Kinh Kính Mừng có một lịch sử lâu dài. Hình thức mà chúng ta đọc hiện nay chỉ trở thành cố định từ thế kỷ XVI, nghĩa là với việc ban hành sách nguyện do sắc lệnh của ĐTC Piô V vào năm 1568.
Xét theo cơ cấu hiện hành, kinh Kính Mừng gồm có hai phần. Phần đầu mang tính cách chúc tụng, được ghép từ hai đoạn văn trích từ Tin Mừng của Thánh Luca: “Kính mừng Maria, đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà”; đây là lời chào của Thiên Sứ Gabriel; “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”. Đây là lời chào của bà Ysave.
Phần thứ hai, mang tính cách khẩn nài: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng tôi là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen”. Phần thứ hai, tương đối mới, bởi vì chỉ được thêm vào từ thế kỷ XIV. Nói cách khác, trước đó, kinh Kính Mừng chỉ gồm có phần chúc tụng mà thôi.
Không. Câu chuyện không đơn giản như thế. Bản kinh “Lạy Cha” mà chúng ta đọc ngày nay đã thành cố định từ đầu Hội Thánh, mà Thánh Matthêu đã ghi lại trong sách Tin Mừng (chương 6, câu 9-13), tuy dù chúng ta còn thấy một mẫu thức nữa ngắn hơn ở Tin Mừng Thánh Luca (chương 11, câu 2-4).
Kinh Kính Mừng thì khác. Không có một mẫu thức nào được ghi lại trong Tân Ước. Kể cả những lời mà chúng ta đọc ngày nay, tuy được ghép từ hai đoạn của sách Tin Mừng, nhưng cũng có đôi chút sửa đổi thêm thắt.
Như vừa nói, phần đầu của kinh Kính Mừng lấy lại lời chào của Thiên Sứ Gabriel và lời chào của bà Ysave. Kinh Kính Mừng đã thêm vào hai lời chào đó danh thánh Maria và Giêsu. Thực vậy, Thiên Sứ Gabriel chỉ nói rằng: “Kính chào kẻ đầy ơn phúc, Chúa ở với chị”. Theo nguyên bản, “Kẻ đầy ơn phúc” (trong tiếng Hy Lạp chỉ là một từ kecharitoménê) được coi như một tên (hay biệt hiệu); sau này, người ta mới thêm tên “Maria (Kính chào Maria), và “kẻ đầy ơn phúc” được coi như một trạng thái.
Không thể nào xác định rõ rệt, bởi vì thiếu tài liệu. Từ thế kỷ III-IV, người ta thấy những hàng chữ viết trên nhà nguyện Truyền Tin ở Nazareth “Ave Maria”. Tuy nhiên, đó chỉ là sáng kiến của vài tín hữu thôi, chứ chưa thành tục lệ. Bằng cớ là vào thế kỷ VIII, Thánh Gioan Đamascô trong bài giảng lễ Truyền Tin, vẫn còn chú giải đoạn văn giống y như bản văn Tin Mừng “Kính chào, kẻ đầy ơn”, chứ không thêm tên “Maria”.
Bài Thánh Thi Akathistos, với hơn 150 lần lặp đi lặp lại lời chào Ave, nhưng vẫn không nhắc đến tên Maria. Điều này cũng nói được về việc thêm danh “Giêsu” vào lời chào của bà Ysave, nghĩa là không thể xác định được từ lúc nào. Tin Mừng Thánh Luca chỉ có những lời: “Chị được chúc phúc hơn mọi người nữ, và hoa trái từ lòng chị đáng chúc tụng”.
Thật khó xác định. Một điều chắc là trong phụng vụ Byzantin vào lễ Truyền Tin, hồi thế kỷ VI-VII, chúng ta đã gặp thấy nhiều đoạn chúc tụng như sau:
“Kính chào, ôi kẻ được chúc tụng và tràn ân sủng Thiên Chúa. Chúc tụng hoa trái từ lòng bà, Đấng nhờ bà đã ban cho thế giới lòng thương xót. Kính chào, ôi kẻ đầy ơn phúc, Bà sẽ sinh ra Người Con nhiệm sinh từ Chúa Cha từ muôn thuở và sẽ cứu thoát dân mình khỏi tội lỗi. Kính chào, kẻ đầy tràn ân sủng, Chúa ở cùng bà, kính chào, Trinh nữ tinh tuyền. Kính chào, vị hôn thê không kết hôn; kính chào, Mẹ của sự sống; chúc tụng hoa trái của lòng Bà”.
Qua thế kỷ VIII, Thánh Gioan Đamascô đã sử dụng công thức như sau: “Kính chào, Đấng đầy ơn sủng, Chúa ở cùng bà. Bà được chúc phúc hơn các phụ nữ, và chúc tụng hoa trái từ lòng bà”.
Chưa đâu, bởi vì như chị thấy, tuy rằng trong công thức của Thánh Gioan Đamascô, hai lời chào đã được ghép với nhau, nhưng vẫn chưa có hai tên “Maria” và “Giêsu”.
Theo các sử gia, tên Maria được xen trước, trong bài ca-dâng-lễ Chúa Nhật mùa Vọng trong phụng vụ La Tinh, “Ave Maria gratia plena, Dominus tecum, benedicta tu in mulieribus, et benedictus fructus ventris tui”, còn danh Giêsu thì muộn hơn.
Dù sao thì đó mới chỉ nói đến công thức mà thôi. Phải chờ tới thế kỷ XI, thì công thức này mới trở thành lời kinh, nghĩa là được các tín hữu sử dụng để cầu nguyện. Dù sao, chứng tích đầu tiên về việc xen thêm danh Giêsu được thấy trong một bài giảng của Cha Amêđê viện phụ Xitô (+ k.1159).
Từ thế kỷ XIII trở đi, nhiều công đồng miền và tổng hội dòng tu đã truyền đọc kinh Kính Mừng, cùng với kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính, như là những kinh nguyện căn bản của Kitô Giáo. Dĩ nhiên là ở giai đoạn này, kinh Kính Mừng mới chỉ có phần thứ nhất mà thôi.
Đúng thế, nhưng cần phải hiểu kinh Mân Côi như thế nào.
Một lưu truyền trước đây cho rằng chính Đức Mẹ đã hiện ra và trao cho Thánh Đaminh một tràng hạt, như khí cụ để chiến đấu chống lại các tà giáo. Tuy nhiên, trong thế kỷ XX, các sử gia đã đặt lại vấn đề lai lịch kinh Mân Côi vì họ đòi phải trưng dẫn chứng tích rõ ràng chứ không chỉ an tâm với các dư luận truyền khẩu. Những kết luận tạm thời có thể nói như thế này.
Hình thức tràng chuỗi Mân Côi, với 15 mầu nhiệm Vui Thương Mừng, chỉ được thành hình vào cuối thế kỷ XV nhờ sự quảng bá của Cha Alain de la Roche, dòng Đaminh (1428-1475), nghĩa là sau khi Thánh Đaminh qua đời 250 năm. Tuy nhiên, vào thời của Thánh Đaminh, đã có vài điểm manh nha rồi.
Một tu sĩ sống vào thời buổi đầu dòng (tên là Rômêô de Liva [+1261]) khi qua đời, cầm trên tay một sợi dây thắt nút, dùng để đếm các kinh Kính Mừng, và thầy này đọc cả ngàn lần mỗi ngày.
Năm 1266, tổng hội dòng Đaminh đã truyền cho các thầy trợ sĩ đọc thêm một số kinh Kính Mừng kèm theo kinh Lạy Cha, tương đương với số thánh vịnh mà các giáo sĩ đọc trong kinh Thần Vụ. Thánh Tôma Aquinô cũng đã viết một sách chú giải kinh Kính Mừng, kết thúc với các lời benedictus fructus ventris tui, nghĩa là vẫn chưa có thêm danh Chúa Giêsu, điều này chỉ trở thành phổ thông khi bước sang thế kỷ XIV.
Do ảnh hưởng của dòng Đaminh, từ năm 1277, nhiều phụ nữ Béguines ở Gand (nay thuộc nước Bỉ) bắt đầu tục lệ đọc 50 kinh Kính Mừng mỗi ngày 3 lần.
Trước khi trả lời câu hỏi này, cần phải nhắc lại nhận xét đã nói lúc đầu khi đối chiếu kinh Lạy Cha với kinh Kính Mừng.
Kinh Lạy Cha đã thành khuôn khổ nhất định ngay từ sách Tân Ước, còn kinh Kính Mừng thì được chắp nối từ nhiều truyền thống khác nhau, và không thành hình đồng loạt. Chúng ta thấy rằng mãi đến cuối thế kỷ XIII, thì hình thức thứ nhất mới thành nhất định theo hình thức chúng ta đọc ngày nay. Nói như thế không có nghĩa là phải chờ đến hết thế kỷ XIII, người ta mới ráp thêm phần thứ hai vào.
Phần thứ nhất của kinh Kính Mừng mang hình thức chúc tụng, còn phần thứ hai thì mang tính cách khẩn nài. Những lời kinh khẩn nài Đức Maria đã xuất hiện từ lâu rồi. Chứng tích xưa nhất là kinh Sub tuum praesidium vào thế kỷ III, quen gọi là kinh Trông Cậy: “Chúng tôi trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ đồng trinh hiển vinh sáng láng, bèn chữa chúng tôi cho khỏi mọi sự dữ”.
Nói chung, các kinh chúc tụng Đức Maria bên Đông Phương cũng như bên Tây Phương đều kết thúc với lời khẩn nài, tựa như là: “Xin Mẹ cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi, xin Mẹ cầu cùng Chúa Cứu thế tha tội cho chúng con”.
Vì thế không lạ gì mà từ khi tục lệ đọc kinh Kính Mừng được phổ biến (với công thức cố định của phần chúc tụng) thì người ta cũng thêm phần khẩn nài, với nhiều dạng thức uyển chuyển.
Với việc cải tổ sách nguyện sau công đồng Trentô (năm 1568), kinh Kính Mừng mang hình thức cố định như hiện nay. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã dành hai số 2676-2677 để chú giải kinh Kính Mừng, lồng trong bối cảnh của lòng tôn sùng dành cho Đức Thiên Mẫu.
Cần nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của chúng ta tiên vàn hướng lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Kinh nguyện mà chúng ta hướng lên Mẹ Maria một đàng muốn biểu lộ sự kết hiệp với người để tạ ơn Thiên Chúa vì những hồng ân đã ban cho Mẹ, như ở trong kinh Magnificat.
Đó cũng là ý nghĩa của phần thứ nhất của kinh Kính Mừng, với những lời chúc tụng Thiên Chúa, cũng như chúc tụng Chúa Giêsu. Mặt khác, Đức Maria đã thông hiệp với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm cứu chuộc, đứng kề bên thập giá của Chúa. Vì thế chúng ta xin Mẹ chuyển cầu với Chúa Cứu Thế cho chúng ta được ơn thứ tha và hoà giải, cũng như giúp chúng ta tin tưởng tiến lại gần Chúa hơn.
Trong câu hỏi vừa nêu, cần phải tách rời hai vấn đề: 1) Tại sao gọi là kinh cầu? 2) Tại sao gọi là kinh cầu Đức Bà? Tôi xin bắt đầu với câu hỏi thứ nhất: tại sao gọi là kinh cầu?
Có kinh nào mà chẳng cầu? Như chúng ta đã biết, tiếng “kinh” nguyên gốc Hán có nghĩa là sách (thí dụ Ngũ Kinh, Thánh Kinh), rồi dần dần được mở rộng đến lời chép ở trong sách đó, nhất là những lời cầu nguyện. Từ đó ta có “sách kinh”, nghĩa là sách chứa đựng những kinh nguyện.
Tâm thức thường tình của con người đọc kinh là “mong ước, van xin” các vị thần linh điều gì đó, vì thế mà hai tiếng “kinh” và “cầu” thường đi liền với nhau. ”Cầu” có nghĩa là tìm, kiếm, xin, mong, cậy; và đôi khi chúng ta cũng gặp thấy nó trong ngôn ngữ hàng ngày: cầu cứu, cầu hoà, cầu mong, cầu cạnh, cầu may, cầu tài. Do đó phải nói rằng kinh nào thì cũng là kinh cầu hết, chứ chẳng có kinh nào mà “không cầu”.
Tuy nhiên, không rõ từ bao giờ, tại Việt Nam, người ta đã dành tiếng “kinh cầu” để dịch tiếng litaniae từ La ngữ. Số kinh cầu không nhiều cho lắm: ngoài kinh cầu Đức Bà, giáo dân Việt Nam còn đọc kinh cầu Trái Tim Chúa, kinh cầu các thánh, kinh cầu Thánh Giuse.
Có lẽ người ta đã dịch “litaniae” là kinh cầu là tại vì trong đó cứ lặp lại lời thưa “cầu cho chúng tôi” sau mỗi câu xướng. Thế nhưng điều này chỉ đúng cho kinh cầu kính Đức Maria hay là Các Thánh, còn trong kinh cầu kính Thánh Tâm thì lời thưa là “thương xót chúng tôi”.
Trước đây có người đã nghĩ rằng litaniae bởi động từ “litare” có nghĩa là: dâng một hy lễ cầu may. Nhưng ngày nay các học giả cho rằng litaniae gốc từ tiếng Hy Lạp “lité” có nghĩa là lời khẩn nài.
Hình thức đặc biệt của litanie là các lời khẩn nài ấy được móc nối với nhau thành từng chuỗi theo hình thức đối đáp; nghĩa là một người (thí dụ ca viên) xướng lên một ý nguyện, cộng đoàn đáp lại với một lời cầu: “Xin Chúa nghe lời chúng con, xin Chúa nhận lời chúng con”; hoặc: “Xin Chúa thương xót chúng con”.
Hình thức cầu nguyện này rất cổ điển, và ta thấy dấu vết trong thánh lễ ở phần Nhập Lễ (Xin Chúa thương xót chúng con, xin Chúa Kitô thương xót chúng con), hoặc ở phần Lời Nguyện Giáo Dân (Xin Chúa nhậm lời chúng con); còn trong Phụng Vụ Giờ Kinh, thì sau Công Đồng Vaticano II, người ta cũng đã tái lập hình thức các “lời cầu” (preces) ở cuối giờ kinh Sáng và kinh Tối.
Dần dần bên cạnh những lời khẩn cầu dâng lên Chúa (supplicationes), các tín hữu còn thêm những lời van xin (invocationes) hướng tới các thánh: người ta tuyên dương công nghiệp của các vị, và xin các vị hãy cầu bầu cho mình.
Đúng vậy. Tuy nhiên cũng cần thêm rằng trong kinh cầu các thánh xuất hiện từ thế kỷ VII trở đi, thì chúng ta thấy người ta kết nạp cả hai phần: một phần van xin bằng cách kêu van các thánh trên trời (“cầu cho chúng tôi”), và danh sách các vị càng ngày càng dài ra; phần thứ hai thì gồm bởi những lời khẩn cầu (Xin Chúa nhậm lời chúng con).
Tôi không rõ tại Việt Nam có ai còn đọc kinh cầu các thánh ở tư gia hay ở nhà thờ nữa hay không. Nhưng có điều chắc là phụng vụ đã buộc đọc kinh cầu này vào vài buổi cử hành bí tích hay á-bí-tích: khi rửa tội cho người lớn, khi truyền chức, khi cung hiến trinh nữ hay khấn dòng, khi cung hiến thánh đường hay bàn thờ.
Tuy nhiên, nên biết rằng các sách Phụng Vụ sau Công Đồng Vaticanô II đã trình bày những hình thức kinh cầu khác nhau tùy theo hoàn cảnh, khi ngắn khi dài, với danh sách của các thánh được thích ứng với cộng đồng tham dự.
Theo các sử gia, thì kinh cầu Đức Bà thoát thai từ kinh cầu các thánh. Thực vậy, thay vì xướng kinh “Thánh Maria, cầu cho chúng tôi” như các vị thánh khác, các tín hữu kéo dài các tước hiệu của người ra: Mẹ Chúa Trời, Mẹ đồng trinh, vân vân, tới lúc mà người ta thấy rằng các tước hiệu ấy đủ làm thành một kinh cầu biệt lập, từ thế kỷ XII.
Nhưng mà trước khi đi vào nội dung của kinh cầu Đức Bà, chúng ta hãy đi tiếp lịch sử các kinh cầu. Từ thế kỷ XVI trở đi, con số các kinh cầu tăng gia, không những là với những hình thức khác nhau của kinh cầu các thánh hay kinh cầu Đức Bà, nhưng còn có những kinh cầu dành cho các mầu nhiệm Chúa Cứu thế, kinh cầu thánh danh Chúa Giêsu, kinh cầu ông thánh nọ bà thánh kia. Dĩ nhiên, không thiếu người la hoán lên là “loạn kinh cầu”.
Vì thế mà dưới thời ĐGH Clêmentê VIII, Bộ Thánh Vụ năm 1601 đã chặn lại hết các thứ kinh cầu, chỉ trừ kinh cầu các thánh và kinh cầu Đức Bà theo phương thức đã được phê chuẩn. Quyết định của Đức Clêmentê VIII còn được Tòa Thánh lặp lại vào những năm 1727 (Bênêđictô XIII), 1757 (Bênêđictô XIV) và 1897.
Tuy nhiên, nhiều giáo phận và dòng tu vẫn tiếp tục lưu hành hay soạn thêm kinh cầu, dưới danh nghĩa là chỉ để đọc tư riêng. Tuy nhiên phải hiểu tiếng đọc riêng có nghĩa là không đọc chung ở nhà thờ chứ không có nghĩa là đọc chui, đọc lén. Chính vì vậy mà một số kinh cầu được quảng bá khá rộng rãi, và dần dần đã được Tòa Thánh phê chuẩn: thí dụ kinh cầu kính Thánh Danh Chúa Giêsu (bị cấm năm 1640, sau đó được làm ngơ năm 1862 và được chuẩn y năm 1886). Kinh cầu Thánh Tâm Chúa Giêsu đã ra đời dưới nhiều hình thức khác nhau ngay từ thế kỷ XVII-XVIII sau khi Chúa hiện ra với Thánh Margarita Maria, nhưng chỉ được Đức Lêô XIII châu phê vào năm 1899. Kinh cầu Thánh Giuse được chuẩn y dưới thời Đức Piô X năm 1909.
Vâng, bây giờ tôi xin trả lời cho vấn nạn thứ hai: tại sao gọi là kinh cầu Đức Bà. Nhưng mà vấn nạn này còn lôi kéo lòng thòng thêm một câu hỏi khác nữa: tại sao lại gọi Đức Maria là Đức Bà? Không hiểu có ai đặt ra câu hỏi này chưa, nhưng mà thiết tưởng đã đến lúc phải đặt, tại vì từ mấy năm nay chúng ta đã thấy xuất hiện nhiều đức ông.
Trong mục giải đáp thắc mắc, đã có người trả lời về cái từ “đức ông” dịch từ “monseigneur” tiếng Pháp; do đó tôi không trở lại nữa. Thế còn Đức Bà thì sao?
Trong tiếng Việt Nam, “Bà” vừa có ý chỉ người phụ nữ nói chung (đàn ông, đàn bà), nhưng vừa dành riêng cho các phụ nữ cao niên (bà cụ, bà nội, bà ngoại). Nếu khi ra đường gặp một cô còn xuân xanh mà ta chào là “thưa bà” thì e rằng tính mạng sẽ mất an toàn.
Thế tại sao gọi Đức Maria là “Đức Bà”? Thưa là tại vì dịch vụng về từ tiếng Pháp “Notre Dame”. Nên biết trong xã hội cổ truyền, không phải tất cả các phụ nữ đều được gọi là “dame” tiếng Pháp (hay “lady” tiếng Anh). Để gọi chung các bà, thì có tiếng femme hay là woman. Còn “dame” (hay “lady”) dành riêng cho các phụ nữ quý tộc: các mệnh phụ, phu nhân, công nương. Nó đối lại với ông hoàng, lãnh chúa (seigneur, lord). Sự đối chọi này còn rõ hơn nữa trong các tiếng Italia và Tây Ban Nha (Signore - signora; senor - senora).
Đó là điều thứ nhất đáng ta lưu ý, trong các ngôn ngữ Âu Châu, khi gọi Đức Maria là “Đức Bà” thì người ta không có ý coi người như một bà cụ đâu.
Điều thứ hai: thế thì tại sao gọi người là Notre Dame, Our Lady, Nostra Signora, Nuestra Senora? Tục lệ này ra đời từ thế kỷ XIII, bắt đầu từ tiếng La Tinh “Domina nostra”. Chúng ta biết rằng đức tin Công Giáo đã tuyên xưng Đức Kitô là “Chúa chúng tôi” (Dominus noster Jesus Christus), Đức Maria được đặt kề đó như là Domina nostra, mà đã có người dịch ra tiếng Việt là “Chúa bà chúng tôi”.
Theo các sử gia, khởi đầu tục lệ gọi Đức Maria là “chúa bà” không phải do một quan điểm thần học bàn về mối liên lạc giữa Đức Kitô với Mẹ Maria, nhưng chỉ là một phản ứng lại tập tục thời Trung Cổ.
Vào thời đó, nhiều nông dân đến xin thần phục lãnh chúa để xin được bảo vệ che chở; có những thanh niên thì đăng ký làm hiệp sĩ để phục vụ đánh giặc cho một ông hoàng; nhưng cũng có những chàng trai si tình hơn thì dâng hiến trái tim cho một tiểu thư mà họ coi như là “nữ hoàng của lòng anh” (lẽ ra phải nói nữ hoàng của lòng em mới đúng).
Một số Kitô Hữu muốn bắt chước tục lệ đó, và cũng dâng trót con tim cho một nữ hoàng, nhưng không phải là một tiểu thư kiều diễm nào mà là chính Đức Maria. Vì thế mà họ trao tặng cho người tước hiệu là: bà chúa, bà hoàng, tôn nương. Tác giả nổi tiếng hơn cả mở màn cho phong trào này là Thánh Bênađô.
Có điều lạ là trong tiếng La Tinh, người ta không gọi là “kinh cầu Đức Bà”, nhưng là “kinh cầu Đức Trinh Nữ Maria” (Litaniae de beata Maria Virgine). Trải qua lịch sử đã có tới 25 kinh cầu kính Đức Maria. Hình thức mà chúng ta thường đọc được gọi là “kinh cầu Loretô”, vì được dùng ở nhà thờ kính Đức Mẹ ở Loretô, miền Trung nước Italia, từ thế kỷ XVI.
Thêm vào đó, bên cạnh hình thức litaniae, lại còn có hình thức ca ngợi (laudes Virginis). Vì thế tuy Thánh Bênarđô không phải là tác giả của kinh cầu Loretô, nhưng người đã sáng tác nhiều bài ca ngợi theo thể văn thời đó.
Như đã nói ở trên, từ thế kỷ XVIII, các thứ kinh cầu đã bị dẹp hết chỉ trừ kinh cầu Lorêtô. Nhưng nhiều Dòng vẫn sử dụng những hình thức cổ truyền của mình một cách âm thầm, thí dụ như Dòng Đaminh có kinh cầu Đức Mẹ riêng, dài hơn kinh cầu Lorêtô nhiều.
Trong tiếng La Tinh, người ta gọi là kinh cầu Đức Mẹ chứ không phải là Đức Bà. Và ta nhận thấy, có 5 loạt các tước hiệu kính Đức Maria: thứ nhất, gồm ba tước hiệu lấy từ kinh cầu các thánh (Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh); loạt thứ hai gồm 10 lời kêu cầu dưới danh hiệu là “Mẹ” (Mater); loạt thứ ba gọi Đức Maria là “Trinh Nữ” (Virgo, gọi “Đức Nữ” là sai); loạt thứ bốn gồm danh hiệu gắn với “Đức Bà” thì cũng trật nữa, bởi vì tiếng La Tinh không có, mà gọi thẳng luôn tước hiệu, thí dụ: “Toà Đấng Khôn Ngoan, cầu cho chúng tôi”. Loạt thứ năm gồm những tước hiệu gắn với “Nữ Vương” (hay: Nữ Hoàng, Hoàng Hậu: Regina).
Cơ cấu của kinh Truyền Tin như chúng ta đọc ngày nay không thành hình đồng loạt vào một lúc. Lịch sử của nó kéo dài qua nhiều giai đoạn. Ta có thể lấy khởi điểm là việc cử hành mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể.
Vào thế kỷ V, nghĩa là vào hồi các tín hữu còn mừng mầu nhiệm Chúa Nhập Thể và Giáng Sinh vào cùng một ngày 25 tháng Chạp, thì Thánh Lêo Cả đã nói như sau: “Mỗi ngày và mỗi giây phút, Mẹ đồng trinh vẫn còn trưng bày việc Chúa Cứu Thế giáng sinh trước tâm trí những tín hữu nào suy gẫm các mầu nhiệm thánh. Khi linh hồn nhấc lên để ca ngợi Chúa Tạo Thành, dù khi tâm hồn xao xuyến van nài, dù khi hân hoan ca khen, dù khi dâng hiến hy sinh, thì không có chi có khả năng thu hút cặp mắt thiêng liêng và đức tin hơn là mầu nhiệm của Con Thiên Chúa sinh từ Cha và hiện hữu từ nguyên thủy với Cha đã sinh ra bởi một người nữ... Tâm trí chúng ta dán chặt vào, ra như thấy sờ sờ trước mắt, cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ Gabriel với Đức Maria đang ngơ ngác, cũng như việc thụ thai do quyền năng của Thánh Thần được hứa sẽ diễn ra cách lạ lùng và cũng được tiếp nhận với đức tin một cách lạ lùng” (In Nativitate Domini Sermo VI, 1: CCL 138, p.125).
Như thế ta thấy rằng Thánh Lêo Cả đã khuyến khích việc chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể, một thói tục đã được thực hành rồi. Thế nhưng, ngoài việc chiêm ngắm trong tâm trí, các tín hữu còn nhắc nhớ qua câu kinh nữa, bằng cách lặp lại lời chào của Thiên Sứ Gabriel, tục gọi là kinh Kính Mừng.
Bên các Giáo Hội Đông Phương, từ thế kỷ VI, lời chào của sứ thần “Ave” được quảng diễn thành một trường thi chào Đức Maria “Akathistos”, với 156 câu Ave. Nhưng đây chỉ là những vết sơ khởi về việc tưởng niệm mầu nhiệm Truyền Tin và Nhập Thể.
Dù sao thì cũng nên biết là từ thế kỷ VI, các tín hữu đã ghép thêm lời chào của Thiên Thần Gabriel (kính mừng Maria) với lời chúc tụng của bà Ysave (bà có phước lạ hơn mọi người nữ). Tuy nhiên, phải chờ tới thời Trung Cổ mới thấy những tài liệu về kinh Truyền Tin, gắn liền với những tập tục khác kèm theo.
Các đan viện Xitô có thói quen giật chuông khi mặt trời lặn, trùng vào lúc các đan sĩ kết thúc kinh cuối ngày (Completorium) khi quỳ gối hát kinh Lạy Nữ Vương và kinh Kính Mừng.
Bắt chước các đan viện, nhiều nhà thờ chánh toà hay giáo xứ cũng giật chuông vào ban chiều để nhắc nhở các tín hữu hãy ngưng công chuyện đồng áng và chuẩn bị trở về nhà. Khi nghe tiếng chuông, các tín hữu cũng theo gương các đan sĩ đọc kinh kính Đức Mẹ, cụ thể là ba kinh Kính Mừng, để kính nhớ sự Nhập Thể, bởi vì người ta cho rằng thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ vào ban chiều. Các tu sĩ Dòng Phanxicô, tuân theo nghị quyết của tổng hội năm 1269, đã truyền bá thói quen đánh chuông chiều và đọc ba kinh Kính Mừng.
Tôi nói chưa hết. Vào giai đoạn này, kinh Truyền Tin chưa có hình thù như ta có bây giờ. Khi nghe tiếng chuông chiều, các tín hữu đọc ba kinh Kính Mừng để kính nhớ biến cố Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ.
Tục lệ này càng đi sâu rộng vào dân gian khi mà chính ĐTC Gioan XXII (+1334) ban ân xá cho những ai quỳ gối đọc ba kinh Kính Mừng khi nghe chuông chiều, và chính người du nhập tập tục đó vào Rôma vào năm 1327.
Nhưng trước đó không lâu (nghĩa là cuối thế kỷ XIII), vài nơi còn giật chuông vào cả ban sáng nữa, dấu hiệu bắt đầu một ngày mới, trùng vào lúc các đan sĩ nguyện giờ Nhất (Prima) kính nhớ Chúa Phục Sinh. Nhưng đó là chuyện của các đan sĩ; phần giáo dân thì vốn đã quen đọc 3 kinh Kính Mừng khi nghe chuông chiều rồi, cho nên bây giờ nghe tiếng chuông ban sáng họ cũng đọc ba kinh Kính Mừng, để cầu khẩn người mà họ chào kính như là “Sao mai, rạng đông, rạng rỡ như mặt trời”.
Còn tập tục đọc kinh Truyền Tin vào ban trưa thì trễ hơn. Theo các sử gia, thì trước đây, có vài nơi đã giật chuông vào 12 giờ trưa ngày thứ Sáu để kính nhớ Chúa Giêsu chịu tử nạn trên thập giá. Vào năm 1456, ĐTC Callistô III (bulla Cum his superioribus annis), truyền mỗi ngày phải giật chuông trong khoảng từ giữa trưa và ba giờ chiều, và đọc 3 kinh Lạy Cha - 3 kinh Kính Mừng, để xin Chúa gìn giữ châu Âu cho khỏi bị quân Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm.
Vài năm sau, vua Louis IX bên Pháp muốn đánh chuông vào 12 giờ trưa để nhắc nhớ các tín hữu đọc 3 kinh Kính Mừng cầu xin ơn thái bình thịnh vượng. Sáng kiến của nhà vua được Đức Sistô IV tán thưởng và ban ơn xá cho ai đọc ba kinh Kính Mừng để cầu cho hoà bình (vào năm 1475).
Như chị vừa thấy, để kính nhớ biến cố thiên thần Truyền Tin, các tín hữu đã lặp lại lời của Thiên Sứ Gabriel chào Đức Mẹ: “Kính mừng Maria...”. Tuy nhiên dần dần nảy ra hai tục lệ khác nhau: một tục lệ đọc ba kinh Kính Mừng như một việc đạo đức riêng biệt, và một thói tục khác chêm ba câu Phúc Âm vào sau mỗi kinh Kính Mừng, thành kinh Truyền Tin như ngày nay. Ba câu ấy trích từ Luca 1,26.38 và Gioan 1,14, và kết thúc với lời nguyện của bài lễ Truyền Tin.
Hình thức này được hoàn tất vào thế kỷ XVI, và người ta thấy bản kinh trong một quyển sách giáo lý xuất bản ở Venise (Italia) năm 1560. Từ một tục lệ do lòng đạo đức bình dân, kinh Truyền Tin được Tòa Thánh phê chuẩn và cho in vào phụ trương của các sách nguyện từ năm 1570 trở đi.
Năm 1724, Đức Beneđictô XIII ban ơn đại xá cho ai quỳ gối đọc kinh Truyền Tin suốt một tháng khi nghe chuông nhà thờ đổ ba lần mỗi ngày. Từ đó nói được là kinh Truyền Tin trở thành phổ thông trong toàn thể Giáo Hội La Tinh.
Nhưng sự tiến triển chưa chấm dứt. Năm 1742, Đức Bênêđictô XIV truyền rằng vào các ngày Chúa Nhựt, thì các tín hữu đứng chứ không quỳ gối; và trong mùa Phục Sinh thì thay thế kinh truyền tin bằng kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng”.
Năm 1815, Đức Piô VII ban thêm ân xá cho ai thêm 3 kinh Sáng Danh để tạ ơn Chúa Ba Ngôi vì những hồng ơn ban cho Đức Maria. Và để cổ động cho việc đạo đức này, vào năm 1884, Đức Lêo XIII cho phép những ai không thuộc kinh Truyền Tin được thay thế bằng 5 kinh Kính Mừng.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, Đức Piô XII đã xướng kinh Truyền Tin qua làn sóng của đài phát thanh Vatican ngày 11/2/1958. Vị kế nhiệm, Đức Gioan XXIII đã du nhập thói tục đọc kinh Truyền Tin ở quảng trường Thánh Phêrô mỗi trưa Chúa Nhật trước khi ban phép lành Tòa Thánh.
Tục lệ đọc ba kinh Kính Mừng được quảng bá rộng rãi nhờ tích của Chị Matilđê Hackenborn, dòng Xitô (k.1240-1298). Chị thuật lại rằng Đức Mẹ đã hứa với chị là nếu ai trung thành mỗi ngày đọc 3 kinh Kính Mừng kính Chúa Ba Ngôi, thì vào lúc lâm chung Mẹ sẽ đến bên giường giúp đỡ xua đuổi các chước cám dỗ.
Thị kiến của Matilđê được Thánh Gertruđê ghi lại trong tác phẩm “Liber specialis gratiae”, một sách best-seller thời Trung Cổ.
Tuy nhiên, có rất nhiều vị thánh đã đọc và quảng bá thói tục đó dù chẳng tin gì vào thị kiến của Matilđê. Thí dụ ngay từ thế kỷ XIII, Thánh Antôniô Pađôva quen đọc ba kinh Kính Mừng để xin Đức Mẹ ơn được thanh khiết trong tư tưởng, trong con tim và trong thân xác.
Vào thời cận đại, trong số nhiều vị thánh đã cổ động việc đọc ba kinh Kính Mừng ta có thể kể ba vị thuộc Dòng Chúa Cứu thế: Alphongsô, Giêrađô, Clêmentê. Thậm chí có nhiều vị giáo hoàng còn du nhập vào các sách Phụng Vụ nữa; thí dụ Đức Piô V theo gương Dòng Camalđôli và Phanxicô, đã truyền đọc ba kinh Kính Mừng trước khi xướng kinh thần vụ; Đức Lêô XIII đã truyền đọc 3 kinh Kính Mừng sau Thánh Lễ; cả hai thói tục này mới bị bỏ với việc duyệt lại sách lễ và sách nguyện sau Công Đồng Vaticanô II.
Một hình thức khác nữa là đọc 3 kinh Kính Mừng trước khi lần chuỗi Mân Côi: vì vậy mà ở đầu các tràng chuỗi, ta thấy lòng thòng một dây gắn tượng thánh giá với 5 hạt: một hạt đọc kinh Lạy Cha, ba hạt đọc 3 kinh Kính Mừng, và 1 hạt đọc kinh Sáng danh.
Trong khi kinh Truyền Tin cử hành mầu nhiệm Nhập Thể, kinh Mân Côi kính nhớ mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc, thì có tác giả muốn coi việc đọc ba kinh Kính Mừng để kính Ba Ngôi Thiên Chúa vì những hồng ân đã ban cho Đức Maria. Nhưng cũng có thể nói ngược lại như thế này: ta đọc ba kinh Kính Mừng để nhờ Đức Maria làm cửa ngõ dẫn ta tới cùng Ba Ngôi Thiên Chúa. Dĩ nhiên, không ai cấm thêm những ý chỉ khác nữa, thí dụ xin Đức Mẹ đến giúp chúng ta “là kẻ có tội, bây giờ và nhất là trong giờ lâm tử”.
Như tôi đã có lần lưu ý, chúng ta nên thận trọng khi giải thích biến cố Lepantô, đừng nên coi đó như là một chiến tranh tôn giáo, như có người đã muốn móc nối khi khai chiến chống Taliban ở Afganistan vào ngày 7/10/2001. Một sự hiểu lầm trầm trọng cũng có thể xảy ra khi chúng ta móc nối Đạo Binh Đức Mẹ với đạo quân Kitô Giáo tham gia trận chiến Lêpantô. Giữa hai bên không có liên hệ lịch sử gì hết, ngoại trừ danh thánh Đức Mẹ Maria.
Đạo binh Xanh cũng là Đạo binh Đức Mẹ, nhưng Đạo binh Đức Mẹ không phải là Đạo binh Xanh. Đây không phải là chơi chữ, nhưng vì dịch không chính xác cho lắm.
Nói cho đúng, trong lịch sử Giáo Hội, đã có nhiều hội đoàn được lập ra để kính Đức Mẹ. Tại Việt Nam, chúng ta biết đến hai hội đoàn mang tên là “Đạo binh”, thoạt nghe có thể liên tưởng đến lực lượng vũ trang, nhưng kỳ thực họ không phải là lực lượng quân sự mà chỉ là các phong trào tông đồ: khí giới chiến đấu là cầu nguyện, đặc biệt là đọc kinh Mân Côi.
Tuy trong tiếng Việt cả hai nhóm đều được dịch là “Đạo binh”, nhưng trong nguyên ngữ, thì một bên là “Legio Mariae” (tiếng La Tinh, dịch là đạo binh Đức Mẹ), còn bên kia là tiếng Anh “Blue Army of our Lady of Fatima” (dịch là “Đạo binh xanh”). Hai hội đoàn bắt nguồn từ hai bối cảnh lịch sử và địa lý khác nhau.
Legio Mariae phát xuất từ nước Ai-len (Ireland) chứ không phải từ Rôma, tuy hội đoàn này sử dụng các từ ngữ của quân đội Rôma cổ thời. Legio có nghĩa là “đạo quân”.
Vào cổ thời, Đế quốc Rôma đã bành trướng nhờ đạo quân của mình, và dĩ nhiên là sử dụng lực lượng binh bị. Tổ chức Legio Mariae thì muốn chinh phục các linh hồn về cho Chúa nhờ lời cầu nguyện và việc tông đồ. Thiết tưởng cũng nên nêu bật một sự khác biệt không nhỏ trong chiến thuật áp dụng: đó là đạo binh Rôma thì tấn công ồ ạt, còn đạo binh Đức Mẹ thì hoạt động âm thầm, qua những cuộc tiếp xúc lẻ tẻ.
Tổ chức này mới được 85 tuổi, ra đời ngày 7 tháng 9 năm 1921 tại Dublin, khi ông Frank Duff (+ 7/11/1980) một công chức nhà nước, đang khi họp nhau cầu nguyện với một số phụ nữ thành viên hội Vinhsơn Phaolô, đã quyết định dấn thân thêm một bước.
Cho đến nay, họ đã hoạt động để giúp đỡ những người nghèo theo tôn chỉ của hội. Nhưng sau khi suy gẫm đoạn sách “Thành thực sùng kính Mẹ Maria” của Thánh Louis Marie Grignon de Montfort, họ muốn kết hiệp với Mẹ Maria để đem các linh hồn về với Chúa. Nói cách khác, từ lãnh vực bác ái từ thiện, họ muốn chuyển sang hướng truyền giáo.
Đành rằng trước đây đã có nhiều hiệp hội dấn thân vào công tác tông đồ truyền giáo, dựa trên mệnh lệnh của Chúa Kitô: “Các con hãy đi khắp muôn dân và rao giảng Tin Mừng cho họ”, nhưng đặc trưng của đạo binh Đức Mẹ là họ muốn thi hành sứ mệnh dưới sự hướng dẫn của Mẹ Maria, hợp tác với Mẹ trong việc “sinh Chúa Giêsu trong các linh hồn”.
Lý tưởng này cũng hướng dẫn đường lối hành động. Trước hết các hội viên cố gắng nên giống Mẹ Maria qua việc bắt chước các nhân đức, cách riêng là đức tin, đức mến và đức khiêm nhường. Thứ đến quảng bá lòng sùng kính Mẹ Maria, qua việc đọc kinh kính Đức Mẹ, cách cá nhân và khi họp nhau hằng tuần. Thứ ba là thi hành một công tác tông đồ được vị linh giám trao phó.
Như đã nói lúc nãy, công tác này không có tính cách rầm rộ, nhưng qua việc tiếp xúc những người đang gặp khó khăn trong việc giữ đạo, những người sống xa nhà thờ, những người chưa biết Chúa. Các phần tử của Legio trở thành những nhà truyền giáo tìm cách đưa mọi người về với Chúa. Tuy hoạt động âm thầm như vậy, nhưng Legio Mariae đã thu được nhiều kết quả đầy khích lệ, được nhiều vị giáo hoàng và giám mục tán thưởng.
Đây là một hình thức tông đồ giáo dân ra đời 40 năm trước Công Đồng Vaticanô II: một hiệp hội do giáo dân thành lập và điều khiển, với những phương tiện nằm trong tầm tay của họ. Ông Frank Duff được mời đến tham dự công đồng với tư cách quan sát viên.
Đạo binh Đức Mẹ hiện diện trên khắp thế giới; những số thống kê gần đây cho biết họ đang hoạt động tại hai ngàn giáo phận, với con số hội viên là một triệu “hoạt động” và 10 triệu “tán trợ”. Nên biết là bên cạnh những hội viên hoạt động, còn có những hội viên tán trợ; hạng thứ hai cam kết cầu nguyện theo những mục tiêu của Legio, chứ không tham gia vào hết các sinh hoạt.
Có lẽ muốn dịch cho sát nghĩa, thì phải nói là “Quân đội màu xanh da trời” (Blue Army). Tên gọi này hơi có vẻ khiêu khích, bởi vì “Quân đội Xanh” muốn đối lại với “Quân đội Đỏ” (tức là Hồng quân). Dù sao, sự đối kháng chỉ xảy ra ở danh xưng mà thôi, chứ Đạo Binh Xanh không phải là một lực lượng quân sự đâu. Tên gọi chính thức là “Đạo binh Xanh Đức Mẹ Fatima - Phong Trào Tông Đồ Fatima”. Tên gọi này làm nêu bật tôn chỉ của hội, đó là cổ võ việc tuân hành các mệnh lệnh của Đức Mẹ ở Fatima.
Tổ chức này bắt nguồn từ sứ điệp của Đức Mẹ hiện ra ở Fatima năm 1917, nhưng ra đời tại Hoa Kỳ 30 năm sau.
Đạo Binh Xanh ra đời vào tháng 10 năm 1947, tại Plainfield, thuộc bang New Jersey, do sáng kiến của Linh Mục Harold Colgan (+16/4/1972). Lúc ấy, Cha Colgan đang nằm bệnh viện, trong tình trạng thập tử nhất sinh. Cha khấn xin Đức Mẹ cứu giúp, và hứa rằng nếu được lành thì sẽ dâng trót đời còn lại để quảng bá lòng tôn sùng Mẹ Maria. Vừa khấn xong, thì cha đứng lên, ra khỏi bệnh viện trước sự ngỡ ngàng và lo sợ của các bác sĩ.
Cha Colgan đã giữ lời, và lên đường hoạt động, với sự hỗ trợ tinh thần của Chị Lucia và Cha Piô mang năm dấu thánh. Cần nói thêm rằng trong số những cộng sự viên đắc lực nhất của Cha Colgan, là ông John Haffert.
Trụ sở của Đạo Binh Xanh đặt tại đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm được cất tại Washington (bang New Jersey), và đến khi đã mở rộng tầm hoạt động thì đặt văn phòng trung ương tại chính Fatima.
Theo tôi nghĩ, trước khi nói đến sự khác biệt, thì nên nói tới sự tương đồng. Trong tiếng Việt, cả hai đều là “đạo binh” tuy rằng trong nguyên gốc là hai danh từ khác nhau. Điểm tương đồng giữa hai đoàn thể là cả hai đều không phải là lực lượng chính trị quân sự, mà là những hội đoàn đạo đức. Có thể là họ dùng những từ ngữ quân sự, nhưng chúng ta cần hiểu theo nghĩa bóng.
Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu hãy khoác khí giới, áo giáp để giao chiến với ma quỷ, và chắc chắn là không ai tố cáo ngườii là hiếu chiến hoặc khủng bố! Chúng ta cũng đừng quên rằng danh từ “Legio” không chỉ được áp dụng cho đạo quân Rôma mà thôi, mà còn cho đạo binh ma quỷ nữa (như chúng ta đọc thấy ở Tin Mừng Marcô 5,9), đối lại, Phúc Âm cũng nói đến một đạo binh các thiên thần đứng về phía Chúa Giêsu (Mt 26,53).
Điểm tương đồng thứ hai, là cả hai đều xác tín về vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu độ. Đành rằng Chúa Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất, nhưng Đức Maria đã được Thiên Chúa xếp đặt để góp phần tích cực vào chương trình đó. Điều này không chỉ xảy ra vào cuộc đời của Đức Kitô từ lúc Nhập Thể đến lúc Phục Sinh, nhưng vẫn còn tiếp tục cho đến ngày quang lâm.
Chính vì thế, Đức Maria tiếp tục hợp tác với Hội Thánh trong việc thiết lập Nước Thiên Chúa. Đó là nền tảng thần học chung mà ta có thể nhận thấy trong cả hai đoàn thể.
Không hẳn như vậy. Cả hai đều đặt nặng vấn đề cầu nguyện, cách riêng việc đọc kinh Mân Côi. Cả hai đều đặt nặng việc thực hành nhân đức, cải thiện đời sống. Theo cảm nghĩ của tôi, ngoài việc cầu nguyện và thực hành nhân đức, Đạo Binh Đức Mẹ còn thêm việc tông đồ, cách riêng là với những người sống xa nhà thờ.
Đạo Binh Xanh cổ động việc thực hành ba mệnh lệnh Đức Mẹ Fatima: ăn năn đền tội, cải thiện đời sống, lần chuỗi Mân Côi. Vì thế cũng dễ hiểu nếu không nói đến hoạt động truyền giáo trực tiếp. Các thành viên được mời gọi hãy tham gia vào việc cầu nguyện và hãm mình, cách riêng qua việc chấp nhận chu toàn các nghĩa vụ nghề nghiệp.
Về cách tổ chức, ta thấy các hội viên Đạo Binh Đức Mẹ được phân thành từng tổ nhóm, họp nhau thường xuyên để cầu nguyện và chia sẻ. Cơ cấu này không có nơi Đạo Binh Xanh, một tổ chức mang chiều kích tinh thần nhiều hơn là cơ chế.
Đạo Binh Xanh tổ chức những buổi cầu nguyện chung, chẳng hạn như các ngày thứ Bảy đầu tháng, nhưng không thuần tuý dành riêng cho các hội viên, đó là chưa kể các Thánh Lễ, các cuộc hành hương.
Xưa nay, kinh Mân Côi gồm 150 kinh Kính Mừng, được chia làm ba phần, được đặt tên là ba mùa Vui Thương Mừng; mỗi phần gồm 5 mầu nhiệm, và mỗi mầu nhiệm gồm 10 kinh Kính Mừng. Nhưng từ năm 2002, ĐTC Gioan Phaolô II đã thêm mùa Sự Sáng, với 5 mầu nhiệm nữa. Như thế ngày nay kinh Mân Côi gồm 200 kinh Kính Mừng.
Điều đáng ghi nhận là trong tông thư Rosarium Virginis Mariae, đức thánh cha đã nêu bật rằng Kinh Mân Côi chính yếu là việc suy niệm các mầu nhiệm của Chúa Giêsu; như vậy hiểu ngậm rằng chúng ta suy niệm những vui buồn của Chúa Giêsu, nhưng đồng thời cũng nhớ đến các vui buồn của Mẹ Maria, và thậm chí của chính chúng ta nữa.
Thật ra, khi đọc văn kiện này, chúng ta nhận ra rằng ý nghĩa của kinh Mân Côi đã thay đổi rất nhiều trải qua dòng thời gian: từ một kinh kính Đức Mẹ, sang một kinh kính Chúa Giêsu.
Theo các sử gia, nguồn gốc của Kinh Mân Côi xuất phát từ các đan viện. Lúc đầu, các đan sĩ đọc 150 thánh vịnh để chúc tụng Chúa, mà ta gọi là “kinh thần vụ”. Những đan sĩ nào không hiểu tiếng La Tinh thì đọc 150 kinh Lạy Cha để thay thế 150 thánh vịnh.
Dần dần, kèm theo kinh Lạy Cha, người ta thêm vào 150 kinh Kính Mừng. Từ đó nảy ra tên gọi Bộ Thánh Vịnh của Chúa Kitô (Psalterium Christi) gồm 150 kinh Lạy Cha, và Bộ Thánh Vịnh Đức Mẹ (Psalterium Marianum) gồm 150 kinh Kính Mừng.
Từ thế kỷ XII, người ta tách riêng ra bộ Thánh Vịnh Đức Mẹ, và chia làm ba phần để đọc vào buổi sáng, trưa, chiều (cũng tương tự như kinh Truyền Tin ngày nay), và có nơi gọi là “ba vòng hoa”, với dụng ý rõ ràng là ba vòng hoa (hay triều thiên) dâng kính Đức Mẹ.
Thế kỷ XV ghi nhận một bước tiến nữa, đó là phân chia bộ Thánh Vịnh Đức Mẹ thành 15 chục kinh Kính Mừng, và thêm 1 kinh Lạy Cha ở đầu mỗi chục. Cũng vào thời này, kèm theo việc đọc kinh Kính Mừng, người ta móc nối với việc ghi nhớ một ý tưởng về cuộc đời Chúa Cứu thế.
Dần dần, các mầu nhiệm ấy được gom lại và được tổ chức thành 3 mùa, được đặt tên là Mùa “vui mừng - đau thương - và vinh quang”. Dù sao, kể từ năm 1569, ĐTC Piô V đã ấn định hình thức đọc kinh Mân Côi, với 15 mầu nhiệm mà chúng ta đã quen thuộc.
Xét về nguồn gốc thì kinh Mân Côi là kinh nguyện kính Đức Mẹ, gồm bởi việc lặp lại 150 lần kinh Kính Mừng Maria. Trong tiếng La Tinh, kinh này được đặt tên là Rosarium, được dịch sang tiếng Việt bằng 4 từ ngữ: “mân côi, môi khôi, mai khôi, văn côi”.
Vào thời Trung Cổ, rosarium mang nhiều ý nghĩa. Đôi khi được hiểu là một hợp tuyển các bài ca hay các danh ngôn. Đôi khi được hiểu là vòng hoa hường mà các công tử biếu tặng người yêu. Đôi khi được hiểu là vòng hoa hường mà các cô bé đội trên đầu (vì thế tiếng Pháp dịch là chapelet, nghĩa là cái mũ nhỏ, petit chapeau).
Trong tâm thức dân gian, kinh này được hiểu như là những bông hoa hường mà người tín hữu dâng kính Đức Mẹ: đó là những bông hoa thiêng liêng, khác với hồi tháng Năm, chúng ta dâng cho Mẹ những bó hoa thực sự.
Tôi xin nhắc lại: xét về nguồn gốc, kinh Mân Côi là một kinh kính Đức Mẹ. Tuy nhiên, sang thế kỷ XX, đặc biệt là sau Công Đồng Vaticanô II, người ta bắt đầu suy tư về bản chất của kinh này, và coi đây là một kinh kính Chúa Giêsu hơn là kính Đức Mẹ.
Tại vì kèm theo việc đọc các kinh Kính Mừng, chúng ta được mời gọi suy nịêm những mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu thế. Vì thế có thể nói rằng: kinh Kính Mừng là cái vỏ, còn các mầu nhiệm là cái ruột.
Sự chuyển hướng này được biểu lộ rõ rệt nơi tông huấn Marialis cultus của ĐTC Phaolô VI, ban hành ngày 2 tháng Hai năm 1974, nghĩa là cách đây 40 năm. Kinh Mân Côi được gọi là “toát yếu của Tin Mừng”, hoặc “kinh nguyện Tin Mừng”, bởi vì nhắm đến trung tâm điểm của Tin Mừng là mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc của Chúa Kitô.
Tôi nghĩ rằng có sự trục trặc trong việc dịch thuật từ tiếng La Tinh sang tiếng Việt. Nguyên ngữ của nó không phải là “vui- thương - mừng” nhưng là “vui mừng - đau khổ - vinh quang” (gaudiosa - dolorosa - gloriosa).
Trọng tâm của 5 mầu nhiệm “vui mừng” là cuộc Nhập Thể của Chúa Giêsu. Trọng tâm của 5 mầu nhiệm “đau thương” là cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Trọng tâm của 5 mầu nhiệm “vinh quang” là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Đây là hai mầu nhiệm cốt yếu của công cuộc cứu chuộc nhân loại: Đức Kitô, Lời Thiên Chúa, đã Nhập Thể làm người, đã chịu khổ nạn trên thập giá và đã sống lại. Đó là cốt lõi của Tin Mừng.
ĐTC Gioan Phaolô II đẩy mạnh thêm hướng đi mà ĐTC Phaolô VI đã mở ra, đó là kinh Mân Côi là một kinh nguyện kính Chúa Giêsu hơn là kinh nguyện kính Mẹ Maria; hay nói chính xác hơn, đây là một kinh nguyện suy gẫm cuộc đời Chúa Giêsu với cặp mắt và trái tim của Mẹ Maria.
Đức Gioan Phaolô II nhận thấy rằng có một lỗ hổng rất lớn trong Kinh Mân Côi cổ truyền, đó là bỏ qua tất cả cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Các mầu nhiệm mùa “vui” dừng lại ở cảnh lạc mất Chúa Giêsu trong đền thờ lúc 12 tuổi; các mầu nhiệm đau thương và vinh quang chú trọng đến cuộc tử nạn và phục sinh vào lúc cuối đời; nhưng các lời giảng và việc làm của Chúa Giêsu trong ba năm hoạt động thì không được nhắc đến. Vì thế người đã đề nghị thêm vào 5 sự Sáng, bắt đầu từ khi Chúa Giêsu lãnh phép rửa tại sông Giorđan cho đến khi bữa Tiệc Ly, bắt đầu cuộc tử nạn.
Khi ôn lại nguồn gốc và sự tiến triển của kinh Mân Côi, ta có thể trả lời rằng: vào lúc đầu, các tín hữu suy gẫm những tâm tình vui buồn của Mẹ Maria khi tiếp xúc với cuộc đời Chúa Cứu Thế. Nhưng với sự tiến triển thần học ngày nay, chúng ta phải đặt cuộc đời Chúa Cứu thế lên hàng đầu. Dĩ nhiên, hai cái nhìn ấy không loại trừ nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta suy niệm cuộc đời Chúa Cứu thế với cặp mắt và trái tim của Đức Mẹ.
Trong năm sự Vui, Chúa Giêsu không vui cho bằng chính Người đem lại niềm vui cho nhân loại. Điều này rõ rệt trong sứ địêp mà các thiên thần loan báo cho các mục đồng trong ở Belem trong đêm Chúa ra đời: “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân. Hôm nay Đấng Cứu độ đã sinh ra trong thành Đavit”.
Đức Maria đã nhận được tin vui ấy sớm hơn mọi người, khi thiên sứ đến Nazarét: “Mừng vui lên, hỡi người được Chúa thương, Thiên Chúa ở với chị”. Và Đức Maria đã bộc lộ niềm vui ấy trong bài thánh ca Magnificat, bởi vì Thiên Chúa đã dùng người để ban ơn cứu độ cho nhân loại.
Như vừa nói, các sự Sáng muốn nói đến việc Đức Giêsu loan báo Nước Trời cho nhân loại. Người ý thức rằng mình được Thần Khí Chúa sai đến để mang tin mừng cho người nghèo, an ủi người sầu khổ. Đức Maria chia sẻ vào niềm vui ấy, cách riêng ở tiệc cưới Cana, khi Mẹ nhắn nhủ các môn đệ hãy làm theo lời Chúa dạy.
Đúng rồi, chúng ta đi theo Chúa Giêsu từ khi hấp hối trong vườn Cây Dầu cho đến khi chết trên thập giá. Nhưng Đức Maria cũng hiện diện trong những cảnh tượng này hoặc bằng tinh thần hay đích thân, như Thánh Gioan đã thuật lại.
Như vậy, Đức Maria cũng chia sẻ vào những đau khổ của Chúa Giêsu, cũng như góp phần vào công trình cứu chuộc nhân loại. Chính vì cùng chia sẻ với những đau khổ của Chúa Giêsu, cho nên Đức Maria cũng được chia sẻ vinh quang của Chúa phục sinh.
Điều này rõ rệt trong các mầu nhiệm vinh quang. Ở mầu nhiệm thứ nhất và thứ hai, các tín hữu được mời gọi suy gẫm sự sống lại và lên trời của Chúa Giêsu; còn ở mầu nhiệm thứ bốn và thứ năm, thì chúng ta suy gẫm việc Đức Maria được chia sẻ vào sự sống lại và vinh quang của Chúa qua chính cuộc sống lại và tôn vinh mà Chúa dành cho Mẹ.
Đúng rồi, và còn hơn thế nữa. Trong tông thư về kinh Mân Côi số 26, ĐTC Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta hãy khám phá ra nơi các mầu nhiệm của Đức Kitô kể cả mầu nhiệm về con người nữa. Nơi đây, chúng ta sẽ tìm được ánh sáng chiếu soi ý nghĩa của những niềm vui, nỗi buồn, những lo âu và hy vọng của cuộc sống con người, xét theo cá nhân, cũng như của các gia đình nữa.