện. Thiên Chúa là Đấng Cực thánh; và để xứng đáng được tiến đến gần Chúa, con người phải tinh sạch. Duy chỉ có những kẻ nào có lòng tinh sạch mới đáng được hưởng kiến nhan Chúa. Tiếc rằng, ít người đạt tới mức độ tinh sạch thánh thiện hoàn toàn ở đời này. Vì thế, họ cần được thanh luyện trước khi được nhận vào thiên đàng.
Chúng ta cần phải hiểu lửa theo nghĩa bóng. Như đã nói trên đây, lửa có thể là biểu tượng của sự hủy diệt, như khi áp dụng cho những người gian ác: họ bị thiêu hủy ra tro tàn, cuộc đời của họ trở thành vô nghĩa! Nhưng mà lửa cũng là biểu tượng của sự thanh luyện, như thợ luyện kim gạn lọc vàng ròng ra khỏi chất gỉ sét.
Dù sao, cần phải ghi nhận sự khác biệt về bản chất giữa lửa hỏa ngục và lửa luyện tội (xc. Sách GLHTCG số 1031). Sự khác biệt không phải tại chỗ một bên thì có hạn và một bên vô hạn, nhưng tại chỗ yêu mến.
Những ai đi vào hỏa ngục thì đã tự chọn con đường khước từ Thiên Chúa, cội nguồn hạnh phúc của con người. Sự lựa chọn ấy mang tính cách quyết định vĩnh viễn. Họ không hy vọng có ngày nào được hưởng tình yêu của Chúa nữa (xc. Sách GLHTCG số 1035).
Trái lại, những ai phải thanh luyện trong luyện tội thì sống trong hy vọng và yêu mến. Họ yêu mến Thiên Chúa, và mong chóng được kết hợp với Người. Chính sự thổn thức ấy cũng đủ làm cho họ khổ rồi, nỗi khổ của kẻ tương tư hay nhớ nhà.
Như vậy, lửa trong luyện ngục, ngoài biểu tượng thanh luyện, còn là biểu tượng của lòng khát khao yêu mến. Có lẽ đó là ý nghĩa của lời Chúa Giêsu được Phúc Âm Luca ghi lại ở chương 12 câu 49: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.
Dù sao đi nữa, sự thanh luyện không phải chỉ là cố gắng riêng của con người. Chính Thiên Chúa cũng giúp cho con người thanh luyện, gạn lọc những khiếm khuyết bằng cách nung nấu tình yêu thương. Thiết tưởng đó cũng là lý do khi sách Tông Đồ Công Vụ ví tác động của Thánh Thần với lửa vào lễ Ngũ Tuần. Thánh Thần mang lửa tình yêu đến cho nhân loại, hun nóng cho họ lửa nhiệt tình của lòng mến yêu Chúa và tha nhân.